Chương 7
ại tu viện mỗi người được giao một cách sám hối riêng, phương thức giành được sự cứu rỗi đời đời của mình. Phần tôi là viết truyện: vất vả, vất vả vô cùng. Bên ngoài trời mùa hè chói chang ánh nắng, từ dưới thung lũng, những tiếng hét lanh lảnh và tiếng nước róc rách vọng tới, buồng tu của tôi ở trên cao, ngay dưới mái ngói; tôi nhìn thấy qua ô cửa sổ nhỏ: một khúc quanh của con sông, những cậu trai làng trần truồng đang tắm, xa hơn chút nữa, sau các bụi liễu, những cô gái, cũng đã trút bỏ quần áo, đang bước xuống đầm mình. Một cậu, lặn dưới nước, giờ trồi lên nhìn trộm các cô, và các cô hò hét chỉ trỏ cậu ta với nhau. Tôi cũng có thể đang ở đó, trong một phái đoàn đông đúc các đứa bạn đồng lứa, cô hầu, người thân. Song ơn kêu gọi hiển thánh muốn chúng tôi đặt ưu tiên điều gì đó mà sau-này-vẫn-còn-mãi hơn là các niềm hoan lạc sớm-nở-tối-tàn trên thế gian. Rằng vẫn-còn-mãi… thế mà liệu rằng sau này, kể cả quyển truyện này, và tất cả các hành vi thương xót hoàn tất với trái tim cháy bỏng tro bụi, chính chúng cũng đã là tro bụi… càng tro bụi hơn là các hành vi tính dục trên con sông đó: run rẩy cuộc sống, và tỏa lan như những vòng tròn nước… Viết với trọn nghị lực, nhưng có lúc ngòi bút chỉ rào rạo bụi mực, không lăn chảy bằng một giọt đời, và cuộc đời thì toàn bộ ở ngoài kia, bên ngoài ô cửa sổ, bên ngoài bạn, và bạn cảm thấy mình sẽ không bao giờ còn có thể nương náu nơi trang giấy bạn đang viết, đang mở ra một thế giới khác, rồi thì phóng mình vào đó. Có lẽ tốt hơn là cứ như thế; có thể khi bạn viết trong hoan lạc, thì đó không là phép lạ cũng chẳng là ân sủng, mà lại là tội lỗi, lại là lòng sùng bái ngẫu tượng, lại là thói kiêu ngạo. Liệu tôi miễn nhiễm được chuyện đó? Không, khi viết tôi không tự chuyển mình vào cái tốt lành: tôi chỉ tiêu hóa bớt cái tuổi trẻ hoang mang vô ý thức. Các trang viết bất thỏa này có giá trị gì với tôi? Quyển truyện, lời nguyền, không giá trị hơn những gì bạn đáng giá. Làm sao có thể bảo viết là tự cứu rỗi linh hồn? Bạn viết, bạn viết, và linh hồn bạn đã lạc lối mất rồi.
Cho nên bạn muốn tôi tìm đến xơ tu viện trưởng để khẩn nài xơ đổi công việc cho tôi, sai tôi đi kéo nước giếng, tước cây gai dầu, đãi vỏ đậu xanh phải không? Không ích gì. Tôi tiếp tục bổn phận làm nữ-tu-bàn-viết của mình, tốt nhất có thể. Giờ thì đến lúc tôi kể về bữa tiệc của các chàng hiệp sĩ.
Trái với mọi quy tắc xã giao vương giả, hoàng đế Charlemagne tới bàn tiệc sớm, khi chưa có mặt các quan khách khác. Ông ngồi xuống, bắt đầu nhâm nhi mẩu bánh mì, miếng pho mát, trái ô liu, hoặc quả ớt ngọt, tóm lại, tất cả những món đã bày ra trên bàn; ông lại còn ăn bằng tay. Thường thì cái quyền hành tuyệt đối sẽ khiến tính tiết chế bị mai một, ngay cả ở những vị hoàng đế chừng mực nhất, và sinh ra sự lạm quyền.
Các hiệp sĩ nhỏ giọt kéo tới, trang phục lễ tân lộng lẫy, giữa những dải gấm thêu kim tuyến viền ren luôn luôn lồ lộ: bộ yếm lưới sắt vòng lỗ to, phiến giáp cầu nối sáng choang như gương, chỉ cần một thanh kiếm con xỉa vào là vỡ tan. Đầu tiên là hiệp sĩ Orlando, ngồi vào bên phải ông bác hoàng đế, và sau đó, Rinaldo xứ Montauban, Astolfo và Angiolino xứ Bayonne, Riccardo xứ Normandie, rồi tất cả các hiệp sĩ khác. Agilulfo đi đến chỗ cuối bàn, vẫn trong bộ áo giáp xuất chiến, không tì vết. Thế thì chàng hiệp sĩ mò tới bàn ăn làm gì? Kẻ chưa bao giờ thèm ăn, không có một bao tử để thỏa mãn, không có một khóe miệng để cái nĩa phục vụ, cũng chẳng có một cổ họng để nhấp rượu Bourgogne. Vậy mà những bữa tiệc kéo dài nhiều giờ này không bao giờ vắng mặt chàng, kẻ biết sử dụng thời gian đích đáng hơn nhiều qua các hoạt động nghiệp vụ của mình. Dẫu sao, chàng có đầy đủ tư cách để có một chỗ trên bàn ăn của hoàng đế như tất cả các hiệp sĩ khác, và đã ngồi vào chỗ của mình; chàng hoàn thành các nghi thức tại bàn tiệc với cùng một thái độ cẩn trọng chi li mà chàng biểu lộ trong mọi nghi thức khác trong ngày.
Món ăn là những thức thường thấy trong quân đội: gà tây nhồi nhân, ngỗng quay, thịt bò om, heo sữa, lươn, cá vền. Đội phục vụ chưa kịp đặt khay lên bàn thì các chàng hiệp sĩ đã nhào vào đưa tay chộp, dứt xé, làm vấy bẩn áo giáp và phụt bắn nước xốt tứ phía. Náo loạn hơn cả chiến trường: chóe xúp đổ nhào, gà quay bay vù vù, người phục vụ giật cái khay thức ăn đi trước khi một chàng háu ăn trút cả vào bát của mình.
Tại góc bàn chỗ Agilulfo ngồi, trái lại, mọi sự được tiến hành sạch bưng, yên tĩnh, và trật tự, nhưng đội hầu bàn phải phục dịch chàng, kẻ không ăn, nhiều hơn là phục dịch tất cả các chàng còn lại. Đầu tiên – trong lúc khắp nơi chén đĩa thừa bừa bộn đến nỗi không mấy thích hợp để thay chúng khi chuyển món mới lên, và cứ nơi nào có thức ăn là các chàng xơi, có thể ngay cả trên khăn bàn – Agilulfo liên tục yêu cầu thay cho mình: khăn ăn, đĩa lớn, đĩa nhỏ, chén bát, ly cốc đủ loại về hình dạng và sức chứa, nĩa, thìa lớn, thìa nhỏ, dao, và quả là phiền nếu nó không thật sắc đấy nhé, đòi hỏi sạch bóng cũng thế, chỉ cần một chút vết mờ trên một cái cốc hoặc trên con dao cái nĩa là chàng trả lại ngay. Sau đó, chàng muốn mọi món: ít thôi, nhưng tất cả; không bỏ qua bất cứ một thức nào đem lên. Chẳng hạn, chàng thái một lát lợn rừng quay, đặt thịt lên cái đĩa lớn, múc nước xốt vào cái đĩa nhỏ, rồi dùng một con dao cực sắc cắt miếng thịt thành nhiều sợi dài mỏng teo, rồi chuyển từng sợi thịt này sang một đĩa khác, trộn nước xốt vào đó cho đến khi chúng thấm đẫm; món thịt trộn này được đặt vào một cái đĩa khác nữa, và thỉnh thoảng chàng gọi một người hầu, bảo họ dọn cái đĩa này đi, và yêu cầu một cái đĩa sạch. Chàng cứ bận bận bịu bịu như thế hàng nửa giờ. Đó là chưa kể đến món gà, món chim trĩ, món sáo đá: sửa soạn cả tiếng đồng hồ mà không hề chạm vào chúng trừ dùng mũi một số con dao nhỏ mà chàng tiện thể yêu cầu và đòi thay đổi nhiều lần để róc các thớ thịt mỏng nhất còn dính sót lại trên khúc xương nhỏ xíu cuối cùng. Rượu chàng cũng tự rót, liên hồi chắt, san giữa nhiều cái cốc có chân cao chân thấp để trước mặt, và những cái cốc vại để chàng hòa các thứ rượu, rồi thỉnh thoảng chìa ra đưa cho một người hầu để họ dọn đi và đổi lại lấy đống ly cốc mới. Bánh mì thì chàng tiêu thụ nhiều: liên tục vo tròn từng viên ruột nho nhỏ bằng nhau, bày ra trên khăn bàn thành từng hàng thứ tự; vỏ thì được bẻ vụn, chàng dùng những mẩu vụn này để xây thành những kim tự tháp tí hon: cứ thế cho tới lúc chán thì chàng ra lệnh cho người hầu phủi khăn bàn bằng bàn chải. Sau đó, chàng lại bắt đầu từ đầu.
Hoàn toàn bận bịu, nhưng chàng không để lỡ đầu đuôi các câu chuyện đang đan chéo từ mọi góc bàn ăn và luôn luôn xen tiếng đúng lúc.
Thế thì các hiệp sĩ nói chuyện gì vào bữa trưa? Như mọi khi thôi, tự tán tụng.
Hiệp sĩ Orlando nói:
– Tôi phải bảo rằng trận Aspramonte đang ở trong chiều hướng xấu khi tôi hạ gục vua Agolante trong cuộc quyết chiến tay đôi và đoạt được cây kiếm báu Excalibur từ ông ta. Ông ta nắm chặt đến nỗi khi tôi đã chém phăng cánh tay phải của ông ta, nắm nay ông ta vẫn dính cứng cán kiếm Excalibur, tôi phải dùng đến cây kìm để gỡ nó ra.
Agilulfo lên tiếng:
– Không phải để phủ nhận, song chính xác là thế này: cây kiếm báu Excalibur được kẻ địch bàn giao trong cuộc thương lượng đình chiến, năm ngày sau trận Aspramonte. Thật vậy, nó nằm trong danh mục vũ khí nhẹ nhượng lại cho quân đội Pháp, theo điều kiện của thỏa ước.
Rinaldo xen vào:
– Gì thì gì, không thể sánh với cây Fusberta. Chuyến băng vượt rặng Pyrénées là vào tháng Tư, và trong tháng Tư, như mọi người đều biết, tôi đối đầu với con chằn, tôi chặt đứt đôi nó bằng một nhát gươm, quý vị biết đấy, vảy chằn rắn hơn cả kim cương.
Agilulfo ngắt lời:
– Nào, chúng ta thử sắp xếp lại thứ tự sự kiện: chuyến băng vượt rặng Pyrénées là vào tháng Tư, và trong tháng Tư, mọi người đều biết, loài chằn đang thay vảy, da thịt chúng nhũn và mềm như da thịt trẻ sơ sinh.
Các hiệp sĩ nhao nhao:
– Là thế thôi, ngày này hay ngày nọ, không ở đây thì ở kia, tóm lại, chuyện là như vậy, chẻ sợi tóc ra làm tư mà làm gì.
Nhưng họ bực mình. Cái anh chàng Agilulfo khỉ gió kia luôn nhớ tất cả, mỗi sự kiện đều biết viện đến dữ liệu, ngay cả khi đó là một kỳ tích đã trở nên lẫy lừng, được mọi người công nhận, được những kẻ chưa từng chứng kiến ghi nhận tỉ mỉ đầu đuôi, đừng hòng, chàng ta muốn quy nó lại thành một tình tiết nghiệp vụ bình thường, ghi vào bản báo cáo cuối ngày trình bộ chỉ huy. Từ thuở thế gian là thế gian, giữa những gì diễn ra trong chiến tranh và những gì kể lại sau đó, luôn luôn có một dòng mạch khác biệt nhất định, nhưng trong cuộc đời một chiến binh, các sự kiện nào đó đã xảy ra hay không xảy ra thì có chi là quan trọng; đã có nhân cách, năng lực, sự nhất quán trong cách ứng xử để bảo đảm rằng dù các sự kiện không diễn biến đúng như thế từng ly từng tí, song chúng hẳn cũng đã có thể diễn biến như vậy và vẫn có thể sẽ diễn biến như thế trong một hoàn cảnh tương tự. Song với một người như Agilulfo – vốn chẳng có gì để cưu mang các hoạt động của chính mình, thực thụ hay giả cách – thì chúng được lập biên bản từng ngày, ghi vào sổ sách, ấy thế mà chàng ta lại trống lổng, tối om. Agilulfo còn muốn quy ra được như thế từ các đồng nghiệp của mình, những hũ nút rượu Bordeaux, những cái loa lộng ngôn, những núi dự án ở thời quá khứ mà không bao giờ ở thời hiện tại, và những kho huyền thoại mà sau khi đã quy một phần cho người này, một phần cho người kia, thì rốt cuộc luôn luôn tìm ra cái nhân vật chính thực hiện giùm.
Đôi khi có người nhờ Charlemagne làm chứng. Song vị hoàng đế đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh đến nỗi ông lẫn cuộc chiến này với cuộc chiến kia, thậm chí không nhớ rõ cái cuộc chiến mình đang tiến hành lúc này. Nhiệm vụ của ông là thực hiện chiến tranh, cùng lắm thì thêm chỗ nghĩ đến cái cuộc chiến sắp tới; các cuộc chiến đã tiến hành thì đã diễn ra như chúng đã diễn ra; những gì các nhà biên niên sử và các nhà du ca thuật lại thì ai cũng biết: bị thêm mắm thêm muối; thật là phiền nếu hoàng đế cứ phải lẽo đẽo theo mọi người mà cải chính. Chỉ trường hợp nảy ra những khúc mắc nào đó động đến guồng máy quân sự, cấp bậc, việc quy phát tước danh quý tộc hoặc đất đai, thì lúc đó nhà vua mới phải phát ngôn. Lời-vua-ban là một cách nói, ai cũng hiểu, tại đây thì ý muốn Charlemagne không quyết định là mấy, ông cần dựa vào các đúc kết, phán xét trên cơ sở các chứng cứ đang có, và bảo phải tôn trọng pháp luật và phong tục. Cho nên khi mọi người tham vấn, thì nhà vua nhún vai, nhấn nhá những điều chung chung và nhiều lúc viện ra câu: “Ái chà! Biết làm sao bây giờ! thời buổi chiến tranh mà, hỏa mù tứ phía”, rồi bỏ đi. Charlemagne hẳn muốn giao một công việc khổ sai buồn tẻ nào đó cho hiệp sĩ Agilulfo nhà Guildivermi, kẻ liên tục ngồi vo viên ruột bánh mì và phủ nhận từng sự kiện đều không phải là niềm vinh quang đích thực của quân đội Pháp – ngay cả khi nó được báo cáo qua một bản tường trình không đầy đủ – nhưng nhà vua đã được cho biết, đối với chàng ta, các nhiệm vụ khốn đốn nhất chính là những thử thách đầy tham vọng về bầu nhiệt huyết, thế cho nên, chả ăn thua gì.
– Này Agilulfo, tôi không hiểu tại sao anh lại mất thì giờ vào những chuyện vụn vặt như vậy – hiệp sĩ Olivier nói – tự thân niềm vinh quang kỳ tích có khuynh hướng được khuyếch đại trong trí nhớ dân gian và điều đó chứng tỏ đó là niềm vinh quang chân chất, cơ sở của tước vị và cấp bậc mà chúng ta giành được.
– Không phải là loại của tôi! – Agilulfo đốp ngay – Mỗi tước vị và danh hiệu của tôi là các kỳ tích có bảo chứng hẳn hoi và được củng cố bằng các văn kiện không thể chối cãi.
– Đó là anh nói – một hiệp sĩ cất giọng.
– Ai vừa phát biểu, xin hãy trình bày lý do! – Agilulfo đứng dậy nói.
– Bình tĩnh, kiềm chế – các hiệp sĩ khác lên tiếng – chính anh, kẻ lúc nào cũng đối với chọi các kỳ tích của người khác, anh không thể cấm cản chuyện có người nào đấy cảm thấy cần nói lại về các kỳ tích của anh chứ…
– Tôi không xúc phạm ai cả: chỉ giới hạn trong việc xác định sự kiện, nơi chốn, ngày tháng, và vô số chứng cứ!
– Chính tôi là người đã phát biểu. Tôi cũng sẽ xác định. – Một chiến binh trẻ đứng lên, sắc diện xanh xao.
– Ừ xem nào, Torrismondo, xem cậu tìm thấy gì trong quá khứ của tôi để mà phủ nhận – Agilulfo nói với cậu trai trẻ, đó chính là Torrismondo xứ Cornwall – có lẽ cậu muốn phủ nhận, chẳng hạn, sự kiện tôi được phong hiệp-sĩ-võ-công trong đạo quân với lý do đúng mười lăm năm trước đây tôi đã cứu vãn trinh tiết cô Sophronia, con gái vua Scotland khỏi cuộc cưỡng bức của hai tên cướp đúng không?
– Vâng, tôi phủ nhận: cách nay mười lăm năm, cô Sophronia, con gái vua Scotland, đã không còn trinh nữa.
Rào rào tiếng xì xào từ đầu bàn này chạy sang đầu bàn kia. Điều lệ hiệp sĩ hiện hành lúc ấy quy định rằng ai đã đích xác cứu vãn trinh tiết một thiếu nữ dòng dõi quý tộc thì được phong tước hiệp-sĩ-võ-công tức khắc; nhưng cứu thoát khỏi cuộc cưỡng hiếp thân thể một phụ nữ quý tộc không còn trinh thì chỉ được quy định là nhận bằng khen và hưởng lương gấp đôi trong ba tháng.
– Sao cậu lại có thể dựa vào cái điều không chỉ xúc phạm đến phẩm cách hiệp sĩ của tôi mà còn xúc phạm cả đến một quý cô tôi đã vung gươm bảo vệ?
– Vâng, tôi dựa vào điều đấy.
– Chứng cứ đâu?
– Sophronia chính là mẹ tôi.
Từ lồng ngực các hiệp sĩ bật lên cái giọng kêu kinh ngạc:
– Vậy thì cậu Torrismondo không phải là con trai của Công tước xứ Cornwall hay sao?
– Đúng vậy, cô Sophronia đã sinh ra tôi hai mươi năm trước đây, lúc ấy cô được mười ba tuổi – Torrismondo giải thích. – Đây, chiếc mề đay hoàng gia Scotland. – Và luồn tay vào ngực lấy ra tấm ấn hiệu móc vào một sợi dây chuyền vàng.
Charlemagne, cho tới lúc này mặt mũi và râu ria lúi húi trên một đĩa tôm, đánh giá rằng đã đến lúc mình ngước mắt lên.
– Này cậu hiệp sĩ – đằng hắng nhấn giọng cho thêm phần thẩm quyền vua chúa, ông nói – thế cậu có hình dung được sự trầm trọng trong lời phát biểu của mình hay không?
– Hoàn toàn ạ – Torrismondo nói – nhưng với chính mình hơn là với người khác. Một màn im lặng bao trùm: Torrimondo đang khước từ mối quan hệ dòng tộc với Công tước xứ Cornwall vốn đã hiệu lực hóa tước hiệp sĩ của cậu trong tư cách sĩ quan tập sự. Bây giờ khi tuyên bố mình là con hoang, dù là con của một công chúa mang dòng máu hoàng gia, cậu sẽ phải rời bỏ quân đội.
Nhưng hệ lụy đối với Agilulfo còn trầm trọng hơn nhiều. Trước khi bắt gặp Sophronia bị những tay côn đồ hành hung và cứu vãn sự nguyên khôi của nàng, chàng là một chiến binh quèn vô danh trong bộ áo giáp trắng toát, nay đây mai đó trong cõi nhân gian. Hay đúng ra (như người ta nhanh chóng biết được), chàng là một bộ áo giáp trắng toát trống rỗng, bên trong không có chiến binh nào. Thành tích bảo toàn nàng Sophronia khiến chàng được phong là một hiệp-sĩ-võ-công; và lúc đó cái danh hiệu hiệp sĩ Miền-Trong-Trắng-Mà-Giới-Tuyến-Bất-Bỉ-Đáo trống chỗ, thế là chàng đã đảm nhận nó. Sự nhậm chức phục vụ, rồi tất cả những khen thưởng, cấp bậc, danh hiệu đạt tới sau đó, là kết quả của cái sự cố ấy. Nếu trinh tiết được chàng cứu vãn của nàng Sophronia bị chứng minh là không hiện hữu, thì tước hiệp sĩ của chàng cũng sẽ bị bốc thành mây khói, tất cả những gì chàng thực hiện sau đó không thể được coi là có giá trị, chúng hoàn toàn vô hiệu lực, tất cả các danh hiệu và tước vị sẽ bị xóa bỏ, và như thế, mọi thẩm quyền của chàng cũng trở nên không hiện hữu chẳng kém con người chàng.
– Đang còn trẻ con, mẹ tôi đã có mang tôi – Torrismondo kể – sợ ông bà nổi cơn thịnh nộ khi phát hiện ra tình trạng của mình, mẹ tôi bèn trốn khỏi tòa lâu đài hoàng gia Scotland và đi lang thang khắp vùng cao nguyên quanh đó. Tôi chào đời ngoài trời, trên một bãi đất hoang, và được mẹ nuôi nấng nay đây mai đó trên những cánh đồng, dưới những lùm cây ở nước Anh cho đến năm tuổi. Với những ký ức ban đầu ấy, đó chính là thời kỳ tươi đẹp nhất của đời tôi, nhưng nó đã bị cái chàng phá đám kia cắt ngang. Hôm đó, tôi nhớ: mẹ tôi giao cho tôi canh gác cái hang của chúng tôi, còn mẹ thì như thường lệ, tìm tới các khu vườn để hái trộm trái cây. Bà bị hai tay cướp dạo chặn đầu muốn cưỡng bức. Có thể cuối cùng mẹ đã kết bạn với họ: mẹ tôi thường than thở về nỗi cô đơn của mình. Nhưng cái bộ áo giáp trống rỗng đang đi tìm vinh quang kia xuất hiện và đã đánh tan tác hai tay cướp. Nhận ra mẹ tôi thuộc dòng dõi hoàng gia, chàng ta hộ tống mẹ về một tòa lâu đài gần đấy nhất, đó là tòa lâu đài ở Cornwall, và giao mẹ cho gia đình nhà công tước. Phần tôi lúc đó vẫn ở trong hang, đơn độc và đói khát. Vừa có dịp thì mẹ tôi đã thú nhận với vị công tước về sự hiện hữu của một cậu con bé bỏng bị bỏ rơi bất đắc dĩ. Tôi được các gia nhân đốt đuốc tới tìm và mang về tòa lâu đài. Để cứu vãn danh dự gia đình hoàng gia Scotland, có liên hệ dòng tộc với gia đình công tước Cornwall, tôi được nhận làm con nuôi và được công nhận như là một đứa con trai của ông bà công tước. Kể từ đó, cuộc sống của tôi trở nên tẻ nhạt với vô số bó buộc giống hệt cuộc sống của những đứa con trai út trong các gia đình quý tộc. Tôi không được phép gặp mẹ tôi nữa, bà xuống tóc tại một tu viện xa xôi. Cái gánh nặng của một núi những sự giả tạo này, vốn đã bẻ quặt dòng mạch tự nhiên của đời tôi, tôi đã phải mang vác trên người cho tới bây giờ. Giờ thì cuối cùng tôi đã có thể nói ra sự thật. Và đối với tôi, bất kỳ điều gì xảy ra chắc chắn cũng sẽ tốt hơn so với những gì đã trải qua cho đến lúc này.
Trong lúc đó bánh ngọt đã được đem lên, một thứ bánh kếp Tây Ban Nha chồng đắp các lớp bột màu sắc thanh nhã, nhưng sự sửng sốt trước cái chuỗi bộc bạch ấy dữ dội đến mức chẳng cái nĩa nào đưa lên các khóe miệng đang bị níu lưỡi.
– Thế còn ông, ông có ý kiến gì về câu chuyện này? – Charlemagne hỏi Agilulfo. Mọi người đều để ý là nhà vua đã không nói “hiệp sĩ”.
– Đó là những lời dối trá. Nàng Sophronia lúc đó là một cô gái bé bỏng. Tôi xin đặt cả tên tuổi và danh dự của mình trên cánh hoa nguyên khôi của nàng.
– Ông có thể chứng tỏ điều đó không?
– Tôi sẽ đi tìm nàng Sophronia.
– Anh kỳ vọng sẽ tìm được nàng vẫn nguyên xi sau mười lăm năm à? – Astolfo ranh mãnh hỏi. – Các phiến giáp bằng sắt rèn của chúng ta còn không bền bỉ bằng đấy.
– Nàng đã xuống tóc ngay sau khi tôi giao nàng cho cái gia đình nhân hậu ấy.
– Mười lăm năm, trong một thời đại như hiện nay, không một tu viện Kitô giáo nào có thể tránh khỏi sự tan tác và cướp phá, mỗi nữ tu có đủ thời gian để xuất tu và tái tu ít ra là bốn hay năm lần…
– Dẫu sao, một tiết hạnh bị cưỡng bức thì giả định một kẻ cưỡng bức. Tôi sẽ tìm ra hắn và sẽ biết được từ hắn bằng chứng về cái ngày mà Sophronia vẫn còn được coi là thiếu nữ.
– Nếu ông muốn, ta sẽ ban chiếu chỉ cho ông khởi hành tức khắc – hoàng đế nói. – Ta nghĩ, lúc này hẳn điều ông quan tâm nhất chính là cái quyền được mang danh hiệu và vũ khí vốn đang bị phủ nhận. Nếu cậu trai trẻ này nói đúng, ta không thể để ông tiếp tục phục vụ, đúng hơn, ta không thể lưu ý đến ông về bất cứ phương diện nào, kể cả tiền lương chưa trả. – Và Charlemagne không thể tự kiềm chế mà không tiện thể điểm cho câu nói của mình một âm sắc khoái trá, như để bảo rằng: “Quý vị thấy chưa, chúng ta đã tìm được một phương pháp giải thoát khỏi cái anh chàng phá đám này!”
Giờ thì bộ áo giáp trắng toát chúi hẳn người ra đằng trước, chưa bao giờ nó để lộ cái tình cảnh trống rỗng như lúc này. Một giọng nói loáng thoáng phát ra:
– Vâng, thưa hoàng thượng, tôi sẽ ra đi.
– Thế còn cậu? – Charlemagne quay lại phía Torrismondo. – Liệu cậu có biết khi tự xưng mình được chào đời ngoài hôn nhân thì cậu không thể giữ cái cấp bậc cậu được thừa hưởng khi vừa sinh ra không? Ít ra cậu phải biết cha mình là ai chứ? Thế cậu có hy vọng thuyết phục được ông ấy nhìn nhận mình không?
– Thần sẽ không bao giờ được nhìn nhận…
– Không chắc là thế. Mỗi con người, khi tuổi đã cao, đều có khuynh hướng lập một bảng quyết toán về đời mình. Chính ta cũng nhìn nhận tất cả các đứa con mình có với các thê thiếp, chúng khá đông đảo, tất nhiên, cũng có đứa không phải là của ta.
– Cha thần không phải là một con người.
– Ông ta là Chúa Ruồi à?
– Thưa ngài, không phải – Torrismondo bình tĩnh nói.
– Thế thì là ai?
Torrismondo bước tới giữa gian đại sảnh, quỳ một đầu gối xuống đất, ngước mắt nhìn lên trời, rồi nói:
– Đó là Giáo Đoàn Hiệp sĩ Chén Thánh.
Một loạt xì xào chạy trên bàn tiệc. Vài hiệp sĩ làm dấu thánh giá.
– Mẹ thần là một cô bé táo bạo – Torrismondo giải thích – luôn luôn sục sạo vào những ngõ ngách sâu nhất trong các khu rừng bao quanh tòa lâu đài. Một hôm, tại một khoảng rừng rậm, cô bắt gặp đoàn Hiệp sĩ Chén Thánh, họ đóng trại ở đó để củng cố tâm hồn trong sự cách ly với thế gian. Cô khởi sự chơi đùa với các chàng chiến binh, từ ngày đó, mỗi lần có thể thoát khỏi sự giám sát của gia đình, cô lại chạy tới doanh trại. Nhưng trong vòng một thời gian ngắn, từ những trò chơi con trẻ đó, cô trở về, đã mang thai.
Charlemagne suy ngẫm một lát rồi nói:
– Các Hiệp sĩ Chén Thánh đã thệ nguyện khổ hạnh, sẽ chẳng bao giờ có ai trong đoàn nhìn nhận cậu là con.
– Thần cũng vậy, không muốn mình bị nhìn nhận như thế – Torrismondo nói. – Mẹ thần không bao giờ đề cập về một hiệp sĩ cụ thể nào, song bà đã giáo dục thần tôn trọng cha trong tư cách tổng thể Giáo Đoàn.
– Vậy là – Charlemagne nói thêm – Giáo Đoàn trong tư cách tổng thể thì rõ là không dính dáng gì tới kiểu thệ nguyện như vậy. Cho nên không gì có thể cấm cản việc Giáo Đoàn nhìn nhận mình là người cha của một sinh mạng. Nếu cậu có thể tìm tới đoàn Hiệp sĩ Chén Thánh và thuyết phục được họ nhìn nhận cậu là con trai của tổng thể Giáo Đoàn, xét định một cách tập thể, thì các quyền quân sự của cậu, vốn cũng trực thuộc các đặc quyền của Giáo Đoàn, sẽ không khác với các quyền cậu đã có trong tư cách con trai của một gia đình quý tộc.
– Thần sẽ lên đường – Torrismondo nói.
Tại doanh trại quân Pháp, đó là một buổi chiều của những cuộc lên đường. Agilulfo tỉ mẩn sửa soạn hành trang và con tuấn mã, còn viên lính hầu Gurdulù thì chụp vớ các thứ: chăn mền, bàn chải, nồi niêu, chất chúng thành một đống che khuất khiến anh ta không thể nhìn thấy hướng mình đi, anh ta phi ngược lại hướng của ông chủ, thúc nước đại rời đi làm rơi rớt mọi thứ trên con lộ.
Không ma nào đến chào Agilulfo khi chàng lên đường, trừ đội giữ ngựa, các chú tiểu đồng giám mã, và những người thợ rèn khốn khổ, vốn hơi sức đâu mà phân biệt chàng nào là chàng nào, họ biết, chàng này là một viên chức đã khó tính, lại còn thiếu hạnh phúc hơn các vị khác. Các hiệp sĩ, viện lý do không được báo cho biết giờ ra đi, đã không đến; vả lại, đây không phải là một lý do: Agilulfo, từ khi rời bàn tiệc, đã không thốt một lời với ai. Chuyến lên đường của chàng không có lời bình luận: các phận sự của chàng được phân phối lại theo phương thức không để một chức vụ nào của chàng bị bỏ trống, như một thỏa thuận chung, tốt hơn hết, không nên kèn hay trống mà làm gì về sự vắng mặt của chàng hiệp sĩ không hiện hữu.
Người duy nhất xúc động, hay đúng hơn, rúng động, chính là Bradamante. Nàng chạy về gian lều của mình:
– Nhanh lên! – nàng gọi mụ quản gia, cô hầu, bà bếp.
– Nhanh lên! – và quăng bổng quần áo, phiến giáp, giáo mác, nữ trang.
– Nhanh lên! – nàng làm điều này không như thông thường khi thay quần áo hoặc trong một cơn tam bành, mà để dọn dẹp, để tiến hành một cuộc kiểm kê đồ vật hiện có, và lên đường.
– Sửa soạn cho tôi tất cả mọi thứ, tôi lên đường, tôi ra đi, không ở lại đây thêm một phút nào nữa, chàng đã ra đi, người duy nhất khiến đạo quân này có ý nghĩa, người duy nhất có thể mang lại ý nghĩa cho đời tôi, cho cuộc chiến của tôi, giờ đây chỉ còn lại một lũ bợm nhậu và hung tợn, gồm cả tôi, và cuộc sống là một chuyến lăn xoay từ giường tới chiếc áo quan, chỉ có chàng là biết cái cấu lý bí ẩn, cái trình tự, cái quy tắc để mà có thể lĩnh hội sự khởi đầu và sự kết thúc! – Trong lúc nói như thế, nàng khoác từng manh áo giáp đánh trận dài ngày, áo thụng da xanh dừa cạn, và chẳng mấy chốc đã sẵn sàng trên yên ngựa, hoàn toàn như một đấng nam nhi, trừ cái cung cách kiêu kỳ rắn rỏi vốn có ở những người đàn bà thực sự là đàn bà, nàng thúc ngựa phi nước đại, kéo phăng cọc đóng lều, dây căng lều và các quầy treo thịt nguội, rồi nhanh chóng biến mất trong một đám bụi bốc cao. Trông thấy cái đám bụi ấy, Rambaldo ba chân bốn cẳng chạy đi tìm nàng và kêu lên: – “Bradamante ơi! nàng đi đâu thế, tôi đây mà, tôi ở đây vì nàng, thế mà nàng lại bỏ đi!” – với cái nỗi uất ức bướng bỉnh của một kẻ tương tư, có nghĩa là: – “Tôi đây, trẻ tuổi, chất chứa tình yêu, sao nàng không thỏa lòng với tình yêu của tôi được, này cái người không để ý đến tôi, không yêu tôi, nàng trông chờ gì đây? Nàng còn mong gì hơn những gì tôi cảm thấy mình có thể, và phải trao cho nàng?” – Thế là cứ như thế mà điên tiết, không chịu tỉnh táo mà chấp nhận, cho đến một lúc mối tương tư nàng cũng là mối tương tư chính mình, cái mối tương tư chính mình tương tư nàng, cái mối tương tư về một khả năng cả hai mối tương tư sẽ cùng hiện hữu bên nhau, song chúng không thể. Và trong cơn giận đùng đùng, Rambaldo chạy về lều mình, sửa soạn con tuấn mã, vũ khí, túi dết, và cũng lên đường, bởi lẽ chiến tranh chỉ được tiến hành kiên cường ở cái nơi mà giữa những mũi giáo có thấp thoáng bờ môi đàn bà, và tất cả, các thương tích, đám bụi mịt mù, mùi tuấn mã, không mang hương vị gì khác ngoài cái nụ cười ấy.
Tối hôm ấy Torrismondo cũng lên đường, cũng buồn, và cũng chan chứa hy vọng. Đây, ngôi rừng cậu muốn gặp lại, chốn rừng xanh mịt mùng ẩm ướt tuổi thơ, mẹ hiền, những tháng ngày trong hang, và cả mối tình huynh đệ hải hồ trong trắng của những người cha, trang bị vũ khí, thao thức quanh đống lửa trong một doanh trại bí mật, y phục trắng, lặng lẽ, tại một góc rừng rậm rạp nhất, cành lá la đà hầu như chạm tới các bụi dương xỉ, và trên mặt đất sền sệt, những đầu nấm nảy nở mà không bao giờ hứng ánh mặt trời. Loạng choạng đứng dậy khỏi bàn tiệc, đã lắng nghe mọi tin tức về các chuyến lên đường đột ngột, Charlemagne tiến về khu nhà lều hoàng gia, ông nghĩ về cái thời lên đường của các hiệp sĩ Astolfo, Rinaldo, Guidon Selvaggio, Orlando, giành các kỳ tích sau đó đã đi vào những thiên anh hùng ca của các nhà thơ, trong lúc giờ đây không vần thơ nào có thể thúc các chiến binh kỳ cựu này rời nửa bước, trừ khi phải tuân hành nhiệm vụ.
– Hãy để các chàng ấy lên đường, họ còn trẻ, họ cần thể hiện mình.- Charlemange nói, với cái thói quen đúng là của một con người hành động, nghĩ rằng đi một đàng là học một sàng khôn, nhưng đã chất chứa nỗi cay đắng của một người già, xót xa vì những điều của một thời đã qua đang bị mai một hơn là vui đón những điều mới mẻ rồi sẽ đến.
Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu - Italo Calvino Hiệp Sĩ Không Hiện Hữu