Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7/27
hầy Tán dông dài hai chữ tóc thề trong câu Tóc thề đã chấm ngang vai ở một đoạn văn trích giảng. Tóc thề ra sao? Những ông thầy Việt văn ưa rắc rối và thích chụp đủ thứ tư tưởng vào văn thơ của những người đã chết. Văn thơ trở nên khó khăn, cầu kỳ, bí hiểm do các ông thầy Việt văn. Thí dụ bài Thu Ðiếu của Nguyễn Khuyến. Cụ Nguyễn Khuyến ngồi trên chiếc thuyền câu nhỏ vào một ngày thu lạnh, cá rúc hết xuống bùn, không tung tăng bơi lội để đớp mồi của cụ, cụ buồn làm bài thơ giải sầu, kết luận "Cá đâu đớp động dưới chân bèo" chứ không đớp mồi của cụ. Thế mà các ông thầy Việt văn quả quyết cá đây là Cần Vương, đớp động là đã dấy lên, chân bèo là ở vài nơi! Tóc thề ra sao? Một anh giơ tay xin giảng nghĩa:
- Thưa thầy, tóc thề đã chấm ngang vai là tóc của Thúy Kiều để chấm ngang vai như...
Phượng quay xuống nhìn anh bạn cùng lớp.
- Như... tóc chị Phượng!
Phượng đỏ mặt. Cả lớp cười. Phượng gục mặt trên đôi tay. Tôi cảm giác ê ẩm mình mẩy. Tôi đứng dậy:
- Thưa thầy, anh Hạnh không hiểu gì về ý nghĩa của hai chữ tóc thề. Con đã đọc trong cuốn sách điển cổ, thấy nói rằng, trước giờ Kim Trọng và Thúy Kiều chia tay, Thúy Kiều cắt mái tóc của mình tặng Kim Trọng để thề thốt suốt đời yêu nhau. Tóc Thúy Kiều nay đã mọc dài chấm ngang vai, lời thề nàng còn nhớ mà Kim Trọng thì vẫn biệt vô âm tín. Vậy tóc thề là món tóc người con gái cắt trao gửi tình nhân như một kỷ vật chứ không phải tóc chấm ngang vai là tóc thề. Hiểu tóc thề như anh Hạnh, con nghĩ, không xứng đáng học Nguyễn Du.
Thầy khen:
- Nếu anh Chương vào vấn đáp, gặp đúng câu này, anh sẽ được mười tám điểm.
Tôi không chú ý lời thầy khen. Tôi thấy đôi vai Phượng rung động. Và tôi tưởng nàng đang thổn thức vì tôi. Một lát, nàng ngẩng mặt lên, hí hoáy ghi chép. Rồi đưa tay ra đằng sau, đặt lên bàn tôi một mẩu giấy. Tôi dở vội ra đọc. Mẩu giấy ghi vỏn vẹn hai chữ cám ơn. Tôi lại bỏ vào miệng nhai và nuốt đi. Lúc này tôi muốn trốn học. Tôi muốn rủ Phượng ra ngoài bờ sông an ủi Phượng. Tôi muốn làm bất cứ một việc gì để Phượng đừng buồn, đừng chán ngôi trường trung học tỉnh lỵ. Phượng buồn, Phượng bỏ lên Hà Nội, tôi sẽ khổ sở lắm. Chắc chắn là tôi sẽ trốn học đều đều, tôi sẽ "Làm học trò nhưng không sách cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ" hết năm học, hết đời người. Tự nhiên, tôi ao ước, ở một nơi nào đó, chỉ có một ngôi trường, một lớp học. Và lớp học duy nhất trong không gian ao ước của tôi thật bé bỏng, chút ít gió cho đủ mát mùa nóng, chút ít nắng cho đủ ấm mùa lạnh, nhiều thân mật cho tình yêu vĩnh cửu. Học trò vỏn vẹn hai đứa. Tôi và Phượng. Thầy giáo dạy văn phạm yêu đương và bàn về cái thú tương tư của những người yêu nhau trên đời.
Phượng đã dựng đứng cuốn vở lên. Tôi đọc hàng chữ viết đậm và đóng khung bằng bút chì mầu: Giờ ra chơi anh Chương ở lại với Phượng nhé! Phượng gấp cuốn vở. Ngồi im. Suối tóc nàng cơ hồ ngừng trôi chẩy. Tôi ngắm suối tóc nàng rồi thả mắt qua khung cửa sổ. Lớp học nào cũng có khung cửa sổ để những người học trò mơ mộng gửi hồn mình xa khơi quên đi tiếng phấn nghiến răng bất mãn trên bảng đen. Bất hạnh cho những cậu học trò bị học ở những gian lớp thiếu một khung cửa sổ nhỏ. Các cậu sẽ không thấy một khoảng trời xanh mà từ khoảng trời xanh ấy, các cậu có thể bồng bềnh phiêu du tới những miền kỳ ảo, những miền đất niên thiếu tuyệt đối cấm những tâm hồn cằn cỗi bén mảng. Tôi ngồi nhìn khoảng trời xanh của tôi chờ đợi giờ ra chơi. Giúp tôi đỡ nóng lòng là những áng mây trôi lướt, là những cánh chim vút qua. Trống trường đã điểm. Học trò kéo hết ra sân. Phượng xoay thế ngồi. Bao giờ tôi nắm tay Phượng thì bấy giờ câu hát của Tô Vũ mới đúng. "Mặt nhìn mặt cầm tay bâng khuâng không nói một câu"... Phượng mỉm cười. Tôi nghĩ nụ cười của Phượng là đóa hoa hướng dương và tôi là mặt trời. Nụ cười chỉ nở khi hướng về tôi. Có lẽ, trưa nay, tôi phải chép bốn câu thơ của Nguyễn Bính vào nhật ký:
Cô nhân tình bé của tôi ơi
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và mắt chỉ
Nhìn tôi trong lúc tôi xa xôi
Phượng hỏi:
- Hồi nay sao anh bơ phờ thế?
Tôi đáp:
- Tại thức khuya.
- Ðể đọc sách điển cổ, hở?
- Không.
- Thế làm gì?
- Tôi cảm. Ðêm qua không ngủ được.
- Tức là anh nợ Phượng hai câu cảm tưởng? À, and đã đọc cuốn truyện chưa?
- Chưa. Tên truyện ý nghĩa quá. Tôi tự hỏi người nào sẽ nhận người nào là hoàng tử của lòng mình. Tôi muốn viết thư cho ông Nguyễn Minh Lang, yêu cầu ông ta viết tiếp cuốn truyện bằng tên truyện do tôi đặt.
- Truyện gì?
- Công chúa của lòng anh.
Phượng chớp mắt. Rồi nàng đưa một ngón tay đặt lên mắt bên phải đã nhắm chặt, khẽ day. Phượng nói:
- Hình như có một hạt bụi nhỏ vừa bay vào mắt Phượng.
Tôi bảo:
- Phượng nhắm chặt mắt lại, một lát, bụi theo nước mắt trôi đi.
Phượng hơi lắc đầu:
- Khó trôi ra lắm. Hạt bụi không giống khói thuốc đâu. Khói thuốc vướng trong mắt mình làm cay mắt mình giây lát rồi tan đi. Chứ hạt bụi nó làm cộm mắt và lúc nào mình cũng phải nghĩ tới nó. Anh thổi giùm Phượng, hạt bụi mới ra. Nhưng Phượng không nhờ anh đâu.
Có thể nào một hạt bụi đã lọt vào mắt Phượng. Trận gió nào đã mang hạt bụi tới. Tôi nghe đâu đây rất lặng lẽ. Một cụm mây trắng dừng yên trên khoảng trời xanh qua khung cửa sổ. Hạt bụi yêu dấu. Phượng đã yêu nó. Phượng đã muốn hạt bụi đồn trú ở cửa ngõ linh hồn nàng. Tôi ghen với hạt bụi. Phượng không nhờ tôi thổi giùm. Nếu nàng nhờ, tôi chẳng hiểu sẽ làm sao cho tay đỡ run, cho tim bớt đập và hơi thở nguyên vẹn đủ lùa vào một cánh cửa sổ linh hồn Phượng.
- Anh đã viết chưa?
- Cảm tưởng à?
- Không, bức thư cho văn sĩ Nguyễn Minh Lang.
- Chưa. Tôi sợ họ tưởng tôi điên.
- Thì anh viết cuốn Công chúa của lòng anh.
- Tôi viết?
- Anh sẽ viết hay là đằng khác vì anh xứng đáng học Nguyễn Du.
Tôi thấy tai tôi nong nóng. Tôi không nhìn được mắt tôi. Chắc nó phải ánh lên một tia kiêu hãnh.
- Còn gói ô mai.
- Cũng chưa nghĩ ra. Tôi định thế này: Tôi sẽ viết đưa Phượng coi. Nếu Phượng bằng lòng, tôi mới nói.
- Thế là anh đã có cảm tưởng rồi?
- Tôi... thức cả đêm qua.
- Ðể nghĩ cảm tưởng?
- Không, tôi bị cảm.
- Chiều nay anh ghé qua nhà Phượng cho Phượng xem cảm tưởng về cuốn sách và gói ô mai nhé! Anh biết nhà Phượng chưa?
- Tôi vẫn qua đó mỗi chiều.
- Sao anh không vào nhà Phượng?
Tôi nuốt nước bọt ực một cái, nuốt theo câu trách móc của Phượng. Chợt nhớ một bài thơ của Hà Mạc Tử mở đầu bằng câu trách móc của cô gái thôn Vỹ Dạ.
Sao anh không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có mặn mà
Nhà Phượng hẳn phải đẹp như thôn Vỹ Dạ. Không có căn nhà nào đẹp bằng căn nhà người yêu ta đang cư ngụ. Thi sĩ dạy tôi điều đó.
- Chiều nay anh phải vào nhà Phượng đấy.
Tôi im lặng. Bởi vì không có thể nói gì hay hơn, ngọt ngào hơn với lời mời nồng nhiệt ấy. Hai giờ học tiếp, tôi ngồi vẽ căn nhà Phượng. Và buổi trưa tôi ngồi ở bàn học sửa chữa hai câu cảm tưởng. Buổi trưa dài lê thê. Thuở chờ đợi thời gian ôi rét mướt! Tôi mong chiều về. Mong như đứa trẻ con chờ mẹ về chợ. Buổi chiều mơn trớn của tôi, nó đến thật lâu. Nó định gây sự với tôi. Tôi định gặp nó, sẽ mắng nó vài câu. Nhưng nó đến, tôi bối rối. Tôi cằn nhằn tại sao nó đến sớm thế, thong thả chút nữa không được à. Nó cự nự, nó đá vào chân tôi, nó lôi tay tôi ra đường. Tôi ngập ngừng. Rồi tôi phải đi. Tới đầu phố nhà Phượng, tôi quay về. Tôi tưởng bao nhiêu con mắt đang theo dõi tôi, đang cười chế nhạo tôi. Tôi tại tưởng Phượng đang tựa cổng chờ từng giây phút. Và tôi trở lui. Tôi tiếng, tôi lui. Tôi đi, tôi về trên cùng một con phố chẳng biết mấy chục lần. Vẫn không dám rẽ vào phố nhà Phượng. Tôi hỏi tôi có nên tới nhà nàng không. Y hệt Nguyễn Bính:
Chân bước phân vân lòng hỏi lòng
Có nên qua đấy nữa hay không
Không nên qua đấy nên qua đấy
Qua đấy làm chi nữa mất công
Nếu chiều hôm nay trời nhiều gió lất phất mưa lạnh và gần nhà nàng có cái hồ rộng, có lẽ, tôi sẽ giống Nguyễn Bính hơn:
Có chàng đi hứng gió heo may
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt
Ðếm mãi bâng quơ những dấu giầy
Cuối cùng, tôi đành ra về. Ghé qua hàng thuốc lá, mua những một gói. Ðiếu thuốc lá Cotab đầu tiên tôi hút vào buổi chiều hôm ấy, buổi chiều thơ mộng nhất, hân hoan nhất và buồn bã nhất của đầu đời niên thiếu. Tiếng hát Quách Ðàm từ máy thu thanh một hiệu buôn vọng ra hè phố. Tôi dừng chân, dựa lưng vô cột điện, nghe nhạc và nhìn khói thuốc hòa mầu với sương chiều. Bài hát ngợi ca buổi chiều. "Tôi là người lữ khách, mầu chiều khó làm khuây. Ngỡ lòng mình là rừng, Ngỡ hồn mình là mây. Nhớ nhà châm điếu thuốc..." Nhớ Phượng châm điếu thuốc. Tôi châm điếu thuốc mới. Và nuốt khói tương tư vào phổi.
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ