Chương 7
Ông Thanh Tuyến hấp tấp xuống cầu thang ra ga-ra lấy xe thì bà vợ ngồi ngoài cửa hiệu gọi:
- Mình đi đâu đấy?
Ông phải dừng lại, hơi bực dọc. Nhưng chợt nhớ đến niềm ham hở thúc giục ông ra đi, ông
Thanh Tuyến tươi cười bảo vợ:
- Tôi lại đằng này có chuyện cần lắm!
Bà Thanh Tuyến đổi giọng cáu kinh:
- Cần với chả cần! Hôm nay ông đem xe lên trường Đồng khánh chở cái ampli và mấy cái loa về ngay đây cho tôi.
Ông Thanh Tuyến chỉ ngạc nhiên có một thoáng. Sau đó, ông lấy vẻ kẻ cả nghiêm trang bảo bà:
- Mình chừng này tuổi đầu mà còn như con nít. Chỉ thấy cái lợi nhỏ trước mắt mà thôi.
- Nhỏ à? Cái ampli không thôi đáng giá cả lượng vàng, chưa kể bốn cái loa Nhật loại lớn.
- Thì cứ cho là hai hoặc ba lượng đi. Mình thử đánh giá gia sản của mình gồm nhà cửa, xe cộ, máy móc, tiền bạc và tư trang của mình, lên được bao nhiêu?
- Chuyện đó ăn nhập gì đến mấy cái loa?
- Sao lại không? Mình đọc mấy số báo Lập Trường của con chưa?
- Cái kính của tôi lại đâu mất, tìm không ra!
- Ấy, vì chưa đọc nên mình chưa thấy cái tai họa tầy đình có thể đang rình rập đâu đó quanh nhà mình.
Bà Thanh Tuyến mất kiên nhẫn gắt:
- Ông đừng hòng dọa được tôi. Có mê mạt chược thì đi đi!
- Không phải chuyện trẻ con đâu. Tôi nói chuyện nghiêm chỉnh cơ mà! Này, hiện giờ Mặt trận Cứu quốc và tờ Lập Trường đang phát động phong trào truy lùng bọn “Cần lao Nhân vị”. Ai là Cần lao tay chân Nhu Diệm Cẩn đây?
- Thì lên Ty Cảnh sát mà hỏi!
Đúng là lời đàn bà! Việc gì họ phải cần đến mấy ông cảnh sát, họ chỉ cần lập luận đơn giản: Tay chân ông Cẩn tất nhiên phải giàu. Ở Huế ai là kẻ giàu đáng nên ngờ hè? Chỉ cần tìm ra những ai có máu mặt đi xe hơi…
Ông Thanh Tuyến chưa cần nói hết, bà vợ đã xanh xám mặt mày. Ông nói đúng quá. Gia đình bà đang ngồi trên lửa mà bà cứ bình chân như vại không hay biết gì. Nhưng bà chợt nhớ đến đứa con trai từng làm khổ bà mấy năm nay. Bà vội nói:
- Nhưng thằng Tường làm lớn với người ta chẳng lẽ…
Ông Thanh Tuyên cướp lời vợ:
- Mình không nhớ những lần nó nói về cái xe hơi Toyota hay sao. Nó đã dám gọi tôi là “thằng nhà giàu bần tiện chạy xe bằng mồ hôi và máu của dân lao động”.
Bà Thanh Tuyến chới với, giọng nói run rẩy như sắp khóc:
- Ghê quá, bây giờ làm sao hở mình?
Ông Thanh Tuyến cười tự đắc, ưỡn ngực làm oai với vợ, rồi nói:
- Tôi đã có cách. Thánh nhân xưa đã dạy cái gì cũng phải “tiên hạ thủ vi cường”. Chết, suýt nữa tôi quên. Mình có thấy tôi để tờ Lập Trường ở đâu không?
Bà vợ ngoan ngoãn dịu dàng hỏi:
- Tôi không thấy, có việc gì đó mình?
- Chắc ở trên lầu. Nhưng không cần, tôi sẽ ghé phố mua tờ khác. Mua vài tờ để biếu bạn bè làm ăn. Lúc nẫy tôi định lấy xe lại đằng anh Toàn đấy.
Bà Thanh Tuyến lọ lắng hỏi:
- Toàn nào? ông làm ở Ty Cảnh sát à?
Ông Thanh Tuyến cười ồ, vỗ vai vợ:
- Không, anh Tôn Thất Toàn thầu khoán ấy mà. Hôm sinh nhật con Như, anh ấy có đến một chút rồi đi, mình không nhớ sao?
- Có phải cái ông thầu khoán từng bị ông Cẩn đem bỏ tù mấy tháng vì cạnh tranh gì đó không?
- Phải, phải. Hắn có trung tướng Đính thì mình có kém thế đâu. Nhiều khi vua xa không bằng quan gần. Hùn hạp làm ăn với hắn được đấy.
Bà vợ chưa hiểu gì nhiều, nhưng đã bắt đầu tin ở tầm nhìn xa của chồng. Tuy vậy khi ông Thanh Tuyến rút chùm chìa khóa ra khỏi túi quần dợm bước về phía ga-ra, bà vẫn gắng dặn:
- Tuy vậy vòng về mình cứ thử ghé lại trường Ðồng khánh. Biết đâu họ đã tìm được bộ ampli khác tốt hơn. Bộ của mình mảnh khảnh chỉ dùng trong nhà. Ông gắng nhá!
Ông Thanh Tuyến mỉm cười, lắc đầu chầm chậm tỏ vẻ thưong hại bao dung cho vợ. Bà Thanh Tuyến thấy chồng không giận, năn nỉ:
- Mình nhớ nhá, mình nhá!
Suốt thời gian rộn rã sôi động đó, cửa hiệu Thanh Tuyến chỉ có một mình bà chủ trông nhà. Chị Gái lo đi chợ nấu ăn, thằng Bá giúp việc lặt vặt cũng ở nhà đấy, nhưng chị Gái ra chợ Đông ba mải nghe các chị tiểu thương bàn về hiện tình đất nước nên “thao thức bồi hồi” mãi không về sớm được. Thằng Bá thì cứ chờ bà chủ quay đi là ra đứng ngoài hè phố lóng ngóng xem có đám biểu dương lực lượng nào không?
Cảnh nhà hoàn toàn bị xáo trộn. Quỳnh Trang đã vào Sài gòn học lại, Tường ít khi về nhà trừ trường hợp phải chở bằng Vespa về đống quần áo dơ bẩn cho thằng Bá giặt, và mang đi hàng ký đường, cà phê, hàng tút nguyên thuốc lá Capstan, Craven A của ông Thanh Tuyến. Quỳnh Như cũng “bận công vụ”. Chức phó tổng thư ký đặc trách ngoại vụ đòi hỏi nàng chạy cả ngày ngoài đường, ở đâu cũng nghe tiếng Solex nổ lẹt đẹt của Quỳnh Nhu: tòa báo Lập Trường, Viện Đại học, trụ sở tạm thời của Mặt trận Nhân dân Cứu quốc đặt ở Đại học Y khoa, đài truyền thanh “Tiếng nói của những người thao thức trước hiện tình đất nước” đặt trên lầu khách sạn Morin cũ, văn phòng tổng giám thị nơi Quỳnh Như thường xuyên lên can thiệp với nhà trường để các “chị Mặt trận” được nghỉ học lo việc chung mà khỏi phải bị hạch hỏi giấy phép, và dĩ nhiên cửa hiệu radio Thanh Tuyến nơi cung cấp tiền mua xăng, tiền ăn bún bò, tiền ô mai và tiền mua kẹo Nougat, tiền cà phê đủ bao cho tất cả những cô cậu công tác chung với “chị phó tổng thư ký đặc trách ngoại vụ”. Phải, bây giờ người ta không gọi Quỳnh Như là “con bé lắm mồm lắm miệng”, là “Quỳnh Như radio bốn băng”, là “Như lanh chanh” nữa. Như đã khoái chí và quen tai với cách gọi “chị phó tổng thu ký ngoại vụ”, gọi gọn hơn thì “chị ngoại vụ”.
- Chị ngoại vụ ơi! có điện thoại của Y khoa. Hình như Bác sĩ Chủ tịch muốn gặp chị đấy!
- Chị ngoại vụ ơi! Tòa báo cần gặp chị!
- Chị ngoại vụ ơi! Ðài vừa gọi chị gửi gấp bài để kịp thu băng tối nay!
- Chị ngoại vụ ơi! Còn kẹo Nougat không?
- Chị ngoại vụ ơi! Lâu quá tụi mình chưa đi thăm mụ Rớt.
° ° °
Quỳnh Như đen ra, nhưng chưa bao giờ được sống những ngày náo nức như vậy. Lần đầu tiên trong đời được hưởng vị say sưa của “thao thức”, vị ngọt của “hy sinh”, vị nồng nàn của “cứu quốc”, cô bé như người đi trong mơ. Tội nghiệp chị Quỳnh Trang! Nếu chị ấy học trễ lại một năm, có phải hai chị em được chở nhau trên Solex để hy sinh cứu quốc hay không! Sao chị ấy cứ đòi vào Sài gòn. Sợ bỏ mất chương trình sau này theo không kịp! Hiện tình đất nước thế này, bọn Cần lao còn mai phục giấu mặt chờ cơ hội phục thù thế này, nhân dân vùng lên đòi quyền dân chủ thế này, mà còn ngồi mò mẫm tẩn mẩn ba cái rễ cây, ba cái công thức hóa học. Tội nghiệp chị quá! Giá có chị Trang ở đây nhỉ!
Mấy lần Tường đi Vespa vào Ðà nẵng lo chuyện phát hành báo Lập Trường và chuẩn bị thành lập Mặt trận tại thành phố cảng quan trọng bậc nhì toàn quốc này. Mỗi lần như vậy Quỳnh Như ham vui đòi đi theo anh. Tường nhất định từ chối. Tường còn phải đèo “anh em” ở yên sau để vào trong đó chung lo công việc cho chóng còn về Huế. Dù Tường không phải đèo ai, thầy me Quỳnh Như cũng không cho phép con gái mạo hiểm như vậy. Lên đèo xuống đèo Hải vân vào mùa đường trơn trượt, lại hay gặp các đoàn công-voa đổ quân tăng viện cho mặt trận phía Bắc vùng I chiến thuật, bà Thanh Tuyến chỉ nghĩ tới đã rùng mình rồi!
Nhưng đến khi Ông Thanh Tuyến cùng với “bác Toàn” (ít lâu nay ông vẫn gọi người bạn mới một cách thân ái như vậy) đi Toyota vào Đà nẵng quan sát các công trường xây cất còn bỏ dở để đấu thầu (theo kế hoạch làm ăn của ông Toàn), Quỳnh Như nằng nặc đòi đi cho được.Ông Thanh Tuyến ngạc nhiên hỏi:
- Con không lo học thi à? Cuối năm thi bán phần rồi, sao cứ xách Solex chạy tà tà hoài vậy?
Quỳnh Như cười đáp:
- Con có học các cô cũng không dạy được. Trường như cái chợ tấp nập kẻ ra vô, dạy sao nổi.
Mà các cô có dạy học trò cũng không học nổi.
- Vắng không xin phép mà được à?
Quỳnh Như hãnh diện nói:
- Các cô Đồng khánh nể con lắm. Chị Phó Ngoại vụ mà thầy!
Tường biết ý định của em gái, chẳng những không chau mày như thường lệ (Tường ghét các trò chơi lăng nhăng của bọn con gái nhà giàu) mà còn vui mừng khuyến khích:
- Phải đấy, luôn tiện cho anh gửi lá thư cho anh em trong đó.
Rồi mắt Tường sáng hẳn lên khi e dè hỏi em:
- Quỳnh Như này?
- Dạ?
- Em có đủ bạo dạn để nói trước đám đông không?
Quỳnh Như hơi chùn bước, nhưng cứ hỏi tiếp:
- Nói với những ai thế anh? Nữ sinh hay các chị tiểu thương?
- Không, nói với bọn con trai kia. Anh hay vài anh em nào đó đến các trường con trai vận động thì quá thường rồi. Nữ sinh Đông khánh mà vận động nam sinh Phan Chu Trinh, em cứ tưởng tượng xem. Hào hứng biết mấy!
Quỳnh Như le lưỡi chùn vai nói:
- Thôi thôi! Em chịu thua!
-”Chị Ngoại vụ” của Đồng khánh mà yếu thế à?
Quỳnh Như ngửng phắt lên, chau mày nhìn anh.
- Anh khinh tụi em, vừa vừa thôi chứ!
- Quỳnh Như vừa nói “chịu thua” đấy kìa!
Cô em cãi chầy cãi cối:
- Em bảo “chịu thua” là không thể nào nói cho hào hùng, cho trầm bổng như các anh bên đài truyền thanh. Tụi em kiến thức ít, riêng Quỳnh Như anh biết rồi, nghĩ đâu nói đó sợ không có mạch lạc trước sau. Nhưng chỉ cần hô hào cho người ta tham gia, như mấy lần em hô hào trên micro nhà trường để họ mua thêm báo, thì dễ ợt.
- Vậy đồng ý đi nhé! Có chắc không, để anh còn lo đi hỏi ý kiến Bác sĩ Chủ tịch.
Nghe nói đến Bác sĩ Chủ tịch, Quỳnh Như hãnh diện, nhưng cũng hơi lo ra. Biết có làm được việc không? Ban đầu chỉ muốn quá giang xe thầy đi chơi một chuyến Ðà nẵng, ai ngờ anh Tường lại quàng thêm cho trách nhiệm lịch sử trọng đại quá.
Tường thấy em gái do dự, chán nản nói:
- Thôi! Mày đem áo tắm vào đó để tắm biển rồi dạo phố, rồi đi ăn hiệu Thời Đại với thầy, rồi đi mua nem ga về cho me, rồi về trường mặc sức nói dóc với tụi bạn bè.
Quả nhiên Quỳnh Như bị mắc bẫy. Nàng tức giận chìa tay ra nói:
- Thư giới thiệu đâu, đưa em ngay.
Tường cười:
- Đâu mà sẵn vậy. Chiều nay có ngay. Mai thầy đi sớm phải không?
- Em nghe nói vậy. A anh Tường này!
Tường thấy em gái cười bẽn lẽn tưởng Quỳnh Như thối lui. Anh hỏi:
- Cái gì nữa?
- Em rủ con Diễm “Nội vụ” của em cùng đi được không?
- Run hả?
- Không phải. Nhưng có hai đứa, có hai đứa vẫn đỡ… run hơn.
Cuối cùng Quỳnh Như đành thú thật vậy. Hai anh em đều cười.
° ° °
Tường cho hai cô gái địa chỉ một bạn giáo sư Sử địa trường Phan Chu Trinh, và đưa cho Quỳnh Như lá thư dày cộm ngoài bì thư có in hàng chữ đậm mầu đỏ: Mặt trận Nhân dân Cứu quốc Thành phố Huế. Văn thư số 05/KC. Tường dặn dò:
- Em vào tới Ðà nẵng xin thầy cho xuống xe ở đưòng Phan Thanh Giản, rồi hỏi đường tới trường Bồ đề. Phải, anh không lầm đâu, anh Lâm vừa dạy Phan Chu Trinh vừa dạy Bồ đề, em đến buổi chiều nên tới địa chỉ nhà không gặp anh ấy đâu. Em vào trường xin gặp cho được anh Lâm. Nhớ hỏi cho kỹ Lâm Sử địa kẻo lầm với Lân dạy Anh văn. Một bên Lâm với chữ M, và một bên Lân với chữ N. Nếu anh ấy nói giọng Quảng trị thì đúng. Mời anh ấy ra ngoài phòng giáo sư chứ đừng đưa cái bì thư này cho nhiều người thấy. Chờ anh Lâm đọc xong, rồi hỏi xem kế hoạch ngoài này đề nghị có gặp trở ngại gì không. Có thể anh ấy nhìn em, không tin em làm nổi việc lớn. Em cứ xưng là em gái của anh, còn Diễm thì cứ xưng là em gái Ngô, vì Lâm biết Ngô. Chương trình làm việc đều tùy thuộc sắp đặt của anh Lâm. Còn hỏi gì thêm không?
Diễm rụt rè hỏi:
- Tối đó tụi em ngủ ở đâu?
Tường chưa hiểu, hỏi lại:
- Ngủ ở đâu à?
Diễm đỏ mặt giải thích:
- Vì tụi em đã xuống khỏi xe của bác ở trường Bồ đề. Chắc chắn bác và ông Toàn chạy đi lo việc riêng. Hai đứa em đâu có chỗ nào nữa để qua bữa tối.
Tường chợt nhớ ra một điểm quan trọng. Chàng vẫn quen suy nghĩ đơn giản theo lối con trai độc thân: miễn có ít tiền, còn ăn đâu ngủ đâu mà chẳng được. Gần một tháng nay, có bao giờ chàng thắc mắc tự hỏi bữa cơm sắp tới chàng sẽ ăn gì, đêm nay chàng ngủ ở đâu! Nhưng đối với “nữ cán bộ” đi công tác xa phải khác chứ! Chàng vỗ trán phân bua:
- Ờ nhỉ, anh quên mất! Ngủ khách sạn thì không tiện. Ði kè kè theo hai nhà thầu, nghĩa là dùng xe Toyota đi vận động cách mạng thì có khác nào làm trò hề! Thôi, để anh viết vài chữ thêm cho Lâm để hắn lo.
Quỳnh Như lo lắng hỏi:
- Còn nếu như không gặp anh Lâm?
Tường gắt;
- Sao lại không gặp. Không gặp thì còn chuyện gì đâu để làm, vì có gặp Lâm trong đó mới tổ chức buổi nói chuyện được.
Hai cô gái không dám hỏi nữa, tuy vẫn còn lo.
Theo đúng lời Tường dặn, họ xin dừng lại ở đường Phan Thanh Giản để hoặc đi bộ, hoặc đi xe cyclo đến Bồ đề (Tường không muốn chiếc Toyota dừng lại trước cổng trường để hai cô học sinh Ðồng khánh bước xuống trước cái nhìn tò mò của dân Ðà nẵng). Ông Thanh Tuyến có thắc mắc về công tác của hai cô gái, nhưng từ lâu nay, Tường đã trở thành niềm hãnh diện ông khoe khoang khắp nơi, nên công tác của Tường giao cho hai cô cũng được ông kính nể. Hai nhà thầu hỏi hai cô bé cần gì thêm không, ngày mai hẹn gặp lại ở đâu để về Huế.
Quỳnh Như kiêu hãnh nói với cha:
- Anh Tường đã lo liệu đủ mọi thứ cho con. Thầy đừng lo. Công việc xong, anh em trong này sẽ lo cho tụi con về.
Ông Thanh Tuyến liếc nhìn ông Toàn, cười rồi nói:
- Thầy biết thế nhưng cứ hỏi cho chắc. Hai con làm việc thành công nhé.
- Vâng ạ!
- Chào hai bác ạ.
Xe sắp sửa chạy thì Quỳnh Như hốt hoảng gọi:
- Thầy ơi!
Ông Thanh Tuyến thắng xe lại hỏi:
- Cái gì thế?
Quỳnh Như đỏ mặt nói nhỏ:
- Thầy cho con vài nghìn bạc.
Ông Thanh Tuyến kinh ngạc hỏi:
- Tường nó không đưa cho con à?
- Anh ấy cũng hết cả tiền, bảo con xin me. Con sợ không dám.
Hai ông bạn già cười xòa. Ông Toàn mau mắn rút bóp hỏi:
- Cháu cần bao nhiêu? Năm nghìn nhé?
Ông Thanh Tuyến nhất định từ chối hộ con:
- Không. Đây là phần gia đình tôi phải đóng góp cho việc chung. Bác không giành được.
Con cầm lấy. Thầy đưa bảy nghìn, đề phòng có trường hợp bất ngờ.
Chiếc Toyota chạy rồi, hai cô gái mới thấy mình bơ vơ giữa phố xá Đà nẵng. Họ hối hận đã nhận lời Tường, hối hận đã để cho chiếc Toyota chạy đi xa. Quỳnh Như đột nhiên thấy khát.
Nàng đề nghị với Diễm:
- Chưa tới một giờ chiều. Mình tới sớm trường chưa mở cửa. Tìm cái gì uống đi. Mày có đói không?
- Không. Chỉ khát thôi.
Họ dẫn nhau vào một cái quán giải khát bên trạm canh của cảnh sát, gọi hai chai Coca ướp lạnh. Vì đi vội quá không cô nào mang theo quần áo để thay đổi, nên dù mồ hôi đẫm ướt lưng áo, họ đành ngồi chịu trận, lâu lâu lấy bì thư phe phẩy cho mát rồi cười thẹn với nhau. Chú bồi bàn không hiểu hai cô khách thuộc loại nào, gái đàng hoàng hay gái quê lên tỉnh tìm chỗ bán bar, nên cứ liếc chừng theo dõi họ. Lúc tính tiền, chú liếc lên cái phong bì in chữ đỏ, giá vờ ho, rồi liếc nhìn lần nữa.
Quỳnh Như và Diễm không thuê xe cyclo, chỉ đi bộ đến trường Bồ đề để chờ đúng giờ học sinh đã vào học. Không biết đường nên họ đi quanh khá xa, và họ đến trường Bồ đề lúc kẻng đánh báo hiệu hết giờ học thứ nhất. Quỳnh Như bị bạn đẩy vào văn phòng để hỏi thăm Lâm. Nhà sư trẻ giữ chức giám thị dò lên cái thời khóa biểu chi chít bảng xanh bảng đỏ một hồi mới biết đúng là Lâm có giờ chiều nay ở lớp Tam B2. Nhà sư nhờ một em học sinh lên lớp Tam B2 mời giáo sư Lâm xuống. Lại chờ một hồi nữa để được biết, thầy Lâm bận việc nhà đã xin phép nghỉ từ sáng hôm qua.
Hai cô mếu máo ngay giữa văn phòng, làm cho nhà sư hốt hoảng hỏi:
- Có việc gì cần lắm hả? Nhà có đám tang hay tin buồn?
Quỳnh Như cười gượng đáp:
- Dạ không.
Nhà sư chưa hết ái ngại, hỏi thêm:
- Tôi tìm địa chỉ thầy Lâm cho hai cô nhé!
Diễm vui mừng nói:
- Dạ, cảm ơn thầy.
Nhà ông Lâm ở tận trong hẻm, số nhà chồng chất hai ba lớp, hơn nữa, nhiều nhà mới xây tự đánh số lấy nên tìm mãi hai cô vẫn không thấy số 120/12/3bis. Mồ hôi đổ ra như tắm, lại thêm bụi đường, nên quần áo họ nhem nhuốc.
Họ đang lớ ngớ tìm số nhà Lâm thì có hai thanh niên đèo Goebel dừng trước mặt họ. Một người hỏi:
- Cô tìm nhà ai thế?
Quỳnh Như vui mừng đáp:
- Anh có biết nhà thầy Lâm ở số 120/12/3bis, chỉ tụi em giùm!
Hai thanh niên liếc nhìn nhau. Người lái xe nói:
- Chỗ có bóng cây kia, cô ạ. Hai cô theo tôi.
Cả hai mừng quá đi theo hai cậu thanh niên. Đến chỗ gốc cây, cậu dắt xe dừng lại, còn người ngồi sau chỉ vào đầu hẻm:
- Hai cô đến chỗ kia, sẽ thấy số nhà l20… Thôi, tôi dẫn luôn cho tiện.
Quỳnh Như và Diễm vừa bước vào hẻm rợp hóng cây thì cậu dẫn đưòng rút con dao sáng lòe giơ lên dí vào tầm ngực hai người, rít giọng đe dọa:
- Tụi mày là đàn em thằng Tường cử vào đây xách động hả? Cứu quốc cái con khỉ! Khôn hồn hãy đưa lá thư đây, rồi chuồn về Huế ngay. Ði!
Họ sợ quá mặt không còn chút máu. Họ líu ríu đưa lá thư, líu ríu trở ra đường lộ, líu ríu kêu cyclo lên bến xe. Ngồi trên chiếc Traction chạy khỏi Đà nẵng rồi, cả hai mới bật khóc vì mừng.
Những Đợt Sóng Ngầm Những Đợt Sóng Ngầm - Nguyễn Mộng Giác