Hồi 6 - Tôn-huyên-trinh Khuyến Phu Xá Tài,
ghĩa là:
Bà Tôn-Huyên-Trinh khuyên chồng xá gia tài,
Mã-Văn-Khôi ăn tiền thông quyền biến.
Có bài kệ rằng:
Muôn phép đều không chớ muốn cầu,
Mượn tài hộ đạo dưỡng công phu.
Lần đem việc đó thông quyền biến,
Ngày khác y nhiên cũng hết sầu.
Khi đó, Trùng-Dương tiên-sanh đem việc mượn tiền hộ đạo chiêu tập người tu hành nói cho Mã viên-ngoại nghe, viên-ngoại mới vui phục nói rằng: Như ông nói vậy thật người có đạo đức lớn, tôi cùng Tôn-Thị đều nguyện lạy ông làm thầy, chưa hiểu trong ý ông làm sao? Trùng-Dương nói:
- Hai ông bà như có lòng chơn tâm học đạo tôi nào chẳng chịu! Nhưng mà trước phải xá gia tài rồi sau mới truyền cho chí đạo, một lòng một ý đặng khỏi chỗ lo nhớ. Viên-ngoại nói:
- Thầy muốn dùng bao nhiêu tự ý, tôi không tham tiếc, hà tất phải xá? Trùng-Dương nói:
- Như ngươi không xá, thì cũng còn của ngươi, tôi không đặng tự do xuất phát. Viên-ngoại nói:
- Ruộng đất, tiền bạc cùng tờ giấy giao ước dưng hết cho ông cũng như tôi xá rồi. Tiên-sanh rằng:
- Tờ giấy còn tên của ngươi, như muốn giao cho tôi phải thỉnh người trong tộc làm tờ xá ước mới có bằng cớ. Viên-ngoại nghe nói trở vui làm buồn, từ biệt tiên-sanh về nhà đem những lời Trùng-Dương thuật cho bà nghe, nói rằng:
- Theo ý tôi việc nầy chắc không thành. Huyên-Trinh hỏi:
- Sao vậy? Viên-ngoại nói:
- Bà chẳng hiểu trong tộc của tôi sao? Bà nói:
- Người đều riêng lòng làm sao hiểu đặng! Viên-ngoại nói:
- Người trong tộc tôi thấy vợ chồng mình không con, ai ai cũng thầm tính chia rồi, đợi vợ chồng mình chết thì gia tài nầy về họ, nào có chịu đem giao cho người khác, nên tôi biết chắc không thành.
Bà Huyên-Trinh nói:
- Việc đó cũng khó, ngày mai ông thỉnh tộc-trưởng có quyền thế đặng nghị luận. Như họ y lời thì thôi, bằng chẳng chịu thì ông làm như vầy...... chắc là họ bao ông đặng nên. Viên-ngoại nghe liền nói:
- Thiệt bà có trí cao, làm như vậy chắc đặng thành. Liền kêu Mã-Hưng đi thỉnh bổn tộc định ngày mai giờ ngọ tới cho đủ.
Mã-Hưng y lời đi thỉnh. Qua ngày sau, anh em đồng bạn và trong tộc lớn nhỏ đều vào nhà giữa phân thứ tự mà ngồi. Có một người trưởng-tộc tên là Mã-Long làm chức Cống-Sĩ hỏi viên-ngoại rằng:
- Cháu thỉnh trong tộc có việc chi? Viên-ngoại thưa:
- Cháu mấy năm rồi thường hay bịnh hoạn, trong mình chẳng khỏe hay chóng mặt. Nay có một người ở bên Xiểm-Tây tên là Vương-Lão Tiên-Sanh, thiệt người trung hậu, cháu biểu người ấy ở tại nhà cháu đem hết gia tài ruộng đất giao cho ông lo liệu đặng vợ chồng cháu an rảnh mà dưỡng bịnh. Ông biểu cháu thỉnh người tộc-trưởng làm tờ giao ước ông mới chịu lãnh. Nên nay cháu thỉnh tộc-trưởng đến thương lượng đặng làm tờ giao lại cho ông.
Viên-ngoại nói vừa dứt lời, có người anh tên là Mã-Miên nghe nói giận dữ chỉ viên-ngoại nói rằng:
- Chú ngây rồi, hồ ngôn nói loạn, cơ nghiệp của ông bà không bảo giữ, có đâu nói xá cho người ta. Chú nghe lời dỗ gạt mà nói như vậy. Mã viên ngoại biết việc không hợp lý, chẳng dám nói nữa.
Lại có một người chú họ tên là Mã-Văn-Khôi, làm chức học sanh và một người anh họ là Mã-Chiêu, làm quan Tử-Giám đại học-sanh. Hai người có tước trong tộc họ Mã, tài giỏi hơn hết. Hễ có việc chi lớn nhỏ đều nhờ hai người tính toán thì xong việc. Mã-Văn-Khôi thiệt người có quyền biến, thấy Mã-Miên nặng lời cùng viên-ngoại, lên tiếng nói:
- Thôi đừng trách oán, cũng việc anh em, bởi viên-ngoại là người thật thà, phải mời Vương-Lão Tiên-Sanh ra đây đặng tôi hỏi coi cớ sao mà dám nói như vậy? Liền sai Mã-Hưng đi thỉnh Vương-lão. Trùng Dương ra đến cũng không làm lễ, mấy người đều không hỏi tới ông. Mã-Miên thấy ông cười lớn rằng:
- Tôi tưởng lão tiên-sanh nào, ai dè người đi xin ở đây! Mã-Văn-Khôi hỏi Trùng-Dương:
- Ông người cô-lão, thường hay ở xóm nầy xin ăn mấy năm, chưa nghe ông có tài chi, nay viên-ngoại của tôi coi trọng ông là một bực, tiếp về nuôi dưỡng đủ lễ thì thôi, phải an phận giữ mình, sao lại xúi cháu tôi biểu làm tờ xá gia tài cho ông? Ông là người năm sáu mươi tuổi, sao không biết lẽ? Trong thiên hạ nào có phép như vậy, mà dám nói ra không sợ chê cười? Trùng-Dương đáp:
- Bình sanh tôi chẳng biết làm việc chi hết, vì nghèo sợ rồi, nên biểu y đem gia tài nhượng cho tôi đặng hưởng ít năm, nào sợ gì ai cười. Nói vừa dứt lời có Mã-Phú, Mã Quới nhảy lại chỉ trên mặt Trùng-Dương nạt một tiếng:
- Tao cho mấy thằng chẳng biết thể diện, con chim cú, con cú dại mà muốn đội mão phụng, chuột lang mà muốn ăn thịt khổng-tước, uổng cho mày sống mấy mươi tuổi, nói lời chẳng sợ xấu hổ, thiệt là đáng ghét!
Mã-Phú kêu Mã-Quới nói rằng:
- Bạn ta đuổi nó ra ngoài xóm, đừng cho ở đây. Nói rồi liền áp lại kéo Trùng-Dương. Mã-Chiêu can rằng:
- Thôi đừng đuổi xô, thương người cô lão. Nay viên-ngoại rước ông tới, thôi để ông đi, đừng cho viên ngoại xá gia tài thì thôi.
Mã-Phú, Mã-Quới mới ngừng tay. Kế Mã-viên-ngoại kề miệng gần tai Mã-Long nói nhỏ việc chi chẳng biết, rồi Mã Long nói với mấy người:
- Thôi anh em bây đừng ngầy-ngà, thảy đều về hết, để tao ở lại định việc, tao không cho nó nào dám xá.
Mấy người nghe lời Mã-Long thảy đều ra về. Viên-ngoại thỉnh Mã-Long và Mã-Văn-Khôi ở lại mời vào phòng đãi rượu. Mã Long với Mã-Văn-Khôi ngồi bên tả, viên-ngoại ngồi bên hữu. Làm lễ đãi tiệc vừa xong, Mã-viên-ngoại thưa rằng:
- Thưa trước ông cùng chú còn ở lại đây, nay cháu muốn một việc, thưa ông cùng chú toan liệu.
Mã-Văn-Khôi hỏi:
- Vậy viên-ngoại có việc chi nói ra mới hiểu mà tính toán. Viên-ngoại nói:
- Tôi chẳng phải đem gia tài mà xá cho Vương-Trùng-Dương, chẳng qua là tạm ông coi dùm ít năm, đặng cháu thong thả an dưỡng chứng bịnh. Mã-Văn-Khôi hỏi:
- Biểu ông coi giữ không thì phải, sao lại biểu lập tờ xá ước chi vậy? Viên-ngoại thưa:
- Không, đó là nhứt thời quyền biến, thấy ông chơn tâm thiệt ý, cậy ông giữ giùm tôi cũng đặng rảnh tâm an dưỡng một lúc, chớ không có điều chi. Mã-Văn-Khôi nói:
- Lẽ của cháu, ta chưa minh đặng, chẫm rải nói lại ta nghe. Viên-ngoại thưa rằng:
- Chú nghe cháu tỏ, vì cháu nhiều bịnh, còn cháu dâu hay chóng mặt khó coi sóc các việc. Bấy lâu cháu tầm người trung-hậu thật-thà thế tay săn sóc, may nhờ trời tùng người như nguyện nên gặp lão tiên-sanh, tôi muốn đem gia tài giao cho ông lo liệu thì gia tài nầy cũng như của tôi. Bởi ông nghe chẳng kịp biểu tôi phải giao dứt cho ông, tôi thấy nói lời quê mùa, tôi cũng liền đáp theo như lời ông nói xá dứt. Ấy rõ ràng là lời nói chơi, ông tin là thiệt, lại biểu thỉnh trong tộc làm tờ xá ước cho ông. Tôi nghĩ ông là người cô-lão ở xứ xa đến đây, không bà con thân thích, dẫu giao hết cho ông cũng không lẽ sang dời đâu đặng. Huống ông tuổi già sống có mấy năm nên lập tờ cho ông gìn giữ thế cho tôi đặng dưỡng bịnh một lúc, chừng ông mãn phần cũng qui về tôi, nào có tổn hại chi. Xin ông cùng chú vui lòng an việc nầy, cháu rất đội ơn.
Mã-Long nói:
- Trong tộc đông người, để hỏi lại coi. Mã-Văn-Khôi lại hỏi Mã-Long, thấy Mã-Long gật đầu rồi nói:
- Chuyện nầy một mình tôi ắt cũng chưa đặng.
Viên-ngoại nghe nói mời hai người vào phòng kín, lấy một món báu lạ đem để trước mặt hai người, thấy chớp sáng lòa, coi ý ông nào cũng chịu.
Có bài kệ rằng:
Chiếu chớp hình ra thấy nhãn tiền,
Sáng ngời một đốm lại tròn viên,
Có y muôn việc đều an chuyện,
Chẳng đặng dầu sanh cũng lụy liền.
Khi đó viên-ngoại đem ra thảy đều ngó cười, miệng chẳng hở môi, rồi Mã-Long nói với Mã-Văn-Khôi rằng: Viên-ngoại hồi sớm nói việc ấy rõ ràng, thế không có điều chi hại, chẳng qua là mượn việc xá ước mà buộc lòng ông già lo lắng công việc, như vậy cũng không sao. Mã-Văn-Khôi rằng:
- Phải ấy là quyền biến một hồi cho có người giúp sức, như chú chịu lãnh thì mấy người kia tự nhiên phải an. Mã-Long nháy nháy kề miệng vào tai Mã-Văn-Khôi nói ít câu, coi bộ vui mừng rồi nói rằng:
- Viên-ngoại hãy an lòng, chắc việc nầy xong đặng. Thôi để tôi đi nói với mấy người kia, thì thế nào cũng xong.
Có đặng bạc tiền việc lớn xong,
Nào lo xá ước lập không thành.
Thất Chơn Nhơn Quả Thất Chơn Nhơn Quả - Huỳnh-Vinh-Lượng