Chương 7 Thanh Kiếm Báu Đời Nhà Lý
uy rời làng Nhị Khê với một tâm hồn mới. Hôm qua chàng tới âm thầm như một chú bé tìm đường ẩn vào trong bóng tối. Hôm nay chàng hớn hở lên đường, sẵn sàng chiến đấu và tự tin như đã nắm chắc phần ưu thắng.
Không biết mẹ và em còn ở trong làng hay đã thui thủi đi sống nhờ quê ngoại? Chắc còn nấn ná chưa đi vì rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn chẳng phải là một chuyện dễ dàng. Mẹ sẽ sung sướng biết bao khi gặp lại mặt con và thấy lại cả một tương lai sáng sủa.
Mẹ sẽ mừng rơi nước mắt. Em sẽ tíu tít đòi quà. Con nhỏ sẽ ngạc nhiên, mắt sáng rỡ trước những tấm bánh dầy Quán Gánh trắng tinh. Mẹ sẽ nâng niu mớ cau khô thơm phức bác đồ gái mới phơi xong.
Mớ cau chàng thấy chính tay nàng Tường Vân lấy trong lọ sành ra gói ghém cho chàng. Cũng như Tường Vân đã xuống bếp để chính tay nàng lo nấu cơm, kho thịt cho chàng ăn đường. Bất giác chàng ngoái tay lấy chiếc khăn gói đeo trên vai xuống nâng niu.
Gương mặt trái soan người con gái ăn mặc giả trai chập chờn trước mắt chàng. Dường như bao nhiêu cái thùy mị của người mẹ và cái sắc sảo của người cha đều dồn cả vào con người ngọc ấy. Dịu dàng, hiền thục, nàng lo việc bếp núc gọn gàng một cách thật dễ thương. Nhưng khi bàn luận văn chương, võ nghệ, nàng đã biến thành một trang tuấn kiệt.
Huy nhớ như in vào óc mấy lời tâm sự của ông đồ:
- Tường Vân tuy là gái nhưng không thích suốt ngày vùi đầu trong xó bếp. Nó muốn ganh đua trong trường văn trận bút cũng như ở chốn thao trường.
Bác nghĩ đó cũng là một cái hay, nhất là ở cái thời buổi này, thái bình không hẳn thái bình, mà loạn lạc cũng không ra loạn lạc.
Học văn, luyện võ cho tinh chẳng phải để tranh bá đồ vương gì, nhưng cốt để trước hết giữ mình, sau nữa là giúp đời, được phần nào trọng phần nấy.
Ông cười dễ dãi, phân trần tiếp:
- Tất cả đám con trai làng này đều là học trò bác. Chúng biết Tường Vân giả trai, nhưng chả đứa nào dám gọi nó là cô Út. Người lớn, trẻ con gọi nó là cậu Út quen rồi, có lẽ bây giờ họ yên trí Tường Vân là con trai út của hai bác…
Lòng phơi phới, Huy không ra roi mà tưởng con ngựa ô truy đang bay bổng trên đường về.
Đến làng, trời vừa chạng vạng tối.
Cổng nhà chưa đóng.
Ô hay! Sao lại có tiếng ngựa hí ở trong sân? Chàng hốt hoảng lo một tai vạ nào đã đến bất thần. Và tay chàng nắm sẵn chuôi thanh gươm mà chàng ngại phải tuốt ra trong tuyệt vọng.
- A! Anh Cả đã về!
Tiếng reo trong trẻo của cô em gái ngây thơ khiến cho người anh nhẹ nhõm.
Tiếp theo là tiếng đàn ông lạ hoắc:
- Ồ! Cậu Cả đã về sao? May quá!... Tạ ơn trời, may quá!
Nhanh chân chạy ra đón chàng là một người con trai ngoài hai mươi tuổi, cao và gầy, hai mắt như dán vào thanh gươm vỏ đồng đen chàng đeo ở bên hông. Nỗi vui sum họp diễn ra chẳng giống như chàng đã tưởng tượng chút nào.
Mẹ chàng mừng quá, mãi mới thốt được một câu:
- Huy, con đã về đấy ư? Thầy con… sao?
- Thưa đẻ, thầy con vẫn bình yên ạ.
- Ừ, thế là đẻ mừng. Này con, con có nhớ ai đây không? Anh cả Hoành, con trai lớn chú Hương Cựu 1 con bên làng Phù Ủng đó.
Mừng như người bắt được của, Huy nhẩy cẫng lên, ôm hai vai Hoành, nói liền liền:
- Ồ, thế mà em không nhận ra, có chết không! Chú Hương vẫn mạnh khỏe hả anh? Anh sang chơi hay có chuyện gì thế? Em về đây cũng có việc cần phải sang anh. Để cầu chú Hương đi giúp thầy em một tay mà! May quá! Anh Cả ở chơi đây tối nay nhé. Sáng mai anh hãy về để cho em theo với…
Bà mẹ tươi cười mắng yêu cậu con trai:
- Cái thằng! Con hỏi dồn hỏi dập như vậy, làm sao anh trả lời cho kịp!
Dường như cũng vui lây cái vui của cậu trai đang độ lớn, cả Hoành thân mật bóp nắn hai cánh tay chắc nịch của chàng và khen nức nở:
- Con nhà tướng có khác! Mới mười lăm mười sáu mà vạm vỡ bằng người hai chục tuổi. Đeo gươm, cưỡi ngựa thật oai, tôi trông cũng phải mê đấy!
Chợt nhớ việc mình, Hoành thở dài nói tiếp:
- Thầy tôi vừa mắc nạn. Tôi phải sang đây cầu cứu. Biết trước là bác trai đi vắng mà vẫn cứ phải sang hú họa. Thật là trời thương nên xui khiến cho cậu về đúng lúc, lại mang cả thanh gươm mà cả nhà ai cũng đinh ninh là bác đeo theo ở bên mình…
Cậu con trai đứng ngớ ra không hiểu, bà mẹ vội đỡ lời:
- Chú Hương con bị quan huyện bắt giam. Anh cả đây đã đào được đường vào đến ngục nhưng chưa giải thoát được cho chú vì còn vướng những xiềng xích bằng sắt quá lớn. Anh phải sang đây để mượn thanh kiếm báu của nhà ta.
Huy đã hiểu. Chàng buột miệng khen:
- A! Ông trời sắp đặt thật tài tình! Anh cả ơi, thanh gươm này có bao giờ thầy em rời ra đâu. Sở dĩ cho em đeo là để em giữ một kỷ vật tổ truyền trong khi sống nhờ ở một quê hương xa lạ. Ai ngờ em lại mang nó trở về quê nhà để gặp anh đây. Hôm nay, nếu anh không sang bên này, ngày mai em cũng phải sang bên ấy…
- Có chuyện gì thế, cậu?
- Thầy em dặn sang bên Phù Ủng cầu chú Hương chịu khó đi giúp đỡ thầy em một chuyến. Thầy em cần ngón nghề đặc biệt của chú lắm.
Cả Hoành reo lên, vui mừng thật sự:
- Thế thì con gì hay bằng. Bây giờ cậu cho tôi mượn thanh gươm để đêm mai tôi ra tay cho thằng Huyện trắng mắt ra. Xong đâu đấy, cả hai cha con tôi cùng đi theo phò tá bác…
Viễn ảnh thật đẹp. Hai tay nhà nghề dĩ nhiên phải được việc hơn là một. Cha chàng hẳn vui lòng lắm. Nhưng còn vướng một điều thật khó mở lời nhưng rồi cũng phải nói ra:
- Tôi nói thật thế này, anh Cả đừng buồn nhé. Thanh kiếm này, tôi không thể cho anh mượn được đâu.
Cả Hoành choáng váng như bị một búa giáng xuống đầu lúc không phòng bị. Y rên lên:
- Trời ơi! Sao lạ vậy?
- Anh bình tâm nghe tôi nói. Chắc anh đã rõ thanh gươm vỏ đồng đen này do tổ tiên tôi là Đông Hải Vương 1 truyền lại từ cuối đời nhà Lý đến nay đã hơn ba trăm năm. Đó là một thanh kiếm báu chém sắt như chém bùn. Nhờ nó mà khi Đông Hải Vương bị họ Trần lừa, bị vây rồi bị chém lén đến nỗi đầu sắp rụng mà còn đủ sức thoát khỏi trùng vây chạy mấy trăm dặm về đến đầu làng An Nhân mới kiệt lực. Trước khi chết, người dặn lại cấm ngặt con cháu về sau không bao giờ được giao kiếm báu họ Đoàn cho người khác họ…
Không phải tôi không tin anh đâu. Nhưng quả tình không dám trái lời di huấn mong anh hiểu cho…
Ôm đầu ngồi phịch xuống ghế, Hoành rên rỉ, toàn thân rũ liệt:
- Trời ơi! Làm sao bây giờ?...
- Hay là…
Hoành ngửng đầu lắng nghe, hy vọng:
- Hay là đêm mai anh cho tôi đi cùng, nhân thể giúp anh một tay… Phải rồi, có lẽ thế là ổn.
Hoành lo ngại:
- Sợ bác gái không cho.
Bà Đoàn khẳng khái:
- Việc chú Hương Cựu bên ấy cũng như việc nhà bác bên này. Thằng Huy giúp được phần nào, bác mừng phần nấy. Sao bác lại không cho?
- Con đội ơn bác. Chỉ ngại có một điều là cậu ấy chưa quen hoạt động trong bóng tối, ở những nơi quá chật hẹp.
Y cười hì hì bảo Huy:
- Cái ngạch tôi đào hẹp lắm. Cha con tôi đều nhỏ người nhỏ xương chui qua được. Chả biết cậu phốp pháp thế này có lọt được người hay không?
- Anh yên trí đi. Không lọt cũng phải lọt. Anh lọt được thì tôi cũng lọt được.
° ° °
Cơm nước xong, ngay đêm ấy Hoành xin phép ra về để mẹ y ở nhà khỏi nóng lòng chờ và cũng để có nhiều thì giờ chuẩn bị cho cuộc vượt ngục sắp tới. Y hẹn chiều hôm sau sang đón Huy.
Khách ra về một lúc lâu, Huy nhìn em, mỉm cười hỏi:
- Thế nào, Nguyệt Cung, bánh có ngon không?
- Ngon lắm. Cứ ăn bánh dầy Quán Gánh là nhớ ngay đến làng Nhị Khê. Phải anh đến làng Nhị Khê thăm bác đồ không?
- Đúng rồi. Con bé này khá đấy. Đẻ ơi, thầy và con cùng đi vắng, nhà không có bóng đàn ông, cũng ngại. Hay là đẻ cho con bé Nguyệt Cung mặc quần áo con trai đi. Nó có võ, giả trai dễ, không ai dám bắt nạt.
Bà mẹ cười hỏi:
- Sao bỗng dưng thằng bé này có ý nghĩ lẩn thẩn thế nhỉ?
- Tại vì con thấy con gái út bác đồ…
Nguyệt Cung cướp lời anh:
- Đẹp lắm hả anh?
- Ừ, đẹp lắm. Đẹp như tiên. Giả trai lại càng đẹp. Đúng là một trang anh tuấn.
- Chị ấy tên là gì hả anh?
- Tường Vân.
- Võ có giỏi bằng anh không?
- Chưa biết. Nhưng chắc là phải giỏi. Con gái út bác đồ mà. Bác dám cho cô ấy một người một ngựa đi đến ải Nam Quan giúp đỡ thầy, nhất định cô ấy phải là một tay cừ khôi.
Chợt nghĩ đến Bùi Tung, chàng hỏi mẹ:
- Đẻ ơi! Có điều con thấy lạ. Tại sao chú Hương Cựu gia tư điền sản như vậy mà lại thạo nghề đào tường khoét vách? Không lẽ…
Bà Đoàn cười:
- Thầy chưa bao giờ kể chuyện chú Hương cho con nghe à?
- Thưa đẻ, chưa.
- Vậy đẻ kể cho hai anh em cùng nghe. Chú Hương Cựu giầu có sẵn, của cải từ mấy đời trước để lại. Rồi vì giầu chú mới học nghề của kẻ trộm. Và rồi cũng nhờ cái nghề mới mẻ này, chú mới trở thành đàn em của thầy mặc dầu chú lớn tuổi hơn thầy nhiều.
…………………………………..
Có những bữa tiệc tình cờ ràng buộc những người tứ xứ. Trong khi họp mặt, một chén rượu làm quen, một câu nói dí dỏm hay một cuộc thách đố hung hăng có thể làm cho hai người xa lạ thân nhau. Cả đến những ý nghĩ ngông cuồng, những cử chỉ ngông nghênh đôi khi cũng kết hợp được hai tâm hồn đồng thanh khí.
Bùi Tung, một tay cự phú xứ Hải Dương, và Đào Trọng Tường, một tay giang hồ khét tiếng xứ Sơn Tây, vốn không quen biết nhau. Một sự tình cờ khiến họ trở thành đôi bạn thiết sau một bữa cơm khách họ cùng dự và cùng quá chén.
Trọng Tường vỗ vai ông bạn rượu ngồi kế bên, lè nhè nói:
- Chả nói giấu gì huynh, đệ có cái tên tiền định là Đào Tường. Nguyên nó là Đào Trọng Tường, anh em giang hồ có lòng thương bỏ bớt đi chữ lót cho nó đẹp. Đó là nghề tay trái của đệ chuyên để trị những tên cường hào trọc phú hay quan tham lại nhũng.
Nhà kín cổng cao tường đến đâu, đệ đào cũng lọt. Vàng bạc châu báu chôn giấu kỹ cách mấy, đệ đào cũng phải ra. Không tin…
Họ Bùi khật khưỡng đáp:
- Người ta thường nói “Sơn ăn tùy mặt” mà huynh. Nếu huynh có thực tài, bữa nào mời huynh ghé nhà đệ chơi cho biết và thử xem có làm ăn gì được hay không.
Tan tiệc, họ Bùi nhất định mời họ Đào về nhà, chỉ cho thấy chỗ cất giấu bảo vật và quả quyết:
- Đó, những cái gì quý đệ để cả nơi đây. Huynh có giỏi, mời huynh cứ đào vào mà lấy.
- Được rồi, canh ba đêm mai đệ sẽ tới xin huynh viên ngọc mầu hồng kia đem về cho cháu nó đeo lấy khước.
Họ Đào thật là một tay ăn trộm có tài. Chỉ nhác trông một chút trong lúc say mà định trúng được vị trí và phương hướng của căn phòng. Tối hôm sau, y khoét một đường thật dài, thật kín đáo từ ngoài đồng vào, xuyên dưới hào nước, dưới lũy tre, rồi trổ lên ngay dưới gầm giường của gia chủ.
Và y đợi đến đúng giờ tý mới thò đầu lên.
Ai ngờ họ Bùi là một tay nhà giầu lọc lõi. Y rất tỉnh ngủ như trăm nghìn tay nhà giầu khác. Y lại khá võ nghệ nữa. Thành thử họ Đào vừa ra tay và chưa kịp rút lui đã bị họ Bùi vùng dậy vật ngã xuống và khóa cứng chân tay hết đường cục cựa.
Chủ nhà cười hì hì hỏi khách:
- Thế nào? Bây giờ huynh tính sao đây?
- Chịu thua chớ biết tính sao! Nhưng xin huynh nhớ cho rằng đệ thua đây là thua về võ nghệ, chứ không phải thua về thuật đào tường khoét ngạch. Vả lại…
Y móc túi ra khoe viên ngọc mầu hồng vừa lấy được, và nói tiếp:
- Vả lại, đệ vẫn thó được cái này của đại huynh.
Bùi Tung phì cười khâm phục:
- Thế là hòa! Anh em đùa nhau một tí, huynh đừng giận nhé.
Hai người đánh chén tay đôi đến sáng và từ đó kết thành bạn tâm giao.
Để giữ của và cũng để giữ mình nữa, anh nhà giầu được anh ăn trộm truyền cho nghề đào ngạch. Về sau Bùi Tung tự tay tạo cho dinh cơ to tát của mình nhiều căn hầm kín để giấu của và nhiều lối thoát bí mật phòng khi bị đánh cướp hay bị quan quân làm khó dễ.
° ° °
Cũng trong một bữa tiệc, họ Bùi và họ Đào nói ba hoa xích đế, tưởng chừng như khi nào hai gã đã “liên thủ” làm ăn thì đến ông trời cũng không giữ được của.
Ngứa tai, họ Đoàn cho chúng một bài học khiêm nhường và thận trọng.
- Tôi biết, hai chú giỏi lắm. Nhưng liệu hai chú có vào nổi nhà tôi mà lấy đồ không?
Bùi Tung cười khành khạch:
- Nhà bác trống trước trống sau, vào lúc nào mà chả được! Nhưng, em xin lỗi bác, em nói thật. Nhà bác “tiếng cả nhà không”, có gì đâu mà lấy!
Đoàn Phong nghiêm mặt nói:
- Ừ, tiền bạc ta không có thật, nhưng vật báu thì ta có chứ.
Cả bàn tiệc cùng ngạc nhiên. Đoàn Phong vỗ vào thanh kiếm đeo ở bên hông, gằn giọng hỏi:
- Thanh gươm này có phải là một bảo vật không?
- Dạ phải. Nhưng chúng em không dám.
- Không sao. Kiếm này là vật báu gia truyền của họ Đoàn. Nhưng nếu họ Đoàn bất tài không giữ nổi thì đâu có xứng đáng giữ nó hoài. Các chú xem có thể lấy được, cứ lấy!
Bị khiêu khích, hai gã thấy ngứa nghề:
- Đàn anh đã thương mà dậy thế, đàn em chẳng lẽ không vâng. Vậy đêm mai, đúng giờ tý, chúng em xin đến bái lĩnh.
- Ừ, cũng được. Nhưng sợ gấp gáp quá chăng? Tôi muốn cho các chú rộng thì giờ và thuận tay thuận chân hơn. Vậy kể từ ngày mai, trong vòng năm hôm, các chú muốn lấy lúc nào cũng được, không cần phải hẹn giờ. Nếu cần dùng đến mê hồn hương, các chú cứ tự nhiên…
Ái chà! Thế thì ăn chết rồi! Chạy trời cũng không thoát khỏi hai tay này! Mày đã muốn ngông, chúng ông cho ngông một thể! Chỉ sợ lúc ấy mới trớn mắt ra! Họ mừng rơn đáp:
- Vâng. Đàn anh dậy sao, đàn em cũng xin tuân.
Đoàn Phong cười hề hề:
- Suýt quên không dặn kỹ để hai chú mất công tìm. Ban đêm, ta để kiếm trên bàn thờ gia tiên.
Hai chú nên cẩn thận. Ta nằm ngủ ngay trên sập kê trước bàn thờ đó.
- Dạ. Xin đàn anh yên trí.
Đúng nửa đêm hôm ấy, hai gã trổ hai đường tới hai bên bàn thờ cùng một lúc và cùng xông hương mê vào trong gian nhà không mấy rộng. Họ cùng thò đầu lên khi họ Đoàn nằm ngủ ngáy như sấm.
Đoàn Phong nằm, đầu quay về phía bàn thờ. Trước hương án, có một tấm màn bằng vải điều che kín. Trong đêm tối, hai gã có ý đứng vào chỗ khuất nhất, dẫu ông có thức cũng khó lòng trông thấy họ xuất hiện. Nói chi đến việc ra tay cản trở!
Họ đâu có ngờ Đoàn Phong có một bản lĩnh siêu phàm.
Luyện võ từ tấm bé cho đến già đời, ông rất thính tai, tinh mắt và tỉnh ngủ. Tiếng động trong lòng đất đã đánh thức ông từ lâu. Mới thoảng thấy mùi thơm của hương mê, ông đã nằm yên nhịn thở, hé mắt trông chừng trong đêm tối.
Căn cứ vào tiếng động, ông tính đúng lúc hai gã kia sắp vói tay lên chiếc mâm bồng đựng thanh kiếm báu. Ông quát lên một tiếng như sét đánh, cướp tinh thần hai gã.
Không biết ông tung mình trở dậy cách nào và xông xáo ra sao mà khi hai gã hoàn hồn đã thấy tay mình bị nắm cứng như nằm trong khóa sắt.
Họ bội phục:
- Đàn anh thánh thật. Nằm ngược chiều như vậy mà ra tay gọn quá!
- Các chú thua không phải vì kém tài đào ngạch mà vì thiếu bản lĩnh giang hồ.
Không tinh thông võ nghệ, nhiều khi các chú vào được nhà người ta mà không ra nổi.
………………………………………….
Bà Đoàn kể tiếp:
- Từ đấy, hai người học võ nơi thầy con. Chẳng những luyện võ mà thôi, thầy con còn luyện thêm cho họ cái “căn” lương thiện nữa.
Huy cười:
- Bây giờ con mới hiểu vì sao chú Hương Cựu già hơn thầy đến mười tuổi mà vẫn xưng em.
- Ừ, thầy con đãi họ bằng tình anh em. Ngoài ra, còn có thêm cái tình thầy trò nữa. Cho nên hễ thầy con ới lên một tiếng là họ phải thưa liền…
Ngẫm nghĩ một lát, bà nói thêm:
- Việc của thầy con, giá có cả chú Tường giúp thêm một tay nữa thì hay biết mấy!
- Vâng. Nhưng sao con không thấy bác đồ nhắc đến tên chú Tường, đẻ ạ.
- Chắc tại bác biết chú ấy đi lang bạt kỳ hồ, không ở hẳn một chỗ nào thì biết ở đâu mà tìm kiếm.
Ông Đồ Làng Nhị Khê Ông Đồ Làng Nhị Khê - Chân Phương Ông Đồ Làng Nhị Khê