Chương 7
ừa đẩy cửa vào phòng khách nhà Nhân, Khải đã kêu bằng một giọng bỡn cợt:
- Thế này thì chịu các anh hùng thật!... Mình lại cứ tưởng là có việc gì...
- Vờ mãi! - Nhân cười, phô ra một hàm răng mái hiên, kẽ rỉ đen vì khói thuốc - hàng "răng bút chì" theo cách gọi của các bạn chàng - Chúng mình, thử hỏi còn có thể có việc gì hơn là cái việc này nữa?
Mạnh ngồi dậy để nhường cái chỗ danh dự bên trái khay đèn cho Khải.
- Nằm đây... Sao chậm thế?
- Merci... à, tại lúc tôi ra cửa, tôi bị ngay ông Thanh ông ấy xoắn lấy mãi...
- Thanh nào?
- Thanh chủ điền ấy mà...
Nhân giơ ngón trỏ bàn tay phải lên trước mặt:
- Tao dám cuộc: Thằng ấy thể nào cũng chỉ nói về vụ kiện giữa nó với dân làng Yếng...
- Đúng đấy!
- Biết ngay mà! Thằng ấy thực là một người sinh ra chỉ để đi kiện. Y như Les Plaideurs của Moliere!
- Mà kiện với cáo thì có ăn thua cái con chó gì bao giờ cho nó cam! - Xuân, đã gần xong cái tẩu, xoay mình nằm xuống chiếu, bên phải khay đèn, và lẩm bẩm - Ông cho cứ tong cả cái gia tài mấy ngàn bạc ấy đi thì lại ăn mày sớm!...
- Cho nó tong đi là phải! - Nhân khoanh tay ôm lấy gối - Cái thứ của bóp hầu bóp cổ người ta, để làm gì!
Khải cười:
- Hai anh hình như ghét Thanh lắm thì phải?
- Nào chúng tôi có ghét gì nó; nhưng ai mà chịu được những đứa cứ ỷ tiền ỷ của đi ăn hiếp người ta ấy!
- Các anh thử dịch địa vị là nó, xem các anh có làm như nó không?
Nhân đáp:
- Anh nói cũng có lẽ... Song cái này là một chuyện khác!
- Ai lại... - Xuân tiếp theo bằng một giọng tức giận - Nó lấy không của người ta hàng trăm mẫu ruộng mà nó vẫn chưa bằng lòng cứ nhất định nay toan cướp chỗ này, mai lập mưu chiếm chỗ kia! Rồi thì là gây ra kiện tụng, đem tiền đổ vào những lỗ hà lỗ hổng một cách không những vô ích mà còn ngu xuẩn nữa. Tôi đã nhiều lần khuyên bảo nó rằng cái thời giờ và cái số tiền đem đi kiện ấy thà dùng vào sự ăn mặc, thì ít ra cũng còn được ích lợi cho bản thân nó... Xuân quay đầu dọc tẩu về phía Khải - À toi, điếu sái nhất... danh dự!...
Khải từ chối:
- Thôi, mời các anh!... Đệ xin chịu cái danh dự giết người ấy!...
- Khéo vẽ cái con khỉ! Hút đi, kẻo nguội... - Xuân trở lại câu chuyện nói dở về Thanh. - Mình bảo, nó có thèm nghe đâu!... Cứ kiện mãi kia, đến nỗi ngôi nhà tây hai tầng đã bán rồi!... Chàng lườm Khải: - Giật thánh thế mà lại cứ làm bộ!...
Trang từ nãy vẫn ngồi rung đùi, bỗng gật gù nói qua một nụ cười xám xịt:
- Nói đến Thanh, moi lại nhớ đến một truyện cổ tích - hình như cổ tích Nga thì phải... Nguyên một hôm, ở một làng kia có việc phát mại công điền...
Nhân phá đám:
- Thì cứ nói có việc bán ruộng công cho rảnh, lại còn vẽ phát mại phát miệc lôi thôi lắm!
Mạnh cau lông mày, gạt Nhân:
- Để cho nó nói nào!... Gì nữa, Trang?
- Theo tục lệ chỗ ấy, số tiền chính phủ cần lấy là bao nhiêu đã niêm yết sẵn, và các người mua cứ việc chia đều nhau mà nộp... Nhưng, không phải mỗi người sẽ được một phần đất ngang với phần của các người kia đâu; nó sẽ tùy theo sức chạy của mỗi người...
- Thế là thế nào? Mạnh hỏi.
- Thế này nhé: ví dụ anh, Khải, Nhân, Xuân và tôi, chúng ta cả thảy sáu người mua đất, số tiền mà chính phủ định lấy là sáu chục, vậy mỗi người trong chúng ta phải nộp mười đồng...
- Hiểu rồi!
- Sau khi đã nộp tiền, chúng ta bắt đầu xếp thành hàng chữ nhất mà chạy thi, anh nào định lấy chỗ nào thì cứ phía ấy mà chạy. Cuộc chạy bao giờ cũng khởi từ lúc mặt trời mọc và chúng ta phải lộn về chỗ đứng trước khi mặt trời khuất núi. Khoảng đất của ai chạy được bao nhiêu là phần của người ấy.
Nhân bình phẩm:
- Như thế kể cũng lạ thực. Là bởi, nếu trong bọn mua đất, có một ông culi bun bút, ông ấy tất nhiên chiếm phần to hơn cả!
- Trong số các người mua đất hôm ấy, có một anh trọc phú quá tham lam. Anh ta cắm đầu cắm cổ chạy một hơi, đến lúc trông lên thì mặt trời đã xế. Hoảng kinh, anh ta vội quay trở lại, và gắng sức chạy nhanh hơn lượt đi, bởi nếu mặt trời lặn rồi mà anh ta chưa về tới chỗ thì số tiền bỏ ra sẽ mất sạch. Anh ta mệt lắm; hai lỗ tai đã bắt đầu có tiếng kêu lùng bùng, hai đầu gối đã chỉ muốn sụn xuống. Mặc! Số tiền ký cuộc đáng tiếc biết bao nhiêu! Nghĩ thế, anh trọc phú cứ mím môi chạy riết. Đích kia rồi! Chỉ còn độ trăm bước nữa... cố lên!... Nhưng một cái vấp thình lình làm anh ta ngã chúi và... hết thở! Bọn phu đào mộ, lúc khai huyệt để chôn anh ta, đã nói một câu, thay lời ai điếu: "Mẹ kiếp, tham cho lắm vào, giờ chỉ một thước đất công cũng phải chịu lấy làm đủ!".
- Câu chuyện hay đấy!...
Nhân ngắt lời Mạnh như để trả thù:
- Kể hay thì còn chán vạn sự tích hay hơn thế, nhưng thằng người vẫn chỉ là thằng người, nghĩa là nó cứ ghen ghét, tham lam và độc ác.
- Không phải là thằng người không thể rứt bỏ được các thói xấu ấy. Ta hãy làm cách nào cho các thói xấu ấy đừng có dịp phát sinh trong lòng ta nữa, đó chính là cái điều cần thiết mà ai cũng phải làm ngay từ bây giờ... Kìa, các anh hút đi chứ? Tôi đủ rồi.
- Sợ nghiện phỏng?... Thế thì moi... hy... hy. - Trang vừa nói vừa vơ lấy đầu dọc... kéo một hơi thẳng - Nghiện đã làm sao chưa?
Xuân bật cười:
- Cứ bảo điên mãi! Điên ăn người đấy...
- Không, moi có điên bao giờ! Moi chỉ hơi loạn óc một chút... là bởi, những quân malhonnêtes chúng nó cứ dùng ondes sonores mà hại moi, thế thôi... - Trang vỗ vỗ lên trán - Ấy đấy, moi lại nói nhảm rồi!...
- Nói thế mà gọi là nói nhảm!
Khải rỉ tai Mạnh:
- Trang nó điên thực à?
- Ừ...
- Tại sao thế?
- Tôi cũng không rõ... Nghe đâu thằng Trung với nó, cả hai cùng dạy ở trường Hà Giang, đã vì quyền lợi mà đâm ra thù hằn rồi hại nhau. Kết cục: thằng này bị thải vì loạn óc...
- Còn thằng kia?
- Chết bởi ho lao!
Khải thở dài:
- Rõ thế mới thực khốn nạn...
- Khốn nạn thật! Mà ông trời cũng gần quá! Các toi thử tính: Cả nhà moi trông vào có một mình moi, vậy mà nó nỡ hại moi, nó làm cho moi đến phát rồ, đến hỏng cả một đời!...
Nhân vờ gắt:
- Thôi, nói chuyện khác!... Hãy để yên cái bệnh loạn óc của mày đấy... - Chàng quay sang phía Khải - đừng cho nó nói nữa. Tao nghiệm hễ nó nói nhiều là cơn mê sảng của nó lại nổi lên ngay...
Mạnh lẩm bẩm:
- Tôi lấy làm lạ quá! Nhiều lúc, như lúc nó kể chuyện cổ tích vừa rồi, thực không ai dám bảo nó điên...
- Có gì lạ! - Khải giảng - Lắm người điên sáng suốt gấp mười người thường, và trái lại. Nếu anh đọc cuốn sách La raison chez les fous et la folie chez les gens raisonnables, của một ông bác sĩ nào đó, anh sẽ đâm hoảng, và phân vân không dám chắc anh có điên hay không điên.
Trang bỗng nghiêng nghiêng cái đầu, như lắng nghe một tiếng bí mật nào đó:
- Ah! Voilà... Các anh nghe rõ cả đấy chứ?
Nhân cau có:
- Lại sắp giở trò đấy!...
- Không, thật mà lại... Chúng nó đương hò reo ngoài kia thôi!... Các ống nói đương ầm ầm cả lên, y hệt pick up ở các hiệu thuốc bắc đấy...
- Không có gì đâu. - Khải bảo Trang bằng một giọng ái ngại - Anh nhầm to rồi! Anh hãy tin lời tôi, rằng không có gì hết cả.
- Toi nói dối! Rõ ràng chúng ta đương nói tục... Moi ngồi đâu, chúng nó cũng mắc ống têlêphone ở đấy; đêm đến nhiều khi chúng nó mắc ngay trên đình màn moa, làm cho moa không sao ngủ được.
Xuân vừa nhả khói, do điếu sái chàng vừa hút xong, vừa cảu nhảu:
- Thằng này khỉ lắm! Tất cả anh em đây, chẳng nhẽ ai cũng nói dối mày hay sao? Đã bảo không có gì thì lại cứ khăng khăng mãi... Mày càng tin như vậy, ông cho bệnh điên của mày càng nặng thêm cho mà xem!
- Xuân, độ này, xem ý cắm cảu tệ...
- Mày có biết tại sao không? - Nhân hỏi Khải, và cắt nghĩa luôn - Lúy gia na bệt di phăm; lúy gia na mả dê phăm tú lớp; lúy vén gia na ông via phe mồ; gia na bố cu nợ; gia na ba lạc dong phe ro... ro! Lúy ba công tắng!...
Mọi người cùng bật cười, về cái liến láu của cặp môi mỏng xoét hơn là về những câu Nhân nói. Anh chàng này nói tiếp:
- Nhưng chưa thấm! Bao giờ đầu gối quá tai, ngồi kẹo kọt hàng trống canh không được tí sái sảm nào, bấy giờ mới là lúc cho ra các thứ hờn mát và các thứ đồng cô bóng cậu!...
Xuân tủm tỉm:
- Chưa biết chừng thằng nào bẹp trước thằng nào!
Mạnh buông thõng:
- Lo lại không cứ khắp lượt!
- Sống cái đời của chúng mình, - Trang rung đùi và kết luận - theo ý tao, tức là đi vào một trong hai con đường...
Mạnh hỏi:
- Những con đường nào?
- Một con đường từ nhà đến trường học, từ trường học đến công sở, rồi từ công sở ra nghĩa địa; còn một đường bắt đầu từ gia đình tới muôn ngàn cái bất đắc chí nó xô vào tiệm hút!
- Bi đát thật! - Xuân gắn đãi sái vào nhĩ tẩu rồi hút -... Hừ, cái đời của mỗi thằng trong bọn ta có thể nói là một tấn kịch thương tâm...
Nhân giễu:
- No say rồi là làm văn chương đấy!
- Nói bằng thực chứ lại!... Này, thằng Trang thì hiện sống cũng như chết nhé... Thằng Khải, tuy có đôi chút thỏa mãn về tinh thần...
Khải lắc đầu:
- Chưa chắc!
- Thì hãy cứ tạm cho là thế!... Nhưng lại cũng cứ nghèo khổ suốt đời nhé. Thằng Nhân xoay đủ tam khoanh tứ đốm, hết nghề thầy cò lại đến nghề gõ đầu trẻ, mà vẫn thất điên bát đảo. Tao thì hết vợ chết đến cưới vợ...
- Ai bảo mày cưới?
- Cái thằng Mạnh này mù chắc? Mày không thấy bà mẫu tao làm tình làm tội tao về cái việc cưới dâu chạy tang bố chồng đấy ư!... Sau cùng đến bố tao về chầu Phật... Thôi thì nợ cứ như chúa Chổm, không biết đến kiếp nào tao mới gỡ xong.
Nhân chêm:
- Trong khi ấy thì có thằng cứ quăng tiền ra cửa sổ.
- Thế mới chó! - Xuân tiếp - Bọn mình duy thằng Mạnh là còn dễ thở...
- Ôi chao! Chẳng qua trong đom đóm, ngoài bó đuốc thế đấy thôi, chứ nước mẹ gì... Chúng mày xem nhé: lương tao mỗi tháng năm mươi đồng, bổng ngoại độ ngần ấy nữa, vị chi là trăm bạc. Trăm bạc, chúng mày tưởng to lắm sao? Tao hãy tính phát qua cái số chi cho mà nghe: tiền thuê nhà ấy đã mất tám đồng; hai đồng bạc điện là mười; hai đồng thợ giặt, bốn đồng nước, gạo năm miệng ăn và cứ giá chợ lúc này độ ngót ba chục. Ấy là chưa kể thịt thà, rau cỏ, quần áo, thuốc men, và sự thù tiếp chúng bạn!... Mạnh ngừng nói để rít một hơi thuốc lào, đoạn chép miệng: - Chẳng những thế, cái đời cạo giấy còn nhiều nông nỗi đáng chán không biết chừng nào! Nó bằng phẳng quá, nó lặng lẽ quá! Quanh năm suốt tháng, không một thay đổi, không chút mới lạ; người ta làm việc như một cái máy, thế thôi!...
Khải chán chường:
- Chẳng cứ một nghề cạo giấy! Nghề nào cũng có chỗ đáng chán và những cái khốn nạn của nó, một khi sự làm việc cứ chỉ là một bất đắc dĩ do cái cần dùng vật chất, và hết thảy cứ phải sống trong cái tình trạng nó bắt buộc người là một con chó sói cho người.
- Khải nói đúng đấy! Cái đời của bất cứ ai, thử hỏi có một ý nghĩa nào khác hơn là hành động bất lương để cầu lợi cho mình bằng cách hại kẻ khác? Ấy là chưa nói sự hành động bất lương ấy thường vị tất đã có được những kết quả như nguyện. Lắm lúc chán quá, tao muốn vứt bố nó cả công việc đấy mà chơi vung một độ rồi chết thì chết!...
Mọi người cười:
- Nói như thằng Nhân cũng được! Nghiện thuốc phiện chẳng qua là một cách chạy trốn cuộc sống, như trăm nghìn cách khác. Chúng mày thử xem: thằng nào múa may quay cuồng mà lại không là để quên sự sống? Thằng thì vơ vét của mồ hôi nước mắt của kẻ khác, thằng thì đi kiện, thằng thì đánh bạc, chơi gái, uống rượu chạy theo hư danh, hoặc rộng tay ra nữa thì làm chính trị, gây chiến tranh. Không có gì là tầm thường, cũng không có gì là quan trọng ráo. Tất cả chỉ là trốn tránh cuộc sống được chừng nào hay chừng nấy, để đừng phải nhìn tận mắt nó, đừng phải băn khoăn vì nó, thế thôi!
Một sự im lặng nặng nề tiếp theo câu Mạnh nói. Và, buồn rầu, Khải tự hỏi: với một tình trạng tinh thần như thế, còn có thể có một tội ác nào mà thanh niên không dám nhúng tay vào.
Trang cất tiếng để phá cái buồn tẻ đè lên cuộc hội họp:
- Các anh thử tưởng tượng cái trận bom do các phi công Đức dội xuống kinh thành Luân Đôn vừa rồi xem?... Từ chập tối đến rạng đông hôm sau... Trời đất!...
Xuân nhỏm dậy:
- Suốt một đêm trời ròng rã như thế, chúng mày thử tính xem bao nhiêu vạn người chết, bao nhiêu vạn người tàn tật, bao nhiêu vạn người phát điên vì hoảng sợ? Ấy là chưa kể các nhà cửa, các trường học, các thư viện, các nhà thương bị tàn phá! Tao cho chúng nó cứ đánh nhau mãi, loài người sẽ không có lịch sử nữa, vì bao nhiêu tài liệu bị thiêu huỷ mất cả...
- Bây giờ sẽ quay trở lại cái thời kỳ dã man, và người ta sẽ sống theo cái luật của cầm thú: con nào mạnh con ấy được!
Trang nối lời Mạnh:
- Cái số vàng bạc hao phí vào chiến tranh có thể dùng để xây cho mỗi làng trên khắp thế giới một trường học, một nhà thương, một nhà máy xà phòng kèm thêm một giếng nước nữa...
- Hẳn đi chứ lại! Và...
- Muốn mưu hạnh phúc chung cho cả loài người, - Khải ngắt lời Nhân - ai nấy, trước hết, phải thôi lấy cái tôi của mình làm trung tâm điểm của vũ trụ đã. Chính cái quan niệm "duy ngã độc tôn" ấy là nguồn gốc của hết thảy mọi thống khổ nhân sinh. Chính nó biến cuộc sống thành một tranh đấu tàn khốc giữa người với người, trong khi cuộc sống chỉ có nghĩa là sự tranh đấu giữa người với tạo vật!...
- Hùng hồn lắm! Nhưng, hãy làm điều này đã...
Khải ra hiệu cho Xuân cứ hút, chàng tiếp theo:
- Không cần phải bình luận đâu xa, cứ lấy cái đời cá nhân của mỗi người trong bọn ta mà xét thì đủ rõ cái nguyên tắc "hãy cho mình trước đã" là đáng sợ biết chừng nào. Cái ví dụ thảm thương nhất là cái trường hợp Trung Trang. Đời sống mỗi người, cứ đổ đồng mà tính, bất quá năm mươi tuổi là cùng. Thì đã mất hai mươi nhăm năm vào sự ngủ. Lại cộng tất cả ốm đau, thổ tả, khí gió, độ mười năm, với mười năm nhọc nhằn điêu đứng bởi cái ăn cái mặc. Chung quy còn năm năm. Trong khoảng thời gian sáu mươi tháng được ung dung giữa một khung cảnh vô cùng tráng lệ, ta cớ sao không yêu nhau, hòa hợp với nhau để cùng hưởng lấy những khoái cảm do cái Đẹp nó đem lại cho tâm hồn. Ta cớ sao cứ làm tình làm tội nhau, nghĩa là tàn hại nhau để tranh lấy những cái mà, khi nhắm mắt tắt hơi, chẳng ai có thể đem xuống mả được?
Sự căng thẳng của tâm trí làm cho Khải run lên như trong một cơn sốt rét nhẹ. Là vì, tuy chàng nói với bạn, những lời trên đây, đối với chàng, lại chính là những nhát răng cuối cùng để con ngài chui hẳn ra ngoài cái kén tối tăm và chật chội.
Khải nắm lấy chai nước lọc đặt trên cái bàn gần đấy và uống thẳng một hơi, như để dẹp tắt ngọn lửa đang bừng cháy trong ngực chàng. Chàng cảm thấy một rung động nhẹ và khoan khoái chạy lướt dọc theo chiều xương sống. Ồ, tấn bi kịch trong tâm hồn chàng, có lẽ đến đây là chấm hết. Chàng sẽ bước sang một đoạn đời mới mẻ, đầy tranh đấu, đầy gian lao, nhưng mà sáng sủa và cao quý, và xứng đáng biết bao nhiêu với một kẻ trí thức đã tự nguyện hy sinh cho nền văn hóa, cái thứ văn hóa chân chính bởi vô cùng nhân đạo.
Mực Mài Nước Mắt Mực Mài Nước Mắt - Lan Khai Mực Mài Nước Mắt