Chương 4
ÁO CÁO CỦA CỤC TÌNH BÁO QUÂN ĐỘI MỸ (MIS)
Ngày: 12 tháng Năm năm 1946
Tên: Báo cáo về sự kiện Đồi Bát Cơm, 1944
Tài liệu số: PTYX-722-8936745-42216-WWN
Dưới đây là một cuộc thẩm vấn ghi âm với bác sĩ Juichi Nakazawa (53 tuổi), giám đốc một bệnh viện nội khoa ở thành phố [tên bị xóa] vào thời điểm xảy ra sự kiện này. Các tư liệu liên quan đến cuộc thẩm vấn có thể truy cập theo số PTYX-722-SQ-162 đến 183.
Cảm giác của người thẩm vấn, Trung úy Robert O’Connor: Bác sĩ Nakazawa người to xương, đen đúa, nom giống một lực điền hơn một ông thầy thuốc. Phong thái bình tĩnh, nhưng hoạt bát và rành rẽ, nói đúng những gì mình nghĩ trong đầu. Đằng sau cặp kính là đôi mắt có cái nhìn rất sắc và linh hoạt. Trí nhớ của ông có thể tin cậy được.
Đúng vậy – hồi mười một giờ sáng ngày 7 tháng Mười một năm 1944, tôi nhận được một cú điện thoại của ông hiệu phó trường tiểu học địa phương. Tôi gần như là bác sĩ của trường, vì thế nên có chuyện gì là họ gọi tôi trước tiên.
Ông hiệu phó rất hoảng hốt. Ông nói với tôi rằng cả một lớp học đã bị ngất xỉu trong khi đi dã ngoại hái nấm trên đồi. Theo ông, tất cả đã hoàn toàn bất tỉnh. Chỉ có cô giáo phụ trách là còn tình, và cô chạy ngay về trường cầu cứu. Cô cuống cuồng đến nỗi tôi không thể nắm được toàn bộ tình huống, tuy nhiên vẫn rõ ra một điều xác thực: mười sáu em học sinh đã gục ngã trong rừng.
Vì bọn trẻ đi hái nấm, cho nên ý nghĩ đầu tiên của tôi là chúng đã ăn phải nấm độc và bị liệt. Nếu đúng là như vậy thì rất khó chữa trị. Các loại nấm khác nhau có độ độc khác nhau và cách điều trị phải theo đó mà thay đổi. Điều tối đa chúng tôi có thể làm là bơm hết các thứ trong dạ dày ra. Tuy nhiên trong trường hợp ăn phải loại có nồng độ độc cao, chất độc có thể nhanh chóng ngấm vào máu và việc cứu chữa có thể là quá muộn. Ở vùng này, hàng năm vẫn có nhiều người chết vì nấm độc.
Tôi nhét mấy loại thuốc cấp cứu vào túi thuốc và đạp xe thật nhanh đến trường. Hai cảnh sát được báo tin đã tới đó rồi. Chúng tôi biết là phải đưa bọn trẻ bất tỉnh về thành phố, nên cần tất cả những sự hỗ trợ có thể huy động được. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên đã ra mặt trận, thành thử chúng tôi đành bằng lòng với lực lượng có trong tay – bản thân tôi, hai viên cảnh sát, một thầy giáo lớn tuổi, ông hiệu trưởng và ông hiệu phó, người gác trường. Và tất nhiên cả cô giáo phụ trách lớp đi cùng với bọn trẻ nữa. Chúng tôi huy động tất cả những xe đạp có thể kiếm được nhưng vẫn không đủ, thành thử có xe phải đèo hai người.
- Khoảng mấy giờ các ông tới hiện trường?
11 giờ 55. Tôi nhớ rõ vì tôi có nhìn đồng hồ khi tới đó. Chúng tôi đạp xe đến chân đồi, tới điểm xa nhất có thể, rồi leo bộ nốt đoạn còn lại.
Vào lúc tôi đến, có mấy em đã hồi tỉnh phần nào. Theo tôi nhớ thì độ ba, bốn em. Nhưng chúng không tỉnh hoàn toàn – kiểu như loạng choạng bò bốn chân. Số còn lại vẫn phủ phục. Sau một hồi, một số khác bắt đầu hồi tỉnh, thân thể oằn oại như những con sâu khổng lồ. Thật là một cảnh tượng rất kỳ lạ. Bọn trẻ đã gục xuống ở một khoảng đất bằng, trống giữa rừng, nom khác thường tựa như toàn bộ cây cối đã bị bốc gọn đi cho nắng thu rọi chiếu vào. Và tại đây, mười sáu học sinh tiểu học nằm phủ phục la liệt trên mặt đất, một số bắt đầu cựa quậy, một số vẫn hoàn toàn bất động. Tưởng đâu như một vở kịch tiền phong chủ nghĩa.
Trong một lúc, tôi quên bẵng nhiệm vụ của mình là chữa trị cho bọn trẻ và chỉ đứng ngây ra nhìn cảnh tượng đó. Mà không phải chỉ riêng tôi – tất cả mọi người trong nhóm cứu trợ đều phản ứng như vậy, tạm thời bị tê liệt bởi những gì họ nhìn thấy. Nói thế này nghe cũng kỳ, nhưng tôi có cảm giác như vì tình cờ chúng tôi được chứng kiến một cảnh tượng mà đáng ra người bình thường không được phép thấy. Đây là thời chiến, và với tư cách là thầy thuốc, tôi luôn chuẩn bị để đối phó với bất kỳ tình huống nào, mặc dầu ít có khả năng xảy ra điều gì ghê gớm ở nơi hẻo lánh này. Là công dân Nhật Bản, tôi phải sẵn sàng làm bổn phận của mình một cách bình tĩnh. Nhưng khi trông thấy cảnh này, người tôi thực sự đông cứng lại.
Tôi mau chóng vùng ra khỏi trạng thái này và bế một đứa trong đám trẻ lên, một bé gái. Người nó chẳng còn chút lực nào và mềm oặt như cái tã. Nó thở đều đặn nhưng vẫn bất tỉnh. Tuy nhiên mắt nó vẫn mở, đưa qua đưa lại như dõi tìm một cái gì. Tôi rút một chiếc đèn pin từ trong túi đồ ra, soi vào đồng tử của nó. Hoàn toàn không phản ứng gì. Đôi mắt vẫn hoạt động ngó nhìn một cái gì đó, nhưng không biểu lộ một phản ứng nào với ánh sáng. Tôi bế mấy đứa khác lên, xem xét – tất cả đều y hệt như thế, không chút phản ứng. Tôi thấy quả là rất kỳ quái.
Tiếp đó, tôi xem mạch và nhiệt độ chúng. Mạch từ 50 đến 55, còn nhiệt độ thì tất cả đều dưới 36°C. Khoảng chừng 35,5° gì đó, theo trí nhớ của tôi. Đúng – đối với trẻ con ở tuổi này, nhịp mạch này là dưới bình thường, thân nhiệt thấp hơn trung bình đến hơn một độ. Tôi ngửi hơi của chúng, không thấy gì bất bình thường. Họng và lưỡi cũng vậy.
Ngay lập tức, tôi xác định rằng đây không phải những triệu chứng của ngộ độc thức ăn. Không đứa nào nôn mửa hoặc đi ỉa chảy, hoặc tỏ ra đau đớn gì cả. Nếu chúng ăn phải cái gì độc hại thì sau chừng nấy thời gian, ít nhất một trong những triệu chứng đó cũng phải phát lộ. Tôi trút một tiếng thở phào nhẹ nhõm vì biết chắc đây không phải là ngộ độc thức ăn. Nhưng tôi vẫn không dò ra do đâu chúng bị như thế.
Các triệu chứng giống như say nắng. Trẻ con thường gục ngã vì say nắng vào mùa hè. Hiện tượng này tựa như lây nhiễm – hễ một đứa lăn đùng ra, tất cả lũ bạn nó cũng lần lượt gục theo. Nhưng đây là tháng Mười một trong một cánh rừng mát mẻ cơ mà. Nếu một, hai đứa bị say nắng thì còn khả dĩ, nhưng cả mười sáu đứa đồng loạt đổ kềnh thì thật phi lý.
Ý nghĩ tiếp theo của tôi là về khí – một loại khí độc làm tê liệt thần kinh, tự nhiên phát sinh hay nhân tạo. Nhưng có trời biết làm sao khí độc lại có thể xuất hiện giữa một cánh rừng ở cái nơi khỉ ho cò gáy này? Tôi không lý giải nổi. Tuy nhiên, giả thuyết về khí độc khả dĩ còn giải thích được một cách lô gích những gì tôi nhìn thấy hôm đó. Tất cả đã hít phải nó, rồi ngất xỉu và đổ gục tại chỗ. Cô giáo phụ trách không gục vì nồng độ khí không đủ mạnh để quật ngã một người lớn.
Nhưng đến đoạn chữa trị cho bọn trẻ như thế nào thì tôi hoàn toàn hoang mang. Tôi chỉ là một bác sĩ nông thôn, không có kiến thức chuyên môn về khí độc. Chúng tôi ở một tỉnh xa xôi hẻo lánh, không thể gọi một chuyên gia đến được. Thực tế, một số đã khá lên một cách rất từ từ và tôi hy vọng rằng với thời gian, tất cả sẽ hồi tỉnh. Tôi biết đó là một cách nhìn quá lạc quan, nhưng lúc đó, tôi không thể nghĩ ra điều gì khác. Cho nên, tôi đề nghị cứ để chúng nằm yên đó một lúc, chờ xem diễn biến ra sao.
- Có cái gì khác thường trong không khí không?
Chính tôi cũng bận tâm về điểm này, thế nên tôi đã hít mấy hơi thật sâu để xem có phát hiện ra mùi gì bất thường không. Nhưng đó chỉ là cái mùi bình thường của một rừng cây trên đồi – một mùi sảng khoái thơm hương cây. Hoa lá cây cỏ quanh đây cũng chẳng có gì khác thường. Không có gì thay đổi hình dạng hay sắc màu.
Tôi lần lượt xem xét từng chiếc nấm bọn trẻ đã hái. Chẳng nhiều nhặn gì, nên tôi kết luận rằng chúng đã gục ngã không lâu sau khi bắt đầu hái. Tất cả đều là nấm ăn được rất phổ biến. Tôi làm bác sĩ ở đây đã khá lâu nên biết rõ các loại nấm khác nhau trong vùng. Dĩ nhiên, để cho chắc, tôi gom tất cả lại, mang về nhờ một chuyên gia xem xét giám định. Nhưng tôi có thể nói tất cả đều là nấm thông thường ăn được.
- Ông nói mắt bọn trẻ bất tỉnh vẫn đưa qua đưa lại, nhưng ông có nhận thấy triệu chứng hoặc phản ứng bất bình thường nào khác không? Chẳng hạn kính cỡ của đồng tử, màu của lòng trắng con ngươi, tần số chớp mắt?
Không. Ngoài việc mắt chúng lia qua lia lại như cái đèn quét, không có gì lạ thường. Tất cả các chức năng khác đều hoàn toàn bình thường. Bọn trẻ nhìn vào cái gì đó. Nói cụ thể hơn, chúng không nhìn vào những gì chúng ta có thể thấy, mà vào một cái gì đó chúng ta không thể thấy. Đúng hơn, tựa như chúng đang quan sát một cái gì chứ không chỉ nhìn. Mặt chúng chủ yếu là không biểu cảm, nhưng nhìn chung, chúng có vẻ bình thản, không sợ hãi hay đau đớn gì. Đó là một trong những lý do khiến tôi quyết định cứ để chúng nằm đó, chờ xem diễn biến ra sao. Tôi quyết định là nếu chúng không đau đớn gì thì cứ để chúng thế một lúc xem sao.
- Ông có nói với ai về giả thuyết là bọn trẻ bị nhiễm hơi độc không?
Có, nhưng không ai tin. Người ta chưa từng nghe nói có ai vào rừng chơi mà bị nhiễm hơi độc. Thế rồi một trong những người có mặt tại đó – hình như là ông hiệu phó – nói rằng có thể đó là hơi độc do máy bay Mỹ thả xuống. Hẳn chúng đã ném xuống một trái bom hơi độc, ông nói. Cô giáo phụ trách liền nhớ ra là đã thấy một cái gì giống như một chiếc B-29 bay rất cao trên bầu trời ngay trước lúc họ bắt đầu lên đồi. Mọi người ồ lên: Chắc là thế! Một loại bơm hơi độc mới sáng chế của Mỹ. Tin đồn về việc Mỹ mới sáng chế một loại bom mới đã lan tới tận miền rừng núi chúng tôi. Nhưng tại sao người Mỹ lại ném thứ vũ khí mới nhất của họ xuống một nơi khỉ ho cò gáy như thế này, điều đó không ai giải thích nổi. Nhưng trong đời sống thường vẫn có những sai trật và không phải cái gì chúng ta cũng hiểu được.
- Vậy sau đọn trẻ dần dần tự hồi phục?
Chính thế. Tôi không thể tả với ông là tôi nhẹ người đi biết nhường nào. Thoạt đầu, chúng bắt đầu ngọ nguậy, rồi chúng lảo đảo ngồi dậy, dần dần tỉnh lại. Trong quá trình đó, không đứa nào kêu đau gì cả. Tất cả diễn ra rất bình lặng như thể chúng thức dậy từ một giấc ngủ sâu vậy. Và với việc hồi tỉnh, sự chuyển động của con mắt chúng trở lại bình thường. Chúng phản ứng bình thường với ánh sáng khi tôi rọi đèn pin vào mắt chúng. Tuy nhiên, phải mất một lúc chúng mới nói trở lại – y như ta vừa thức giấc vậy.
Chúng tôi hỏi từng đứa là điều gì đã xảy đến với chúng, thì tất cả đều ngớ ra như thể bị chất vấn về một chuyện chẳng liên quan gì đến mình. Lên đồi, bắt đầu hái nấm – chừng nấy thì chúng nhớ. Mọi điều sau đó là một khoảng trống hoác. Chúng hoàn toàn không ý thức gì về quãng thời gian ở giữa. Chúng bắt đầu hái nấm, rồi màn tối chụp xuống và giờ thì thấy mình nằm dưới đất, xung quanh toàn người lớn. Bọn trẻ không thể nào hình dung tại sao tất cả chúng tôi đều nháo nhác, trân trân nhìn chúng với vẻ lo lắng đến thế trên nét mặt. Chúng có vẻ sợ chính chúng tôi hơn bất cứ cái gì khác.
Buồn thay, một em không tỉnh lại được. Một bé trai sơ tán từ Tokyo, tên là Satoru Nakata, nếu tôi nhớ không nhầm. Một bé trai xanh xao, nhỏ quắt. Đó là đứa duy nhất vẫn bất tỉnh, nằm sóng soài trên mặt đất, mắt lơ láo, đưa qua đưa lại. Chúng tôi phải cõng nó xuống đồi. Những đứa khác tự đi xuống như không có chuyện gì xảy ra.
- Ngoài thằng bé Nakata, không có đứa nào sau đó biểu hiện triệu chứng gì chứ?
Không, ít nhất là về những dấu hiệu bên ngoài, chúng không biểu hiện triệu chứng gì bất thường cả. Không đứa nào kêu đau hoặc khó chịu. Ngay sau khi trở về trường, tôi lập tức đưa từng đứa một vào phòng y tế để xem xét cho kỹ - lấy nhiệt độ, nghe nhịp tim bằng ống nghe, kiểm tra thị lực. Tôi đã làm mọi việc có thể làm vào thời điểm đó. Tôi bắt chúng làm một vài bài toán số học đơn giản, nhắm mắt đứng lò cò một chân, những thứ đại loại như vậy. Vì mặt thể chất, chúng đều ổn. Chúng không có vẻ mệt và thấy thèm ăn. Vì chưa ăn trưa, tất cả đều kêu đói. Đưa cơm nắm cho chúng, chúng ăn ngấu nghiến.
Mấy hôm sau, tôi ghé qua trường xem tình trạng chúng ra sao. Tôi gọi mấy đứa trẻ vào phòng y tế, đặt câu hỏi kiểm tra. Một lần nữa, mọi sự xem ra đều ổn. Từ cái trải nghiệm kỳ dị ấy, không còn lại dấu vết gì, về thể chất cũng như cảm xúc. Thậm chí chúng không nhớ được chuyện gì đã xảy ra nữa. Chúng dự lớp như mọi khi, ca hát, chơi nhổng trong giờ ra chơi, làm mọi thứ những đứa trẻ bình thường vẫn làm. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm của chúng thì khác, có vẻ như cô ta vẫn bị sốc.
Nhưng cậu bé duy nhất bị nhiễm, Nakata, vẫn không hồi tỉnh nên hôm sau chúng tôi đưa nó vào bệnh viện trường đại học ở Kofu. Sau đó, nó được chuyển sang một bệnh viện quân đội và không bao giờ trở lại tỉnh chúng tôi nữa. Tôi không có tin tức gì của nó nữa.
Sự kiện này không hề được đưa lên báo. Tôi đoán là nhà chức trách quyết định rằng nó sẽ chỉ gây hoang mang nên đã cấm không được nhắc tới. Nên nhớ rằng trong thời chiến, quân đội cố gắng dập tắt tất cả những gì họ cho là tin đồn vô căn cứ. Cuộc chiến tiến triển không thuận lợi, quân đội đang rút lui trên mặt trận phía Nam, các cuộc đột kích tự sát nối tiếp nhau, những cuộc không kích của Mỹ ngày càng dữ dội. Quân đội sợ nhất là những tình cảm chiến tranh hoặc hòa bình chủ nghĩa nổi lên trong dân chúng. Mấy ngày sau sự kiện này, cảnh sát được phái đến, họ cảnh báo chúng tôi rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được kể những gì chúng tôi đã thấy.
Toàn bộ vụ việc này thật là kỳ quái và khó chịu. Đến tận hôm nay, nó vẫn như một quả tạ đè lên ngực tôi.
Kafka Bên Bờ Biển Kafka Bên Bờ Biển - Haruki Murakami Kafka Bên Bờ Biển