Tuổi Nước Độc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7 -
ôi đang nằm với Vịnh ở nhà Trương thì thấy Thu bước lên chân thang. Thu mang trên vai một cái đẫy lớn. Trương ngạc nhiên nhìn em:
"Mày ra làm gì thế?"
"Em ra vì không thể ở nhà được".
Thu chào chúng tôi rồi bỏ đẫy xuống giường. Nó có một cử chỉ cảm động rơm rớm nước mắt nhìn Trương:
"Thầy mất rồi!"
Trương mở mắt kinh hãi:
"Sao? Sao? Thầy mất vì sao? Sao không nhắn tin ra cho tao về?"
"Về thì cũng chả ích gì. Du kích nó bắt thầy ủng hộ tiền, thầy bảo hết - mà quả thật bây giờ còn gì đâu. Chúng không tin và bắt thầy đi, em đòi theo chúng không cho. Hai hôm sau được người làng cho biết: Xác thầy nằm ở cầu Đình Đỏ. Hai phát súng từ mang tai này sang mang tai kia. Em chôn cất xong giao nhà cho ông Hai rồi lên đây vừa một tuần".
Trương ngồi xuống ghế ôm đầu. Thu mệt mỏi nằm xuống giường. Tôi và Vịnh nín thinh ngồi nhìn nhau. Một lúc, Thu ngồi dậy và bảo:
"Mai em vào lính".
Trương nhìn lên, đôi mắt đỏ hoe nước mắt chảy dài trên gò má. Đã bao lâu nay tôi mới được trông thấy nước mắt của người bạn chảy ra.
"Không! Tại sao vào lính?"
"Anh còn hỏi tại sao ư? Thì chúng nó bắn chết thầy đó. Thử hỏi là tội gì? Minh trông thấy đó mà ngồi yên cho chúng nó cười à?"
"Không thể như thế được".
"Anh hèn yếu không dám lựa chọn. Anh chịu như thế này à? Em muốn trả thù".
Trương nín thinh. Vịnh mấy lần định nói đều thôi.
Tôi ôn tồn bảo Thu:
"Em hãy thử bình tĩnh lại xem sao. Có điều ở giữa hai bên tranh giành, chúng ta đều không chấp nhận. Tại sao lại chiến đấu cho một kẻ ngoại xâm - một kẻ thù đô hộ đã đặt xiềng xích trên vai mình. Dù cho mình muốn - mà ở trong hàng ngũ vì mục đích thù hằn nào cũng đã hỏng. Tại sao mình không nghĩ là mình… Hãy bình tĩnh để khỏi nao núng mọi người. Em thử nghĩ xem".
Nhưng những ý nghĩ, khuyên răn không làm Thu đổi ý kiến. Thu vào lính nhảy dù ở Đấu Xảo. Khi Trương vắng nhà, Thu viết mấy dòng báo tin cho anh.
Trương ngây người không biết nói sao. Tôi gặp Vịnh ở thư viện. Tôi nói:
"Thu nó vào lính nhảy dù rồi. Bao giờ cậu ra ngoài?"
Tôi cố gắng đi học đều, gặp Hợp luôn. Tôi vắng Trương và Vịnh. Nhớ Hiền đến trong trí não tôi một buổi chiều. Ở trường ra, tôi nhảy xe lên Yên Phụ. Mấy tháng liền không gặp, bây giờ thấy cần sự có mặt của nàng. Tôi mang cảm tưởng của một người đi xa, vắng mặt đã quá lâu. Lúc ở trong khoang xe điện vắng, tôi hình dung ra cặp mắt ngạc nhiên của Hiền khi gặp tôi. Tôi từ trên xe xuống và bước thật mau.
Tôi đứng trước căn nhà cụ, cổng đóng, tôi không ngờ nhà Hiền lại ngủ sớm nên hơi ngạc nhiên. Tôi gõ khẽ, một lúc tôi nghe tiếng guốc nhẹ, yếu từ trong nhà đi ra. Tôi nghe tiếng mẹ Hiền hỏi:
"Ai đấy?"
"Thưa bác cháu đây ạ!"
"Trời, làm bác mong mãi không thấy anh lên. Tội nghiệp con Hiền quá cháu ơi…"
"Thưa bác sao vậy?"
Vừa mở cửa cho tôi, mẹ Hiền vừa nói:
"Em nó bị bắt hơn tháng nay rồi. Không hiểu trời đất ra làm sao cả".
"Sao lại bị bắt ạ?"
"Có ai hiểu. Vào một đêm có chiếc xe díp đến đỗ ở cửa rồi hai người mang súng vào đập cửa bảo có giấy bắt nó vì có liên lạc với ngoài. Chỉ nói thế rồi người ta lôi đi. Anh nó sáng hôm sau đi tìm hỏi cùng khắp các quận, công an, đâu cũng bảo không có. Khổ quá! Cũng không biết nó ở đâu bây giờ".
"Sao bác lại để cho người ta mang đi?"
"Thì anh tính… Ai ngờ được thế này. Tôi mong nó, dò hỏi mà chẳng được tin gì. Ở nhà buồn chỉ biết khóc. Cửa hàng không bán nữa…"
Mẹ Hiền vừa nói vừa khóc. Tôi vẫn đứng ở ngưỡng cửa. Bà mẹ già lau nước mắt:
"Anh vào trong cho sáng chứ anh… Bác mong anh mãi… Sao lâu không đến chơi. Anh thử nghĩ xem làm sao mà tìm cho ra tin nó?"
Tôi bâng khuâng đầu óc như tan rã. Tôi cảm thấy như vừa mất đi một cái gì. Tôi ngồi im lặng khá lâu và nhìn vào ngọn đèn nhỏ.
"Bác cứ yên tâm để cháu hỏi tin tức xem sao. Cháu chỉ lo có chuyện thù hằn gì".
"Nó thì thù hằn gì với ai. Bạn bè cũng chả có nữa".
Tôi thấy tôi đang ngồi ở một căn nhà xa lạ. Tôi từ giã mẹ Hiền đi ra bờ đê ngồi ở trên cỏ may nhìn sang bãi Phúc Xá - đã có một vài ánh đèn - bây giờ Hà Nội bắt đầu thay đổi. Những đống gạch vụn được mang đi dần, những mái nhà mới dựng lên. Dân tị nạn ở các vùng trận tuyến trong các làng quê chạy lên thành phố thêm đông. Những cuộc lạc quyên, gắn huy hiệu của hội Nạn nhân chiến tranh được tổ chức thường xuyên.
Chiến tranh mỗi ngày một ác liệt và lan rộng. Tôi đọc một ít tin tức trên báo chí Pháp về những mối bất hoà của chính quyền với dân. Sự phản đối của một số người mới và sự bám sát của phe thuộc địa cũ. Họ còn nói đến sự nhúng tay của Trung Cộng vào chiến tranh này.
Lâu lắm không trở lại trường, gặp Hợp, Hợp tâm sự:
"Lâu tôi cũng không đến trường. Cậu sao?"
"Cũng vậy".
"Ba tôi đang vận động cho tôi đi Pháp. Nhưng tôi chưa biết nghĩ sao. Yến cũng yêu mình".
Lần đầu tiên, Hợp nhắc đến tên người yêu với tôi. Tự nhiên Hợp hỏi:
"Anh đã yêu ai chưa?"
Tôi hơi mỉm cười. Suốt từ ngày quen nhau, tôi chưa nói với Hợp một chút gì về điều này, bây giờ Hợp hỏi tôi mới nghĩ tới. Tôi bịa đặt ra những thứ tôi chưa biết. Tôi nói đùa:
"Có chứ! Nhiều hơn là khác. Hồi kháng chiến bùng nổ, tôi có yêu Mai - nàng làm cứu thương trong tiểu tổ tôi. Có lần gặp địch tấn công, hai đứa cùng chui xuống một hố cá nhân và Mai run lên như một cánh chim trong tay tôi. Sau rồi hàng ngũ tan rã, một số theo các thông hào rút đi trong đó có Mai. Tôi ở lại. Có lẽ Mai biết điều ấy nên khi rời đi nàng có nói với tôi thế này: "Chúng ta hoàn toàn tự do phải không anh?" Tôi đưa tận tay cho Mai một hòn ngói vỡ: "Ở thủ đô đấy". Rồi chúng tôi quên nhau".
Hợp chăm chú nghe một lúc sau Hợp mới hỏi:
"Thế sao cậu không ra ngoài ấy?"
"Cũng không hiểu. Lần về ở lại, mình mò phải toàn xác chết. Lúc bấy giờ cậu ở đâu?"
"Mình muốn…, muốn được cầm súng, nhưng ba mình bảo: "Thế nào Tây cũng thắng, nên ở lại", tôi phải nghe lời, và đúng như thế. Tôi sống yên ổn quá phải không cậu?"
"Có lẽ".
"Thế bây giờ?"
"Bây giờ thì không thấy gì cả, dửng dưng vậy thôi. Chính mình cũng không hiểu".
"Mình không muốn đi. Mình có nói với Yến như thế. Mình không thể nào xa nhau được, mình biết chắc chắn. Buồn quá cậu nhỉ".
Hợp buồn buồn. Tôi nghĩ: Một gã thất tình thật hạnh phúc. Hợp đưa tôi về bar Ciros uống rượu và hai đứa đều say. Tôi bảo:
"Cũng chưa thể quên được".
Tôi gọi rượu nữa, nhà hàng không chịu bán, tôi cãi nhau, tại sao tôi muốn uống mà lại không bán, hắn giải thích: vì chúng tôi say rồi. Hợp nôn thốc nôn tháo xuống nền đá hoa những đống lổn nhổn xanh vàng. Mấy đứa trẻ đánh giày nhìn giày bẩn của chúng tôi định đến nhưng đều ghê mà lẩn đi, có đứa bịt mũi. Tôi bảo Hợp, nhưng chắc hắn không nghe thấy: "Thất tình hả? Buồn tình hả?"
Tôi lấy ví của Hợp ra trả tiền rồi dìu Hợp về. Tới nhà, ba Hợp ngạc nhiên. Tôi nói một câu độc nhất khi đứng trong căn nhà ấy:
"Hợp bị cảm".
Tôi rời căn nhà trong khi ấy Hợp thiếp trên khuôn giường trải vải hoa. Tôi nhớ một điều nhỏ ấy.
Tôi về nhà. Nhìn thấy Hùng đang giúp ông tôi thu tiền, nó lại chửi bới lải nhải. Tôi đứng trước mặt hắn:
"Đã bao nhiêu năm trời rồi mà mày không thể đọc một bài kinh cho mày và cho ông nghe sao?"
Hắn nín thinh. Tôi muốn thấy hắn nổi xung để tôi thoi cho hắn mấy quả. Nó làm cho tôi không có lý do. Khi ăn cơm, đứa em lớn đánh vỡ bát, tôi thuận tay tát cho nó một cái, cơm bung ra khỏi mồm. Nó ngậm câm không dám khóc.
Tôi nghĩ về Hiền. Bây giờ tôi mới thấy sự có mặt nàng là cần thiết. Khi nàng còn ở đây thì tôi lại lãng quên, thờ ơ - bây giờ không còn gì. Tôi có cảm tưởng mơ hồ rằng tôi mất hẳn Hiền. Có phải nàng đã chết.
Tại sao tôi không cưới Hiền. Tôi tưởng rằng tôi đã tìm ra được một mái nhà đủ cho mình sống, thì bây giờ tôi mất lý do vào đó. Tôi nghĩ đến những ngày đầu hai đứa yêu nhau, những lần hẹn hò ngoài đường kéo dài mấy năm trời.
Bây giờ dù ở ngoài đường tôi cũng không còn có ai để hẹn hò nữa. Chính tôi nghĩ: bởi vì tôi đã chẳng cho một cái gì là quan trọng - cái gì cũng tạm bợ không cần thiết. Những ngày tiếp theo, tôi vẫn bỏ học đi lang thang cùng khắp thành phố. Tôi vào nhà thờ Cửa Bắc nhìn hết những tượng gỗ đến tượng đá, đứng nhìn vết đạn đại bác ở cổng thành Cửa Bắc hồi quân Pháp chiếm Bắc kỳ lần thứ nhất và ông Hoàng Diệu tuẫn tiết. Bây giờ trên cổng người ta làm nhà gác ở, có Tây Đầm đứng lố nhố. Tôi đứng ở chợ Trời khi xưa coi những đoàn xe thiết giáp ra vào khoảng đất hoang - vết hằn sâu nhầy nhụa. Ở sở thú bây giờ gọi là bách thảo tôi chui ra chui vào những chuồng sắt như không còn thú dữ.
Một ngày rằm tôi đến đền Trấn Võ chắp tay lễ vào chân pho tượng đồng đen cao lớn, xoa tay lên bàn chân tượng - những ngón tay bằng quả chuối tiêu lớn. Tôi xoa mặt - người ta bảo làm như thế được phước - rồi trở ra, tôi đọc những thông cáo dán ở trường nói về sự bảo tồn cổ tích. Xin thập phương giúp tiền trùng tu những nơi hư hỏng vì chiến tranh. Tôi ra cổng đứng đo với pho tượng gác cửa thì chỉ đến rốn. Tôi sờ vào bụng tượng thấy cứng ngắc.
Đi chán ở phía Bắc, rồi ra bờ sông ngắm, cầu Long Biên xuống bến Phà Đen nghe tiếng ca nô nổ ròn chạy trên dòng nước đục. Tôi thú nhất một khung cảnh trong nhà Bác Cổ là nơi trình bày cảnh một ngôi mộ ngày xưa. Ánh đèn đỏ ghê rợn và tôi muốn chui vào đấy nằm, làm một xác chết từ mấy ngàn năm trước không biết mảy may gì về thực tại. Nhưng giá có vào đó nằm thân xác tôi cũng trương thối ra, người ta sẽ phải nhặt mà đem chôn. Tôi nghĩ, xác tôi là một xác vô thừa nhận, có ai nhìn thấy cũng chả thèm khóc. Dù đã lâu nay, tôi nghe hoài hoài tiếng khóc, tiếng kêu rên, chửi bới… những buổi sáng mùa đông buồn. Tôi mua vé xe điện rồi leo lên tất cả các toa tàu chạy cùng đường này đến đường khác. Con đường về Hà Đông đi qua nhiều nghĩa trang đẹp kỳ lạ.
Một buổi đi đến bến cuối ở Yên Phụ, tôi lại vào nhà Hiền. Mẹ nàng ngồi bên những lọ kẹo, tôi hỏi về Hiền. Nàng vẫn chưa về. Tôi vào khuôn giường tôi đã nằm một lần. Bà cụ hỏi tôi:
"Anh làm sao?"
"Không, cháu không sao cả".
Bà cụ sờ vào trán tôi kêu lên:
"Sốt mà, để bác lấy dầu Nhị Thiên Đường cho anh xoa".
Bà cụ ngồi xoa cho tôi, tôi muốn ngủ lại, khi bà cụ trở ra tôi nằm bất động: Em còn yêu anh không? Chính ra câu đó phải để cho em được hỏi anh mới phải, em cứ tưởng rằng anh đã lãng quên… Tôi nhớ lại những điều chúng tôi đã nói với nhau lần cuối, tôi nghe như tiếng Hiền còn ở trong gian nhà này và nàng ngồi bên tôi…
Tuổi Nước Độc Tuổi Nước Độc - Dương Nghiễm Mậu Tuổi Nước Độc