Thằng Luyến epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7
áng nay, Luyến chống nạng đi dạo phố rất sớm. Với tiếng lọc cọc, nỗi buồn vang theo. Luyến không thích bất cứ tin tức vui buồn đổ xuống thị xã nữa. Dưới bầu trời phiền muộn, chỉ đôi mắt bị mù, đôi tai bị điếc, cái mồm bị câm mới không biết nghịch cảnh xẩy ra và nín thít, chẳng biết nói chi. Nhưng. Luyến không thích mạ sầu trong đồng lúa cứ ngoi lên theo thời đại. Luyến là người theo thời đại, phải chấp nhận thời đại, bỏ chất đắng cay trong trái cây vàng ửng.
Từ khi vĩnh biệt tuổi thơ và từ khi bị mất một chân, Luyến suy tư mòn óc. Chả được gì qua những suy tư. Mà, Luyến vẫn suy tư, kể cả suy tư trong niềm nhớ.
Luyến nhớ thằng Vũ, thằng Côn, Thằng Vọng, thằng Long, thằng Lộc kinh khủng. Bao giờ chúng nó về nhỉ? Chúng nó cứ về thị xã, bất kể thời đại nào, chúng nó chiến thắng hay chiến bại. Được tất. Cầu xin cho chúng nó lành mạnh, không mất chân tay, không què quặt. Thời buổi chiến tranh khó mơ ước. Ta cứ mơ ước, nếu còn có thề mơ ước. Luyến cố gắng lội về dĩ vãng, tìm kiếm cái êm dịu của bạn bè. Nó chỉ thấy những trận bóng An Tập đấu với lớp nhì 1 của nó. Đó là những ngày vui bốc và buồn tênh. Vui buồn không thước nào đo nổi. Nghĩ lại, vui buồn của tuổi thơ đều trong vắt như sương trên ngọn cỏ ban mai. Nụ cười hay giọt nước mắt ấu thời không nhìn thấy ngày vàng tháng xanh của tuổi ngọc. Luyến tự cho rằng, nó và các bạn nó đã mãn nguyện rồi. Bây giờ, bạn bè có gặp oan trái thì oan trái sẽ chìm đi khoảnh khắc, khi quá khứ thần tiên của chúng vọt lên.
Thằng Vũ ngang tàng. Ở đâu, bạn nó bị bắt nạt, thầy nó bị ức hiếp, là nó lao vào, dù nó lao vào chỗ khốn khó. Ngang tàng nổi tiếng trường Monguillot, thế mà nay, Vũ chịu nổi kỷ luật của cách mạng. Thằng Côn tính nết đài các, phong lưu mã thượng. Nó ghét cay ghét đắng những thằng thích khoe khoang mình tài giỏi và chơi trịch thượng. Cách mạng không thiếu những người trịch thượng và nói hay về mình. Côn còn sống trong bộ đội đến bao giờ? Thằng Vọng thì tự ti mặc cảm. Đừng hành hạ nó quá thôi, còn thì bảo sao nó làm vậy. Vọng tốt lắm. Thằng Long và thằng Lộc, đứa hay phá thối, đứa hay khôi hài cười cợt, liệu chúng nó có thay đổi tâm hồn để đồng hóa với lính giai cấp nông dân? Luyến nghĩ rất khó khăn cho Vũ, Côn, Long, Lộc. Cho nên, Luyến vẫn mơ hồ, hôm nào, bạn nó sẽ về thị xã hết. Bạn nó chưa về hay bạn nó không về, Luyến đổ vạ cho số phận. Số phận của thời đại đã bắt Luyến tinh nghịch phải mất một chân, phải về thị xã sớm nhất, để hứng tất cả nỗi buồn đổ xuống thị xã.
Luyến đi gần tới cầu Bo. Những lính Pháp, Pác ti dăng, Bùi Chu - Phát Diệm đứng đầy trên xe cam nhông qua cầu Bo, sang mặt trận bên kia sông Trà Lý. Sao lính đi nhiều vậy? Luyến hỏi người lính pác ti dăng già:
- Lính hành quân huyện nào đấy, bác?
Người lính già đáp:
- Cậu không biết à?
- Dạ, không biết.
- Ở thị xã đã khối người biết. Pạc ti dăng cho vợ biết, vợ cho thiên hạ biết. Này cậu, Pháp mở cuộc hành quân Trái Chanh đấy, vĩ đại ra phết. Lính pạc ti dăng đi hết. Tớ trong hỏa đầu quân, tức là nấu cơm, được ở lại. Cả tụi lính Bùi Chu - Phát Diệm cũng hành quân. Xe cam nhông chạy từ sáng tinh mơ, còn vài chuyến nữa sẽ hết.
- Hành quân Trái Chanh bao nhiêu ngày, hở bác?
- Xem chừng cả tháng ấy.
- Lính đến đâu ạ?
- Xa đây lắm. Tớ chỉ biết có thế thôi.
- Lần này bắt tù binh kỹ, bác nhỉ?
- Hẳn rồi.
- Bác biết giam tù binh ở đâu không?
- Trong khu vực Pháp.
- Có nhà?
- Nhà quái gì, lều là sướng rồi. Này, tớ nói thật, tớ yêu Việt Minh và ghét Pháp. Chúng tớ pạc ti dăng, nhiều đứa căm lính Bùi Chu - Phát Diệm điên người lên. Bọn lính đánh thuê sẽ biết tay chúng tớ.
- Bác định làm gì họ?
- Phơ!
- Giết họ à?
- Như tụi Bùi Chu - Phát Diện phơ Việt Minh ấy.
- Ghê quá.
- Dân thị xã không sao cả. Chúng tớ phơ tụi Bùi Chu - Phát Diệm, chúng tớ chịu.
- Phơ họ chả được ích chi.
- Sao lại chả ích? Phơ, chúng nó sợ, cút ngay về Bùi Chu - Phát Diệm. Cho ăn kẹo cũng không dám bén mảng sang Thái Bình.
Người lính già hỏa đầu quân pạc ti dăng vỗ vai Luyến, rồi bước đi nhanh. Luyến đứng lại trông đợi xe cam nhông qua cầu Bo. Một lúc lâu, xe hết ra phố chính sang bên kia sông Trà Lý. Đúng là chuyến cuối cùng.
Nếu Pháp hành quân ở Quỳnh Côi, Phụ Dực, xe phải chạy quốc lộ số 10. Dù đường sá sửa sang, xe cam nhông cũng chỉ chạy đến cầu Nghìn sập đổ, quân Pháp xuống ở Đồng Bằng. Căm nhông chạy trên đê, qua nhà thờ Sa Cát, chắc Hưng Nhân, Tiên Hưng, Đông Hà, Thái Ninh chịu cuộc hành quân Trái Chanh rồi. Mỗi cuộc hành quân của Pháp ở hậu phương gọi là cuộc càn quét. Cuộc hành quân Trái Chanh do Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp nghĩ ra chiến thuật và chiến lược, Pháp ở Thái Bình chỉ thi hành. Cuộc hành quân nào cũng đem về tù binh, bắt đúng hay bắt lầm, dân chúng bị thương nheo nhóc, bị giết tàn bạo, nhà cửa bị đốt cháy, đàn bà con gái bị hiếp dân tã người... Thành tích về hôi đồ, cướp tiền không báo cáo lên Bộ tối cao chỉ huy quân đội liên hiệp Pháp.
Luyến nghĩ tới những vùng sắp chịu hành quân Trái Chanh, những vùng sắp ăn no đạn, những vùng sắp hứng mọi hình phạt, những vùng sắp cởi tung quần áo, lĩnh đủ nghịch cảnh. Chị kia đang nằm trên giường rặn đẻ, đau đớn làm sao! Bà nọ mệt mỏi, ôm đứa con vừa sinh. Súng hành quân của Pháp giúp chị kia dứt đau đớn và em nhỏ không bao giờ ra khỏi lòng mẹ mà khóc ba tiếng chào đời. Súng hành quân của Pháp giúp bà nọ dứt mệt mỏi và đứa con không biết cám ơn người đã hóa kiếp sớm sủa cho nó về đất làm giun dế! Ông này đang uống trà, ngâm thơ Phạm Thái: Sống ở dương gian đánh chén nhè, Chết về âm phủ cắp kè kè, Diêm vương phán hỏi mang gì đó, Be... Súng hành quân của Pháp giúp ông này về âm phủ thật. Súng hành quân của Pháp còn giúp ông tránh câu hỏi của diêm vương. Bà ấy cầu kinh sớm tối. Bà tin chắc Phật sẽ thấu lòng bà, ban phúc cho dân hưởng thái bình. Súng hành quân của Pháp trúng ngay tim bà ấy. Thế là bà lên cõi Phật... Cảnh đời trong chiến tranh nói không hết. Chiến tranh và kẻ gây chiến tranh tội lỗi khác đi nhiều. Không biết phát xít Đức có hành quân kiểu Pháp bên nước Pháp? Cuộc đời vốn ích kỷ, không muốn ai làm khổ cực cho mình, mình sẵn sàng làm người khác khổ cực.
- Anh Luyến...
Luyến quay lại. Khoa hớt hải:
- Em tìm anh mãi.
- Anh ra đây từ sớm.
- Pháp hành quân Trái Chanh sang bên kia sông, anh biết chưa?
- Rồi. Không hẹn mà gặp xe căm nhông chở lính hành quân. Chuyến xe cuối, em ạ. lính Bùi Chu - Phát Diệm bị cấm quân mãi, nay mới hành quân.
- Anh nghĩ gì về họ?
- Họ hoàn toàn mất tích trong ý nghĩ tốt đẹp của anh. Họ quả nhiên đánh thuê cho Pháp.
- Họ đi hành quân?
- Ừ.
- Hành quân Trái Chanh?
- Ừ, sẽ vắt quả chanh hết nước. Cuộc hành quân này rùng rợn lắm.
- Mình đi lên cầu Bo, em kể chuyện đệ tử của quan ba Vương Văn Chừ cho anh nghe!
Hai đứa đi dốc, leo lên cầu, đứng trong hành lang. Luyến vừa quay mặt ngó nước sông Trà Lý mùa hạ, thì đại bác gần nhà thương câu đi. Hàng chục khẩu đại bác khạc đạn sang bên kia sông. Luyến và Khoa nhìn rõ lính Pháp phóng những viên đạn và nghe rõ những tiếng phơ của họ. Cầu Bo có xa bệnh viện là mấy. Lính Pháp rất bình tĩnh nhả lửa. Họ không sợ phản pháo. Pháp thừa biết, ở Thái Bình, cách mạng còn yếu kém vũ khí, chưa có đại bác xung trận, nói chi cách mạng pháo kích vào trại Pháp. Đại bác hướng phía huyện Hưng Nhân, Tiên Hưng, và tiếng nổ nghe lớn. Luyến ngậm ngùi:
- Dân mình lại chết oan như rạ!
- Sao người Pháp bảo: Quỳnh Côi, Phụ Dực ra tro cơ mà.
- Sẽ ra tro. Xe cam nhông chạy trên đê, qua nhà thờ Sa Cát. Hôm nay thì Hưng Nhân, Tiên Hưng ra tro. Đại bác câu như mưa, ai mà chịu nổi!
Đại bác bắn liên tục một giờ liền. Khi nó vừa ngưng, hai chiếc phi cơ Spitfire từ Nam Định bay sang, tham dự cuộc hành quân Trái Chanh. Spitfire đen thùi thũi. Đứng trên cầu Bo, trông rõ lắm. Hai chiếc tới địa điểm oanh tạc, lượn hai vòng. Chiếc thứ nhất chúi xuống, thả bom, bay lên, và lại lượn. Chiếc thứ hai cũng chúi xuống, thả bom. Tiếng bom nổ nghe rõ mồn một. Thấy khói đen bốc cao. Không thấy lửa cháy. Thời đại đến đúng. Lúc này, người Pháp cho nhân dân Việt Nam ăn bom napalm rồi. Thái Bình đang ứa nước mắt gặm napalm. Bỏ hết bom, Spitfire ria đạn. Trên không, nhìn xuống dưới, lũ người như lũ chó chạy, cả làng trốn chạy. Phi công hào hoa Pháp cứ ngăm mà khạc đạn. Tận diệt cách mạng. Người nào cũng giống Việt Minh. Khạc đạn và khạc đạn.
Khói bốc như mây mùa thu, đứng một chỗ xây thành, chứ không bay đi. Khói tu lại, biến chỗ hành quân thành vùng trời phiền muộn. Vùng trời ấy có thề nhận vơ là vùng trời thị xã. Ngày xưa, vùng trời thị xã u buồn, thấy đảo chính Nhật hành hạ Pháp, không cho Pháp đi giầy và uống nước. Nhiều người Pháp đã trốn Nhật. Vùng trời tha thiết bảo vệ thị xã hãy cho lén nước người Pháp trong cơn khát rã họng, hãy giúp người Pháp trốn Nhật. Ngày nay, vùng trời thị xã đau khổ, thấy người Pháp đền ơn bằng đại bác, bằng bom!
Bỏ hết bom lên đầu dân Việt Nam, bắn hết đạn vảo ngực dân Việt Nam, bình yên vô sự, phi công Pháp đã làm một phi vụ danh dự cho người Pháp. Và bay về Nam Định.
- Anh ơi, Spitfie là khạc lửa, phải không?
- Ừ.
- Spitfire tiếng Anh, máy bay của Mỹ!
- Mỹ viện trợ cho Pháp.
- Mỹ đểu thật! Viện trợ cho dân thị xã sữa bột, phó mát, hôm qua, viện trợ máy bay cho Pháp giết dân Thái Bình, hôm nay.
- Thôi, đừng nhắc tới Mỹ nữa. Lúc nãy, em hứa kể chuyện đệ tử của Ba Chừ cho anh nghe cơ mà.
- Vâng, em sẽ kể...
Thằng Luyến Thằng Luyến - Duyên Anh Thằng Luyến