Pierre Và Jean epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5 -
hưng cơ thể chàng bác sĩ chỉ trì độn đi khoảng một hoặc hai giờ trong một giấc ngủ thao thức không yên. Khi tỉnh dậy trong bóng tối của căn phòng đóng kín và nóng ẩm, chàng cảm thấy, trước khi cả tư duy nhen nhóm lại trong mình, sự ngột ngạt đau đớn, niềm bất an của tâm hồn, vương lại nơi ta từ mối u uất khi ta đi vào giấc ngủ. Dường như tai họa chỉ mới va đập vào ta tối hôm trước, trong lúc ta ngủ, đã luồn vào da thịt ta, làm cho nó bải hoải và mỏi mệt, như một cơn sốt. Đột nhiên chàng nhớ lại, và ngồi thẳng dậy trên giường.
Thế là chàng bắt đầu lại thong thả, từng điều một, tất cả những lập luận đã dày vò lòng chàng trên con đập trong khi những tiếng còi tàu la thét. Càng nghĩ, chàng càng bớt hồ nghi. Chàng cảm thấy bị cuốn hút bởi logic của mình, như bởi một bàn tay đang lôi kéo và bóp nghẹt, về phía sự đích xác không sao chịu nổi.
Chàng thấy khát, thấy nóng, tim chàng đập mạnh. Chàng đứng dậy để mở cửa sổ hít thở, rồi, khi đã đứng lên, một tiếng động nhè nhẹ vẳng đến tai chàng qua bức vách tường.
Jean đang ngủ bình thản và ngáy khe khẽ. Hắn đang ngủ, hắn! Hắn chẳng linh cảm được gì, chẳng đoán được gì! Một người đàn ông từng quen biết mẹ họ để lại cho hắn toàn bộ gia sản. Hắn lấy tiền, thấy việc đó đúng và tự nhiên.
Hắn ngủ, giàu có và thoả mãn, chẳng biết rằng anh hắn đang hổn hển đứt hơi vì đau đớn và khổ não. Rồi một cơn giận dâng lên trong chàng đối với cái gã vô tư lự và mãn nguyện đang ngáy kia.
Giá là tối hôm trước, chàng đã gõ cửa, bước vào, và ngồi bên giường, đã bảo gã là trong lúc gã đang hoảng hốt vì tỉnh giấc đột ngột "Jean, em không được giữ khoản di tặng ấy, mai kia nó có thể gây sự nghi ngờ đối với mẹ chúng ta và làm ô danh mẹ".
Nhưng hôm nay thì chàng không thể nói được nữa, không thể bảo Jean là chàng cho rằng Jean không phải là con của bố họ. Giờ đây chàng phải giữ lấy, phải chôn vùi trong lòng mình nỗi nhục do mình phát hiện, phải giấu tất cả mọi người vết nhơ mình nhìn thấy, và không ai được phát giác, ngay cả em chàng, nhất là em chàng.
Giờ đây chàng chẳng còn nghĩ y đến sự tôn trọng hão huyền của dư luận. chàng những muốn toàn thiên hạ kết tội mẹ chàng miễn là chàng biết bà vô tội, chàng, một mình chàng! Làm sao chàng có thể chịu đựng việc sống bên bà, hàng ngày, mà cứ nhìn bà là nghĩ rằng bà đã sinh ra em chàng từ sự ăn nằm với một người lạ?
Vậy mà bà điềm tĩnh và thanh thản biết bao, bà có vẻ tự tin biết bao! Có thể nào một người phụ nữ như bà, có tâm hồn trong trẻo và trái tim ngay thẳng, lại sa ngã, bị niềm đam mê lôi cuốn, mà sau này, chàng gã một cái gì lộ ra từ những niềm hối hận, từ những hồi ức của lương tâm bối rối?
Ôi! Những niềm hối hận! Những niềm hối hận! Xưa kia trong thời gian đầu ắt hắn chúng phải dày vò bà, rồi chúng đã phai mờ đi, như mọi sự đều phai mờ. chắc chắn, bà đã khóc cho lỗi lầm của mình, rồi dần dà, đã hầu như quên lãng nó. Chẳng phải là tất cả đàn bà, tất cả, đều có cái năng khiếu lãng quên thật phi thường, nó khiến cho họ, sau vài năm, chỉ hơi nhận ra người đàn ông mà họ đã trao đôi môi và trao cả thân hình cho những nụ hôn? Nụ hôn giáng như sấm sét, tình yêu qua như giông bão, rồi cuộc sống lại yên ả như bầu trời, và bắt đầu lại y như trước kia. Ai mà nhớ một đám mây?
Pierre không thể ở lại trong phòng mình được nữa. Ngôi nhà này, ngôi nhà của cha chàng nghiến bẹp chàng. Chàng cảm thấy mái nhà đè xuống đầu mình và các bức tường bóp nghẹt mình. Và vì rằng khát, chàng thắp cây nến để đi uống một ly nước mát ở bình lọc dưới bếp.
Chàng xuống hai tầng gác, rồi, khi trở lên cầm bình chàng đầy, chàng ngồi, chỉ mặc áo lót, trên một bậc thang có luồng gió thổi, và uống không dùng ly, từng ngụm dài, như một người chạy đua hết hơi. Khi thôi cựa quậy, sự tĩnh lặng của ngôi nhà khiến chàng xúc cảm, rồi, lần lượt, chàng phân biệt được từng tiếng động nhỏ. Thoạt tiên là đồng hồ trong phòng ăn mà tiếng tích tắc như to lên từng giây từng giây. Rồi chàng lại nghe thấy tiếng ngáy, một tiếng ngáy của người già, ngắn, khó nhọc và cộc cằn, chắc chắn là tiếng của cha chàng, và lòng chàng co thắt vì cái ý nghĩ dường như chỉ vừa mới bật ra trong mình, rằng hai người đàn ông kia đang ngáy trong cùng một nhà, người bố và người con trai, chẳng là gì với nhau hết! không một mối liên hệ nào gắn bó họ, ngay cả mối liên hệ sơ nhất, thế mà họ không biết! Họ nói với nhau âu yếm, họ ôm hôn nhau, cùng vui thích, cùng cảm động vì những điều giống nhau, như thể cùng một dòng máu chảy trong huyết quản họ. Thế mà hai người sinh ra ở hai đầu thế giới thì người nọ cũng không xa lạ với người kia hơn ông bố và đứa con trai này. Họ tưởng họ yêu nhau bởi vì một điều dối trá đã lớn lên giữa họ. Chính một điều dối trá đã làm ra cái tình cha đối với con và tình con đối với cha ấy, một điều dối trá không thể phơi bày và sẽ chẳng bao giờ có ai biết được ngoài chàng ra, đứa con thật sự.
Tuy nhiên, tuy nhiên, nếu như chàng lầm? Làm sao biết được điều đó? A! Nếu có thể có giữa cha chàng và Jean một nét giống nhau, dù chỉ phảng phất, một trong những nét giống nhau bí ẩn đi từ cụ tổ đến cháu chắt, chỉ ra rằng cả một nòi là dòng dõi trực hệ từ cùng một nụ hôn. Với chàng là thày thuốc, chỉ cần thật ít ỏi, để nhận ra điều đó, hình dáng của quai hàm, đường cong của mũi, khoảng cách giữa hai mắt, chất của răng hay của râu tóc, ít hơn thế nữa, một cử chỉ, một thói quen, một cung cách, một thị hiếu được truyền lại, một dấu hiệu nào đó rất tiêu biểu đối với con mắt lão luyện.
Chàng tìm tòi và chẳng nhớ lại được nét nào, không, không gì hết. Nhưng chàng đã nhìn không kỹ, quan sát không kỹ, vì chẳng có lý do gì để phát hiện những dấu vết khó nhận biết ấy.
Chàng đứng dậy để trở về phòng mình và bước lên thang gác, thong thả vẫn nghĩ ngợi. Đi qua cửa phòng em trai, chàng dừng phắt lại, bàn tay giơ ra định mở cửa. một mong muốn khẩn thiết vừa trỗi dậy trong chàng, muốn nhìn thấy Jean ngay lập tức, nhìn thật lâu, bắt chợt cậu ta trong giấc ngủ, trong lúc bộ mặt được an dịu, các đường nét được thư giãn, đang nghỉ ngơi, và mọi sự nhăn nhở của đời sống đã tan biến. Như vậy chàng sẽ tóm được điều thầm kín đang yên ngủ của dung mạo cậu ta, và nếu như có sự giống nhau nào đó, đáng kể, nó sẽ không lọt khỏi mắt chàng.
Nhưng nếu Jean tỉnh giấc, chàng sẽ nói gì? giải thích việc chàng đến như thế nào đây?
Chàng cứ đứng, các ngón tay co quắp trên ổ khóa, tìm một lý do, một cái có.
Bỗng chàng nhớ lại, cách đây tám hôm, chàng đã cho em mượn lọ thuốc giảm đau để làm dịu đi một cơn nhức răng. Bản thân chàng có thể bị đau, tối nay, và đến đòi lại thuốc. vậy là chàng bước vào, nhưng rón rén, như tên ăn trộm.
Jean, miệng hé mở, đang ngủ một giấc say sưa và mang tính động vật. Râu tóc chàng làm thành một đốm vàng óng trên nệm trắng. Chàng không tỉnh giấc, nhưng thôi ngáy.
Pierre, cúi xuống bên Jean, ngắm em bằng con mắt háo hức. Không, chàng thanh niên này không giống Roland, và lần thứ hai, đầu óc chàng lại nhớ đến bức chân dung nhỏ đã biến mất của Maréchal. Chàng phải tìm ra nó! Nhìn thấy nó, có lẽ chàng sẽ không hồ nghi nữa.
Em chàng cựa quậy, chắc là khó chịu vì sự có mặt của chàng, hoặc vì ánh sáng của ngọn nến chiếu qua mí mắt. Thế là bác sĩ nhón chân lùi ra cửa, đóng lại cánh cửa thật êm, rồi chàng quay về phòng mình, nhưng không đi nằm.
Trời lâu sáng. Từng giờ một dóng lên từ chiếc đồng hồ trong phòng ăn, tiếng chuông trầm trầm và trang trọng, cứ như thể cái vật dụng nhỏ do xưởng đồng hồ chế tạo này đã nuốt vào mình cả một quả chuông nhà thờ lớn. Tiếng chuông vang lên trong cầu thang vắng vẻ không người, xuyên qua các bức tường các cánh cửa, đến tắt lịm ở cuối các phòng bên đôi trơ ỳ của những người đang ngủ. Pierre đi bách bộ từng giường đến cửa sổ. Chàng sẽ làm gì đây? Chàng tự cảm thấy quá bàng hoàng thảng thốt nên không thể ở trong gia đình ngày hôm nay. Chàng vẫn còn muốn ở một mình, ít ra là đến mai, để suy nghĩ, để bình tâm, lấy sức cho cuộc đời thường nhật mà chàng sẽ phải tiếp tục sống.
Thế thì, chàng sẽ đi Trouville, xem đám đông lúc nhúc trên bãi biển. điều ấy sẽ khiến chàng khuây lãng, sẽ thay đổi không khí tư tưởng chàng, sẽ để chàng có thời gian tự chuẩn bị cho cái điều gớm guốc mà mình đã phát hiện.
Tảng sáng, chàng rửa mặt rồi mặc quần áo. Sương mù đã tan, tròi đẹp, rất đẹp. vì tàu đi Trouville chín giờ mới rời bến, bác sĩ nghĩ rằng mình phải hôn mẹ trước khi đi.
Chàng đợi đến lúc hàng ngày bà thức dậy, và chàng đi xuống. Tim chàng đập mạnh đến nỗi khi chạm vào cánh cửa phòng bà, chàng phải dừng chân và rung lên, hầu như không thực hiện nổi cố gắng nhỏ nhoi xoay quả nắm để bước vào. Chàng gõ cửa. Tiếng mẹ chàng hỏi:
"Ai đấy?"
"Con, Pierre".
"Con muốn gì?"
"Chào mẹ vì cả ngày hôm nay con sẽ ở Trouville với bạn bè".
"Chả là mẹ còn chưa ra khỏi giường".
"Được, thế thì mẹ cứ ở yên. Chiều nay con sẽ hôn mẹ khi về".
Chàng hy vọng có thể ra đi mà không gặp bà, không đặt lên má bà cái hôn giả tạo chưa chi đã khiến chàng lợm giọng.
Nhưng bà trả lời:
"Đợi một chút, mẹ mở cửa cho con đây. Rồi con chờ mẹ nằm lại đã nhé?"
Chàng nghe thấy bà đi chân không trên sàn, rồi tiếng then cửa rút. Bà nói to:
"Con vào đi"
Chàng vào. Bà ngồi trên giường, còn Roland, bên cạnh bà, đầu quấn chiếc khăn và mặt quay vào tường, vẫn cứ ngủ. chẳng làm gì được ông tỉnh giấc nếu như chưa lay gọi đến sái cả cánh tay ông. Những ngày đi câu, cô hầu gái được lão thuỷ thủ Papagris bấm chuông gọi đúng giờ hẹn, là người đến lôi ông ta khỏi giấc ngủ không sao phá nổi này.
Vừa tiến về phía mẹ, Pierre vừa nhìn bà, bỗng nhiên chàng thấy dường như mình chưa bao giờ trông thấy bà.
Bà chìa má cho chàng, chàng đặt lên đó hai cái hôn rồi ngồi xuống một chiếc ghế thấp. Bà hỏi:
"Tối qua con mới quyết định đi chơi ư?"
"Vâng, tối qua".
"Con về ăn tối chứ?"
"Con chưa biết. Dù sao ở nhà cũng đừng đợi con".
Chàng quan sát bà với một niềm tò mò sửng sốt. Đấy là mẹ chàng, người đàn bà này! Toàn bộ gương mặt kia, nhìn thấy từ thưở ấu thơ, từ khi con mắt nhận biết được, nụ cười kia, giọng nói rất quen, rất thân thuộc kia, đột nhiên dường như mới lạ và không giống như chúng từng tồn tại với chàng cho đến nay. Giờ đây chàng hiểu rằng, yêu mẹ, chàng chưa bao giờ nhìn mẹ. Vậy mà chính là bà đấy, và chàng biết hết những chi tiết nhỏ nhất của gương mặt bà, nhưng các chi tiết nhỏ ấy, lần đầu tiên chàng nhận ra chúng một cách rõ rệt. Sự chăm chú đầy âu lo, lục lọi mái đầu yêu dấu kia, phát lộ nó cho chàng khác hẳn, với một diện mạo chàng chưa bao giờ khám phá ra.
Chàng đứng dậy để ra đi, đột nhiên chịu thua niềm mong muốn không sao thắng nổi, nó cắn xé lòng chàng suốt từ tối hôm trước, mong muốn được biết:
"Mẹ này, con nhớ hình như ngày trước, ở Paris, có một bức chân dung nhỏ của Maréchal trong phòng khách nhà mình?"
Bà do dự một giây hoặc hai giây, hay ít ra chàng cũng tưởng tượng bà do dự, rồi bà bảo:
"Phải đấy".
"Thế nó ra sao rồi, cái bức chân dung ấy?"
Lẽ ra bà có thể trả lời nhanh hơn nữa:
"Bức chân dung ấy…gượm đã…mẹ không rõ lắm..Có thể nó ở trong ngăn bàn giấy của mẹ".
"Mẹ tìm lại được nó thì tốt quá".
"Được. Mẹ sẽ tìm. Tại sao con muốn có nó?"
"Ồ, không phải cho con đâu. Con nghĩ rằng cho Jean bức chân dung ấy là chuyện thật tự nhiên, và điều ấy sẽ làm cho em con thích".
"Ừ, con nói phải. Đó là một ý kiến hay. Khi nào dậy, mẹ sẽ tìm nó"
Và chàng đi ra.
Đó là một ngày xanh biếc, không một ngọn gió. Mọi người trên đường phố có vẻ vui tươi, các thương nhân đến với công việc làm ăn, các viên chức đến bàn giấy, các cô gái đến cửa hàng. Vài người khe khẽ hát, hoan hỉ vì trời sáng sủa.
Trên con tàu đi Trouville, hành khách đã lên. Pierre ngồi tít phía sau, trên một chiếc ghế gỗ dài.
Chàng tự hỏi:
"Bà có lo ngại vì câu ta hỏi về bức chân dung, hay chỉ ngạc nhiên thôi? Bà đã để nó thất lạc hay đã giấu đi? Bà biết nó ở đâu, hay là không biết? Nếu bà cất giấu nó, thì vì sao?"
Và trí óc chàng, vẫn theo kiểu tiến trình như vậy, từ suy đoán nọ sang suy đoán kia, kết luận thế này:
Bức chân dung, chân dung người bạn, chân dung người tình, vẫn để ở chỗ nhìn thấy rất rõ, trong phòng khách, cho đến ngày mà người vợ, mà người mẹ, nhận ra đầu tiên, trước tất cả mọi người, rằng chân dung ấy giống con trai mình. Chắc hẳn, từ lâu, bà vẫn rình rập sự giống nhau này, rồi khi phát hiện ra nó, thấy nó nảy nở và hiểu rằng một ngày nào đó, ai cũng có thể nhận ra, một buổi tối, bà đã lấy bức họa nhỏ đáng sợ và đã cất giấu nó, vì không dám huỷ nó đi.
Và giờ đây Pierre nhớ lại rất rõ là bức tiểu họa đã biến mất từ lâu, rất lâu trước khi bố mẹ chàng rời Paris! Chàng cho là nó đã biến mất khi bộ râu của Jean bắt đầu mọc, bỗng nhiên khiến Jean giống chàng thanh nhiên râu tóc vàng đang mỉm cười trong chiếc khung.
Tàu chuyển động để lên đường, làm rối ý nghĩ chàng và phân tán nó! Thế là, chàng đứng dậy, nhìn ra biển.
Con tàu nhỏ ra khỏi đập, rẽ sang trái rồi phì phò, hổn hển, rung rung, tiến về phía bờ biển xa xa, thấp thoáng trong sương sớm. Từng chỗ từng chỗ lá buồm đỏ của một thuyền đánh cá im lìm trên mặt biển phẳng lặng, có vẻ như một khối đá lớn trồi từ dưới nước lên. Và dòng sông Seine xuôi tữ Rouen giống như một nhánh biển rộng ngăn cách hai miền đất lân cận.
Chưa đầy một giờ sau, họi tới bến Trouville, và bởi đang đúng lúc tắm, Pierre bèn ra bãi biển.
Trông xa, bãi tắm như một khu vườn dài đầy hoa rực rỡ. Trên cồn cát vàng rộng lớn, từ con đập cho tới Núi Đá Đen, những chiếc dù đủ màu sắc, những chiếc mũ đủ hình dạng, những bộ y phục đủ sắc thái, từng nhóm trước các phòng thay áo, từng dãy dọc theo sóng biển hoặc tản mạn đó đây, thực sự giống những bó hoa đồ sộ trên một đồng cỏ mênh mang. Và mơ hồ, gần xa, những giọng nói buông trong gió nhẹ, những tiếng gọi, tiếng la của trẻ con được mọi người đưa xuống nước, tiếng cười trong trẻo của phụ nữ, làm thành một tiếng ồn liên miên và êm ả, hoà với làn gió hiu hiu và người ta hít nó vào cùng gió.
Pierre bước đi giữa những con người ấy, còn lạc lõng, còn tách rời, còn cách ly, còn chìm ngập tron gý nghĩ dày vò khắc khoải, hơn là nếu người ta quăng chàng từ trên boong một con tàu xuống biển, ngoài khơi xa hàng trăm dặm. chàng chạm vào họ, không lắng tai mà nghe thấy vài câu, không nhìn mà trông thấy những người đàn ông đang nói với đàn bà và những người đàn bà đang cười nụ với đàn ông.
Nhưing đột nhiên, dường như tỉnh giấc, chàng nhận biết họ rõ rệt, và một niềm căm ghét đối với họ trỗi dậy trong lòng chàng, vì họ có vẻ sung sướng và mãn nguyện.
Giờ đây chàng bước đi, chạm vào các nhóm người, xoay quanh họ, buông mình theo những ý nghĩ mới. tất cả những y phục muôn màu che phủ mặt cát như một bó hoa kia, những vải vóc xinh tươi kia,những chiếc dù sặc sỡ kia, vẻ đẹp giả tạo của những eo lưng bị giam hãm kia, tất cả những phát minh tài tình của thời trang từ chiếc giày xinh xẻo đến vành mũ kỳ quặc khác đời, vẻ quyến rũ của cử chỉ, giọng nói, nụ cười, tóm lại sự làm duyên làm dáng phơi bày trên bãi tắm kia đột nhiên hiện ra trước chàng như cảnh đua nở mênh mang của tà tâm phụ nữ. Tất cả những người đàn bà diêm dúa kia đều muốn làm đẹp ý, xiêu lòng, và cám dỗ ai đó. họ đã điểm trang cho đàn ông, cho mọi người đàn ông, trừ người chồng mà họ không cần chinh phục nữa. Họ đã điểm trang cho người tình hôm nay và người tình ngày mai, cho người không quen, được gặp gỡ được để ý, được đợi chờ có lẽ.
Và những người đàn ông ngồi cạnh họ kia, mắt nhìn mắt, miệng nói kề bên miệng, đang vời gọi họ và thèm muốn họ, săn đuổi họ như một con mồi uyển chuyển và lẩn trốn, mặc dù có vẻ như gần gụi đến thế, như dễ dàng đến thế. Vậy ra bãi biển rộng lớn này chỉ là một chợ tình nơi các ả nọ bán mình, các ả kia trao thân, những cô nàng này mặc cả sự vuốt ve âu yếm, còn những cô nàng khác chỉ hứa hẹn mà thôi. Tất cả những người đàn bà ấy chỉ nghĩ đến cùng một chuyện, là dâng hiến và làm người ta thèm muốn cái xác thịt họ đã từng trao, từng bán, từng hứa cho những người đàn ông khác. Và chàng nghe rằng trên toàn trái đất bao giờ cũng như vậy cả.
Mẹ chàng đã làm như những kẻ khác, thế thôi mà! Như những kẻ khác? Không! Có những ngoại lệ, và có nhiều, nhiều lắm! Những người đàn bà chàng đang nhìn thấy quanh mình, những cô nàng giàu có, điên rồ, những ả đi tìm yêu đương, chung quy đều thuộc giới trăng gió thanh lịch và thượng lưu hoặc thậm chí giới trăng gió có định gía, bởi trên những bãi biển do bầy đoàn phụ nữ vô công rồi nghề dẫm đạp, người ta chẳng gặp đám đàn bà lương thiện bị giam cầm trong nhà chứa.
Nước biển dâng lên, xua dần về phía thành phố những dãy người tắm ở ngoài cùng. Người ta thấy các nhóm vội vã đứng dậy, mang theo ghế bỏ chạy, trước đợt sóng màu vàng đang tiến tới, bên rìa có lớp bọt nhỏ như một diềm ren. Các phòng thay áo lưu động, do một con ngựa kéo, cũng tiến lên, và trên những tấm ván của con đường đi dạo viền từ đầu này đến đầu kia bãi tắm, giờ đây là dòng chảy liên tục, đông đặc và chậm rãi, của đám người thanh lịch, tạo thành hai luồng ngược chiều chen vai thích cánh nhau, hoà vào nhau. Pierre, cáu kỉnh, tức giận vì sự đụng chạm này, liền bỏ trốn, dấn sâu vào thành phố và dừng lại ăn trưa ở một hàng rượu bình dân, ven đồng quê.
Uống cà phê xong, chàng nằm dài trên hai chiếc ghế dựa trước cửa quán, và bởi đêm trước ngủ ít, chàng thiếp đi dưới bóng một cây bồ đề.
Sau vài giờ nghỉ ngơi, chàng cựa mình, nhận thấy đã đến lúc quay lại để lên tàu, và chàng cất bước, rời rã vì mình mẩy đột nhiên bị mỏi nhừ trong khi thiếp ngủ. Giờ đây chàng muốn về, chàng muốn biết mẹ chàng đã tìm thấy bức chân dung của Maréchal hay chưa. Bà sẽ nói đến nó trước, hay là chàng phải hỏi lần nữa? nếu bà đợi người ta hỏi lại mình, chắc hẳn bà có một lý do thầm kín để không đưa bức chân dung ấy ra.
Nhưng trở về phòng mình rồi, chàng do dự khi xuống ăn tối. chàng quá đau đớn. Lòng chàng nôn nao ghê tởm còn chưa có thời gian nguôi dịu. Tuy nhiên chàng cũng quyết định, và chàng xuất hiện trong phòng ăn lúc mọi người đang ngồi vào bàn.
Một vẻ vui mừng làm các gương mặt phấn chấn. Roland hỏi:
"Thế nào, việc mua bán của các người tiến triển chứ? Tôi thì tôi chẳng muốn xem gì hết khi mọi thứ chưa sắp đặt đâu vào đấy".
Bà vợ đáp:
"Vâng, ổn cả. Chỉ có điều phải suy nghĩ lâu để khỏi bị hố. Đồ đạc trong nhà làm chúng tôi bận tâm nhiều".
Cả ngày bà đã cùng Jean đi xem các hiệu thảm, các cửa hàng bán đồ nội thất. Bà thích vải vóc sang trọng, hơi hoa mỹ, dễ gây chú ý. Con bà, trái lại, muốn một cái gì giản dị và thanh nhã. Thế là, trước mỗi mẫu hàng được mời chào, hai mẹ con, cả người nọ lẫn người kia, đều nhắc lại lập luận của mình. Bà bảo rằng khách hàng, người đi kiện cần được gây ấn tượng, rằng khi bước vào phòng chờ, họ phải cảm thấy xúc động vì sự giàu sang.
Ngược lại, Jean định chỉ thu hút giới khác hàng thanh lịch và giàu có, nên muốn chinh phục đầu óc những con người tinh tế bằng khiếu thẩm mỹ giản dị và vững chắc.
Và cuộc tranh luận đã diễn ra suốt cả ngày, họ tiếp tục ngay từ lúc dùng món súp.
Roland không có ý kiến. Ông nhắc lại:
"Tôi, thì tôi chẳng muốn nghe nói đến cái gì hết. Khi nào xong xuôi, tôi sẽ đến xem".
Bà Roland cầu viện sự phán xét của con trai trưởng.
"Nào, con, Pierre, con nghĩ sao?"
Thần kinh chàng bị kích thích quá độ đến mức chàng muốn đáp lại bằng một tiếng rủa. Tuy vậy chàng vẫn nói bằng một giọng sẵng, trong đó rung lên nỗi tức tối:
"Ô! Con thì con hoàn toàn đồng ý với Jean. Con chỉ ưa sự giản dị, nói về khiếu thẩm mỹ thì sự giản dị có thể so sánh với sự ngay thẳng, khi nói về tính cách".
Mẹ chàng lai tiếp:
"Con hãy nghĩ rằng chúng ta sống trong một thành phố của người buôn bán, ở đó không phải ai cũng có khiếu thẩm mỹ".
Pierre đáp:
"Thì cần gì? Có phải đó là một lý do để bắt chước bọn ngu ngốc? Nếu đồng bào của tôi đần độn hay bất lương tôi có cần theo gương họ không? Một người đàn bà không lầm lỡ bởi lẽ chị hàng xóm của mình có tình nhân".
Jean bật cười:
"Anh có những lập luận so sánh như thể rút từ châm ngôn của một nhà đạo đức học".
Pierre chẳng hể đối đáp. Mẹ và em chàng lại bàn về vải vóc và ghế bành.
Chàng nhìn họ như đã nhìn mẹ mình, sáng nay, trước khi đi Trouville, chàng nhìn họ tựa thể người xa lạ đang quan sát, và quả thực chàng ngỡ mình bỗng dưng bước vào một gia đình không quen biết.
Đặc biệt, cha chàng khiến con mắt và ý nghĩ chàng ngạc nhiên. Người đàn ông to béo, nhẽo nhợt, thoả mãn và ngớ ngẩn kia, đó là cha chàng, cha của chàng! Không, không! Jean không giống ông ta chút nào hết.
Gia đình chàng! Từ hai hôm nay, một bàn tay không quen biết và tai ác, bàn tay một người chết, đã giật đứt và bẻ gãy, từng sợi một, tất cả những sợi dây liên kết bốn con người này với nhau. Hết rồi, tan vỡ rồi. Chẳng còn mẹ nữa, vì chàng sẽ không yêu bà được nữa, khi không thể tôn sùng bà với niềm kính trọng tuyệt đối, âu yếm và hiếu thảo, cần thiết cho lòng những người con, chẳng còn em nữa, bởi đứa em ấy là con một người xa lạ, chàng chỉ còn lại một người cha, người đàn ông to béo kia, mà chàng không yêu, dù không muốn thế.
Và đột nhiên:
"Mẹ này, mẹ đã tìm thấy bức chân dung ấy chưa?"
Bà mẹ mở to đôi mắt ngạc nhiên:
"Bức chân dung nào?"
"Chân dung của Maréchal!"
"Không..à có…mẹ chưa tìm thấy, nhưng mẹ cho là mẹ biết nó ở đâu"
"Gì vậy?" Roland hỏi.
Pierre bảo ông ta:
"Một bức chân dung nhỏ của Maréchal, trước đây ở trong phòng khách nhà ta tại Paris, con nghĩ Jean sẽ hài lòng khi có nó".
Roland reo lên:
"Phải rồi, phải rồi, bố nhớ rõ lắm, thậm chí bố còn nhìn thấy nó vào cuối tuần trước. Mẹ con đã lôi nó từ trong bàn giấy của mẹ ra khi sắp xếp giấy tờ. Vào thứ năm hay thứ sáu. Mình có nhớ không, Louise? Tôi đang cạo râu thì mình lấy nó trong ngăn kéo ra và để trên cái ghế cạnh mình, với một chồng thư mà mình đã đốt đi một nửa. Hử? Cũng kỳ cục là mình đã động đến bức chân dung ấy chỉ hai ba ngày trước khi Jean được thừa kế! nếu tôi mà tin ở linh cảm, thi tôi sẽ bảo đấy là một linh cảm!"
Bà Roland bình thản đáp:
"Phải, phải, tôi biết nó ở đâu rồi, lát nữa tôi sẽ đi lấy nó".
Vậy là bà đã nói dối! Bà đã nói dối khi trả lời, vừa mới sáng nay thôi, lúc con trai hỏi xem bức chân dung ấy ra sao rồi "Mẹ không rõ lắm…có thể nó ở trong ngăn bàn giấy của mẹ".
Bà đã nhìn thấy nó, chạm vào nó, cầm nó, ngắm nghía nó vài ngày trước đây, rồi bà lại cất giấu nó trong ngăn kéo bí mật, cùng những bức thư, thư của ông ta.
Pierre nhìn mẹ mình, người đã nói dối. chàng nhìn bà với sự giận dữ tức tối của đứa con bị phụ bạc, bị đánh cắp trong tình cảm thiêng liêng, và với sự ghen tuông của người đàn ông lâu nay mù quáng cuối cùng khám phá ra một điều phản bội nhục nhã. Giá như chàng, đứa con, mà là chồng của người đàn bà kia, chàng sẽ tóm lấy cổ tay bà, tóm lấy hai vai hay tóm tóc và xô bà xuống đất, đánh đập bà, làm bà bầm dập, tan nát! Thế mà chàng chẳng thể nói gì, chẳng thể làm gì chẳng thể phơi bày gì, phát lộ gì. Chàng là con bà, chàng chẳng có gì mà báo hận, chàng đây, người ta chẳng phụ bạc chàng.
Nhưng có chứ, bà có phụ bạc tình thương mến của chàng, phụ bạc niềm tôn kính hiếu thảo nơi chàng. Đối với chàng, bà phải không tì vết, như tất cả các bà mẹ phải thế với con mình. Nếu như cơn thịnh nộ kích động chàng hầu như đi tới mức căm ghét, đó là vì chàng cảm thấy bà mắc trọng tội với mình hơn với chính cha mình.
Tình yêu của người đàn ông và đàn bà là một giao ước tự nguyện ở đó kể yếu lòng chỉ phạm tội bội ước, nhưng khi người đàn bà đã làm mẹ, thì nghĩa vụ của họ đã thành lớn lao hơn bởi tạo hoá giao phó cho họ một giống nòi. Lúc đó nếu họ sa ngã, thì họ hèn nhát, không xứng đáng và xấu xa.
"Chẳng cần, Roland bỗng vừa nói vừa duỗi dài hai chân dưới gầm bàn, như ông vẫn làm mỗi buổi tối để nhấm nháp cốc rượu mùi, sống mà không làm gì cả cũng hay, khi người ta được sung túc đôi chút. Tôi hy vọng giờ đây, Jean sẽ đãi chúng ta những bữa tối thượng hạng. Nói thực, nếu thỉnh thoảng dạ dầy tôi có ậm ạch gì đó, thì cũng mặc kệ".
Rồi quay sang bà vợ:
"Đi lấy bức chân dung ấy đi mình, vì mình ăn xong rồi mà. Xem lại nó, tôi cũng thích".
Bà đứng dậy, cầm một cây nến đi ra. Rồi, sau một lúc vắng mặt mà Pierre cảm thấy lâu, dù chưa đầy ba phút, bà trở vào, tươi cười, cầm ở vòng khuyên một chiếc khung thếp vàng kiểu cũ. Bà bảo:
"Đây, tôi gần như tìm lại được nó ngay".
Bác sĩ là người đầu tiên giơ tay ra. Chàng nhận bức chân dung, và, để hơi xa, giang thẳng tay, quan sát nó. Rồi, cảm thấy rõ mẹ đang nhìn mình, chàng từ từ ngước mắt lên em trai, để so sánh. Bị sự hung bạo nơi mình kích thích, suýt nữa chàng nói "Này, nó giống Jean". Nếu như chàng không dám thốt ra những lời đáng sợ đó, thì chàng bỉêu lộ ý nghĩ qua cung cách so sánh gương mặt sống và gương mặt được vẽ.
Tất nhiên, chúng có những dấu hiệu chung: cũng bộ râu ấy và vầng trán ấy, nhưng không có gì đủ chính xác để có thể tuyên bố "Đây là cha, còn đây là con". Đúng hơn, đó là một vẻ họ hàng, một nét bà con thân thích của những dung mạo được cùng một dòng máu truyền sức sống. Song, đối với Pierre, cái điều còn quyết định hơn cả dáng dấp các khuôn mặt, đó là mẹ chàng đã đứng dậy, quay lưng lại và vờ cất đi, một cách quá chậm rãi, đường và rượu trong một chiếc tủ tường.
Bà đã hiểu là chàng biết, hay it ra là chàng nghi ngờ!
"Đưa cho bố nào", Roland bảo.
Pierre chìa bức tiểu hoạ và cha chàng kéo cây nến lại để nhìn cho rõ, rồi ông nói khẽ với giọng cảm động:
"Tội nghiệp anh ấy! Vậy mà anh ấy như thế này đây khi chúng ta mới quen anh. Chà! Nhanh thật đấy! Dù sao hồi đó, anh ấy cũng bảnh trai, và cung cách thật thú vị, có phải không Louise?"
Vì bà vợ không đáp, ông tiếp:
"Và tính nết mới thuận hoà làm sao chứ! Tôi chưa bao giờ thấy anh rầu rĩ cau có. Vậy đấy, thế là hết, chẳng còn gì nữa…ngoài cái anh đã để lại cho Jean. Rốt cuộc, có thể thề rằng con người này đã tỏ ra là người bạn tốt và thuỷ chung đến cùng. Ngay cả khi chết đi người ấy cũng không quên chúng ta".
Đến lượt Jean giơ tay cầm lấy bức chân dung. Chàng ngắm nó một lát, rồi với vẻ tiếc:
"Con, thì con chẳng nhận ra ông ấy. Con chỉ còn nhớ ông với mái tóc bạc".
Rồi chàng trả lại mẹ bức hoạ. Bà đưa mắt nhìn nó thật nhanh, rồi chuyển ngay sang hướng khác cái nhìn có vẻ sợ sệt, đoạn bằng giọng bình thường:
"Bây giờ cái hình đó thuộc về con, Jeannot của mẹ ạ, vì con được thừa kế ông ấy. Chúng ta sẽ đem nó đến căn hộ mới của con".
Và vì mọi người sang phòng khách, bà liền đặt bức hoạ lên mặt lò sưởi, cạnh chiếc đồng hồ, nơi nó vẫn ở trước đây.
Roland nhồi ống điếu, Pierre và Jean châm thuốc lá. Thường thường khi hai anh em hút thuốc, một người đi dọc ngang căn phòng,người kia ngồi lút trong ghế bành, hai chân bắt chéo. Ông bố bao giờ cũng cưỡi lên một chiếc ghế dựa và khạc nhổ từ xa vào lò sưởi.
Bà Roland, ngồi trên một chiếc ghế thấp, gần chiếc bàn nhỏ có đặt ngọn đèn, thêu thùa, đan lát hay đánh dấu quần áo.
Tối hôm ấy, bà bắt đầu làm một bức thảm dành cho phòng khách của Jean. Đó là một công việc khó và phức tạp, lúc khởi đâu đòi hỏi phải toàn tâm toàn ý. Ấy thế mà thỉnh thoảng con mắt bà đang đếm mũi đan lại ngước lên rồi đưa nhanh và lén lút, về phía bức chân dung nhỏ của người đã khuất, dựa bên chiếc đồng hồ. Và bác sĩ đang sải chân đi, chừng bốn hoặc năm bước là qua hết gian phòng khách hẹp, tay chắp sau lưng, điếu thuốc trên môi, cứ mỗi lần lại bắt gặp cái nhìn của mẹ.
Có thể nói là họ rình nhau, là một cuộc chiến vừa được tuyên bố giữa họ, và một niềm bất an đau xót, một niềm bất an không sao chịu nổi làm co thắt tim Pierre. Chàng tự nhủ, khổ sở và dằn vặt và tuy thế lại thoả mãn "Lúc này đây bà ắt phải đau khổ, nếu bà biết rằng ta đã đóan hiểu được bà!" Và mỗi lần trở về phía lò sưởi, chàng lại dừng chân vài giây ngắm gương mặt có râu tóc vàng của Maréchal, để chỉ rõ rằng một ý tưởng cố định đang ám ảnh mình. Và bức chân dung nhỏ ấy, chưa bằng một bàn tay xoè rộng, dường như một con người sống, độc ác, đáng sợ, đột nhiên bước vào ngôi nhà này và gia đình này.
Bỗng chuông ngoài phố reo. Bà Roland, xưa nay rất điềm tĩnh, bỗng giật thót mình, điều này tiết lộ với chàng bác sĩ là thần kinh bà rối loạn.
Rồi bà bảo "Chắc là bà Rosémilly". Và con mắt lo sợ lại một lần nữa ngước lên mặt lò sưởi.
Pierre hiểu, hoặc cho là mình hiểu nỗi kinh hoàng và niềm lo âu nơi bà. Cái nhìn của phụ nữ thường sắc sảo, đầu óc họ nhanh nhạy và ý nghĩ của họ đa nghi. Khi người đàn bà sắp bước vào kia nhận thấy bức hoạ chưa hề biết, có thể, ngay từ đầu, người ấy sẽ phát hiện ra sự giống nhau giữa gương mặt nọ và gương mặt Jean. Thế là người sẽ biết và sẽ hiểu hết! Chàng thấy sợ, một nỗi sợ đột ngột và gớm guốc, sợ mối nhục này bị phanh phui, và quay mình lại, khi cửa mở ra, chàng cầm lấy bức hoạ nhỏ rồi luồn nó xuống dưới đồng hồ mà cha và em chàng không trông thấy.
Lại bắt gặp đôi mắt của mẹ, chàng thấy chúng như đổi khác, lờ đờ và dữ tợn.
"Xin chào, bà Rosémilly nói, tôi đến uống tách trà cùng quý vị".
Nhưng trong lúc mọi người lăng xăng chung quanh nàng để hỏi thăm sức khoẻ, Pierre biến mất qua cánh cửa để ngỏ.
Khi mọi người nhận ra anh đã đi rồi, họ ngạc nhiên. Jean không bằng lòng, vì sợ nàng quả phụ phật ý, chàng nói khẽ:
"Người mới thô dã chứ!"
Bà Roland đáp:
"Chẳng nên giận anh ấy. Hôm nay anh ấy hơi ốm, vả lại cũng mệt vì chuyến đi chơi Trouville".
"Mặc chứ, Roland tiếp, đó không phải là lý do để bỏ đi như một người man rợ".
Bà Rosémilly muốn dàn xếp mọi chuyện bằng cách cả quyết:
"Không mà, không mà, anh ấy rút theo kiểu Anh đấy, trong giới giao tế, khi ra về sớm bao giờ người ta cũng lỉnh đi như thế".
"Ồ!, Jean đáp, trong giới giao tế thì có thể, nhưng người ta không đối xử với gia đình theo kiểu Anh, thế mà ít lâu nay, anh tôi toàn làm như vậy đấy".
Pierre Và Jean Pierre Và Jean - Guy de Maupassant Pierre Và Jean