Ở Normandie
ới Roux, ý tưởng này có vẻ thật dớ dẩn. Xem biển. Ông tắt cái đèn Bunsen, chùi tay vào vạt áo blu trắng, giơ hai tay lên trời. Cứ như là đang mơ ấy. Xem biển. Thế sao lại không tìm một làng chài mà sống đến trọn đời luôn đi. Thì đúng thế, Yersin nói… Nhưng mà thôi. Này, anh có một ý thế này. Kết hợp cái hữu dụng với cái dễ chịu. Lợi dụng chút tiếng tăm chuyên gia ho lao của mình, chàng bác sĩ Yersin trẻ tuổi xin được Cơ quan thanh tra hàn lâm cử đi công cán ở Grandcamp vùng Calvados. Anh dự định xem xét vi khuẩn trong miệng những đứa trẻ sống ở nơi trong lành và thoáng khí. Anh sẽ so sánh chúng với các vi khuẩn mà người ta tìm thấy trong miệng lũ trẻ học tại các trường ở Paris. Xem liệu bầu trời nhiễm bẩn vì khói nhà máy có phải là yếu tố làm bệnh nặng thêm. Anh vừa mua một chiếc xe đạp đời mới có xích líp do Armand Peugeot sản xuất.
Yersin đóng vali, bọc kính hiển vi lại, lên tàu đi Dieppe, đạp xe đến Le Havre, đi phà sang Honfleur và đạp xe tới tận Grandcamp. Sáng ra, anh đi một vòng các lớp học, lũ trẻ há to miệng trước mặt anh, tối đến anh đi dạo trên bờ biển và gặp các ngư dân nhận lời cho anh lên thuyền. Đêm, ở nhà trọ anh đọc Ngư dân Băng Đảo của Pierre Loti (Pierre Loti (1850-1923), bút danh của Julien Viaud, là nhà văn Pháp rất nổi tiếng chuyên viết về những miền đất xa xôi, gắn chặt với chủ nghĩa thực dân Pháp). Anh và Loti có chung đặc điểm là đều cô độc từ nhỏ. Những gia đình khiêm tốn và trung thực ở tỉnh lẻ, đạo Tin Lành hà khắc, những người cha vắng mặt. Hai chàng trai ấy lớn lên giữa đám phụ nữ. Từ đó họ hình thành thói căm ghét phụ nữ tiềm ẩn và chiều hướng tình dục không xác định, giấc mơ được ngao du năm châu bốn bể. Tuy nhiên, ý tưởng ấy đến với bạn chóng hơn trong một gia đình thủy thủ ở Rocheforg-sur-Mer so với ở Morges, bang Vaud.
Yersin hai sáu tuổi và lần đầu tiên thấy biển.
Không phải là đứng trên vách đá, tóc bay trong gió như một nhà thơ phái Thi Sơn, mà là trên chiếc tàu đánh cá Raouil trồi lên tụt xuống vì sóng đánh lên boong, đi bốt và mặc áo mưa, bên cạnh những thao tác buồm rất cầu kỳ và công việc chỉn chu.
Trong cơn phấn khích, để gửi cho Fanny là độc giả duy nhất, anh viết một đoạn bắt chước giọng văn Loti hoặc các nhà thám hiểm, các nhà hàng hải đi khám phá những tộc người lạ. Anh miêu tả một thế giới toàn đàn ông, đầy tình bằng hữu, một cái gì đó giữa Loti và tiểu thuyết Lao động biển cả của Victor Hugo, dẫu Yersin còn chưa biết đến thuật ngữ “phần nổi của tàu”, cũng như tục lệ không nhắc đến dây thừng khi ở trên tàu, hay trong nhà có người treo cổ: “Con tàu đột ngột khựng lại, sợi dây thừng buộc tấm lưới thiếu điều đứt phựt. Nhanh tay lên nào, hạ buồm xuống, đang có một tảng đá lớn mắc vào làm lưới rách toạc đến mấy mét vuông, cũng nhanh lên nào, kim đan lưới và dây cước để vá các lỗ thủng. Mãi gần bảy giờ mới sửa xong lưới nhưng cá chim thì chỉ đánh được vào ban ngày thôi. Đêm thì người ta đánh cá bơn, cũng rất được chuộng nhưng như thế thì phải lại gần bờ: cá bơn sống trong một đáy trũng toàn cát, không có đá tảng.” Tối đến, trên boong họ nướng cá hồng. Rồi mọi người, trừ hai người đến phiên trực và người hành khách, “đi ngủ ở khoang của mình”. Đọc những bức thư như vậy, Fanny, ngồi trong phòng khách đầy hoa của mình tại Nhà Cây Sung, thấy hơi thất vọng. Có điều gì đó không ổn.
Là đứa con mồ côi ngoan, Yersin đã thỏa mãn bà trong mọi ao ước mẫu tử. Anh đã trở thành thầy thuốc. Con trai tôi là bác sĩ đấy, các bà mẹ nói vậy. Và Yersin thì còn hơn thế. Một nhà bác học. Làm việc cùng Pasteur. Bà bảo, cánh tay phải của ông ấy đấy. Giờ thì đủ rồi. Anh phải về Morges sống với bà, trong ánh hào quang, mở một phòng khám ven Hồ và lập nghiệp. Bà thấy lo, Fanny. Các bà mẹ lúc nào chẳng thế. Có lẽ một mạch máu nào đó trong đầu không ổn lắm. Giống bố nó. Kết quả là thế đấy. Đứa con trai này không bao giờ thỏa mãn. Nó sẽ còn nghĩ ra thứ gì nữa đây. Nó muốn đi tới xứ những người man dã. Cứ như lũ Pháp vẫn chưa đủ hay sao ấy. Bà đọc lại bức thư vừa nhận được. “Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời nữa.”
Sau Normandie, tất tật những thứ này được chốt lại như một nút buộc thủy thủ. Yersin sẽ không sống hết phần đời còn lại của mình trước ống nghiệm. Mắt dán vào kính hiển vi thay vì chân trời. Anh cần không khí. Im lặng và cô độc. Thế nhưng đúng lúc ấy thì Roux, rõ ràng thông hiểu trực khuẩn hơn con người, cứ tưởng đâu mình đem lại vinh hạnh cho anh, ngay khi anh trở về đã giao cho anh dạy môn vi khuẩn học.
Với Yersin, môn đệ của một phương thức “dạy dỗ như đỡ đẻ” (Phương pháp tư duy triết học của Socrates (k.470-399 tr.CN)), chẳng gì trong những thứ có thể giảng dạy xứng đáng được học, dẫu rằng mọi sự ngu dốt đều là phạm tội. Cả đời mình anh sẽ vẫn cứ là một người tự học xuất chúng và sẽ chỉ dành sự khinh bỉ cho lũ người cần mẫn. Chỉ cần biết quan sát là đủ. Nếu đã không biết thì người ta sẽ chẳng bao giờ biết hết. Giữa hai người, sự không hiểu nhau tăng lên. “Chuyện này đã gây ra một trận cãi vã kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ.”
Đứa trẻ mồ côi Confolens giáo huấn đứa trẻ mồ côi Morges, kêu gọi anh quay trở lại với bổn phận một cộng sự của Pasteur. Nhưng mà Chúa ơi, hàng nghìn người sãn sàng bán cả em gái mình để được ở vào vị trí của anh, thế mà anh, Yersin… Ông không biết nói gì trước chàng thanh niên rụt rè với tương lai đầy hứa hẹn ấy, trước cái nhìn kiên quyết màu xanh lơ ấy. Với ông, nghiên cứu khoa học giống như chơi đàn vĩ cầm. Một anh chàng có khiếu nhưng tài tử được ban hồng ân của Chúa. Đã có thiên tư, nhưng phải có cả vận may nữa vì nếu không thì tài năng có là gì đâu. Chính Mozart cũng từng sẵn sàng chọn nghề tiều phu đốn củi. Rimbaud thì đi buôn cà phê Moca và súng trường Liège. Còn chàng trai này làm ông điên tiết với câu chuyện đạp xe đường dài và những chuyến dong thuyền câu cá. Roux tự nhủ có thể ông đã đặt niềm tin của mình ở nhầm chỗ. Rằng Yersin là một ngôi sao chổi. Và ở tuổi hăm sáu, giống các nhà toán học và thi sĩ, đôi khi, ánh sáng của anh ta đã lụi tắt rồi.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả