Chương 5: Hươu Cao Cổ
hiếc đèn chùm to vượt quá, treo trong cái thùng tối. Chìm trong nước, nhịp nhàng theo sóng nước, được ủ kín khỏi mọi cảm giác và thanh âm. Nước bao quanh nó đen như mực, nhưng những hạt bụi ánh trăng li ti hắt vào những lăng kính đây đó, như từng hạt kim cương ném tung. Nước làm đệm lót, an toàn, như màng ối. Ngày mai đèn chùm sẽ hóa sinh vào mục đích của nó. Đêm qua nó đã tựu hình. Đêm nay nó chờ đợi. Cái thùng được ràng thẳng đứng trên thuyền bằng nhiều dây thừng đến nỗi cái khối đen to trông như bị bắt gọn trong một lưỡi cá ngư dân. Những người chèo thuyền khoắng mái chèo, hát một bài xưa giọng Piemontese. Từ trong thùng, đèn chùm cũng cất tiếng hát.
Corradino đau ê ẩm, nhưng chàng không thể ngừng. Đèn chùm treo trước mặt chàng trên sợi xích sắt trong tình trạng gần như hoàn thiện, rực vàng trong ánh lửa từ lò nugn. Những nhánh pha lê của nó vươn về phía chàng cầu khẩn, tựa hồ van nài được hoàn thiện. Một trong năm nhánh thanh tú của nó vẫn còn thiếu, vậy nên Corradino cúi vào lò lửa lần cuối cùng. Ấn cái ống thổi vào ngay tâm thủy tinh nấu chảy, chàng lăn que một cách thuần thục, kéo một viên tròn thủy tinh nấu chảy bám ở đầu ống thổi. Chàng bắt đầu lăn thủy tinh trên cái vá bằng gỗ cứng, lăn nó thành đúng hình hài để khởi cuộc hóa thân của nó. Corradino nghĩ thủy tinh như một sinh thể, luôn sống. Chàng đã tạo ra một cái kén mà từ đó giờ đây cái gì đó đẹp đẽ có thể lớn lê.
Chàng hít vào một hơi rồi thổi. Từ môi chàng, thủy tinh cong lại lạ kì thành một trái bóng dài, mỏng manh, Corradino luôn nín hơi thở ngoài phổi cho đến khi chàng chắc chắn là quả cầu, hay bong bóng, mà chàng tạo ra đã hoàn hảo về mọi mặt. Đồng nghiệp của chàng đùa rằng chàng là một người cầu toàn quá mức, nếu bong bóng chưa hoàn hảo, Manin sẽ không bao giờ hít vào một hơi khác, và chết ngay tại chỗ. Thực ra, Corradino biết những thoảng gió nhẹ nhất của hơi thở vào thủy tinh nấu chảy có thể quyết định tới sự khác nhau giữa hoàn hảo và khiếm khuyết, giữa thần thánh và cái đẹp thuần khiết.
Chàng ngắm thủy tinh đang biến đổi, luôn luôn thay sắc, qua mọi sắc thái đỏ, hồng, cam, hổ phách, vàng và cuối cùng là trắng khi nó bắt đầu nguội đi. Corradino biết mình phải làm thật nhanh. Chàng ấn mạnh bong bóng vào lò để nung lại nó chốc lát, rồi bắt đầu nắn bằng hai tay.
Nào có cần cho chàng miếng lót tay che chở bằng vải hay giấy mà người khác dùng để da không bị nhăn nhúm hay rộp lên vì sức nóng. Từ lâu chàng đã hi sinh mấy đầu ngón tay cho nghệ thuật. Chúng đã cháy, thành sẹo và cuối cùng là lành lặn phẳng lì không còn vân tay nữa. Corradino nhớ câu chuyện Marco Polo đã thuật lại rằng triều đại nhà Đường cổ đại ở Trung Hoa đã dùng vân tay như một phương tiện nhận dạng, và tập quán này đã tồn tại ở phương Đông từ đó.!!!Nhân dạng của mình đã là một với thủy tinh. Đâu đó ở Venice, hay xa xôi ở xứ người, da của chính mình in trong Silic cứng nơi một chiếc cốc hay một giá nến.
Corradino biết thủy tinh của mình là tốt nhất bởi chàng đã nâng nàng trên tay mình, sờ chạm làn da nàng bằng da thịt mình, cảm thấy hơi thở của nàng. Chàng cầm cái kéo lớn tagiani lên và bắt đầu kéo từ hình trụ chính ra những vòng xoắn bằng bạc chạm lộng tinh xảo, cho đến khi cả một rừng nhánh pha lê từ cái ống tràn ra. Corradion nhanh chóng thổi trống ống thổi, rồi chuyển maaur này qua một que sắt đặc ruột – pontello – chàng bắt đầu làm việc ở đầu que. Cuối cùng hết thời gian khi thủy tinh không khoan nhượng đã cứng, chàng mang nó qua cấu trúc gốc rồi quấn nhánh mới quanh thân chính, theo hình xoắn ốc trang trí. Không còn lại đốm sần – không dấu về pontello – như một vết lõm, để tiết lộ nguồn gốc của nhánh.
Chàng cầm nhánh thủy tinh trong khi lần tôi cứng sau cùng diễn ra, chiêm ngưỡng tác phẩm của mình, rồi cuối cùng đứng lùi lại và lau trán. Dù không mặc áo, vì các thợ cả làm việc luôn, chàng vẫn cảm thấy sức thiêu đốt của lửa lò nung trên da thịt mình từ sáng đến tối. Chàng tự hỏi, nhìn những người thợ cần mẫn quanh mình, phải chăng nghề này là một sự chuẩn bị tốt cho lửa ngục. Cái Dante đã viết là gì ấy nhỉ?
"… lửa rải khắp và cháy quanh các mộ,
Lửa bao trùm lên mồ mả khắp nơi
Tưởng không sắt nào nung lâu hơn thế" 1
Corradion biết tác phẩm của người xứ Florence này rất rõ. Cha chàng đã cho phép cả gia đình mang theo một vật sở hữu – một món quý giá nhất – từ Dinh thự Manin vào cái đêm họ đi trốn. Cha chàng đã mang theo một bản Thần khúc của Dante bằng giấy da quý giá trong thư viện của ông.!!!Đó là sự chọn lựa của cha mình. Đó là cuốn sách duy nhất mình có. Đó là thứ duy nhất còn lại từ cha mình.
Corradino xua ý nghĩ về cha và quay lại với ngọn lửa trừng phạt.
Không lạ là, từ năm 1291, Đại hội đồng thành Venice đã ra lệnh là toàn bộ nghề làm thủy tinh phải hoạt động trên đảo Murano, bởi mối đe dọa thường trực của hỏa hoạn đối với thành phố. Một ngọn lửa bắt nguồn từ các lò nung đã nhiều lần đe dọa nuốt chửng Venice. Dời trung tâm sản xuất là một ý tưởng sáng suốt, vì chỉ vài năm trước đây thôi thành phố London ở Anh đã bị lửa thiêu rụi. Không, xin nhớ kĩ cho, là nó không được bắt nguồn từ bất cứ gì có tính nghệ thuật như một xưởng thủy tinh. Tiếng đồn gần dây nhất giữa những lái buôn ở Rialto đã nói là ngọn lửa bùng lên từ một tiệm bánh, Corradino cười khẩy.!!!Đây là một nét tiêu biểu của Anh – luôn nghĩ đến cái bao tử.
Đám cháy lớn ở London đã có nghĩa là việc làm ăn phát đạt ở đảo Murano này. Vua Charles nước Anh dường như muốn tạo ra một London mới, và lấp đầy những tòa nhà hiện đại bề thế của mình bằng gương và đồ thủy tinh. Do vậy, có nhiều đơn đặt hàng từ thủ đô lạnh lẽo đó cho công việc của Corradino và các đồng nghiệp của chàng.
Dù Corradino đã làm xong cái sườn chính của đèn chùm nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Trời đang tối dần, và từng cái một, những miệng lò nung phì lửa đã tắt, cửa lò đã đóng, và bạn bè đã ra về. Chàng gọi một trong những thằng nhóc chạy việc lần chót, và khi thằng bé chạy khắp xưởng, nhảy phóc qua những ống sắt và tránh những thùng xô trong lúc mấy người đàn ông đang làm việc, Corradino mỉm cười và nghĩ biệt danh của mấy chú thợ học việc là "scimmia di vetro" – những con khỉ thủy tinh – xem ra hết sức phù hợp.
Cậu bé chẳng mấy chốc trở lại với một cái hộp "Đây, thưa thầy".
Corradino mở cái hộp gỗ hồng sắc dài. Bên trong có một trăm miếng ngăn nhỏ hình vuông. Tất cả đều được đánh số, tất cả đều được lót một miếng len vụn. Corradino bắt tay vào việc. Chàng lấy một pontello nhỏ, nhỏ hơn những ống thổi đáng tin cậy của chàng nhiều, rồi nhúng nó vào trong thủy tinh đã được nấu chảy và chưa định hình, nằm chờ đợi ở đáy lò nung. Chàng rút cái que mà giờ đây nom tựa một ngọn nến cháy ra. Chờ một lát, đoạn chàng ngắt quả cầu cháy rực rỡ ở que ra và bắt đầu lăn thủy tinh trên lòng bàn tay, và rồi tinh tế hơn giữa mấy ngón tay. Khi đã hài lòng, chàng kéo ra một sợi thủy tinh để tạo hình một giọt châu, rồi nắn một cái móc thanh mảnh ở đuôi. Chàng thả bảo vật mình vừa làm vào một xô nước kẹp giữa hai đầu gối chàng. Một lúc lâu sau, chàng nhúng hai cánh tay vào xô và giải cứu viên bảo ngọc.
Việc làm của chàng khiến chàng nhớ lại những câu chuyện kể về những người mò ngọc trai ở phương Đông. Những câu chuyện được kể lại từ thời Venice giành được quyền kiểm soát Constantinople, từ hồi thế kỷ mười ba.!!!Những anh chàng lặn mò ngọc trai dưới biển ấy, cố tìm hàu, trong khi phổi căng tức, có cảm thấy chính cái cảm giác mãn nguyện mà mình cảm thấy không? Dĩ nhiên, không khi họ tìm thấy một viên ngọc trai, đó chỉ là may mắn thôi – một từ tâm của thiên nhiên. Khi những người anh em của họ trên dãy Hartz ở Đức đào bạc trong cái nóng và tối tăm trên những ngọn núi, tìm ra một vỉa bạc ròng, họ có cảm thấy như họ đã tạo ra kho báu này không? Và các anh, những người đào kim cương ở châu Phi, khi các anh cậy lên được một viên hoàn bích từ trong đá, các anh có thể cảm thấy niềm tự hào mà tôi cảm thấy không? Không, vì tôi đã làm ra những vật đẹp đẽ này. Thượng đế sáng tạo ra những thứ khác. Và giờ đây trên cõi người này, ở thế kỷ mười bảy của chúng ta đây, thủy tinh quý giá hơn bất kỳ kho báu nào của các anh, hơi cả vàng, hơi cả nghệ tây.
Khô tức thì trong sức nóng của những ngọn lửa, cái giọt nhỏ Corradino vừa làm xong được đặt nhẹ nhàng vào ô có đánh dấu "Một" trong hộp gỗ hồng sắc. Ngay cả khi nép mình trong len vụn, sự thanh khiết như kim cương của nó vẫn không mờ đi. Corradino thầm gửi một lời cảm tạ đến Angelo Barovier, người thợ cả, người mà từ hai thế kỷ trước đã sáng chế ra thủy tinh "pha lê" này từ Silic cứng mà giờ đây Corradino đang làm. Trước đó, tất cả đồ thủy tinh đều có màu, ngay cả thủy tinh trắng cũng có tạp chất hay sự mờ đục, sắc màu của cát, của sữa hoặc khói. Cristallo có nghĩa là, lần đầu tiên cả, sự trong suốt tuyệt đối và sự sáng rõ pha lê có thể đạt được, và Corradino cầu Chúa ban phúc cho ngày.
Corradino quay lại làm những giọt châu của mình. Chàng vẫn còn chín mươi chín giọt nữa phải làm trước khi chàng có thể cho phép mình trở về nhà uống rượu và ăn bữa tối cháo ngô. Chàng không thể phó thác công việc cho một trong mấy thợ học việc, vì mỗi giọt trong một trăm giọt đều khác biệt. Trong một bước tiếp theo làm kinh ngạc đồng nghiệp, Corradino khăng khăng là mỗi giọt châu, bởi vị trí của nó trên đèn chùm, khoảng cách của nó đến mỗi ngọn nến, phải là hình dáng có khác đi một chút để truyền đi cùng một độ phát sáng từ mọi góc độ khi được treo trên trần nhà thờ hay các dinh thự. Các thợ thổi thủy tinh khác trong xưởng và mấy câu bé thường nhìn ngây hàng giờ liền vào mấy cái hộp đựng giọt châu của Corradino, và đều lắc đầu. Tất cả chúng trông hệt như nhau. Corradino nhìn thấy họ xem và mỉm cười. Chàng biết mình không cần giấu tác phẩm. Họ có thể nhìn cả ngày mà vẫn không biết chàng đã làm nó ra sao. Đến cả chàng cũng không thực sự hiểu những ngón tay mình làm gì khi chàng nghĩ xem riêng cái giọt nhỏ này sẽ treo nơi đâu trên tác phẩm hoàn chỉnh.
Corradino luôn muốn đến quan sát nơi sẽ treo dây đèn chùm của chàng. Chàng đặt cho khách hàng vô số câu hỏi về chuyện gian phòng sẽ được chiếu sáng ra sao. Chàng nhìn những cửa sổ và cửa chớp, xem xét cả chuyển động của ánh nắng và ảnh hưởng của sự phản chiếu từ nước kênh. Và mỗi lần như vậy, chàng đều ghi chép những kết quả tính toán vào một cuốn sổ giấy da nhỏ, ghi lại mọi thứ. Cuốn sổ quý giá này giờ đây, ở đỉnh cao tài nghệ của Corradino, kín cả chữ viết tay xấu xí và những hình vẽ đẹp đẽ của chàng. Những con số, tạo thành những phép đo và phương trình rối rắm, cũng chen lấn tìm chỗ trống trên trang giấy vì Corradino tin vào quyền năng của toán học cổ đại. Do vậy, mỗi tác phẩm chàng làm và mỗi tiến bộ kỹ thuật đều được ghi chép lại để chàng có thể phát triển tài nghệ bằng cách tham khảo những tác phẩm trước đó của mình. Giờ đây, sau khi đã hoàn tất giọt châu thủy tinh độc đáo cuối cùng, chàng lấy cuốn sổ ra. Chàng tìm thấy các kết quả tính toán chàng đã lấy ở Santa della Pietà và dùng bút lông ngỗng phác nhanh tác phẩm đã hoàn thành. Ngay cả trên trang giấy, cái đèn chùm dường như cũng nổi bật trên một hình chạm pha lê.
Corradino cất giữ cuốn sổ cẩn thận, lúc nào cũng mang nó sát bên mình, dẫu biết dù các đồng nghiệp có xem nó đi nữa, họ cũng không thể giải mã được những bí mật của nó. Chàng cũng biết rằng các thợ cả khác cười nhạo mình, và đi rêu lời giễu cợt là Manin thậm chí còn mang theo cuốn sổ khi vui vầy với đàn bà. Chàng đúng là một người đàn ông không bình thường. Nhưng là một thiên tài, ồ phải, một thiên tài.
Bằng chứng về thiên tài của chàng nằm trong mọi dinh thự ở Venice, mọi nhà thờ, mọi quán ăn lớn. nó ở trong mỗi chiếc cốc sáng choang chàng làm, từng tấm gương phẳng như mặt phá mùa hè, cả trong từng chiếc bong bóng thủy tinh hay viên kẹo như những vật kỷ niệm Carnevale chàng làm. Tất cả chúng đều có cùng ánh sáng rực rỡ của đá quý. Và giờ đây chàng biết tác phẩm mới nhất của mình sẽ soi rọi những vòm trần âm u của Santa Maria della Pietà thứ ánh sáng chúng chưa từng được thấy. Và nó sẽ hát, cũng như nhiều tác phẩm của chàng vẫn nói hay hát. Chỉ bằng một cái gõ móng tay, một trong mấy chiếc cốc của chàng sẽ vang lên câu chuyện của vàng viền quanh vành của nó – về Samarkand và Bosporus và những ngày đổ lửa của mùa hè phương Đông. Đèn chùm này sẽ vọng lại tiếng nhạc mấy cô bé chơi trong Pietà. Mấy cô bé mồ côi, không có ai để chúng yêu hay yêu chúng, nên dồn trút tình yêu của mình vào âm nhạc. Thủy tinh của chàng sẽ hát lại. Nó sẽ nói cho chúng nghe ít nhất một trong số chúng được yêu thương.
Pietà, Corradino mỉm cười. Ngày mai chính chàng sẽ đến Pietà cùng những giọt đèn chùm. Cái đèn chùm sẽ đi trước chàng trong một chiếc thuyền có đáy bằng, đặc biệt, Corradino đã tự vẽ hệ thống đóng gói cho những cây đèn chùm quý giá của mình. Chúng được treo thòng từ trên nắp một cái thùng to chứa nước được lọc lấy từ phá. Có nghĩa la vật sáng tạo mong manh được lót êm khỏi mọi va chạm, và có thể qua khỏi tất cả trừ một vụ lật thuyền. Thế rồi sẽ tới Santa Maria della Pietà, được tời ra khỏi thùng, nước từ cây đèn nhỏ thành dòng dưới ánh sáng từ những ô cửa sổ, như một sự kéo dài của tác phẩm thủy tinh toàn bích. Để hoàn thành định mệnh cùa nó, để thắp sáng nhà thờ có lẽ hàng bao thế kỷ, để mấy cô bé nhìn ra được những nốt nhạc như côn trùng đen mò khi lướt nhanh qua các trang tổng phổ, để âm thanh cao khiết chúng tạo ra đi tới vinh quang tối thượng của Chúa. Và Corradino sẽ hoàn tất quá trình khi chàng tỉ mỉ treo từng giọt vào đúng chỗ của nó trước khi tác phẩm hoàn thiện được tời lên trần.!!!Tự mình sẽ hoàn tất nó, vậy mới xứng hợp.
Đó là niềm vui lớn lao thứ hai của chàng từ cõi đời này. Và ngày mai nó sẽ hôn phối với niềm vui thứ nhất – nhìn thấy Leonora. Chàng bắt đầu làm món trang sức thủy tinh sau cùng của mình, không để ý là tất cả các khe trong hộp gỗ hồng sắc của mình đã kín rồi. Đây sẽ không phải là một giọt châu cho cây đèn trùm. Nó là một món quà cho bé.
Corradino biết rằng khi những người thổi thủy tinh bị đưa đi khỏi Venice đến Murano, đã có một lý do khác hơn là sự an ninh thành thị. Thủy tinh Venice tốt nhất thế giới, và đã thế từ khi kỹ thuật làm thủy tinh Đông Phương được mang về sau sự sụp đổ của Constantinople. Những phương pháp ấy được mài giũa và phát triển, những kỹ thuật được trao quyền từ thợ cả sang thợ học việc và một sự độc quyền hùng mạnh đã lớn dần cho nước Cộng hòa nhờ bí quyết này. Cái mà Đại hội đồng không sẵn lòng từ bỏ. Gần như đồng thời, đối với thợ thổi thủy tinh xứ Murano, hòn đảo trở thành không chỉ là khu vực sinh sống và làm việc của họ, mà còn là một cái gì đấy như nhà giam. Đại hội đồng hiểu rất rõ câu ngạn ngữ, "Kẻ có một bí mật cần giữ trước hết phải giữ bí mật điều đó". Sự cô lập là điều then chốt trong việc giữ những bí quyết này. Ngay cả giờ đây, phép vào đất liền cũng ít khi được cấp. Và thường thường là, các thợ cả sẽ được mật vụ của Hội đồng theo dõi. Corradino, nhờ tài hoa của mình, và thói quen đo đạc kỹ lưỡng, và sự cần thiết chính chàng phải đặt ra những nét hoàn thiện, được trao quyền rộng rãi hơn hết mọi người. Nhưng chàng đã, một lần trước lần này, lạm dụng sự tin cậy. Vì một chuyến vào đất liền ấy chàng đã gặp Angelina.
Nàng xinh đẹp, Corradino không phải là người tiết dục, nhưng chàng quen nhìn thấy cái đẹp chỉ trong những cái mình làm ra. Ở nàng, chàng đã nhìn thấy một cái gì đó thần thánh, cái gì ấy mà chàng không thể tạo ra. Chàng gặp nàng trong dinh thự của cha nàng bên Kênh lớn. Hoàng tử Nunzio dei Vescovi muốn bàn bạc về một bộ hai trăm chiếc cốc cần có cho lễ cưới của con gái ngài. Chúng phải phù hợp với áo cưới và mặt nạ của con gái ngài. Corradino đã mang đến, như được chỉ thị, một hộp khảm chứa đầy những chất màu và đá quý mà chàng có thể sẽ dùng để đạt được màu sắc.
Mọi ngôi nhà lớn ở Venice đều có hai lối vào, biểu thị sự lưỡng phân giai cấp không thể lẫn lộn của chúng. Lối vào bằng đường nước luôn trang trọng lạ thường. Một cổng chính đàng hoàng, bề thế, với hai cánh cửa lớn và cột neo thuyền chìm vào một phần dưới nước có kẻ sọc màu của cơ ngơi. Cánh cửa đường nước mở ra mời mọc vị khách quý vào một vũng nước vây kín, tường đá cẩm thạch, với một cầu tàu dẫ đến những gian phòng tiếp khách quý phái của dinh thự. Cửa dành cho việc buôn bán, mở ra calle bên hông nhà, giản dị hơn, dành cho lái buôn, người đưa tin và tôi tở, mở thẳng vào vỉa hè. Sự phân biệt này, sự sai khác này của những ô cửa, tiết lộ rất nhiều về kinh thành – Venice có được tất cả mọi thứ nhờ nước. Cái phá là tất cả. Chính là trên nước, những con nước dịch chuyển mà thủy chung ấy, mà Venice đã xây dựng uy thế và đế chế của nàng – phù hợp làm sao. Do vậy sông nước ở Venice được trao cho quyền ưu tiên theo cách này. Chiếc gondola của Corradino, vào cái ngày định mệnh ấy, được vẫy vào lối đường sông. Tòa lâu đài màu bạc to lớn choàng lấy chàng và chàng được một nô tì mặc chế phục cung kính dẫn lối đến các gian phòng chính. Khi Corradino trong bộ độ da khiêm tốn của một thợ thủy tinh bước vào những phòng khách xinh đẹp nhìn ra phá, chàng nhận ra tất cả đều đã được chuẩn bị bở sự quý trọng tài hoa hiếm có của chàng. Hoàng tử, một người có nét mặt dài và mái tóc bạc của đẳng cấp quyền quý, tiếp đón chàng như thể một người họ hàng. Địa vị của Corradino trên thế giới có vẻ như đã được bảo đảm.
Một nô tì được sai đi mời Công nương Angelina, và cái váy, Hoàng tử bàn bạc về các chất màu và giá cả của chúng với Corradino trong lúc dùng một chai Valpolicella hảo hạng. Rồi khi ông già ngước lên và nói "con yêu của ta đây rồi", Corradino không còn nghe thấy gì nữa.!!!Nàng là một sự soi rạng.
Tóc như những sợi tơ vàng. Mắt xanh như là mưa xuân. Và sắc mặt của nữ thần. Nàng là một ảo tưởng xanh lam – lụa váy cưới của nàng dường như có trăm sắc màu dưới nắng mai và lấm tấm ánh kênh phản chiếu.
Về phần Công nương, nàng biết Corradino qua tiếng tăm và ước mong được gặp người nghệ sĩ mà mọi người đều nói đến. Nàng ngạc nhiên khi thấy chàng còn rất trẻ - chưa quá hai mươi, nàng đoán. Nàng rất hài lòng khi thấy chàng khôi ngô, dù không phải theo một cách khác thường như vậy, với đôi mắt và những lọn tóc đen của vùng này. Dung mạo chàng – mãi hoài nám đén vì vỉ lò nung – gợi nhớ những bức tượng thánh phương Đông khắc khổ, tối ám nhìn xuống từ những khung tranh nạm đá quý trong Basilica tại lễ Mét. Về vóc dáng, chàng trông khá bình thường. Nhưng chàng thì không thế. Chàng cũng vô giá, nàng biết, như chính những bức tượng thánh ấy cùng tất cả châu ngọc của chúng.
Angelina nhớ là đã ở trong số một nhóm đặc quyền, năm trước, đến xem triển lãm một sinh vật kỳ lạ tại Dinh Tổn trấn, Palazzo Ducale. Người ta gọi sinh vật này là Hươu cao cổ, con Giraffa cameloparadis hoang đường, và nó được một vị vua châu Phi cho mượn. Cái tên đã không có nghĩa gì với nàng. Nhưng khi nhìn thấy con vật, nàng thấy gần như một sự háo hức hoang dại khi xem nó từ sau lớp mặt nạ của nàng. Cao khủng khếp, kẻ ô vuông khắp người như Vai hề, và với một cái cổ dài không thể nào tin nổi, sinh vật này từ từ sải bước đi quanh. Hình thù của nó chẻ dọc những tia nắng tràn vào qua những ô cửa sổ ở dinh thự. Phòng Đại hội đồng sâu thăm thẳm, vẽ những bức bích họa và vàng ròng lộng lẫy cùng những trần nhà cao nhất ở Venice, dường như là gian phòng duy nhất vừa để trưng bày con vật lạ thường này. Từ trên trần, bảy mươi sáu vị Tổng trấn Venice đời trước, được họa sĩ Veronese 2 nổi tiếng vẽ, thản nhiên nhìn xuống cảnh tượng. Kẻ kế nhiệm còn sống của họ ngồi trên ngai vàng, đội cái mũ corno, nhìn kinh ngạc, bàn tay đeo nhẫn che lại nói khẽ với phu nhân. Trong khi đó, sinh vật xa lạ câm lặng này thè cái lưỡi đỏ tươi, gây ra những cái há hốc khoái chí trong cử tọa. Nó cong đuôi lên rồi tống ra một đống phân gọn gàng trên sàn nhà vô giá, giẫm lên chính phân của mình. Quý cô cười rúc rích và ré lên trong khi cánh đàn ông cười hô hố, còn Angelina thì ấp một bó hoa nhỏ lên mũi, Nhưng sự háo hức của nàng vẫn còn. Nàng cảm thấy mình đang đứng trước một cái gì thật sự khác thường, cái gì đó duy nhất. Nàng không tự hỏi Hươu cao cổ đẹp hay không. Câu hỏi ấy là không phù hợp. Nếu con vật ở đó để bán thì nàng đã hỏi cha mình mua nó rồi.
Giờ đây nàng nhìn Corradino và cũng cảm thấy cái cảm giác xúc động mạnh ấy. Chàng có trẻ và khôi ngô cũng không quan trọng, chỉ là chàng thật sự khác thường, cái gì ấy duy nhất. Nàng cảm thấy cần phải sở hữu chàng. Khi Angelina dei Vescovi mỉm cười với chàng, toàn bộ ý nghĩ về các chất màu biến khỏi đầu Corradino. Thế nhưng chàng cũng nhanh chóng sực nhớ ra chúng. Thật ra, chàng thấy cần phải thực hiện nhiều chuyến đến Lâu đài Vescovo trong những tháng trước lễ cưới, để bàn bạc về mấy chất màu hết sức quan trọng đó. Thỉnh thoảng chàng gặp Hoàng tử và cả con gái ngài. Nhưng thường thì chàng gặp Công nương một mình. Xin hiểu cho, bởi đây là một vấn đề hết sức hệ trọng. Làm cho những thứ như thế đúng tuyệt đối là điều quyết định.
Một tuần trước lễ cưới của nàng người ta phát hiện ra là Công nương Angelina dei Vescovi có thai. Người hầu gái rầy rà của Công nương, một công cụ và là mật thám của Hoàng tử, theo dõi xiêm y của cô chủ, vẫn còn trắng tinh suốt thời gian có tháng của nàng. Cô hầu báo lại việc Công nương có thai cho Hoàng tử gần như trước khi chính Angelina biết. Lời hứa hôn bị hủy với cái cớ sức khỏe kém, và Angelina được đưa biến đi, hết sức bí mật, đến cơ ngơi của cha nàng ở Vicenza để canh giữ. Cố cứu vãn danh dự của con gái, Hoàng tử đã đe dọa nô tì của ngài tội chết nếu có lời nào lọt tới Venice về điều ô nhục của Angelina. Corradino, trong một lần lén lút tới đến lâu đài gặp Angelina, thấy mình được hai trong số những người hầu của Hoàng tử đón và áp giải lên lầu, đến thư phòng của Hoàng tử. Ở đấy, chàng có cuộc diện kiến ngắn ngủi và ê chề với Nunzio dei Vescovi khi chàng được người ta nói rõ ràng dứt khoát là chàng sẽ mất còn hơn cả mạng sống của mình nếu chàng cố hoặc gặp lại Angelina hoặc ở lại trong thành. Hết sức tàn nhẫn, những lời của Hoàng tử, hết sức mất uy tín, địa vị của Corradino, đến mức chàng lập tức mất hết chút quyền quý nào đã có trong lần đầu được đón tiếp tại lâu đài. Chàng cảm thấy, giờ đây, tài năng của mình không sánh nổi với sự giàu có và địa vị của Hoàng tử, thứ chàng đã từng có và giờ đã mất. Trong những năm sắp tới trí nhớ sẽ không cho phép chàng nhớ được nhiều những lời cay độc của Hoàng tử, nhưng có một câu nói sẽ không rời trí nhớ của chàng.
Khi Nunzio nguôi giận rồi, ngài xoay lưng lại Corradino và nhìn qua con phá. Bằng một giọng ôn hòa, thua cuộc, ngài nói, "Đôi khi, Quý ông Manin ạ, ngay cả bằng cách chạm vào cái gì đẹp đẽ, ta cũng hủy hoại nó mãi mãi. Anh có biết là một cánh bướm, thứ côn trùng kỳ diệu nhất trong các côn trùng ấy, không bao giờ còn bay được nữa khi đôi cánh của nó đã bị ngón tay người chạm vào? Vảy trên cánh nó rơi ra, và chúng trở nên vô dụng. Điều này là cái anh đã làm với con gái của ta."
Ẩn ý này, và cái ý nghĩ là Corradino đã cả gan hủy hoại cái đẹp mà chàng luôn khao khát sáng tạo, không hiểu sao khiến chàng kinh sợ hơn bất cứ gì khác mà Hoàng tử đã nói. Lần thứ hai trong đời mình, Corradino thực sự sợ hãi chạy trốn về Murano.
Corradion đổ lỗi cho Lisbro D’oro, Sách vàng. Năm 1376, để công nhận kỹ xảo của thợ thổi thủy tinh và giá trị của họ đối với nước Cộng hòa, một sắc lệnh đã được ban hành là con gái của một thợ thổi thủy tinh có thể kết hôn với con trai một người quyền quý. Nhưng không có sự miễn trừ như thế khi con gái một người quyền quý cưới một thợ thổi thủy tinh nghèo hèn, ngay cả là người xuất thân từ một dòng dõi quý phái. Không có tương lai nào cho Corradino và Angelina. Corradino trở về Murano mà không biết làm thế nào câu chuyện đã bị phát hiện, hay về đứa con mà chàng là cha. Chàng chỉ tâm sự với người bạn thân nhất và là người thầy của mình, người đã khuyên chàng ở lại Murano kẻo Hoàng tử thực hiện lời đe dọa của ngài, tìm cách trả thù.
Trong hai năm trời Corradino không hay biết gì về người tình của chàng và làm việc chằng khác nào bị một con quỷ cưỡi trên lưng. Rồi chàng được ban cho sự miễn trừ để vào Venice làm một hòm đựng thánh tính cho Basilica San Marco và ngỡ rằng cuối cùng cũng đã an toàn trở về. Ngày đầu tiên của mình trong thành trong suốt hai năm chàng xoay sở để gặp Nunzio dei Vescovi.
Lần chàng bước vào Lâu dài Vescovi này khác hẳn. Hai cánh cửa lớn mở ra sông để ngỏ khi chiến gondola của Corradino ghé vào – một cánh bị tháo ra một phần và bị đẽo xuống làm củi. Những gian phòng khách lớn trống trơn; của cải bị cướp sạch, những tấm trướng lộng lẫy bị chuột gặm hay bị xé xuống. Không còn tôi tớ nào ở lại, và khi Corradino bước lên những bậc thềm đổ nát, chàng bắt đầu đoán hiểu tại sao.
Mùi xú uế trong căn phòng bệnh mang mật xộc vào cổ họng Corradino. Nằm quằn quại trên giường là Nunzio dei Vescovi, co quắp trong tấm chăn phủ giường ghê tởm của mình, nửa bên mặt của lão bị "male francese" – "căn bệnh Pháp" – ăn hết. Bệnh giang mai. Người đàn ông đang hấp hổi. Nhưng cái thứ trên giường – đã từng là Hoàng tử - túm lấy Corradino và một hồi lâu Corradino mới hiểu ra. Mặt của Nunzio là miếng thịt dúm dó. Căn bệnh đã ăn hết phần lớn môi của lão, và lão không thể phát âm những âm xuýt và âm bật trong lời nói.
"…ợu." Một bàn tay móng vuốt nhọn hoắt với qua cái bàn đầu giường. Trên đó có một ve rượu và một chiếc cốc nhỏ, đóng bụi một ngụm rượu cũ sền sệt loang dưới đáy. Có Chúa mới biết bao lâu rồi từ khi người đàn ông này được một con người chăm sóc.
Corradino làm dấu thánh giá rồi rót rượu. Một con côn trùng chết rơi vào trong ly, nhưng cái đó dường như chẳng quan trọng. Hoàng tử hấp hối thoi thóp nới lỏng thân mình lên vai, rồi uống, rượu nhỏ giọt như máu từ cái miệng không môi của lão. Corradino biết mình không có nhiều – chàng hỏi câu hỏi duy nhất mình có. "Angelina?"
"…ết."
Corradino quay gót bỏ đi. Chàng đã thấy trước như thế. Chàng sẽ mời một linh mục đến cho Nunzio, nhưng chàng không thể làm gì hơn.
"Trên… ường sanh"
Tiếng thì thào gớm ghiếc dừng chân chàng. Corradino quay lại.
"Có một đứa bé sao?"
"Ở… ietà… ông… ược… ói… ột… ai… anh dự gia ình… ông ai."
Tốt lắm. Hắn có thể ban điều sau chót này. Chàng gật đầu, đồng ý giữ bí mật.
"Thế còn tên đứa bé?"
"… eonora… anin."
Sự mỉa mai tột bực.
Con bé mang tên mình.
Corradino nhìn Nunzio chết, ngay khi kẻ xấu số ấy trút xong gánh nặng trong tim. Chàng không nhỏ giọt lệ nào cho Hoàng tử và chỉ thoáng buồn cho Angelina – chàng đã để tang nàng trong hai năm chàng ở Murano. Và chàng đã không yêu nàng, Corradino chưa hề yêu. Nhưng chàng đi thăm Leonora Manin hai tuổi tại Santa Maria della Pietà và phải lòng lần đầu tiên trong đời mình.
Trên bến San Zaccaria, tại lối vào Quảng trường thánh Mark, có hai cây cột trắng cao. Hai cột nâng cao tượng Thánh Theodore xứ Constantinople và con sư tử có cánh, được thành phố chấp nhận và pha tạp thành Sư tử của thánh Mark. Móng sư tử tì trên một cuốn sách, trên những trang sách có ghi "Pax Marce in Tibia" "Cầu chúc cho Thánh Mark yên nghỉ" – lời chúc hoang đường của Thiên thần khi họ phong Mark là Thánh xứ Venice. Ba cây cột cướp từ xứ Tyre xa xôi để dựng ở đây, nhưng cột thử ba đổ nhào xuống biển trong lúc bốc dỡ, và vẫn còn nằm dưới phá. Vào giây phút Corradino lần đầu tiên nhìn thấy con gái, Hươu cao cổ - gầy gò và mệt mỏi vì cuộc hành trình ba năm khắp những cung điện lớn ở Milan, Genoa và Turin – được đưa lên một con tàu trở về quê nhà. Một đống dây thừng quấn quanh cái cổ dài ngoẵng của nó, chỉ còn hai bước ngắn nữa là tới con tàu sẽ mang nó về lại với kẻ thống trị châu Phi đã đem nó cho miền Bắc mượn. Nhưng những tấm ván dốc thoai thoải lên tàu trong vắt nước mưa; con vật miễn cưỡng bước vào trong nước nhấp nhô. Như cây cột nhiều thế kỷ trước, Hươu cao cổ lao vào phá khi những người điều khiển nó cao chạy xa bay. Chiều cao kinh khủng của nó có nghĩa là người ta có thể nhìn thấy cái đầu thanh cao của nó trên mặt nước, cặp mắt nâu ướt át đảo quanh, cái lưỡi đen thè ra, khi nó nuốt phải nước biển. Đám đông tụ tập kéo mấy sợi dây thừng trơn trượt, nhưng bốn chân lóng ngóng của con vật lại quá vụng về không cứu được và, trong vòng một giờ, Hươu cao cổ chết. Nó chìm xuống đáy phá, trong bình yên tĩnh lặng, trong một cử động duyên dáng sau cùng cái cổ dài và cái đầu nặng chìm xuống tựa lên cây cột mất tích của xứ Tyre.
Chú thích
1 Sử dụng bản dịch của Hồ Thượng Tuy.
2 Paolo Veronese (1528 – 1588): Họa sĩ nổi tiếng người Ý thời Phục hưng.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano