Chương 7 -
ôi mở cổng đi vào nhà. Trong nhà đèn điện vẫn còn sáng trưng, mọi người chưa ai ngủ. Chị Hai nhìn thấy tôi nói liền:
- Cái Thùy nó đến tìm em, chờ mãi em không về vợ chồng nó lại đi rồi!
Tôi tiếc ngẩn ngơ, hỏi dồn dập:
- Nó đến đây lúc mấy giờ? Nó có bảo trở lại nữa không chị?
- Cũng khoảng hơn chín giờ tối, Nó bảo mai trở lại đấy!
- Sao chị không giữ nó ngủ lại đây một đêm!
- Chị có nói mà nó sợ chồng nên phải về theo!
Tôi buồn bã xách cái bình thủy nước nóng ra ngoài sân sau rửa mặt rồi leo lên giường đi ngủ.
o O o
Sáng ngày 16 tháng 11 năm 2003, cả nhà tôi ai cũng dậy sớm chuẩn bị để đến trường. Đứa cháu đi đầu tiên, tiếp đến là cô em gái rồi chị Hai. Anh Quí lên đón chị Tư và thằng nhóc. Chỉ còn lại mình tôi ở nhà chờ Bành Tổ. Tôi sửa soạn thay đồ rồi ngóng ra cửa chờ. Đúng 7 giờ, Bành có mặt chở tôi chạy thẳng xuống nhà Hoài.
Trong nhà Hoài, các bạn đứng ngồi lố nhố, thấy tôi bước ra khỏi xe đi lên mấy bậc tam cấp, Hồng đã cười nói oang oang:
- A…! Con Hân nó mặc quần rồi tụi bay ơi! Tao tưởng hôm nay mày còn mặc váy định cử Hậu với Hằng ra nâng váy cho mày!
Tôi cười toe toét:
- Vừa phải thôi bà!
Tụi tôi đã có chương trình sẵn, sáng lên trường gặp bạn bè thầy cô giáo, dự buổi lễ kỷ niệm thành lập trường, đến trưa có bữa tiệc ăn nhẹ do nhà trường đài thọ. Sau đó tụi tôi sẽ ghé thăm viếng nhà Dũng Nhỏ, hôm nay là 49 ngày bố nó mất. Tiếp theo đi thăm mộ Phạm Tuyết Mai con bạn xấu số của tụi tôi. Thời gian còn lại kiếm gì đó vui chơi chờ đến chiều tối ăn tiệc do lớp đặt tại quán nhà ông Rứa. Đi vào rừng ma thăm mộ bạn mà bận váy coi không tiện tôi phải mượn tạm cái quần jean của đứa cô em mặc vào cho lịch sự.
Để các bạn ngồi lại nhà Hoài, Hồng, tôi Bành và Đào đảo ngược về nhà Hồng lấy thêm vài thứ cần thiết nhân tiện ăn sáng luôn. Tôi dặn các bạn đúng giờ cứ lên trường trước đừng chờ tụi tôi làm gì, tụi tôi ra đây không thấy sẽ lên thẳng trường luôn. Quán ăn sáng nằm trên phần đất nhà Hồng này xưa, chủ nhân lạ hoắc tôi không biết. Quán bán cháo lòng, Bành hỏi:
- Ăn tiết canh không em gái?
- Thôi, sáng ra mà ăn tiết canh cái nỗi gì! Ăn nhè nhẹ được rồi!
Bốn tô cháo lòng được mang ra, tụi tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Hồng chỉ sang căn nhà đối diện chỉ:
- Nhà của Trần Hà kìa!
- Trần Hà nào?
- Hà em Sơn Nghiện đó, không nhớ à!
- À…! Nhớ rồi, con bé nhỏ tí chứ gì?
- Ừ. Bây giờ Hà là giáo viên, hình như dậy học chung trường với chị Hai Hân đấy!
Mấy bữa nay Hà không đến với lớp nên tôi quên mất tiêu. Hồng hỏi tôi còn muốn ăn gì thêm không. Tôi nói thôi no rồi, tụi mình lên trường đi kẻo mấy đứa bạn chờ. Khi trở lại nhà Hoài, các bạn đã đi hết, chúng tôi chạy thẳng lên trường.
Hôm nay là ban ngày, tôi có thể nhìn thấy rõ mọi thứ. Hồi trước khu này chỉ có mỗi trường học, không có nhà của dân, thế mà bây giờ nhà cửa mọc như nấm. Tôi không còn nhận ra đâu là phòng giáo dục cũ, đâu là trường cấp 1, 2. Chỉ biết đi thẳng vào là đụng cổng trường cấp 3 trường mới được xây lại, các phòng ốc còn thơm mùi vôi mới. Cũng trên sân khấu tối qua, một ông già đang kể chuyện thời xưa, tôi không biết ông này, tôi chỉ nghe ông đang nói về thời chiến tranh, trường phải đi sơ tán rồi thì …máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, rồi thì… "chúng ta phải nhớ ơn Đảng, nhớ ơn Bác" (sic)… tùm lum tà la.
Đám bạn cũ của chúng tôi đang ngồi bên cánh tay phải của khán đài, dưới nữa là học sinh các khối ngồi theo từng dọc. Mấy đứa bạn thấy tụi tôi thì đưa tay vẫy gọi, tụi tôi men theo những hàng ghế lên ngồi chung với các bạn. Tại đó tôi gặp lại vô số các bạn cùng khối. Thu quắt nhà ở gần kho B1, Lan gần nhà tôi, Chiến Lý nhà trong khu xưởng kẹo, Hằng ở khu Hạt Hai, Quế cháu cô Tơ, thủ trưởng của mẹ tôi, anh em Đào, Hùng… còn nhiều nữa. Thảo chỉ tôi nói với mấy đứa lớp nó:
- Con Hân này hôm kia nó chào tao bằng cô đấy chúng mày ạ!
Tôi chỉ cười không nói gì thêm, chui vào đám bạn lớp mình ngồi nhìn ra hướng khán đài. Ngồi nghe được hơn nửa tiếng, thằng Hưng nháy tụi lớp tôi đi ra quán cà phê ngồi chơi, bàn công việc.
Xuống tới trước cửa phòng hội đồng tụi tôi gặp cô Nghĩa dậy Văn lớp 12 khi trước, cô nay đã chuyển lên thị xã Sơn La dạy học, nghe nói cô đang bị bệnh thận, không cứu chữa được, chẳng biết đi ngày nào. Nước da cô xanh xao, tay chân mặt mũi xưng lên giống như bị phù thủng. Tôi chào cô rồi hỏi:
- Cô ơi! Cô nhớ em không?
Cô nhìn tôi một thoáng rồi nói liền:
- Hân! Phải Hân không nào! Em không thay đổi mấy! Hiện giờ em ở đâu?
- Dạ! Em ở Tokyo ạ!
- Trời ơi! Sao mà em bay đi xa thế! Thôi cô mừng cho em!
Vừa lúc đấy cô Bình dạy thể dục đi lại cô mặc cái áo dài mầu xanh nhạt, mái tóc bới cao. Cô vẫn trẻ như thời tôi còn đi học. Cô nhận ra tôi ngay dù mười mấy năm qua tôi không gặp lại cô nữa. Chợt nhìn thấy thầy Dũng dậy Hóa, tôi liền sấn bước tới hỏi:
- Thầy nhớ em không?
Thầy nhìn tôi thật lâu, Thời gian qua đi vài ba phút nhưng thầy vẫn còn chưa nhớ nổi. Đứng sau lưng tôi là Hưng, Bành, Hồng và vài đứa nữa, chúng nó cũng lặng im chăm chú xem thầy có nhận ra tôi không. Thầy trẻ giai thật, không già đi chút nào. Khi chuyển vùng về Hà Nội thầy đã bỏ dạy học làm nghề khác. Tôi còn nhớ mỗi lần có dịp về Hà Nội, thỉnh thoảng tôi vẫn ghé thăm thầy, nhà thầy ở phường Cầu Đất, Phố Đội Bay, tôi phải đạp xe đi rất lâu mới tìm ra đúng địa chỉ. Hồi đó, Thầy còn dắt tôi ra ngoài nhà hàng Thủy Tạ ăn kem. Thầy cũng ở trong đội văn nghệ của trường, thầy có biệt tài biểu diễn kịch câm, đã từng hát song ca với tôi trong các chương trình văn nghệ được tổ chức, thế mà mãi thật lâu thầy mới nhớ ra tôi là ai. Nhìn cái vết sẹo mờ mờ còn in trên nhân trung của thầy, tôi quay qua phía Bành, nó lảng ngay đi chỗ khác, chắc nó sợ tôi méc thầy nó chính là thủ phạm.
Cô Nghị dậy văn tụi tôi hồi hai năm đầu cũng đứng gần đó, tụi tôi tới chào cô. Cô mặc áo dài màu vàng nhạt, không già lắm nhưng gầy đi nhiều. Cô Nghị lấy chồng là anh của Thanh Hằng, đứa bạn học cùng lớp với tụi tôi, mà anh của Hằng lại học chung một lớp với chị Hai tôi. Năm tôi học lớp 11, cô và anh nó làm đám cưới, tụi tôi có đến phụ giúp. Vợ chồng sống với nhau nhiều năm nhưng không có con. Một lần hai người đưa nhau vào bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn khám vô sinh. Nhưng xe đến đèo Hải Vân thì gặp tai nạn, chồng cô chết tại chỗ còn cô thì bị thương nặng, gẫy đùi, chấn thương sọ não…phải nằm điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng mất sáu tháng, tưởng không qua nổi. Nhưng ơn trời, cô đã lành vết thương và trở về trường dạy học. Gia đình chồng chì chiết vì cho rằng cô là nguyên nhân gây cái chết cho con trai họ. Cô dọn ra ngoài sống và đi thêm bước nữa. Người chồng sau này là anh học trò cũ của cô và cũng là bạn cùng lớp với chị Tư tôi. Cô đã sanh được hai đứa con, anh chồng hiện giờ vướng vào nghiện hút, gia đình lâm vào túng quẫn, cô khổ trăm đường nhưng lại không dám kêu than vì sợ mắc cỡ, đường đường là giáo viên cấp ba, lại xinh đẹp, dịu hiền mà sao cuộc đời cô…tang thương đến như vậy!
Tụi tôi í ới rủ nhau ra quán cà phê gần đó, cả đám đi theo Hưng ra khỏi cổng trường quẹo tay mặt. Tôi nhớ khu này hồi xưa là bãi trồng khoai lang của các thầy cô, vậy mà bây giờ nhà cửa mọc san sát.
Quán cà phê khá thơ mộng, trong quán đã có mấy bàn khách. Tụi tôi chọn một góc rồi xúm xít nhau ngồi chung. Cả lớp tôi đúng 42 đứa, nay có mặt ở đây chỉ có hai mươi, tôi điểm mặt từng đứa vắng, về phía nữ có: Mai (đã chết), Hiền đang ở tù, Trịnh Hà ghiền xì ke đang lê lết dưới Hà Nội không dám lên gặp bạn bè, Trần Hà bận con nhỏ, Vương Hương đang ở cữ, Sông Hương mới sanh con ở tuốt Phan Rang Phan Thiết, không về được, Liên vàng không có lý do, Hà Chung dưới Mường Khoa không thấy lên dự, Kim và Sang cháu thầy Mân thì không có tin tức. Nhung đang bận việc trong trường. Về nam có Dũng nhỏ bận làm 49 ngày cho bố, Cường cáo bệnh không lên, anh em Hoàng, Hiệp không có lý do, Chiến Thỏ bận việc không về được. Tính đi tính lại vẫn còn thiếu 2 đứa mà nhớ mãi không ra là đứa nào. Cả lớp lao xao, Hồng lên tiếng:
- Còn thằng Sơn Sông Khủa, mày tính chưa Hân?
- Ờ… Đúng rồi! Còn thằng Sơn nữa! bây giờ nó ở đâu rồi chúng mày?
- Chẳng biết nó phiêu bạt chốn nào!
Hưng cũng tham gia kể cho chúng tôi nghe:
"Mình nhớ hồi năm kia có việc xuống dưới chợ Nông Trường, gặp thằng Sơn ở đấy. Mình hỏi nó có nhớ mình là ai không. Hắn ta nhìn mãi rồi bảo - Em nhìn anh quen lắm! Mà em không nhớ gặp anh ở đâu! - Bố khỉ, nó không nhận ra mình…".
- Đến tao còn không nhận ra mày nữa là thằng Sơn!
Vẫn còn một đứa nữa chưa nhớ ra. Tôi cứ phân vân nghĩ mãi… không biết còn đứa nào nhỉ…! Chợt nhớ đến Thằng Póm ở Bản Búa tôi la lên:
- Còn thằng Póm! Đúng rồi còn "đồng chí" Póm nữa chúng mày ơi!
Rồi tôi quay sang Hiền chỉ mặt nó hỏi:
- Mày dấu anh Póm ở đâu rồi Hiền?
Cả lớp hướng về phía Hiền cười rồ lên. Hiền nhà ở Bản Mòn. Hồi trước tụi tôi hay ghép đôi nó với Póm nên nó có biệt danh là Hiền Póm. Hiền cười cái miệng móm xọm trả lời:
- Lâu lắm rồi mình có nghe tin gì của nó đâu!
Bành và Phóng cùng đồng thanh nói:
- Thằng Póm bị bắt mấy năm nay rồi, nghe đâu gần chục cân thuốc phiện. Chẳng biết xét xử gì chưa nữa!
Tôi lắc đầu thở dài…lại thuốc phiện…gần chục ký thì chắc tử hình rồi còn gì. Chán quá…! Lúc này Hưng mới lên tiếng:
- Các bạn ơi! Cô giáo mình không lên được, hoàn cảnh tội nghiệp quá…!
Vừa nói nó vừa lắc lắc cái đầu để diễn tả. Nó mang thư của cô ra đọc cho cả lớp nghe. Chúng tôi im lặng, không khí nặng nề…
Cô giáo chủ nhiệm của tôi dạy môn Lịch Sử, cô là thanh niên xung phong "Chống Mỹ Cứu Nước " trên đường Trường Sơn năm xưa. Sau khi "Miền Nam Giải Phóng" tức là Sài Gòn thất thủ, cô trở về trường sư phạm học tiếp, và cô được điều lên vùng rừng núi, xứ khỉ ho của tôi dạy học. Năm đầu tiên lên nhận việc, cô chủ nhiệm lớp tôi. Cô có vóc người trung bình, nhan sắc tầm thường có thể coi là hơi xấu gái. Đôi môi cô thâm xì giống y như con đỉa vắt ngang miệng trông ngồ ngộ, nước da tái mét vì mắc bệnh sốt rét từ thời còn ở Trường Sơn. Mùa hè đến, cô hay mặc áo sơ mi mầu hồng hoặc mầu trắng. Nhưng cái áo ngưc bên trong may bằng vải thường, không có thung như bây giờ nên thường bị tuột và lòi cả đầu ngực đen xì khi đứng giảng bài trước lớp. Bị một lần thôi thì không sao đằng này cô bị hoài mà không chịu thay áo khác. Cứ mỗi lần như vậy Thằng Bành Tổ lại đưa hai tay làm loa chõ miệng xuống dưới la nho nhỏ: "đứt dây đàn rồi! đứt dây đàn rồi ", bọn con trai khúc khích cười, bọn con gái tụi tôi thì mặt đỏ tía tai ngượng ngập cúi gầm xuống. Hết ba năm điều lên vùng sâu vùng xa, cô xin chuyển vùng về quê và lấy một ông chồng mới góa vợ. Cô sanh được một đứa con gái nay cũng khoảng 13 tuổi. Chồng cô bị bệnh ung thư bao tử thời kỳ thứ ba, đang nằm chờ chết. Chú không ăn không uống được gì và lại không thể dùng mocphin vì cơ thể chú yếu quá, chích vào bị sốc liền, chỉ có thuốc phiện đốt lên hòa với nước uống thì giảm đau được vài giờ, còn không có thì đau đớn chịu không nổi. Cô hỏi các bạn ở trên này ai còn tí thuốc phiện nào thì cho cô xin làm thuốc giảm đau cho chú trong những ngày còn lại.
Cả lớp im phăng phắc nghe Hưng đọc hết thư. Hưng nói với chúng tôi:
- Lớp mình nên đóng góp mỗi người một ít giúp đỡ cô trong lúc khó khăn!
Chiến đứng dậy móc bóp lấy một triệu đồng (khoảng 70 đô la Mỹ đưa ra rồi nói:
- Đứa nào có lòng thì giúp cô với "một miếng khi đói bằng một gói khi no " của ít lòng nhiều, tùy chúng mày nhá! Tao góp với lớp nhiêu đây, khi nào có dịp tao đến thăm cô sau.
Tôi đưa tay cầm lấy tiền của chiến liền sợ nó đổi ý. Tôi nói với cả lớp:
- Hân thay mặt lớp giữ tiền của Chiến, ai có lòng thì đóng góp đưa cho Hân luôn, đứa nào túng thiếu quá thì thôi không ép buộc. Tụi mình trích quĩ lớp một ít giúp cho cô và riêng Hân sẽ góp thêm.
Rồi tôi quay qua nói với Hưng:
- Bữa nào về Hà Nội mình sẽ gọi điện thoại cho bạn, tụi mình tới thăm cô luôn!
Hưng trả lời:
- Của lớp thì ghi là của lớp, riêng cá nhân đứa nào cho cô thì ghi tên đứa đó ra cho rõ ràng.
Chiến phản đối:
- Không được! Hân, mày cứ để chung vào với lớp, riêng với tư cái gì!
- Thôi được rồi! Tao biết cách cư xử mà.
Việc của cô giáo chấm dứt, tụi tôi quay sang nói chuyện khác. Tôi mang máy chụp hình của mình ra chụp búa xua, tứng nhóm, từng nhóm, nam riêng, nữ riêng, rồi chụp chung tá lả… Cũng khá lâu, tụi tôi lại kéo nhau về trường chuẩn bị ăn tiệc.
Chúng tôi quay trở lại trường học thì cũng vừa lúc buổi lễ kết thúc. Các lớp, các khối đang lố nhố đứng chờ chụp hình lưu niệm. Trên sân khấu là tập thể lớp của chị hai tôi đang đứng thành hai hàng, chị chụp hình thì ra hiệu cho mấy người phía trước ngồi hẳn xuống. Cô Thủy giáo viên dậy Nga văn của tôi cũng đang đứng trong đó, cười toe toét. Cô không mặc áo dài như các giáo viên khác mà mặc áo dài Thượng Hải phũ xuống tận gót chân và xẻ lên ngang đùi, tóc cô bới cao, khiêu gợi một tấm thân đồ xộ, cô vốn to con nên có biệt danh Thủy Tớp ( Thủy Tây). Nhìn thấy cô, mấy đứa bạn nhìn tôi cười khúc khích, húych tôi:
- Hân, Hân… Thủy Tớp kìa! Bạn mày kìa!
Chiến trề môi nói:
- Trông y như con ca ve, không khác tí nào.
Tôi cười cười lảng đi chỗ khác. Các lớp cứ thay phiên nhau vào chụp hình lưu niệm, tụi tôi vòng qua phía bên kia khán đài, mon men tới khu vực ăn trưa để ngắm coi hôm nay nhà trường đãi tụi tôi ăn những món gì.
Bữa tiệc bắt đầu. Một cái lán được dựng tạm thời và đặt ba dãy bàn dài trên chứa đầy thức ăn nhẹ, không có ghế, chúng tôi phải đứng ăn bốc. Thức ăn gồm một chõ xôi nhỏ, một bó nem chua, thịt gà luộc, bánh mì…và thêm một chai rượu trắng với vài cái tách nho nhỏ. Tụi tôi vừa ăn uống vừa cười đùa thoải mái, tôi thích nhất món xôi vì lâu lắm mới được ăn xôi đồ theo kiểu người dân tộc Thái khi xưa.
Tiệc tan, cả đám kéo nhau về nhà Dũng nhỏ, căn nhà nằm dọc theo đường Quốc Lộ 6, khúc đầu dốc Hạt Hai. Tôi nhớ khúc này ngày xưa là gò đất cao, nay được san bằng để xây dựng nhà cửa. Trong nhà đã có vài bàn khách, chúng tôi bước vào thay nhau thắp hương cho bác trai. Chúng tôi chỉ định thắp hương khấn vái bác xong là sẽ đi về nhưng bác gái và Dũng cứ giữ lại ăn cơm trưa với gia đình. Ngại quá! Đi cũng dở mà ở cũng dở, đi liền thì sợ gia đình Dũng buồn mà ở thì bụng đâu mà chứa nổi nữa. Cả đám ngồi lại một lúc, ăn nhẹ vài thứ rồi lại xin phép ra đi.
Chúng tôi chạy xe quay lại nhà Hoài để vòng ra chợ mua ít hoa cúc trắng và nhang đèn mang lên mộ thăm Mai, lúc này xe thiếu một chỗ mà xe của Hái thì đứa nào cũng chê không chịu ngồi. Tôi đành… hy sinh thân mình leo lên đằng sau xe của Hái, xe chạy ngược vào đường đến nhà Hồng, quẹo tay phải đi tắt qua rừng ma cũ đến khu Bản Mòn. Chỉ có tí đoạn đường ngay thị trấn là còn được thay đổi làm mới lại chứ đến khúc trong này thì vẫn y chang thời tôi còn ở đó, vẫn con đường đá cục lổn nhổn, gập ghềnh, ổ vịt, ổ gà thấp thoáng. Xe của Mụ Hái Tỉ là loại xe thồ chuyên chở hàng rượu bỏ mối cho các quán ăn quanh thị trấn nên không có nệm, dập lên, dập xuống làm tôi tê hết cả mông, la như cha chết! Đến đoạn đường rẽ vào bản, tụi tôi dừng xe lại chờ các bạn khác đến đông đủ để có người dẫn đường vì bản thân tôi không biết mộ được nằm ở đâu nữa. Cả lũ đi theo Hà đến một khu rừng đầy cây chó đẻ, cây cỏ may và cả cây cứt lợn, mà có ai đó gọi là Cỏ Cụ Hồ. Tụi tôi rẽ cây luồn vào đứng trước một ngôi mộ được đắp bằng đất đỏ, hình tròn vo, to hơn cái nia phơi lúa, chính giữa đặt một cục đá vôi to cỡ quả banh đá. Tôi hỏi Hà:
- Đây có chính xác là mộ của Mai không?
Hà nhìn xung quanh như để xác định lại vị trí ngôi mộ rồi khẳng định:
- Đúng rồi!
Cả đám im lặng không nói tiếng nào. Tôi nhìn ngôi mộ lăm lăm, tôi như thấy Mai đang đứng ở đó, vẫn mái tóc dài tới tận ngang hôngđen mượt mà, vẫn thân hình thon nhỏ tràn đầy nhựa sống. Đôi mắt mở to đen lay láy, mũi dọc dừa, khuôn mặt xinh đẹp và làn da trắng mịn màng. Mai vốn xinh gái nhất lớp tôi nên có nhiều anh chàng để ý. Mai học không giỏi nhưng có năng khiếu về thể dục, chạy xa, nhảy cao và đánh bóng chuyền thứ nào cũng khá. Tôi nhớ hồi trước đội bóng chuyền lớp tôi thi đấu với các lớp khác, tôi cũng là thành viên trong đội nhưng mà chơi dở ẹc, toàn phát bóng ra ngoài mà khi thấy bóng thì nhát chỉ sợ bóng tương trúng mặt. Thằng Hưng và đám con trai ngồi ngoài ủng hộ tức lắm. Sau buổi đấu nó bảo tôi là thứ đồ chết nhát: "Người gì đâu mà thấy bóng thì mắt đỏ lên, đít tím lại, đánh đấm cái nỗi gì " tôi tức bầm gan tím ruột nhưng không cãi lại được vì nó nói đúng. Chỉ có Mai với Hiền chơi bóng giỏi đỡ giùm tụi tôi.
Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Mai xin vào làm công nhân trong xưởng bánh kẹo thuộc xí nghiệp thương nghiệp huyện mà bố Mai làm trưởng phòng tổ chức ở đó. Thời gian này có rất nhiều anh theo đuổi Mai trong đó có cả Thanh lớp tôi. Tôi không biết chính xác Mai yêu ai nhưng khi tôi đang lang thang trên trường Sư Phạm Thuận Châu thăm Trịnh Hà thì nghe tin dưới huyện nhà có một vụ án đang làm xôn xao dư luận. Một người thanh niên mang súng vào phòng tập thể của người yêu bắn cô và tự bắn mình, cả hai cùng chết. Nghe tả lại tôi và Hà giật mình hoảng hốt nghĩ tới Mai, nhưng trong lòng cứ mong là không phải. Khi trở về nhà thì tôi mới biết chính xác người con gái xấu số đó chính là Mai. Lúc đó tôi chỉ còn biết đến ôm mộ Mai khóc lóc thảm thiết.
Giờ đây đã mười tám năm qua đi tôi mới lại được đứng trước mộ Mai để tưởng nhớ đến hình bóng của nó. Hưng kể lại rằng ngay đêm Mai bị bắn chết, Hưng và Thanh có hẹn nhau đến thăm Mai, bữa đó trời mưa tầm tã, hai đứa đạp xe tới Cầu Treo, rồi không hiểu vì lý do gì cản bước mà hai đứa lại quyết định quay trở về. Từ Cầu Treo đến chỗ Mai ở chỉ khoảng hơn trăm thước… Sáng hôm sau nghe tin Mai chết, Hưng và Thanh điếng hồn. Nghe Hưng kể, tôi quay sang Thanh nói:
- Chúng mày hên đấy! Bữa đó mà lạng quạng vào gặp cái Mai, cha Dũng vô bắt gặp đoàng cho mỗi đứa một phát thì giờ này tụi bay cũng nằm chung với nó ở đây rồi!
- Dám lắm chứ! Có khi chúng mình hên thật đấy Thanh nhỉ?
Cả lớp nhao nhao:
- Thôi Hân ơi! Mày thay mặt lớp nói với Mai vài lời đi!
Tôi lấy bó nhang xé vỏ ngoài rồi châm lửa đốt, cầm bó nhang, đặt bó hoa lên mộ Mai, tôi quỳ gối khấn:
"Mai ơi! Hôm nay sau bao nhiêu năm xa cách Hân mới có dịp về đây thăm viếng bạn. Còn cả các bạn trong lớp nữa. Mai sống khôn chết thiêng nhớ về phù hộ độ trì cho các bạn nghe! Bọn mình vẫn luôn nhớ về bạn".
Chỉ nói được đến đây là nước mắt tôi trào ra nghẹn cả lời. Mấy đứa con gái cũng rơm rớm quay đi lau nước mắt. Mấy thằng con trai im lặng. Tôi đứng lên chia nhang cho các bạn thắp lên mộ Mai, còn dư lại vài cây, chúng tôi chia nhau cắm trên các ngôi mộ ở rải rác quanh đó. Rồi lại quay về nhà Hoài.
Vừa về đến cửa nhà Hoài, tụi tôi gặp Hà Chung đi ngang qua đó. Chung nay là Hiệu Trưởng trường tiểu học tuốt dưới Mường Khoa, vì lên trễ nên không kịp gặp bạn bè. Gương mặt của Chung không thay đổi, nhưng già đi nhiều, nếu không phải là bạn bè dám tôi chào nó bằng cô. Chung chỉ nói chuyện với tụi tôi một lúc rồi lại vội vã đi ngay. Cả lũ lại kéo lên nhà Hoài bàn chuyện kế tiếp phải làm gì. Hưng đề nghị đi hát karaoke, thế là cả đám lại kéo đi tìm quán Karaoke, chui vào trong đó. Chúng tôi chọn phòng lớn nhất, tụi bạn hát hò inh ỏi, tôi chỉ ngồi lắng nghe. Hưng hát nhiều nhất, bài nào cũng đòi hát mà giọng thì chẳng khác gì bò rống nghe nhức cả đầu.
Hai giờ chiều Hưng phải về Hà Nội không dự buổi tiệc cùng lớp được, Hưng nhắc tôi khi về Hà nội nhớ gọi điện thoại cho nó để hai đứa tới thăm cô giáo chủ nhiệm cũ. Chia tay nhau ngay tại quán karaoke,Hưng lên xe xuôi về Hà Nội. Tụi tôi ghé thăm nhà của mấy đứa trong nhóm. Đầu tiên vào khu xưởng kẹo thăm nhà Hà, tiếp theo kéo tới nhà Hiển. Nhà Hiển ngay đường quốc lộ tiện việc buôn bán, căn nhà khang trang, sạch sẽ, cửa kiếng đóng kín tránh được bụi. Vô nhà Hiển, tôi sộc ngay vào xem toilet rồi gật gù nói với Hiển:
"Thằng này trông lù đù mà có mắt thẩm mỹ ra phết! Nhìn toilet nhà mày là tao ưng rồi! Nói thật nhá, về đây tao chỉ sợ mấy cái chuyện toilet thôi, bẩn khiếp lên được…!"
Hiển cười tủm tỉm, rót nước trà mời tụi tôi uống. Sau đó tụi tôi chạy xuống khu Mường Sang thăm nhà của Đinh Hùng đang xây dở dang. Quay trở về nhà Hồng chờ đến bữa cơm tối.
Bữa tiệc lớp đặt đúng sáu giờ chiều. Từ nhà Hồng qua đó chỉ đi bộ một khúc là tới. Bữa tiệc này vắng Hưng nhưng lại có thêm Hà, Nhung, Chung, lớp vui như mở hội. Thức ăn được mang lên từng món một, toàn những món lạ lẫm đối với tôi, chẳng có rau cỏ gì cả ngoài dĩa rau xà lách. Các bạn tôi uống rượu đế như nước lã, làm tôi nhìn khiếp sợ. Tôi không biết uống rượu, chỉ cần một chum nhỏ là tôi say bí tỉ rồi, thế mà đứa nào cũng mang rượu tới bắt tôi cạn ly. Tôi ngửa cổ nhăn mặt uống như thật, nhưng tôi lại ngậm rượu trong miệng, có cơ hội là nhổ toẹt xuống đất, rượu cay xè đắng nghét làm tôi khó chịu. Rồi thì mánh này cũng bị lòi tẩy, Tân cảnh cáo với các bạn:
- Đứa nào mời cái Hân uống rượu thì nhớ phải bắt nó há miệng ra không thôi nó nhổ hết đấy!
Tôi không cãi lại chỉ cười. Lâu lắm mới có một bữa tiệc vui như thế này, biết bao giờ gặp lại bạn bè nữa.
Tiệc tàn, cả đám lại kéo vào nhà Hồng hát karaoke, nhà Hồng thì nhỏ chỉ có một bộ ghế, các bạn tôi trải chiếu ngồi dưới đất, mấy thằng con trai thì đứng lảng vảng bên ngoài cửa. Tiếng hát, tiếng nói chuyện, tiếng cười đùa rồi tiếng cãi nhau um xùm cả lên. Tôi ngồi kế bên Chiến nói chuyện, Nhung thì đang hý hoáy ngồi viết thư cho cô giáo cũ, Đào đang hát một bản nhạc quen thuộc, giọng của Đào khoẻ, cao và khá hay. Bài hát kết thúc, tôi vỗ vai nó la lớn:
- Không ngờ bạn tôi hát hay quá trời! Sao hồi đó không ai phát hiện ra nhỉ, biết là cho vào đội văn nghệ của lớp rồi!
Chiến vỗ vỗ tay nói lớn:
- Thôi dẹp karaoke qua một bên để tụi mình nói chuyện đi, nhạc ồn ào quá!
Tất cả im lặng nghe Chiến nói:
- Công việc của tao bận rộn lắm nhưng cũng cố thu xếp để lên đây gặp chúng mày. Ngày 18/11 là tao phải bay vào Nha Trang có công việc rồi. Lâu quá mới được một ngày như hôm nay, hãy vui vẻ với nhau đi nhé. Tao nói thật về đây chỉ mong được nghe cái Hân hát một bản.
Rồi nó quay qua tôi nói tiếp:
- Hân mày biết không? Lúc tụi tao đóng quân bên Lào buồn không thể tả được, chỉ nghe tiếng giun dế kêu làm tao nhớ đến lớp, tao nhớ chúng mày, tao cứ nhớ mãi bữa liên hoan chia tay cuối cấp mày hát tặng bản "Nỗi Buồn Hoa Phượng". Hôm cuối cùng trước khi nhập ngũ, tao còn gặp mày đẩy cái xe cải tiến trên dốc Hạt Hai, mày mặc cái áo màu xanh chấm bi trắng, đúng không nào?
Mười mấy năm qua đã qua rồi mà giờ này nó còn hỏi tôi còn nhớ đến cái hôm tôi mặc áo chấm bi đẩy chiếc xe cải tiến trên dốc Hạt Hai nữa hay không. Ông nội tôi cũng nhớ không nổi! Tôi phì cười khi nghe nó nhắc lại chuyện cũ. Hồi đấy nhà tôi có chiếc xe cải tiến thật, xe cải tiến là một loại xe đóng bằng cây tương tự như xe bò nhưng lại kéo bằng sức người. Xe cải tiến dùng để chở củi, chở bắp ngô, chở củ sắn (mì), củ dong…dùng loại xe này phải có ít nhất hai người, một người cầm càng, một người đẩy phụ đằng sau nếu lên dốc còn khi xuống dốc thì người đằng sau có nhiệm vụ thắng cho xe đi chậm lại. Vùng tôi ở là một thung lũng xung quanh đồi núi bao phủ, đường đi thì cứ lên dốc xuống dốc lắt lẻo gập nghềnh, rất nguy hiểm, kéo xe cải tiến mà không biết cách có ngày mất mạng như chơi, tụi tôi lúc nào cũng phải mang theo một khúc cây to bằng cổ tay, dài chừng hơn thước để làm thắng, lúc xuống dốc, thọc cây đó vào sườn xe lấy đà ghì khúc cây đó vào bánh xe để hãm cho xe đi chậm lại. Nghĩ đến thời ấy, dân miền núi quê tôi sao mà khổ vậy, và bây giờ đa số cũng chẳng khá hơn
Nghe Chiến nói, đứa nào cũng nhao nhao đòi nghe tôi hát, chúng nó bảo hát không hay cũng được, miễn sao được nghe lại để nhớ về thời học sinh. Tôi không thể từ chối, miễn cưỡng hát tặng cho các bạn một bài dù tiếng nói đang còn khàn khàn như vịt đực. Mấy dĩa nhạc karaoke nhà Hồng thì tôi không thuộc giọng, lâu quá có nghe nhạc nhiếc gì đâu mà biết những bài hát mới, đành chọn bản cũ xì đã hơn mười năm qua tôi còn nhớ được. Tôi hỏi Bành có biết bản "Chia Tay Hoàng Hôn " không. Nếu biết thì Bành có thể đệm ghi-ta cho tôi hát.
Em phải về thôi xa anh thôi.
Hàng cây yên lặng cũng theo về.
Giọt nắng cuối ngày rơi trên tóc.
Mà lời hò hẹn chẳng lên ngôi.
Em phải về thôi xa anh thôi.
Xa hàng cây nơi hò hẹn ta ngồi.
Hoa sữa rụng tím đầy lối nhỏ.
Để mãi lòng ta sao xuyến bồi hồi…
Chia tay anh chia tay hoàng hôn.
Chia tay anh chia tay hoàng hôn.
Em mang theo về tình yêu và nỗi nhớ.
Em mang theo về con tim cô đơn…
Chia tay anh chia tay hoàng hôn.
Chia tay anh chia tay hoàng hôn.
Gửi lại cho anh chiếc hôn cháy bỏng.
Gửi lại cho anh…một nửa vầng trăng…!.
Chẳng biết tôi hát hò ra làm sao mà các bạn tôi cứ há hốc miệng ra ngồi nghe, chắc chúng nó đang mơ về thời đi học. Cả tuần vật vờ nơi quê nhà, tôi theo các bạn đi chơi miệt mài, nay chỗ này, mai chỗ khác, tôi quên tiệt tất cả, chồng con gì không thèm ngó tới. Chắc chồng tôi ở nhà đang lo lắng lắm đây vì không cách nào liên lạc được với tôi.
Nhung đã ghi xong bức thư, đưa cho tôi kèm theo một bao thơ tiền quĩ lớp. Nhung còn đưa riêng cho tôi một gói nhỏ xíu trong chứa thuốc phiện, dặn tôi mang về cho cô. Tôi cầm tất cả bỏ trong giỏ xách. Nói với các bạn:
- Hãy yêm tâm, Hân sẽ mang đến tận tay cho cô! Nhưng mà nói trước nhá lỡ tao bị bắt chúng mày phải đi thăm nuôi đấy!
Hiển đứng ngoài chõ vào:
- Hân ơi! Bạn bè tao nói thật, mày đem vứt của nợ ấy đi không thôi công an túm được là tàn đời đó nghe con!
Chiến cũng cười cười:
- Đúng đấy Hân ạ! Đừng mạo hiểm! Mày cứ về nói với cô thông cảm..! Phải khôn như thằng Hưng ấy!
Chúng nó cứ nhao nhao, đứa khuyên tôi thế này, đứa bảo tôi thế nọ. Cười nói râm ran. Thằng Chiến la lên:
- Bọn con gái chúng mày to họng quá! Mà tao nói thật đấy, con gái lớp mình sao chóng già thế! Trông cứ như mấy mẹ mướp!
Tôi nghe nó nói mà phì cười. Còn Hậu lùn thì đốp lại:
- Xấu cũng còn hơn vợ mày! Thử mang vợ mày lại đây khoe coi? Dám không?
Hiển lại chõ mỏ vào nói tiếp:
- Nhưng mà tao phải công nhận trong tụi con gái chúng mày tao chỉ phục có mình cái Hân, Thật đấy! Cái Hân với thằng Hưng, lưỡi chúng nó có đốm! Không tin chúng mày bảo nó há miệng ra coi!
Cả đám cười rầm rầm. Còn tôi tức xám mặt. Thằng chó chết! Từ bữa hôm gặp tôi đến nay cứ mang tôi ra chọc ghẹo, hết chuyện này đến chuyện khác. Bây giờ còn ví tôi khôn như chó đốm lưỡi. Cái thằng thiệt tình…Ngày xưa nó lù đù như con gà dù ngồi một góc chẳng nói năng động chạm gì đến ai, thế mà sao giờ đây mồn mép cứ như tép nhảy. Tức quá tôi chỉ mặt nó:
- Này cái thằng kia! Tao hẹn cho đến 2005 mà ba thằng mày chưa lấy vợ là tụi tao đè ra khám xem tụi bay có thiếu cái gì không đấy nhá! Ở đó mà nói nhảm.
Nó cười nhăn nhở rồi lỉnh ra phía ngoài. Nhung chêm vào:
- Thằng này lù đù như vậy mà phán được một câu "hay".
Hàn huyên thêm một hồi tụi tôi chia tay nhau ai về nhà nấy. Bành chở Hậu, Nhung chở tôi, rồi Đào, Hùng và thêm vài đứa nữa cùng đường chạy tà tà. Nhung vừa chạy xe vừa nói chuyện với tôi. Nhung thi đậu đại học khối C vào trường sư phạm, nay làm cô giáo dậy văn ở trường cũ. Nhung nói với tôi là tôi chẳng thay đổi tí nào, vẫn y như ngày xưa, vẫn… láu cá láu tôm giống như đang còn là một đứa trẻ. Tôi thì cười bảo đầu sắp hai thứ tóc rồi còn trẻ cái nỗi gì (?). Chẳng mấy hồi đến nhà chị tôi, chúng tôi chia tay nhau hẹn sẽ còn gặp lại. Bây giờ cũng đã 11 giờ đêm. Tôi mở cổng đi vào nhà.
Vừa bước vào cửa tôi đụng ngay mặt một người đàn bà đang ngồi trên ghế, định chào cô thì em gái tôi liền nói:
- Đố chị nhận ra ai đấy?
Tôi khựng lại nhìn cô ta chăm chú, hoàn toàn xa lạ, tôi chưa gặp người này bao giờ. Nhưng em gái tôi hỏi như vậy có nghĩa người này phải là thân quen với tôi từ trước. Ai mà chờ tôi đến giờ này, chỉ có…thôi đúng rồi…
- Thùy phải không?
- Hân!
Tôi buông giỏ nhào đến ôm lấy bạn. Trời ơi..! Tôi không thể ngờ bạn tôi ra nông nỗi này, hèn gì hôm nọ cô Mai mẹ nó bảo tôi sẽ không nhận ra nó đâu, vừa già vừa xấu. Tôi không thể tưởng tượng nó tàn tạ như vậy.
Thùy ngày xưa xinh gái ra trò, mới học cấp hai thôi là các anh đến tìm kiếm đầy ngõ. Hồi đấy tôi là bạn thân của nó nhưng xấu xí đen đủi chả ai thèm ngó ngàng gì đến, tôi làm liên lạc chuyên chuyển thư từ và những lời nhắc hẹn hò của nó với các chàng. Vậy mà giờ này nó xấu và già không thể tả nổi, miệng thì vều ra, răng cửa thưa thốc, da dẻ nhăn nheo coi như không còn một tí bóng dáng nào của con bé Thùy năm xưa. Thùy nói với tôi:
- Tao già quá Hân nhỉ?
Tôi im lặng không trả lời. Thùy lại tiếp
- Xẩy thai tới tám lần không già xấu sao được!
Tôi nghe lùng bùng lỗ tai, cái gì mà xẩy thai tới tám lần? Thôi chết rồi chắc bạn tôi bị nhiễm chất độc mầu da cam mất rồi! Chẳng thế mà báo đài của nhà nước cứ ra rả đưa tin mỗi ngày đó sao. Nhiễm chất độc da cam ưa bị xẩy thai lắm. Nhưng nó suốt đời ở cái xó rừng Tây Bắc này có đi vào Nam đâu mà bị nhiễm da cam. Hay là nó hửi mùi da cam từ bố nó! Chẳng gì bố nó cũng có thời làm bộ đội Cụ Hồ "chống Mỹ cứu nước" đó sao?…Nhưng khi bố nó vào chiến trường B thì nó đã được sinh ra đời rồi mà, sao mà nhiễm nổi.
Tôi còn nhớ hồi bé tẹo, khi hết chiến tranh, bố nó trở về từ chiến trường miền Nam, vai đeo ba lô, lủng lẳng bên hông là con búp bê xinh đẹp, mặc váy hồng có viền đăng ten mầu trắng, hai mắt xanh biếc biết nhắm mở, khác hẳn hoàn toàn mấy con búp bê bằng gỗ của tôi. Tôi mê lắm, cứ mò sang nhà cái Thùy năn nỉ cho bế em một tí. Rồi thì không hiểu sao, bố mẹ nó ly dị, nó sống với mẹ còn bố nó theo đơn vị bộ đội chuyển lên phía Bắc, chẳng còn thăm viếng nó nữa. Những năm tôi học cấp ba, nhân kỳ nghỉ hè, cô Mai cho Thùy theo một người bạn cùng đơn vị với bố Thùy lên thăm bố, ở lại đó một tuần. Khi trở về Thùy buồn lắm, cứ lủi thủi trong nhà một mình không hồn nhiên như trước đây. Tôi tò tò đi theo gặng hỏi mãi nó mới chịu nói thật là bố nó tệ lắm, nó ngủ trong phòng riêng, gài chốt cẩn thận thế mà đêm nào bố nó cũng mò vào phòng đòi tình tự với con gái ruột của mình. Nó phản đối quyết liệt, nhưng bố nó mạnh hơn… Thùy khóc sướt mướt, còn tôi thì nổi điên chửi um xùm "Cái thứ bố chó đẻ!". Tôi nói với nó: "Sao mày không mách mẹ để bà lên xé xác ông ra! " Thùy cản lại, nó không muốn làm mẹ nó buồn, nó sẽ không bao giờ coi ông là bố nó nữa. Thùy dặn tôi không được tiết lộ việc này ra cho bất cứ ai biết. Tôi đã giữ lời hứa với nó đến nay tròn đúng hai mươi năm. Giờ Thùy đang ở trước mặt tôi, trông như một bà lão. Đứa con nhỏ hơn hai tuổi bên cạnh cứ khóc lóc đòi về, tôi phải mang kẹo ra dụ dỗ. Thùy kể, lúc trước nó bị hư thai nhiều lần định bụng sẽ đi Sài Gòn khám bệnh, nhưng sau khi uống thuốc của bà thầy lang người Mèo thì giữ được thai sanh hai đứa con, một trai, một gái. Chồng nó cũng nghiện xì ke, bởi vậy nhà cứ thiếu trước hụt sau, khổ lắm. Tôi hỏi Thùy bây giờ làm gì thì nó bảo làm nương rẫy, chăn nuôi chứ biết làm gì. Nhìn bạn, tôi thấy xót xa vô cùng, ngày nhỏ nó sướng như tiên, đâu phải làm gì cực nhọc giống tụi tôi. Nó là con một, mẹ nó lại là kế toán trưởng bên thương nghiệp, có chức, có quyền, muốn gì thì nhờ nhân viên đến làm giúp, Thùy chỉ việc ở nhà nấu cơm, rửa chén, trồng rau ở mảnh vườn con con trước mặt và học hành.
Tụi tôi đang tâm sự thì anh Quí chở thằng nhóc cháu về, thằng nhóc mắt lừ đừ buồn ngủ, vậy mà cứ bám riết lấy anh Quí không chịu buông ra. Mấy bữa nay cu cậu lại gọi anh Quí bằng Ba nghe mới mắc cười. Anh Quí kể thằng nhóc này khôn thấy sợ, chiều nay cu cậu ghé sát tai anh thì thầm: "Ba ơi con thương ba quá à!". Tôi trề môi chọc nó:
- Eo ơi…! Thấy chú Quí nhà giầu lại nhào vô gọi bằng ba kìa! Mắc cỡ quá!
Thằng nhóc không thèm trả lời cứ ngồi sát bên anh Quí. Thấy đã khuya anh Quí tính đứng lên đi về, nhưng cu cậu nhào ra bám lấy chân anh Quí khóc toáng lên. Tôi dỗ dành thế nào cũng không chịu, bực mình quá tôi phệt cho vài cái vào mông đau quắn đít, càng gào to hơn. Thùy cũng xin quá giang anh Quí về dưới bà ngoại, tôi giữ nó lại ngủ nhưng nó bảo vướng con bé không ở nhà lạ được, Thùy nói sáng mai sẽ lên tôi sớm để trưa trở về nhà trên 90. Tôi không giữ Thùy nữa chỉ dặn nó mai nhớ lên tôi còn nhiều chuyện muốn nói với nó.
Anh Quí và Thùy đi khỏi, thằng nhóc vẫn còn ngồi lăn dưới đất khóc ăn vạ, biết cái tật của nó tôi làm lơ, cứ để khóc chán chê rồi thôi, càng dỗ dành càng nhõng nhẽo. Khóc được một lúc cu cậu thấm mệt, chị Hai tôi dắt ra ngoài rửa mặt là nó đứng dậy liền. Một hồi quay trở vào đã tỉnh như sáo coi như không có chuyện gì xảy ra, leo lên nằm cạnh bên tôi nịnh nọt, mẹ mẹ, con con ngọt xớt, một hồi lăn ra ngủ như chết.
Nằm trên giường, nhớ đến Thùy là tôi lại thở dài não ruột. Nếu như hồi đó nó chịu theo tôi vào Nam thì biết đâu bây giờ cuộc đời nó đã khác, biết đâu vẫn còn trẻ trung xinh đẹp… chứ có phải như bây giờ… trông y như Thị Nở của anh Chí Phèo. Thật là tội nghiệp!
Vừa lúc ấy chị Tư tôi cũng về tới. Bà này già rồi mà ham vui thật! Con thì không giữ để cù ba cù bất, gặp lại người yêu cũ dính chùm như cặp con sam, tôi nhìn ngứa cả mắt. Nhớ lại hồi xưa anh chàng quay lưng bỏ đi lấy vợ, buồn khóc rưng rức cả tháng, thế mà bây giờ cứ anh anh em em ngọt như mía lùi. Phải tay tôi là tôi đạp ra khỏi cửa!
Chị Tư xách bình thủy nước nóng ra phía ngoài rửa mặt. Tôi quay lại nhìn thằng bé ngủ bên cạnh, nét mặt hồn nhiên trẻ thơ làm tôi ước được trở về thời thơ ấu…Trong nhà, tôi thương nó nhất, có bố cũng như không nên hình như cu cậu thèm một người bố lắm, hễ thấy ai tỏ ra cưng là cu cậu nhào vô gọi Ba liền. Khi bắt đầu được sáu tháng tuổi thì cu cậu hay bị bệnh, cứ mỗi lần sốt là lên cơn co giật thấy mà thương. Thường thì tôi không được biết, chỉ nghe người nhà nói lại nó vừa mới bị động kinh. Sau mỗi lần như vậy, cháu tôi trông dại người hẳn đi và thêm phần hung dữ lên. Có một lần trong đợt về thăm nhà, tôi đã chứng kiến cảnh thằng bé bị lên cơn co giật, nghe tiếng chị tôi la hét chúng tôi lao lại, thằng bé hai mắt trợn ngược chỉ thấy tròng trắng, miệng thì sùi bọt mép. Tôi hoảng quá lính qua lính quýnh chẳng biết làm gì. Cháu gái tôi lấy cái muổng cố đút vào miệng chặn lại sợ thằng nhỏ cắn đứt lưỡi, chị Tư thì đang thò hẳn cả mấy ngón tay vào mồm cho thằng nhỏ cắn, miệng thì hét em trai tôi mở vòi nước nóng xịt vào đầu cho cháu hạ cơn co giật. Thằng em trai tôi cứ nhè vào mắt đứa cháu mà xịt nước làm chị tôi tức quá chửi um xùm. Chỉ khoảng một phút sau thằng nhỏ hết cơn co giật, nằm đứ đừ trên tay mẹ. Vết răng của nó trên mấy ngón tay chị tôi sâu hoắm trông phát khiếp. Lần đầu tiên trực tiếp chứng kiến nó bị sốt co giật, tôi càng thương nó hơn. Cả nhà ai cũng gọi nó là "thằng thần kinh". Thần kinh gì đâu mà khôn như ma ranh! Bao nhiêu lần đưa đi nhà thương nhưng chỉ tốn công vô ích, cứ vài tháng thằng nhỏ lại bị co giật một đợt, càng ngày càng ốm tong teo. Nhưng may nhờ gặp đúng thầy giỏi, uống hơn một tháng thuốc gia truyền từ đó đến nay khỏi tiệt, cho dù có bị sốt cao cũng không bị co giật nữa.
Chị tôi đã trở vào nhà, leo lên giường nằm kế bên thằng nhỏ. Khúc khích cười kể chuyện lớp cho tôi nghe. Đầu tiên là anh Sơn nghiện, hình như mới đi tù về. Người thứ hai là Tuân chồng cô giáo Nghị, cả lớp tập chung vào tra hỏi anh làm thế nào mà tán được cả cô giáo. Tuân cười hì hì trả lời thì…cứ tán đại gọi em một thời gian thì cua được hết! Hai anh chàng này ngồi chơi với lớp, thỉnh thoảng lại xin phép đi đây một chút. Mấy người bạn bảo đến cữ của tụi nó rồi đấy, chắc là lên núi kiếm chỗ vắng để hít heroin.
Chị Hai tôi thì kể chuyện cả lớp đóng góp tiền, tính mua tặng cho nhà trường một tấm hình Bác Hồ lớn bằng tranh sơn dầu làm kỷ niệm, còn dư lại thì tặng cho nhà trường đóng góp vào quỹ. Thế nhưng khi đưa ra đề nghị này với thầy hiệu trưởng thì thầy nói liền:
"Cảm ơn các anh chị có lòng, nhưng nhà trường nghèo quá thiếu kinh phí trầm trọng, chỉ xin các anh chị ủng hộ tiền mặt, còn… anh em nhà bác Hồ thì chúng tôi có nhiều lắm rồi, phòng truyền thống nhỏ quá chẳng còn chỗ nào để mà treo, mong các anh chị thông cảm!".
Nghe chị tôi kể tôi cười đau quặn cả bụng. Nhớ lúc còn học sinh, tụi tôi tin vào đảng vào ông Hồ sái cổ. Cả một chương trình văn học lẫn lịch sử, sách nào mà không đề cao ông Hồ, tâng bốc hơn thần thánh, toàn được dạy dỗ phải yêu kính bác Hồ phải nhớ công ơn của Đảng. Loa đài thì cũng chỉ tuyên truyền "Bác Hồ vĩ đại, Đảng Cộng Sản muôn năm". Tôi không biết học sinh thời nay thì sao chứ riêng thời tụi tôi đi học, mỗi khi làm bài tập làm văn phần kết luận bao giờ cũng viết thế này: "Là học sinh dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Sau này trưởng thành, em nguyện đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì khi tổ quốc cần theo đúng phương châm "Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" để luôn xứng đáng là trò giỏi, là cháu ngoan của Bác Hồ vĩ đại…!".
Những năm học cấp hai tôi được giữ chức trưởng lớp, cứ mỗi lần lễ lạc đến bọn nhóc học sinh chúng tôi thường phải tập chung đi mít tinh ở sân vận động huyện. Hoặc đi cổ động, tức là các lớp xếp làm hàng đôi, đứa mang theo cờ đỏ sao vàng, đứa mang theo hình ông Hồ, đi vòng vòng quanh thị trấn. Miệng tôi hô to
"Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm", các bạn phía sau đồng loạt hô theo "muôn năm, muôn năm, muôn năm". "Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong quần chúng", đám phía sau lại nhao nhao "sống mãi, sống mãi, sống mãi", "lao động là vinh quang"…
Cứ thế mà tiếp diễn. Đi đầu là một đoàn trống ếch gõ tùng xèng. Giờ nằm nghĩ lại cứ thấy buồn cười. Trên đời chắc chỉ có những nước theo Cộng sản mới có cái trò hề này. Ngay cả Nhật bản cũng vậy, Đảng Cộng Sản ở đâu cũng giống hệt nhau. Có lần đi mua sắm với chồng, tôi thấy một đám người mặc áo đỏ choét, trời thì mưa lâm râm, họ mang dù đứng trước cửa siêu thị, một ông cầm loa nói cái gì đó, đám còn lại giơ nắm tay đồng loạt hô theo. Tôi ngạc nhiên đứng lại ngó rồi hỏi chồng mình "Họ đang làm cái gì vậy? " Chồng tôi bảo: "Lũ khùng Cộng Sản đấy mà! Thôi đi em để ý đến làm gì!". Chồng tôi kể những lần anh đi công tác bên Bắc Hàn, từ Tokyo bay qua Bắc Kinh, sau đó xin visa bên đại sứ quán Bắc Hàn ở Bắc Kinh, rồi mới bay qua Bình Nhưỡng. Công ty đối tác làm ăn gì đó cử người đi đón, nhưng không đưa về khách sạn liền mà chở thẳng đến quảng trường nơi có bức tượng ông Kim Nhật Thành. Chồng tôi bảo rằng tất cả những du khách ngoại quốc đến Bình Nhưỡng đều phải ra đó thăm viếng đặt hoa dưới chân bức tượng cho dù trời đổ mưa tầm tã, trước khi được đưa đến khách sạn nghỉ ngơi. Nghe cứ như chuyện đùa, chỉ có mấy nước Cộng Sản mới làm như vậy.
Thời học sinh tôi học hành cũng khá, năm nào mà chẳng lãnh vài cái giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến và giấy chứng nhận "Cháu Ngoan Bác Hồ", mặc dù tôi… không ngoan cho lắm, còn có thể gọi là thứ bố láo bố lếu, nếu là học sinh nam dám tôi bị xếp vào danh sách học sinh cá biệt.
Năm lớp 8 và năm lớp 11 nhém tí nữa tội bị ở lại lớp vì hạnh kiểm yếu. Chẳng là vào gần cuối năm học lớp tám, tôi cùng đám bạn túm tụm nói xấu cô giáo dậy môn văn, tôi to mồm nhất hét lên "Xi ca vâu mồm vầu cán chổi" chẳng vì cô giáo tôi có cái hàm răng hô chìa ra phía trước. Nhưng không ngờ lúc đấy cô lại đứng sau lưng mà chúng tôi không biết. Thế là tôi lãnh cái hạnh kiểm yếu, bị cảnh cáo toàn trường, tý phải ở lại lớp. Lần thứ hai cũng vào những ngày cuối cùng lớp 11. Trong giờ tiếng Nga, cô giáo trả bài kiểm tra chất lượng học kỳ hai. Tôi được 7 điểm, thằng Cường ngồi bên cạnh cũng bằng điểm tôi, nó xé phần giấy trắng còn lại của tờ giấy đôi rồi nói:"Tiết kiệm là quốc sách". Tôi cũng bắt chước nó xé bài kiểm tra của mình làm đôi, nhưng tôi không khéo tay nên tờ giấy nham nhở như cóc gặm. Cô giáo phát hiện được liền la mắng tôi bằng những từ ngữ thô tục, khó nghe, Cô còn bảo rằng tôi học giỏi rồi đâm ra kiêu ngạo, không coi ai ra cái thá gì. Tôi đã biết lỗi của mình nên đứng lên xin lỗi cô thế nhưng cô vẫn cứ lải nhải mãi khiến tôi nổi máu… du côn. Cô giáo dậy tiếng Nga này ngày trước học cùng lớp với chị Hai tôi, nhà lại ở đầu xóm, học hành như thế nào tụi tôi đều biết cả. Sau khi tốt nghiệp cấp ba xin đi học Trường Cao Đẳng Ngoại Ngữ hai năm khoa tiếng Nga. Chẳng biết học hành ra làm sao về được làm giáo viên cấp ba cứ mở miệng ra là ti toe xổ tiếng Nga thấy mà ghét! Nào là người Nga thế này, người Nga thế kia… chả biết cô ta đã được gặp được người Nga chưa nữa? Tôi cay cú lắm vì chưa có thầy cô nào mạt sát tôi như vậy, chỉ có tờ giấy kiểm tra mà cô làm thấy ghê. Khi cô đứng gần bàn tôi, mặt hướng lên trên bảng, tôi quay qua nói với Cường, cố tình nói lớn để cô nghe: "Ngày xưa học chung với chị tao, dốt hơn bò, bi giờ nghi ngoe!". Cô liền quay ngoắt lại quát lên: "Hân! Em vừa nói gì?". Tôi mặt tỉnh bơ nhắc lại lời nói vừa nãy. Mặt cô chuyển dần từ màu đỏ sang tím tái giận dữ khóc bù lu bù loa đòi kêu giáo viên chủ nhiệm lên giải quyết. Chuyện của tôi được đưa ra hội đồng nhà trường họp ba ngày liên tiếp. Cô nhất định đòi đuổi học tôi, nhưng các thầy cô trong trường cũng chẳng ai ưa gì cô, không ai đồng tình. Cuối cùng tôi bị xét hạnh kiểm yếu, khai trừ khỏi đoàn và tu dưỡng trong ba tháng hè. Nhém tí nữa nữa phải ở lại lớp.
Quê Hương Ngày Trở Lại Quê Hương Ngày Trở Lại - Lê Mỹ Hân Quê Hương Ngày Trở Lại