Chương 7: Một Nghề Kỳ Cục
ôi đi tìm giọng nói của cha nhưng tôi không biết phải đi về hướng nào. Tôi bước, tôi đi vòng vòng, tôi như lạc lối giữa mê lộ bằng gương của một ngày lễ lớn dành cho trẻ em. Giọng cha vang lên rồi xa dần, ngày càng xa. Tôi một lần nữa là đứa trẻ lên bốn lang thang trong trung tâm thương mại Belle Épine. Ngày hôm đó, tôi đi theo một dáng người quen quen có cái lưng giống của cha tôi, cũng áo sơ mi ấy, dáng đi ấy, mái tóc màu đen ấy. Rồi bỗng dưng cái lưng bắt đầu nói và quay mặt về phía tôi, tôi điếng người nhận ra rằng tôi đã đi theo một kẻ không quen: Tôi lạc cha rồi.
Sau đó, lớn hơn một chút, tôi lại có lần lạc cha một lần nữa mà tới bây giờ vẫn ghi khắc trong hồi ức của tôi. Lần ấy, cha tới Paris thăm tôi, chúng tôi bước đi trong ma trận của các hành lang tàu điện ngầm, cho đến lúc cha vụt biến mất như bị nuốt chửng bởi biển người tại bến Montparnasse, với hàng nghìn cái lưng giống nhau nhấp nhô như thủy triều lên xuống. Ngày xưa, ở trung tâm thương mại Belle Épine, nữ nhân viên tiếp tân đã thông báo trên loa phóng thanh: “Cháu bé Ðoàn Thùy đang bị lạc cha”. Mười năm sau, chính tôi phải ra quầy vé để yêu cầu người ta thông báo cho cha: “Con gái ông Bùi đang đợi ông”. Trong suốt một tiếng đồng hồ, tôi đi đi lại lại trên thang cuốn, hết xuôi lại ngược, mắt dõi tìm cha ở tất cả các lối ra vào. Tôi sẽ chẳng thể nào tìm thấy cha hôm ấy: cha đã bỏ tôi đứng đấy, đi ra ga và lên tàu từ lâu rồi. Ở trung tâm thương mại Belle Épine, đứa trẻ lên bốn đã hoảng sợ thực sự, nhưng ở bến tàu Montparnasse thì tôi đã lớn hơn và giận điên người. Lo sợ và giận dữ: đó cũng là hai cảm giác siết chặt lấy tôi khi phải đối diện với bệnh mất tiếng nói của cha.
Ngày hôm nay, tôi vẫn giữ nguyên cảm xúc lẫn lộn kỳ lạ đó. Ai vậy, người đàn ông đang ngồi ở ghế bành, giam mình dưới lớp áo giáp của im lặng? Ai đang ẩn náu trong cơ thể bại liệt kia, khối thịt bất động như một nhà tù bị khóa hai vòng liền? Tôi không có câu trả lời. Mắt tôi nhận ra cha, nhưng tai tôi thì không. Tiếng hen suyễn, như từ dưới mồ vang lên, trước đây đi kèm sự hiện diện của cha, giờ đây biến mất. Từ nay trở đi, cha xuất hiện với những tiếng cồm cộp. Ðó là tiếng bước chân xiêu vẹo của cha, của một bên đùi bị liệt mà cha phải kéo lê. Và cả đôi lúc, những âm thanh mà cha phát ra, những âm thanh chúng tôi không sao hiểu nổi. OTE. OTE. Cha muốn nói gì vậy? Cha muốn muối, hạt tiêu, rượu vang, cha muốn ra ngoài, cha đã chán ngấy, cha giận dữ, cha mệt mỏi, cha điên tiết? OTE. OTE, cha bướng bỉnh nhắc lại một cách cáu kỉnh. Và những âm thanh vụng về ấy giống như những thây ma đong đưa trong không khí, những ngôn từ đã chết của cha, những con chim nhớn nhác đâm đầu vào cửa kính và rơi xuống đất như thể bị sét đánh giữa đường bay.
Sự im lặng của cha tôi đã khiến cha trở thành một kẻ hầu như xa lạ với tôi. Tôi không biết gì về cha. Giống như những vật quá gần mà theo thời gian, người bị lão thị không thể nhìn rõ, cha tôi là một khối mờ mờ. Vì ở ngay bên cạnh, nên tôi chẳng chú ý tới cha. Tôi đã tự nhủ thiếu gì lúc để hỏi cha. Về quá khứ của cha, về câu chuyện đời cha. Nhưng cơn tai biến và bệnh mất tiếng nói đến với cha nhanh hơn tôi. Hoặc có thể đây cũng chỉ là một kiểu lý do lý trấu. Tôi đã không dám, hay không cố gắng, đặt các câu hỏi cho cha. Như lúc nào cũng thế, cứ đối diện với cha mẹ là tôi lại ngậm miệng.
Vậy mà, những công việc ấy không phải là nghề của chính tôi hay sao? Ðặt câu hỏi, kể chuyện những người khác, điều tra. Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Ðó là những việc tối thiểu của nghề báo. Nhưng bốn câu hỏi đó về cha thì tôi lại không thể trả lời.
Một cảm giác xưa cũ quen thuộc bỗng chiếm lĩnh tôi, như một con thú bông sờn rách đồ chơi trẻ con mà người ta để lăn lóc trên giường của người lớn: Cảm giác phỉnh phờ. Cảm giác chung của nhiều đứa trẻ con cái nhà di dân. Do cứ cố đương đầu với căn cước của mình – khối rubic nan giải – mà chúng tôi, những đứa trẻ ấy, đã học được cách tự xoay. Ra ngoài đường, chúng tôi to giọng đối đáp, chúng tôi ra vẻ Tây hơn cả người Tây. Ở nhà, chúng tôi lại quay về làm những đứa trẻ ngoan ngoãn, im lặng bảo sao nghe vậy. Luôn với cảm giác là không lúc nào được ở đúng chỗ của mình.
Nghề của tôi là nhà báo nhưng đến hôm nay tôi vẫn thấy điều ấy khó tin: Cái nghề này không dành cho tôi, một đứa trẻ có nguồn gốc di dân. Cùng một lúc, tôi vừa sững sờ, vừa mừng vui khi lần đầu tiên nhìn thấy tên mình dưới một bài báo. Ôi, tôi viết hẳn cho một tờ báo! Tôi, người chưa từng đọc Le Monde[21]! Thế đấy, tôi nói dối, chỗ này, chỗ kia. Tôi xây dựng mình thành một nhân vật. Tôi khiến người ta tin rằng tôi đã tốt nghiệp trường báo chí. Lúc được nhận vào tờ L’Obs[22], tôi giả vờ nói với các đồng nghiệp ở đấy là cha mẹ tôi đặt báo này dài hạn từ lâu rồi và tôi giấu nhẹm rằng họ đã bầu cho Chirac, bởi đó là một chi tiết có vẻ sẽ không được đánh giá cao trong một tờ báo thiên tả. Tôi kể với các đồng nghiệp rằng tôi từng mơ ước trở thành phóng viên như Tintin[23], nhưng trong thực tế, tôi chưa bao giờ hình dung mình là Tintin mà là Tchang[24], cậu bé Hoa kiều.
Tôi đâu dễ bị lừa, trước đây cũng không, mà giờ đây cũng không. Ðôi lúc, người ta giới thiệu tôi là ký giả có hạng, tôi muốn phá lên cười. Tự trong lòng mình, tôi biết. Công việc này không dành cho tôi. Và câu nói này, mà tôi vẫn nghe thấy mỗi khi đi làm tin ở các khu dân cư “có vấn đề”, thường vang lên cùng những lời nói của mẹ tôi.
“Truyền thông ấy à? Toàn lũ phét lác! Nói cho cùng, nhà báo chỉ toàn bọn Tây thôi!!!”. Nhà báo: cha mẹ tôi chưa bao giờ lên kế hoạch cho tôi làm nghề này. Giống như tất cả người Việt, họ hình dung tôi sẽ là bác sĩ, kỹ sư, nha sĩ. Quan lộ tuyệt vời! Lớp dự bị đại học! Ban tự nhiên! Ðại học Bách khoa! Buổi tối, chín nhừ trong bồn tắm nước nóng như đun sôi – giây phút thư giãn duy nhất trong ngày của mình – mẹ tôi nghiến ngấu những cuốn sách có tựa đề đầy ý nghĩa: “Làm thế nào để có những đứa con siêu giỏi?”, “Con trai của mẹ, con sẽ trở thành tổng thống!”, “Những bí mật của tầng lớp thượng lưu Pháp”, “Cẩm nang về giới tinh hoa”… Những cuốn sách phồng rộp hơi nước và quăn góc ấy, mẹ vứt khắp nơi, trong bếp, trong buồng tắm, bên cạnh các chương trình vô tuyến và tạp chí làm vườn: Cả cha lẫn mẹ đều yêu vườn của họ ở Le Mans.
Ở Việt Nam, quan lộ là con đường tuyệt vời nhất. Những người có bằng cấp cao được coi như những thánh nhân. Trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám tại Hà Nội, người ta vinh danh các tiến sĩ, khắc tên họ lên bia đá muôn đời. Bị xâm lược, tấn công, đô hộ, giày xéo bởi chiến tranh, Việt Nam vẫn là vương quốc của các thi sĩ, nơi các học giả tiếp tục nghiên cứu về thơ và các nhà thơ tiếp tục gieo vần. Ở đất nước này, bất kỳ lúc nào rảnh rỗi là người ta lại hí hoáy làm thơ và viết nhạc mà các chủ đề muôn thuở là Hà Nội mùa thu, gió vờn lá, bướm vờn hoa, sen khoe sắc cùng mây và nước.
Lần đầu đi thăm Văn Miếu, tôi choáng váng nhận thấy tên của em trai tôi được viết hầu hết trên các đồ lưu niệm mà những người bán rong bày ở lối vào. “Ðể các sĩ tử cầu may”, người ta bảo tôi thế. Cái tên Ðăng Khoa của em tôi hóa ra có nghĩa là: Ðỗ đạt.
Ðỗ đạt! Cha mẹ tôi chỉ rung động bởi các bằng cấp, danh vọng, phần thưởng. Thu thập bằng cấp là một cách trả nỗi hận phải rời xa quê hương bản xứ. Ðỗ đạt! Con cái leo lên những bậc thang xã hội cao nhất, con cái sẽ trở thành phương tiện để họ phục thù. Và họ sẽ làm mọi thứ để đạt được mục đích ấy.
Ở Le Mans, cha mẹ tôi cho chúng tôi đi học ở trường tiểu học Thiên Chúa giáo có uy tín nhất thành phố. Trong sân nhỏ dẫn đến căng-tin, tôi lo sợ khi nhìn thấy khuôn mặt thờ ơ của Ðức mẹ Ðồng trinh, một bức tượng đã tróc sơn, trông như đi thẳng ra từ một bộ phim kinh sợ. Hàng ngày tôi đọc kinh Cha của chúng con, tôi đi dự lễ mi-xa, tôi là học sinh giỏi nhất của lớp học giáo lý Cơ đốc, tôi mơ được làm lễ ban thánh thể và được cái vinh hạnh này: Ăn thân thể của Giê-su[25]. Ở trường học, nữ sinh mặc áo cổ lá sen, nam sinh mặc quần soóc màu xanh dương, những học sinh có đông anh chị em cùng học một trường như gia đình chúng tôi cũng khá nhiều, nhưng so với chúng nó vừa sạch vừa đẹp, thì chúng tôi quả là lệch, với những chiếc quần luồn chun may bằng vải jean được mua ở siêu thị Auchan. Chúng tôi là những kiều dân duy nhất.
Chúng tôi là những người Á châu đầu tiên đến sống ở Le Mans, thật là kỳ cục vì tất cả những người Việt mà chúng tôi quen đều sống ở các thành phố nhỏ ngoại ô Paris như Antony, Créteil, Villejuif. Ở Le Mans, chúng tôi không thoát khỏi cảnh bị soi mói. Nếu người ta trêu chọc các con, các con hãy bảo là trong quả trứng, màu vàng[26] quý hơn màu trắng nhé, các con nhớ không? Có ạ, màu vàng quý nhất cha ạ, mẹ ạ.
Ðương nhiên sự hiện diện của chúng tôi đập vào mắt người ta. Chúng tôi là lũ con nhà Bùi mắt xếch, lũ con nhà Bùi học nhảy lớp và cực giỏi toán, bởi vì cái đó nằm trong gien di truyền Á châu. Em là người Á? Tôi cá là em và anh chị em của em đều học rất giỏi! Em là người Á? Chẳng có gì phải phàn nàn, người Á học như bổ củi, như kiến tha mồi.
Chúng tôi vừa kỳ cục – da vàng mũi tẹt – vừa đáng thương. Lúc đó, các hiệp hội nhân đạo đang quan tâm tới công cuộc cứu giúp thuyền nhân. Trên chiếc thang của bất hạnh, chúng tôi gần ngang hàng với trẻ em Ethiopy đang chết đói, mặc dù chúng tôi sinh ra ở Pháp và cha mẹ chúng tôi đã tới Pháp bằng máy bay.
Năm lớp Một, năm chị em chúng tôi đều đoạt giải “bạn học đáng mến nhất” của lớp dù trước đó tôi đã cắn thằng Jean cùng lớp suýt chảy máu, vì nó đã nói một câu khiến tôi nổi điên và chuyện này chứng tỏ giữa nó và tôi làm gì có tình bạn tình biếc gì. Giải này – chiến thắng mà sau đấy tôi không bao giờ đòi vì liên tục bị loại trong các cuộc bình bầu đại biểu lớp và sau đó, cũng thất bại trong việc khiến tôi được các bạn cùng lớp chấp nhận vào danh sách những người bạn thân thiện, dễ thương – không phải bỗng dưng mà người ta trao cho tôi. Giờ đây tôi ngờ rằng đó là một hành động bố thí của người theo đạo Cơ đốc. Nếu cha tôi là bác sĩ, thì chị em chúng tôi vẫn chỉ là di dân tuy được xếp vào loại có địa vị: “Lũ trẻ nhà Bùi hòa nhập rất tốt vào xã hội Pháp. Người Á châu không bao giờ gây rắc rối cả”.
Rất nhanh chóng, cha mẹ tôi hun đúc một niềm tin. Chỉ đỗ vào hai trường đại học lớn là Bách khoa hay Hành chính Quốc gia, để trở thành tổng thống hay ít ra là bộ trưởng, thì cuộc sống mới đáng sống mà thôi. Mẹ tôi thành kính mua những cuốn sách toán tù mà tù mù để chị em chúng tôi “thấm nhuần” các phương trình và tích phân. Mẹ còn tận tụy tới mức bỏ các bài giảng vật lý, hóa học, đại số của chúng tôi ra đọc mặc dù không hiểu mấy, nhưng với một niềm tin tuyệt vời. Cha tôi thì làm mặt lạnh như tiền mỗi khi điểm của chúng tôi ít hơn 18/20, sự im lặng của cha còn đáng sợ hơn tất cả mọi sỉ nhục trên đời. “Cha làm việc vất vả thế mà các con lại trả ơn cha như vậy đó!”, mẹ tôi nói thay cha.
Luật sư, nhà báo, chuyên gia truyền thông? Tất cả những nghề huyên thuyên này chỉ khơi dậy trong cha mẹ tôi sự khinh bỉ lớn lao. Họ mơ ngày mơ đêm là tôi sẽ đỗ vào trường Hành chính Quốc gia hoặc mặc quân phục tham gia vào đêm hội của trường Bách khoa. Giá như tôi viết báo về những nhân vật VIP hoặc phỏng vấn các tổng thống, hoặc ít ra là các ngôi sao nhạc nhẹ trên bìa chương trình vô tuyến mà cha mẹ tôi đặt dài hạn. Nhưng tôi lại không làm thế. Tôi chỉ quan tâm tới những con người bình thường, như các bạn và tôi, thậm chí còn kém cỏi hơn: những người di dân.
“Chuyện di dân thì ai người ta màng, con cứ tưởng là người ta thích thôi, con biết thừa rằng bọn Tây ớn di dân đến tận cổ, bọn chúng coi khinh mình, mà con đã đọc các bình luận dưới bài báo của con chưa?”. Có chứ, tôi đọc, lần nào tôi cũng biết rằng chúng sẽ khiến tôi phát điên, nhưng tôi vẫn đọc.
Francis35: Bà Bùi ơi, bà không thấy chán khóc nhè hay sao, cánh tả, văn nghệ sĩ hâm đơ, polically correct, ối bà làm tôi phát buồn nôn.
Loulou32: Nếu bà khoái thuyền nhân Phi châu thì cứ việc rước họ về nhà.
Crodat3480: Ðáng tiếc nhưng tôi không khóc đâu, vì nếu họ chết thì cũng bớt đông đi chứ chúng ta không thể đem hết cái nghèo của cả thế giới về đây.
Nhưng tôi vẫn thế. Tiếp tục là nhà báo. Tôi từng thường xuyên được nhắc nhở rằng không nên đặt quá nhiều câu hỏi. Nhưng tôi đã làm ngược lại. Tôi chống lại bản chất con người tôi, tôi học cách làm phiền người khác, tấn công qua điện thoại, ngay ngoài đường, nhờ bất kỳ ai để làm đến tận cùng một cuộc điều tra hay phóng sự, gõ cửa những nhà không quen, cho dù tôi đã được dạy dỗ từ nhỏ là phải kín đáo, lịch sự, ý tứ, và “biết thân biết phận”. Tôi không ngần ngại đặt các câu hỏi. Tôi đào xới những chuyện riêng tư, những điều không ai dám nói. Những người không quen đã tìm tới tôi để kể lể tâm tình. Giống như linh mục trong buổi xưng tội, bác sĩ tâm lý hay bồi bàn, nhà báo cũng có tác dụng như một kho chứa tất cả những ngôn từ chưa từng được phát biểu thành lời.
Trong suốt thời gian ấy, tầm nhìn của tôi không vượt quá đầu mũi. Tôi như con ruồi vo ve và đập vào cửa kính. Tôi bay vòng vòng, sốt ruột và ì ạch. Cho tới ngày tôi chợt nhận ra rằng tôi đã quẩn quanh mãi một chủ đề. Giống như cái hình lò xo mà người ta vẽ không ngừng trên cát: Trong suốt năm tháng ấy, tôi đi tìm giữa những kẻ không quen giọng nói của một người duy nhất. Cha tôi.
Tôi đã gặp những người phụ nữ Hoa kiều đến làm việc trong một nhà máy ở tận đầu kia của vùng Moldavia, lại gặp những người phụ nữ Rumania tha hương sang Andalousia để hái dâu tây, những người Senegal đang hy vọng tới bờ biển Tây Ban Nha khi mà bạn bè của họ đã chết đuối ở Ðịa Trung Hải, những người Afganistan cố vượt sông Evros ở Hy Lạp. Tôi thấy bình minh mọc trên bãi biển Kos hoặc Lampedusa, và những gia đình người Syria đến đây bằng thuyền cao su, lom khom trong những tấm chăn cứu hộ rồi chụp một tấm selfie hòng biến thành bất tử giây phút bấy lâu mong đợi: giây phút được đặt chân tới châu Âu. Nhưng tôi chưa bao giờ hỏi cha tôi rằng hình ảnh đầu tiên về nước Pháp mà ông có được lúc đặt chân tới đây vào năm 19 tuổi. Lúc đó là mùa đông. Khi còn ở Việt Nam, cha không biết mùa đông là gì.
Tôi nói chuyện với những người bố, người mẹ, trẻ em, Pháp kiều ở Bắc Phi, lính Pháp ở nước ngoài, kiều dân Algéria, Rumania, Kurd, Ấn Ðộ, gợi lại nỗi đau tha hương của toàn nhân loại, về trái tim bị chia đôi giữa quê cũ và quê mới. Nhưng tôi không biết gì về vết thương của cha tôi, một kẻ cũng từng phải dứt áo ra đi.
Khi còn đi học, tôi thích nghiên cứu lịch sử trong sách giáo khoa. Một chuỗi các triều đại, Carolinge, Mérovinge, Capet, vẻ đẹp hoành tráng toát ra từ những bộ gia phả của các ông hoàng, bà chúa, cách mạng 1789, Thế chiến thứ nhất, đặc biệt là Thế chiến thứ hai đã thu hút rất nhiều sự chú ý của tôi và em trai tôi: Nó tỉ mỉ dựng lại tất cả các trận địa, còn tôi thì tra cứu tất cả các chiến sự, mê mải hình dung rằng các ông bà cụ kị của bọn bạn cùng lớp đã sống vào thời kỳ ấy, thời kỳ mà các sách giáo khoa đã nói tới. Nhưng tôi không biết gì về lịch sử Việt Nam, cũng như lịch sử gia đình tôi.
Tôi đã chẳng quan tâm đến nó. Tôi thích các gia đình khác hơn. Với tôi, những gia đình gốc Pháp một trăm phần trăm thật tuyệt vời và huyền bí, với những gia phả cành lá ngoằn ngoèo, những chùm tên vang lên đầy vinh quang, những ngôi làng, những nghĩa trang, những hầm rượu, nhà thờ và cây thánh giá, những nhà nghỉ ở thôn quê có các ngăn tủ bằng gỗ sồi khúc, chất đầy đồ thêu, đồ đăng-ten và váy dài màu trắng đã dùng qua biết bao lễ ban thánh thể, những rương hòm chật căng các món đồ chơi cũ kỹ, những tầng áp mái không đặt chân vào nổi vì các kỷ vật, chiếc xe đẩy cổ, con ngựa gỗ, những chồng tạp chí cũ, các tác phẩm bám đầy bụi từ thế kỷ trước.
Những con người “quý tộc” đó đã thêu dệt trí tưởng tượng nơi tôi, bằng một cái họ danh giá và mối liên hệ được cho là với các ông hoàng, bà chúa trong những cuốn sách lịch sử mà tôi đọc. Tôi ngấu nghiến Hồi ký của Saint-Simon và phân tích chi tiết gia phả của hoàng thân và công tước các loại. Tôi phát cuồng vì nữ công tước Guermantes trong tiểu thuyết Ði tìm thời gian đã mất[27] (và coi thường bà Verdurin bình dân). Tôi nghiền ngẫm một cách sung sướng tập truyện của nữ bá tước De Ségur[28], mơ về vải pô-pơ-lin, vải trúc bâu và búp bê sáp. Tôi say mê các tiểu thuyết địa phương, các saga thoang thoảng mùi phân mùn, ngơ ngẩn trước bộ môn địa lý về những tên người và các vùng đất, tất cả đều đặc Pháp như Henri Bosco[29], Henri Troyat[30], Georges Duhamel[31], Ngài trưởng khế thành Havre[32], Gia đình nhà Thibault[33]. Ðó là những câu chuyện lịch sử. Những câu chuyện có thật.
Trong con mắt tôi, gia đình tôi dường như trống rỗng, không gốc rễ, không quá khứ, không địa điểm để có thể đóng đinh lên bản đồ. Một lâu đài bằng cát. Không kỷ niệm, không gia tài cho con cháu, không có những bức thư trên giấy úa vàng hay những cuốn sách long gáy vì đã được bỏ ra đọc quá nhiều, không có lịch sử, mà cũng chẳng có chuyện để kể, chỉ mỗi ngôi nhà mới tinh ở ngoại ô, tường thạch cao, sàn đá hoa lạnh lẽo, ông Phật bằng giấy vàng chóe quê mùa, những bức tranh có chữ Tàu và những bộ lịch tường của siêu thị Á châu Tang Frères.
“Mẹ là mẹ ghét nhà cổ lắm, mẹ thích nhà mới”, mẹ tôi nhắc đi nhắc lại. Như thể chúng tôi là những tấm bảng đen mà người ta có thể viết lên rồi xóa đi, như thể tất cả đều bắt đầu từ đó, từ siêu thị Leclerc của thành phố Le Mans và những tòa nhà cao tầng của khu chung cư Olympiades[34], tất cả giữa mênh mông bê-tông xấu xí. Cha mẹ tôi thích những khu nhà chia lô theo kiểu Mỹ, giống nhau đến chóng mặt và muôn đời vẫn mới, với những lối đi rải nhựa phẳng lì và sạch bong, những thùng rác xếp hàng thẳng tắp như duyệt binh, những hình vuông nuôi cỏ cắt tỉa phẳng lì, những chậu hoa trồng sẵn mang ở cửa hàng về, và xa hơn một chút, góc bùng binh là siêu thị khổng lồ nơi có chỗ để xe hơi. Chìm nghỉm giữa những kệ hàng, chất đầy các xe đẩy, đó là hạnh phúc. Cuộc sống, cuộc sống thật là đây, đúng như quảng cáo của siêu thị Auchan.
Tôi đã nhìn mãi vào gia đình mình mà không tìm thấy gì. Không thấy gì cho đôi mắt như mù của tôi. Giờ đây, tôi nghĩ tới cha trong ngôi nhà của ông ở Coulaines, ngoại ô thành phố Le Mans. Hẳn cha đang ngồi xem chương trình Planète, như mọi khi. Cha thích phim tài liệu về các chuyến du hành. Nhất là khi chúng nói về châu Á. Cha hình dung không khí nóng ẩm của nơi ấy. Tiếng mưa lộp bộp trên mái tôn lượn sóng. Ðặc biệt là mùi. Những mùi thơm nức mũi bay lẫn trong khói chiều. Hoa giấy, hoa bưởi, hoa gạo. Mít và sầu riêng lúc lỉu từng chùm tỏa hương ngạt thở. Những khúc ca rầu rĩ và kỳ lạ của những người bán hàng rong đang rao bán phở sáng hoặc nước mía. Những khu chợ đầy ắp hoa quả, cá khô và đậu phụ dưới trăm vẻ khác nhau, những con côn trùng bí hiểm, những thứ rau thơm không có tên trong tiếng Pháp. Ở ngoại ô của thành phố Le Mans nơi cha mẹ tôi sống hiện nay, tất cả đều sạch sẽ. Những kệ hàng của siêu thị Leclerc sáng loáng và trên sàn, chiếc xe mua hàng và xe đẩy dành cho người tàn tật của cha lướt nhẹ như một đám mây. Nhưng không tạo cảm giác gì hết.
Tôi không biết cha tôi là ai. Tôi đối diện với một bóng hình đang nhảy nhót và run rẩy phản chiếu trên mặt nước, tôi thử tóm lấy nó, nhúng tay vào nước, nhưng nó tan như hàng nghìn mảnh vỡ của giấc mơ buổi sáng. Tuy cha ở đó, ngay cạnh tôi. Mà không sao chạm được.
Ðã đến lúc phải làm sáng tỏ, cởi bỏ bộ quần áo của “con gái ông…” và khoác lên người bộ trang phục của một nhà báo. Tìm lại những suy ngẫm của tôi: Thu thập tài liệu, điều tra, đặt các câu hỏi. Không lui được nữa rồi. Cuốn truyện này sẽ là chân dung của một người mà tôi không quen. Cha tôi.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng