Chương 7
.
Bước vào mùa hè - chết khô, một làn gió kinh khủng thổi qua hiệu Hạnh phúc các bà. Đó là cơn khủng bố rẫy người, đuổi hàng loạt, do ban giám đốc chủ trương quét cửa hàng vắng khách trong những tháng Bảy, tháng Tám nóng bức.
Mỗi sáng, Mouret, khi đi thanh tra với Bourdoncle, nói chuyện riêng với các quầy hàng trưởng mà, trong mùa đông, anh đã giục lấy thêm người bán hàng quá mức cần thiết, để khỏi lỡ việc, dù sau này có phải gạn lọc nhân viên. Vấn đề bây giờ là giảm chi phí, bằng cách ném ra đường đến hơn một phần ba thư ký, những kẻ yếu để cho bọn khỏe nuốt trôi.
- Này, - Anh nói - ở quầy anh có những kẻ không làm được việc... Không thế giữ họ đứng thõng tay như thế được.
Và viên quầy hàng trưởng lưỡng lư, không biết hy sinh ai.
- Anh liệu mà thu xếp, sáu người bán hàng là đủ cho anh... Tháng Mười anh sẽ lại lấy thêm, không thiếu gì kẻ lê la ngoài phố.
Vả lại, Bourdoncle phụ trách những cuộc tảo trừ. Trên làn môi mỏng dính của anh ta, sẵn một lời kinh khủng: “Mời anh ra két!” nó bổ xuống như một nhát rìu. Cái gì cũng thành cớ cho anh ta dọn quang nhà. Anh ta bịa ra những việc làm hỏng, anh ta viện cả những lỗi nhẹ nhất. “Ông đã ngồi, thưa ông, mời ông ra két! - Ông cãi lại phải không, mời ông ra két! - Giầy ông không đánh! Mời ông ra két!” Và cả đến những kẻ táo bạo cũng phải run, trước cuộc tàn sát mà anh ta để lại đằng sau. Rồi cơ chế đó chạy không được nhanh, anh ta đã tưởng tượng ra một cái bẫy, chỉ trong vài ngày, anh không tốn sức loại tất cả những kẻ đã bị kết án sẵn. Ngay tám giờ, anh ta đúng dưới cổng, đồng hồ cầm ở tay; và, chỉ ba phút tới chậm, cái lời tàn nhẫn: “Mời ông ra két!” tỉa những chàng trai thở hồng hộc bước tới. Công việc thật là mau, gọn.
- Ông, ông có bộ mặt khả ố! - Rốt cuộc có bữa anh ta bảo một gã khốn khổ có cái mũi lệch làm anh ta khó chịu - Mời ông ra két!
Những kẻ có ô che thì được nghỉ mười lăm ngày không ăn lương, đó là một cách nhân đạo hơn để giảm chi phí. Vả lại, nhân viên bán hàng chấp nhận các hoàn cảnh bấp bênh, do tất yếu và thói quen phũ phàng. Từ lúc bước chân đến Paris, họ đã lăn lóc khắp nơi, họ bắt đầu học việc ở một nơi, kết thúc ở một nơi khác, bị đuổi hay tự ý bỏ việc, đột ngột, tùy theo quyền lợi. Nhà máy thất nghiệp, người ta cắt bánh của thợ thuyền, và cái đó diễn ra trong cái lay động và tình của cỗ máy, bộ phận vô dụng bị thải một cách thản nhiên, y như một chiếc bánh xe bằng sắt, mà người ta không chút nhớ ơn những việc đã cống hiến. Mặc xác những kẻ không biết giành lấy phần của mình!
Bây giờ ở các gian hàng, người ta không nói chuyện gì khác. Mỗi ngày lan đi những tin mới. Người ta gọi đích danh những kẻ bị đuổi, như thời bệnh dịch người ta đếm số người chết. Đặc biệt gian khăn san và gian hàng len bị nặng nhất: một tuần lễ bảy viên thư ký biến mất. Rồi một thảm kịch làm đảo lộn gian hàng đồ lót, ở đây một khách mua hàng cảm thấy khó chịu liền đổ tội cho cô bán hàng phục vụ bà ta đã ăn tối, thế là cô này bị đuổi tức thì, mặc dầu, vì thiếu ăn và lúc nào cũng đói, chỉ là cô ta dự trữ ở quầy hàng một đống cùi bánh. Ban giám đốc tỏ ra không thương hại, trước bất cứ lời kêu ca nào của khách hàng; không một lời phân trần nào được chấp nhận, nhân viên bao giờ cũng có lỗi, phải sa thải như một dụng cụ hư hỏng, làm hại cho cơ chế lành mạnh của việc bán hàng; và các bạn anh ta cúi đầu, thậm chí không muốn bênh vực anh ta nữa. Trong cơn khủng bố tràn qua, ai lo phận người nấy; Mignot một bữa thò ra một gói dưới áo redingote, trái với quy định, xuýt bị bắt được và tưởng mình bị đuổi liền; Liénard khét tiếng vì lười, nhờ vị trí của bố trong ngành tân phẩm mà không bị tống ra cửa, một bữa quá trưa khi Bourdoncle bắt gặp hắn ngủ đứng giữa hai chồng nhung Ăng-lê [1]. Nhưng vợ chồng Lhomme đặc biệt lo lắng, sáng nào cũng thấp thỏm sợ con trai là Albert bị đuổi: người ta rất bất bình về cách giữ két của hắn, phụ nữ đến quấy hắn; và hai lần bà Aurélie phải cầu xin ban giám đốc.
Trong khi đó, Denise, giữa cuộc tảo trừ, bị đe đọa đến mức cô luôn luôn nơm nớp đón chờ tai họa. Mặc dù cô tỏ ra can đảm, đấu tranh bằng tất cả niềm vui và lẽ phải để chống những cơn xúc cảm do bản chất mềm yếu, cứ về đến buồng, đóng kín cửa, là cô lại nhòa nước mắt, não lòng nghĩ đến lúc bị ném ra phố, mà lại bất hòa với ông chú, không biết đi đâu, không một xu dành dụm, và hai đứa trẻ trên tay. Cảm giác của những tuần đầu tiên trở lại, cô cảm thấy mình như một hạt kê dưới cái cối xay nặng; và ở cô là một nỗi bơ vơ nản lòng, cảm thấy mình chẳng là cái gì đáng kể, trong cỗ máy lớn kia nó nghiền nát cô một cách thản nhiên và vô tình. Không thể có ảo tưởng gì: nếu người ta cần thải một cô bán hàng ở gian may sẵn thì cô được chỉ định. Chắc chắn trong cuộc vui chơi ở Rambouillet, các cô kia đã kích Aurélie, vì vậy bà này từ đó đối xử với cô có vẻ nghiêm khắc, trong đó có cái gì như thù hằn. Vả lại, họ không tha thứ cho cô cái việc đi Joinville, mà họ xem như một sự phản kháng, một lối bất chấp cả quầy hàng thù địch. Chưa bao giờ ở gian hàng Denise đau đớn như bây giờ, và cô không còn hy vọng thu phục được nó.
- Cứ mặc xác chúng! - Pauline nhắc - Bọn làm điệu ngu như lợn! [2]
Nhưng chính những điệu bộ bà lớn đó làm cho cô gái nhút nhát. Hầu hết các cô bán hàng, trong sự tiếp xúc hàng ngày với khách hàng giàu có, đều học được mọi cách duyên dáng, cuối cùng như một tầng lớp mơ hồ, lập lờ giữa chị công nhân và bà tư sản và dưới cái tài nghệ ăn mặc của họ, dưới những cung cách và ngôn ngữ học được, thường thường chỉ là một thứ học vấn dở dang qua việc đọc mấy tờ báo lặt vặt, mấy trường đoạn kịch, tất cả những cái ngu ngốc thông thường của đường phố Paris.
- Các cậu biết không, cô luộm thuộm có một đứa con. - Một buổi sáng Clara nói, khi đến gian hàng.
Và, vì người ta ngạc nhiên:
- Thì, chiều hôm qua mình thấy cô ta dẫn thằng oắt đi dạo mà lại. Chắc cô ta giấu nó ở đâu đấy.
Cách hai hôm sau, Marguerite, khi ở nhà ăn lên, đưa một cái tin khác.
- Đây là một sự thật, mình vừa mới trông thấy nhân tình của cô luộm thuộm... Một anh thợ, các cậu có tưởng tượng được không! Thật đấy, một cha thợ sắt bẩn thỉu, tóc vàng, rình cô ta qua cửa kính.
Từng lúc đó hình thành một sự thật hiển nhiên: Denise có nhân tình là một anh thợ học việc, và có giấu một đứa con trong khu phố. Người ta tới tấp nguýt cô với những lời bóng gió. Lần đầu tiên cô hiểu ra, mặt cô tái nhợt trước những lời bịa đặt quái quỷ như vậy. Thật là đê tiện, cô muốn phân trần, cô ấp úng:
- Đó là các em tôi đấy chứ!
- Ô! Em cô ấy! - Clara nói giọng chơi khăm.
Đến bà Aurélie phải can thiệp:
- Các cô, im đi! Tốt hơn hết là hãy thay đổi những nhãn hiệu kia đi... Cô Baudu có quyền tự do lăng nhăng ở bên ngoài. Miễn là cô ấy siêng làm ở đây, ít ra là thế!
Cái lời bênh vực khô khan ấy là một sự kết án. Cô gái nghẹn ngào, như bị người ta đổ cho một tội ác, cô giải thích sự việc mà hoài công. Người ta cười, người ta nhún vai. Cô bị một vết thương nhói ở tim. Khi nghe tin đó lan truyền, Deloche tức giận đến mức anh ta tính chuyện vả vào mặt mấy cô ở gian may sẵn; và, chỉ vì sợ liên lụy đến cô nên anh ta không làm. Từ bữa chiều tối ở Joinville, đối với cô, anh tỏ một tình yêu phục tùng, một tình nhân hầu như thiêng liêng, mà anh ta biểu lộ với cô bằng con mắt nhìn ngoan ngoãn. Chẳng ai có thể ngờ đến tình thương giữa họ, nếu không người ta sẽ nhạo bánh họ; nhưng cái đó không ngăn anh ta mơ chuyện manh động, quả đấm trả thù, nếu như có kẻ nào dám công kích cô trước mặt anh ta.
Cuối cùng, Denise không đáp lại nữa. Câu chuyện đốn mạt quá, chẳng ai tin. Khi một cô bạn nào nói bừa một lời bóng gió nữa, cô chỉ đành nhìn chằm chặp vào hắn, vẻ buồn rầu và lặng lẽ. Vả chăng, cô còn những nỗi phiền khác, những lo lắng vật chất khiến cô quan tâm hơn. Jean vẫn tiếp tục không biết điều, hắn luôn luôn hỏi tiền quấy rầy cô. Hầu như chẳng có tuần nào mà cô không nhận được của hắn cả một truyện viết bốn trang giấy; và, khi người đưa thư của cửa hàng chuyển cho cô những bức thư viết chữ to sôi nổi đó, cô vội giấu vào túi, vì các cô bán hàng vừa làm vừa cười vừa hát những câu lả lơi. Rồi, khi kiếm cớ ra đầu đằng kia cửa hàng để đọc thư; thằng Jean tội nghiệp có lẽ nguy mất, mọi điều vô lối điều khiến cô tin, những chuyện yêu đương kỳ lạ, mà vì cô không biết nên càng thấy tai họa quá mức. Lúc thì đồng bốn mươi xu để thoái cơn ghen của một bà, lúc năm phrăng, lúc sáu phrăng để đền bù danh dự cho một cô gái tội nghiệp, nếu không cô sẽ bị bố giết chết. Thế là, vì tiền lương và khoản phần trăm không đủ, cô nghĩ đến chuyện tìm công việc nhỏ, ngoài giờ làm việc. Cô nói thật với Robineau, anh này vẫn có cảm tình với cô, từ buổi gặp đầu tiên ở nhà Vinçard; và anh ta kiếm cho cô việc khâu nơ cà-vạt, năm xu một tá. Ban đêm, từ chín giờ đến một giờ, cô có thể khâu được sáu tá, như thế đã được ba mươi xu, trừ đi bốn xu tiền một cây nến. Nhưng hai mươi sáu xu hàng ngày đó để cấp cho Jean, cô không phàn nàn gì về chuyện thiếu ngủ, cô tự thấy sung sướng, nếu không xảy ra một tai họa lại làm đảo lộn ngân sách của cô. Cuối kỳ nửa tháng thứ hai, khi cô đến nhà người thầu nơ cà vạt thì thấy cửa đóng: một cuộc phá sản, một cuộc vỡ nợ đã cướp mất của cô mười tám phrăng ba mươi xăng tim, món tiền lớn mà cô nhất thiết nhắm vào, từ tám ngày nay. Bao nhiêu cực nhọc ở gian hàng biến mất trước tai họa đó.
- Cậu buồn thế? - Pauline nói khi gặp cô ở hành lang đồ bài trí - Cậu có cần gì không, cho mình biết?
Nhưng Denise đã nợ cô bạn mười hai phrăng rồi. Cô vừa đáp vừa cô mỉm cười:
- Không, cám ơn... Mình mất ngủ đấy thôi.
Hôm đó là hai mươi bốn tháng Bảy, ở cao điểm cuộc khủng bố rẫy người. Trong số bốn trăm nhân viên, Bourdoncle đã quét đi năm mươi người rồi; và có tin còn những cuộc đảo trừ mới. Tuy nhiên, Denise chẳng nghĩ đến những đe dọa đang chờn vờn, cô bị lôi cuốn cả vào nỗi lo vì mọi chuyện bất kỳ của Jean, còn kinh khủng hơn một chuyện khác. Hôm đó, cô cần đến mười lăm phrăng, mà cô gửi cho hắn thì mới cứu hắn thoát khỏi sự trả thù của một anh chồng bị lừa. Hôm trước, cô đã nhận được bức thư thứ nhất, kể tấn bi kịch; rồi, tới tấp, cô lại nhận được hai bức thư khác, nhất là bức thư cuối cùng, cô vừa đọc xong thì gặp Pauline, và trong thư Jean báo tin chiều đó hắn chết mất nếu không có mười lăm phrăng. Cô day dứt suy tính. Không thể lấy vào tiền trọ của Pépé, vì đã trả từ hai hôm rồi. Mọi điều rủi dẫn đến cùng một lúc, vì cô hy vọng thu lại được mười tám phrăng ba mươi, nếu hỏi Robineau, anh ta có thể tìm ra người thầu nơ cà-vạt, nhưng Robineau, đã được nghỉ phép hai tuần, mà hôm trước anh ta chưa về, mặc dù người ta đang chờ anh.
Tuy nhiên, Pauline lại thân mật hỏi cô thêm. Khi hai người gặp lại nhau, ở cuối một gian hàng hẻo lánh, họ chuyện trò mấy phút, con mắt thăm dò. Bỗng chốc, Pauline có cử chỉ muốn bỏ trốn: cô vừa bắt gặp chiếc cà-vạt trắng của một viên thanh tra, ló ra ở gian khăn san.
- À không! Đây là lão Jouve - Cô ta bình tâm khẽ nói - Mình không biết cái lão già này cười cái gì, khi hắn thấy bọn mình đứng với nhau... Như cậu thì mình phát sợ, vì hắn tốt với cậu quá. Hắn là một con chó hoàn toàn, nhơ như hủi, và nói với ai hắn vẫn tưởng như nói với lính của hắn!
Quả thật, lão Jouve bị tất cả đám con trai bán hàng ghét, vì lão giám sát rất nghiêm. Quá nửa trường hợp bị đuổi là do lão báo cáo. Cái mũi đỏ to của tay cựu đại úy ăn chơi đó chỉ dịu đi ở những quầy do phụ nữ đảm nhiệm.
- Tại sao mình phải sợ chứ? - Denise hỏi.
- Nỡm! - Pauline vừa cươi vừa đáp - Có lẽ hắn sẽ đòi trả ơn... Nhiều người trong các cô kia mua chuộc hắn.
Jouve đã đi xa, giả tảng không nhìn thấy họ; và họ nghe tiếng lão chộp được một anh bán hàng đăng-ten, can tội nhìn một con ngựa ngã quỵ ở phố Neuve Saint Augustin.
- À này, - Pauline lại nói - có phải cậu tìm ông Robineau hôm qua không? Ông ấy về rồi đấy.
Denise tưởng mình được thoát.
- Cám ơn, vậy mình phải đi một vòng và qua gian tơ lụa... Mặc xác, họ đã bảo mình lên trên, kia, lên xưởng, lấy một con dao găm.
Hai người chia tay. Cô gái ra vẻ vội vàng, làm như phải chạy từ két nọ đến két kia, để tìm ra một sai lầm, cô tới cầu thang và xuống gian hàng lớn. Lúc đó đã mười giờ kém mười lăm, lớp ăn thứ nhất vừa được báo. Mặt trời oi bức hấp nóng những kính trần, và mặc dù những mành vải xám, hơi nóng tuồn xuống không khí đọng im. Chốc chốc, một hơi mát bốc lên từ sàn nhà mà nhân viên phục dịch tưới bằng một tia nước nhỏ. Một cảnh nửa thức nửa ngủ, một giấc ngủ trưa mùa hè, diễn ra giữa khoảng trống rỗng thênh thang của những quầy hàng, y như những điện thờ, ở đó bóng tối im lìm sau chầu lễ cuối cùng. Mấy anh bán hàng đứng uể oải, vài ba khách hiếm hoi theo dọc các hành lang đi qua gian hàng lớn, bước đi ẻo lả của những bà khó chịu vì nóng bức.
Denise bước xuống vừa lúc Favier đo một áo lụa mỏng chấm hạt đậu màu hồng cho bà Boutarel sang gian tạp hóa, khi trở về, bảo Hutin:
- Hôm qua, toàn dân Auvergne, hôm nay toàn dân Provence... [3] Nhức cả đầu với họ.
Vừa lúc đó, Hutin bổ nhào tới, đến lượt hắn, và hắn nhận ra “cái bà xinh đẹp”, cái bà tóc hung vàng dễ thương mà gian hàng gọi như vậy, nhưng chẳng biết gì về bà ta, chẳng có tuần nào bà không đến hiệu Hạnh phức, đi một mình. Lần này bà mang theo một chú bé bốn năm tuổi. Người ta bàn tán chuyện đó.
- Thế ra bà ấy đã có chồng à? - Favier hỏi, khi Hutin từ két trở về, ở đó hắn đã gọi trả tiền ba mươi mét xatanh quận chúa.
- Có thể, - Hắn trả lời - tuy thằng nhãi đó, nó chẳng chứng minh điều gì. Có thể nó là con ruột bà bạn... Có điều chắc chắn là bà ta hẳn đã khóc. Ô! Một nỗi buồn, và đôi mắt đỏ lên!
Im lặng một lúc. Hai tay bán hàng mơ hồ nhìn vào phía xa trong cửa hàng. Rồi, Favier chậm rãi nói:
- Nếu bà ấy có chồng, có lẽ ông chồng đã giáng cho bà những cái tát nên thân.
- Có thể, - Hutin nhắc lại - trừ phi lại là một anh nhân tình vả bà ấy.
Va, sau một lúc im lặng trở lại, hắn kết luận:
- Cái đó, thì tớ mặc xác!
Lúc đó, Denise đi qua gian hàng tơ lụa, vừa chậm bước chân lại vừa nhìn quanh, để tìm Robineau. Cô không thấy anh ta, cô đi sang gian đồ trắng, rồi trở lại lần thứ hai. Hai tay bán hàng nhận ra hành vi của cô.
- Kia kìa, lại cái cô cà khẳng! - Hutin khẽ nói.
- Cô ta tìm Robineau - Favier nói - Mình không biết họ ăn mảnh gì với nhau. Ồ! Chẳng có gì lạ đâu, Robineau thì đoảng về chuyện đó... Nghe nói hắn kiếm cho cô ta một công việc nhỏ, nơ cà-vạt. Môi giới như thế cũng kỳ, hả?
Hutin ngẫm nghĩ một chuyện ác. Khi Denise qua gần chỗ hắn, hắn ngăn lại hỏi:
- Cô tìm tôi đấy à?
Cô đỏ nhừ mặt. Từ buổi tối ở Joinville, cô không dám nhìn thắng vào lòng mình với những tình cảm hỗn độn va chạm nhau. Cô luôn luôn thấy hình ảnh hắn với cô gái tóc đỏ hoe, và, nếu cô còn trợn mình trước hắn, có lẽ là vì khó chịu. Cô đã yêu hắn chăng? Cô vẫn yêu hắn chăng? Cô chẳng muốn khuấy động những điều đó, cực lòng đối với cô.
- Thưa ông, không. - Cô lúng túng trả lời.
Thế là Hutin giỡn về sự bối rối của cô:
- Nếu cô muốn được phục vụ... Favier, hãy đem Robineau cho cô ấy.
Cô nhìn hắn chằm chằm, cái nhìn buồn rầu và lặng lẽ y như khi cô bị những lời bóng gió xúc phạm của các cô kia. Chao! Anh ta độc ác, anh ta đá cô như những kẻ khác! Và ở cô có cái gì như xé gan xé ruột, sợi dây liên hệ cuối cùng bị đứt. Một niềm đau đớn hiện ra trên mặt cô, đến nỗi Favier, bản chất cứng rắn, cũng phải gỡ thoát cho cô.
- Ông Robineau đi chỉnh lý - Anh ta nói - Chắc ông sẽ về ăn sáng... Quá trưa cô sẽ gặp ông ấy, nếu có việc phải nói với ông ấy.
Denise cảm ơn, trở lên gian may sẵn, ở đây bà Aurélie đang đợi cô trong cơn giận tái người. Sao! Cô ta đi đến nửa giờ rồi! Cô ta ở đâu ra? Chắc chắn không phải ở xưởng? Cô gái cúi đầu nghĩ đến nỗi bất hạnh dồn dập. Thế là hết, nếu Robineau không về. Tuy nhiên, cô định bụng sẽ lại xuống.
Ở gian tơ lụa, việc Robineau trở về và gây sóng gió. Quầy hàng hy vọng anh ta sẽ không trở lại, vì chán ghét những nỗi phiền nhiễu anh ta luôn luôn gây ra cho mọi người; và, có một lúc, quả thật, bị Vinçard luôn luôn thúc bách muốn nhượng lại cửa hàng cho anh, anh đã định lấy. Mưu mô âm thầm của Hutin, quả mìn hắn ta chôn đăng đẳng từ bao nhiêu tháng dưới chân viên gian hàng phó, cuối cùng sắp nổ. Trong khi anh này đi vắng, vì hắn thay anh ta làm nhân viên bán hàng thứ nhất, hắn ra sức làm hại anh trong tinh thần của thủ trưởng, hắn nghiễm nhiên đóng vai của anh, với mọi sự tâng công: nào phát hiện và chưng ra những lệch lạc vụn vặt, nào đề đạt những dự án cải tiến, những mẫu hoa mới mà hắn nghĩ ra. Vả chăng, hết thảy mọi người trong gian hàng, từ người tập việc mơ ước trở thành nhân viên bán hàng, cho đến gian hàng trưởng thèm muốn địa vị trong ban giám đốc [4] hết thảy chỉ nung nấu một ý nghĩ, gạt bạn đứng trên mình để được lên một bậc, nuốt tươi hắn nếu hắn trở thành một cản trở; và cuộc đấu tranh giữa những thèm muốn đó, cuộc xô đạp của kẻ này lên kẻ khác đó, như tạo tành sự vận động hiệu quả ngay của cỗ máy, nó dẫn đến cuồng nhiệt bán hàng và thắp sáng ngọn lửa thắng lợi mà Paris lấy làm ngạc nhiên. Đằng sau Hutin, có Favier, rồi đằng sau Favier, những kẻ khác xếp hàng. Có tiếng răng kèn kẹt. Robineau bị kết án, mỗi người đã tha đi của hắn một mảnh xương. Cho nên khi viên gian hàng phó xuất hiện trở lại là cả tiếng hầm hè chung. Phải chấm dứt tình trạng đó, thái độ của nhân viên bán hàng uy hiếp đến mức quầy hàng trưởng, muốn để ban giám đốc có thì giờ lấy quyết định, vừa phải phái Robineau đi chỉnh lý.
- Chúng tôi sẽ đi tất, nếu giữ hắn lại. - Hutin tuyên bố.
Việc đó làm phiền Bouthemont, vốn người vui tính không quen với chuyện lộn xộn nội bộ như vậy. Anh ta bực bội vì thấy chung quanh mình toàn những bộ mặt hầm hầm. Song, anh muốn được công bằng.
- Thôi, các ông hãy để cho ông ấy yên, ông ấy chẳng làm gì các ông cả.
Nhưng họ nhao nhao phản đối.
- Sao! Ông ấy không làm gì chúng tôi à?... Một cha khó chịu, lúc nào cũng cáu kỉnh và hắn đạp chân lên người ta, chả là hắn kiêu ngạo!
Đó là mối căm hờn của gian hàng Robineau với tâm thần như đàn bà, có những cái cứng nhắc và những hờn dỗi không không chấp nhận được. Người ta kể bao nhiêu chuyện, một cậu con trai phát ốm vì anh ta, cho đến các bà khách hàng mà anh ta làm mất mặt vì những lời nhận xét cứng cỏi.
- Sau hết, các ông ạ, - Bouthemont nói - quyền quyết định không phải ở tôi... Tôi đã báo cho ban giám dốc, lát nữa tôi sẽ lên nói chuyện.
Người ta báo lớp ăn thứ hai, một hồi chuông từ dưới hầm vọng lên, xa xôi và lắng đi trong không khí chết của cửa hàng. Hutin và Favier đi xuống. Từ khắp các quầy hàng nhân viên bán hàng nam, từng người một, tản mát, chen nhau ở bên dưới, chỗ bước vào hành lang nhà bếp chật hẹp, một hành lang ẩm ướt có những đèn hơi soi sáng thường xuyên. Bầy người bước vào vội vã ở đó, không một tiếng cười, không một lời nói, giữa tiếng bát đĩa va chạm mỗi lúc một to, và trong mùi thức ăn nồng nặc. Rồi, ở đầu hành lang, người ta dừng lại đột ngột trước một cửa ló. Một người nhà bếp chìa khẩu phần ăn ở đó, bên cạnh anh ta là những chồng đĩa; tay cầm nĩa và thìa, anh ta vục vào những thùng bằng đồng. Và, khi anh ta né ra phía sau để tạp dề [5] trắng quấn bụng, người ta trông thấy lửa bếp cháy rực.
- Xem nào, được! - Hutin vừa lẩm bẩm vừa xem thực đơn ghi trên một bảng đen, treo bên trên cửa lò - Thịt bò nấu xốt cay, hay cá đuối... Chẳng bao giờ có thịt quay ở cái quán này! Món hầm và cá của họ, chẳng bõ bèn gì!
Thật ra, món cá nói chung bị chê, vì thùng vẫn đầy. Nhưng Favier lấy cá đuối. Đằng sau hắn, Hutin cúi xuống, nói:
- Bò xốt cay!
Như máy, anh nhà bếp xiên một miếng thịt rồi rưới một thìa xốt; và Hutin ngạt vì hơi nóng từ của lò phả vào mặt, vừa mang khẩu phần đi thì phía sau hắn đã nhao nhao: “Bò xốt cay... Bò xốt cay...” liên tiếp như cầu kinh, trong khi đó, không ngừng tay, anh nhà bếp xiên thịt và rưới xốt, cử động nhanh và nhịp nhàng, như một chiếc đồng hồ chạy đều.
- Cá của họ nguội tanh. - Favier tuyên bố, vì bàn tay không cảm thấy nóng.
Bấy giờ tất cả đi hàng dọc, tay giơ thẳng, cái đĩa ngay ngắn, sợ đụng vào nhau. Cách đó mười bước là nơi cấp rượu, một cửa ló khác, với một quầy bằng thiếc bóng loáng, ở đó xếp những khẩu phần rượu vang, những chai nhỏ không nút mới súc còn ướt. Và mỗi người khi đi qua đưa bàn tay không ra nhận một chai, từ đó, lúng túng đi về bàn mình, thật nghiêm chỉnh, giữ thằng bằng.
Hutin làu nhàu nói:
- Cũng là một cuộc đi dạo, với bát đĩa này!
Bàn của họ, Favier và Hutin, ở đầu hành lang, trong buồng ăn cuối cùng. Các buồng đều giống nhau, đó là những căn hầm cũ, bốn mét năm mét, mà người ta trét ximăng và sửa sang thành buồng ăn, nhưng hơi ẩm ướt róc sơn, những tường vàng lấm chấm những vệt xanh mờ; và, qua những lỗ hẹp cửa sổ hầm, thông ra ngoài phố, một ánh sánh nhợt nhạt lọt vào, luôn luôn có bóng mờ mờ của người qua lại tạt ngang. Tháng Bảy cũng như tháng Chạp, người ta chết ngạt ở đó, trong hơi nóng chứa đầy uế khí từ bếp bên cạnh xông tới.
Bấy giờ, Hutin vào trước tiên. Trên bàn, một đầu gắn vào tường và phủ một tấm vải sơn, chỉ có cốc, nĩa và dao, đánh dấu chỗ ngồi. Những chồng đĩa để thay đổi đặt ở mỗi đầu bàn, còn ở giữa, nằm dài một chiếc bánh to có cắm một con dao, cán giơ lên trời. Hutin bỏ chai ra, đặt đĩa xuống; rồi, sau khi lấy khăn ăn, xếp trong một cái ngăn là vật trang trí độc nhất của bức tường, hắn thở dài ngồi xuống:
- Có thế này, mà mình thì đói! - Hắn lẩm bẩm.
- Bao giờ mà chẳng thế, - Favier nói - anh ta ngồi vào bên trái tay kia. - Chẳng có gì cả khi người ta chết đói.
Mọi người mau chóng vào ngồi đầy đủ, bàn có hai mươi hai người ăn. Thoạt đầu, chỉ có tiếng ồn ào dữ dội của nỉa, người ta vục vào ăn, toàn những ông tướng to lớn với dạ dày lép kẹp vì mười ba giờ mệt nhọc hằng ngày. Trong thời gian đầu, những viên thư ký có một tiếng đồng hồ để ăn, họ có thể đi uống cà phê ở bên ngoài, cho nên họ ăn gấp trong hai mươi phút để có thì giờ ra phố. Nhưng như thế đi lại nhiều quá lúc về họ đâm chểnh mảng, không để hết tâm trí vào việc bán hàng, thế là ban giám đốc quyết định không cho họ ra nữa, họ trả thêm ba xu để được một tách cà phê, nếu họ muốn. Cho nên bây giờ họ kéo dài bữa ăn, chẳng quan tâm trở lên gian hàng trước giờ. Nhiều anh, vừa nhai ngồm ngoàm vừa đọc tờ báo gập và đụng vào chai rượu. Mấy anh khác, khi đã nguôi cơn đói lúc đầu, nói chuyện ầm ĩ, trở lại những đề tài muôn thuở vế thiếu ăn, về đồng tiền kiếm ra, về những trò đã làm Chủ nhật trước, và những trò sẽ làm Chủ nhật tới.
- Này, tay Robineau của cậu thế nào? - Một gã bán hàng hỏi Hutin.
Câu chuyện đấu tranh của nhân viên tơ lụa chống gian hàng phó khiến mọi quầy đều quan tâm. Hàng ngày người ta bàn tán ở hiệu cà-phê, Saint Roch, cho tới nửa đêm. Hutin đang hăm hở với miếng thịt bò, chỉ đáp gọn:
- Thì Robineau, hắn trở lại đấy.
Rồi đột nhiên, hắn nổi giận:
- Ồ, mẹ kiếp, họ cho mình ăn thịt lừa!... Đến thế này thì thật là tởm, lời danh dự.
- Thôi, cậu đừng phàn nàn làm gì! - Favier nói - Tớ đã xuẩn đi lấy cái đuôi... Cá thối.
Mọi người cùng nói, phẫn nộ, bông lơn. Trong một góc bàn, dựa vào tường, Deloche im lặng ngồi ăn. Anh ta khổ vì háu đói mà chẳng bao giờ được ăn no, mà vì anh ta kiếm được ít tiền quá không đua ăn thêm được, anh ta thái cho mình những miếng bánh lớn, ngốn những đĩa đồ ăn kém ngon nhất một cách thèm thuồng. Vì vậy mọi người giỡn anh ta, kêu lên:
- Favier, chuyển cá đuối của cậu cho Deloche... Hắn ưng nó như thế.
- Còn món thịt của cậu nữa, Hutin: Deloche xin để ăn tráng miệng.
Chàng trai tội nghiệp nhún vai, cũng chẳng đáp lại nữa. Chẳng phải lỗi tại hắn, nếu hắn đói chết đi được. Vả chăng, dù kẻ khác đã nhổ vào đĩa, hắn cũng nhồi tất.
Nhưng có huýt còi khẽ làm cho họ im. Người ta làm hiệu báo có Mouret và Bourdoncle trong hành lang. Từ ít lâu nay, lời kêu ca của nhân viên lên đến mức ban giám đốc phải giả bộ xuống để tự mình xem xét thức ăn thế nào. Với ba mươi xu mà họ đưa viên bếp trưởng, cho mỗi ngày và mỗi đầu người, anh này phải trả đủ mọi thứ, thực phẩm, than, hơi đốt, nhân viên; thế mà họ làm vẻ ngạc nhiên ngây thơ, khi thức ăn không được ngon. Ngay sáng hôm sau, mỗi gian hàng đã cử một nhân viên bán hàng làm đại biểu, Mignot và Liénard nói thay các bạn. Vì vậy, trong im lặng đột ngột, tai vểnh lên, họ lắng nghe những tiếng nói từ buồng bên cạnh, nơi Mouret và Bourdoncle đăng từng kỳ, cũng chẳng biết mình ăn gì. Mọi người lau trán, gian hầm nhỏ chật chội tòa đầy một làn hơi hoe đỏ; trong khi đó bóng người qua lại luôn luôn bắt vào thành những vệt đen chạy thấp thoáng trên bàn ăn bừa bộn.
- Đưa bánh cho Deloche. - Một anh tán dóc nói.
Mỗi người cắt miếng bánh của mình rồi lại cắm con dao vào cùi bánh, ngập đến chuôi, và chiếc bánh luôn luôn luân chuyển.
- Cậu nào đổi đồ tráng miệng lấy phần cơm của mình nào? - Hutin nói.
Khi hắn đã thỏa thuận xong với một chàng trai mảnh khảnh, hắn lại định bán cả rượu vang, nhưng chẳng ai thèm, vì rượu rất tồi.
- Tớ đã bảo cậu là Robineau trở lại rồi - Hắn tiếp tục nói, giữa những tiếng cười và lời trò chuyện đan chéo - Ồ! Việc hắn nghiêm trọng đấy... Cậu nghĩ xem hắn làm hư hỏng các cô bán hàng. Thật đấy, hắn kiếm cho họ làm nơ cà-vạt!
- Im đi! - Favier nói khẽ - Người ta phân xử hắn kia.
Trong khóe mắt, hắn chỉ Bouthemont, đang đi ở hành lang, giữa Mouret và Bourdoncle, cả ba đang mê mải, nói nhỏ mà hăng. Buồng ăn của quầy hàng trưởng phó ở ngay trước mặt họ. Khi Bouthemont thấy Mouret đi qua, anh ta đã ăn xong liền đứng lên, kể những chuyện phiền phức ở gian hàng anh và nỗi lúng túng của anh. Hai người kia lắng nghe, vẫn không chịu hy sinh Robineau một nhân viên bán hàng hạng nhất, làm từ thời bà Hédouin. Nhưng, đến khi nghe chuyện nơ cà vạt thì Bourdoncle nổi giận. Cái anh chàng ấy điên hay sao mà lại đứng ra mách mối việc làm thêm cho các cô bán hàng? Cửa hàng phải trả giá khá đắt thì giờ của các cô ấy, điều đó quá rõ; thế là các cô ấy ăn cắp của cửa hàng, làm hại đến sức khỏe của mình mà không thuộc về mình. Đêm là để ngủ, ai cũng phải ngủ, nếu không thì tống họ ra ngoai!
- Nóng rồi đây. - Hutin nhận xét.
Mỗi lần ba người, thong thả qua lại, đi tới trước buồng ăn thì các tay thư ký dò xét, bình phẩm từng cử chỉ của họ. Các cậu quên cả món cơm cháy, trong đó vừa rồi anh giữ két tìm ra một chiếc khuy quần đùi.
- Mình nghe thấy nói “cà-vạt”. - Favier nói. Mà cậu thấy mũi Bourdoncle bỗng trắng bệt ra đó...
Bây giờ, Mouret cũng bất bình như Bourdoncle. Một cô bán hàng mà phải làm đêm. Anh thấy hình như đó là phá ngay tổ chức của hiệu Hạnh phúc các bà. Thế cái cô ngu dại nào mà lại không biết tự túc bằng lãi kiếm vào bán hàng như vậy? Nhưng khi Bouthemont nói đến tên Denise thì Mouret dịu đi, anh kiếm lời miễn thứ. À! phải, cái cô gái bé nhỏ ấy, cô ta chưa thật thạo nghề mà cô lại có những gánh nặng, người ta bảo thế. Bourdoncle ngắt lời anh để tuyên bố phải đuổi cô ta ra tức thì. Chẳng có lợi gì với hạng ma lem ấy, anh ta đã nói mãi rồi, và dường như anh ta trả một mối thù. Mouret đâm lúng túng, làm bộ cười. Trời, cái con người mới nghiệt ngã chứ! Không thể tha thứ được một lần hay sao? Thì gọi kẻ phạm tôi lên mà quở mắng. Tựu trung, chính là Robineau phải chịu mọi lỗi, vì anh ta đáng lẽ phải ngăn cô ấy, anh ta là thư ký cựu thì phải biết rõ lề thói cửa hàng.
- Đây kia, ông chủ cười rồi! - Favier ngạc nhiên nói khi mấy người lại đi qua trước cửa.
- Chà! Mẹ kiếp, - Hutin rủa - nếu họ khăng khăng để Robineau ốp bọn mình, thì bọn mình sẽ cho họ biết mùi!
Bourdoncle nhìn thẳng vào mặt Mouret. Rồi anh ta chỉ làm điệu khinh nhờn, để ngỏ ý rằng rốt cuộc anh ta biết tỏng, và như thế thì thật là xuẩn! Bouthemont nhắc lại những lời kêu ca: nhân viên bán hàng dọa bỏ đi mà trong bọn họ có những tay xuất sắc. Nhưng điều làm xúc động mấy ông ấy hơn là tin đồn những mối quan hệ xấu giữa Robineau và Gaujean; tay này, nghe nói, thúc tay kia mở cửa hàng riêng ở khu phố, cho anh ta vay rộng rãi để đánh bại hiệu Hạnh phúc các bà. Mấy người im lặng. A hà! Cái tay Robineau ấy mơ chuyện đấu nhau! Mouret trở nên nghiêm nghị, anh làm bộ coi khinh, anh tránh lấy mọi quyết định, coi như việc không quan trọng. Để xem đã, để nói chuyện với anh ta đã. Và liền đó, anh đùa với Bouthemont. Chả là ông bố anh này vừa cách đấy một hôm, từ cái cửa hiệu nhỏ của ông ở Montpellier lên đã xuýt chết ngợp và uất ức vì cái gian hàng lớn ghê gớm mà anh con trai ông trị vì. Người ta còn cười vì ông lão, lập tức trở lại cái tính bộc trực của dân miền Nam, xoay ra chê bai tất, và cho rằng hàng tân phẩm rốt cuộc rồi sẽ ra vỉa hè cả.
- May quá. Robineau đây rồi - Viên gian hàng trưởng khẽ nói - Tôi đã phái anh đi chỉnh lý, để tránh một cuộc xung đột đáng tiếc... Tôi xin lỗi vì nói nhiều, nhưng sự thể gây cấn đến mức phải hành động.
Quả thật, Robineau vừa về, anh ta đi qua, chào mấy ông kia, rồi vào bàn ăn.
Mouret chỉ nhắc lại:
- Thôi được, chúng tôi sẽ xét.
Họ bỏ đi, Hutin và Favier vẫn đứng hờ đó. Khi không thấy họ trở lại, hai anh chàng thở phào. Có phải bây giờ bữa nào ban giám đốc cũng xuống tính khẩu phần của họ? Thật là vui vẻ, nếu đến bữa ăn cũng không được tự do nữa! Sự thật là hai anh chàng vừa trông thấy Robineau trở về, và thái độ vui vẻ của ông chủ làm họ lo lắng về kết quả cuộc đấu tranh mà họ triển khai. Họ hạ giọng, họ sẽ tìm cách khác để phá quấy.
- Mình chết mất - Hutin cất cao giọng tiếp tục nói - Ra khỏi bàn lại càng đói hơn!
Thế mà hắn đã ăn hai suất mứt, suất của hắn và suất hắn đã đổi bằng suất cơm của hắn. Đột nhiên, hắn la lên:
- Cho nó chết, lấy một suất phụ!... Victor, một suất mứt thứ ba!
Gã hầu bàn phục vụ tráng miệng xong. Sau đó, hắn mang cà phê ra, và những ai dùng trả luôn cho hắn ba xu. Vài người đã bỏ đi, lượn theo dọc hành lang, tìm xó tối để hút điếu thuốc. Họ vê ruột bánh, trở lại vẫn những chuyện ấy, giữa mùi thức ăn thừa, mà họ không ngửi thấy nữa, và trong cái nóng lò hấp làm tai họ đỏ lên. Tường đổ mồ hôi, hơi ngột ngạt từ trần nhà mốc tỏa xuống. Deloche ngồi dựa tường, lặng lẽ tiêu bánh đầy căng bụng, mắt nhìn ra phía cửa hầm, và cái trò giải trí của hắn, hàng ngày, là nhìn những bàn chân người qua lại bước mau sát bờ hè, những bàn chân cắt từ mắt cá trở xuống, đi giầy gộc, bốt lịch sự, giầy nhỏ phụ nữ, một cuộc đi lại liên tục của những bàn chân sống, không thân thể và không đầu. Những ngày mưa thì thật là nhớp nháp.
- Sao? Đã đến giờ rồi! - Hutin la lên.
Một hồi chuông điểm ở đầu hành lang, phải nhường chỗ cho lớp ăn thứ ba. Nhân viên phục dịch tới với những xô nước ấm và những khăn to để lau vải sơn. Các buồng vợi người dần dần, nhân viên bán hàng trở lại các gian hàng, lê bước trên những bậc thang. Và, trong bếp, bếp trưởng lại trở về chỗ trước cửa ló, giữa những thúng cá đuối, thịt bò và nước xốt, tay cầm nĩa và thìa, sẵn sàng múc ra đĩa, với cử động nhịp nhàng như đồng hồ chạy đều.
Hutin và Favier đang kề cà thì thấy Denise xuống.
- Ông Robineau về rồi đấy, cô ạ. - Anh chàng thứ nhất nói với giọng lễ phép nhạo báng.
- Ông ấy đang ăn - Anh kia nói thêm - Nhưng nếu gấp quá thì cô cứ vào.
Denise vẫn đi xuống mà không trả lời, không quay đầu lại. Nhưng, khi qua trước buồng ăn quầy hàng trưởng và quầy phó, cô không ngăn được mình đưa mắt nhìn vào. Quả thật Robineau đang ở đó. Quá trưa, cô sẽ cố gặp anh để nói, và cô tiếp tục đi theo hành lang, đến bàn ăn của cô ở đầu đằng kia.
Phụ nữ ăn riêng, trong hai buồng dành cho họ. Denise vào buồng thứ nhất. Đây cũng là một căn hầm cũ sửa thành buồng ăn, nhưng ở đây có phần tiện nghi hơn. Trên chiếc bàn hình bầu dục, kê ở giữa, mười lăm bộ đồ ăn xếp cách nhau rộng hơn, và rượu thì đựng trong bình, một dĩa cá đuối và một dĩa thịt bò xốt vang đặt ở hai đầu. Nhân viên hầu bàn đeo tạp dề trắng phục vụ các bà tránh cho họ điều bất nhã là tự mình ra lấy khẩu phần ở cửa ló. Ban giám đốc thấy như vậy phải chăng hơn.
- Thế cậu đi khắp lượt rồi à? - Pauline hỏi, cô ta đã ngồi và đang cắt bánh.
- Ư, - Denise vừa nói vừa đỏ mặt - mình đi theo một bà khách hàng.
Cô nói dối. Clara hích tay cô bán hàng ngồi bên cạnh. Cô luộm thuôm hôm nay có chuyện gì vậy? Trông thật ky. Tới tấp nhận được thư của nhân tình, rồi chạy khắp cửa hàng như kẻ mất hồn, ta sự đi lên xưởng, mà không lên. Chắc hẳn có chuyện gì đây. Bấy giờ, Clara ăn cá đuối mà không thấy ghê, vẻ thản nhiên của cô gái xưa kia quen ăn mồ hôi, cô ta vừa ăn vừa kể một tấn bi kịch khủng khiếp, đăng khắp trên báo.
- Cậu có đọc báo không, cái thằng cha đã giết tình nhân bằng lưỡi dao cạo?
- Chao ơi! - Một cô bán đồ lót nhỏ người, mắt hiền lành mà thanh nhã, có nhận xét - Anh ta thấy cô kia đi với ai khác. Thế là phải.
Nhưng Pauline phản đối. Sao! Vì người ta không yêu một ông tướng nữa, mà hắn được phép cắt cổ người ta! Chà, không được, lại thế nữa! - Và cô ta ngừng lại, quay ra bảo người phục vụ:
- Pierre! Tôi không nuốt được món thịt bò, anh biết đấy... Hãy làm cho tôi một món phụ nhỏ, một trứng rán, há! Mà cố gắng cho nó mềm mềm!
Trong khi chờ đợi, vì bao giờ cô ta cũng có sẵn trong túi quà vặt, cô rút ra ít kẹo sô-cô-la, và nhai với bánh.
- Thật ra, một anh chàng như vậy, chẳng có gì lạ. - Clara lại nói - Có những kẻ hay ghen! Hôm nọ nữa, một anh thợ đẩy vợ xuống giết!
Cô ta không rời mắt Denise, cô tưởng đoán trúng khi thấy cô này tái tím mặt đi. Chắc hẳn, cái cô đạo đức giả này đang run lo bị nhân tình vả vì cô ta lừa. Kể cũng hay, nếu anh ta đến tận cửa hàng để la rầy, mà hình như cô ta đang sợ thế. Nhưng câu chuyện quay sang phía khác, một cô bán hàng bầy một cách để xé nhung. Sau đó, người ta nói đến một vở của rạp Gaieté ở đó những em gái đáng yêu nhảy múa hơn cả người lớn. Pauline, lúc này ngán vì trông thấy nói trứng rán chín quá, bây giờ vui vẻ trở lại, khi thấy nó cũng không đến nỗi tồi lắm.
- Chuyển rượu hộ mình - Cô bảo Denise - Cậu nên đặt một trứng rán.
- Ồ! Thịt bò là đủ cho mình rồi. - Cô gái trả lời, để khỏi phải chi tiền thêm, cô chỉ ăn món gì cửa hàng cho ăn, dù không ngon đến thế nào.
Khi người hầu mang cơm phó mát ra, các cô phản đối. Tuần trước họ đã bỏ món đó và hy vọng nó sẽ không trở lại. Denise đang bối rối, mải lo cho Jean vì những chuyện Clara kể, nên chỉ có một mình cô ăn cơm, và mọi người nhìn cô, vẻ ghê tởm. Người ta đua nhau mua món phụ, và các cô nhét mứt đầy bụng. Mà đó cũng là một kiểu lịch sự, phải ăn vào tiền của mình.
- Các cậu biết không, mấy ông kia đã kêu ca, - Cô bán đồ lót người thanh nhã nói - vì ban giám đốc đã hứa...
Họ cười ngắt lời cô, họ xoay ra chỉ nói chuyện về ban giám đốc. Ai nấy đều lấy cà-phê, duy Denise bảo mình không chịu được. Và họ kề cà trước những tách, các cô bán đồ lót bận áo len, giản dị như mấy bà tiểu tư sản, các cô hàng may sẵn thì bận áo lụa, khăn ăn cài dưới cằm để khỏi dây bẩn, y như các vị phu nhân xuống ăn ở nhà bếp, cùng với các cô hầu buồng. Người ta đã mở khung kính ở cửa sổ hầm để thay đổi không khí ngột ngạt và uế tạp; nhưng rồi lại phải đóng lập tức, bánh xe ngựa cứ như lăn trước bàn.
- Suyt! - Pauline nhắc - Cái lão khỉ đây này.
Đó là viên thanh tra Jouve. Lão ta ưa lò mò như vậy, vào cuối bữa ăn, ở chỗ các cô. Vả lại, lão phải giám sát buồng của họ. Con mắt tươi cười, lão bước vào, đi vòng quanh bàn, thậm chí đôi khi lão nói chuyện, muốn biết các cô ăn có ngon miệng không. Nhưng, vì lão làm họ sợ và làm phiền họ, mọi người gấp rút bỏ chạy. Mặc dù chuông chưa điểm, Clara biến trước nhất; những người khác theo cô ta. Chẳng mấy lúc chỉ còn Denise và Pauline. Cô này, uống cà-phê xong, nhai nốt kẹo sô-cô-la.
- Này! - Cô ta đứng dậy nói - Mình gửi một người phục vụ đi mua cam... Cậu có đi với mình không?
- Chốc nữa. - Denise đáp, cô nhằn một cùi bánh, định ở lại cuối cùng, để gặp được Robineau lúc trở lên.
Nhưng khi chỉ còn một mình với Jouve, cô cảm thấy khó chịu; và, ngài ngại, cô bỏ đi nốt. Nhưng, thấy cô đi ra cửa, lão chặn đường cô:
- Cô Baudu...
Đứng trước cô, lão mỉm cười, vẻ hiền từ. Hàng ria xám, tóc cắt thành bàn chải, đem lại cho lão vẻ chính trực của quân nhân. Và lão ưỡn ngực phô ra một băng đỏ.
- Cái gì thế, ông Jouve? - Cô bình tâm lại hỏi.
- Sáng nay tôi lại bắt gặp cô nói chuyện ở trên kia, đằng sau những tấm thảm. Cô biết rằng như thế là trái với quy định, và nếu tôi làm báo cáo... Cái cô bạn Pauline của cô thân với cô lắm à?
Ria hắn ngọ nguậy, cái mũi to của hắn như có lửa đốt, một cái mũi lõm và quằm, hau háu như bò mộng.
- Cả hai cô có cái gì, để thân nhau thế, hả?
Denise không hiểu, lại thấy khó chịu. Hắn đứng sát quá, hắn nói ngay tận mặt.
- Đúng đấy, chúng tôi nói chuyện, ông Jouve ạ, - Cô ấp úng nói - nhưng chuyện trò một tí thì chẳng tồi tệ gì lắm... Ông rất tốt với tôi, tôi cũng xin cám ơn...
- Tôi không được phép tốt - Hắn nói - Phải công minh, tôi chỉ biết có thế... Nhưng mà, khi người ta dễ thương thế này...
Và hắn đứng sát lại. Thế là, cô hoàn toàn đâm hoảng. Cô nhớ lại những lời của Polin, nhớ lại những chuyện đồn, có những cô bán hàng bị lão Jouve khủng bố, vì mua chuộc sự rộng lượng của hắn. Nhưng ở cửa hàng thì hắn cũng chỉ dám làm những chuyện lơn khơn vặt, khẽ đụng những ngón tay phốp pháp của hắn lên má mấy cô dễ dãi, cầm lấy tay họ, rồi làm vẻ quên giữ trong tay mình. Như thế vẫn ra vẻ hiền từ, và hắn chỉ thả con bò mộng ở bên ngoài, khi người ta vui lòng nhận đến ăn bánh phết bơ ở nhà hắn, phố Moineaux.
- Xin ông. - Cô gái vừa khẽ nói, vừa lùi lai.
- Nào, - Hắn nói - cô đừng xử tệ với một người bạn che chở cho cô. Cô hãy vui lòng, tối nay đến ăn bánh chấm nước chè. Thật lòng đấy.
Bây giờ cô vùng vằng:
- Không! Không!
Buồng ăn vẫn vắng người, người phục vụ chưa trở lại, Jouve, tai vểnh nghe tiếng chân người, thoắt đưa mắt nhìn xung quanh; và, bị kích thích mạnh, hắn thôi không gìn giữ nữa, vượt quá những cử chỉ suồng sã thân tình, định hôn vào cổ Denise.
- Cô bé ác, cô bé xuẩn... Có mớ tóc đẹp thế này, mà sao lại xuẩn thế? Hãy đến tối nay, để cho vui thôi mà.
Nhưng cô phát điên lên, cô chống cự vì khủng khiếp, khi bộ mặt nóng cháy kia sát gần, và cô cảm thấy hơi thở của hắn. Đột nhiên cô ẩy hắn, mạnh đến nỗi hắn loạng chạng và xuýt ngã vào cái bàn. May mà có một chiếc ghế đỡ lấy hắn, trong khi đó, bị đụng phải, một bình rượu lăn ra, bắn cả lên chiếc ca-vạt trắng và làm ướt cái băng đỏ. Và hắn ngồi đó, không lau chùi, tức giận đến nghẹt cổ vì một sự tàn nhẫn như vậy. Sao! Khi mà hắn không ngờ đến chuyện gì hết, khi mà hắn không dùng đến sức lực và hắn chỉ là ngả theo lòng tốt của hắn!
- Chà! Cô ơi, cô sẽ hối hận về việc này, lời danh dự!
Denise lẩn mất. Vừa lúc đó, chuông điểm; cô bối rối, vẫn còn run, cô quên mất Robineau, đi thẳng lên quầy hàng. Rồi, cô không dám trở xuống nữa. Lúc bây giờ đã quá trưa, mặt trời chiếu nóng mặt cửa hàng nhìn ra quảng trường Gaillon, mọi người chết ngạt trong những phòng khách tầng trên, mặc dầu có mành mành. Vài bà khách đến, làm mấy cô vã mồ hôi mà chẳng mua gì. Cả gian hàng ngáp dài, trước cặp mắt to mơ màng của bà Aurélie. Cuối cùng, khoảng ba giờ, thấy bà gian hàng trưởng thiu thiu, Denise lặng lề chuồn, lại chạy khắp cửa hàng, vẻ bận rộn. Để đánh lạc hướng bọn tò mò, cô không xuống thẳng gian tơ lụa, trước hết, cô làm ra vẻ có việc ở gian đăng-ten, cô đến gần Deloche, hỏi hắn một tin tức; rồi cô xuống nhà dưới, đi qua gian vải màu và gian cà-vạt, chợt cô giật mình ngạc nhiên và đứng phắt lại. Jean đứng ngay trước mặt cô.
- Sao em đấy à? - Cô khẽ nói, mặt tái nhợt.
Hắn vẫn mặc áo bludơ làm việc, đầu để trần, tóc hung rối bời, với những làn tóc xoắn rủ xuống da mặt con gái của hắn. Đứng trước một ngăn để những cà-vạt len mỏng, hắn có vẻ suy nghĩ lung.
- Em làm gì ở đây? - Cô lại hỏi.
- Chao! Em đợi chị... - Hắn đáp - Chị cấm em đến. Thế à, em cứ vào, em chẳng nói với ai. Ồ! Chị cứ yên tâm. Cứ giả vờ như không biết em, nếu chị muốn.
Nhân viên bán hàng đã nhìn họ, vẻ ngạc nhiên. Jean hạ thấp giọng:
- Chị biết không, cô ta muốn đi theo em. Thật đấy, cô ấy ở ngoài quảng trường kia, trước bể nước. Chị cho em mười lăm phrăng mau lên, không có thì bọn em nguy mất, nói có mặt trời làm chứng.
Thế là Denise tâm trạng rối bời. Người ta cười nhạo, người ta lắng nghe câu chuyện. Có một cầu thang xuống hầm ở phía sau gian cà vạt, cô liền đẩy em vào đó, buộc hắn phải xuống. Ở bên dưới, hắn tiếp tục chuyện của hắn, lúng túng, nêu sự việc, sợ chị không tin.
- Tiền chẳng phải để đưa cô ta. Cô ấy nhà danh giá. Còn chồng cô ta, chà! Hắn cóc cần mười lăm phrăng. Được hàng triệu, hắn cũng chẳng cho phép vơ hắn. Hắn chế tạo hồ dán, em đã cho chị biết đấy, những người rất sang... Không, mà là để cho một thằng bợm một thằng bạn cô ta nó đã trông thấy bọn em; thế mà, chị hiểu không, nếu em không đưa nó mười lăm phrăng, thì chiều nay...
- Im đi. - Denise khẽ nói - Chốc nữa... Hãy đi đi!
Họ xuống tới phòng hàng đi. Mùa chết khô khiến căn hầm rộng như ngủ, trong ánh ngày lờ mờ lọt qua các cửa sổ. Ở đây lạnh, im lặng từ vòm xuống. Nhưng vẫn có một nhân viên phục dịch đang lấy từ một khoang ra vài gói hàng hiếm hoi gửi đến phố Madeleine, và trên bàn chọn hàng lớn, Campion, viên trưởng phòng ngồi, chân đung đưa, mắt mở to.
Jean lại nói:
- Thằng chồng có một con dao to...
- Đi đi! - Denise nhắc lại, tay vẫn đẩy hắn.
Họ đi theo một trong những hành lang hẹp, ở đó đèn hơi luôn luôn chiếu sáng. Bên phải bên trái, trong dãy những hầm mỏ tối tăm, hàng dự trữ chất đống hắt những bóng đen sau những rào chắn. Cuối cùng cô dừng lại bên một rào gỗ đó. Chắc không ai tới: nhưng ở đây cấm người vào, nên cô rợn mình.
- Cái thằng bợm kia mà nói ra, - Jean tiếp lời -thằng chồng có con dao tướng...
- Em bảo chị lấy đâu ra mười lăm phrăng? - Denise thất vọng la lên - Thế em không thể biết điều được à? Lúc nào thì em cũng có những chuyện kỳ quặc như vậy!
Hắn đấm ngực. Giữa những bịa đặt như tiểu thuyết, hắn cũng chẳng còn biết đâu là sự thật thật sự nữa. Chỉ là hắn bi kịch hóa những nhu cầu tiền nong của hắn, xét cho cùng thì vẫn có chút bức thiết nào đó.
- Lần này em nói thật đấy, em về với chị... Em giữ cô ta thế này này, và cô ta ôm hôn em...
Cô lại bắt hắn im, cô giận lắm, cực nhục, bị xô đến cùng.
- Chị chẳng muốn biết gì hết. Em cứ mà giữ lấy thói hư. Xấu lắm, em nghe không!... Và em hành hạ chị mỗi tuần, chị tự giết mình để cấp cho em những đồng trăm xu. Thật đấy, chị thức đêm... Chưa nói đến chuyện em giành miếng bánh từ miệng em nhỏ của em.
Jean há hốc miệng, mặt tái nhợt. Sao? Thế là xấu ư! Và hắn không hiểu, từ lúc bé hắn vẫn coi chị như bạn, hắn xem việc bộc lộ nỗi lòng của hắn là rất tự nhiên. Nhưng điều làm hắn nghẹn ngào đặc biệt là biết tin chị phải thức đêm. Nghĩ đến chuyện hắn giết chị và hắn giành phần của Pépé, hắn bàng hoàng đến phát khóc.
- Chị nói phải đấy, em là thằng khốn kiếp - Hắn la lên - Nhưng không có gì xấu cả, trái lại nữa kia! Vì thế đâu lại hoàn đấy... Chị xem, cô ấy hai mươi tuổi rồi. Cô ấy xem như chuyện đùa. Vì em mới ngót mười bảy... Trời! Tôi giận mình quá! Tôi sẽ tự vả vào mặt!
Hắn nắm lấy hai tay cô, hắn hôn, làm tay cô ướt nước mắt.
- Chị cho em mười lăm phrăng đi, lần này là lần cuối cùng, em thề với chị... Hay thôi! Đừng cho em nữa, em ưng chết cho rảnh. Thằng chồng mà giết em, thì chị sẽ thoát.
Và, vì cô cũng khóc, hắn đâm hối.
- Là em nói thế, em cũng chẳng biết nữa. Có lẽ hắn chẳng định giết ai. Bọn em sẽ thu xếp, em hứa với chị, chị yêu dấu. Thôi, từ biệt, em đi.
Nhưng một tiếng chân đi, ở đầu hành lang, khiến họ đâm lo. Cô dẫn hắn trở lại chỗ hàng dự trữ, trong một xó tối. Được một lúc, họ chỉ còn nghe tiếng ngọn đèn hơi rít ở gần đấy. Rồi tiếng chân đi lại gần, và, thò đầu ra, cô nhận ra viên thanh tra Jouve vừa đi vào hành lang, với vẻ cứng nhắc của hắn.
Hắn tình cờ đi qua? Hay viên giám thị nào khác, canh ở cửa đã báo cho hắn biết? Cô đâm hoảng đến mất trí; và cô đẩy Jean ra ngoài xó tối mà họ nấp, đuổi hắn đi trước, miệng ấp úng.
- Đi đi! Đi đi!
Cả hai chạy thật nhanh, đằng sau họ, nghe có tiếng thở của lão Jouve, hắn cũng chạy. Họ lại qua phòng hàng đi, họ tới chân cầu thang lồng kính thông ra phố La Michodière.
- Đi đi! - Denise nhắc - Đi đi!... Nếu có thể được, chị sẽ gửi cho em mười lăm phrăng đó.
Jean hốt hoảng bỏ chạy. Viên thanh tra, thở hồng hộc, đến nơi, chỉ còn trông thấy một mảng áo bludơ trắng, và những làn tóc quăn màu hung phất phơ trong gió ngoài bờ hè. Hắn đứng thở một lúc, để lấy lại tư thế. Hắn đeo một chiếc cà-vạt trắng mới toanh, lấy ở gian hàng đồ lót, cái nơ rất rộng bóng loáng như mớ tuyết.
- Thế nào, trong sạch đấy, cô nhỉ - Hắn nói, môi run lên - Phải, trong sạch đấy, trong sạch lắm... Cô mà lại mong tôi tha thứ cho cô, những chuyện trong sạch đến thế, dưới hầm này.
Và hắn ném lời đó theo cô, khi cô trở lên cửa hàng, ngực thắt lại vì xúc động, không tìm ra một lời để bào chữa. Bây giờ, cô bực mình vì đã bỏ chạy. Tại sao không giải thích, đưa em cô ra? Người ta sẽ lại tưởng tượng ra những chuyện xấu xa; mà rồi cô có thề cũng chẳng ai tin. Một lần nữa, cô lại quên mất Robineau; cô trở về thắng quầy hàng.
Jouve không chờ, lên thẳng bam giám đốc để báo cáo. Nhưng gã hầu việc bảo ông giám đốc đang họp với Bourdoncle và Robineau: ba người chuyện trò từ mười lăm phút đến giờ. Vả lại cửa để hé mở, người ta nghe tiếng Mouret vui vẻ hỏi viên thư ký đi nghỉ có tốt không, tuyệt đối chẳng có chuyện đuổi gì cả, trái lại người ta bàn về một số phương sách thi hành ở gian hàng.
- Ông muốn gì đấy, ông Jouve? - Mouret kêu lên -Vào đây.
Nhưng do bản năng xui khiến, viên thanh tra thấy Bourdoncle đi ra, ưng kể hết chuyện với anh này. Hai người thong thả theo hành lang khăn san, đi bên cạnh nhau, một người nghiêng mình và nói rất nhỏ, người kia lắng nghe, nét mặt nghiêm nghị không để lộ ra cảm tưởng gì.
- Thôi được. - Cuối cùng anh này nói.
Và họ vừa tới gian may sẵn thì anh ta vào đó. Đúng lúc bà Aurélie đang giận Denise. Cô ta ở đâu về nữa kia? Lần này thì dễ chừng cô không nói lên xưởng nữa. Quả thật, những chuyện biến đi liên tục như vậy; thì không thể dung tha hơn nữa.
- Bà Aurélie! - Bourdoncle gọi.
Anh ta quyết định làm mạnh, anh ta không muốn hỏi ý kiến Mouret nữa, sợ anh này lại nhu nhược. Bà gian hàng trưởng bước tới, và câu chuyện được khẽ kể lại. Cả gian hàng ngóng đợi, họ đánh hơi thấy một tai họa. Cuối cùng, bà Aurélie quay lại, vẻ nghiêm trang:
- Cô Baudu...
Và bộ mặt phị như hoàng đế của bà mang cái vẻ bất động khốc liệt của quyền hành tối cao.
- Mời cô ra két!
Lời nói ghê gớm vang rất to trong gian hàng lúc đó vắng khách. Denise đứng thẳng, mặt trắng bệt, không một hơi thở. Rồi cô nói; ngắt từng tiếng:
- Tôi! Tôi!... Thì tại sao! Tôi đã làm gì?
Bourdoncle tàn nhẫn trả lời cô biết rồi, tốt hơn là đừng bắt người ta phải kể ra; và hắn nói về chuyện những cà-vạt, và hắn bảo rằng nếu tất cả các cô gặp đàn ông ở dưới hầm thì đẹp quá.
- Nhưng, đó là em tôi! - Cô thét lên với lòng phẫn nộ đau đớn của một cô gái trong trắng bị làm nhục.
Marguerite và Clara ngả ra cười, còn bà Frédéric, xưa nay vốn kín đáo, cũng lắc đầu ra vẻ không tin. Lúc nào cũng bảo là em trai! Chung quy là xuẩn! Denise nhìn khắp lượt mọi người: Bourdoncle, kể ngay từ giờ phút đầu tiên đã không muốn nhận cô; Jouve đứng đó để làm chứng, mà cô không mong đợi gì ở hắn chút công bằng; rồi các cô kia mà cô không chuyển lòng nổi sau chín tháng kiên nhẫn tươi cười, các cô ấy tựu trung vui mừng đẩy được cô ra ngoài. Vùng vẫy mà làm gì, sao lại muốn cưỡng người ta thừa nhận mình khi chẳng ai yêu mình. Và cô ra đi không nói thêm một lời, cô cũng chẳng nhìn lại lần cuối cùng cái phòng khách ở đó cô đã vật lộn trong bao nhiêu lâu.
Nhưng, khi cô chỉ còn một mình, trước lan can cầu thang xuống buồng lớn, tim cô bỗng nhói lên vì đau đớn. Không một ai yêu cô, và, đột nhiên nghĩ tới Mouret, cô thấy không thể nhẫn nhục được. Không! Cô không thể chấp nhận việc đuổi cô như thế. Lẽ nào anh lại tin ở câu chuyện xấu xa ấy, chuyện hẹn hò với đàn ông ở dưới đáy hầm. Một nỗi sỉ nhục giày vò cô với ý nghĩ đó, một niềm lo sợ mà cô chưa từng cảm thấy nó day dứt bao giờ. Cô muốn đi tìm anh, cô sẽ trình bầy mọi sự, chỉ để cho anh biết; là vì khi anh biết sự thật thì cũng không sao. Và nỗi sợ hãi cũ, cái rợn mình khi đứng trước anh, vụt biến thành nhu cầu tha thiết tìm anh, không bỏ cửa hàng đi mà không thề với anh rằng cô đã chẳng thuộc về ai khác.
Đã gần năm giờ, cửa hàng nhộn nhịp hơn một chút trong trời mát buổi chiều. Cô vội vã đi về phía phòng giám đốc. Nhưng, khi tới trước cửa phòng, một nỗi buồn rầu thất vọng choán lấy cô. Lưỡi cô ríu lại, cả cuộc sống nặng nề đè lên vai cô. Anh sẽ không tin, anh sẽ cười như những kẻ khác, và nỗi sợ đó khiến cô đâm nản. Thế là hết, tốt hơn là cô cứ cô đơn, biến đi, chết cho rảnh. Thế là; chẳng báo cho cả Deloche và Pauline, cô đi thẳng ra két.
- Thưa cô, - Anh nhân viên nói - của cô có hai mươi ngày, thế là mười tám phrăng Bảy mươi, thêm vào đó bảy phrăng khoản phần trăm và hoa hồng. Tài khoản của cô có như thế, có phải không?
- Vâng, thưa ông. Xin cám ơn.
Và Denise ra đi với số tiền đó, nhưng cuối cùng cô lại gặp Robineau. Anh ta đã biết tin cô bị đuổi, anh hứa với cô sẽ tìm lại người mối làm cà vạt. Anh nói thật khẽ an ủi cô, anh bất bình: cuộc đời đến như thế! Bị xoay vần một cách tùy tiện! Bị tống ra bất cứ lúc nào, thậm chí cũng không đòi được lương cả tháng Denise lên báo với bà Cabin, cô sẽ cố gắng cho người đến lấy hòm đi tối hôm đó. Năm giờ điểm thì cô ở bờ hè quảng trường Gaillon, hoang mang giữa xe ngựa và đám đông.
Ngay tối hôm đó, khi Robineau về đến nhà thì nhận được bức thư của ban giám đốc, với bốn dòng chữ báo cho anh biết, vì lý do nội bộ, họ bắt buộc phải thôi không nhận anh làm việc. Anh ta làm ở cửa hàng đã bảy năm, ngay lúc chiều anh còn nói chuyện với mấy ông ấy; cứ như một nhát chùy. Hutin và Favier ca bài thắng lợi ở gian tơ lụa, cũng như Marguerite và Clara toàn thắng ở gian may sẵn. Cuộc thu dọn thật là tuyệt! Những nhát chổi làm quang chỗ đứng. Chỉ có Deloche và Pauline khi gặp nhau giữa đám nhốn nháo của các gian hàng, trao đổi với nhau mấy lời não nuột, tiếc Denise dịu dàng và chân thật như thế.
- Chà! - Chàng trai nói - Nếu cô ấy thành công ở nơi nào khác, tôi chỉ mong cô ấy trở lại đây chận chân tận cổ bọn không ra gì đó!
Và, trong chuyện này, chính Bourdoncle bị vấp mạnh từ phía Mouret. Khi anh này được tin việc đuổi Denise, anh nổi giận đùng đùng. Thường thì anh rất ít quan tâm đến nhân viên; nhưng lần này anh làm bộ xem đó như một sự lộng quyền, một mưu toan thoát ra ngoài quyền lực của anh. Phải chăng anh không còn là chủ nữa để, tình cờ, người ta tự ý ra lệnh? Mọi sự đều qua con mắt của anh, tuyệt đối tất cả, và anh sẽ xéo nát như một cộng rơm kẻ nào cưỡng lại. Rồi, khi anh làm một cuộc điều tra cá nhân trong một cơn đau khổ về tâm thần mà anh không thể che giấu, anh lại càng giận. Cô ấy không nói dối, cô gái tội nghiệp: đúng là em trai cô, Campion đã hoàn toàn nhận ra hắn. Thế thì tại sao lại đuổi cô? Thậm chí anh nói sẽ gọi cô trở lại.
Trong khi đó, Bourdoncle quen lối phản kháng thụ động, khom lưng trước cơn gió lạnh. Hắn xem xét Mouret. Cuối cùng, một hôm thấy anh bình tĩnh hơn, hắn dám nói, bằng giọng khác thường:
- Tốt cho mọi người hơn cả là để cô ấy đi.
Mouret bối rối, mặt đỏ bừng:
- Nói thật, - Anh vừa cười vừa đáp - có lẽ anh có lý... Ta xuống xem bán hàng đi. Số bán ra lại lên rồi, hôm qua thu ngót trăm nghìn frăng.
Denise đứng hoang mang một lúc trên đường phố, trong ánh nắng còn oi ả lúc năm giờ. Những rãnh nước hâm hấp nóng tháng Bảy, Paris có ánh sáng mùa hạ màu phấn, với những phản xạ chói lòa. Và, tai họa vừa đến quá đột ngột, người ta đuổi cô quá tàn nhẫn, khiến cô cứ mân mê hai mươi nhăm phrăng bảy mươi trong đáy túi, như cái máy, tự hỏi mình đi đâu và làm gì.
--------------------------------------
[1] Do phiên âm chữ Anglais, là thuộc nước Anh.
[2] Nguyên văn: ngu như ngỗng.
[3] Auvergne, Provence: hai tỉnh ở miền Nam nước Pháp.
[4] Nguyên văn: situation d’intéressé - địa vị kẻ hữu quan.
[5] Tablier: khăn phủ ngực và bụng lúc làm việc cho khỏi bẩn quần áo.
Hiệu Hạnh Phúc Các Bà Hiệu Hạnh Phúc Các Bà - Emile Zola Hiệu Hạnh Phúc Các Bà