Chương 2- 3 -
Đẩy cánh cửa bên hông ngôi miếu, lão già nhường đường bước vào trước. Ông trùm bước vào với thái độ tò mò hoài nghi vì không hiểu lão maphia già này sắp diễn tuồng gì. Đập vào mắt ông trùm là một bàn thờ sáng rực nhang đèn tỏa hương thơm ngào ngạt, trên đó là tấm hình mà ông trùm không rõ, nhưng nhìn cung cách thờ phụng như thế này thì lão đoán thầm, đây có lẽ là vị tổ sư nào đó của bang phái. Cụ thể là người lập băng đảng này chẳng hạn, người Hoa hay có truyền thống thờ phụng những người khai sơn lập phái và maphia cũng vậy.
- Đây là Quốc phụ của chúng tôi mà là Tổ phụ cũng đúng.
Khi nghe lão già giới thiệu tý nữa ông trùm té ngửa. Kiến thức hiểu biết của ông trùm chưa đầy móng tay nhưng kiến văn giang hồ của lão thì in mấy cuốn sách chẳng hết. Nói thì nói thế chứ ông trùm cũng không dốt đến độ chẳng biết gì, thế nên khi biết đây là nơi thờ của trí sĩ yêu nước Tôn Trung Sơn của Trung Quốc thì lão ngạc nhiên vô cùng. Không hiểu Tôn Trung Sơn sẽ nghĩ gì khi biết mình được một băng đảng maphia tôn thờ như Tổ phụ không nhỉ.
Sau khi gióng chuông, thành kính thắp mấy nén nhang khấn khứa lia lịa, lão già kể.
Người sáng lập băng đảng chúng tôi vốn là một người theo chủ nghĩa Tam Dân của Quốc phụ Tôn Trung Sơn. Trước khi sáng lập nên nền công hòa dân chủ trong cuộc cách mạng Tân Hợi 1911, lật đổ triều Mãn Thanh thì Tôn tiên sinh bôn ba hải ngoại để tuyền truyền chủ nghĩa Tam Dân của ông. Đó là đoàn kết mọi lực lượng dân tộc chống chủ nghĩa phong kiến, chống thực dân. Gần năm 1900, Tiên sinh từ Hồng Kông ghé qua Sài Gòn ở gần một tháng trước khi đi Singapore. Ông đến Sài Gòn tất ba lần trong các năm 1900, 1903, 1906 và ông nhận thấy cộng đồng Hoa kiều tại đây rất đông nên đã quyết định lập phân hội hải ngoại “Trung Quốc đồng minh hội” với mục đích quyền tiền để lật đổ triều đình Mãn Thanh. Và vị tiền bối của băng đảng chúng tôi thời điểm đó là một thành viên trẻ và một trong những thành viên đầu tiên của phân hội hải ngoại này, hoạt động rất hăng say, được mọi người tín nhiệm. Thậm chí Tôn tiên sinh còn dự định đưa về Trung Quốc để cùng hoạt động với mình. Rất tiếc mọi chuyên rẽ sang những bước ngoặc khác. Lão già thở dài.
- Người Trung Hoa ai cũng kính trọng và gọi Tôn tiên sinh là “Quốc phụ”, bất kể chính kiến phe phái. Riêng với chúng tôi, vì những lý do trên nên còn gọi tiên sinh là Tổ phụ.
Ông trùm gật gù, ra là vậy.
Trong quá trình quyên tiền cho phân hội hải ngoại “Trung Quốc đồng minh hội” đã xảy ra những hiểu lầm lẫn nhau. Thật ra trước đó cũng có ý kiến ngấm ngầm trái ngược nhau, nhưng trước úy tín và tâm lòng yêu nước bao la quảng đại của Tiên sinh mà không ai dám làm bậy. Khoảng đầu năm 1907, sau khi Tiên sinh bị Nhật trục xuất từ Hà Nội vào Sài Gòn thì ông có chấn chỉnh những hoạt động của phân hội, mọi tranh chấp tạm lắng xuống, nhưng rồi khi ông trở ra Hà Nội và đi về liên tục giữa hai thành phố để bắt tay vào chuẩn bị hoạt động vũ trang ở vùng giáp biên giới phía Nam Trung Quốc, việc nhiều nên Tiên sinh quản lý hoạt động của phân hội không xuể, dù có ủy quyền người thay mình, do vậy những tranh chấp tiếp tục bùng lên. Sau khi Tiên sinh về lục địa hoạt động chuẩn bị cho cách mạng Tân Hợi thì tranh chấp trong phân hội trở nên gay gắt. Vì bị hiểu lầm nên vị tiền bối của chúng tôi rời bỏ phân hội. Ông đã đi Trung Quốc tìm gặp Tôn tiên sinh để giải bảy nỗi lòng và xin ở lại bên ấy để hoạt động luôn. Rất tiếc vì nhiều lý do khác nhau mà ông đã không gặp được Tiên sinh. Sau đó ông định cư tại đảo quốc Đài Loan và tiếp tục tinh thần Tam Dân của Tôn tiên sinh mà xây dựng tổ chức của mình. Đến khi lìa đời, điều làm ông ấy áy náy nhất là đã không được gặp Tôn tiên sinh. Vì vậy ông luôn căn dặn anh em chúng tôi là dù làm gì cũng luôn phải lấy tinh thần Tam Dân, đoàn kết mọi người Trung Quốc, tất cả đều vì tổ quốc đặt lên hàng đầu. Sinh thời Tiên sinh từng rất lo lắng cho người Trung Quốc chúng tôi “như đống các rời”, chia năm xẻ bảy không đoàn kết được. Chúng tôi thờ Quốc phụ hay Tổ phụ cũng là vì vậy, lão già kết luận.
Ông trùm nghi hoặc nhìn lão maphia già đang nói chuyện. Dưới anh đèn mờ, lão già ưỡn ngực, mắt sáng long lanh, vẻ đầy kích động khi nói. Một câu chuyện thần thoại chăng. Có lẽ chủ nghĩa Tam Dân yêu nước của Tôn Trung Sơn đã bị những tên maphia này lợi dụng, bịa đặt và gắn vào hoạt động của băng đảng của mình nhằm nâng cao uy tín cho băng đảng, ông trùm mỉm cười. Chẳng bao giờ vị Quốc phụ vĩ đại của nhân dân Trung Hoa kia lại ngờ rằng có một ngày chủ nghĩa của ông đã bị lợi dụng một cách thô thiển trắng trợn đến thế. Nghĩ vậy nhưng ông trùm không nói ra, sợ lão bạn già mình mếch lòng. Hư thực thực giả trong chuyện này thật khó nói, thôi cứ để mặc lão ta say sưa với chủ nghĩa Tam Dân maphia của lão ta. Kệ cái chủ nghĩa ấy, suy cho cùng, maphia thì là maphia, thêm màu mè chi cho mệt, đúng là chỉ có mấy anh Ba Tàu có khác. Ông trùm lẳng lặng đến trước bàn thờ Tôn Trung Sơn, thành kính thắp cho ông mấy nén nhang trước ánh mắt hài lòng của lão bạn già, rồi đi ra ngoài.
Những băng đảng maphia người Hoa trải dài hơn nửa vòng trái đất. Một sự thật hiển nhiên là ở đâu có người Hoa thì ở đó có băng đảng xã hội đen và hoạt động của nó đôi lúc còn lẫn lộn vào hoạt động thần quyền mê tín của những họ tộc dòng họ và bang phái, nhóm dân nói tiếng của từng vùng miền khác nhau như Tiều, Hẹ, Thượng Hải, Quảng Đông, Triều Châu… khôn thì khôn quá thành quỷ quyệt đến tàn bạo và ngu ngơ anh hùng mã thượng theo kiểu kiếm hiệp Tàu thì cũng là người Hoa, giả thật thật giả khó biết đâu mà lường. Tốt, có những người cực kỳ tốt và sống rất chân thật, trung thành nhưng cũng có những kẻ xảo quyệt đến kinh hoàng. Bắt tay làm ăn với những con người này nên luôn luôn chừa một con đường khác, cả tin thì có mà bán mạng cho chúng, chết lúc nào không hay. Đấy là lời dạy bảo khôn ngoan của một bậc đàn anh nay đã rút lui vào bóng tối ở ẩn và phải trả giá đắt bằng nhiều vết sẹo trên thân thể mới rút ra được kinh nghiệm ấy để truyền cho ông trùm từ khi còn trẻ, mới tập tễnh bước chân vào chốn giang hồ. Nhưng rõ ràng với lợi thế về ngôn ngữ, văn hóa và tính liên kết cộng đồng rất cao của người Hoa nên băng đảng maphia Hoa đã giữ được bí mật trong làm ăn công khai hợp luật lẫn làm ăn phi pháp làm cho lực lượng bảo vệ luật pháp của nước sở tại nhiều lúc phải chào thua, không cách gì xâm nhập hay mua chuộc được và rất vất vả trong việc đối phó với những băng đảng tội phạm người Hoa là vì vậy.
- Ông thấy đấy, ở đâu trên thế giới này có người Hoa thì ở đó có chúng tôi – Lão già Hoa kiều cười ý nhị - Và chúng tôi làm ăn rất kín đáo.
- Tín Mã Nàm… - Như một câu hỏi buộc miệng, ông trùm lơ đễnh nhắc đến tên trùm xã hội đen người Hoa Tín Mã Nàm nổi đình nổi đám trước 1975.
- Tín Mã Nàm… - Lão già gật gù – Trước 1975, nhất là thập niên 60, gần như toàn bộ hoạt động kinh doanh buốn bán của người Hoa tại Sài Gòn, nhất là khu vực quận 5, đều bị băng đảng của ông ta khống chế. Tôi biết, tuy lúc đó tôi chưa ở Việt Nam. Nhưng…
Lão già nhếch mép, cái nụ cười khẩy mà ông trùm rất ghét bởi thấy nó gian trá quá. Miệng móm, răng thiếu, nói thì đôi lúc phều phào thiếu gió. Còn may là lão ta chưa giả giọng lớ lớ như mấy cha Ba Tàu Chợ Lớn, nhưng vẻ xảo quyệt luôn hiện rõ ở đôi mắt láo liên nhìn ngang liếc dọc mà lai luôn nhìn lén lút, ít khi nhìn thẳng vào mặt ai. Và một thằng đàn em của ông trùm cũng từng có tiếng cười như vậy, kết quả bị ông trùm đấm cho gãy mấy cái răng với lời phán, cười thấy ghét. Nhưng với lão già này thì ông trùm đành chịu dù rất bực trong lòng. - Chúng tôi có những người bạn tốt như Lý Long Thân hay Mã Tuyên… để điều đình hoạt động với Tín Mã Nàm. Có lúc chúng tôi dự định bắt tay với ông ta, nhưng con người này sau này ngông cuồng quá, không thể chung sức được. Khuyên can, nhắc nhở, răn đe… đều vô hiệu, vì thế chúng tôi quyết định bỏ rơi ông ta. Và trận chiến đấu sau đó giữa ông ta với các băng đảng khác tại Sài Gòn kết quả thật thảm bại thế nào chắc ông trùm biết rõ rồi chứ.
Không chờ ông trùm trả lời, lão già cao giọng.
- Một nguyên tắc tối cao của tổ chức chúng tôi là tránh tối đa mọi va chạm với chính quyền sở tại. Tất cả chỉ giải quyết trong nội bộ chúng tôi với nhau theo luật lệ đã có sẵn từ nhiều năm nay rồi.
Ông trùm gật gù đồng ý điều đó, lão biết ngay tại đất Sài Gòn này thôi trước và sau 1975 các băng đảng xã hội đen người Hoa vẫn luôn luôn tồn tại. Trước 1975 một số băng đảng xã hội đen người Hoa còn gắn kết với các hoạt động kinh doanh thao túng thị trường của một số trùm tài phiệt người Hoa mà chính quyền dù biết nhưng cũng bất lực. Sau năm 1975, các hoạt động của chúng kín đáo hơn, kín kẽ hơn và đặc biệt từ trước đến nay luôn được nấp dưới danh nghĩa của các hội nhóm từ thiện, tôn giáo, các bang hội, hội quán… tất cả đều gói trọn trong cộng đồng người Hoa, rất ít hoặc hầu như không có người Việt hoặc chủng tộc khác tham gia. Sau năm 1990, khi Việt Nam đang đổi mới mở rộng cửa làm ăn thì một số băng đảng bắt đầu tìm vào Việt Nam hoạt động dưới danh nghĩa một số công ty TNHH hoặc liên doanh với nước ngoài. Các hoạt động “đen” như rửa tiền, trấn lột, bảo kê, thậm chí là bắt cóc tống tiền và giết người theo đơn đặt hàng đều được tiến hành một cách kín đáo và hoàn toàn bí mật. Tất cả cũng đều được gói gọn trong cộng đồng người Hoa. Bao trùm lên tất cả là một tấm màn thần bí đe dọa khủng bố mà nạn nhân dù sống hay chết cũng không dám hé răng khai báo với chính quyền, nếu như không muốn bị thanh trừng tàn bạo hơn bởi chúng đã khống chế những doanh nhân người Hoa này ngay từ gốc và buộc nạn nhân phải im lặng “đóng thuế” nếu như không muốn người thân ở bản quốc bị trừng phạt. Kể cả những vụ mà chính quyền sở tại nghi ngờ cho tiến hành điều tra, cũng bất lực vì không được sự hợp tác của chính nạn nhân.
- Người ta hay nói đến maphia Ý hay Mỹ và sau này là Nga… với bọn này chính là luật Omega-im lặng, dựa trên sự đe dọa trả thù bằng máu và tiền mua cáo ngất, tuy thế không hẳn là hoàn hảo bởi vẫn có những kẻ hèn nhát phản bội hợp tác khai báo với cảnh sát, kết quả là sự trấn áp của chính quyền. Nhưng với chúng tôi, nó chỉ tồn tại như các băng đảng Yakuza Nhật và các băng đảng người Hoa mà thôi, còn ở Việt Nam thì…
Ông trùm nhếch mép, cưới nhạt.
- Hình như ông đang định dạy bảo chúng tôi?
- Không… không.. xin ông trùm đừng nói vậy – Lão già người Hoa vội xua tay lia lịa – Chúng ta là bạn bè và những điều tôi đang nói với ông đây trên tư cách bạn bè.
Có lẽ nghĩ ông trùm giận nên lão Hoa kiều vội kết luận câu chuyện.
- Tinh thần đoàn kết, tương ái giúp đỡ lẫn nhau, sự liên kết văn hóa có cội nguồn và cùng chung ngôn ngữ của người Hoa chính là sức mạnh giúp chúng tôi khi hoạt động ở ngoài lãnh thổ nước mình và cũng đảm bảo bí mật hoạt động cho những băng nhóm chúng tôi mà không sợ bị tiết lộ, đây chính là thế mạnh để đối phó với chính quyền sở tại, trong đó có cả Việt Nam.
Những điều nay thì con cáo già maphia người Hoa nói hoàn toàn đúng, ông trùm thở dài. Một thực tế cho thấy, những người Hoa đi tha hương cầu thực để kiếm sống từ nhiều thế kỷ trước rất biết dựa vào nhau tạo thành sức mạnh cộng đồng để giúp nhau cùng phát triển. Người ta dễ dàng nhận thấy các cộng đồng khổng lồ người Hoa ở Mỹ, Pháp, Anh, Malaysia, Việt Nam. Họ sống rất đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau. Phải nói người Hoa có một lịch sử di dân và có kinh nghiệm phong phú về đời sống của người di dân. Ngược lại với người Việt, lịch sử di dân không có và nếu có cũng chỉ sau 30.4.1975, do vậy không thể so sánh bằng số lượng người Hoa ở nước ngoài. Người Việt sống lẻ tẻ vài trăm ngàn người ở nước này hay nước kia, nhiều nhất là Mỹ cũng chỉ hơn một triệu người và rải rác khắp nơi trên nước Mỹ rộng lớn. Nhìn chung người Việt ở nước ngoài có tâm lý sống co cụm, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy kiếm tiền, ít quan tâm đoàn kết với nhau. Một số nơi còn bị nhạt nhòa chìm hẳn vào với người bản địa, mất đi bản sắc riêng. Có hoạt động chăng cũng chỉ có máy cái hội đoàn vớ vẩn bên Mỹ, Pháp, Úc, hoạt động ba lăng nhăng và chủ yếu lồng vào các yếu tố chính trị của mấy thằng cò mồi dựa vào đó để kiếm chác đồng tiền dựa trên mồ hôi nước mắt của chính đồng bào mình hơn là sự đoàn kết tạo sức mạnh. Sau mấy chuyến đi Mỹ và châu Âu về, ông trùm đã nhận ra điều đó.
Ngày nay khi ở vị trí ông trùm của các ông trùm thì lão rút ra kết luận rằng, với băng nhóm giang hồ xã hội đen trong nước từ trước đến sau năm 1975 tất cả như bầy thú hoang với nguyên tắc, con thú mạnh nhất sẽ đứng đầu bầy nhưng một mai nó suy yếu, tức khắc sẽ có con thú khác nhảy lên thay thế ngay. Luật của giang hồ tức là luật của rừng xanh mà luôn luôn là những cuộc chiến cắn xé chém giết lẫn nhau không thương tiếc để giành vị trí cầm đầu. Con lớn giết con bé, con mạnh hiếp con yếu, đấy là giang hồ Việt Nam và cũng còn mang tính quy luật chung của các băng đảng xã hội đen khác tại nhiều nước. Tại sao lại không như bọn maphia người Hoa, người Nhật… Và lão tỉa rút ra nhiều kinh nghiệm từ bọn này. Để củng cố vị trí thế đứng đầu của mình được lâu dài, lão đã dày công xây dựng một băng nhóm của riêng lão với sức mạnh mà không một băng nhóm giang hồ xã hội đen nào có thể thay được, đó là đưa tất cả các con cháu, trai gái, dâu rể cùng tham gia vào băng nhóm và giao cho chúng giữ những vị trí quan trọng khác nhau theo phương châm giọt máu đào hơn ao nước lã và với bọn đàn em thân cận thì chúng chỉ có những vị trí râu ria mờ nhạt bởi lão hoàn toàn hiểu rằng để cho băng nhóm của mình tồn tại và phát triển có cần nhiều yếu tố khác nhau, nhưng xương sống quan trọng nhất đó chính là sự đoàn kết tạo sức mạnh cùng nhau làm ăn và giữ bí mật tuyệt đối các hoạt động phạm pháp. Trong trường hợp này yếu tố gia đình thân thuộc là bảo đảm nhất bởi giữa người nhà với người nhà dễ nói chuyện và tin cậy nhau hơn. Nguyên tắc này hình thành từ của các đại gia đình maphia Ý, lão thêm vào một số nguyên tắc khác của bọn maphia người Hoa. Nó đã hoàn hảo chưa, nhiều lúc ông trùm tự hỏi như vậy và soát xét lại thì lão thừa hiểu rằng chưa, vẫn còn nhiều chễnh mảng của băng nhóm mình và nhiều lúc vượt qua tầm kiểm soát của lão, làm đổ bể nhiều dự kiến tính toán của lão. Phải chẳng mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên – nhiều lúc ông trùm tự an ủi mình như vậy.
Chủ nghĩa bầy đàn, giá như lão làm được điều ấy nhỉ, ông trùm ước mơ.
Hành Trình Của Sói Hành Trình Của Sói - Bùi Anh Tấn