Chương 6
gồi bên một chiếc bàn gỗ gụ lớn, Hồng y Mauro Brugnone đưa mắt nhìn quanh căn phòng có trần cao tọa lạc gần trung tâm Vatican, quan sát các vị Hồng y đồng liêu. Dù là Hồng y Giám mục[16] duy nhất có mặt trong phòng, cấp bậc cao hơn tất cả các Hồng y khác, nhưng ông cố tránh ngồi vào vị trí đầu bàn. Đức Cha thích duy trì một bầu không khí dân chủ tại đây, dù biết tất cả mọi người đều sẽ phục tùng mình. Đức Cha biết điều đó và chấp nhận, không phải với sự kiêu ngạo, mà do tính thực tế của nó. Các ủy ban mà không có người lãnh đạo thì chả bao giờ làm được trò trống gì.
Tuy vậy, hoàn cảnh không may này không đòi hỏi phải có một nhà lãnh đạo và cũng chẳng cần phải triệu tập một ủy ban nào. Đây là chuyện Brugnone sẽ phải tự mình giải quyết. Đối với Đức Cha, chuyện đó đã quá rõ ràng ngay từ lúc ông xem đoạn tin tức được phát đi khắp thế giới.
Sau cùng, ánh mắt ông hướng vào Hồng y Pasquale Rienzi. Mặc dù trẻ tuổi nhất ở đây và chỉ là Hồng y Phó tế[17] nhưng Rienzi là người tâm phúc nhất của Brugnone. Như những Hồng y khác ngồi tại bàn, Rienzi lặng lẽ và hoàn toàn chú tâm vào bản báo cáo trước mặt. Rienzi nhìn lên và bắt gặp ánh mặt của Brugnone. Vị Hồng y trẻ tuổi, xanh xao và nghiêm trang như thường lệ, liền ho lên mấy tiếng nho nhỏ.
“Làm sao lại có thể xảy ra một chuyện như thế này cơ chứ?” một số Hồng y lên tiếng hỏi. “Ngay giữa trung tâm thành phố New York? Ngay tại Viện Bảo tàng Metropolitan…” Vị Hồng y đó lắc đầu, ra vẻ ngao ngán như không thể nào tin được.
Cái đám nhân gian trần tục ngoài kia quả thật xuẩn ngốc hết biết, Brugnone thầm nghĩ. Tại thành phố New York thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Chả phải vụ phá hoại Trung tâm Thương mại Thế giới đã chứng tỏ như vậy sao?
“May là ngài Tổng Giám mục New York chưa bị làm hại,” một Hồng y khác buồn rầu phát biểu.
ường như bọn cướp đã trốn thoát. Họ cũng không biết kẻ nào đứng đằng sau… hành động kinh tởm này sao?” một người khác hỏi.
“Đó là vùng đất của bọn tội phạm. Lũ người điên khùng bị các chương trình truyền hình vô đạo đức và những trò chơi video sa đọa xúi giục,” một người khác đáp lời. “Đã nhiều năm qua, nhà tù của họ chật cứng rồi.”
“Nhưng tại sao chúng lại ăn mặc như vậy? Thập giá đỏ trên áo choàng trắng… Chúng giả dạng các Hiệp sĩ Đền Thánh hay sao?” vị Hồng y đã lên tiếng trước tiên hỏi.
Đúng vậy, Đức Cha Brugnone nghĩ.
Đó là điều đã làm ông cảm thấy cần phải cảnh giác. Thực vậy, tại sao bọn thủ phạm ăn mặc như các Hiệp sĩ Đền Thánh? Có thể đó chỉ là do bọn cướp muốn cải trang nên khoác bừa lên người bất cứ thứ gì chúng có chăng? Hoặc là y phục của bốn tên kỵ sĩ đó hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn, và có thể phiền phức hơn chăng?
“Máy mã hóa trục quay đa hộp số là cái gì vậy?”
Brugnone ngước nhìn lên, ánh mắt gay gắt. Câu hỏi vừa rồi là của vị Hồng y cao niên nhất. “Một cái nhiều…?” Brugnone hỏi lại.
Ông Hồng y già gí mắt vào cái tài liệu mọi người đang chuyền tay nhau. “Vật trưng bày số 129,” ông đọc to lên. “Thế kỷ mười sáu. Một máy mã hóa trục quay đa hộp số. Số tham chiếu VNS 1098. Tôi chưa nghe nói đến thứ này bao giờ. Nó là cái gì vậy?”
Brugnone giả vờ nghiền ngẫm bản tài liệu trong tay, một bản sao thư điện tử liệt kê danh mục tạm thời những món đồ bị cướp trong cuộc đột kích vừa qua. Một lần nữa Đức Cha rùng mình – cũng cái rùng mình như khi lần đầu ông đọc thấy vật này trong bản danh sách. Vẫn giữ vẻ mặt bình thản. Không cần ngẩng đầu lên, vị Hồng y liếc nhanh những người khác quanh bàn. Không ai có phản ứng gì. Mà tại sao họ phải phản ứng chứ? Chuyện đó nằm ngoài sự hiểu biết thông thường mà.
Gạt tờ giấy ra, ông dựa người vào lưng ghế. “Dù nó là vật gì,” ông nói thẳng thừng, “thì giờ đây cũng đã bị bọn cướp lấy mất rồi.” Liếc nhìn Rienzi, ông khẽ nghiêng đầu. “Có lẽ Cha sẽ đảm nhận việc làm thế nào để chúng ta được thông tin đầy đủ. Cha hãy tiếp xúc với cảnh sát và yêu cầu họ thông báo với chúng ta về kết quả cuộc điều tra.”
Rienzi chỉnh lại, “FBI chứ không phải cảnh sát.”
Brugnone nhướn mắt.
“Chính phủ Mỹ đang xử lý rất nghiêm túc vụ việc này,” Rienzi xác nhận
“Họ nên làm vậy,” vị Hồng y cao niên nhất bên kia bàn thốt lên. Brugnone cảm thấy yên tâm khi thấy vị Hồng y cao niên này có vẻ như đã quên chuyện chiếc máy.
“Đúng thế,” Rienzi tiếp. “Họ vừa mới cam đoan với tôi là họ sẽ làm tất cả những gì có thể.”
Brugnone gật đầu, đoạn ra hiệu cho Rienzi tiếp tục cuộc họp, cử chỉ của ông hàm ý, kết thúc đi.
Mọi người luôn luôn tuân theo ý Mauro Brugnone. Ông biết, có lẽ vì cái dáng vẻ của ông gợi cho người ta thấy ông là một người rất mạnh mẽ về thể chất. Nếu không có thứ trang phục lụng thụng này, ông biết hẳn mình sẽ trông giống như một nông dân to con vạm vỡ xứ Calabria miền Nam nước Ý hơn, giả sử như ông không đi theo tiếng gọi của Nhà thờ từ hơn nửa thế kỷ trước thì có lẽ ông đã trở thành một nông dân như vậy. Vẻ ngoài thô kệch phù hợp với lối hành xử được rèn luyện trong nhiều năm của ông thoạt tiên khiến người ta nghĩ ông không chỉ là một người của Chúa đơn thuần. Quả thực ông đúng là người của Chúa, nhưng địa vị của ông trong Giáo hội khiến nhiều người đưa ra một giả định khác, ông là một con người mưu mô và cơ hội. Ông chẳng phải như vậy, nhưng Đức Cha chẳng bao giờ phải bận lòng phân bua với thiên hạ. Đôi khi cứ mặc cho người ta nghĩ sao thì nghĩ lại có lợi hơn, dù cho ở khía cạnh nào đó, đó cũng là một kiểu mưu mô.
Mười phút sau, Rienzi kết thúc buổi họp như Đức Cha yêu cầu.
Khi các Hồng y khác theo nhau bước ra khỏi phòng, Brugnone rời phòng họp bằng một cửa khác, bước dọc theo một hành lang tới chỗ cầu thang đưa ông ra một khoảng sân khuất vắng. Ông bước xuống lối đi lát gạch có mái che, ngang qua sân Belvedere, qua bức tượng Apollo nổi tiếng và đi vào dãy nhà chứa đựng một phần thư viện khổng lồ của Vatican, Archivio Segreto Vaticano – thư khố bí mật của Vatican.
Thực ra thư khố này chẳng có gì đặc biệt bí mật cả. Một phần lớn thư khố đã chính thức mở cửa vào năm 1998 cho các học giả và nhà nghiên cứu đến tham quan, và theo lý thuyết, họ được phép tiếp cận những nội dung được kiểm soát rất nghiêm ngặt tại đây. Trong số các tài liệu khét tiếng mà người ta đã biết và được lưu trữ trên những kệ sách dài tổng cộng hơn sáu mươi tư cây số là các văn bản viết tay của tòa án xử Galileo và đơn thỉnh cầu của vua Henry VIII nước Pháp xin Tòa Thánh hủy bỏ cuộc hôn nhân đầu tiên của ông ta.
Tuy vậy, nơi Brugnone đi đến thì không một người ngoài nào được phép bén mảng.
Không để ý chào hỏi nhân viên hay học giả nào đang làm việc trong các hội trường bụi bặm của thư viện, vị Hồng y lặng lẽ đi sâu hơn vào kho sách khổng lồ và tăm tối. Ông bước xuống cầu thang xoắn hẹp dẫn đến một phòng chờ nhỏ, nơi một vệ binh Thụy Sĩ đứng gác bên cánh cửa gỗ sồi chạm khắc rất công phu. Chỉ một cái gật đầu của vị Hồng y trưởng lão, đó là tất cả những gì cần thiết để người vệ binh nhập tổ hợp mã khóa vào một bàn phím để mở cửa cho ông. Tiếng ổ khóa bật mở ngân vang trong khoảng không gian trống rỗng của những bậc cầu thang đá vôi. Không một lời cảm ơn, Brugnone lướt vào trong cái hầm hình vòm như chiếc trống, cánh cửa đóng kịch lại sau lưng ông ta.
Biết chắc chỉ có một mình trong căn phòng như cái hang này, vị Hồng y điều tiết mắt theo thứ ánh sáng mờ mờ trong phòng và tiến đến khu vực lưu trữ hồ sơ. Dường như vẫn có một thứ âm vang o o giữa sự tĩnh lặng của cái hầm mộ này. Đó là một hiệu ứng lạ lùng đã có lần làm Đức Cha bối rối, cho đến lúc ông hiểu rằng, vượt ra ngoài các giới hạn nghe được của bản thân ông, quả thực có một âm thanh o o phát ra từ một hệ thống kiểm soát khí hậu cực kỳ tinh vi có nhiệm vụ duy trì trong hầm một nhiệt độ và độ ẩm không thay đổi. Khi lục tìm trong tủ hồ sơ, ông cảm thấy các mạch máu trong người như căng phồng lên giữa bầu không khí hanh khô và tù túng này. Thực ra, Đức Cha chẳng thích ở dưới này chút nào, nhưng chuyến viếng thăm này là không thể tránh được. Mấy ngón tay ông run run lật các hàng thẻ đề mục. Cái mà ông đang tìm không ghi trong bất cứ danh sách đề mục hay các bản kiểm kê của bất cứ các cuộc họp thư khố nào đã được biết, ngay cả trong Schedario Garampi, bộ thẻ hồ sơ đồ sộ của gần một triệu thẻ liệt kê hầu như mọi thứ có trong thư khố cho đến thế kỷ mười tám. Nhưng Brugnone biết nên kiếm ở đâu. Không lâu trước khi qua đời, người thầy thông tuệ của ông đã lo liệu việc này.
Ông đã nhìn thấy cái thẻ muốn tìm và rút nó ra khỏi ngăn tủ.
Bằng một phán đoán sắc sảo, Brugnone rà lướt qua tất cả các tập sách. Cái dải băng đó rách te tua quấn quanh những tập văn kiện chính thức, được cho là nguồn gốc phát xuất của chữ red tape – giấy tờ quan liêu trong tiếng Anh, rủ xuống từ mọi giá sách trong sự lặng lẽ như cõi chết. Những ngón tay của vị Hồng y như quíu lại khi thấy cái vật ông đang muốn tìm.
Trong tâm trạng cực kỳ bồn chồn, ông nhấc một cuốn sách lớn bìa da rất cũ, đặt lên một cái bàn gỗ mộc.
Ngồi và bàn, Brugnone lật các trang sách dày có nhiều hình minh hoạ; tiếng sột soạt của các trang giấy vang lên trong không gian tĩnh mịch. Ngay cả trong môi trường được kiểm soát và điều chỉnh này các trang giấy cũng phải chịu đựng sự tàn phá của thời gian. Những trang giấy bằng da dê hay da cừu bị ăn mòn, chất sắt trong mực viết cũng bị phá huỷ, một số vết nứt đã thế chỗ những nét vẽ tinh tế của người họa sĩ.
Brugnone cảm thấy tim đập dồn dập hơn. Ông biết mình đã đến gần. Khi lật đến trang giấy đó ông cảm thấy cổ họng như nghẹn lại, thông tin ông tìm kiếm đang hiện ra trước mắt.
Ông nhìn vào phần hình minh họa. Nó mô tả một phức hợp gồm các hộp số gài vào nhau và các cần điều khiển. Nhìn vào bản sao bức thư điện tử. Hồng y gật gù với chính mình.
Brugnone chợt cảm thấy đầu nhói lên sau đuôi mắt. Ông chà xát hai bên thái dương, rồi nhìn lại vào hình vẽ trước mặt. Ông cảm thấy sự phẫn nộ sục sôi trong lòng. Sự lơ là chểnh mảng nào đã để cho việc này xảy ra? Ông biết rằng đáng lẽ không nên để cái thiết bị này rời khỏi Vatican, và ngay sau đó, ông cảm thấy bực tức với chính mình. Ông chẳng mấy khi chịu phí thời giờ phát biểu hay suy nghĩ về những điều hiển nhiên, và rõ ràng là bây giờ ông đang lo lắng nên mới làm vậy. Nói lo lắng là chưa đúng. Phát hiện này như một chấn động dữ dội. Bất kỳ ai cũng sẽ bị chấn động, bất kỳ ai biết được ý nghĩa của cái thiết bị cổ xưa đó. Nhưng cũng may mắn là có rất ít người, ngay cả những người ở Vatican này, biết được mục đích huyền thoại của cái máy đặc biệt đó.
Chúng ta tự rước vạ vào thân. Chuyện đã xảy ra là vì chúng ta quá thận trọng để không gây ra sự chú ý đến cái máy đó.
Đột nhiên cảm thấy kiệt sức, Brugnone gượng đứng dậy. Trước khi đặt lại cuốn sách lên giá, ông bỏ hú họa chiếc thẻ danh mục sách mà ông vừa lấy trong ngăn thẻ vào giữa cuốn sách. Như thế sẽ không một ai có thể tìm thấy lại cái danh mục đó nữa.
Brugnone thở dài, cảm nhận được gánh nặng thời gian của từng năm một trong số bảy mươi năm tuổi đời đè lên mình. Ông biết sự đe doạ không đến từ một ông viện sĩ tò mò hay từ một nhà sưu tầm kiên định có lòng quyết tâm cao ngất nào đó. Bất kỳ kẻ nào đứng sau vụ việc này hẳn biết đích xác hắn đang tìm kiếm cái gì. Và kẻ đó phải bị ngăn chặn trước khi cái vật mà hắn chiếm đoạt một cách phi pháp có thể làm lộ ra những bí mật của nó.
Nhật Ký Bí Mật Của Chúa Nhật Ký Bí Mật Của Chúa - Raymond Khoury Nhật Ký Bí Mật Của Chúa