Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 2 - Ở Nhà Tienappel Nhận Thức Đạo Đức Của Hans Castorp
hay đổi này không có hại gì đối với cậu bé, vì Hans Castorp dọn đến nhà ông lãnh sự Tienappel, người nhận trách nhiệm đỡ đầu cho nó, và ở đó chẳng phải chịu thiếu thốn gì: về các nhu cầu cá nhân dĩ nhiên là không, và về việc quản lý các quyền lợi khác mà nó chưa hề biết tới lại càng không. Vì ông lãnh sự Tienappel, một người cậu của bà mẹ quá cố của Hans, cũng đứng ra quản lý gia tài nhà Castorp để lại, ông ta bán đi các bất động sản, giải thể hãng xuất nhập khẩu Castorp & con trai chuyển hết thành tiền mặt, và gom góp được tổng cộng khoảng bốn trăm ngàn mark, đó là khoản thừa kế của Hans Castorp; số tiền ấy ông lại đầu tư vào những cổ phiếu chứng khoán chắc chắn với điều kiện ưu đãi dành cho tài khoản loại này, và cứ đầu mỗi quý ông trích ra cho mình một khoản hoa hồng hai phần trăm từ tiền lời thu được mà lương tâm và tình cảm gia đình không hề bị sứt mẻ tẹo nào.
Ngôi nhà của gia đình Tienappel nằm khuất sau cái công viên ở đường Harvestehuder Weg, trông ra thảm cỏ mịn màng được chăm sóc kỹ không lẫn một cọng cỏ dại, rồi đến vườn hồng của thành phố và sau đó là con sông. Mặc dù là chủ sở hữu những chiếc xe ngựa sang trọng, ông lãnh sự vẫn sáng sáng đi bộ đến văn phòng kinh doanh của mình trong khu phố cổ để vận động thân thể một chút chống chứng hỏa vượng thỉnh thoảng lại bốc lên đầu, và trở về vào năm giờ chiều, lúc nhà Tienappel ăn trưa một cách rất văn minh. Ông lãnh sự Tienappel người to béo, trang phục toàn hàng Anh quốc loại hảo hạng, có đôi mắt xanh lơ lồi to như hai con ốc nhồi đằng sau cặp mắt kính gọng vàng, cái mũi phúc hậu nở nang, bộ râu chổi xể điểm bạc và một chiếc nhẫn kim cương sáng long lanh trên ngón út bàn tay trái. Vợ ông đã chết từ lâu. Ông có hai người con trai, Peter và James, một người phục vụ trong hải quân và chẳng mấy khi có mặt ở nhà, người kia làm việc trong cơ sở kinh doanh rượu của người cha với dự tính sau này sẽ được thừa kế hãng buôn. Mọi việc nội trợ trong nhà từ nhiều năm nay do một tay Schalleen quán xuyến, bà ta là con gái một ông thợ kim hoàn ở khu Altona, lúc nào cũng đeo măng sét trắng với vô số nếp nhún quanh cườm tay nung núc thịt. Bà lo cho bữa sáng và bữa tối không bao giờ thiếu pho mát và xúc xích, tôm cua và cá hồi, lươn hun khói, ức ngỗng và bò bít tết ăn với sốt cà chua; bà cai quản đám người làm thuê bằng cặp mắt cảnh giác như mắt cú vọ mỗi khi ông lãnh sự Tienappel mở tiệc đãi khách, và cũng chính bà thay thế vị trí người mẹ, chăm sóc cậu bé Hans Castorp trong những phút rảnh tay.
Hans Castorp lớn lên trong điều kiện khí hậu tệ hại, đầy giông gió và ẩm thấp, có thể nói không ngoa là tứ thời trùm chiếc áo mưa bằng vải nhựa màu vàng, và cảm thấy hạnh phúc như cá trong nước. Từ nhỏ cậu bé đã có biểu hiện thiếu máu, đó cũng là nhận định của ông bác sĩ Heidekind, ông này chỉ định cho cậu mỗi ngày sau khi đi học về phải uống một cốc bia Porter - thứ đồ uống giàu dinh dưỡng như ai cũng biết, được bác sĩ Heidekind quy cho tác dụng bổ máu - món này xoa dịu tinh thần Hans Castorp bằng một hình thức mà nó đặc biệt ưa thích, tạo điều kiện thuận lợi cho thói quen ngồi “ngẩn tò te”, theo cách nói của ông lãnh sự Tienappel, tức là ngồi mơ màng miệng trễ xuống và mắt nhìn trống rỗng không theo một suy nghĩ nhất định nào, của nó. Còn ngoài ra Hans là người mạnh khỏe và chính trực, một tay chơi tennis không xoàng và chèo thuyền cũng rất cừ, mặc dù cậu ta thích ngồi xem đua thuyền hơn là tự tay cầm mái chèo; đối với cậu trên đời không có cái thú nào hơn buổi tối mùa hè ngồi bên hiên nhà hàng ở bến phà Uhlenhorster trong tiếng nhạc êm đềm, một ly nước giải khát trên tay và ngắm nhìn những con thiên nga nhẹ nhàng lướt đi giữa đám thuyền bè sáng trưng, trên mặt nước lấp lánh ánh đèn màu sặc sỡ. Và khi cất tiếng thì cậu nói một cách chậm rãi, dễ hiểu, có phần hơi đơn điệu, với một thoáng thổ âm địa phương. Phải, chỉ cần nhìn chàng trai trung hậu có mái tóc vàng tuy được cắt chải kỹ lưỡng nhưng kiểu cách đã lỗi mốt thời trang, với thái độ khinh bạc vô tình thừa hưởng được của cha ông, nghe chàng bày tỏ ý kiến bằng giọng nói buồn ngủ khô khan, thì bất kỳ ai cũng tin rằng Hans Castorp là một đứa con đích thực và trung thành của quê hương, một cái cây nảy nở tốt tươi trên mảnh đất này, bản thân chàng nếu có nghĩ về mình hẳn cũng không một phút giây nào nghi ngờ điều đó.
Bầu không khí thành phố cảng, cái không khí nhớp nháp xô bồ của gian hàng chạp phô quốc tế và cuộc sống phù hoa, bầu sữa mẹ nuôi nấng chàng, được chàng hít sâu vào lồng ngực với sự đồng tình, với niềm tin tưởng và mãn nguyện.
Làn hơi bốc lên từ mặt nước cảng, mùi than và mùi nhựa đường, mùi hăng hắc xa xôi của những món hàng thuộc địa đậu thường trực trong mũi chàng, mắt chàng ngắm nhìn không chán những chiếc cần cẩu khổng lồ trên bến bắt chước sự cần mẫn, trí thông minh và sức khỏe tuyệt trần của những con voi bốc lên hàng tấn bao bì, gói bọc, hòm xiểng, thùng tô nô từ bụng những con tàu cắm neo dưới nước chất vào những toa goòng chạy trên đường ray chở vào những kho chứa hàng ngoài bãi. Chàng nhìn đoàn quân thương gia mặc áo mưa vàng, chính chàng cũng mặc một chiếc áo mưa như vậy, buổi trưa tràn về tụ điểm giao dịch, mà chàng biết là nơi để họ trao đổi những tin tức nóng hổi, hoặc tranh thủ tung ra thiệp mời những bữa tiệc linh đình nhằm mục đích gia hạn khoản tín dụng của mình. Chàng nhìn (và đây chính là lĩnh vực quan tâm đặc biệt của chàng sau này) những xưởng đóng tàu dày đặc thợ thuyền, nơi những con tàu từ các bến cảng Á Phi như mấy con voi ma mút khổng lồ nằm tênh hênh bất lực trên cạn, được chống giữ bằng những thanh giằng, cao chất ngất, phơi trần sống tàu và chân vịt, trên mình lúc nhúc đoàn quân thợ tí hon cần cù mài, gõ, sơn, quét; nhìn xuống những ụ triền có mái che mù mịt khói, chỉ mờ mờ nổi lên bộ khung xương của những con tàu sắp thành hình, với các kỹ sư ôm bản vẽ thiết kế đầy tay chỉ trỏ hướng dẫn cho công nhân làm việc - từ thuở thiếu thời khung cảnh này đã vô cùng quen thuộc với Hans Castorp và luôn khơi dậy trong chàng tình yêu quê hương đằm thắm, tình cảm ấy lên tới tột đỉnh hạnh phúc vào những sáng chủ nhật, chàng khi thì ngồi với cậu James Tienappel khi thì với người anh họ Ziemßen - Joachim Ziemßen - trong quán Alsterpavillon, lót dạ bằng một ổ bánh mì nóng kẹp thịt hun khói kèm theo một ly rượu đỏ lâu năm, rồi sau đó thả niềm say mê theo khói xì gà và lười biếng ngả người trên lưng ghế. Bởi xét về bản chất thì chàng là người chuộng an nhàn, biết hưởng thụ, đúng thế, trái với bề ngoài xanh xao thanh cảnh của mình, chàng rất tha thiết với mọi lạc thú ở đời, như đứa hài nhi ôm chặt bầu sữa mẹ.
Ung dung tự tại nhưng rất trọng danh dự, chàng mang trên vai mình cả một nền văn minh cao cấp, tài sản thừa kế được của thế hệ cha ông, tầng lớp ăn trên ngồi chốc thao túng mọi hoạt động kinh doanh của thành phố dân chủ tự trị này. Da dẻ chàng sạch bóng như bé hài nhi, quần áo chuyên đặt may ở một tiệm được giới trẻ quê hương chàng tín nhiệm. Kho tàng nho nhỏ gồm những bộ trang phục được tuyển lựa kỹ lưỡng của chàng nằm trong những ngăn kéo chiếc tủ áo Ăng lê được bà Schalleen chăm sóc tận tình; thời gian Hans Castorp học đại học xa nhà chàng vẫn thường xuyên gửi quần áo về nhờ bà ta giặt ủi (vì chàng một mực tin rằng ngoài Hamburg ra khắp gầm trời này không đâu người ta biết là quần áo cho đúng cách), và chỉ cần một vết sờn trên măng sét cái áo sơ mi ưa thích cũng đủ làm cho chàng bứt rứt không yên. Đôi bàn tay chàng, mặc dù không phải loại thon dài quý phái, nhưng được chăm sóc cẩn thận da dẻ hồng hào, trang điểm bằng một chiếc nhẫn mắt xích bằng bạch kim và chiếc nhẫn có ấn tín gia truyền của dòng họ. Hàm răng chàng vì nước men hơi yếu nên có nhiều chỗ hư hỏng được trám lại bằng vàng.
Khi đứng khi đi chàng hơi ưỡn bụng ra phía trước, tư thế có phần kém nghiêm trang; nhưng tác phong của chàng bên bàn ăn thì không thể chê vào đâu được. Chàng ngồi thẳng lưng, lịch thiệp quay sang tiếp chuyện người bên cạnh (bằng cách diễn đạt dễ hiểu với giọng nói hơi pha chút âm hưởng địa phương), hai cùi chỏ khép hờ, trong khi bàn tay khéo léo dùng dao nĩa cắt một miếng gà quay hay gỡ lõi thịt đỏ au trong cái càng tôm hùm. Nhu cầu đầu tiên của chàng sau khi kết thúc bữa ăn là cái thau nhỏ đựng nước thơm để rửa mấy ngón tay, thứ đến là một điếu thuốc lá Nga không qua quan thuế mà chàng kiếm được nhờ móc nối với mấy tay buôn lậu ở chợ đen. Sau thuốc lá tới xì gà, một hiệu hảo hạng ở Bremen tên gọi Maria Mancini mà sau đây chúng tôi sẽ còn nhiều dịp đề cập đến, và chất độc thơm tho của nó kết hợp một cách tuyệt vời với hương vị cà phê. Để tránh ảnh hưởng tai hại của không khí nóng ẩm do lò sưởi, Hans Castorp cất nguồn dự trữ xì gà của mình ở dưới hầm nhà, và sáng sáng chàng lần xuống đó lấy vào hộp một lượng chỉ vừa đủ đáp ứng nhu cầu trong ngày. Bắt buộc lắm chàng mới ăn bơ cắt ra từ miếng, còn thì ưa dùng loại bơ viên thành từng viên tròn nhỏ.
Hẳn quý vị cũng thấy, chúng tôi đã bỏ công miêu tả rất tỉ mỉ những sở thích của Hans Castorp, nhưng chúng tôi cố không đánh giá một cách vội vàng và tô vẽ cho chàng ta đẹp hơn hay xấu hơn con người thực của chàng. Hans Castorp không thông minh xuất chúng mà cũng chẳng đần độn hơn người, và nếu như chúng tôi có tránh dùng chữ “tầm thường” để tả chàng thì lý do không phải ở trí thông minh hay tâm hồn đơn giản của chàng, mà chỉ vì đã lưu ý đến số phận chàng ta, một số phận theo thiển ý của chúng tôi có phần đặc biệt. Đầu óc chàng đáp ứng được những yêu cầu của trường trung học phổ thông mà không cần ra công cố gắng gì nhiều - nhưng chắc chắn chàng không hề có ý định cố sức vì bất kỳ điều gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào: không phải vì sợ khó nhọc, mà vì chàng tuyệt đối không tìm thấy lý do, hay nói đúng hơn là không thấy có lý do tuyệt đối nào để phải nỗ lực làm gì; và có lẽ cũng chính vì thế chúng tôi không muốn kết luận chàng là tầm thường bởi lẽ nơi chàng không hiểu vì sao thiếu những động cơ thúc đẩy chàng cố gắng hơn.
Con người không chỉ sống cuộc đời của riêng mình như một cá thể đơn lẻ, mà, dù có ý thức hay vô ý thức, anh ta là một bộ phận của thời đại mình và bối cảnh đương thời, và nếu anh ta nghiễm nhiên coi những cơ sở nền tảng chung và điều kiện khách quan cho sự tồn tại của mình là tuyệt đối, và không bao giờ nảy ra ý định phân tích khen chê, như trường hợp chàng Hans Castorp chân chất của chúng ta đây, thì thế nào sự thiếu sót những điều kiện ấy cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng đạo đức của anh ta. Mỗi người có thể có những mục tiêu, ước nguyện, hoài bão, dự định của riêng mình, đó là nguồn động lực thôi thúc anh ta cố gắng vươn lên và không ngừng hành động; nhưng nếu hoàn cảnh khách quan xung quanh anh ta, chính bản thân thời đại anh ta ngay từ đầu đã bóp nghẹt mọi hy vọng đạt đến mục tiêu hay ước nguyện, bất kể tất cả những nỗ lực chủ quan, nếu anh ta ngấm ngầm cảm thấy mình ở vào tình huống vô vọng không có tương lai, và câu hỏi sớm hay muộn sẽ phải được đặt ra, một cách vô ý thức hay có ý thức, không chỉ liên quan đến bản thân mình mà còn nhằm tìm kiếm ý nghĩa tối hậu của mọi cố gắng và hành động trong cuộc sống, chẳng thu được câu trả lời nào khác ngoài bức tường câm lặng đáng sợ, thì với những con người cần cù lương thiện hậu quả không tránh khỏi là tác động làm tê liệt tinh thần và đạo đức, rồi qua đó ảnh hưởng đến cả thể xác và sức khỏe. Muốn có ý chí để đạt được những thành tích xuất chúng vượt ra ngoài khuôn khổ thông thường, trong khi thời đại không thể trả lời một cách xác đáng câu hỏi ‘Để làm gì?’, thì người ta hoặc là phải dám đơn độc và trực tiếp đương đầu về mặt tinh thần, một bản chất rất hiếm thấy chỉ có ở những bậc anh hùng, hoặc là phải có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Hans Castorp không có được cả cái này lẫn cái kia, và vì thế cũng đành xếp chàng vào hạng tầm thường, mặc dầu với một ý nghĩa tinh thần tích cực.
Những đặc điểm nội tâm của chàng trai trẻ mà chúng tôi vừa trình bày cùng quý vị không phải chỉ giới hạn trong thời gian chàng ta ngồi trên ghế nhà trường, mà còn thể hiện ra cả những năm sau đó, khi chàng đã chọn được một nghề nhất định. Ở trường phổ thông chàng thậm chí đã phải học đúp một hay hai lớp. Nhưng nhìn chung nhờ gốc gác con ông cháu cha, nhờ tác phong lễ phép có giáo dục, và nhất là nhờ năng khiếu trong môn toán, mặc dù hoàn toàn thiếu lòng say mê, chàng vẫn học lên cao được, và sau khi có chứng chỉ một năm[12] thì chàng quyết định tiếp tục học cho đến hết bậc phổ thông - thực ra là để tạm thời kéo dài nếp sống quen thuộc và tình trạng phân vân lơ lửng này, đẩy quyết định chọn nghề nghiệp tương lai sang một thời điểm muộn hơn, vì bấy giờ Hans Castorp chẳng biết mình muốn làm gì, thậm chí cả khi đã học đến lớp trên cùng bậc phổ thông chàng vẫn còn lơ mơ chưa rõ nguyện vọng của mình, và khi đã quyết định chọn nghề này (khó mà bảo rằng chàng tự đi đến quyết định ấy) thì trong thâm tâm chàng cảm thấy nếu có quyết định khác đi cũng chẳng sao.
Nói đúng ra từ trước tới nay chàng vẫn dành cho tàu bè một hứng thú đặc biệt. Khi còn nhỏ xíu chàng đã bôi đầy vở hình vẽ các loại thuyền đánh cá, xà lan chở rau và tàu thủy năm cột buồm; năm mười lăm tuổi, một lần đứng ở vị trí thuận lợi chứng kiến cảnh hạ thủy chiếc tàu đưa thư hai chân vịt ‘Hansa’ của hãng Blohm & Voß, chàng đã dùng màu nước vẽ lại khá thành công và miêu tả chính xác đến từng chi tiết vóc dáng thon thả của con tàu, đến nỗi bức tranh được treo trong văn phòng riêng của ông lãnh sự Tienappel, và mặt nước biển trong xanh gợn sóng được thể hiện một cách khéo léo đầy cảm hứng là duyên cớ khiến một vị khách khi xem tranh đã không tiếc lời khen ngợi, ông ta cho rằng chàng là một năng khiếu thực sự sau này có triển vọng trở thành họa sĩ vẽ biển tài ba - nhận xét ấy ông lãnh sự Tienappel có thể yên tâm truyền đạt lại cho đứa con đỡ đầu, vì Hans Castorp chỉ cười hiền hậu mà không một phút nào tối mắt kiêu căng để bị lôi cuốn theo viễn cảnh một nghề chết đói.
“Tài sản của cháu không nhiều nhặn gì đâu”, thỉnh thoảng ông lãnh sự Tienappel lại gọi chàng ra dạy dỗ. “Tiền của ông thì James và Peter sau này sẽ thừa hưởng, tức là phần lớn vẫn để quay vòng cho hãng, còn Peter đã có lương hưu. Tiền của cháu đã được gửi vào chỗ chắc chắn và cũng có lời. Nhưng thời buổi này khó lòng sống dư giả được nếu chỉ trông vào lãi suất tiền gửi ngân hàng, trừ khi người ta có số tiền lớn gấp năm lần vốn liếng của cháu. Nếu cháu muốn ở lại thành phố này và giữ mức sống cao như hiện nay thì phải làm sao kiếm được việc gì có thu nhập kha khá, nhớ kỹ nghe con.”
Hans Castorp nhớ kỹ điều đó và để ý tìm kiếm một nghề có thể giúp chàng sống theo ý muốn và theo kịp mọi người. Và khi chàng chọn được một nghề - theo gợi ý của ông già Wilms ở hãng Tunder & Wilms, tối thứ bảy ngồi bên bàn đánh bài ông ta bảo ông lãnh sự Tienappel nên cho Hans Castorp đi học ngành đóng tàu đi, đó chắc chắn là một ý hay, sau đấy thằng nhỏ có thể vào làm trong hãng của ông, ông sẽ để mắt trông nom cho - bấy giờ chàng rất hãnh diện, vì mặc dù đó là một nghề đặc biệt khó và nặng nhọc, nhưng bù lại rất có tiếng, được coi trọng và cũng hấp dẫn, phù hợp với bản tính hiền lành của chàng hơn cái nghề người anh họ Ziemßen, con trai bà chị cùng cha khác mẹ với thân mẫu quá cố của chàng, đã chọn - anh ấy muốn trở thành sĩ quan. Mà Joachim Ziemßen có khỏe mạnh gì cho cam, anh họ chàng yếu phổi, nhưng cũng có khi chính vì thế cái nghề chỉ cần dầu dãi ngoài thao trường, không phải động não nhiều, lại phù hợp với anh ấy, như nhận định thoáng chút coi thường của Hans Castorp. Vì đối với chàng lao động là vinh quang, mặc dù bản thân chàng khi phải lao động lại hay ươn mỏi.
Ở đây chúng tôi muốn quay trở lại nhận định lúc trước dựa trên phỏng đoán rằng, những ảnh hưởng do thời đại tác động lên cuộc đời một cá nhân có thể dẫn đến hậu quả về thể lực cho người ấy. Làm sao Hans Castorp có thể không coi trọng lao động cho được? Khinh thường lao động là trái lẽ tự nhiên. Như sự an bài của vạn vật, lao động mang giá trị tinh thần cao quý nhất đối với chàng, đúng ra không còn gì đáng trọng hơn thế nữa, lao động là nguyên tắc quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của một con người, là tính tuyệt đối của thời gian, có thể nói rằng lao động tự nó đã khẳng định chính mình. Theo nhận thức của chàng, lao động có bản chất thiêng liêng như tôn giáo và không được phép hoài nghi. Nhưng liệu chàng có yêu lao động không, đó lại là chuyện khác; vì dẫu cho có tôn trọng lao động đến đâu chăng nữa, chàng vẫn không thể nào yêu thích nó được, bởi một lẽ đơn giản là chàng không quen làm lụng. Phải làm việc là thần kinh chàng căng thẳng, thân thể chàng rã rời, và chàng thẳng thắn thú nhận rằng, thực tình chàng yêu thích những giờ nhàn rỗi hơn nhiều, khoảng thời gian bay bổng không bị công việc hay lo âu đè lên nặng trĩu, khoảng thời gian rộng mở không bị phân chia bằng những trở ngại phải nghiến răng ráng sức vượt qua. Mâu thuẫn ấy trong quan hệ với lao động bắt buộc phải được giải tỏa. Có lẽ tinh thần và thể lực chàng - trước hết tinh thần phải thông suốt để rồi tác động lên thể lực - sẽ sẵn sàng tham gia lao động một cách tích cực và bền bỉ hơn, nếu trong sâu thẳm linh hồn, nơi lý trí không dò tới được, chàng có niềm tin vào giá trị tuyệt đối và nguyên tắc tự khẳng định mình của lao động? Nhưng như vậy lại nổi cộm lên câu hỏi tầm thường hay vượt lên trên mức tầm thường, mà chúng tôi không muốn trả lời ngay từ bây giờ. Bởi chúng tôi không coi mình là người ca tụng Hans Castorp, và chỉ muốn hé ra điều phỏng đoán, rằng đối với chàng lao động đơn giản là làm vẩn đục cái thú trần tục thưởng thức xì gà Maria Mancini.
Khi đến tuổi chàng không phải làm nghĩa vụ quân sự. Bản tính tự nhiên của chàng mang một mối ác cảm với quân ngũ, và chàng cũng biết cách lẩn tránh trách nhiệm khó chịu này. Hoặc giả cũng có thể ông bác sĩ tuyển quân Eberding, người vẫn thường qua lại ngôi nhà ở Harvestehuder Weg, đã được ông lãnh sự Tienappel úp mở thông báo rằng, nếu thằng nhỏ Castorp bị gọi nhập ngũ thì chương trình học đại học vừa mới bắt đầu của nó sẽ bị cản trở một cách đáng kể.
Đầu óc chàng, đã quen làm việc một cách chậm rãi và không cố gắng, nhất là Hans Castorp vẫn giữ nếp mỗi ngày xoa dịu tinh thần bằng bia Porter, dần dần được nhồi đầy nào là hình học giải tích, phép tính vi phân, cơ học lý thuyết, phép chiếu hình và sơ đồ kết cấu, chàng tính toán lượng nước choán do thân tàu trong trường hợp có tải và không tải, độ ổn định, sự phân bố tải trọng và trọng tâm nổi của tàu, mặc dù thỉnh thoảng những thứ này cũng làm chàng chán ngấy. Các bản vẽ kỹ thuật của chàng, mặt cắt ngang, mặt cắt dọc và mặt cắt mớn nước không được thành công như bức họa con tàu ‘Hansa’ trên biển, nhưng hễ có cơ hội là Hans Castorp lại lấy nghệ thuật bổ sung cho kỹ thuật, dùng bóng đổ để tôn hình phối cảnh và dùng màu sắc tươi tắn để tô điểm cho mặt cắt, về mặt này thì chàng khéo tay hơn đa số các bạn học.
Mỗi kỳ nghỉ chàng trở về nhà, sạch sẽ tinh tươm, áo quần bảnh bao, với hàng ria mép nhỏ vàng óng trên khuôn mặt quý tộc ngái ngủ còn non choẹt, rõ ràng đang vững bước trên đường công danh rạng rỡ, thì những người quan tâm đến giang sơn xã tắc, đồng thời nắm vững gia phả các gia đình quý tộc cũng như các nhân vật có vai vế trong chính quyền địa phương - tức là đa số công dân ở cái thành phố tự trị này - những người ấy lại ngấm ngầm quan sát chàng và tự hỏi, liệu chàng công tử Castorp sau này sẽ đảm nhiệm trọng trách nào đây trong bộ máy chính quyền. Chàng là con nhà dòng dõi có danh tiếng lâu đời, con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, một ngày nào đấy người ta không tránh khỏi phải tính đến chàng như một yếu tố trong đời sống chính trị ở địa phương. Chàng có thể ngồi trong hội đồng nhân dân hoặc hội đồng cố vấn bàn thảo các dự luật, có thể tham gia giữ một chức vụ danh dự lo về vấn đề chủ quyền thành phố, có thể làm việc trong bộ máy hành chính, ở bộ tài chính hay là bộ xây dựng, và sẽ có tiếng nói góp phần vào các quyết định quan trọng ở địa phương. Người ta cũng tò mò không biết khi ấy chàng sẽ gia nhập cánh nào, chàng công tử Castorp này. Hình thức có thể đánh lừa con mắt, nhưng quả thực trông chàng không giống một nhân vật mà cánh dân chủ có thể trông cậy vào, càng ngày bề ngoài của chàng càng giống ông nội chàng hơn. Cũng có thể chàng sẽ theo con đường của người ông, trở thành một cục phanh hãm đà phát triển, một nhân tố bảo thủ? Tất cả những điều ấy đều có thể - và cũng có thể ngược lại. Vì xét cho cùng chàng là kỹ sư, một chuyên gia đóng tàu tương lai, một con người của giao thông quốc tế và tiến bộ kỹ thuật. Rất có thể chàng sẽ thuộc về phe quá khích, một kẻ liều mạng, sẵn sàng đạp đổ tất cả dù cho đó là những ngôi nhà cổ hay phong cảnh thiên nhiên, vô ơn như người Do Thái và vô lễ như người Mỹ, có thiên hướng phá vỡ truyền thống đáng trọng của nền giáo dục cổ truyền cùng những điều kiện sống tự nhiên và đẩy nhà nước vào những thí nghiệm phiêu lưu mạo hiểm - cũng phải nghĩ đến cả khả năng này. Liệu huyết quản chàng có chứa yếu tố khôn ngoan cần thiết để ngồi trong lưỡng viện ở tòa thị chính mà lo cho sự thịnh vượng của thành phố, hay chàng sẽ ủng hộ phe đối lập đại diện cho quyền lợi của người dân? Trong đôi mắt xanh dưới hàng chân mày vàng óng của chàng người ta không đọc thấy câu trả lời nào cho những câu hỏi hiếu kỳ mang tính thời sự trên, và có lẽ bản thân chàng cũng chẳng có câu trả lời cho những điều ấy, Hans Castorp còn như một trang giấy trắng.
Khi dấn thân vào cuộc hành trình mà chúng ta có dịp làm quen ở đầu sách, chàng đang ở tuổi hai mươi ba. Khi ấy chàng đã trải qua bốn học kỳ ở trường Đại học bách khoa Danzig và bốn học kỳ nữa ở Đại học kỹ thuật Braunschweig cũng như Karlsruhe, đã đậu kỳ thi tốt nghiệp cử nhân, dù không có tên trên bảng vàng danh dự với kèn trống tưng bừng nhưng cũng không thuộc vào loại dở, và tấp tểnh chuẩn bị nhậm chức kỹ sư tập sự ở hãng Tunder & Wilms để thu thập kiến thức thực tế ngoài xưởng đóng tàu. Tới đây đường đời của chàng rẽ sang một hướng chúng ta sẽ thấy ở phần sau.
Để chuẩn bị kỳ thi chàng phải vùi đầu học căng thẳng một thời gian dài, nên khi trở về nhà trông chàng còn xanh xao hơn cả bình thường. Bác sĩ Heidekind cứ mỗi lần gặp chàng lại lên tiếng quở mắng và bắt chàng đi đổi gió, tức là: phải thay đổi không khí một cách triệt để. Lần này, ông ta bảo, ra đảo Norderney hay đến Wyk trên đảo Föhr không đủ, và cứ theo ý ông thì Hans Castorp nhất định phải lên vùng núi an dưỡng vài tuần trước khi vào làm ở xưởng đóng tàu.
Ý kiến hay đấy, ông lãnh sự bảo thằng cháu đồng thời là con đỡ đầu của mình, nhưng vậy là mùa hè này đường ai nấy đi thôi, vì bốn ngựa cũng không thể kéo nổi ông, lãnh sự Tienappel, lên vùng núi được đâu. Cao nguyên không phải là nơi dành cho ông, ông cần một áp suất khí quyển hợp lý, nếu không ông đến bị đột quỵ mất. Xin mời Hans Castorp cứ việc một mình chu du lên miền núi. Hơn nữa chàng có thể đi thăm Joachim Ziemßen.
Đó là một đề nghị có lý. Vì Joachim Ziemßen hiện đang dưỡng bệnh - không phải chỉ đi đổi gió như Hans Castorp, mà anh chàng mắc một bệnh trong tứ chứng nan y, phát hiện này làm cho cả nhà bị sốc. Từ trước tới giờ Joachim vẫn hay sốt vặt và cảm cúm, nhưng đến khi ho ra máu thì chàng bắt buộc phải khăn gói lên Davos trị bệnh, đau khổ nhất là đúng vào lúc mơ ước của chàng sắp trở thành hiện thực. Bởi sau khi chiều ý gia đình học vài học kỳ ngành luật, chàng đã theo nguyện vọng bản thân bỏ dở ngang xương việc học luật để xin đăng ký vào trường sĩ quan và cũng đã được tiếp nhận. Giờ thì chàng đang ngậm một khối căm hờn ngồi hơn năm tháng trời trong an dưỡng đường quốc tế ‘Sơn trang’ (bác sĩ trưởng cầm cân nảy mực là ông cố vấn cung đình Behrens) và chán đến gần chết, như chàng viết trong bưu thiếp gửi về nhà. Nếu Hans Castorp có phải đi đổi gió để củng cố sức khỏe trước khi vào làm ở hãng Tunder & Wilms thì còn gì hơn là đến đó thăm người anh họ tội nghiệp - một công đôi việc, có lợi cho cả hai người.
Mùa hè đã đạt đến cao điểm khi chàng quyết định lên đường. Đó là những ngày cuối cùng của tháng bảy.
Chàng dự định đến đó ba tuần.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần