Lời Ai Điếu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3 (2)
hưng có ai ngờ, bỗng nhiên số phận lại mỉm cười với tôi. Đó là một buổi trưa hè oi bức, tôi đang ngủ trong buồng thì mẹ tôi đánh thức dậy vì có “chú Bẩy Trân” xuống chơi. “Chú Bẩy Trân” là một nhân vật thật độc đáo, thật đặc biệt nếu như không muốn nói là một nhân vậy “huyền thoại” về những người cộng sản Việt Nam. Sở dĩ tôi viết cuốn hồi ký này vì như tôi đã nói ở phần mở đầu, đời tôi không đáng một xu, không có gì đáng viết cả, nhưng những nhân vật mà tôi biết như “chú Bẩy Trân” thì phải viết lại, không thì “phí đi” như bạn bè khuyên tôi nên viết hồi ký!
Câu chuyện về “chú Bẩy Trân” mà tôi phải dừng lại khá lâu này để nói, số là như sau…
Khoảng năm 1955 khi mẹ tôi có mở một cửa hàng bán giầy dép ở phố Hàm Long, hàng tháng có cán bộ đến thu thuế. Người đến thu thuế tại cửa hàng của mẹ tôi là một thương binh, cán bộ miền Nam tập kết, tên là Tám Trọng. Anh Tám Trọng sau này là anh rể ruột của tôi. Anh ít nói, một thanh niên trắng trẻo, tính tình hiền hòa. Do đi lại thu thuế nên Tám Trọng quen với chị ruột lớn của tôi là Lê Thị Thuận. Họ quen nhau đến mức thân thiết rồi xin mẹ tôi cho làm đám cưới. Nhưng mẹ tôi nói, tuy anh Tám là người tốt, nhưng cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết đa số có vợ ở trong đó rồi, sau này đất nước thống nhất thì lôi thôi lắm nên bà kiên quyết không đồng ý. Thế rồi mấy hôm sau có một chiếc xe Volga đen đậu đánh xịch ở cửa nhà tôi. Từ trong xe bước ra là một người đàn ông tầm thước, mặc com-lê thắt cà vạt nghiêm chỉnh bước vô nhà xin phép được gặp mẹ tôi. Hồi đó ai đi xe Volga đen là sang lắm, phải là ủy viên trung ương Đảng. Cấp Bộ trưởng nhưng không phải là ủy viên trung ương thì đi xe Volga trắng. Phân biệt ngôi thứ rõ ràng qua màu sắc chiếc xe. Người đi xe Volga tự giới thiệu tên là Bẩy Trân, quê ở Cần Giuộc, Long An là cán bộ cao cấp của Đảng hiện công tác ở Bộ Giáo Dục. Ông Bẩy Trân, với tư cách là cán bộ cao cấp của Đảng đảm bảo với mẹ tôi rằng anh Tám Trọng (tức Phạm Văn Trọng) là cháu ông, đã có vợ ở miền Nam nhưng vợ anh Tám đã li dị chồng khi anh Tám bị thương để đi lấy một người chồng khác ở phía bên kia. Ông Bẩy Trân xin đứng ra bảo lãnh cho anh Trọng và nhận anh làm con để đại diện gia đình cử hành đám cưới với chị tôi, ông xin nhận làm sui gia với gia đình tôi.
Chẳng biết thực hư thế nào, mẹ tôi vẫn băn khoăn nên nhắn chú Hai tôi đang công tác ở Bộ Công An điều tra hộ. Mẹ tôi là một phụ nữ, như hàng trăm phụ nữ khác ở miền Bắc lúc bấy giờ rất tin tưởng vào cán bộ của nhà nước, nhất là cán bộ cao cấp như em chồng của bà, tức chú Hai tôi. Có câu chuyện khôi hài mà tôi không bao giờ quên được khi người ta nói đến “tính ưu việt” của chế độ XHCN ở Liên Xô. Ngày ấy, Liên Xô là “thiên đường” của loài người như người ta đã tuyên truyền. Có người nói với mẹ tôi rằng, ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau! Mẹ tôi nửa tin nửa ngờ, đợi đến hôm chú Hai tôi về chơi, bà mới đem câu chuyện đó ra hỏi. Hôm đó tôi cũng có mặt và nghe rất rõ câu chuyện. Mẹ tôi nói: Tôi nghe người ta nói ở Liên Xô phụ nữ đẻ không đau có phải không hả chú? Chú Hai tôi chỉ cười rồi hỏi lại: Ai bảo chị thế? Rồi cũng không trả lời gì cả(!) Thì ra chính trị là như thế. Bộ máy tuyên truyền luôn làm ngu dân. Những người dân lương thiện như mẹ tôi không đi đến đâu nên có thể tin ở Liên Xô đẻ không đau! Cũng như sau ngày 30-4 tôi về một nhà dân ở Long Xuyên thấy trong nhà tắm tường đen ngòm toàn vết cháy. Hỏi ra thì bà chủ kể rằng, sắp đến ngày thua trận, chính quyền tuyên truyền rằng Việt Cộng vào sẽ bắt hết con gái, phụ nữ mặc áo dài, sơn móng tay móng chân… nên khi nghe tin Sài Gòn đã thất thủ, gia đình đem hết quần áo đẹp của đàn bà con gái vô nhà tắm rồi tưới xăng đốt nên bây giờ nhà tắm mới đen ngòm như vậy!
Đúng là: “Sau mỗi cuộc chiến tranh / Phe nào thắng thì nhân dân đều bại” như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết.
Câu chuyện mẹ tôi nhờ chú Hai “điều tra” thì thế này, chỉ mấy ngày sau, chú Hai tôi đi xe com-măng-ga, (xe dành cho sĩ quan cao cấp ngành công an hoặc quân đội) về nhà và cho mẹ tôi hay, đúng ông Bẩy Trân, tức Nguyễn Văn Trân là cán bộ cao cấp rất có uy tín của Đảng, tập kết ra Bắc và sắp tới sẽ giữ những chức vụ quan trọng. Thế là đám cưới chị tôi với anh Tám Trọng được cử hành trọng thể và ông Bẩy Trân mà sau này tôi hay gọi là “chú Bẩy” chính thức là sui gia với bố mẹ tôi. Ngày giỗ, ngày tết tại gia đình tôi bao giờ cũng có ông sui gia Bẩy Trân có mặt. Ông Bẩy Trân xuất hiện trong gia đình tôi như một ánh sáng mới lạ, không phải vì ông là một cán bộ cao cấp, mà vì những hành vi văn hóa của ông khác hẳn với những thứ văn hóa vô sản đang hình thành lúc đó. Ông được mọi người ở cả 2 bên nội ngoại của tôi rất kính trọng. Đặc biệt đối với ông nội tôi mặc dù về mặt vai vế ông chỉ đứng hàng con cháu vì là sui gia với bố mẹ tôi.
Lần đầu tiên người cán bộ cộng sản cao cấp này ra mắt ông nội tôi là cử chỉ xin phép được đốt một nén nhang trên bàn thờ tổ tiên của gia đình tôi và cúi lại ba lần. Cử chỉ này làm kinh ngạc mọi người vì tại thời điểm đó đang diễn ra Cải cách ruộng đất. Ở khắp nơi trên miền Bắc, người ta đang đập phá đình chùa, tượng phật, tượng thánh bị vặn cổ ném xuống ao. Bàn thờ tổ họ Lê Phú nhà tôi, trừ ông nội tôi, còn bố tôi và các chú ruột không ai thắp nhang và cúi lạy trước vong linh ông bà cả dù đó là những ngày lễ tết hay giỗ chạp. Lúc đó, người ta xem những cử chỉ hành vi này là duy tâm, là lạc hậu, là phong kiến… Từ đó trong mắt ông nội tôi, mẹ tôi và cả tôi nữa, ông Bẩy Trân là một cán bộ cộng sản không giống với thứ văn hóa vô sản lưu manh đang được người ta áp đặt vào xã hội miền Bắc lúc đó. Mỗi lần đến chơi, ông Bẩy Trân được ông nội tôi tiếp đón rất trân trọng. Họ nói chuyện nhau rất lâu, đôi lúc dùng cả tiếng Pháp nữa. Mỗi khi ông Bẩy ra về, ông nội tôi tiễn ra tận cổng… Còn mẹ tôi thì vô cùng cảm động khi những đêm sáng trăng ông sui gia đạp xe ra tận ngoại thành chơi, ngày ấy ngoại thành chưa có điện, ông đã ra tận ruộng rau nơi mẹ tôi đang tưới cây để trò chuyện động viên người phụ nữ thị thành chưa mấy quên với công việc thôn quê nặng nhọc này. Còn đối với tôi thì đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến người cán bộ có cử chỉ văn minh. Đó là lần tôi đi cùng ông Bẩy ra ngoại thành. Trên đường đi ông mua hai gói xôi đậu đen gói trong lá chuối để 2 người ăn sáng. Ăn xong tôi chưa biết vứt lá cuối đi đâu, vì còn đang ngồi trên xe Volga, nhưng ông Bẩy đã lấy nó rồi cuộn với gói lá của ông xong rồi đút vô túi áo đại cán. Về nhà ông lấy bỏ vô thùng rác. Thời gian sau ông đưa cô cháu gái gọi ông là chú ruột và chồng cô đến chơi nhà tôi. Ông giới thiệu người cháu tên là cô Sáu, và chồng là anh Sáu Khải (tức Thủ tướng Phan Văn Khải sau này) mới đi học ở Liên Xô về. Anh Sáu Khải người nhỏ nhắn, ít nói. Vợ chồng anh được mẹ tôi rất quý nên hay mời đến dùng cơm trong các dịp giỗ, tết. Có lần ngày 30 tết, mẹ tôi làm cơm cúng ông bà và mời bà con cả họ đến vì nhà tôi là nhà trưởng. Khi mẹ tôi bóc bánh chưng bày lên mâm, nhưng vì mâm to nên phải bóc hai cái (để mỗi bên một cái), thấy thế anh Sáu góp ý, đại ý là năm ngoài cũng bóc 2 bánh nhưng ít người ăn vì ăn cỗ đã no, năm nay theo ý anh chỉ nên bóc một cái. Mẹ tôi giải thích cái mâm to nên phải bóc 2 cái, vì người ngồi bên này không phải vươn tay với sang phía bên kia. Nếu chỉ bóc một cái có khi người ta lại ngại. Khi anh Sáu lên nhà trên rồi, mẹ tôi mắng tôi. Anh thấy chưa, người ta là người miền Nam, giàu có mà tiết kiệm, còn anh chỉ biết hai tay đút túi vô tích sự! Đối với mẹ tôi (và người Bắc) dân miền Nam là người giàu có hay ít nhất cũng là người sống ở mảnh đất giàu có của đất nước, ra Bắc phải chịu khổ nên phải được chiếu cố… Những tình cảm như thế của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam ra tập kết thật dễ thương. Vậy mà sau này khi vô Nam sau 1975, mẹ tôi bắt tôi đưa đi thăm những người quen trước tập kết có đến nhà tôi như ông Bẩy Trân, anh Sáu Xích cán bộ công đoàn thành phố, riêng anh Sáu Khải lúc đó là chủ tịch ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tôi định đưa bà đến thăm nhưng bà không đi vì sợ người ta hiểu lầm là mình định nhờ vả gì(!). Thật tình thì Sáu Khải không phải là người đáng phải cẩn thận như thế. Ông là người tử tế. Có lẽ vì cái tính “tiết kiệm” như mẹ tôi từng khen nên khi làm Thủ tướng ông không phá phách như những người sau này. Đôi ba lần khi tôi gặp ông trong các hội nghị tại Thành phố HCM với cương vị Thủ tướng, ông tiếp các nhà báo xưng hô đồng chí đàng hoàng, nhưng khi bất chợt nhìn thấy tôi, ông hỏi: Mày dạo này thế nào? Có gặp bà Tám (tức chị tôi, vợ Tám Trọng) luôn không? Cách xưng hô mày-tao như thế với tôi khiến các nhà báo khác ngạc nhiên. Năm 2001 tôi qua Paris thăm chú Năm tôi, trước là đại diện thường trú của Thông tấn xã Việt Nam, sau đó định cư chính trị bên đó. Chú Năm tôi hỏi: Chú xem TV thấy Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải rất giống anh Sáu Khải, cán bộ Ủy ban kế hoạch nhà nước xưa vẫn đến nhà mình chơi ở Hà Nội, có phải là Phan Văn Khải bây giờ không? Tôi trả lời là đúng. Chú tôi lại hỏi: Gặp cháu bây giờ anh ấy có hỏi han gì không? Tôi trả lời: Lúc hàn vi cũng như bây giờ quyền cao chức trọng, Sáu Khải vẫn tỏ ra là một người tử tế. Chú tôi nói: Vậy thì có dịp gặp anh ấy, cho chú gửi lời hỏi thăm. Trong một cuộc gặp ông ở hội nghị, tôi có chuyển lời hỏi thăm của chú Nam tôi. Ông Khải cười, nói: Việc mày xin đi Pháp thăm chú, bọn tao biết cả, nhưng ai dám cản mày! (Tôi chắc là ông Sáu Khải nói đùa).
Số phận của Sáu Khải thì như thế, nhưng số phận của ông Bẩy Trân sau này thì không ra sao. Tôi sẽ kể về con người “huyền thoại” này vào dịp khác. Lại nói về chuyện tôi thi trượt. Thấy chú Bẩy xuống chơi, mẹ tôi lại đem ngay chuyện tôi thi trượt đại học ra phàn nàn. Ông Bẩy nói ngay: Bảo nó ra đây. Hình như là người trong ngành giáo dục biết chuyện thi cử nên ông bảo tôi: Sáng mai theo tao vào trường ĐHSP. Thế là ngay sáng hôm sau, ông chở tôi bằng cái xe đạp Junior Tiệp Khắc vào trường ở Cầu Giấy. Đến nơi ông bảo tôi đứng ngoài chờ, ông vào gặp thầy Tuất, phó hiệu trưởng kiêm phó bí thư trực của đảng ủy nhà trường. Thầy Tuất vốn là một trí thức Nam Bộ ở châu Âu về hoạt động, cũng như ông Bẩy Trân, thầy có bà vợ người Ý cũng theo chồng về nước. Đứng ngoài cửa, chỉ cách có tấm cót mỏng, tôi nghe rõ tiếng ông Bẩy nói với thầy Tuất: Nhờ anh xem hộ trường hợp thằng con bà sui gia của tôi tên là Lê Phú Khải thi vào khoa Nga văn năm nay vì sao không đỗ? Thầy Tuất trả lời: Để tôi kêu tổ chức mang hồ sơ, lý lịch lên coi. Nói rồi ông quay chiếc điện thoại có số chạy vòng tròn kêu vo vo... Một lát sau, có một người đến mang theo bộ hồ sơ của tôi, đựng trong chiếc phong bì to lên trình. Tôi lại nghe rõ tiếng thầy Tuất: Gia đình cháu Khải là thành phần tư sản làm sao mà đỗ được! Tôi nghe thấy thế, lạnh cả người. Lại nghe tiếng ông Bẩy Trân: Thật là bậy! Gia đình nó là cách mạng nòi, chú ruột nó đang là Cục trưởng ở Bộ Công An, chị nó cũng là công an, làm sao là tư sản được. Tiếng thầy Tuất bình thản: vậy anh viết cho mấy chữ bảo lãnh đi… Thế là sau mấy phút, chẳng biết ông Bẩy viết cái gì, ngay sáng hôm sau tôi đến gặp tổ chức nhà trường nhận giấy vào lớp. Thật là khôi hài, một ông cán bộ quê ở mãi Cần Giuộc Long An chỉ viết mấy chữ bảo lãnh cho một thanh niên sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã làm thay đổi cả số phận người thanh niên đó.
Trên đường ông Bẩy Trân đèo tôi từ Cầu Giấy về, đến giữa được tôi xin ông cho xuống và đến thẳng Bộ Công An ở đường Trần Bình Trọng. Tôi lên thẳng phòng làm việc của chú Hai tôi, lúc đó ông đang là Cục trưởng Cục cảnh sát nhân dân và vừa được Thủ tướng Phạm Văn Đồng gắn quân hàm thượng tá cảnh sát nhân ngày cảnh sát ra mắt quốc dân, với quân hàm quân hiệu chỉnh tề (1962). Lúc đó chú Hai tôi là người đứng đầu ngành cảnh sát của cả nước, mà chỉ được phong cấp thượng tá chỉ bằng quân hàm của phó trưởng công an quận huyện ngày nay (2012)!
Sau khi nghe tôi trình bày rằng, công an xã đã phê lý lịch của tôi là gia đình tư sản nên không được học đại học, khiến tôi phải long đong mất hai năm… Chú Hai tôi hứa sẽ điều tra. Mấy ngày sau, ông xuống nhà tôi và cho hay theo báo cáo của trưởng công an huyện Thanh Trì thì cái lý do nghe thật khôi hài. Người công an quản lý xóm tôi ở thấy ông nội tôi hay nói tiếng Pháp nên đã báo cáo lên công an xã Hoàng Văn Thụ, làng Hoàng Mai rằng gia đình tôi là gia đình tư sản. Từ đó xã đã phê vào lý lích của tôi: Gia đình tư sản.
Hồi ấy chế độ phê chuẩn, chứng nhận lý lịch của thí sinh nộp đơn thi đại học do xã phê, không cho đương sự biết rồi niêm phong gửi qua đường bưu điện đến phòng tổ chức của trường đại học mà thí sinh dự thi. Nhà trường nhận được lý lịch như vậy thì cũng không chấm bài thi, chỉ căn cứ vào thành phần gia đình tốt, xấu của thí sinh mà xét cho đỗ hoặc trượt như tôi đã kể ở trên. Chế độ thi tuyển sinh viên vào đại học như thế đã kéo dài từ sau hòa bình 1954 không biết đến năm nào… Trường hợp của tôi là do may mắn, nhờ có ông Bẩy Trân đưa tôi vào gặp thấy hiệu phó của mùa thi tuyển năm 1963 trường ĐHSPHN, tôi mới biết chế độ tuyển sinh rùng rợn và rừng rú này. Chủ nghĩa Mác Lê với quan điểm giai cấp, đấu tranh trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mới sinh ra cách tuyển sinh vào các trường đại học man rợ như thế. Nó lạc hậu hơn tất cả các hình thái xã hội từ trước đó. Kể cả thời phong kiến thì nhà nước cũng kén người tài, giỏi, thi đạt bằng cấp cao mới được tuyển dụng vào bộ máy cai trị. Còn thời cộng sản chỉ lựa chọn theo thành phần giai cấp. Chính vì thế mà dưới chế độ cộng sản, tất cả các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp được phân bổ về công tác tại các cơ quan Đảng, nhà nước đa phần là những kẻ dốt nát, ngu si nhất. Bởi lẽ cứ thành phần bần cố nông, dân nghèo thành thị thì mới được học đại học. Do vậy lấy đâu ra học sinh giỏi ở những thành phần đó, nếu có thì cũng hãn hữu. Bao nhiêu thanh niên, học sinh thuộc các thành phần khác, dù có giỏi đến đâu cũng bị gạt ra. Có ai chấm bài thi đâu mà chọn người giỏi. Khi vào đại học rồi thì cứ thế yên chí sẽ đỗ ra trường. Đảng đã phân công thành kỹ sư, thành bác sĩ, thành tiến sĩ… Sự dốt nát lại có bằng cấp, có địa vị, đã bao trùm cả xã hội XHCN ở miền Bắc nhiều chục năm như thế. Xã hội bị đẩy lại thời trung cổ. Tôi nhớ thời Pháp thuộc, bố tôi thi diplome bốn năm liền không đỗ. Không đỗ là không đỗ, chẳng có chuyện chạy chọt, xét thành phần gì cả. Ông nội tôi có thừa tiền cũng không thể chạy cho bố tôi đỗ diplome được. Đọc hồi ký của Trần Văn Giàu sau này người ta thấy, nhà ông Giàu là đại điền chủ, nhưng chỉ có ông thông minh sáng dạ nên mới học lên được. Các em ông được gia đình chia ruộng để trở thành địa chủ mà thôi. Nói vậy để thấy, không phải ai cũng có khả năng lao động trí óc, để học hành trở thành người lao động trí óc, thành trí thức. Chế độ thi cử xét thành phần giai cấp để tuyển chọn đã đào tạo ra cả một xã hội đầy rẫy những công chức có bằng cấp nhưng dốt nát để quản lý xã hội ở các lĩnh vực. Sau này vào đại học rồi tôi mới biết, các sinh viên lớp tôi là con em các gia đình bần cố nông, thành phần nòng cốt ở nông thôn, học lực rất yếu nhưng mỗi năm vẫn lên một lớp và vẫn tốt nghiệp ra trường trở thành các thầy cô giáo dậy môn văn ở cấp 3 (sau khi được vô trường, tôi đã chuyển sang học khoa văn). Có thầy cả đời chưa đọc hết một cuốn sách thì làm sao dậy văn cho các em được. Vậy mà các vị trí thức bần cố nông này rất vênh váo, rất tự hào, rất thỏa mãn với địa vị xã hội của mình. Thời bao cấp xưa kia thi thành phần để lấy bằng cấp còn thời kinh tế định hướng XHCN ngày nay thì mua bán, đút lót để lấy bằng là chính chứ không cần kiến thức. Vì thế cả bộ máy đã hoàn thiện sự dốt nát, bộ máy cai trị đó đầy ghét bẩn nên nó không thể vận hành bình thường được. Kẻ dốt nát khi có quyền lại xuất thân từ thành phần bần cố nông nghèo khổ nên chỉ lo tham nhũng, vơ vét mà thôi. Di hại này của chế độ tuyển chọn trong giáo dục không biết bao giờ mấy tẩy rửa được. Năm ngoái, tôi có ra Hà Nội dự cuộc họp mặt 45 năm ngày ra trường của khóa đại học văn khoa chúng tôi. Sau 45 năm các bạn đồng học của tôi nay đã về hưu. Họ xúng xính trong các bộ comple, cà vạt và tranh nhau lên diễn đàn khoe về sự “thành đạt” của mình, của gia đình mình. Một anh bạn xưa kia học dốt nhất lớp, năm nào cũng phải thi lại, nhưng được chiếu cố thành phần cơ bản nên được tốt nghiệp đã lên khoe mình là hiệu trưởng kiêm bí thư Đảng ủy nhiều năm! Có vị lên khoe học trò của mình bây giờ có đứa làm đến thiếu tướng. Các bạn tôi hoàn toàn thỏa mãn, hã hê với cuộc sống hiện tại. Với họ, có bát cơm nhiều thịt là thiên đường rồi. Về Sài Gòn, tôi đem câu chuyện này kể với một người bạn, anh liền mắng tôi: Cậu mới là một thằng ngu, ở nước ta, thằng học dốt nhất lớp cậu thì sau này làm hiệu trưởng, dốt nhất trường thì sau này làm Bộ trưởng và dốt nhất nước thì làm quốc trưởng. Có thế mà cậu cũng không biết, thật là ngu(!)
Có lẽ tôi ngu thật rồi!
Lời Ai Điếu Lời Ai Điếu - Lê Phú Khải Lời Ai Điếu