Mưa Thu Nhớ Tằm epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Không Có Thứ Thiệt
ách bên mặt bằng gạch, ngăn căn phố Bình ở với một đãy phổ khác chủ. Vách bên trái là vách ván, vì nhà bên ấy cùng một chủ với nhà chàng.
Căn đó do bà Tư chiếm ngụ và bà đi vắng hai hôm nay nên Bình nghe buồn quá. Có bả ở nhà, chàng rất khổ vì mỗi hôm, đúng bốn giờ sáng thì bả thức đậy lục đục nấu nước cúng, rồi tụng kinh đánh chuông inh lên. Người con trai cần ăn ngủ là chàng, vì thế phải sụt cân, bởi ngày nào cũng mất giấc vào lúc ngủ ngon nhứt. Thế mà bả đi khỏi, chàng lại nghe như thiếu thiếu cái gì.
Bà Tư chỉ ở một mình, nhưng cuộc sống bên ấy rất linh động. Bà cho vay tiền góp cho phu xích lô và ngày nào nhà bà cũng rùm lên tiếng bả mắng nhiếc các con nợ trả chậm, trả không đủ số, tiếng họ cự lại rất thô lỗ, tiếng những con nợ mới, năn nỉ ỉ ôi để mượn năm bảy trăm, một ngàn. Họ kể lể gia cảnh, tình trạng làm ăn, khiến chàng chỉ nằm nhà mà nghe, cũng đủ tất cả mọi nếp sanh hoạt ở Đô thành.
Bỗng có tiếng mở cửa nhà bà Tư.
- Lạ, sao bà ta gởi nhà cho mình, nói đi tới sáu ngày mới về?
Bình nghĩ như vậy nhưng không băn khoăn lắm. Bà ta đi hành hương trên Biện Bà và có lẽ gặp tiết lạnh, không ở trên núi lâu được.
Nhưng mà... kỳ lạ! Tiếng bước không phải là tiếng chơn của bà Tư. Chàng đã thuộc lòng lối kéo lê dép lẹp xẹp của bà ta còn tiếng guốc của người nầy mạnh và trẻ hơn nhiều. Và đó là tiếng guốc đờn bà, một cô gái cũng nên.
Mọi khi bà Tư đi đâu về là thở ra rất to và nói: "Ứ hự mệt!" Người mới vào nhà, không nói gì cả, cũng chẳng đi nằm ngay như chủ nhà, ở chiếc giường trong buồng. Y đặt mạnh một vật gì hơi nặng lên gạch rồi mở cửa sau ngay, có lẽ để đuổi mỗi vì nhà tối, muỗi vào rất đông.
Bình nghĩ ngay đến kẻ trộm, bằng cớ là y đã khép cửa lại cẩn thận lúc vừa bước vào nhà, để không ai thấy y tom góp đồ đạc bên trong.
Nhưng chàng không vội. Kẻ trộm là phụ nữ thì chẳng mấy lăm hơi đâu, và phải đợi y cạy tủ, thồn quần áo vào bị của y, chừng đó bắt tại trận mới sướng tay.
Chàng cũng chẳng buồn dòm kẽ vách để rình hắn, vì sợ động, hắn sẽ chạy đi rồi chàng hụt trổ tài để lập công với bà láng giềng thường biếu xén bánh hàng chàng hằng bữa.
Nhưng mà... càng kỳ lạ hơn nữa! Kẻ trộm lại ra sàn nước, xối nước ào ào. A, thì ra y tắm. Mẻ, ăn trộm lộng hành quá, giữa ban ngày lại làm ồn lên nơi nhà khổ chủ, như không sợ ai hay hết.
Bỗng chàng mỉm cười vì vừa sực nhớ đến lời một người bạn: "Chúng nó thủ đoạn lắm, chúng nó ra vào tự nhiên, cử động ầm ĩ để ta yên chí rằng chúng nó là người nhà rồi không buồn can thiệp. Có thế chúng nó mới yên ổn mà vơ vét trong nhiều giờ. Lắm khi chúng nó lại cả gan kêu xe cá đến dọn cả tủ, bàn, như là chánh thức dọn nhà. Dân Sàigòn thiếu tình lân cận, có ai bận tâm đến gia đạo của ai đâu, nên chúng mới tự do tung hoành được như vậy".
Thằng bạn kinh nghiệm về ăn trộm ban ngày ấy nói đúng đây rồi. "Được, để rồi con nầy xem".
Nhưng giờ thì chàng lại tò mò có ý muốn dòm kẽ vách. Bên kia, một phụ nữ đang tắm, bên nây là một thanh niên khỏe mạnh. Chàng chiến đấu một hơi, mắc cỡ với mình quá, nhưng rồi chiến bại. Chàng vụt ngồi dậy, thòng chơn xuống giường thì bên kia đã thôi xối nước và giũ quần áo kêu rẹc rẹc.
Tiếc quá, và càng mắc cỡ hơn với mình, Bình hậm hực nằm trở xuống, lẩm bẩm rủa thầm tên trộm cái đã phá sự yên ổn của chàng.
Tên nữ trộn tắm xong, vào buồng. Y đứng gần vách ngăn và làm gì mãi nơi đó không rõ. Bình cứ nghe tiếng guốc của y cà gạch nhè nhẹ.
"À, phải rồi, nơi đó bà Tư có gắn một chiếc gương to và chắc nàng đang chải tóc".
Công việc điểm trang đoán thấy đó, làm dịu bớt hình ảnh hung tợn của tên trộm nữ kê nầy, nên Bình nghĩ đến y bằng tiếng "Nàng".
"Vậy nàng chải tóc. Nàng chưa quá ba mươi đâu. Nàng có đẹp hay không nè?" Tự hỏi điều đó rồi Bình suýt bật cười to lên và hoảng sợ, chàng vội bịt miệng chàng lại. Không, không nên để cho nàng, cho tên trộm biết rằng có kẻ đang rình.
Chàng bật cười vì thoạt tiên chàng đã hình dung ra một chị đen đúa, mặt mày đầy thẹo, hai bàn tay thô, mắt và miệng trông hung ác vô cùng, nhưng chỉ có một việc điểm trang ấy đã đủ thơ mộng hóa kẻ trộm rồi.
"Nàng đẹp hay không nè? Không, tóc ướt thì phải chải, đó là việc dĩ nhiên, không cứ gì phải đẹp mới làm dáng như vậy. Nhưng chắc chắn là nàng không hẹp. Phụ nữ đẹp mà lưu manh thì đã đi làm nghề khác, lường gạt, móc túi hay gì gì đó, chớ đâu có thèm làm ăn trộm".
Nàng không đẹp. Và có lẽ nàng hóa điên hay sao mà chải tóc xong, nàng bước lại giường để nằm, không tính chuyện tóm đoạt giang sơn của bà Tư nữa. Bình lắng nghe một hồi nhưng không thấy bên ấy rục rịch.
Nhưng ơ kìa, nàng lại khóc! Chỉ khóc thút thít nho nhỏ thôi. Tên trộm mới kỳ chớ!
Cượng không được với tánh tò mò, Bình ngồi dậy, rón rén bước lại vách. Buồng chàng đóng cửa tối om, nên chàng không sợ bên kia thấy. Vách được nhiều lớp người thuê nhà dán lên năm bảy lần giấy, giấy nhựt trình, giấy in bông, giấy gói, thứ dầy màu vàng, nhưng đã lủng nhiều nơi do lột mũi dao nhỏ, một chiếc móc tai của cả hai bên họ đua nhau xoi lỗ để bắt chợt bí mật của nhau. Chàng và bà Tư không cần rình nhau, nhưng các lỗ tí hon và bí mật ấy đã có sẵn rồi.
Bình khom lưng đưa mắt tới, dán sát mắt chàng vào một lỗ to bằng mũi kim, trông dáng điệu chàng giống hệt một đứa bé xem chiếu bóng dạo trong một cái thùng mà một anh nhiều sáng kiến đã chở trên xe máy đi rong phố.
Qua cái lỗ nhỏ như vậy thế mà tầm thấy lại mở ra lớn như màn ảnh đại vĩ tuyến.
Nàng...
Trời ơi là nàng đẹp! Nàng đậy mặt lại bằng khăn mu xoa, và Bình chỉ thấy thân thể đều đặn của nàng thôi, trong bộ bi-da-ma rằn ri để lòi tay chơn trắng nõn.
Bình tiếc hùi hụi đã xem hụt khi nãy. Nhưng bỗng chàng ngạc nhiên bết sức. Trộm sao lại đẹp như thề nầy, mà đi ăn trôm lại mang bi-da-ma theo để thay đổi.
Kìa, nàng kéo khăn xuống hỉ mũi và Bình lặng người đi rất lâu. Thì ra nàng là "cô Bảy" vợ của người Pháp lai ở dãy phố sang trọng trước đường cái.
"Mình chưa già đã lú lẫn. Cô Bảy là cháu của bà Tư, mình lại cứ đinh ninh là bà Tư không họ hàng con cháu!"
Tuy nhiên cũng hơi lạ. Mặc dầu vách nhà bếp của cô Bảy chỉ cách cửa trước của bà Tư có một ngõ hẹp rộng tám tấc, người cháu họ nầy ba bốn tháng mới vào đây thăm dì một lần, mà mỗi lần đến là như thăm bẫy, xẹt vào năm phút rồi đi ngay.
Có lẽ bà Tư gởi nhà cho chàng xem chừng nhưng lại gởi chìa khóa cho cháu bà ta, nên cô Bảy mới vào đây được. Hơi lạ là hôm nay cô nầy lại chiếu cố căn nhà vách ván nầy lâu quá. Có lẽ buồn gia đạo, cô ta ẩn ở đây để khóc thầm.
Ông Pháp lai ấy đã nhập Việt tịch và người trong khu phố nầy gọi ông ta là ông Gô có lẽ là Việt âm của tên Gaud hoặc tên Gaur, tên Gor gì đó không rõ.
Ông Gô giống người Việt hơn là người Pháp, tức là bé người thư dân ta, tóc đen và không quăn, mắt đen, ít râu. Ông ta chỉ Pháp có cái mũi cao và nước da tương đối trắng. Thành thử ông ấy là một người Việt đẹp trai lắm nhờ cái mũi và nước da của ông; phụ nữ nào không ưa Pháp vẫn phải ưa ông, và ông không giống Pháp mà lại đẹp như pháp.
Ông Gô làm áp phe, người ta bảo thế. Nhưng có người lại xầm xì rằng ông ta chuyên bắt tình với các góa phụ giàu có để lường của.
Cô Bảy là người đờn bà đẹp nhứt khu phố, mà cỡ qui tụ tất cả mỹ nhơn Sàigòn lại, cô đứng giữa họ, vẫn không lép chút nào. Bà Gô có dáng điệu sang trọng cực kỳ, lại sành ăn mặc, sành hóa trang lắm. Cô gọi đày tớ, ra lịnh cho đày tớ thì hách dịch mà không kiêu căng, rõ ra là một tay giàu sang lâu đời mới có được tác phong khó tập ấy. Vào hiệu ăn, cô cầm ly, cầm muỗng nĩa dễ như chơi chơi, và nếu phải xé bằng dao, nĩa một miếng thịt gà hóc búa nhứt, cô vẫn làm như không không, như là ta xắn một miếng bánh phơ lăng mềm ùi.
Cả hai ăn ở tiêu xài theo bực triệu phú, không có biệt thự, nhưng căn phố lầu của họ, họ nhờ một họa sĩ tốt nghiệp môn trang trí bên Pháp chưng dọn cho, không cỏ xe Huê Kỳ, nhưng chiếc trắc xông của họ cũng đủ cho họ một bộ mặt dễ coi ở mọi nơi.
Bình không nghĩ thêm gì về cô Bảy, nhưng có dịp ngắm trộm một người đẹp trong cảnh thân mật của cô ta, chàng không bỏ qua.
Cô Bảy day qua và nhìn vào tấm vách mà sau đó, chàng rình. Thoạt tiên Bình hết cả hồn vía, ngỡ cô ta thấy cái gì. Nhưng suy ra, chàng biết chắc đó chỉ là sự tình cờ thôi, và cô Bảy nhìn đúng ngay vào cái lỗ nhỏ của chàng cũng do tình cờ.
Hai người như là im lặng nhìn nhau, rất lâu, lâu lắm. Rồi cô Bảy mỏi, lại trở mình day mặt vào vách bên kia. Chàng cũng mỏi, nhưng vẫn còn ham ngắm mỹ nhơn. Lần nầy chàng thấy ót, thấy lưng cô, nghĩa là đã thấy đủ cả khía cạnh của người bà Gô.
Vì đứng lom khom nên Bình nghe mỏi lưng ghê lắm. Chàng lại bắt ho và phải cố nín. Lạ quá, thường, chàng có ho đâu, mà động cần nín thinh để rình thì nó ngứa cổ hết sức.
Chàng xem lại đồng hồ tay thì thấy đã hơn mười hai giờ rồi, và bỗng nghe đói bụng. Rón rén, chàng trở lại giường, mặc y phục vào, mang dép đế kếp, đoạn đi nhón gót ra buồng trước. Đến nơi, công việc khó khăn bắt đầu. Đó là mở cửa làm sao cho cô Bảy không hay.
Bây giờ, nếu có kẻ nào rình chàng, thì họ lại ngỡ chàng là kẻ trộm vì cái lối mở cửa không gây tiếng động của chàng. Chàng đã tốn hơn mười lăm phút và rất nhiều sức lực mới mở êm được cánh cửa đó.
Lách mình ra ngoài, chàng nghe ớn lạnh vì vừa đổ mồ hôi lúc cố sức mở cửa thì gặp ngay một luồng gió. Thấy rằng không nên đóng cửa, chàng để vậy đi luôn.
Người sinh viên nầy ăn cơm xong, độ một tiếng đồng hồ sau thì về tới nhà. Cửa nẻo nhà bên kia và nhà chàng vẫn y nguyên như cũ: cửa bên kia và cửa của chàng đều hé mở.
Bình lại rón rén vào trong và công việc đầu tiên của chàng là dòm qua lỗ mọt của giấy dán vách. Cô Bảy nằm ngửa và ngủ khò. Có lẽ cô ta nhịn đói trưa nay.
Thừa dịp người đẹp ngủ say, Bình trở ra buồng trước để đóng cửa lại, và vẫn cẩn thận không cho động. Phải để người đẹp ngỡ chàng không có ở nhà.
Rồi đó chàng cũng đánh một giấc, không bận tâm đến nàng tiên ẩn dật bên kia nữa. Nàng còn đó thì chàng còn dịp bắt chợt nhiều việc hay ho, không mất đi đâu mà lo.
Đang ngủ say, không biết đã bao lâu rồi, bỗng tiếng la hét ở bên kia đánh thức chàng dậy thình lình.
- Tao đi tìm mầy từ sáng đến giờ. Tao không dè chẳng ai thèm chứa mầy nên mầy mới chui vào xó nầy. Tao tìm mầy, không phải để năn nỉ mầy về đâu, đừng có mong hảo vô ích...
- Ai thèm...
- Im! Nói láp đáp tao vả cho mà gãy răng giả bây giờ. Tao tìm mầy để đứt khoát. Đây, va ly quần áo của mầy đây...
Bình nghe tiếng một vật nặng rơi xuống gạch. Khi sáng chàng cũng đã nghe thứ tiếng ấy rồi: Cô Bảy đã xách một va ly nhỏ ra đi và giờ được tiếp viện thêm một va ly to hơn nhiều.
-... Tất cả cái gì của mầy đều được gom vào đó, từ chiếc áo lót đến đôi giày cũ, không còn dấu vết của mầy ngoài nhà. Đây, cho mầy năm ngàn ăn tháng đầu để kiếm chồng hay kiếm việc, tùy ý. Nè, nói trước cho mà biết, chiều nay tao đem "nó" về, mầy léo hánh đến tao đánh cho một trận rồi mời thừa phát lại tới chứng rằng mầy xâm phạm gia cư bất hợp pháp thì ở tù nghe chưa? Phải nhớ rằng không có khai gia đình cho mầy ở nhà tao nghe chưa?
- Nhà mầy?... A...ha...ha... mầy nói dễ nghe dữ! Lại bố thí năm ngàn! A... ha... ha... Tao có ham ở với một thằng điếm như mầy đâu. Nhưng hễ tao ra luôn thì phải chia của. Tiền tửng nhà là của tao, tiền sắm xe cũng của tao, đồ đạc trong nhà, tủ lạnh, máy hát âm thanh nổi cũng của tao, đó là không kể tiền ăn xài hằng tháng có tao tiếp tay, mới làm ra, ăn xài không hết, mầy bỏ băng.
Giờ phải hồi lại tao phân nửa tổng số tài sản, với lại phân nửa tiền bỏ băng, tao mới nghe.
- Tao không nghe, mầy làm gì tao?
- Tao níu đầu mầy.
- Con đ... chó, mầy đừng có...
- Thằng đ... đực, không được hỗn.
-... Mầy đừng có vuốt mặt. Hồi tao đem mầy về, mầy không còn một cái răng, nhớ hay chưa chị gánh nước mướn sún răng?
- Đồ khốn nạn!
- A... ha... ha... chị Bảy không còn một cái răng! Thế rồi chị Bảy học đi giày cao gót, chập chững như là cóc mang guốc, chị Bảy dồi phấn như hề hát bội. Ai dạy chị Bảy cầm nĩa, ai dạy chị Bảy tiếp khách, ai dạy chị Bảy chọn màu? Học những thứ ấy để lên chức cô Bảy rồi không chịu trả công à?
Chi Bảy ơi, nhiều chị gánh nước mướn khác dám đổi bạc vạn đi học cho sành cái phong thể "Cô" nghe chưa, vì với cái vỏ "Cô", các chị sẽ sống được mà khỏi cần vốn liếng hay lao lực. Chị kiếm tiền được cũng nhờ cái uy tín "Cô" mà tôi gây cho chị, chị dư biết mà...
- Đồ tồi! Ừ, tao nhà quê đó, tao nghèo hèn đó, mà đã xấu chưa như mầy làm...
- Nín!
- Tao không nín. Tao là con cắt cỏ, con gánh nước mướn, còn mầy, mầy là kết quả của một cuộc hiếp dâm của một ba đá say rượu.
Bình nghe tiếng giày bước tới, rồi một cái tát trời giáng.
- Đồ khốn nạn, đồ võ phu!
Một cái tát nữa.
- Đồ chó đẻ, trâu sanh!
Một vật cứng chạm vào vách kêu cái rầm. Có lẽ cô Bảy ném chồng bằng vật gì đó, nhưng ông Gô né kịp.
- Tao quyết ăn thua đủ với mầy...
Cô Bảy nói thế rồi chạy chân không đùi đụi, có lẽ cô ta nhảy tới để ấu đả với người Pháp lai. Bỗng Bình nghe một tiếng "ành" và tiếp theo đó, cô Bảy kêu "Trời ơi! Chết tôi rồi!" Rồi té xuống gạch một cái "ạch".
Tiếng giày của ông Gô đi ra. Cô Bảy rên è è, và Bình nghe tim chàng đau nhói. Chàng thường thấy lũ du đảng đánh nhau bằng dao búa, đổ máu xối xả nhưng chàng không hề nao núng: chàng có thấy một đôi lần phụ nữ đánh lộn với đờn ông, thua trận và bị nện đến chết giấc, nhưng chàng cũng không hề nao núng: họ đánh nhau và thắng bại là sự thường.
Nhưng chàng ghê tởm quá khi chứng kiến cảnh đờn ông đánh đờn bà. Đánh nhau với đánh người, khác nhau xa lắm. Trong các đám đánh người, kẻ bị đánh thường là yếu đuối, không thể tự vệ và cái võ phu của kẻ đánh đập lộ rõ ra, sự đau đớn của những người bị đòn gia tăng lên, nhờm quá!
Cô Bảy vẫn nằm dưới gạch mà rên è è...
Thì ra cái cô Bảy sang trọng cực kỳ ấy, từ lời ăn tiếng nói đến những cử chỉ nhỏ đều mang dấu liệu "nhà giàu cũ", cái cô Bảy mà ai cũng mến và kính nể ấy, trước kia là một chị cắt cỏ sún răng!
Hai hình ảnh hiện lên, chớp nhoáng: một thôn nữ nghèo nàn... rồi một cô gái mới học đánh phấn, mới học ăn học nói. Bình muốn bật cười. Cô Bảy bây giờ thật là không tiếp tục cho hai hình ảnh kia chút nào và khó lòng mà nhận rằng ba người ấy là một.
Nhưng không thể không nhận rằng ông Gô là một người có khiếu thẩm mỹ thật vững: tìm thấy một ngôi sao trong trăm ngàn chị bán chè, chị mua lon sữa bò, ve chai, tin chắc ngôi sao sún răng ấy biến đổi ra người đẹp được, phải chăng là tài giỏi về thuật xem người?
Cỡ xứ ta mà có nhà sản xuất phim biết dùng người, thì ông Gô sẽ là một nhân viên khám phá minh tinh một cách đắc lực vậy.
Cô Bảy năm nay độ 28, 29 tuổi gì đó. Cô ta ăn ở với ông Gô lâu lắm là mười năm chớ không hơn. Học tập được một phong độ đài các trong mười năm, cô Bảy quả là một phụ nữ thông minh. Có nhiều cử chỉ nhỏ phải tập trong bụng mẹ tập ra, nhiều ngôn ngữ phải bập bẹ ngay từ lúc lên hai, lớn lên mới nói được một cách tự nhiên, nói tóm lại, phải sống và được giáo dục lâu đời, lâu năm trong không khí quí phái mới thành quí phải, chớ không phải hễ trúng số độc đắc thì một sớm một chiều, sang trọng được ngay đâu. Bình có biết một ông nhà giàu mới, triệu phú đã mười lăm năm rồi, mà hễ mở miệng ra là đ..m...
Tuy nhiên bọn quí phái giả nầy vẫn hiện nguyên hình trong lúc họ giận. Khi nãy họ thô bỉ với nhau là đúng chơn tướng của họ rồi.
Cô Bảy vẫn rên è è...
Bình do dự rất lâu. Bắt chợt bí mật của người khác, nguy cho mình lắm. Mình sẽ bị họ oán vì họ sợ mình. Mình sẽ bị họ ghét vì họ mắc cỡ với mình. Nên giả đò đi vắng là hơn. Nhưng mà... thật khó chịu. Có thể cô ta bị thương nặng cũng nên và cần được cứu cấp.
Rốt cuộc, người sinh viên nầy quyết nghe theo lương tâm mình và bổn phận làm người của mình. Nhưng biết đâu hành động của chàng lại không do nguyên nhân khác thúc đẩy, không do tiềm thức chàng xúi giục, tiềm thức mà trong đó đang trú ẩn nhiều cảm tình đối với một người thiếu phụ xinh đẹp mà chàng quen biết.
Mặc dầu ở dãy nhà bình dân phía sau, Bình vẫn quen với tất cả các gia đình giàu có phía trước, nhờ địa vị sinh viên của chàng, một địa vị khá "le" trong xã hội ta, nhờ tánh tình chàng dễ mến, và nhờ chàng đẹp trai. Mặc dầu không hy vọng gì, các ông vẫn cảm tình với thiếu nữ xinh đẹp, thì lẽ dĩ nhiên là các bà cũng cảm tình với thanh niên đẹp mã.
Bình mặc y phục vào rồi, không cần giấu giếm sự có mặt của chàng nữa, chàng bước mạnh, mở cửa mạnh rồi sang nhà láng giềng.
Cô Bảy nằm nghiêng trên gạch mà ôm ngực co mình lại như để chống lạnh. Cô không rên rỉ nữa khi nghe có người đến, nhưng vẫn không day lại để xem cho biết đó là ai, Bình không gõ cửa, bước vào nhà và hỏi:
- Có sao không cô Bảy?
- Cậu Bình đó hả? Trời, tức ngực muốn bứt hơi lận cậu à. Nhưng đã hết rồi, chỉ còn đau ê thôi.
- Cô nên dậy, nếu không việc gì.
Cô Bảy lồm cồm ngồi dậy, vẫn cứ ôm ngực. Hai người nhìn nhau, ngỡ ngàng, thiếu phụ mắc cỡ vì bị lộ tẩy. Bình mắc cỡ, cái mắc cỡ của người tốt, mắc cỡ vì đã biết chuyện xấu của người ta làm cho người ta phải xấu hổ với mình.
- Cậu ngồi chơi!
- Tôi lo quá, qua đây để giúp đỡ cô.
- Cám ơn lòng tốt của cậu.
- Cô không việc gì thật chớ?
- Chắc không việc gì. Nó đánh tôi như vầy đã nhiều lần rồi, mà lần nầy không phải là lần nó nặng tay nhứt đâu. Hồi tôi mới về với nó mấy năm đầu nó ghen, nó đánh tôi đến chết giấc năm bảy phen.
- Trời!
Cô Bảy mỉm cười và nói:
- Mặt cậu lộ vẻ đau đớn và ghê tởm một cách thật tình. Cậu chưa biết đủ mặt của cuộc đời nên mới thế. Tôi thì tôi xem đó là thường.
Bình ngạc nhiên hỏi:
- Thật à? Rồi chiều nay cô lại về, rồi ông Gô lại làm lành như bao nhiên lần khác?
- Cậu đừng kêu nó bằng ông. Nó là một thằng khốn kiếp. Không, lần nầy tôi không về nữa, mặc dầu vẫn xem đó là thường. Nhưng nó quyết đuổi tôi, tôi không nên cố lì vô ích. Nó đã tim được người thay thế tôi rồi.
- Sao lại thay thế?
- Vì tôi cũ quá rồi, nó chán. Nhưng tôi đẹp. Nó cần một người vợ đẹp, để cho sang và để gây tín nhiệm quanh nó. Nó khổ công tìm kiếm và giờ kiếm ra rồi, nó không còn lý do để chứa tôi mà nó hết ưa.
- Nhưng tại sao cô lại...
- Tại sao tôi biết mà cứ ăn ở với nó à?
Cô Bảy cười giòn lên và nói tiếp:
- Cậu ngây thơ một cách dễ thương. Rõ là học trò. Vì tôi cần dựa vào nó để sống chớ sao! Cây da cậy thần, thần cậy cây da mà cậu! Thần nầy hết linh rồi thì đi luôn là hơn.
- Nhưng mà...
- Nhưng mà tiền của chưa chia à? Tôi đòi chơi vậy chớ làm sao mà nó chịu lòi tiền. Thưa kiện thì không bằng cớ, đánh lộn với nó thì đánh không lại nó.
- Té ra...
- Trông vẻ mặt ngơ ngác của cậu thật dễ thương quá! Y như tôi cách đây mười năm. Và tôi đoán hiểu cậu muốn nói té ra tụi tôi không hạnh phúc với nhau như cậu ngỡ. Quả đúng như vậy, nếu hiểu theo cậu. Nhưng mà vẫn hạnh phúc đó chớ. Tụi tôi sung sướng...
- Nhưng về tình...
- Á... há... há... cậu còn tin tưởng ở ái tình? Ờ mà phải! Hồi đó tôi cũng tin như vậy. Hay lắm. Hết tin nữa, thật là uổng. Mong cậu sẽ khỏi mất lòng tin như tôi.
- Trời ôi? Thì ra...
- Cảm động lắm và dễ thương lắm! Thì ra giả dối tuốt, có phải không? Chắc cậu đã nghe nó khai dĩ vãng của tôi. Phải, hàm răng tôi là hàm răng giả, lông nheo cũng giả, tóc cũng giả, bộ ngực cũng giả, cái eo cũng giả và chắc cậu nghĩ rằng tim tôi cũng giả tuốt. Thằng chó đẻ ẩy cũng vậy. Cậu nói đúng. Rất đông người như vậy.
Cô Bảy nín lặng, mắt mơ màng giây lâu rồi nói nho nhỏ như tự nói với minh: "Nhưng vẫn còn thứ thiệt, như cậu Bình. Tâm hồn cậu trong trắng!"
Bình đã mất gần hết cảm tình đối với người đẹp nầy. Những cảm tình cậu dành cho cô ta rơi rớt lần lần từ lúc bị đánh thức thình lình đến giờ: nó rơi khi chàng biết dĩ vãng của cô ta, nó lại rơi khi chàng nghe cô ta thô lỗ, và nó rơi hết trọi hết trơn khi cô ta phơi bày trắng trợn nhơn sinh quan của cô ta.
Nhưng câu nói gần thư nói thầm ấy đã cứu vớt được phần nào một chút xíu lòng mến cái con người mà tuy thế chớ dầu sao trong bụng cũng còn sót lại được một tí thiện căn con người, còn biết ngậm ngùi tiếc thưởng những gì tốt đẹp đã mất.
- Tôi giúp cô được gì bây giờ? Bình đột ngột hỏi.
- Cám ơn cậu nhiều lắm. Nhưng tôi không sao đâu.
- Rủi ông ấy trở lại?
- Nó đã dứt khoát.
Nàng vừa nói, vừa chỉ năm ghim bạc mà Gô đã vứt chài bài dưới gạch. Rồi tiếp:
- Cậu Bình nè, tôi mến cậu lắm đấy nhé. Cái trong trắng của cậu đã làm cho tôi nhớ lại rằng con người vẫn tốt. Tôi cần gần gũi cậu để khỏi chán chê cuộc sống. Chiều nay, tôi mời cậu đi ăn cơm nhá?
Thấy thanh niên ngần ngừ do dự, nàng nói:
- Không sao, ta đi ăn cơm thố dưới chợ cũ, có tốn hao gì đâu mà cậu ngại. Tôi cũng thích trở về giai cấp cũ của tôi mà tôi đã xa từ lâu. Ăn tửu lâu sang trọng lâu ngày, vào quán bình dân chắc cũng thú lắm.
- Nhưng mà ổng sẽ nói sao?
- Nó nói sao thây kệ cha nó. Nhưng nó không nói gì đâu. Bọn của tôi tốt ở chỗ đó. Hễ rồi là rồi, và người nầy để cho người kia yên thân. Họa chăng là cậu sợ miệng hàng xóm. Được, như vậy tôi đợi cậu dưới ấy hồi sáu giờ, trong liệm cơm thố đường Tôn Thất Đạm, cậu đi riêng và gặp tôi nơi ấy vào giờ đó.
Cô Bảy đã bị lột trần và tự lột trần từ dĩ vãng đến phong cách của cô ra rồi nên Bình không nghe ham đi với người thiếu phụ ấy. Thật không còn gì để biết nữa về thiếu thời, về tâm hồn của con người đó. Tuy nhiên có một sức mạnh vô hình nó xui khiến chàng nhận lời: đó là một người đờn bà đẹp tuyệt trần, thân thể khêu gợi, hơi lẳng và có một cặp mắt dâm đảng không còn ngờ gì nữa.
Những lần gặp nhau ở đầu phố, nàng chào chàng bằng một cái cười khá trai lơ thì chàng đê mê mấy giây, rồi đâm nghĩ vẩn vơ hàng giờ sau đó. Nay con người hấp dẫn về thân ấy lại rảnh rang và thích gần gũi với chàng, chàng làm sao mà không xiu lòng.
Họ ăn cơm thố xong rồi đi đạo mát, cũng chẳng ai nói với ai gì nhiều ngoài chuyện mưa nắng, vì họ chẳng có gì để nói với nhau, anh con trai không còn thương xót thiếu phụ bị hành hung và bị phụ rãy vì anh nghĩ cô ta cũng chẳng tốt gì đó, còn bà chị thì thấy thằng em còn nhỏ dại quá, nên không buồn tâm sự với nó.
Nhưng thằng em ấy đã mấy lần bị xúc động khi rủi ro họ chạm tay, chạm chơn nhau. Bà chị thấy hay hay, cái trò vui đó nó nhắc nhở thời con gái của bà chị và khiến bà chị vừa sung sướng vừa ngậm ngùi nên bà chị cố ý tái diễn những đụng chạm rủi ro ấy rất thường.
Một khi kia, bà chị thấy đứa em nhỏ như say rượu, nên trong mấy phút bà chị đâm ra nghĩ quấy. Cả hai nhà khít vách nhau đều vắng người và bà chị nghe rằng cứ bắt cóc thằng con trai nầy mà hưởng nó thì tuyệt.
Bà chị kêu mỏi chân, gọi tắc xi để cả hai cùng về nhà. Nhưng dọc đường không hiểu sao, bà chị lại bảo xe chạy tuốt đến công viên nằm trưởc bulding Lam Sơn.
Khu nầy tối om và công viên vắng hoe. Họ ngồi kề nhau trên chiếc băng đá và bà chị nghe thằng em thở hổn hển. Trong mấy phút nữa, bà chị lại ngẩn ngơ, nhưng cố chiến đấu với tà tâm của mình một hồi, bà chị nói:
- Cậu Bình nè!
- Dạ.
- Tôi biết rõ bụng cậu trong giây phút nầy đây.
Bình giựt mình đánh thót, rồi hoảng sợ chối:
- Không, tôi không...
- Không sao đâu, chính tôi cũng cùng một tâm trạng như cậu kia mà. Nhưng tôi mến cậu quá nên... không nỡ: Nếu ta làm xằng thì rồi cũng không đi đến đâu cả. Tôi cần một người đờn ông bản lĩnh để dựa mà sống, còn cậu, cậu làm sao mà chịu lấy vợ già hơn cậu đến chín mười tuổi.
Tệ hơn thế, cậu sẽ biết ái tình dưới gương mặt xấu của nó thì hại cho đời tình cảm của cậu lắm. Tôi mến cậu vì thấy cậu còn trong trắng, sự trong trắng rất hiếm có vào thời nầy. Tôi có một đứa em gái, cũng còn trong trắng như cậu. Nếu không có tôi nó chỉ bán mía ghim là cùng. Nhưng tôi đã cho nó đi học và hiện giờ nó làm thơ ký đánh máy cho người ta.
Nó, giống hệt tôi, còn đẹp hơn tôi nữa, và hơn tôi ở chỗ tất cả trong người nó đều là thứ thiệt, từ hàm răng đến cái eo.
Nếu cậu không chê nguồn cội bần cùng của chị em nhà tôi, thì tôi xin cho không nó cho cậu. Nó biết nội trợ và sẽ thủ phận làm nội tướng chớ không oanh liệt chạy áp phe như tôi đâu mà cậu lo.
Tội biết cậu chưa nghĩ đến việc lập gia đình, vì sợ nghèo, nhưng con Huệ nó lại có kế sanh nhai thì đỡ khổ cho cậu. Cậu lại khỏi cưới hỏi gì cả, cứ đem nó về là xong. Nếu nhờ trời, tôi khá ra, tôi sẽ giúp hai vợ chồng.
Bình ngỡ ngàng quá. Cô Bảy trắng trợn phơi trần lửa dục của cô ta và phanh phui lửa dục của chính chàng, khiến chàng rất xấu hổ. Và vừa thèm chị, ai lại nhận cưới em mà xem cho được. Nên chi chàng chỉ làm thinh, tức mình bị đứt hy vọng và hơi giận người đờn bà nầy.
- Ý mà! Cô Bảy như sực nhớ lại nên nói thêm. Ý mà làm sao cậu nhận lời khi cậu chưa biết mặt mũi em tôi ra sao. Vậy mai nầy nhơn dịp dì tôi về, tôi sẽ biểu nó tới để thăm dì tôi và để cho cậu coi mắt. Tôi sẽ nói thật hết cho nó biết như vậy và cậu khỏi phải tỏ tình hay nói gì rắc rối cả. Hễ cứ thích, nói với tôi một tiếng, tôi cho nó về ở với cậu ngay.
Một lần nữa, Bình lại thủ vai thụ động. Cô Bảy vẽ bùa cho cô ta đeo, chớ chàng có xin xỏ gì đâu. Nhưng chàng cũng không nỡ từ chối, phản đối. Ngày mai chàng không gật đầu là lá bùa cô Bảy tự đeo không linh, chỉ có thế thôi, cô mà có ham lên chức chị vợ bao nhiêu, cũng chẳng ăn nhằm gì.
Ngày mai lại, bà Tư về với hai chai nước sơn khê đầy nhóc vi trùng mà bà tin chắc rằng rất thần hiệu để tiêu trừ bá bịnh.
Bình mừng đã có bạn láng giềng đỡ hiu quạnh, nhưng lại lo rầu sẽ bị đánh thức mỗi hôm vào giờ ngon giấc. Bà Tư cho vay tiền góp, nghe mình có tội nặng lắm với Trời, Phật, nên cố mà tụng kinh, đánh chuông, mong mài mòn bớt tội của bà phần nào.
Chiều lại, đúng y như cô Bảy đã dự định, cô Huệ ấy tới thăm dì. Nghe tiếng khách bên kia, Bình hơi ngạc nhiên. Cô cháu của bà Tư sao lại có giọng nói từa tựa như giọng của một người quen của chàng, cô Tần Ngọc.
Nhưng chàng cứ bị động, không buồn bước qua đó để coi mắt cô gái mà chị cô, cái bà me Tây trời đánh ấy đã thi vị hóa nghe hay lắm.
Vì thế mà đợi mãi không được, cô Bảy đành phải đưa em của cô qua đây. Thoạt tiên, Bình định nín để trốn luôn. Nhưng chàng nghe thương xót hai chị em quá, cần chồng cho đến đỗi quên tủi thân, đến tận nhà trai cho hắn coi mắt.
Vì thế mà chàng dậy để mở cửa. Cửa vừa mở ra thì chủ và khách đều ngạc nhiên kêu lên một lượt:
- Kia cô!
- Kia anh!
Họ chết sửng mà nhìn nhau rất lâu rồi cười xòa, đoạn chủ mời khách vào nhà. Cô Bảy hơi lo, hỏi:
- Hai ngrời đã quen với nhau rồi à?
- Tôi không dè cô Tần Ngọc nầy là cô Huệ.
- Em cũng không dè anh Bình ở đây.
Quả đúng như cô Bảy đã khoe, Tần Ngọc là một thứ cô Bảy trẻ hơn mười tuổi, còn ngây thơ lắm, nhưng đẹp không thua gì chị. Bình đã ngẩn ngơ trót tháng khi quen biết với Tần Ngọc, nhưng sau thấy mình vô hy vọng, chàng cố mà quên cô ta, mặc dầu họ gặp nhau mỗi ngày.
Tần Ngọc làm thơ ký đánh máy cho nhà xuất bản "Cảo Thơn", còn chàng ta vì túng qnẩn quá, không còn cha mẹ để tiếp tế cho, nên bỏ học để lãnh khoán bản thảo của nhà xuất bản mà cô thơ ký đánh không kịp.
Mối tình mà chàng vừa hoài thai, bị mặc cảm bóp cho chết non đi. Kể ra, chàng còn kém Tần Ngọc một bực. Tần Ngọc đánh máy mỗi ngày được có năm trang mà lương tháng đến hai ngàn, thì chạy mỗi trang, nàng lãnh mười ba đồng, còn chàng thì vì thất nghiệp cần phá giá để lãnh cho được công việc, nên chỉ ăn có ba đồng mỗi trang mà giấy lại do chàng phải bỏ tiền túi ra mua nữa.
Vì thế mà chàng không dám mong làm chồng hay làm nhơn tình của cô thơ ký xinh đẹp nầy.
Cô Bảy thất Vọng lắm, định bụng họ đã quen với nhau rồi mà đã không cảm nhau (vì nếu cảm, Bình đã chẳng thở ồ ồ khi ngồi gần cô đêm rồi) thì khó lòng.
Nhưng Bình thì lại hy vọng tràn trề. Chàng đã không dám, mà người ta tự nhiên đến là cái may mắn lớn nhứt của đời chàng vậy.
Tần Ngọc nói ba điều bốn chuyện rồi xin về. Cô Bảy đưa em ra tới đường và hai người nói với nhau những gì nhiều lắm, trót nửa tiếng đồng hồ sau, cô ta mới trở vào nhà.
Bình sẵn sàng gật đầu. Chàng chỉ chờ cho cô Bảy hỏi một câu ngắn: "Cậu thấy nó thế nào?" Là đáp ngay: "Trăm việc xin nhờ chị".
Nhưng cái câu ấy, cô Bảy không buồn hỏi. Trái lại cứ bằng vào cách đối thoại giữa bà Tư và cô thì cô đang thu xếp để đi ở nơi khác.
Bình sốt ruột quá nên mời cô ta qua nhà để hỏi thăm kết quả của cuộc hội kiến vừa rồi, kết quả ấy trước thì đã định là do chàng định đoạt cả mà giờ chàng lại bôn chôn muốn biết.
Cô Bảy vẫn tử tế vui vẻ với chàng, nhưng lại lắc đầu mà hỏi:
- Cậu Bình, tôi rất tiếc vì tôi mến cậu nhiều lắm. Nhưng cậu có phải là sinh viên giả hay không?
- Không, tôi vẫn có ghi tên mỗi học khóa nhưng nghèo quá, tôi lãnh khoán công việc của nơi cô Huệ làm, rồi công việc nhiều, tôi phải tạm gát việc học lại vài năm, chừng nào khá sẽ hay.
- Cậu làm sao mà khá được. Bây giờ cậu kiếm tiền vừa đủ ăn chớ không dư thì biết bao giờ cậu mới rảnh về sinh kế để tiếp tục sự học.
- Nhưng sinh viên hay không sinh viên, tôi vẫn cứ là tôi kia mà. Nếu chị mến tôi, vì tôi thì...
- Không bao giờ tôi hết mến cậu cả, nhưng con Huệ với tôi đồng ý rằng nó phải lấy một người chồng có tương lai...
Bình như bị một vố búa bổ lên đầu. Chàng chết điếng giây lâu rồi ôm mặt than:
- Trời ơi, té ra không có cái gì thiệt cả, răng giả, ngực giả, mà cả trái tim cũng giả tuốt. Cô Huệ chỉ yêu tôi khi nào tôi là một cử nhơn tương lai thôi.
- Phải, không có cái gì thiệt cả cậu à.
- Nhưng sao cô lại bảo rằng cô Huệ trong trắng như tôi.
- Chớ sao. Nó trong trắng, mà cậu cũng trong trắng. Nhưng cậu Bình trong trắng vẫn cứ là sinh viên giả được thì con Huệ trong trắng lại không có quyền yêu giả à?
Nhưng biên giới của thiệt và giả thật khó phân biệt lắm cậu ơi. Tình yêu tốt đẹp lắm, nhưng lại ăn không được thì con gái họ phải nghe lý trí mà chọn người có tương lai chớ. Nó yêu ông cử tương lai mặc dầu vì quyền lợi, nhưng vẫn yêu thiệt đó chớ. Con người thời nay sống với nhau toàn bằng của giả, nhưng chỉ giả đến mức nào đó thôi. Qua khỏi mức đó, những cái giả nhè nhẹ, giả hơi hơi là thiệt hết.
Nhưng giả cũng hay y như thiệt thì thiệt hay giả, thật không quan trọng. Cái eo của tôi là cái eo nhơn tạo nhờ cái gaine tạo nên. Nhưng cậu cứ thấy tôi đẹp và hấp dẫn như thường, mặc dầu đã biết sự thật. Cậu cứ thèm tôi và thằng Gô, đi với tôi, cứ hãnh diện là có một cô vợ lưng ong mà nhiều người đờn ông khác phải ganh với nó.
Vi thế mà con người thời nay mới sống được với cái giả, vui được, sung sướng được với cái giả. Không thế nào cậu tìm được cái thiệt, thiệt một cách tuyệt đối đâu mà mong. Rồi chạm trán với đời, cậu sẽ thấy là mỗi người trong chúng ta, ai cũng phải tự mãn với những cái giả nhè nhẹ, nếu ta may mắn tránh được những cái giả tài trời.
Tiếng chuông bỗng vang lên bên nhà bà Tư và mùi hương trầm thoang thoảng đưa qua. Cô Bảy mỉm cười mà rằng:
- Dì tôi sùng bái giả đó, cho nhẹ cái tội cho vay nặng lời của bả. Nhưng bả yên bòng được, đỡ sợ viễn ảnh địa ngục thì bả vui sống được rồi.
Bình ngước lên, cười ha hả một chuỗi cười ghê rợn:
- A... ha... ha... Cô Bảy à... cô vừa khai quang, điểm nhãn cho tôi đó. Xin cô giữ bí mật giùm cho nhé! Sở dĩ xóm giàu phía trước mà họ chú ý đến anh thanh niên của xóm nghèo trong nầy, vì họ đinh ninh rằng anh ta sẽ là ông cử ngày nào đó. Tôi rất cần được họ tiếp tục nể nang...
-...Và cậu cần tiếp tục làm sinh viên giả. Đó, thấy không, chính cậu cũng "mà" con mắt người khác kia mà!
- Phải, đúng như vậy.
- Nè, đừng có buồn. Bà phán ở căn nhà số 5, khít vách với nhà thằng Gô, bả đã ghi tên cậu vào sổ hường nhà bả rồi. Bả định nay mai sẽ gọi cậu, gả con cho cậu rồi bao cậu ăn học. Tôi muốn phỏng tay trên bả, nhưng rủi lại khám phá ra sự thật.
Để rồi cậu xem, cậu sẽ trở lại địa vị sinh viên thật dễ như chơi, chính nhờ cái giả của cậu đó. Bả thương giả cậu, con bả yêu giả cậu, nhưng rồi sẽ thật hết...
- A... ha... ha... giả... mà thật...
- Ừ... rất có thể tôi sẽ là bà kỹ sư nay mai, vì ông kỹ sư Cần ổng goá vợ và si tôi lắm. Bà kỹ sư Cần sẽ là bạn của ông cử Bình, ta giao thiệp với toàn người bảnh không mà thôi.
- A... ha... ha... cử Bình... giả... thật... tôi như đang chiêm bao.
- Mai tôi đi cậu nhé. Tôi thuê buồng ở building, cậu tới chơi. Cậu là khách sang của tôi, nào ai biết.
- Ừ... nào ai biết... a... ha... ha...
Cô Bảy vừa ra khỏi nhà, Bình xách máy đánh chữ đặt lên bàn rồi cuồn loạn đập lên đó. Câu chuyện của bổn tiểu thuyết mà chàng đang đánh máy, là câu chuyện láo khoét. Thế mà sẽ có thằng bỏ tiền ra mua, rồi mê man đọc, có người lại rơi nước mắt thương cho cô gái bảy nổi ba chìm trong đó. Cái anh tác giả chuyên môn nói láo, lại say sưa được khi viết truyện, anh ta mê man sống với nhơn vật, với cái thế giới mà anh ta tạo ra.
Ở Hà-Nội ngày xưa đã chẳng có nhiều cô tiểu thơ nhảy xuống hồ Hoàn Kiếm sau khi đọc chuyện Tố Tâm à?
A... ha... ha... còn cái ông chủ nhà xuất bản ấy nữa, ông ta luôn miệng nói là làm văn nghệ, nâng đỡ văn nghệ... nhưng ông ta cứ xuất bản truyện kiếm hiệp, cứ hốt bạc bỏ nhà băng, cứ đi xe Huê Kỳ và bố thí cho những thằng văn sĩ một số tiền vừa đủ ăn cơm ở các quán xã hội, vừa đủ ăn xôi và uống nước mía a...ha... ha...
Bên kia, bà Tư niệm: "Mô phật... mô phật... mô phật!"
Mưa Thu Nhớ Tằm Mưa Thu Nhớ Tằm - Bình Nguyên Lộc Mưa Thu Nhớ Tằm