Chương 4
hông gì đánh thức Fabrice nổi, kể cả những phát súng trường bắn rất gần cỗ xe, cũng như bước kiệu của con ngựa mà chị hàng căng tin thẳng tay quất đánh. Cả ngày tin rằng bên họ chiến thắng, đến lúc bất ngờ bị từng đám đông đặc kỵ binh Phổ tấn công, trung đoàn phải rút lui hay nói đúng, phải chạy trốn về đất Pháp.
Viên đại tá vừa thay chân Macon, một người trai trẻ ăn mặc rất lịch sự, cũng bị chém chết, viên thiếu tá tiểu đoàn trưởng lên chỉ huy thay ông là một ông già đầu bạc, ông cho trung đoàn dừng lại và thét bảo lính: “Mẹ kiếp! Thời cộng hòa, khi nào địch bức bách lắm, không thể dừng ta mới rút… các anh phải giữ từng tấc đất, phải tử chiến mới được, cái đất mà giờ đây bọn Phổ muốn xâm chiếm là đất tổ quê cha rồi đó!”.
Cỗ xe con dừng lại, Fabrice thức giấc đột ngột. Mặt trời lặn từ lâu, anh lấy làm lạ sao đã hầu như vào đêm. Binh lính chạy ngược chạy xuôi rất lộn xộn khiến anh vô cùng ngạc nhiên. Anh thấy họ có dáng như tiu nghỉu. Anh hỏi chị căng tin:
— Có cái gì thế chị?
— Chẳng gì cả. Chỉ có điều là chúng ta đi đứt rồi, chú em ạ. Kỵ binh Phổ đang băm vằm chúng ta, có thế thôi. Ban đầu, cái anh tướng ngốc cứ tưởng là kỵ binh ta. Nào, nhanh tay đi, giúp ta chữa cái cần xe bị gãy cho con Cocotte chút. Mấy phát súng nổ ở cách mươi bước. Fabrice đã tươi tỉnh và khỏe ra, anh tự nhủ: “Phải nói là cả ngày hôm nay, ta chưa được đánh chác gì” Anh nói với chị căng tin: “Tôi phải chiến đấu mới được”.
— Yên trí. Chú sẽ được chiến đấu, chiến đấu đến ngán mà thôi! Ta hỏng bét rồi còn gì!
Chị gọi một hạ sĩ đang đi qua:
— Aubry, người anh em, thỉnh thoảng anh hãy trông chừng cái cỗ xe con này với nhé.
— Anh sắp đánh nhau ư? Fabrice hỏi Aubry,
— Không đâu, tớ sắp đi giầy đẹp để khiêu vũ đây!
— Tôi theo anh.
— Tôi gửi chú kỵ binh nhỏ đó cho anh nhé! Chị căng tin hét lớn. Chú tư sản trẻ măng đó gan dạ đấy.
Hạ sĩ Aubry không nói gì, cứ đi. Tám chín anh lính chạy đến với anh. Anh đưa họ đến sau một cây sồi chung quanh có những bụi gai. Đến đó, cũng vẫn không nói không rằng, anh bố trí họ ở bìa rừng, trên một tuyến đái, người nọ cách người kia ít nhất là mười bước. Rồi lần đầu tiên, anh lên tiếng:
— Này, này tụi bay chớ có bắn trước khi có lệnh! Phải nhớ là tụi bay mỗi đứa chỉ còn ba phát đạn thôi đó.
Fabrice tự hỏi không biết cái gì đã xảy ra. Cuối cùng, chỉ còn anh với anh hạ sĩ, anh nói:
— Tôi không có súng.
— Câm mồm cái đã! Cứ tiến lên theo hướng kia, cách năm mươi bước ở phía trước rừng, mày sẽ tìm thấy một chú lính của trung đoàn trong số tội nghiệp vừa bị bắn chết, mày lấy súng và túi đạn của hắn. Nhớ đừng lột đồ đạc của một đứa bị thương, hãy tước súng đạn của một thằng chết, thực sự chết mới được. Và nhanh lên chứ không thì bị quân ta bắn đó. Fabrice chạy đi rồi nhanh chân trở lại với một cây súng và một túi lính.
— Nạp đạn đi và nấp đằng sau cây kia, cần nhớ nhất là đừng bắn trước khi tao ra lệnh cho mày bắn… Trời đất quỷ thần ơi! - anh hạ sĩ bỏ dở câu nói để kêu lên, hắn cũng không biết đến cả nạp đạn nữa kìa!…
Anh ta vừa giúp Fabrice vừa thuyết tiếp:
— Khi một kỵ binh địch phi ngựa đến để băm chặt mày, mày cứ việc chạy quanh cái cây đó và chờ cho hắn đến sát miệng súng, cách mày ba bước, hãy lẩy cò, phải chờ cho mũi lê của mày gần như chạm quân phục nó đã.
— Vứt cây mã tấu to tướng của mày ngay đi chứ còn chờ gì nữa - Anh hạ sĩ thét. Mẹ kiếp! Mày muốn cho nó báo mày ngã hay sao? Ngày nay họ giao cho chúng ta những thứ lính tráng như thế nào ấy! Anh ta vừa nói vừa tự tay giật cái mã tấu, giận dữ ném ra xa.
— Còn mày thì hãy lấy khăn lau viên đá súng của mày đi. Nhưng mà, mày đã bắn súng lần nào chưa?
— Tôi là một người săn bắn.
Anh hạ sĩ thở phào một cái, kêu:
— Ơn Trời! Cần nhất là chớ bắn trước khi được lệnh ta.
Thế rồi anh bỏ đi.
Fabrice vô cùng hớn hở. Anh nghĩ thầm: “Thế là ta sắp được đánh nhau thực sự, được giết một tên địch đây! Sớm nay, chúng phóng đạn đại bác đến, mà mình thì chẳng làm gì sất, chỉ biết phơi thân cho chúng bắn, chết như chơi! Rõ là cái nghề lừa nhau! Anh tò mò trông nhìn tứ phía. Lát sau, anh nghe bảy tám tiếng súng nổ rất gần. Nhưng không có lệnh bắn, anh cứ đứng im sau gốc cây. Lúc ấy đã vào đêm, Fabrice tưởng như mình đang rình gấu trên núi Tramezzina, mạn trên Grianta. Anh bỗng có một sáng kiến của kẻ đi săn. Anh lấy một liều đạn trong túi và bóc vỏ lấy viên đạn ra: “Nếu mình thấy nó, mình không được bắn hụt”. Anh nói thế rồi tọng viên đạn thứ hai này vào nòng súng. Anh nghe hai phát súng nổ ở sát bên gốc cây mình nấp, đồng thời một lính kỵ mặc quân phục xanh phóng qua trước mặt, đi từ bên phải sang bên trái. Anh tự nhủ: “Hắn không cách mình ba bước, nhưng mà ở tầm này, ta bắn cũng chắc ăn, “Anh day nòng súng theo tên lính kỵ, cuối cùng bấm cò. Tên lính kỵ ngã nhào cùng với con ngựa. Fabrice ngỡ mình đang đi săn, anh hí hửng lao đến bên con mồi vừa bị hạ. Anh suýt chạm cái người đang hấp hối đó thì hai tên kỵ binh Phổ khác nhanh không thể tưởng tượng phóng ngựa đến để chém sả anh. Fabrice chạy bán sống bán chết vào trốn trong rừng, để chạy thật nhanh, anh vứt súng. Bọn kỵ binh Phổ chỉ còn cách anh ba bước thì anh kịp chui vào một khu sồi mới trồng, thân cây chỉ bằng cánh tay. Nhưng cây con rất thẳng đó được trồng viền cánh rừng. Bọn lính kỵ bị cản lại một lát, rồi cũng vượt qua và đuổi theo Fabrice trong một khu rừng mới. Anh lại sắp ở vào tầm mã tấu của chúng thì vừa đến bảy tám gốc cây to và tránh vào đó. Thình lình anh thấy lửa táp vào mặt, lửa của năm sáu phát súng nổ phía trước. Anh cúi đầu. Khi ngẩng lên anh thấy viên hạ sĩ đứng trước mặt. Anh ta hỏi:
— Mày có giết được thằng của mày không?
— Có, nhưng tôi mất súng.
— Súng thì chúng ta không thiếu. Mày khá đấy khỉ ạ. Mặt mũi mày có vẻ thộn, nhưng mày đã tỏ ra xứng đáng hôm nay, còn bọn lính tồi kia thì đã bắn hụt hai thằng đuổi theo mày, dù chúng lao ngay đến phía họ. Tao thì tao không trông thấy chúng. Bây giờ thì phải chuồn ngay, chuồn nhanh, trung đoàn có dễ ở cách chúng ta năm trăm thước, và lại có cái đồng cỏ nhỏ kia chúng ta dễ bị bao vây ở đó lắm.
Viên hạ sĩ vừa nói vừa rảo bước đi nhanh, cùng với mười tên lính trong tiểu đội anh ta. Đi được vài trăm bước, vừa đến cánh đồng cỏ anh ta nói thì gặp một vị tướng bị thương do viên phụ tá và một gia bộc khiêng. Giọng yếu ớt, ông bảo viên hạ sĩ:
— Anh cắt cho ta bốn người, cần mang ta đến trạm quân y. Chân ta bị bắn gãy.
— Kệ xác nhà anh! Viên hạ sĩ đáp, kệ xác nhà anh và tụi tướng nhà anh. Hôm nay tụi các anh đều phản Hoàng Đế tất.
— Thế nào? Viên tướng giận dữ quát - Anh không tuân lệnh tôi à? Anh có biết tôi là bá tước B, tư lệnh sư đoàn anh hay không? v.v…
Ông ta còn lắm lời hơn nữa. Viên phụ tá xông đến bọn lính. Anh hạ sĩ đâm một nhát lê vào cánh tay y, rồi bước đi vùn vụt cùng với tốp lính, vừa đi vửa chửi rủa: “Ước gì chúng nó đều bị gãy tay gãy chân hết như mày! Một lũ bát nháo, tất cả đều bán mình cho bọn Bourbons và phản bội Hoàng Đế!”. Nghe lời tố giác ghê gớm đó, Fabrice rất đỗi kinh ngạc.
Vào khoảng mười giờ đêm, tốp người ít ỏi đó đuổi kịp trung đoàn, lúc vừa đến một làng lớn có nhiều đường phố chật hẹp, Fabrice nhận thấy viên hạ sĩ Aubry tránh không trình báo với một sĩ quan nào. “Không có cách gì đi lên được!” Viên hạ sĩ thét. Tất cả những đường phố đó đều tắc nghẽn vì những lính bộ, lính kỵ, nhất là xe và pháo chen chúc. Đi được vài mươi bước phải dừng lại ai cũng nổi nóng, cũng văng tục. Anh hạ sĩ thét:
— Lại một lũ phản bội nào chỉ huy đây! Nếu bọn đỏ khôn, vòng bọc cái làng này thì chúng ta sẽ bị tóm như một lũ chó. Còn chúng bay thì theo tao.
Fabrice nhìn lại thấy chỉ còn sáu anh lính đi theo viên hạ sĩ. Qua một cái cửa lớn bỏ ngỏ, họ vào một sân sau rộng lớn. Họ đi lang thang trong vườn, mất phương hướng. Cuối cùng vượt qua hàng rào, họ tới một đám ruộng lớn gieo lúa mì đen. Họ theo hướng có tiếng ồn và tiếng la ó mà đi và chưa đầy nửa tiếng đồng hồ sau đó, họ đã trở lại con đường cái lớn sau khi đường đã xuyên qua khỏi làng kia. Hào ở hai bên đường đầy rẫy những súng ống vứt bỏ. Fabrice chọn lấy một khẩu. Đường thì rất rộng nhưng nghẽn vì xe cộ, vì người chạy trốn đến nỗi trong nửa giờ họ chỉ tiến lên được năm trăm bước là cùng. Có người nói con đường ấy dẫn đến Charleroi. Khi đồng hồ làng đánh mười một tiếng, viên hạ sĩ bảo:
— Ta vượt qua đồng lần nữa thôi!
Tốp của họ chỉ còn ba lính, viên hạ sĩ và Fabrice. Đến cách đường cái chừng một phần tư dặm một anh lính bảo:
— Tôi chịu thôi, không đi được nữa.
— Tôi cũng thế, - Một anh khác nói.
— Chuyện mới lạ nhỉ! Viên hạ sĩ bảo, chúng ta ai cũng đều vậy cả, nhưng chúng bay cứ làm theo tao bảo rồi sẽ thấy được việc cho coi!
Anh thấy năm sáu cái cây dọc một cái hố ở giữa cánh đồng lúa mênh mông. Anh bảo lính: “Đến mấy cái cây đó đi!” Khi đã đến, anh ta bảo:
— Chúng bay nằm xuống đó và nhớ đừng làm ồn. Nhưng trước khi ngủ, đứa nào còn bánh mì nhỉ?
— Tôi! Một anh lính nói.
— Đưa đây! Anh hạ sĩ phán một cách kẻ cả. Anh chia bánh ra làm năm phần và lấy cho mình miếng nhỏ nhất. Rồi vừa ăn, anh vừa nói:
— Độ mười lăm phút trước khi trời sáng, chúng ta sẽ bị bọn kỵ binh địch ập tới sau lưng, tất cả đừng để cho chúng băm chết. Một đứa lẻ loi mà bị lính kỵ đuổi theo những cánh đồng rộng này thì đi đứt, nhưng năm đứa thì lại có thể thoát được. Hãy theo tao, đoàn kết với nhau chặt chẽ, chỉ bắn thật gần, được vậy tao dám cả quyết là tối mai, tao sẽ đưa chúng mày đến Charleroi.
Một giờ trước khi trời sáng, viên hạ sĩ đánh thức họ dậy. Anh ta bắt họ nạp đạn lại. Tiếng ồn ào trên đường cái cứ vang lên suốt đêm bây giờ vẫn còn tiếp nối nghe như tiếng suối đổ từ xa. Fabrice khờ khạo nói với viên hạ sĩ:
— Nghe như một đàn cừu chạy trốn.
— Mày có câm họng đi không, oắt con? Viên hạ sĩ tức tối quát. Còn ba tên lính trong toán quân của anh thì nhìn Fabrice với vẻ giận dữ y như Fabrice vừa thóa mạ Chúa không bằng! Phải, nó đã thóa mạ dân tộc.
“Thế này thì quá lắm! - Fabrice nghĩ thầm, ta đã nhận thấy điều ấy ở triều đình phó vương Milan. Ừ! Thì họ có chạy trốn đâu! Không thể nói sự thật với lũ Pháp này khi sự thật chạm tính phô trương của họ. Còn cái bộ dữ tợn của họ thì ta có sá gì, ta cần phải làm cho họ hiểu điều đó”.
Họ vẫn đi cách dòng người đào tẩu đông nghịt trên đường cái đó năm trăm bước. Đi được chừng một dặm, họ vượt qua một con đường nhỏ tiếp giáp với đường cái, trên đó nhiều binh lính đang nằm ngủ. Fabrice bỏ ra bốn mươi francs mua một con ngựa khá tốt và chọn cẩn thận một thanh mã tấu to thẳng, trong số vứt lỉnh kỉnh hai bên đường. Anh nghĩ: “Người ta bảo phải đâm, thì cái này thích hợp nhất”. Đóng bộ như vậy xong, anh tế ngựa theo kịp ngay viên binh sĩ đã đi lên trước. Anh giậm chặt chân trên bàn đạp, đưa tay trái nắm vỏ gươm, nói với bốn người Pháp kia:
— Cái bọn chạy trốn trên đường cái kia giống như một bầy cừu… chúng chạy như những con cừu khiếp sợ…
Fabrice nhấn mạnh trên tiếng cừu bao nhiêu cũng vô hiệu, những người đồng hành không nhớ là trước đấy một giờ, họ đã phật ý vì tiếng cừu đó. Ở đây sự tương phản giữa hai tính cách Pháp và Ý bộc lộ: Rõ ràng là người Pháp sung sướng hơn, họ cứ để cho những biến cố trong cuộc đời trôi tuồn tuột và chẳng thèm nhớ thù ghi hận.
Sau khi nói về những con cừu, Fabrice lấy làm bằng lòng về mình lắm, điều ấy chẳng cần phải giấu diếm. Tốp người đó vừa đi vừa chuyện trò. Đi được hai dặm, viên hạ sĩ vẫn lấy làm lạ sao không thấy kỵ binh địch đến, anh ta bảo Fabrice:
— Mày là kỵ binh của chúng ta! Mày hãy phi ngựa đến cái trại trên mô đất kia, hỏi người nông dân chủ trại xem có bán cái ăn cho chúng ta không. Nói rõ chúng ta chỉ có năm mống. Nếu hắn do dự, mày đưa trước cho hắn năm francs trong số tiền riêng của mày. Và mày cứ yên lòng, chúng ta sẽ lấy lại đồng bạc sau khi ăn uống.
Fabrice nhìn viên hạ sĩ, thấy anh luôn luôn nghiêm trang, lại thực sự có một uy thế tinh thần. Anh tuân lệnh. Mọi việc xảy ra như viên tổng chỉ huy dự kiến, duy Fabrice khẩn khoản yêu cầu anh em không nên bức người nông dân đưa lại đồng năm francs anh đã trao. Anh nói:
— Tiền đó là của tôi, không phải tôi trả thay cho các anh đâu, mà tôi trả về khoản lúa anh ta cho ngựa tôi ăn.
Fabrice phát âm tiếng Pháp tồi quá khiến các bạn đường tưởng anh có giọng kẻ bề trên, họ bực lắm và từ đó họ chuẩn bị cho một cuộc đấu dành cho lúc cuối ngày. Họ thấy anh ta khác xa họ, thế là lấy làm khó chịu. Ngược lại Fabrice bắt đầu thấy rất mến họ. Họ lầm lụi đi đã hai tiếng đồng hồ, không chuyện vãn gì nữa, cho đến khi anh hạ sĩ nhìn lên đường cái, reo một cách mừng rỡ: “Trung đoàn ta đây rồi!”. Thế là họ đi lên đường cái. Nhưng hỡi ôi! Quanh lá cờ chim ưng, quân số chưa đến hai trăm người.
Chỉ trong chốc lát, Fabrice nhìn thấy chị hàng căng tin, chị đi bộ, mắt đỏ hoe, chốc chốc lại khóc. Anh đưa mắt tìm cỗ xe con và con Cocotte mà không thấy. Thấy anh đảo mắt trông tìm, chị kêu to: “Mất hết rồi, mất cắp rồi, mất cướp rồi!” Fabrice chẳng nói gì, xuống ngựa, nắm dây cương, bảo chị: “Chị lên ngựa đi”. Chị không đợi bảo lần thứ hai.
— Chú em thu ngắn bàn đạp lại cho ta đi! Chị nói.
Khi đã ngồi vững vàng trên lưng ngựa, chị bèn kể lể những tai biến xảy ra trong đêm. Câu chuyện dài như bất tận, anh không hiểu cái gì ra cái gì cả, nhưng nghe một cách háo hức vì quá mến chị bán hàng. Kể xong, chị nói thêm:
— Ấy thế mà cái bọn cướp giật tôi, đánh đập tôi, làm hư thân hoại thể tôi lại chính là người Pháp!
— Thế nào! Không phải là bọn địch à? Fabrice nói, vẻ ngây thơ làm cho gương mặt nghiêm trang, trắng trẻo của anh càng đáng yêu thêm.
— Chú ngu lắm, chú nhỏ ạ! Chị hàng mỉm cười qua nước mắt, đáp. Tuy vậy, chú rất dễ thương.
— Hắn như thế đấy mà đã hạ gọn tên Phổ của hắn đấy! Viên hạ sĩ nói xen vào. Trong sự xáo trộn chung, tình cờ làm sao anh ta lại đến phía bên kia con ngựa. Anh nói tiếp: Nhưng hắn hợm mình!
Fabrice làm một cử động.
— Mày tên gì đã? Viên hạ sĩ nói tiếp, vì nếu có thể báo cáo thì ta sẽ nêu tên mày.
— Tôi tên là Vasi! Fabrice đáp, vẻ mặt lạ lùng. Nghĩa là Boulot, anh vội nói chữa.
Boulot là tên người mang cái giấy hành trình mà chị quản ngục thị trấn B đã trao cho anh ta. Hôm trước anh vừa đi vừa nghiên cứu cái giấy ấy bởi vì anh đã bắt đầu suy nghĩ chút ít và không đến nỗi như trước, gặp gì cũng thấy lạ lùng. Ngoài giấy hành trình của anh kỵ binh Boulot, anh vẫn trân trọng giữ tờ giấy hộ chiếu Ý qua đó anh có thể nhận cái tên Vasi cao quý, người buôn hàn thử biểu. Khi anh hạ sĩ trách anh hợm mình, anh toan đáp: “Ta mà hợm mình ư? Ta, Fabrice Valserra tiểu hầu Del Dongo, đã chịu đội tên của một thằng cha Vasi, lái buôn hàn thử biểu mà bảo là hợm mình!”.
Anh suy nghĩ và tự nhủ: “Ta phải nhớ ta là Boulot không thì coi chừng tù ngục!”. Trong khi đó, viên hạ sĩ và chị hàng căng tin bàn tán nhiều về anh. Không gọi anh là chú nữa, chị hàng nói:
— Anh đừng cho tôi là tọc mạch. Tôi hỏi anh những điều kia nọ chỉ là để giúp ích cho anh thôi. Này, anh bảo thật đi nhé, anh là ai?
Fabrice không trả Iời ngay, anh xét thấy không thể nào tìm được những người bạn tình như họ để nghe những lời khuyên bảo, mà anh thì rất cần những lời khuyên bảo. “Chúng ta sắp vào một căn cứ chiến đấu, vị trấn thủ muốn biết ta là ai, chắc chắn là ta sẽ bị tống lao nếu qua những câu trả lời của ta, họ biết rằng tuy ta mặc quân phục trung đoàn 4 kỵ binh, nhưng ta lại không quen một ai trong đó!” Vì là thần dân nước Áo cho nên Fabrice biết rõ giá trị của một tờ hộ chiếu. Những người trong tộc họ anh mặc dù quý tộc và ngoan đạo, mặc dù thuộc cánh chiến thắng, cũng đã năm lần bảy lượt lao đao vì mảnh giấy hộ chiếu. Cho nên anh chẳng khó chịu chút nào về câu hỏi của chị bán hàng. Tuy nhiên, vì trả lời, anh phải tìm những tiếng Pháp rõ ràng nhất, chị bán hàng căng tin càng tò mò tợn và thấy cần phải khuyến khích anh nói:
— Hạ sĩ Aubry và tôi sẵn lòng bày vẽ cho anh cách xử sự.
— Tôi tin chắc là thế! Fabrice đáp. Tôi tên là Vasi người quê ở thành phố Gênes. Chị tôi nổi tiếng đẹp đã lấy một ông chồng đại úy. Vì tôi mới mười bảy, chị bảo tôi đến với chị để chị cho xem đất nước Pháp và để bày bảo cho tôi nên người. Không tìm thấy chị ở Paris, và biết rằng chị đi theo đạo quân này, tôi tìm đến, tôi sục sạo tìm kiếm chị khắp nơi mà không gặp. Bọn lính lấy làm lạ về giọng nói của tôi, đã báo cho người ta bắt tôi. Lúc đó tôi có tiền, tôi cho tên sen đầm, hắn trao cho tôi một tờ hành trình, một bộ quân phục và hắn bảo: “Hãy chuồn đi và thề với tao không bao giờ nói tên tao ra”.
— Hắn tên gì? chị hàng hỏi.
— Tôi đã hứa với nó.
— Anh ấy không nói tên thằng ấy là phải. Hắn là một thằng vô lại, mặc dù vậy, anh bạn cũng không được nói tên nó. Còn cái ông đại úy anh rể anh tên gì? Nếu chúng tôi biết tên ông ta, chúng tôi có thể tìm ra.
— Teulier, đại úy ở trung đoàn 4 kỵ binh. Vị anh hùng của chúng ta đáp.
Viên hạ sĩ khá tinh ý, nói:
— Thế là nghe giọng người nước ngoài của anh, bọn lính cho anh là một gián điệp chứ gì?
— Cái tiếng nhục nhã bôi nhọ người ta chính là tiếng đó! Fabrice hét lên, mắt nẩy lửa. Tôi yêu Hoàng đế và người Pháp đến vậy mà chúng bảo tôi là gián điệp. Sự lăng mạ đó làm cho tôi bực tức nhất.
— Không phải lăng mạ đâu! Viên hạ sĩ trịnh trọng nói - Anh hiểu sai đó. Bọn lính hiểu lầm là lẽ tự nhiên thôi.
Thế rồi làm người thành thạo, anh ta giải thích là ở trong quân thì phải thuộc một đơn vị và mặc một loại quân phục nào đó, nếu không thế thì dĩ nhiên người ta cho mình là gián điệp. Quân thù tung nhiều gián điệp vào giữa chúng ta, trong cuộc chiến tranh này, mọi người đều phản bội, Fabrice được mở mắt, lần đầu anh nhận thấy tất cả những gì xảy đến với anh trong hai tháng qua là do lỗi ở anh. Chị hàng căng tin mỗi lúc một thêm tò mò. Chị nói:
— Nhưng chú em cần thuật tất cả với chúng ta.
Fabrice ngoan ngoãn vâng lời. Khi anh kể xong. Chị hàng trịnh trọng nói với anh hạ sĩ:
— Kể ra thì chú bé này vốn không phải là lính. Bây giờ chúng ta bị đánh bại, bị phản bội, chúng ta phải tiến hành một cuộc chiến đấu khốn nạn, ích gì mà chú ta thí mạng không công cho Chúa[37] vậy?
— Huống gì anh ta không biết đến cả nạp đạn nữa, nạp đạn qua mười hai thao tác hay nạp đạn tùy ý cũng đều mù tịt.
— Chính tôi đã nạp phát đạn hạ thằng Phổ đó! Fabrice kêu lên
— Hơn nữa chú ta giơ tiền ra cho mọi người xem! Chị hàng nói thêm - Rời chúng ta ra thì chú ấy sẽ bị tước đoạt tất.
— Tên hạ sĩ quân kỵ binh đầu tiên mà anh ta gặp sẽ trưng tập anh để anh trả tiền rượu cho hắn, và có thể người ta sẽ tuyển mộ anh ta cho quân thù, bởi vì khắp thiên hạ làm phản. Thằng cha căng chú kiết đầu tiên nào gặp anh cũng sẽ ra lệnh cho anh theo hắn và anh sẽ đi theo. Tốt hơn hết là anh gia nhập trung đoàn ta.
— Không đâu, thưa ông hạ sĩ! Fabrice vội kêu lên. Đi ngựa tiện hơn, vả lại tôi không biết nạp đạn, còn khiến ngựa thì ông đã thấy ông làm rồi.
Fabrice lấy làm đắc ý về bài diễn văn đó, chúng tôi không thuật lại làm gì cuộc tranh luận giữa anh hạ sĩ và chị bán hàng về số phận tương lai của nhân vật chúng ta. Fabrice nhận thấy trong khi bàn cãi, họ lặp lại đến ba bốn lần những trường hợp xảy đến với anh, những sự nghi ngờ cùa binh lính, tên sen đầm đã bán cho anh tờ hành trình và bộ quân phục, cách anh chạy theo đoàn tùy tùng của thống chế hôm qua, việc anh được nhìn thấy Hoàng đế phi ngựa, con ngựa ngã chết v.v…
Với tính tò mò cố hữu của phụ nữ, chị hàng căng tin cứ trở đi trở lại mãi với việc người ta cướp con ngựa tốt mà chị đã giúp Fabrice mua.
— Chú cảm thấy người ta nắm chân chú, người ta nhẹ nhàng nhấc người chú ra sau, khỏi đuôi con ngựa rồi người ta đặt chú ngồi xuống đất!
Fabrice tự hỏi thầm không biết tại sao chị ta lại cứ lặp đi lặp lại mãi cái điều mà cả ba đều thuộc răm rắp. Anh chưa biết đó là cách người bình dân ở Pháp thường làm để tìm ý kiến. Đột ngột chị hỏi:
— Chú có bao nhiêu tiền đó?
Fabrice luôn tin chị phụ nữ này cao thượng. Đó là mặt ưu việt của dân tộc Pháp. Anh không ngần ngại đáp:
— Có thể là ba mươi đồng Napoléon vàng tất cả và tám hay mười đồng écu gì đó, loại écu năm francs.
— Thế thì chú có thể dông đi một cách dễ dàng. Chú hãy rút ra khỏi đạo quân bại tẩu này. Chú cứ đi ra một bên thấy con đường đầu tiên nào hơi văng vắng người về phía bên phải thì chú rẽ ngay. Thế rồi cứ thúc ngựa lánh xa quân đội xa mãi ra. Kiếm cách mua áo quần thường dân mà mặc. Khi đã đi được chín mười dặm mà không gặp lính nữa thì đi xe trạm đến một thị trấn yên ổn mà nghỉ ngơi và tẩm bổ bằng bít tết. Chớ bao giờ nói là chú đã ở trong quân đội, vì bọn sen đầm sẽ coi chú là lính đào ngũ và tóm cổ chú. Chú dễ thương dễ mến đấy, nhưng chưa đủ già dặn để đối đáp với sen đầm, cảnh sát. Khi chú đã tròng áo thị dân rồi thì hãy xé tờ hành trình của chú ra làm trăm mảnh và lấy lại cái tên thật của chú là Vasi.
Chị quay lại hỏi viên hạ sĩ:
— Thế còn chú ấy phải nói chú ấy từ đâu đến cho có lý nhỉ?
— Từ Cambrai trên sông Escaut. Đó là một thị trấn rất nhỏ và yên ổn, nghe chưa? Ở đó có một nhà thờ lớn và Fénelon[38].
— Ử! Ừ! Phải rồi! Chị bán hàng nói - Đừng bao giờ nói chú đã ở mặt trận về, chớ hé răng về thị trấn B. cũng như về tên sen đầm đã bán cho chú cái giấy hành trình. Khi chú muốn trở vào Paris thì hãy đến Versailles cái đã, rồi cứ giả vờ như lang thang đi dạo mát mà vượt qua cửa ô Paris về phía ấy. Khâu giấu những đồng Napoléon vào trong quần mới được. Và nhớ là khi trả món gì, chú chỉ cần chìa ra vừa đủ số tiền để trả. Cái điều làm cho tôi phiền muộn là chú sẽ bị người ta chài, người ta phỉnh, người ta cuỗm hết. Cạn túi thì chú sẽ làm thế nào nhỉ? Cái thứ như chú thì còn biết xoay xở là gì…
Chị bán hàng quà tốt bụng còn nói nhiều nữa. Anh hạ sĩ tán thành bằng những cái gật đầu chứ còn biết làm sao mà chen ý kiến của mình vào cái dòng lời lẽ thao thao bất tuyệt ấy! Thình lình, đám đông che kín mặt đường rảo bước đi nhanh, sau đó trong nháy mắt, họ vượt qua cái hào con ở bên trái con đường và phóng chạy. Họ hét vang bốn phía: “Lũ Cosaques đó[39]! Lũ Cosaques đó!” Chị hàng căng tin thét:
— Trả con ngựa cho chú đấy!
— Đời nào tôi chịu thế! Fabrice nói! Phóng ngựa đi, chạy đi chị! Tôi tặng chị đấy. Chị muốn có tiền mua lại một cỗ xe nhỏ không? Thì tôi biếu chị một nửa số tiền của tôi đây.
— Tôi bảo chú bắt lại con ngựa của chú mà! Chị hàng thét lớn. Và chị sắp sửa tụt xuống. Fabrice rút mã tấu hét: “Chị ngồi vững, nghe!” rồi lật mặt bằng đập hai ba cái vào mông ngựa, tức thời con ngựa phi nước đại chạy theo những người đi trốn.
Bây giờ người anh hùng của chúng ta mới nhìn lại mặt đường, trước kia ba bốn nghìn người chen chúc trên đó như những nông dân trong một đám rước lễ. Sau tiếng Cosaques thì không thấy còn ai cả, lũ chạy trốn đã vứt lại nào mũ, nào gươm, nào súng và gì gì nữa… Fabrice lấy làm lạ, leo lên một cánh đồng ở bên phải, đồng này cao hơn mặt đường khoảng bảy tám thước. Anh nhìn con đường cái ở cả hai đầu và nhìn rộng ra khắp cả đồng bằng, vẫn không thấy dấu vết lũ Cosaques. Anh tự hỏi: “Cái bọn Pháp này kỳ thật!… Trước sau gì ta cũng cần rẽ bên phải, thì tốt nhất là rẽ ngay. Có lẽ bọn đó có lý do chính đáng để chạy trốn, mà ta không biết”.
Anh nhặt một khẩu súng, soát thấy đã nạp đạn, anh xáo trộn lại thuốc mồi, lau viên đá lửa, rồi chọn nhặt một túi thuốc đạn còn đầy đặn. Anh nhìn quanh bốn phía một lần nữa.
Rõ ràng là chỉ còn có mỗi một mình anh giữa đồng bằng trước đây dầy đặc những người, ở rất xa nơi cuối trời, anh còn thấy bọn bại binh vẫn cứ ba chân bốn cẳng chạy trốn không ngừng và bắt đầu lần lượt mất hút sau cây cối. “Quả thật là kỳ quặc!”. Anh nói thầm vậy. Và nhớ lại cái kế anh hạ sĩ đã dùng hôm qua, anh đến ngồi giữa một đám ruộng lúa. Anh không đi xa hơn vì còn mong gặp lại hai người bạn tốt, chị bán hàng căng tin và anh hạ sĩ Aubry. Ngồi trong lúa, Fabrice đếm lại tiền bạc thì thấy chỉ còn mười tám đồng Napoléon chứ không phải ba mươi đồng như anh nhớ, nhưng anh còn những viên kim cương nhỏ, mà anh đã nhét trong lần vải lót đôi giày kỵ binh buổi sớm hôm ngủ trong buồng chị quản lao ở B. Anh tìm hết cách cất giấu những đồng vàng trong khi nghĩ ngợi về chuyện mất mát đột ngột của mình. “Đây có phải là một điểm xấu không nhỉ?” Anh tự hỏi. Nhưng điều phiền muộn chính của anh là đã thực sự tham gia một trận đánh hay không? Anh nghĩ là có và giá được xác định như thế thì sẽ là người hạnh phúc nhất đời.
Tuy nhiên ta tham gia với cái tên của một thằng tù, ta mang tờ hành trình của một thằng tù trong túi áo, hơn nữa mặc áo sống của nó trên người! Cái đó là tai họa cho tương lai, ông abbé Blanès sẽ bảo thế nào nhỉ? Rồi cái thằng cha Boulot tội nghiệp đó lại chết trong tù nữa chứ! Tất cả những cái đó đều là điểm bất thường, số mệnh chắc chắn sẽ đưa ta vào tù!
Fabrice có thể đổi tất cả để biết tên kỵ binh Boulot có thật phạm tội hay không, cố lục ký ức, anh nhớ hình như chị quản lao thành B. có nói với anh rằng tên kỵ binh Boulot bị tóm không những vì mấy bộ đồ ăn bằng bạc, mà còn vì đã bắt trộm con bò sữa của một người nông dân, lại còn đánh đập anh ta thậm tệ. Fabrice tin chắc rằng một ngày kia, anh sẽ bị bỏ tù vì một tội trạng có phần nào dính dáng vởi tội trạng của Boulot. Anh nghĩ đến ông bạn Blanès, giá bỏ ra bao nhiêu để được hỏi ý kiến ông, anh cũng sẵn sàng! Rồi anh sực nhớ chưa viết thư cho bà cô từ khi rời Paris. “Cô Gina tội nghiệp!”. Anh than thầm như vậy và ứa nước mắt. Bỗng anh nghe có tiếng động khẽ bên mình, đó là một anh lính đang cởi bỏ cương hàm cho ba con ngựa ăn lúa, ba con ngựa có vẻ như sắp chết đói. Hắn nắm giữ cương phụ. Fabrice vụt nhô thẳng lên như con gà gô cất cánh. Tên lính hoảng sợ. Nhận thấy thế, vị anh hùng của chúng ta không cưỡng lại được cái thú thử đóng vai trò kỵ binh trong giây lát. Anh thét:
— Một trong ba con ngựa kia là của tao, mẹ kiếp! Nhưng mà tao sẵn lòng cho mày năm francs vì mày đã cất công giắt nó đến đây cho tao.
— Đằng ấy coi tớ là rác đấy à? Tên lính đáp.
Fabrice đưa súng lên vai ngắm, chỉ cách nó sáu bước.
— Bỏ con ngựa ra không tao nổ!
Tên lính đeo súng sau lưng. Hắn lắc vai để lấy súng. Fabrice lao đến thét:
— Mày mà cựa một cái thì coi như chết rồi đó.
— Thế thì hãy đưa năm francs đây mà bắt một con ngựa. Tên lính tiu nghỉu nói vậy, sau khi nuối tiếc trông ra con đường tuyệt đối chẳng có một bóng người. Fabrice tay trái giương súng, tay phải ném cho hắn ba đồng năm francs.
— Xuống ngựa ngay không thì chết… Thắng cương cho con ngựa ô rồi cút đi với hai con kia… Tao sẽ bắn ngay nếu động đậy.
Tên lính càu nhàu làm theo lời bảo. Fabrice lại bên con ngựa, vắt cương lên tay trái, mắt vẫn đăm đăm quan sát tên lính chậm chạp đi xa ra. Khi thấy nó cách mình năm mươi bước, anh lẹ làng nhảy lên ngựa. Vừa ngồi lên yên, chân phải còn đang tìm bàn đạp thì đã nghe tiếng đạn réo sát bên mình! Đó là phát súng của tên lính. Điên tiết, anh phi ngựa đuổi theo, nó chạy thục mạng và lát sau Fabrice thấy hắn ngồi trên mình ngựa phi đi. Anh tự nói: “Thôi đựợc, hắn đã ở ngoài tầm rồi.
Con ngựa anh vừa mua đẹp quá, nhưng có vẻ đói gần chết. Fabrice trở lại đường cái vẫn không có bóng người. Anh vượt qua đường, cho ngựa đi nước kiệu để tới một nếp trũng về bên trái mà anh hy vọng sẽ gặp lại chị hàng căng tin. Nhưng khi lên tới đầu dốc, anh thấy cách hơn một dặm đường, chỉ có một tên lính lẻ loi. Anh thở dài than: “Số mệnh đã định cho ta không gặp lại người đàn bà đôn hậu, nhân từ ấy nữa”. Anh đi đến một nông trại nhìn thấy ở xa, về bên phải con đường. Cứ ngồi trên lưng ngựa anh trả tiền trước mua lúa mạch cho ngựa ăn, con ngựa tội nghiệp đói quá gặm luôn cả máng. Một giờ sau, Fabrice lại cho ngựa kiệu trên đường cái, với hy vọng lờ mờ được gặp lại chị hàng căng tin hoặc ít nữa là anh hạ sĩ Aubry.
Vừa đi vừa nhìn ra tứ phía, anh đến một con sông lầy lội có một chiếc cầu gỗ hẹp bắc ngang. Trước khi đến cầu, về bên phải đường cái, có một cái nhà lẻ loi mang bảng hiệu Bạch mã. “Ta ăn ở đây thôi”, Fabrice nghĩ thầm. Một sĩ quan kỵ binh cánh tay băng bó treo trước ngực đang ngồi trên lưng ngựa ở đầu cầu, vẻ mặt buồn bã. Cách ông mươi bước, ba kỵ sĩ đứng dưới đất đang nhét thuốc lá vào tẩu.
Fabrice thầm nghĩ: Những người này có vẻ muốn mua lại con ngựa của ta rẻ hơn giá ta mua đây. Viên sĩ quan bị thương và ba người đi đất nhìn anh đi tới với dáng như chờ đợi. “Tốt hơn hết là ta không đi qua cái cầu mà đi dọc bờ của con sông, đó hẳn là con đường mà chị bán hàng căng tin khuyên ta đi để tránh rắc rối… Đúng như thế. Nhưng ta bỏ chạy thì ngày mai ta xấu hổ chịu sao nổi. Vả lại con ngựa ta chân khỏe lắm còn ngựa viên sĩ quan chừng như mệt mỏi. Nếu ý muốn bốc ta xuống thì ta phóng ngựa chạy bay đi chứ”. Fabrice nghĩ thế rồi soạn sửa thế ngựa và cho đi từng bước hết sức ngắn.
Viên sĩ quan gọi, giọng bề trên: “Đi lên đi, anh kỵ binh kia”.
Fabrice tiến lên mấy bước rồi dừng lại, nói to:
— Ông muốn bắt ngựa tôi sao?
— Không đời nào. Cứ đi lên đi.
Fabrice nhìn lại viên sĩ quan, râu mép ông đã bạc và nét mặt trông vô cùng trung thực. Chiếc khăn treo cánh tay trái đầy máu me và bàn tay phải cũng buộc một mảnh vải dính máu. “Chắc là bọn đi đất sẽ chồm lên nắm cương ngựa của ta”.
Anh nghĩ thế nhưng đến khi nhìn gần thì thấy nhữngngười này cũng bị thương.
Viên sĩ quan mang cầu vai đại tá. Ông bảo:
— Vì danh dự, anh hãy đứng gác ở đây. Thấy có long kỵ, truy kỵ, hoặc khinh kỵ binh đi qua thì anh hãy nói với họ là đại tá Le Baron đang ở trong quán và ra lệnh cho họ đến gặp ông.
Viên đại tá già có vẻ đau buồn lắm, mới mở miệng ông ta đã chinh phục Fabrice. Anh đáp rất hợp lý:
— Thưa ông tôi còn non trẻ quá, e họ không nghe tôi. Cần có một tờ quân lệnh do ông viết.
Ông đại tá nhìn anh rất kỹ rồi nói:
— Chú bé nói có lý! Anh hãy viết lệnh đi. La Rose, anh còn bàn tay phải. Không nói gì, La Rose rút túi lấy ra một cuốn sổ tay nhỏ, viết mấy dòng rồi xé tờ giấy đưa cho Fabrice. Đại tá lặp lại cái lệnh với Fabrice và nói thêm là hai giờ sau, anh sẽ được một trong ba kỵ sĩ bị thương thay phiên gác cho đúng lệ. Xong, ông đi vào quán với những người tùy tùng. Fabrice nhìn họ bước đi, còn anh đứng im lìm ở đầu cầu vì xúc động bởi dáng đau buồn, lặng lẽ của họ. “Trông như những thần linh bị phù phép”, anh tự nhủ. Rồi anh mở quân lệnh ra đọc, thấy viết:
“Đại tá Le Baron, đạo 6 long kỵ binh, tư lệnh lữ đoàn 2 sư đoàn 1 kỵ binh trong quân đoàn 14, ra lệnh cho tất cả lính kỵ binh bất cứ là long kỵ binh, truy kỵ binh hay khinh kỵ binh phải tập hợp dưới quyền đại tá ở quán Bạch mã gần cầu, là nơi hành dinh của đại tá. Làm tại hành dinh, gần cầu Nữ Thánh, ngày mười chín tháng sáu năm 1815.
Viết thay đại tá La Baron bị thương ở cánh tay phải, và thừa lệnh đại tá.
Trung sĩ La Rose”.
Đứng gác ở đầu cầu vừa được nửa giờ, Fabrice trông thấy chín lính truy kỵ đi tới, trong đó sáu cưỡi ngựa, ba đi bộ. Anh đưa cho họ xem lệnh của đại tá.
Bốn tên cưỡi ngựa nói: “Chúng tôi sẽ trở lại” rồi cho ngựa đi nước kiệu lớn qua cầu. Fabrice bèn nói chuyện vớì hai tên kia. Trong khi họ tranh cãi hăng với nhau, ba tên đi bộ cũng vượt qua cầu. Cuối cùng một trong hai lính kỵ còn lại bảo cho xem lại tờ quân lệnh, rồi mang luôn nó đi và nói:
— Ta đem đến cho các bạn ta, thế nào họ cũng quay trở lại. Cứ ở đó mà đợi họ. Rồi hắn phóng ngựa chạy bay, bạn nó cũng theo nó. Tất cả những sự việc trên diễn ra trong chớp mất.
Fabrice điên tiết gọi người lính bị thương đang thò đầu ra cửa sổ quán Bạch mã. Người đó đeo lon trung sĩ kỵ binh. Anh ta xuống và vừa đi đến gần vừa hét:
— Rút gươm ra chứ! Anh gác kia mà.
Fabrice làm theo lệnh, rồi nói:
— Chúng nó mang tờ quân lệnh đi rồi.
— Chúng đang tức tối vì trận đánh hôm qua, viên trung sĩ đáp, vẻ chán chường - Tôi sẽ cho anh một khẩu súng ngắn. Nếu người ta vi phạm lệnh nữa thì anh bắn chỉ thiên, tôi sẽ đến, không chừng chính đại tá cũng sẽ ra. Khi báo cáo quân lệnh bị lấy đi, Fabrice nhận thấy viên trung sĩ đã có một cử chỉ ngạc nhiên. Anh hiểu rằng danh dự bản thân đã bị xúc phạm, và tự hứa sẽ không để cho bị lừa như thế nữa.
Được vũ trang bằng khẩu súng ngắn kỵ binh của viên trung sĩ, Fabrice hiên ngang đứng gác lại ở đầu cầu. Anh thấy bảy kỵ binh cưỡi ngựa đi tới. Anh ta đứng chặn đầu cầu từ trước. Anh truyền đạt mệnh lệnh của đại tá. Chúng có vẻ không bằng lòng. Tên táo bạo nhất tìm cách vượt qua cầu. Vừa sáng hôm qua, chị hàng quà bảo nên đâm chứ không nên chém. Fabrice nghe theo lời dạy khôn ngoan của người bạn gái đó, anh hạ mũi mã tấu và vờ như muốn đâm người vi phạm lệnh một nhát.
— Ái chà! Bọn lính kỵ la lớn - Cái thằng oắt con này muốn giết chúng ta. Làm như hôm qua chúng ta bị giết chưa đủ số! Cả bọn rút mã tấu xông vào Fabrice. Anh chắc chết. Nhưng anh nghĩ đến vẻ ngạc nhiên của viên trung sĩ và không muốn để bị khinh bỉ lần nữa. Vừa lùi trên cầu, anh vừa cố chĩa gươm đâm lại bọn kỵ mã. Sử dụng cây mã tấu đại kị quất thẳng, to, quá nặng đối với sức vóc anh, anh có vẻ mặt lạ lùng thế nào ấy, khiến bọn lính kỵ biết ngay đối thủ của mình. Bây giờ họ tìm cách không phải để đánh cho anh bị thương, mà để băm nát quần áo trên người anh. Vì vậy Fabrice nhận mấy nhát kiếm nhẹ trên hai cánh tay, về phía anh, luôn vung gươm ráo riết đâm nhiều nhát tới trước. Rủi làm sao, một nhát đâm phải tay một tên, làm hắn bị thương. Tức giận vì bị một tên lính non choẹt đánh trúng, hắn ta trả lời bằng một nhát kiếm đâm thẳng cánh, tin vào phần trên đùi Fabrice. Sở dĩ miếng kiếm đó trúng đích là vì con ngựa của Fabrice không những chạy tránh cuộc xung đột, lại có vẻ thích thú và cứ muốn xông vào bọn tấn công. Bọn này thấy máu chảy dọc theo cánh tay phải Fabrice, đâm ngại là trò đùa nghịch của họ đã vượt giới hạn quá xa, bèn tấn chàng thanh niên vào thành cầu bên trái, rồi phóng ngựa chạy đi. Vừa rảnh tay Fabrice bắn phát súng chỉ thiên để báo với đại tá.
Khi súng nổ thì có bốn kỵ binh cưỡi ngựa, hai đi bộ, cùng một trung đoàn với mấy tên kia, đang tiến về phía cầu và còn cách vài trăm bước. Chúng chăm chú nhìn sự việc xảy ra trên cầu và tưởng Fabrice bắn vào bọn đồng ngũ của họ, bốn tên đi ngựa lao tới Fabrice, gươm trần vung cao, một cuộc xung phong thực sự! Đại tá La Baron nghe súng, mở cửa ra và chạy lên cầu, vừa đúng lúc bọn kia phi ngựa tới. Tự ông ra lệnh bảo chúng dừng lại.
— Ở đây làm gì có đại tá! Một tên trong bọn thét và thúc ngựa tiến lên. Đại tá phẫn nộ bỏ dở những lời khiển trách và dùng bàn tay phải bị thương nắm cương ngựa của tên đó. Ông thét:
— Đứng lại! Đồ lính tồi. Tao biết mày, mày ở đại đội của đại úy Henriet.
— Ừ! Đã vậy thì để chính đại úy ra lệnh cho ta.
Nó lại cười khanh khách, nói thêm:
— Đại úy Henriet bị giết hôm qua, còn lão thì xéo đi, tìm chỗ mà rụi!
Nó vừa nói vừa muốn vượt lên, khiến ông đại tá bị đẩy ngã xuống nền cầu. Fabrice đang ở trên cầu, cách hai bước, mặt quay về quán Bạch mã. Anh thúc ngựa lên và trong khi ức ngựa của tên hung thủ đẩy ngã ông đại tá tay vẫn nắm chặt dây cương, thì anh căm phẫn đâm nó một nhát thẳng cánh. May sao ngựa của tên kỵ binh thấy mình bị kéo xuống đất, do tay ông đại tá nắm dây cương nên nhảy qua một bên, do cử động của con ngựa, lưỡi gươm đại kỵ dài lướt dọc áo gilê tên kỵ binh và bày ra trọn vẹn dưới mắt hắn. Nổi điên, tên kỵ binh quay lại chém một nhát cực mạnh làm Fabrice đứt tay áo, lưỡi gươm băm sâu vào cánh tay, anh ngã xuống.
Một trong hai tên kỵ binh không ngựa thấy hai người bảo vệ cầu đều ngã, bèn chộp cơ hộí nhảy lên lưng ngựa Fabrice và phóng đi, định chiếm đoạt con ngựa.
Viên trung sĩ từ trong quán chạy ra thấy đại tá của mình ngã, tưởng ông bị trọng thương. Anh đuổi theo ngựa Fabrice đâm mũi kiếm của mình vào hông tên kỵ binh. Tên này đổ xuống. Những đứa khác thấy trên cầu chỉ còn viên trung sĩ đi đất, liền phi ngựa vượt qua cầu và chạy đi nhanh chóng. Tên đi bộ chạy trốn về phía đông.
Viên trung sĩ đến bên cạnh những người bị thương. Fabrice đã đứng lên, anh ta không đau lắm nhưng mất nhiều máu. Ông đại tá đứng dậy chậm hơn, choáng vì ngã chứ không mang thương tích gì. Ông nói với viên trung sĩ:
— Ta chỉ đau vì vết thương cũ ở bàn tay.
Tên kỵ binh bị trung sĩ đâm chỉ còn ngắc ngoải. Đại tá kêu:
— Quỉ sứ bắt nó đi! Rồi ông nói với viên trung sĩ và hai người lính kỵ vừa mới chạy đến. Hãy săn sóc chú thanh niên bé bỏng này, ta đưa chú vào chỗ nguy hiểm không phải lúc. Tôi ở lại trên cầu để tự mình cố chặn những tên điên cuồng đó lại. Các anh hãy đưa chú bé về quán và băng bó cánh tay cho chú. Lấy một chiếc sơ mi của tôi mà băng”.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme