Mùa Xa Nhà epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6 -
ung quanh những căn nhà, hoa màu trung đội trồng đã xanh um mơn mởn. Những ngọn rau muống và cải củ ngóc đầu vươn ra đón nắng. Ở bên hông mỗi nhà, mấy giàn mướp, bầu bí đã trổ hoa trắng hoa vàng. Trong ánh nắng mai, lũ bướm bay rập rờn quanh giàn tìm hút mật. Những con đường mòn nối các nhà trung đội và dẫn lên tiểu đoàn đã được dọn sạch cỏ và đắp cao lên, trông xa như những đường chỉ vàng nhạt ngoằn ngoèo đan nổi trên thảm cỏ dày xanh.
Quân đứng bên giàn mướp săm soi mấy chiếc lá tìm bắt sâu. Anh vuốt nhẹ những chiếc lá non, nét mặt hiền hòa có vẻ rất vui.
Gần đó, Huy đang ngồi thong thả nhổ những túm cỏ dại mọc lô xô giữa luống rau. Anh ngẩng đầu bảo Quân:
- Chiều nay em sẽ ra phum xin thêm mấy gánh phân chuồng về bón. Rau mọc nhanh ghê há anh Quân.
Huy đã được nếm trải cảm giác êm đềm khi nhìn những thứ rau màu lớn lên từng ngày một. Lúc mấy giàn bầu bí vừa nhú ra những nụ hoa nhỏ xíu đầu tiên, Huy mừng như bắt được vàng. Anh vừa luôn miệng nghêu ngao những câu hát trẻ con: Tiá em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tiá em là một người nông dân, má em là một người nông dân... vừa kê mũi sát vào những nụ hoa hít lấy hít để, xem chúng có thơm không.
Huy tò mò theo dõi những nụ hoa ấy từng ngày, từ khi chúng còn là một chiếc nụ bé xíu, xanh xanh, cho đến khi những cánh hoa rửa tàn đi, và phần cuối cuống hoa hơi phinh phính to ra, lớn dần lên, trở thành một trái bầu, trái mướp tí hon.
Huy vui sướng nhìn những luống rau rậm rạp, dày lên thấy rõ sau mỗi ngày, sau từng cơn mưa hạ.
Những gánh nước tưới hàng ngày; những gánh phân rác, phân chuồng chăm bón; những giọt mồ hôi đầm đìa rơi trên luống đất; tất cả đã kết thành lá xanh trái ngọt. Bọn rau trái đã được chăm sóc nâng niu bằng những yêu thương, giờ sắp đền trả bao công lao đó của Huy và đồng đội. Niềm vui, niềm hạnh phúc xem ra thật giản dị, bình thường!
Huy liên tưởng tới niềm vui của những bà mẹ khi sinh nở, Huy hình dung tới niềm hạnh phúc của nhà nghệ sĩ khi sáng tạo, và Huy nghĩ - làm cho sinh sôi, nảy nở dù chỉ một ngọn rau, gốc bí, về bản chất đều giống như công việc của những bà mẹ, những nhà sáng tạo nghệ thuật kia. Ðó là niềm hạnh phúc được trở thành một thượng đế bé nhỏ, được trở thành người tạo ra sự sống và cái đẹp.
Quân chợt lên tiếng:
- Hôm qua me Sa Rinh vừa mang vào cho anh mớ hạt giống đậu đũa. Chiều nay chúng ta sẽ đánh mấy luống để gieo đậu.
- Me Sa Rinh là bà già của Sa Piên đó phải hôn anh?
- Ừ! - Quân đáp gọn.
Huy trầm trồ:
- Sa Piên đẹp ghê anh há. Lần em gặp cô ấy buổi tối, trông đã đẹp rồi. Nhưng hôm mình ra phum ăn đám cưới, nhìn gần ban ngày trông cô ấy càng đẹp mê hồn. Anh Lý với Sa Piên thật xứng đôi!
- Ừ, họ rất xứng đôi - Quân đáp. Giọng anh có chút gì hơi khác lạ, nhưng Huy vô tình không để ý.
- Sao em ít thấy anh Quân ra phum chơi vậy?
- Anh lười đi quá, với lại anh bận bịu suốt Huy thấy không...
- Nhưng thỉnh thoảng cũng phải đi chơi giải khuây chứ anh. Ở nhà hoài buồn thấy mồ. Anh Quân này, em biết được nhiều tiếng K rồi nghe...Nhưng toàn mấy câu tán gái không hà, đâu có nói chuyện với người già hay con nít được. Anh Quân dạy thêm cho em với.
- Chút nữa anh sẽ cho Huy cuốn Tự học tiếng Khmer.
- Ủa, có cuốn sách đó hả anh! Trời, vậy là hay quá!- Huy mừng cuống lên.
- Một thằng bạn trên Trung đoàn cho anh khá lâu rồi. Nhưng anh cũng ít khi đọc đến. Chủ yếu là anh học từ dân. Huy cứ nói chuyện nhiều với dân là tự khắc sẽ nói giỏi. Dĩ nhiên cũng phải có một số vốn cơ bản trước. Cuốn này đọc dễ hiểu lắm.
Ụ Mối lững thững đi tới, trên vai là con Chíp đang hót chí choé có vẻ rất cao hứng. Huy chúm môi huýt vài tiếng ngắn, con sáo bay vù tới đậu lên cánh tay Huy vừa giơ ra. Nó quẹt quẹt cái mỏ vào tay Huy, kêu líu nhíu như chào mừng, hỏi han sức khỏe của anh. Huy bảo Ụ Mối:
- Ụ Mối, đố ông con Chíp biết tán gái bằng tiếng K không?
- Mình đâu có dạy nó, mà cũng chưa nghe nó nói, ông đã dạy nó câu gì rồi vậy?
- Bây giờ nó không nói đâu, phải gặp đúng đối tượng nó mới phát biểu. Chiều nay đám con gái vào giếng gánh nước ông sẽ biết.
Hồi mới về dựng cứ, anh em đã đào một cái giếng khá sâu kế bên nhà bếp. Nó nằm đúng ngay một mạch nước ngầm lớn nên nước nhiều và cũng khá trong. Dân ở mấy căn nhà gần đội hình trung đội hay vào xin gánh nước, vì từ chỗ họ ra tới hồ nước của phum đường xa gấp mấy lần, mà nước lại không ngọt bằng.
Trong đám này, Huy vui mừng nhận ra có cả cô bé đã gặp hôm đám cưới. Anh đã ngầm dạy con Chíp mấy câu với ý đồ nhờ nó trêu ghẹo cô gái thay mình. Anh huấn luyện nó bằng cách đợi mỗi khi cô gái đang kéo nước, anh vừa nhử nhử trước mặt nó một con cào cào mập ú, vừa lẩm nhẩm mấy câu nói, vừa chỉ về phía cô gái. Cô bé cũng đã phát hiện ra thái độ khả nghi của Huy, nhưng cô không dám nhìn thẳng vào anh, chỉ thỉnh thoảng len lén đưa mắt liếc qua, rồi lại cúi gầm mặt thẹn thùng, trông càng dễ thương hơn. Huy biết cô bé kể cũng đã lâu, nhưng anh vẫn chưa dám nói với cô một câu nào, trừ việc mượn hơi rượu làm càn hôm đó. Thì ra Huy cũng thuộc loại thỏ đế! Vừa đến gần một cô gái lạ, tim anh đã đánh trống liên hồi, mặt mũi đã đỏ bừng như gấc chín.
Quân chợt đăm đăm nhìn Huy một lúc lâu. Anh nói:
- Lát nữa em kêu đứa nào cắt tóc cho nghe Huy. Tóc em đã dài quá xá rồi đó.
Huy nhăn mặt, le lưỡi nhìn Ụ Mối. Không biết vì lẽ gì từ nhỏ Huy đã rất ngại việc hớt tóc, nên dù thật sự không thích để tóc dài, nếu không có sự ép buộc thì Huy chẳng bao giờ muốn hớt tóc. Từ hồi sang đây, Huy khoái nhất là chuyện tóc tai. Lính chiến ở đây dù sao cũng có phần tự do, thoải mái hơn. Nếu không muốn cắt tóc thì cứ né tới né lui, kiếm cớ tránh khỏi những dịp đó là thoát nợ. Huy đã né được mấy đợt hớt tóc rồi, nên mái tóc anh trông thật là kinh dị. Ðến nỗi Mợi lác phải kêu lên: " Tóc đỏ quạch như râu bắp mà cũng ham để cho dài! Cắt tóc đi Huy! Nhìn cái đầu mày tao thấy chướng quá.". Giờ thì chính Quân đã lên tiếng rồi. Căng quá! Huy giả vờ gọi con Chíp rồi đánh bài chuồn ra chỗ khác. Anh nghĩ bụng: "Kệ! Cứ kéo dài được ngày nào hay ngày đó."
Chiều hôm ấy, Huy không thể né được cái chuyện mà anh rất ngại ngùng đó nữa. Vào khoảng hai giờ chiều, tiểu đoàn trưởng Văn xuống đại đội 13 về, đi ngang trung đội, anh gặp Huy đang đứng trước cửa chỉ trỏ, dợt lại ngón nghề tán tỉnh cho con Chíp. Anh trợn mắt:
- Ðây có phải là đồng chí Huy của chúng ta không! Hay là một tên thổ phỉ nào đi lạc vào đây vậy! Lại đây, lại đây Huy! Ði lên tiểu đoàn với anh. Anh sẽ hớt tóc cho em. Anh vừa kiếm được một cái tông đơ!
Huy kêu khổ thầm trong bụng. Anh đã sợ nhất ba cái vụ xén tóc xén tai này, giờ lại gặp phải một tay thợ nghiệp dư đem cái đầu của anh ra thí điểm. Ðúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa!
Văn nắm tay Huy dung dăng dung dẻ đi về nhà tiểu đoàn. Vừa đi, anh vừa kể cho Huy nghe một hai câu chuyện tiếu lâm ngộ nghĩnh của cánh lính tráng nhà ta. Lên tới nơi, anh vào nhà xách ra một chiếc ghế đẩu tự đóng đặt dưới bóng một cây xoài. Rồi lại vào mang ra ca nước, hộp "đồ nghề". Chuẩn bị xong mọi thứ, anh trịnh trọng nói, vẻ khôi hài:
- Xin mời thân chủ ngồi vào ghế. Về tư thế sẵn sàng!
Huy ngồi xuống ghế, mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Văn vừa đẩy tông đơ, vừa cười khà khà bảo:
- Em có nghe cái tông đơ nó rên xiết không Huy! Tóc em cháy nắng, lại cứng còng như rễ tre thế này mà để dài làm chi vậy! Gương mặt em hớt tóc cao lên coi cũng khôi ngô lắm đấy chứ. Nào, cố lên, chỉ còn vài đường nữa. Cố chịu đau một chút, cái tông đơ này hơi lụt, mà lại khô dầu. Ðể rồi anh đem đi mài lại.
Huy ngồi trân mình, nửa cười nửa mếu mong cho cực hình chóng qua. Cuối cùng, Văn rút trong túi áo ra lưỡi dao lam, cầm ca nước lên dấp một ít nước vào mái tóc Huy, rồi cạo sạch chân tóc, và cả lớp lông măng, râu tơ trên mặt. Xong xuôi, anh xoa tay, lui lại vài bước, ngắm nghía "công trình lao động nghệ thuật" của mình với vẻ hài lòng đắc ý. Anh bảo huy:
- Có lẽ tháng sau anh về nhận nhiệm vụ mới ở trung đoàn. Anh Bảo sẽ nắm tiểu đoàn thay anh.
- Thật hả anh? - Huy bật kêu lên.
- Thật chứ.
- Anh mà đi thì cả tiểu đoàn buồn lắm, anh Văn ạ. Anh Bảo nghiêm quá, lại rất khó tính.
- Anh Bảo rất tốt, có điều gia đình anh ấy ở quê có nhiều khó khăn, nên anh ấy buồn bực không vui. Thôi, cố mà thông cảm cho anh ấy nhé Huy.
- Anh Bảo hay đánh lính lắm. Em nghe có lần anh ấy đánh lính bằng cái nắp xoong cơm quân dụng, đến móp cả cái nắp vung đó. Sao ảnh dữ vậy anh Văn?
- Cái đó thì do tính trời sinh, Huy ạ. Anh cũng đã nhiều lần tâm sự với anh ấy, nhắc nhở anh nên kềm chế bớt. Có điều, nếu mình không làm gì sai trái, thì chẳng ai đụng được đến mình đâu em. Thôi, đi về đi Huy.
Huy cám ơn Văn, quay lưng đi về. Anh thật sự cảm động vì sự giản dị, gần gũi vô cùng của Văn. Nghĩ đến việc không bao lâu nữa anh đã rời khỏi tiểu đoàn, Huy chợt thấy buồn buồn. Ði được vài chục bước, Huy ngoái lại. Văn đang lom khom quét mớ tóc rơi vương vải trên nền đất trong ánh nắng chiều vàng lỗ chỗ xuyên qua tàng cây rậm.
Huy đang tắm gội sau cuộc sửa soạn tóc tai thì một đám đàn bà con gái năm sáu người kéo nhau đi tới giếng. Họ trông thấy anh đang dứng xối nước ào ào nên dừng lại, bước tới ngồi chùm nhum dưới một gốc xoài. Huy quýnh quáng dội ào vài gáo nữa, rồi vơ lấy cái khăn và quần máng trên một cành cây gần đó đi như chạy vào nhà. Anh cũng không dám đưa mắt ngó qua thử xem có cái cô bé nhỏ xinh trong đám người đó hay không.
Quần áo chỉnh tề xong, Huy nhón bước tới cửa, nhìn ra. Cô bé có mặt! Cô đang đứng chờ mấy người phụ nữ lớn tuổi hơn kéo nước trước. Huy khoái chí búng tay đánh chóc một cái, rồi bước hẳn ra ngoài tìm con Chíp. Huy ngó quanh quẩn vẫn chưa thấy nó đâu. Ðột nhiên, anh nghe từ lùm cây kề bên giếng, chỗ bọn anh hay máng quần áo để thay, giọng ẽo ợt the thé của con chim:
- Ao so! Ao so! Boòng nức ôn, đek mìn ban! Ao so! Ao so...1
Huy há miệng cười, cố nén không thành tiếng, khoái thầm trong bụng. Thật sự anh cũng không có ý gì đặc biệt với cô gái nhỏ đó. Chỉ vì thấy cô bé cũng hay hay nên anh muốn trêu cho vui. Huy nhìn cô bé coi cô phản ứng ra sao. Cô đang ngạc nhiên nhìn con sáo, có vẻ vừa ngượng ngùng vừa thích thú. Mấy người đàn bà kia cười khúc khích. Họ còn hùa nhau trêu thêm cô bé mấy câu. Con Chíp tung người bay đảo vòng vòng quanh cô bé, miệng vẫn quàng quạc kêu lên: " Ao so...đek mìn ban!...".
Huy khoái quá, không nhịn được nữa bật cười thành tiếng. Anh giật mình, giơ tay bưng miệng cố ngăn tiếng cười. Nhưng cô bé đã nghe thấy. Cô quay lại nhìn anh thật nhanh rồi cúi ngay đầu xuống, mặt đỏ bừng, tay chân luống cuống. Huy thấy tội nghiệp cho cô bé đã quá thẹn thùng, anh huýt sáo mấy tiếng, gọi con Chíp lại. Nó bay tới chỗ Huy, đậu lên vai anh, nghiêng nghiêng đầu, một bên mắt nhìn anh với vẻ vô cùng láu lỉnh và đắc chí. Huy vuốt nhẹ lưng con Chíp, bảo nó:
- Mày giỏi lắm! Chút nữa tao sẽ thưởng cho hai con cào cào bự nghe Chíp.
Ngoài kia, cô bé vẫn còn lính quýnh, đứng ngẩn người bên giếng. Một người phụ nữ bảo cô, đại ý là kéo nước đi rồi cùng gánh về. Huy đi vào nhà, tránh làm cho cô mắc cở thêm. Nhưng rồi anh lại nổi máu tò mò, vạch một cái lỗ nhỏ trên vách lá nhìn ra. Cô bé đang vội vàng kéo nước dổ đầy hai chiếc thùng con. Rồi cô nghiêng vai nâng gánh nước, uyển chuyển bước đi. Trên gương mặt ngăm ngăm xinh xắn vẫn còn lưu lại một vệt hồng.
*****
Thấm thoắt tiểu đoàn đã trở về nội địa hơn hai tháng. Trong thời gian này, đơn vị đã có nhiều đợt hành quân truy quét trên địa bàn đóng quân. Thường mỗi đợt như vậy kéo dài từ ba bốn đến chín mười ngày.
Có lúc họ đi về hướng đông nam huyện, nơi trảng lúa chạy dài mãi cho đến khi tiếp giáp biển hồ Tông lê sáp; có lúc họ đi về hướng bắc- tây bắc, nơi những dãy núi đất đứng trầm lặng uy nghiêm, trên mình khoác lớp áo rừng cây nhiệt đới rậm rạp, chằng chịt dây leo. Có khi cả tiểu đoàn hợp thành một mũi truy quét trọn một vòng; cũng có khi ba đại đội chia thành ba mũi khác nhau đi về ba hướng, khối hỏa lực trực thuộc tiểu đoàn đón lõng ở một nơi. Những cuộc hành quân này tiến hành vào thời điểm những cơn mưa đầu mùa tuôn trút như thác đổ. Nhiều lúc đoàn quân đi trong một biển nước mênh mông, nước dâng đến đùi, đến hông, trên đầu là cơn mưa xối xả. Ðoàn quân - như một đoàn thuyền dằng dặc - cắt một con đường qua làn sóng xanh ngút ngàn những ngọn lúa mùa dài ngoẵn.
Có những đêm, đơn vị hành quân len lỏi qua những căn nhà sàn thuộc một phum xa lạ dưới ánh sao nhàn nhạt. Thỉnh thoảng, một vài con chó chợt giật mình tru lên một tràng tức tối, rồi mọi thứ lại im lìm. Nhiều lần Huy đi sát qua vách một căn nhà nào đó, anh hầu như nghe thấy cả tiếng một đứa bé ngủ mê ú ớ, tiếng ngáy đều đều, tiếng xoay trở mình trên lớp ván sàn của một người dân, lòng Huy dâng dâng một niềm xao xuyến bồi hồi khó tả. Chính bằng những đêm hành quân như vậy, Huy và đồng đội đã giữ cho giấc ngủ, cho cuộc sống nhân dân được yên bình. Từ những đêm trắng hành quân, từ những cuộc múa lăm thôn tưng bừng náo nhiệt, từ những đêm trăng giúp dân giã gạo, từ những ngày mùa giúp dân nhổ mạ, cấy lúa...tình thương yêu gắn bó đã đâm chồi.
Ðoàn quân đi rất lặng lẽ. Ai đó tinh ý lắm mới nghe thấy được tiếng lớp vải dày của hai ống quần cọ vào nhau kêu sột soạt, tiếng bước chân đằm đằm dội vào lòng đêm quạnh vắng. Ðêm ngan ngát hương. Mùi của lớp cỏ đẫm sương bị giày xéo thơm như hơi thở trẻ con. Mùi thơm rất khẽ khàng của những loài hoa dại như lơ lững giữa không gian. Hương đêm cứ bềnh bồng trôi qua mặt, thoang thoảng vương lên tóc, thấm vào tận đáy lòng. Ðôi khi, đoàn quân đi qua những khoảnh đất rộng mọc đầy những khóm ngò gai và rau húng. Mùi rau thơm thoảng gợi cho những người lính nhớ tới quê nhà, gợi nỗi thèm thuồng khi tưởng tượng ra những bát phở ngon lành bốc khói.
Cũng có khi đoàn quân đi dưới ánh trăng non một đêm thượng tuần lờ mờ sáng. Kẻ đi sau bíu lấy ba lô người đi trước, đôi mắt nhắm nghiền, vừa lơ mơ ngủ vừa bước theo quán tính. Ðôi lúc, cơn ngủ quá say, người trước đã quẹo về hướng khác, người sau vẫn cứ lùi lũi theo hướng cũ, chợt đâm sầm vào một gốc cây, bụi rậm nào đó mới giật mình mở mắt ra hốt hoảng.
Những trận đánh trong những đợt truy quét như thế này, nếu có, cũng không có gì căng thẳng. Thường thì họ chỉ đụng phải những nhóm nhỏ, khoảng chừng mươi mười lăm tay súng. Thế nên chỉ cần bao vây, nổ súng giây lát là chúng buông súng đầu hàng, hoặc chạy trốn mất vào những cánh rừng rộng lớn.
Trong hai tháng, chỉ có trận đánh ở gần phum Ðôn là hơi thú vị. Trinh sát tiểu đoàn đi bám phát hiện được một lực lượng khá đông, khoảng một đại đội lính Polpot vừa đến đóng ở một phum bỏ hoang nằm kề phum Ðôn. Phum này nằm ở hướng đông, cách cứ khoảng hơn ba mươi cây số. Ngay đêm hôm đó hai đại đội được lệnh xuất kích. Ðại đội 12 làm mũi chủ công, được tăng cường thêm trung đội 12 ly 7. Ðại đội 11 đón lõng ở hướng tây bắc, chặn đường rút của địch vào rừng. Ðó là một đêm cuối tháng, nhằm ngày hai mươi chín hoặc ba mươi âm lịch, trời tối đen như mực. Gần bốn giờ sáng, họ tới rìa phum hoang. Ðoàn quân dò dẫm đi từng bước khi bắt đầu xuyên vào khoảng lùm bụi um tùm vây bọc quanh phum hoang. Dẫn đầu đội hình là hai tay trinh sát tiểu đoàn, kế đó là trung đội bốn, kế nữa là trung đội súng máy 12 ly.
Thắng, một trong hai trinh sát đang cắt đường, bỗng nghe tiếng ho khù khụ ở ngay trước mặt, cách không đầy mười mét. Anh đứng sững ngay lại, thầm hú vía trong bụng. Nếu tên địch nào đó mà không bật ho lên thì rất có thể đại đội đã đạp cả lên võng của chúng rồi. May sao bọn địch vẫn chưa phát hiện ra ta đang ém sát bên. Có lẽ chúng đã hút quá nhiều cần sa nên ngủ mê man quên trời đất. Cả mấy tên lính gác cũng đang ngủ gà gật. Không thì quân ta cũng khá là vất vả!
Thắng khoát tay, kề miệng vào tay Phụ, đại đội trường C12, thì thào: "Có địch!". Phụ và một vài người đi đầu cũng đã nghe thấy tiếng ho. Lập tức đại đội lui lại phía sau một khoảng, triển khai đội hình chiến đấu. Phụ bò qua chỗ Quân. Anh khẽ nói:
- Chúng ta sẽ nổ súng khi vừa rạng sáng. Ông cho phát hoả trước. Ðồng thời, vừa nghe 12 ly nổ, mấy khẩu B của tôi cũng nổ ngay. Tụi nó chỉ có nước tưởng bị sấm sét đánh xuống đầu!
Quân hạ lệnh lắp súng.
Thường ngày khi tập luyện anh em thao tác rất nhanh. Quân cho tập bịt mắt tháo lắp dự phòng tình huống chiến đấu trong đêm, mọi người cũng chỉ mất hơn bốn phút là xong.
Thế nhưng đêm đó mấy số súng cứ loay hoay mãi mới lắp xong, ai cũng mồ hôi lăn ròng ròng trên trán. Họ hồi hộp vì cách địch quá gần, e chúng nghe thấy tiếng động lách cách mà tương ngay một quả B vào thì toi cả đám!
Lắp đạn xong, Huy bò qua chỗ Quân ra hiệu. Quân nói nhỏ:
- Thôi để anh bắn. Huy và Thuận lui ra hai cánh nằm xuống đi.
Mọi người đã đâu vào đó, sẵn sàng cho trận đánh. Quân nới khoá hướng, xoay nhẹ qua lại vài lần kiểm tra. Sau đó, anh lấy tầm ở khoảng cao ngang hông, tức là chiều cao trung bình chiếc võng địch mắc, rồi khoá cứng lại. Và họ nằm im, chờ đợi.
Những giây phút như lúc này bao giờ cũng là lúc mọi người nghĩ thật nhiều và nhớ thật nhiều. Họ nhớ cha mẹ, hoặc vợ con, hoặc người yêu, hoặc thậm chí một con cún con nào đó nhà nuôi từ hồi còn họ còn nhỏ xíu, một cây ổi già đã họ ngồi chênh vênh suốt những buổi trưa hè thơ dại, nhưng cuối cùng, dù cho nhớ ai, nhớ gì đi nữa, thì họ cũng nhớ tới với một tình yêu sâu sắc. Có thể một khoảnh khắc sau, ai đó trong số họ sẽ không bao giờ nghĩ và nhớ nữa.
Tiếng gà rừng eo óc gáy dồn, báo hiệu trời sắp sáng. Ðêm nhạt dần. Khi ánh sáng mờ mờ của bình minh đã cho thấy hình dáng của những lùm cây lúp xúp, họ phát hiện ra nhiều chiếc võng đang giăng rải rác trước mặt. Xéo về phiá tay phải Quân chừng mười lăm mét, một tên lính Pốt ngồi gác đang ngủ gật, đầu ngoẹo sang một bên vai. Quân đưa hai ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay trái vào hờm sẵn một bên cò - súng 12 ly có hai cò song hành, và phải xiết bằng cả hai tay, vì sức rung giật rất mạnh, một tay khó lòng kềm nổi - tay phải anh giật mạnh tay kéo khoá nòng, lên đạn. Tay kéo vừa đi hết quảng đường kêu đánh rốp một tiếng vang khô khốc, thì ngay lập tức tay trái của Quân đã xiết cò. Sau đó, anh đưa luôn tay phải vào cò súng. Quân xiết luôn một điểm xạ dài khoảng nửa băng, quay nòng súng quét ngang một vòng cung một trăm hai mươi độ. Ðạn vạch đường đan những vệt lửa trong màn sương sớm. Ngay sau tiếng gầm của khẩu trọng liên, mấy khẩu B cũng phát hỏa. Rồi mọi tay súng đều nổ súng về phía trước.
Ðịch không kịp phản lại một phát súng nào ngay tại chcã. Chúng mất hồn mất vía, chỉ còn biết chạy tháo thân. Khi đã vượt ra hỏi tầm hỏa lực, hoàn hồn lại phần nào, chúng củng cố lại đội hình và bắt đầu phản kích. Nhưng chỉ chừng nửa tiếng, chúng nhận ra tình thế bất lợi và từ từ rút lui vào rừng. Sau một lúc, trận địa im ắng lại, Phụ hô to:
- Mọi người lên thu dọn trận địa!
Những lùm cây bụi cỏ đẫm ướt sương quanh một vùng rộng bị giẫm đạp lên tơi tả. Ðây đó, trong một khoảng bán kính gần năm mươi mét, rải rác những chiếc võng bị đạn băm lỗ chỗ, đầy vết máu. Trừ năm xác chết, bọn bị thương đều cố chạy thoát. Mọi người nhanh chóng thu gom ba lô, võng và súng địch còn bỏ lại, rồi lên đường quay về cứ.
Chuyến đó, họ thu được tám khẩu AK báng gấp mới toanh, một B40 bị đạn trọng liên xuyên qua nòng, một B41 và một đại liên đuôi cá, cùng vô số ba lô. Anh em được một phen phấn khởi. Trên đường rút quân về, họ đi như bay không biết mệt, huênh hoang khoác lác với nhau về chiến công vừa lập được.
Một lần khác, đơn vị đi về hướng đông huyện. Ði mãi suốt một đêm ngày vẫn không gặp địch, Tiểu đoàn trưởng Văn quyết định quay về. Khi vào đến một phum nhỏ, những người đi đầu đội hình phát hiện khoảng hơn hai mươi tay súng đang rút khỏi phum, chạy về hướng nam. Văn hạ lệnh cho khẩu đội vận động lên, quyết ghìm chân chúng lại bắt sống. Huy, Thuận, Tiến là ba xạ thủ chính cứ để nguyên khẩu súng hạ càng trên vai vận động. Con đường đất băng qua phum lầy lội, trơn như mỡ, làm họ suýt té mấy lần. Phần khác, ai cũng đã rất đói vì suốt đêm trước hành quân chỉ có một nắm cơm vắt lót dạ, đã tiêu mất tự đời nào. Lúc tìm mãi mà không gặp, vừa khi định dừng lại nghĩ ngơi cơm nước, địch lại hiện ra. Chuyện đánh đấm có khi thật oái oăm.
Sau một lúc đọ súng, họ bắt được hơn mười tên địch. Số kia chạy thoát vào rừng. Những người lính tước súng địch, rồi dùng ngay mấy chiếc khăn croma chúng quàng trên cổ làm dây trói. Lẽ ra có thể xem đó là một trận dễ dàng và thắng lợi hoàn toàn, nếu không có ba tay súng của ta bị thương nhẹ vì mảnh B40 địch bắn trả.
Văn cho đơn vị tiếp tục hành quân về, không dừng lại nấu cơm nữa. Anh định tới huyện lỵ sẽ nghỉ ngơi luôn thể, đồng thời đưa mấy thương binh vào trạm y tế huyện để săn sóc tốt hơn. Dọc đường, mọi người móc bao gạo sấy ra nhá nhá cho đỡ đói.
Trung đội 12 ly được giao áp giải hai tên địch. Quân cho chúng đi trên đầu đội hình, ngay sau lưng anh. Huy len lên đi phía trước A trưởng Thiện, để kiếm chuyện hỏi mấy tên tù binh. Anh tò mò muốn biết chúng suy nghĩ ra sao.
Huy quan sát hai tên tù binh. Một tên trẻ hơn trạc tuổi Huy, tên kia đã hơn ba mươi và trông lầm lì, cau có. Huy đi tới sát bên tên lính trẻ. Anh vỗ vai hắn. Hắn quay sang nhìn anh, ánh mắt hoảng sợ, e dè. Huy hỏi:
- Anh theo Polpot lâu chưa?
- Hai năm rồi.
- Quê anh ở đâu?
- Ở dưới mạn Puốc Xát.
- Có vợ con gì chưa?
- Có vợ rồi, nhưng chưa có con.
- Sao theo địch mà không ở nhà làm ăn đàng hoàng nuôi vợ?
- Bị bắt phải theo. Không họ giết.
Huy nhìn thẳng vào mắt hắn:
- Thật không?
- Tôi không dám nói láo đâu.
Huy gật đầu. Im lặng một lúc, anh hỏi tiếp:
- Thế anh có nhớ nhà nhớ vợ không?
- Nhớ lắm. Tôi hay khóc nhiều những lúc gác đêm.
- Vậy sao không bỏ trốn về?
- Tôi sợ lính ông Hêng Xom Rin trả thù.
- Làm gì có! Anh không biết là ra hàng thì được khoan hồng, không bị xử phạt à?
- Không biết đâu. Angkar nói nếu đầu hàng sẽ bị giết hay bị tù.
Huy nhìn tên lính, nét mặt hắn hiền lành chất phác, không có vẻ gì tàn ác hay dữ tợn. Thế nhưng làm sao biết được hắn đã làm gì. Huy lại hỏi:
- Thế có bao giờ anh bắn giết dân, bắt đàn bà hãm hiếp chưa?
- Dạ không có, không có đâu! - Hắn lắc đầu lia lịa, mặt tái đi.
Ðến huyện lỵ, Văn đưa ba người bị thương vào trạm xá. Mọi người còn lại tản ra dọc theo hai bên đường nấu cơm.
Tới giờ ăn, Quân cho cởi trói một bên tay hai tên địch. Tay còn lại vẫn ghịt chặt sau lưng, để phòng chúng bỏ chạy. Chúng cũng được ăn như mọi người khác, không có gì phân biệt. Ăn xong, họ trói hai tên tù binh như cũ, chờ Văn làm việc với ban chỉ huy bộ đội địa phương xong là bàn giao tất cả cho quân đội bạn xử lý.
Huy cuộn một điếu thuốc, ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào một gốc me, phì phèo nhả khói. Tên trẻ tuổi lúc nãy đã nói chuyện với Huy nhìn anh hút thuốc với vẻ thèm thuồng. Tên kia vẫn cúi đầu lầm lì. Trên đường đi, Huy cũng đã mấy lần gợi chuyện,nhưng hắn chỉ lắc lắc, gật gật, không chịu hé răng. Huy hỏi tên trẻ tuổi:
- Hút thuốc không?
- Dạ, xin cho tôi hút với.
Huy cuộn cho mỗi tên một điếu, rồi gắn lên môi chúng. Tên già nhìn anh gật đầu tỏ ý cám ơn. Huy mỉm cười hỏi hắn:
- Lần này về rồi, có chạy theo giặc nữa không, ông già?
- Không đâu. Tôi muốn về với vợ con lâu rồi - Hắn đáp, đôi mắt buồn buồn. Có lẽ hắn nhớ tới một căn nhà nào đó xa xôi, nơi có người vợ và lũ con đang chờ mong hắn.
Huy trầm ngâm nhìn cả hai. Trông họ không có vẻ gì tàn ác đáng sợ. Cứ như vẻ ngoài và thái độ của hai tên này, thì thật không tài nào hiểu được tại sao lại có những tên lính Polpot dã man, khát máu, giết người như ngoé. Có lẽ khi đã bị cuốn vào trong cuộc, những hành vi tàn bạo đã dần dần trở thành quen thuộc, thành phản xạ tự nhiên. Người lính vốn thường là mù quáng. Họ như là bọn người máy chỉ hành động theo mệnh lệnh cấp trên. Nếu cấp trên của họ là loại tàn bạo điên cuồng, thì làm sao họ không điên cuồng, tàn bạo!
Còn cái gì khác hơn, đúng hơn để giải thích cho tất cả những gì đã xảy ra. Cho những đống xương người trưng bày trong các nhà kính, tỉnh lỵ nào cũng có. Cho hàng triệu người đã bị bắn, bị đập đầu bằng cuốc xẻng, bị cứa cổ bằng sóng lá thốt nốt đầy gai nhọn, bị hất xác vào những hố chôn tập thể rải rác trên khắp những bìa rừng, những cánh đồng hoang?...
--------------------------------
1 Áo trắng! Áo trắng! Anh nhớ em không ngủ được!
Mùa Xa Nhà Mùa Xa Nhà - Nguyễn Thành Nhân Mùa Xa Nhà