Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Gieo Gió Gặt Bão
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 6
- B
à đỡ bảo phải khai sanh ngay. Vậy em thích đặt tên gì cho con?
Hảo dùng tiếng con để chỉ đứa bé, chớ không nói cháu. Theo bản-năng, Liên đưa tay ra che cho thằng bé như để bảo-vệ nó trước toan tính cướp giựt của người khác.
Hảo đang chờ nàng đáp: "Tùy ý chị" như nàng đã đáp về các cuộc hỏi ý kiến khác, nên bà ngạc-nhiên biết bao, khi nghe Liên nói:
- Em đặt nó là Trường-Hận.
Tuy biết Liên nói đùa một cách chua-cay, Hảo cũng thấy đó là một ý-chí tự-lập, không chịu nghe lời bà nữa. Bà cười hề-hề mà nói:
- Ý, ai lại đặt lạ như vậy, kỳ-cục quá!
Liên cũng cười mà nói:
- Nói chơi vậy chớ chị bảo bà đỡ biên là Nhã.
Hảo bối rối trước ý-chí tự-lập của Liên. Bà đinh-ninh Liên sẽ giao phó hết cho bà, từ việc cỏn-con là may tã em đến việc lớn là đặt tên cho đứa bé. Nào dè nàng lại sắp-đặt đâu từ trước vụ đặt tên nầy.
"Chị bảo bà đỡ biên là...", lời dặn-dò ấy nói rõ lên rằng bà chị là trung-gian giữa bà đỡ và Liên thôi.
Nếu Liên nói: "Chi đặt nó tên là..." hoặc "Em muốn đặt nó là..." thì ỷ-nghĩa đã khác hẳn đi rồi.
"Chị bảo bà đỡ biên là" nghe ra là một cái lịnh rất cương-quyết, không thể làm khác được, và người nghe lịnh phải trao lịnh ấy lại cho ngươi thừa-hành.
Sau mấy giây bối rối, Hảo cố mỉm cười rồi đi ra, cái mỉm cười của bà bỗng biến dạng và mang đầy mỉa-mai. Bà lẩm-bẩm:
- Nhã hay gì gì khác nữa cũng là con của ta, không ông trời nào cãi được cả.
Trở vào buồng giấy của bà đỡ, Hảo nói:
- Nó thích tên Nhã. Nhưng những điều khác, xin bà cứ biên như đã thỏa-thuận với tôi hôm nọ.
Bà đỡ hạ bút xuống nhìn Hảo mà rằng:
- Việc ấy tôi có suy nghĩ lại kỹ càng và thấy rằng khó quá.
- Thì bà đã đồng ý.
- Nhưng tôi cũng đã xét lại...
- Tôi cam-đoan với bà là nó chỉ mong sống được trở lại đời sống con gái thôi. Đứa bé là một vướng bận cho nó.
- Tôi đã biết như vậy. Nhưng làm điều trái luật thì phải sợ.
- Thì tôi bằng lòng đền bù sự lo sợ của bà bằng một...
- Phải, số tiền ấy bà đền bù sự lo sợ của tôi. Nhưng mối nguy mà tôi sợ phải chịu, không gì đền bù được cả.
- Không có gì mà nguy. Bà chỉ sợ hão vậy thôi.
- Biết đâu được.
- Hay là bà muốn đòi thêm?
Bà đỡ mỉm cười:
- Tôi không có đòi hỏi gì cả, trước sau gì cũng chỉ có mình bà là có sáng-kiến. Bà đề-nghị, xúi-giục tôi và như là bắt ép tôi. Nếu bà nghi bụng tôi, thì thôi vậy.
Đoạn bà nghiêm sắc mặt lại, nhìn thẳng vào mắt Hảo mà nói tiếp, vừa nói vừa cầm vài sợi tóc của bà mà vuốt:
- Tôi đã hai thứ tóc trên đầu rồi. Làm việc đến về hưu mà không gặp trục-trặc nào cả. Làm tư gần mười năm nay cũng chẳng mang tai mang tiếng gì. Nay chỉ vì vị tình thâm giao với gia-đình bà lắm mà tôi nhận lỡ đề-nghị của bà đó thôi. Bà thử nghĩ, thân già nầy mà vào tù thì...
Hảo mở ví ra, miệng chận lời bà đỡ:
- Tôi xin lỗi đã nghi ngờ lòng thành-thật của bà. Nhưng tôi bảo-đảm với bà là không sao cả. Bà mà bị việc gì thì tôi đây cũng khó thoát được. Anh Nho ảnh giao thiệp rộng, quen biết với nhiều giới quyền-thế, bà khỏi phải sợ. Nếu rủi ro đổ bể ra, ảnh cũng chạy chọt được cho mình. Vậy xin bà cứ yên lòng.
Vừa nói Hảo vừa móc tiền ra, tất cả là tám ghim giấy năm trăm.
- Hôm nọ tôi hứa với bà ba mươi. Nhưng thấy ba mươi cũng ít quá đối với lo sợ của bà, nên xin thêm chút đỉnh vậy.
Mắt bà đỡ không rời đống tiền, nhưng nó không nhìn tiền mà như là nhìn vào một tương lai mờ mịt.
Hảo cười mà rằng:
- Lương-tâm bà được bình-yên. Đứa bé vẫn sống nhăn và sẽ sung-sướng bội phần. Mẹ nó cũng sẽ khỏi bị ai động đến móng tay. Tôi có cậy bà đầu độc mẹ con nó như vài người đờn là ác đức khác đâu.
Bà đỡ cũng cười:
- Nếu bà cậy thế thì tôi đã đi tố-cáo bà với nhà chức-trách rồi. Thôi, thì cũng phải giúp bà chớ biết sao!
Vừa nói bà vừa thở dài, tay đùa đống tiền vào hộc tủ. Đoạn bà cúi xuống viết. Viết được nửa chừng bà đẩy kiếng lên trán, nhìn bà Nho mà căn-dặn:
- Nhớ giữ nhẹm đấy nhé!
- Bà khỏi phải dặn.
° ° °
Hảo vừa bước vào buồng hộ-sanh là đi ngay lại cái nôi. Bà không ở nhà lâu trên hai tiếng đồng-hồ mà chịu được vì bà cứ sợ thằng bé đằng ấy bị tai-nạn. Tai-nạn gì? Bà không tưởng-tượng ra được, nhưng cứ lo-lo trong bụng hoài.
Không thấy bé Nhã nằm trong đó, bà chạy lại giường mẹ nó. Hai mẹ con đang ngủ khì. Thằng bé bị bó chặt trong tã, tròn mà dài như đòn bánh tét, ngủ mà miệng cứ núc núc, chắc là đang mơ bú.
Bà cúi xuống qua mình của Liên để hôn lên má nó. Bà rất thích cái mùi thịt non tẩm sữa của nó.
Không ưa mẹ nó, sao bà lại thương nó được? Vì nó giống chồng bà như đúc, vì nó là máu mủ của người đờn-ông mà bà yêu-thương, còn mẹ nó chỉ là cúi túi đựng nó trong chín tháng thôi, không dính-líu gì đến nó cả.
Bị đụng chạm, Liên giựt mình thức dậy, mỉm cười với Hảo; Hảo cũng mỉm cười và nói:
- Sao cho bú rồi, em không trả nó lại nôi?
- Em thích nằm với nó.
- Chị đã bảo với em như vậy không lốt.
- Em cũng biết thế, nhưng em ưa hít hơi của nó lắm.
Hảo châu mày mà làm thinh. Thật thì nên theo vệ-sinh mà để con nằm riêng ra. Nhưng không phải vì thế mà Hảo muốn Liên trả Nhã về nôi, sau mỗi lần cho bú. Thâm-tâm bà muốn cho bé Nhã càng ít trìu-mến Liên càng hay.
Ngày thứ nhì, sau hăm bốn giờ bắt đứa bé nhịn đói, bà đỡ bảo cho nó bú. Hảo đi tranh-đấu cho bé Nhã bú sữa bò, nhưng tranh-đấu không lại sự đồng-minh của cả bốn người: bà đỡ, Nho, Liên và lương-tâm của chính bà, nên bà đành nghiêng mình trước đa-số. Bà thấy bú mẹ là một dịp cho mẹ con nó gần nhau thêm.
Bỗng thằng bé mếu một cai, rồi hai cái...
- Mụ bà đánh! Ai biểu làm biếng học, Liên nói.
Hảo nựng bé Nhã mà rằng:
- Chu-cha tội nghiệp con tôi, mụ bà ơi, mụ ác làm chi vậy? Chị vú, cho em bú miếng đi.
Kêu Liên bằng chị vú, Hảo rêu-rao lên là vì bà tin dị-đoan. Sự thật bà muốn lối xưng-hô ấy thành một thói quen cho đến mãi-mãi, và cũng để Liên bị tự-ti mặc-cảm vì mãi nghe lối xưng-hô ấy.
Liên ôm chặt lấy con như sợ ai giựt rồi cũng nói nũng để chống lại Hảo:
- Tội nghiệp con tôi! Bú mẹ đi con!
Sự tranh-giành đẵ bắt đầu ráo-riết, phát lộ từ trong cả những chi-tiết nho-nhỏ hằng ngày như thế.
° ° °
Mười lăm hôm sau ngày sanh nở, Liên lại được hộ tống trở về nhà. Đi ba, về thì bốn. Người thứ tư tuy là bé bằng cườm chơn, nhưng được quí-trọng nhứt xe.
Bà Nho không cho người nhà theo, vì bà cố ý cho người ngoài và chính cả Liên nữa, có cảm-giác Liên là vú. Bà giành ẵm thằng bé Nhã, nói là để đỡ tay Liên. Phải, Liên còn yếu, cần được giúp như thế. Nhưng người giúp không phải là chị vú, mà Liên thì ăn diện kém hơn Hảo, nên Liên có vẻ người nhà đi theo lắm.
Hảo nói sao không biết với người nhà, có lẽ khoe đã xin đứt bé Nhã rồi, nên bọn nầy túa ra rồi áp lại vây lấy bà mà mừng tiểu-chủ.
Liên nghe khó chịu vô cùng. Người ta càng quí-trọng thằng bé bao nhièu, thì nàng càng tức bấy nhiêu. Mẹ nó, người ta chỉ xem là một người khách, mà là khách thường chớ không được khách quí, thì thái-độ quí-trọng đứa con phải chăng là mặc-nhận thằng bé là con của chủ nhà, của bà chủ nhà?
Lúc mang thai, vì mảng sợ xấu-hổ, mảng lo cho tình-thế khó-khăn mà Liên quên mất đứa con. Mười-lăm hôm nằm dưỡng ở nhà hộ-sanh, nàng lần-lần nghe như của nợ đã vứt được ra ngoài. Nỗi lo-sợ lần-lần tan bớt, tình mẹ lần-lần nổi lên. Tình thương con lại được sự ganh-tị tăng-gia lên, nên ngày về đến nhà, nàng thấy rằng không thể rời con được nữa.
Giải-pháp mà Hảo đã đề nghị lúc nàng mang đứa bé trong lòng, lúc ấy nghe ổn lắm. Nhưng bây giờ không thể thực-hiện được.
Trở về đời sống con gái thì cũng thích đó. Nhưng tình thương con mới đặt vào đâu đây? Thằng Nhã bây giờ là núm ruột của nàng rồi, rứt nó ra, nàng sẽ đau đến bực nào! Không, nó là bắp thịt của tim nàng, rứt nó ra là nàng chết ngay.
Trở về tỉnh với đứa con trên tay? Không, không thể được. Cha mẹ nàng sẽ chết mất vì xấu-hổ và sầu-muộn. Và mấy tháng lẫn-trốn để đến đỗi Hảo biết sự thật và khinh-bỉ nàng, mấy tháng ấy, cái tủi-nhục ấy hóa ra vô-ích à?
Chỉ còn một đường thôi. Nhưng con đường nầy, cả lương-tâm nàng đều kêu lên rằng: "Không thể nào được! Không thể nào được".
Con đường đó là lập gia-đình riêng với chồng, với con. Mà trời ơi, thế là giựt chồng của cô rồi còn gì? Nàng đã lỡ dại, chớ nào có cố-ý phá gia-cang của cô đâu. Nẻo dại nàng đã tự-nguyện thoát ra, thì còn làm sao mà đâm đầu trở vào được.
Liên bỗng nhiên thấy mình lâm vào ngõ bí; về xứ không xong, giựt chồng cô thì không nỡ, mà ở lì mãi đây để ăn cơm thép và để cho họ cướp con mình, chắc-chắn cũng không được. Phải, Liên đinh-ninh rằng Hảo sẽ cướp con nàng, không cướp được xác-thịt nó, thì cũng cướp tâm-hồn nó. Thằng Nhã sẽ bị Hảo chinh-phục bằng đủ mọi chiến-lược: tình thương yêu chơn-thật, nuông chiều, quà bánh, và chinh-phục bằng cả sự tùng-đảng của Nho nữa.
Hảo cũng thấy mình bí không kém Liên. Bà đã tế-nhận được sự biến-chuyển của tâm-trí Liên từ hổm nay. Những phản-ứng theo bản-năng của Liên để bảo-vệ con đã nổi bật lên, thì khó mong nàng cho bà đứa bé để bà nuôi làm dưỡng-tử.
Âm-mưu của bà với bà đỡ đã cho bà một ưu-thế quyết-định trong tay. Nhưng ưu-thế ấy, mặc dầu quyết-định cũng không dùng được nếu Liên chống lại việc cho đứa con.
Tâm-trạng đổi khác, Liên nó sẽ dám liều, và sự liều-mạng của Liên chỉ gây khó-khăn thêm mà thôi.
Hiện giờ, bà chỉ biết chờ đợi. Một việc bất-ngờ xảy ra, có thể thay đổi cả cuộc-diện. Trong khi chờ-đợi ấy, không gì tốt hơn là vuốt-ve Liên.
Liên càng cứng-cát, càng đỏ da thắm thịt ra. "Nhứt gái một con..." lời tục nói ít sai vì đó là kết-tinh của hằng ngàn thế-hệ quan-sát.
Đờn-bà thường đẹp hơn con gái, phương
- chi người đờn-bà ấy lại vừa cổi lốt, trông nõn-nà như con rắn lột da, bỏ hết lớp tế-bào già-cỗi bên ngoài.
Trông Liên, Hảo phát sợ lên. Thấy nhan-sắc của Liên tái hiện lại; bà không nhìn Liên nữa, mà chỉ rình Nho, rình vẻ thèm thuồng lộ ra trên đôi mắt người đờn-ông phản-bội ấy.
Tâm-trạng của chồng khiến Hảo càng thấy mình bí hơn. Bây giờ mà Liên cho đứa con để ra đi, chắc-chắn Nho sẽ theo nàng. Làm sao mà cấm Nho đi cho được. Liên có lẽ thật tình muốn đoạn-tuyệt với Nho nhưng xác-thịt con người yếu-đuối lắm, mà tâm-chí họ cũng yếu-hèn, thì làm sao Liên ngơ tai trước tiếng gọi của Nho được.
° ° °
- Nhắm mắt lại, chị cho cái nầy.
Liên nghe lời Hảo, bụng đoán Hảo sẽ biếu nàng một lọ nước hoa hay gì gì đó. Nhưng bỗng nàng nghe một sự đụng-chạm nhột-nhạt ở môi. Nàng mím môi lại thì nghe vật chạm vào môi tròn-tròn. Nàng nhận được đó là một trái nho tươi.
Hé môi ra cười, nàng ngậm lấy trái nho rồi đưa tay nắm lấy tay Hảo trong một niềm cảm-xúc nó làm nàng lành-lạnh ở tim. Những lúc như vậy, nàng quên tất cả căm-hờn, và nghe sao cuộc đời dễ chịu quá, không có bài toán nào khó giải-lý cả.
- Bao nhiêu một kí đây chị?
- Bốn trăm rưỡi.
- Dữ vậy lận?
- Đồ lậu, nó đập bao nhiên mình cũng phải chịu. Em nè, chị đã thỏa-thuận với anh Nho, cho Nhã bú hỗn-hợp, nửa sữa mẹ, nửa sữa bò. Ngày mai nầy khởi sự em nhé?
- Tại sao chị cứ tranh-đấu cho sữa bò mãi như vậy?
- Là vì Nhã đã đầy tháng rồi. Ta cho bú hỗn-hợp trong độ một tháng nữa cho nó quen lần với sữa bò. Rồi tháng thứ ba, em nuôi nó toàn bằng thứ sữa ấy, xem có gì rắc-rối xảy ra không. Đến tháng thứ tư thì em về dưới ấy được.
Như cái máy, Liên ôm con lại, do-dự giây lát rồi nói:
- Em thương nó quá chị à!
- Thì cố nhiên là em thương nó. Nhưng em không thể đánh hỏng cuộc đời của em mà bận-bịu với nó mãi.
Liên ôm con mà khóc òa, nghẹn ngang cổ họng không nói thêm được gì. Thế là rồi! Những tiên-đoán của Hảo trúng bông. Liên đã đổi ý và khó lòng mà bắt nàng trở về ý cũ được nữa.
Hảo bước ra, để lại cho Liên một chùm nho tươi và nói:
Em nên nghĩ kỹ lại. Tình-cảm làm đẹp tâm-hồn con người, nhưng làm hại cuộc đời con người lắm.
Ngay trưa hôm đó, Hảo viết cho người anh họ bức thơ sau đây:
Sàigòn...
Thưa Anh, Chị,
Tháng trước, sau khi em gởi bức thơ chót báo tin cho anh chị hay là Liên đã sanh, và sanh con trai, em muốn bàn luôn với anh chị về tương lai của Liên.
Nhưng em nghĩ chắc thảo-thuận với Liên là đủ rồi, nên em thôi, không nói.
Nay cháu nó đã đầy tháng, em đặt vấn-đề trở lại, vấn-đề mà Liên đã đồng-ý với em từ lúc mới lên đây, là để vợ chồng em nuôi cháu làm con nuôi cho Liên rảnh-rang như xưa, thì Liên từ chối.
Nghĩ cũng phải, tình mẹ thương con, rứt đi như rứt cả ruột gan ra. Nhưng không còn cách nào hơn thế để cứu-vãn thanh-danh anh chị và tương-lai của Liên. Vả cháu nó cũng sung-sướng chớ nào bị bỏ-bê gì đâu mà Liên phải sốt ruột.
Nhã sẽ là con nuôi của vợ chồng em, nhưng Liên muốn đến thăm ngày giờ nào tùy thích của Liên và thỉnh-thoảng vợ chồng em lại đưa nó về để thăm ngoại.
Như vậy cũng như là Liên mướn vợ chồng em nuôi vú bé Nhã. Ngày sau bé Nhã sẽ thừa tự một mình tất-cả sự-sản của vợ chồng em. Nó sẽ giàu có, và biết ai là mẹ ruột, không lẽ nó không giúp đỡ Liên trong lúc xế chiều hay sao?
Lúc anh, chị gởi Liên cho em, em đã hứa mà không nói rõ là sẽ trả lại anh chị một đứa con gái. Giải-pháp mà em đề-nghị với Liên là để thực-hiện lời hứa không nói ra trước kia vậy.
Sự từ chối của Liên làm em buồn lắm. Em thương Liên, lo cho tương-lai nó. Em lại muốn một đứa con nối dõi mà không được. Nuôi con người khác sao bằng nuôi cháu trong nhà, phải không anh chị?
Em viết thơ nầy để yêu cầu anh chị lên chơi một chuyến đặng khuyên dứt nó trở về lẽ phải, chớ em thật đã hết hy-vọng.
Kính chúc anh, chị được mọi điều may-mắn, à rất mong anh chị lên chơi.
Kính thơ,
Hảo
Bắt đầu thương con, Liên lại trông đợi mẹ. Trước thì nàng xấu-hổ cả với mẹ nàng, định trở về quê tay không, dấu-vết của tội lỗi của nàng sẽ không hiện-diện để nhắc nhở với mẹ nàng nết hạnh không hay của nàng.
Nhưng bây giờ nàng cảm nghe rằng mẹ nàng cũng sẽ thương đứa bé y như nàng và sẽ không nỡ lòng nào trách-cứ nàng về lầm-lỡ của nàng.
Thằng bé dễ thương quá đi mất. Cái miệng nhỏ xíu thơm phức sữa, đôi môi non cứ núc mãi ngày đêm, hai con mắt khờ-khạo cứ nhìn lên gương mặt người mẹ đang cho nó bú, như để ghi sâu hình-ảnh gương mặt ấy vào óc nó hầu nhớ suốt đời, đứa bé ấy mà chỉ có mỗi một mình nàng thương à?
Không, bao nhiêu người thương yêu khác phải bu lại trầm-trồ, nựng nịu nó. Vui sướng, hưởng một mình không thích bao nhiêu, phải chia-xẻ bớt cho người thân mới đỡ khó-chịn vì sự tràn ứ.
Có kẻ khác thương nó đó chớ, mà kẻ ấy Liên lại sợ không muốn cho y đến gần nó. Kẻ ấy là Hảo vậy. Còn cha nó ở cùng nhà, mà có muốn nựng nó thì nhờ Hảo ẵm qua buồng bên, thương yêu nó sau lưng nàng, nàng làm sao thấy được cho sướng con mắt.
Viết thơ cho anh chị, Hảo không cho Liên hay. Bà sợ Liên đủ thì-giờ tìm ra lý lẽ để chống lại một cách hiệu-quả lịnh của cha mẹ nàng. Cho nên bà mẹ của Liên đến một cách quá đột-ngột đối với Liên.
Thấy mặt mẹ, Liên nghẹn-ngào rất lâu rồi nấc lên mà khóc. Bà cụ biết tâm-trạng con, cố làm ra như không có chuyện gì không tốt-đẹp trong vụ sanh nở nầy, cúi xuống mà rờ-rẩm cháu ngoại và nói nựng đã-đời theo lối các bà lão.
Nức-nở một hơi, Liên khóc được thong-thả, khóc mùi-mẫn. Liệu chừng trận khóc của con đã đến giai-đoạn chót, bà cụ bây giờ mới xỏ những ngón tay xóc vào tóc trán con mà hỏi:
- Con ngon cơm chớ?
- Dạ ngon.
Đáp có bằng hai tiếng mà cái câu ngắn-ngủi ấy bị mấy cái tấm-tức tấm-tửi chia hai ra.
- Bé Nhã cũng khá sổ sữa đó, bà ngoại khen. Con so mà như vậy là nới lắm.
- Sao ba không lên má?
Thấy mẹ đã tha-thứ mình dễ-dàng như vậy, Liên chắc cha nàng cũng thế, nên hỏi câu như tự-nhiên là cha nàng phải đến.
- Thì nhà có hai người, má đi, ba con phải ở lại chớ.
Hai mẹ con vừa trò chuyện đến đó thì Hảo vào. Bà ẵm bé Nhã lên, ghẹo cho nó thức mà nói:
- Dậy con, có bà ngoại lên thăm con đây con.
Liên nghe Hảo nói thế, thích lắm. Nàng lại ngạc-nhiên mà nhận thấy hao nhiêu mâu-thuẩn ở nhà nầy. Hảo muốn bé Nhã là con của nàng, nhưng không phủ-nhận bà ngoại thật của nó.
Nhưng Hảo lại cười mà nói với người chị dâu bà con:
- Muốn làm mẹ của cháu ngoại chị, em đến phải kêu chị bằng má.
- É, cô nói cà-rởn như vậy không nên.
Hảo cười ngất:
- Chớ sao lại không chị? Em vai lớn, nhưng tuổi còn ít quá, chỉ đáng là con của chị thôi. Em cao niên hơn Liên có mấy tuổi đâu!
Thì ra Hảo không phủ-nhận bà ngoại của Nhã để rồi đòi làm con của bà ngoại ấy. Đó là một hình-thức cướp giựt tế-nhị lắm.
Tối lại, hai mẹ con thầm-thì với nhau về giải-pháp của Hảo. Liên ẵm bé Nhã lên, đưa con trước mặt mẹ rồi hỏi:
- Má có thương nó hay không? Chắc-chắn là có. Con, con còn thương nó hơn má biết bao. Thử hỏi hồi con còn bé, má có lòng nào cho con cho người khác nuôi hay không?
- Nhưng trường-hợp của con là trường-hợp đặc-biệt. Con đang ở trong ngõ bí.
- Nếu ba má muốn giúp con, thì sẽ hết bí.
- Giúp cách nào.
- Ba má rán chạy cho con độ năm mươi ngàn, con mua một cái nhà gỗ ở đây mà ở, còn bao nhiêu con làm vốn để nuôi thân và nuôi con. Chỉ có cách ấy là giải-quyết được tất cả: khỏi bôi lọ cho ba má, mà con cũng khỏi đau lòng.
Bà cụ rút khăn ra hỉ mũi rồi nói:
- Con nói rất phải. Má cũng đồng ý với con. Nhưng chạy đâu cho ra năm mươi ngàn, trừ phi sang tiệm cà-rem cây cho người khác. Nhưng nếu sang tiệm ấy, ba má lại không còn phương sống nữa.
Liên khóc mùi-mẫn, khi thấy mộng khiêm-tốn của nàng không thực-hiện được.
Lúc sắp đặt mưu-kế, Hảo thấy nó dễ-dàng quá: Nho sẽ có con. Đứa con lại thuộc giống tốt, vì mẹ nó mạnh-khỏe, đẹp-đẽ, con nhà nền nếp. Mẹ nó sợ xấu chỉ mong rời nó ra để xóa vết nhơ. Bà sẽ để chồng nuôi đứa con ấy và xúi chồng đem con về cho bà.
Nhưng bây giờ thì mẹ nó không sợ xấu nữa rồi, hay còn sợ mà đã tìm được một con đường đi cho đỡ bớt xấu-xa. Trận cờ thế bỗng nhiên biến khác vì đối-phương đã đi một nước cờ lạ, mà bà không tính trước được.
Cuộc can-thiệp của người chị dâu họ là một cố-gắng cuối-cùng để xoay bàn cờ về trận-thế cũ. Cuộc can-thiệp thất-bại, thế là bà phải nghiên-cứu chiến-lược khác vậy.
° ° °
Nho bứt-rứt, ngóng cổ dòm ra đường mãi. Hảo đi vắng hơn một tiếng đồng-hồ rồi mà sao chưa thấy tăm dạng gì cả? Từ hôm Liên ở nhà hộ-sanh về đến nay là hai tháng rồi mà Hảo không ra khỏi nhà lần nào. Trước bà rất làm dáng, cứ mỗi tuần mỗi đi sửa tóc, mà suốt tám tuần-lễ liên-tiếp nay bà chỉ tự uốn tóc lấy cho xem được vậy thôi.
Nho muốn đến với Liên một lần, nựng con trước người yêu cho cả hai đều phỉ dạ, nhưng thật không bao giờ tìm được dịp.
Hồi nãy Hảo ra đi, ông rất muốn thi-hành ý-định nhưng lại sợ Hảo nó lập kế gài bẩy cho ông vào đó rồi bất thình-lình về đột-ngột để bắt chợt hai người. Có thể như vậy lắm vì Hảo đang bí vụ xin con, chắc oán Liên, tìm dịp tống cổ nàng ra khỏi nhà.
Nhưng Hảo đi mãi không về. Mong Hảo đi, nhưng bà đi, ông lại mong bà về. Bà về ông đỡ khó chịu. Thà là vào không được với Liên thì thôi, ôm bụng như sáu mươi ngày đã qua. Chớ có dịp vào mà cứ không dám, sợ bà về thình-lình, thì tức lắm.
Nho ân-hận đã thả trôi bao nhiêu là thì-giờ. Nếu ông can-đảm vào buồng Liên ngay từ lúc Hảo mới ra khỏi nhà thì đã nói xong biết bao nhiêu điều với Liên, và nghe liên kể biết bao nhiêu việc rồi.
Ông nghĩ thầm: "Nếu bây giờ mà mình cứ không dám thì một tiếng đồng-hồ sau, Hảo vẫn chưa về thì sẽ ân-hận thêm biết bao!"
Nghĩ thế ông nắm lấy can-đảm bằng cả hai tay, rồi quả-qnyết rời buồng giấy để lên gác. Vừa mới leo được mấy nấc thang thì đã nghe tiếng xe chạy vào sân.
Nho giậm chơn lên nấc thang nghe một cái rầm, bậm môi lại rồi quay gót bước xuống.
Hảo ghé qua buồng giấy, để thăm chồng. Mặt Nho là cái mặt đồng-hồ ghi công việc xảy ra ở nhà. Bà xem qua thấy Nho buồn hiu và tức giận chớ không bối-rối thì biết ngay nãy giờ Nho không dám thăm Liên.
Bà mỉm cười, một cái cười chế-nhạo nhẹ-nhàng rồi đi thay y-phục.
Chiều lại, Hảo đi nữa, báo cho chồng hay là bà chỉ trở về vào lúc dọn cơm tối thôi. Nếu thật như lời Hảo nói thì Nho sẽ có khối thì-giờ để kể-lể nỗi-niềm với Liên. Nhưng sao Hảo lại thả lỏng dễ-dàng quá như thế, lại cho biết trước khoảng thời-gian vắng mặt? Nho thấy đó là một cạm-bẫy, nên càng sợ hơn khi sáng nhiều.
Nho ngồi buồng giấy mà như là băng đồng bị kiến bu cắn ở chơn. Ông ta gỡ tay nói điện-thoại và không trả lời bất-kỳ ai kêu cửa. Tiếng gõ cửa cuối cùng kèm theo tiếng gọi:
- Anh Nho ơi, làm gì mà trốn khách mãi như vậy? Tôi nói ba điều bốn chuyện rồi đi ngay đây.
Đó là tiếng của Mạch, người mại-bản của Nho. Ông ta do-dự giây lát rồi nói:
- Thôi vô đi!
Mạch bắt gặp Nho đang vẽ gì trên giấy mà rằn-rịt như dây trong máy thu-thanh. Anh ta hỏi tốc-hành:
- Tuần sau, anh có thể giao một trăm ngàn cái nấp ve được hay không?
Nho nhìn thẳng vào mặt người mại-bản, làm như chăm-chú nghe hắn nói, nhưng hắn đợi mãi mà không nghe ông trả lời. Xem lại đôi mắt của ông ta, hắn bỗng phát sợ lên. Đó là đôi mắt hết sạch cả linh-hồn của một kẻ sắp điên. Hoảng quá, hắn đứng lên chào mà đi ra.
Nho không nhớ mình có đưa tay tiễn khách hay không, nhưng chắc chắn là ông đã bất kể đến khách lúc khách ngồi đó. Thấy không thể cứ kéo dài sự bứt-rứt như vậy được, ông đánh bạo đi lên lầu. Mặc kệ, Hảo nó có bắt quả tang thì nó làm một trận ra sao thì ra.
Sợ vợ đã rồi sợ cả tình nhân. Hai tháng rồi không dám ngó mặt con trước mặt Liên, Nho chắc Liên tức lắm và ông vào là sẽ bị một mẻ.
Nhưng lạ quá, Liên nó vui như trẻ con mừng mẹ đi vắng mới về. Ông Nho chạy a lại giường nói chuyện ê a với bé Nhã, hôn bàn tay bàn chơn nó làm cho Liên cảm-động đến sa nước mắt.
- Lạ quá anh à, sao không nghe ai nói hay hỏi nó giống ai cả. Nếu họ hỏi, em thật không biết đáp ra sao.
- Chinh vì muốn tránh cho em cái bối-rối đó nên người ta mới không hỏi. Vả Nhã còn bé quá, chưa thấy giống ai rõ-rệt.
Liên bất-bình và giận dỗi nói:
- Anh nghĩ như vậy à?
- Không, người khác kia. Người trong cuộc trông Nhã thì biết ngay chớ.
Liên vui trở lại mà rằng:
- Có thế chớ!
Nho bước lại gần Liên ôm lấy đầu bạn, nhưng không biết ăn nói làm sao, nên cứ làm thinh.
Liên thỏ-thẻ:
- Anh ơi, làm sao giúp em ra khỏi cảnh nầy, khổ quá đi mà. Anh đã nói là thương em thì anh liệu giùm em xem sao.
- Được, anh sẽ mướn nhà cho em ở riêng.
- không phải như vậy. Em muốn tự-lập với cả bé Nhã nữa.
- À, tại sao em không chịu để con đây cho anh chị nuôi. Hảo nó tức điều đó lắm.
- Trời ơi, mang nặng đẻ đau mà rứt sao cho đành đó anh.
- Giao con cho chồng mà còn ngại nỗi gì.
- Em có ngại gì đâu. Em chỉ thương con thôi. Giao anh nuôi đỡ vài năm là chuyện khác. đằng nầy giao đứt luôn cho chị Hảo thì phải chịu mất con luôn sao?
- Thì thôi, anh mướn nhà cho ở riêng với Nhã vậy.
- Cũng không tiện. Em đã lỡ dại một lần, anh nên để em làm lại cuộc đời của em.
- Làm lại cuộc đời? Tốt lắm! Nhưng với bé Nhã thì làm làm sao cho được. Em muốn thế, anh sẽ giúp em, mặc dầu anh rất yêu em. Nhưng chỉ có để bé Nhã cho anh, em mới mong lấy chồng được tử tế.
- Em không cần lấy chuồng.
- Em chỉ nói thế thôi. Em còn trẻ lắm, em nhớ lấy. Vả lại không yêu anh à?
- Không yêu mà đến phải mang thai với anh?
Nho hôn lên tóc bạn, cầm lấy tay bạn mà rằng:
- Nến tình yêu em thật to lớn như mối tình của anh thì em nên bỏ tất cả mà trở lại với anh.
Liên úp mặt vào ngực Nho mà khóc nức-nở. Nho vỗ lên đầu nàng như dỗ em nhỏ mà nói:
- Trừ phi hết yêu thì thôi, chớ còn yêu nhau thì không thể dứt tình được. Em đã vào một nẻo đường, quẹo qua nẻo khác chưa chắc hơn gì, thì sao mà không tiếp bước luôn với một người bạn.
Những lý-lẽ mà Nho đưa ra cũng không mạnh-mẽ gì. Hiệu-lực, chăng là những mơn-trớn vuốt ve nó làm cho xác thịt Liên chịu thua mau lẹ. Nàng bỗng quên hết ý-chí cương-quyết trước đó, bá lấy cổ Nho mà hỏi:
- Chừng nào em ở riêng?
- Chưa biết chắc ngày nào, nhưng không quá một tháng.
- Lâu dữ vậy lận?
- Ừ, thì tìm được một căn nhà vừa ý, không phải dễ; tìm xong, còn phải sửa-chữa lại theo ý mình. Một tháng là mau lắm đó.
Liên thở dài nói:
- Em định là xin anh một số tiền nhỏ để mua một cái nhà lá, còn dư bao nhiêu làm vốn buôn-bán lặt-vặt mà độ thân. Nhưng rốt cuộc thì như vậy hóa ra em giựt chồng của chị Hảo.
- Em giựt đâu mà giựt. Thỉnh-thoảng anh mới đến với em; còn thì Hảo vẫn độc-quyền chớ.
Liên cười bông-lơn:
- Hảo đại-lý độc-quyền, còn em là chi-cuộc?
- Ừ, em trữ hàng-hóa ít hơn Hảo về lượng, nhưng phẩm thì hơn, vì anh yêu em hơn.
- Với Hảo, chắc anh cũng nói câu đó: "Anh yêu em hơn".
- Đúng thế, nhưng chỉ nói dối thôi.
- Và anh cũng nói với Hảo rằng anh nói dối với em.
- Trong hai người, phải có một người được anh thành-thật. Người đó không lẽ lại là Hảo. Và từ đây khỏi nói dối nữa, Hảo ngỡ em đi xa lắm.
- À, em phải nói với Hảo thế nào để ra đi?
- Hảo sẽ đoán biết mưu-toan của mình. Vậy phải làm sao cho nghi-ngờ của Hảo tan đi. Em sẽ nói thật dự-định của em cho Hảo nghe. Nó hỏi em đi đâu, em nói là em đi ẩn một nơi không ai biết, trừ cha mẹ ra thôi.
Giận hay không, Hảo cũng kể lại anh nghe. Anh đề-nghị với Hảo giúp em một số tiền, nói là đế mua chuộc cảm-tình của em, mong về sau em sống chật-vật lắm, sẽ nghĩ đến anh chị và biết đâu không vì cảm-tình đó, trở lại giao bé Nhã. Như thế Hảo sẽ lầm. Nó suy-luận rằng nếu anh mướn nhà cho em ở riêng sao còn nghĩ đến giúp số tiền mua chuộc cảm-tình kia.
- Hay lắm.
- Dọn nhà xong, anh cho em biết địa-chỉ. Em ẵm con xách va-li, gọi tắc-xi đến đó thì có chị bếp mở cửa sẵn đợi em.
Em vào tự nhiên như là bà chủ đi vắng mới về, con bếp mới, nó sẽ ngỡ là mình ở đó lâu rồi và anh mướn nó trong lúc em đi về quê.
- Hay lắm! Bộ anh có làm như vậy lần nào hay sao mà tính coi việc sành như thế?
- Có.
Liên hơi lo, nắm lấy Nho và run-run hỏi:
- Có? Hồi nào? Với ai?
- Với cô Liên.
Cả hai cười xòa. Nho dòm đồng-hồ rồi nói:
- Mình nói chuyện lâu lắm rồi. Để anh xuống, kẻo Hảo nó về.
- Hông! Liên nói nũng-nịu rồi níu áo Nho lại.
Nho hôn vội-vàng bạn mà rằng:
- Còn một tháng nữa ta sẽ tự-do...
- Độc-lập, tự-đo, hạnh-phúc?
- Ừ, vậy bây giờ nên để cho nó êm là hơn, đừng báo hại xảy ra chuyện gì đáng tiếc.
- Thì cũng hôn con một miếng rồi hãy đi chớ.
- Cố nhiên rồi. Nhưng em níu mãi, anh làm sao hôn con được.
Liên buông áo Nho ra. Ông ta chạy lại nựng con lia lịa rồi xuống lầu.
° ° °
Thảo nào họ nói hễ có tịch là cái mũi giẹo ne. Thấy Hảo về, mặt Nho sượng trân. Hảo thở ra khoan-khoái, biết lai người đã gặp nhau rồi. Chắc-chắn là Liên khóc lóc đòi ở riêng, và chắc-chắn là Nho đồng-ý. Như thế kế-hoạch của bà đã xong giai-đoạn đầu, là đẩy Liên ra khỏi nhà nầy để...
Suốt tháng đó, Nho thường đi vắng và đi rất lâu, nhưng Hảo không hề hỏi vặn gì cả. Bà để Nho tự-do mà dọn nhà.
Có tiền sẵn không hạn-định, Nhọ vẫn khó-khăn trong việc tìm chỗ đi xây tổ uyên-ương. Nhà dựa đường sợ để xe dễ thấy. Nhà trong ngõ hẻm lại sợ tình xóm-diềng thân-mật của người lân-cận sẽ khám-phá đời sồng bất-hợp-pháp của họ. Người trong ngõ hẻm rất khác người dựa đường. Trong đó họ thích qua lại với nhau, dò hỏi gia-đạo của nhau, dòm ngó sự ra vào của khách-khứa.
Ông Nho đi vòng-vòng cả tuần mới nảy ra một ý mà ông cho là sáng ngời: mướn phòng ở các bun-đin. Phải, những ngôi nhà đồ-sộ hàng trăm phòng ấy, có đậu xe trước cửa, Hảo có bắt gặp xe cũng chẳng biết đường mà kiếm.
Ở đó chết ai nấy chịu, không ai thèm biết đến ai cả, vì tánh của hạng giàu-sang là thế, họ chỉ giao-thỉệp với trong giới của họ thôi, chớ không thích la-cà ngồi lê đôi mách. Vả có muốn la-cà cũng chẳng được. Vì phòng nào cũng phải đóng cửa kín mít, làm sao mà ai dám vô các nhà lân-cận.
Quyết-định xong, Nho tìm mướn hai căn buồng trong một bun-đin ở đường Tự-do. Thích quá, nhà sạch khỏi sơn phết gì cả, đồ đạc lại đủ hết, không cần mua-sắm thêm gì, trừ mùng mền thôi.
Trù-liệu thời-giờ để tìm nhà là một tháng, nhưng mười hôm là xong cả. Chỉ khổ một cái là Liên nhà quê, không thế nào tìm đường lên phòng ấy được.
Nhà không bếp. Nho giải-quyết sự ăn uống của Liên bằng cách xách cơm nhà hàng. Nhưng ông cũng mướn một đứa tớ gái để săn-sóc em bé, làm các việc lặt vặt như là dun nước bằng rề-sô, vân vân...
Nho đưa ảnh của Liên cho con Lầu xem và căn-dặn:
- Em sẽ xuống đất, đứng trên vỉa hè mà đợi cô từ bảy giờ sáng đến mười một giờ. Thầy mướn phòng nầy trong lúc cô đi xa nên cô không biết đường lên. Thầy có gởi ảnh em cho cô xem nữa hai cô cháu nhìn nhau rồi em đưa cô lên buồng nhé:
- Dạ, nhưng ngày nào, thưa thầy?
- Ngày nào thầy sẽ cho con biết sau. Hiện giờ em cứ tiếp lấy phần cơm của cô mà ăn một mình. Chừng cô về, mua thêm chút ít gì đó để hai cô cháu ăn với nhau.
Con Lầu nhìn lại ảnh cô chủ nó, rồi cười nói:
- Cô đẹp quá. Cô đi đâu vậy thầy?
- Cô đi Đà-lạt để sanh em nhỏ. Sanh ở trển khí-hậu mát-mẻ, tốt cho em nhỏ lắm. Đây ảnh em bé Nhã đây.
Nho lại khoe ảnh con ra, trần như nhộng, tay chơn như những khúc dồi ráp lại.
- Em rán nhớ điều nầy là cô rất không ưa khách-khứa. Có ai hỏi thì cứ đáp là cô không có nhà nghe không.
- Dạ em hiểu rồi.
Nho hoảng-hốt hỏi:
- Em hiểu gì?
Con Lầu cười nói:
- Dạ, em hiểu là cô không ưa khách-khứa.
Cái cười của con nhỏ thật đáng giận: Nó cười như chế-nhạo, hay nói đúng ra như nói lên: "Tôi đã đoán biết gia-đạo ông rồi ông ơi! Chắc bà đây là một bà vợ giấu vợ đút chớ gì".
Ông Nho mướn con Lầu ngoài chợ Bến-thành. Ông nghe đờn-bà thường bàn với nhau về những người ở, mỗi ngày ngồi giữa chợ Bến-thành mà đợi việc làm. Họ bảo những kẻ ấy lưu-manh lắm, người nào cũng thành-tích bất-hảo cả. Nho cũng hơi tin họ, nhưng không tìm đâu cho ra người một cách mau lẹ, đành phải quơ bậy ngoài chợ vậy.
Hôm ấy Liên đang ngồi nựng con bỗng nghe động ngoài cửa, rồi một miếng giấy nhỏ thò vào lá sách cửa đoạn rơi xuống gạch.
Đặt con xuống giường, nàng chạy lại lượm bức thơ rơi ấy lên, mở ra đọc thì thấy Nho viết những lời căn đặn sau đây:
Liên,
Anh đã dọn nhà cho em rồi. Trưa nay em nên báo trước ý-định cho Hảo nghe đi. Sáng mốt, ăn điểm tâm xong, em ra đi. Đường Tự-do số 77. Em xuống xe là có đứa đón em. Đứa đó là đứa tớ gái mà anh đã ném ảnh vào buồng em hôm kia đó.
Chủ tớ nhìn nhau xong, nó sẽ đưa em lên buồng. Anh đã sắm đủ mùng, mền, son, chén, ly. Mỗi ngày người ta mang cơm lại, chủ tớ ăn với nhau. Hai hôm sau đó, anh mới đến được, em đừng trông đợi. Đốt thơ nầy liền.
Hôn hai mẹ con
Thế là xong. Con đường mới đã vạch ra rồi, nàng phải nhắm mắt cấm đầu vào, sau ra thế nào sẽ hay.
Liên không đợi tới trưa, ẵm con xuống buồng ăn để gặp Hảo ngay. Thấy Liên, Hảo hỏi:
- Chị mua một chiếc xe lăng-đô cho bé Nhã mà anh ngăn cản nên hổm nay không xe để đẩy bé Nhã đi hóng mát.
- Cháu nó còn bé quá thưa chị, chưa cần lắm.
Chuyện ấy quả có và Nho cản vi sợ Liên dời chỗ ở đùm-đề đồ-đạc khó lòng, và chiếc xe ấy là xe quen sẽ tố giác họ, khi Hảo bắt gặp xe ở vườn hoa nào đó.
- Nhưng chị cũng cãi bừa, Hảo tiếp, cãi ngầm thôi, và hồi nãy chị đã mua rồi, để bên kia.
Nói xong Hảo chạy qua buồng trống bên cạnh, đẩy chiếc lăng-đô qua. Nước xi chiếu sáng như gương, vải mui mới tinh-hảo, chiếc xe trông như một món đồ chơi xinh-xắn.
Hảo giựt lấy bé Nhã đặt nó nằm trên nệm xe rồi đẩy quanh bàn ăn.
- Chị mà được đẩy bé Nhã đi chơi mỗi chiều thì chị thật hoàn-toàn hạnh-phúc.
Liên gặp Hảo để nói chuyện ra đi. Nhưng thấy Hảo ham con quá, nàng không nỡ nói. Nhưng ngày giờ đã tới bên chơn rồi, nên nàng đành phải tàn-nhẫn mà trình-bày ý-định của nàng.
Hảo làm bộ sững-sờ giây lát rồi nói:
- Chị cũng đoán biết sẽ có ngày nay, và cố khuyên em thay đổi ý-kiến. Nhưng em một mực quyết-tâm như vậy, chị cũng đành phai để vậy chớ biết sao.
- Xa chị, em buồn lắm. Buộc lòng đem Nhã đi cho chị phải nhớ nó em cũng rất cực lòng. Nhưng không lẽ em cứ ở đây ăn bám anh chị mãi.
- Em định chừng nào đi?
- Sáng mốt.
- Gắp dữ vậy à?
- Em định lâu rồi, nhưng sợ chị buồn, nên nay gần tới ngày đi mới dám nói.
- Em đi đâu, có thể cho anh chị biết được hay không?
- Chị cứ kể như là em đã chết rồi...
- Ý, đừng có nói bậy-bạ. Chị không muốn tò-mò tìm biết chuyện mà em muốn giấu. Nhưng chị ngại em đi ra rồi thiếu hụt, khổ lắm, mà bé Nhã cũng không được săn-sóc chu-đáo.
- Chị khỏi lo. Em sẽ nghèo-túng nhưng em nguyện hy-sinh tất cả để con của em được no ấm.
Liên luôn luôn tránh kêu bé là bé Nhã mà kêu là "con của em" như để nhấn cho Hảo thấy rõ là bà ta không dính-líu gì hết với đứa bé.
Hảo làm ra vẻ xót-xa, cứ thở vắn than dài mãi và rốt cuộc nói:
- Thôi, thế là hết. Nhưng thỉnh-thoảng em về đây cho chị hôn bé Nhã một chút được chăng?
Liên tin Hảo bằng lời nên cảm-động lắm, ôm chặt lấy bà mà khóc rằng:
- Con là núm ruột lên em mới tàn-nhẫn với chị như vậy, chớ em nào có tiếc gì với chị đâu. Vậy em sẽ về thường cho anh chị thấy mặt nó.
Liên kèm thêm Nho vào số người được hưởng ân-huệ ấy là khéo lắm, để cho Hảo khỏi ngờ-vực là nàng ở riêng với Nho. Nàng lại hỏi:
- Chị có tha-thứ em về lỗi-lầm của em hay không?
- Nếu không tha-thứ, chị đã tống cổ em ra rồi còn gì.
Hai chị em cùng khóc ra những giọt nước mắt chơn-thật, Liên vì cảm lòng tốt của Hảo, Hảo vi thương Liên bị mình xô vào vực-thẳm cho gãy cả cuộc đời.
° ° °
- Mai nầy Liên nó đi, em không cần ghen tương gì nữa. Anh đề-nghị với em điều nầy, em nhận cho nhé.
- Thì muốn gì anh cứ nói đi.
- Anh muốn biếu Liên một số tiền kha-khá, vào khoảng năm mươi ngàn đồng cho nó chi dụng. Anh cứ sợ bé Nhã thiếu-thốn rồi bịnh-hoạn. Vả mình cũng cần mua chuộc cảm-tình của nó. Biết đâu ngày kia nghèo quá, nó lại không nhớ cảm-tình ấy rồi về đây mà giao con.
Hảo thán-phục mưu-lược của chồng hết sức. Rõ là khéo-léo vô-cùng. Nếu bà không phải là tay có sạn đầu thì thế nào bà cũng lầm và tin chắc họ xa nhau thật sự, nên Nho mới lo-lắng như thế.
Người đoán được mưu kế địch, là người cao trí; tương kế tựu kế mà kẻ địch không ngờ, mới cao hơn nữa. Thành ra Hảo phục chồng chỉ để tự phục mình sau cuộc suy-luận ấy.
Bà cứ giả-vờ bị vào tròng nên hỏi:
- Anh cho riêng hay em cho?
- Liên nó tự-ái lớn lắm. Nếu ai cho riêng nó cũng chẳng lấy hết. Hai vợ chúng ta cùng cho công-khai vậy.
Đã biết trước sự biếu tiền ấy, nên Liên đã lập thái-độ. Từ chối khéo, rồi rốt cuộc lấy một phần ba. Hảo nài-nĩ thế nào nàng cũng nhứt quyết không lấy thêm.
Người con gái tỉnh bỗng nhiên hành-động như các tướng cướp hay các tay trinh-thám. Y theo chỉ-thị của Nho, Liên kêu xích-lô đạp bảo lớn là chạy vào bến xe Lục-tỉnh. Nếu ai có theo dấu nàng, chỉ có thể theo bằng xe đạp hoặc xích lô, chớ không lẽ xách xe hơi mà rượt xích-lô.
Tới công-trường Cộng-hòa, Liên thình-lình sang qua tắc-xi rồi cũng bảo chạy vào bến xe Lục-tỉnh. Người theo dấu nếu có gọi tắc-xi cũng không hơn nàng bao nhiêu. Xe nhà kia mới đáng sợ chớ tắc-xi với nhau, không hơn kém nhau bao nhiêu.
Tới bến xe đò, Liên lại bảo chạy tuốt vô Chợ-lớn. Bây giờ nàng bắt đần dòm lại phía sau. Quả có một chiếc tắc-xi chạy theo xe nàng bén gót. Người ngồi trên đó là một người đàn-ông, dáng lao-động khá-khá như thợ máy chẳng hạn, Liên hối-hận vì hồi ra cửa không xem trên đường có ai đứng rình hay chăng. Nếu có, thì có phải là người nầy hay không?
Đến một ngã tư kia, xe Liên qua lọt, nhưng xe đuổi theo, bị kẹt đèn đỏ nên phải ở lại. Tức thì Liên hối tắc-xi quẹo xuống mé sông để trở ra Sàigòn.
Nàng nói lên địa chỉ mà nàng thuộc lòng, rồi dòm mãi ra sau mà rình.
Chiếc xe khi nãy không đuổi theo nữa. Nó đã mất dấu nàng, hoặc đó là một sự tình-cờ chớ không có ai theo dõi nàng cả.
Liên cứ lo con nhỏ ở không đón nàng. Nếu như vậy thì thật không biết làm sao. Không lẽ lại trở về nhà Hảo nữa. Nàng lấy ảnh đứa tớ gái ra mà nhìn cho thật quen mắt, và cố nhớ những lời gì, những cử-chỉ gì phải có để cho được tự nhiên.
Xe đỗ lại, Bé Nhã vẫn ngủ yên như từ lúc lên xe. Liên dòm đồng-hồ rồi lấy tiền ra trả. Bấy giờ nàng mới nhận thức cảnh đùm-đề của mình: một bứa bé ẵm ngửa trên hai tay, hai cái va-li và chiếc xe lăng-đô. Tay nào ẵm con, tay nào lấy đồ xuống.
Mà ồ may quá, con nhỏ ở đã chạy tới mở cửa xe. Nó mừng rối-rít lên như là nó giúp việc lâu ngày với nàng và mừng nàng đi vắng mới về. Con nhỏ lanh-lợi quá. Vừa mở cửa nó vừa hỏi chủ:
- Thưa cô, cô ra đi hồi mấy giờ mà tới sớm như vậy cô?
- À em, giỏi lắm, em đón cô đúng giờ khắc dữ. Xe chạy hồi ba giờ khuya.
- Còn ông đâu cô, sao cô lại đi tắc-xi?
Đó là câu hỏi bất ngờ khiến Liên phải ú-ớ vài phút mới đáp được.
- Ông phải ghé Bà-chiểu có việc cần. Sợ đợi ông lâu, em bé khó chịu, nên cô về nhà trước.
Người lài-xế tắc-xi ngạc-nhiên trước những lời dối trá ấy, nhưng vì thói quen nhà nghề, anh không thèm để tâm tới nữa.
Con nhỏ ở đó khuân đồ đạc xuống vỉa hè và đưa hai tay để ẵm bé Nhã.
- Khéo nghe không?
- Dạ, em có em đông lắm, nên sành ẵm em lắm, cô à. Nó lại hỏi thêm, tỏ tài tháo vát của nó ra:
- Cô chịu khó ẵm em, để em mang đồ-đạc vào chơn thang lầu, kẻo để đây e mất. Trong đó em lại sẽ ẵm em cho cô lên gác.
Liên ẵm con, đợi con Lầu làm xong công việc mà nó đề-nghị mới trao bé Nhã lại cho nó, rồi kẻ trước người sau, tớ và chủ lên lầu.
Họ ở từng thứ nhì, nói theo Tây và theo càc nước khác, còn nói theo ta, theo Mỹ và Tàu thì là từng thứ ba đó.
Thang lầu lót cao su, nhưng hành-lang mà họ bước vào, lót bằng thảm gai. Đây là lần đầu tiên
Liên vào một bun-đin nên nàng bỡ-ngỡ lạ.
Cái hành-lang sâu thẳm mà vắng hoe ấy, thấy sao ghê-rợn như những dinh-thự trong phim chiếu bóng mà ăn cướp, sát-nhơn đứng núp đâu đó một cách dễ-dàng.
Hai bên hành-lang cửa trổ ra, như những cái lỗ trong một ổ ong, nhưng cửa nào cũng đóng kín mít như nhà hoang.
Liên theo gót con Lầu đến phòng số 46 bên mép phải. Con nhỏ ở dừng bước lại rồi hỏi:
Cô chịu khó mở cửa giùm em. Không có khóa.
Liên lướt tới mở cửa rồi bước vào trước, con Lầu ẵm em Nhã theo sau. Họ vừa vào cả bên trong thì bé Nhã bỗng giựt mình thức dậy khóc ré lên.
Con Lầu lật-đật trao em cho chủ nó rồi chạy trở ra đóng cửa thật lẹ. Liên không hiểu sự vội-vàng ấy, nhưng chưa hỏi.
- Em đói phải không cô?
- Có lẽ.
- Để em đi nấu nước khuấy sữa.
- Không cần. Cô cho bú lấy.
- Mời cô bước qua buồng bên kia.
Con Lầu đẩy cánh cửa hông thì Liên thấy buồng bên kia mới thật là buồng của nàng. Nàng qua đó thì đã sẵn cả như buồng ngủ có người ở từ lâu: giường đã làm xong, tủ ghế lau sạch bóng, lại có cả chiếc nôi mây với nệm mùng.
- Thưa cô, cô cho em đi lấy đồ lên.
- Ừ, em đi lấy kẻo để dưới lâu quá không tiện.
Chưa kịp thay đồ, Liên ngồi trên giường để cho con bú. Nàng cúi xuống hôn bé Nhã và nói nựng:
- Về nhà mình rồi đây con. Rồi mai mốt ba sẽ tới thăm mẹ con mình. Từ đây mình mới thật là mình.
Bé Nhã nhìn lên mẹ không nháy mắt, rồi ư ư những tiếng sung-sướng.
Con Lầu đã lên tới, tay mặt đẩy xe, tay trái xách chiếc va-li lớn, còn va-li nhỏ nó đặt nằm trên nệm xe.
- Cô cho phép em mở va-li để dẹp đồ.
- Ừ, em cứ dẹp, không có gì bí-mật trong hai va-li đó.
Con nhỏ ở mở tủ ra thì Liên trông thấy buồng tủ giữa dùng đựng tra, áo gối, khăn bàn v.v..., còn hai buồng kia thì trống trơn, tòn-ten vài cái móc áo.
Con Lầu ngạc-nhiên mà thấy nữ-chủ của nó y-phục ít quá, vỏn-vẹn chỉ có sáu chiếc áo dài thôi.
Những người chủ trước của nó, người nào cũng có một tủ áo dài riêng, và không người nào sắm dưới ba mươi chiếc cả.
Liên dòm quanh phòng thì thấy bàn ghế tủ giường thật là đơn-sơ, kém hơn đồ-đạc ở nhà Nho nhiều lắm. Ngôi nhà nầy bên ngoài trông đồ-sộ nguy-nga thấy bắt khớp mà trong ruột sao lại nghèo-nàn thế.
Nàng dòm trở qua buồng bên kia mà lúc nãy chưa kịp quan-sát. Buồng ấy vừa là buồng ăn, vừa là buồng ngủ của tôi-tớ, lại chứa cả ba buồng nhỏ: buồng tắm, buồng vệ-sinh và buồng rửa mặt.
- Sao khi nãy, em lật-đật đóng cửa như vậy?
- Ông dặn kỹ lắm về điều đo. Ông nói phong-tục ở các bun-đin Tây là như thế, không được để tiếng động lọt ra ngoài nên nhà nào cũng đóng cửa kín mít như cô đã thấy. Ông nói các bun-đin mới cất mà người mình ở, vô-trật-tự quá, mạnh ai nấy mở cửa, trẻ con chạy đầy hành-lang và đầy phòng thang lầu.
- Trước cô ở nhà riêng. Cô đi vắng, ông ở nhà lại mướn phòng chung như vậy, mất tự-do quá.
- Dạ, hôm em mới lại đây cũng khó chịu lắm, mà nay quen rồi, lại thấy như vầy là thích.
Liên cười mà rằng:
- Ông cũng bảo với cô là người Âu-Mỹ thích lối ở như vậy lắm, và hạng sang-giàu mới của ta cũng bắt đầu thích lối nầy. À, té ra buồng mình ngó vào trong, chớ không phải ngó ra đường.
- Thưa cô thật ra thì buồng ai cũng ngó vào trong cả trong hành-lang, chỉ có cửa sổ sau buồng là ngó ra ngoài thôi. Nhưng ông bảo cửa sổ ngó ra vườn như mình, đẹp và mát mắt hơn là ngó ra đường.
- Đúng như vây.
- Thưa, cô đã ăn sáng?
- Phải, cô đã ăn tại Định-quán.
Liên học thuộc cả các câu đối đáp, và Nho đã tiên liệu đến câu hỏi nhỏ nầy của con Lầu.
Chủ và tớ đều mới. Nhưng tớ cứ ngỡ chủ cũ lắm, còn chủ thì thấy tớ lanh-lợi, rành-rẽ nên cũng có cảm-giác rằng nó giúp việc đã lâu năm rồi.
Lần đầu liên Liên ở riêng một mình, làm chủ lấy nhà mình, nên nghe hơi ký-kỳ khiến nàng buồn cười mãi.
Bé Nhã lại ngủ. Nàng đem con đặt vào nôi rồi đi thay y-phục. Vừa thay xong, con Lầu đã gõ cửa.
- Cứ vào!
Đứa tớ gái ló mặt vô hỏi:
- Thưa cô, em đi xách cơm, cô có dặn mua thêm gì hay không?
- Chưa biết.
- Em hỏi về bữa ăn. Chỉ xách một phần ăn thôi, mà em lại sẽ xin ăn trong phần đó.
- Vây à? Nhưng phần ăn có dồi-dào hay không?
- Thưa, rất dồi-dào.
- Như vậy, khỏi mua thêm gì, vì cô ăn ít lắm. Hay để ăn xong một bữa sẽ hay.
- Dạ
° ° °
- Lầu à, chiều đi dạo mát với cô nghe không?
- Dạ!
- Đẩy xe em ra bờ sông.
- Dạ thưa cô, sao ông chưa về?
- Ông bận mãi, ít về đây lắm.
Liên giựt mình. Câu hỏi nầy nhắc nàng nhớ tới tình-trạng bất-thường ở nhà nàng. Người chồng làm nghề-nghiệp gì mà không bao giờ về với vợ con, có về cũng chỉ là bất-thình-lình trong giây lát thôi; phần ăn chỉ lấy một kia mà.
Tôi tớ sẽ tự hỏi như vậy, sẽ tò-mò tìm biết, thật là không đẹp chút nào.
Liên nằm đó, nghe mát rười-rượi, mặc dầu lúc ấy đã bốn giờ chiều và không khí bị đốt từ lâu, đang cháy nóng bên ngoài. Nhà Tây có khác!
Nàng nghe tự-do tràn ngập thân-thể và tâm-trí nàng. Nhưng vì thế mà nàng bùi-ngùi tủi thân; tự-do mà người thương không đến được, thì cái tự-do ấy cũng cầm bằng như bỏ đi. Ở đường Tự-do, tự-do làm chủ nhà, nhưng mối tình thì lại bị ngăn rào đón ngõ.
Từ dưới sân trong, tường-vi và bông giấy leo lên tới cửa sổ buồng nàng, khoe ra những chùm bông đỏ thắm nhưng nhìn hoa, Liên vẫn không quên được rằng màu của đời nàng thật không hồng chút nào.
Bé Nhã giựt mình thức dậy, khóc ré lên. Liên ngồi dậy thay tả cho con rồi xem lại đồng-hồ, nàng gọi con Lầu bảo nó khuấy sữa.
Lúc con Lầu cho bé Nhã bú thì Liên lo trang-điểm sơ-sài và mặc áo vào.
- Thưa cô, cô đi đâu?
- Đưa em bé đi hóng mát. Em mang xe xuống trước rồi trở lên ẵm em. Ta ra bến tàu.
Liên sửa-soạn xong thì bẻ Nhã cũng bú vừa hết ve sữa. Khi nàng ra khỏi phòng với con Lầu, nàng bỗng nhớ sực lại một việc rồi do dự không muốn đi. Nho có thể đến trong lúc nàng vắng mặt. Nho vắng nhà rất khó-khăn, mà hắn đến lại không gặp nàng thì hắn sẽ buồn đến bực nào.
Khổ quá, nếu cứ sợ như vậy mãi thì hóa la ở tù, không dám bỏ nhà ra ngoài bao giờ hết. Hẹn giờ với nhau à? Nhưng Nho chỉ thừa dịp may thôi mới đến được, mà dịp may làm sao biết trước được để mà hẹn.
Suy nghĩ giây lát, nàng trở vào phòng, cắt một xẻo giấy nhỏ rồi viết bốn chữ: "Đi vắng một giờ", đoạn dán giấy ấy ngoài cửa. Như vậy Nho có đến sẽ biết mà đợi, không thôi hắn sẽ đi mất rồi biết tới bao lâu mời gặp lại hắn được.
° ° °
Ông Nho có cho Liên biết trước là vài hôm sau ông mới đến. Ông cố ý làm ra ngoan-ngoản cho vợ khỏi nghi-nan. Nhưng xế hôm đó, có bạn gái đến rủ Hảo đi Biên-hòa. Đây là một cuộc sắp dặt sẵn, Hảo muốn Nho tự-do đi lại với Liên để bà cho người theo dấu ông ta.
Hảo hỏi:
- Anh Nho à, anh có đi đâu hay không?
- Không, hỏi chi vậy?
- Nếu anh không đi thì em dùng chiếc xe để đi Biên-hòa.
- Thì em cứ tự tiện đi chớ.
- Em chỉ lo cho anh có việc mà không có gì làm chơn.
- Em khỏi lo. Anh ở nhà.
Hảo làm như tưởng rằng hễ không xe là Nho phải chịu nằm nhà. Nho an lòng mà thấy Hảo đình-ninh rằng ông bị lấy mất chơn.
Người bạn gái của Hảo phản-đối, khiến Hảo thấy kế mình cũng đắc sách:
- Không, chị đi với tôi, để xe lại cho anh ấy dùng.
- Không, tôi đi xe tôi, tự-do hơn.
Hảo đi rồi, Nho vẫn còn sợ một lúc, nhưng ông nghĩ mình thật vô lý quá lẽ, nên quả-quyết ra đi. Ừ, Hảo nó có làm bộ đi nữa để rồi đảo trở về thấy mình vắng nhà thì nó sẽ làm gì mỉnh kia chớ?
Khi Nho hồi hộp bước tới của phòng của Liên thì ông hoảng hồn mà thấy giấy dán nơi đó. Liên nó đi mất rồi chăng và để giấy cáo biệt lại đây? Ông vội đọc mấy chữ trên tấm "miễn-chiến-bài" đó thì bật cười mà lẩm-bẩm: "Mình hẹn mấy hôm sau mới đến, nhưng nó vẫn hy-vọng mình đến hôm nay, nên mới để giấy lại".
Bạn đi vắng thì phải chờ. Mà khổ ơi, Liên quên biên rõ giờ nàng ra đi thì biết nàng gần về hay chưa mà đợi. Nếu Liên chỉ mới bước ra khỏi nhà, cuộc chờ đợi sẽ kéo dài đến lúc Hảo gần về thì còn ngày giờ đâu mà nói chuyện gì; Hảo đã dặn đợi cơm, tức là nó đi không lâu. Nó cho mình độc-lập lối hai tiếng đồng-hồ là cùng chớ gì!
Nho bứt-rứt quá, muốn xuống phố mà đón Liên nhưng lại sợ bị người quen bắt gặp lúc Liên vừa về tới, ông chạy lại mừng vợ con. Đứng mãi ở đây nó tù túng khó chịu lại có vẻ là một kẻ trộm đang rình nhà người.
Ông Nho đếm bước dài theo hành-lang tối ấy, mỗi lần cửa buồng ai mở ra là y như họ ngó ông mà bỏ dấu hỏi trong đầu họ. Mà trời! Nghĩ đến một điều, Nho sợ-hãi quá sức. Rủi một người trong bọn mướn buồng ở đây quen với ông?
Chiếc đồng-hồ đeo tay bị Nho nhìn mặt lần nầy là lần thứ hai mươi. Ông đã chờ đến bốn-mươi-lăm phút đồng-hồ rồi. Kể cả thì-giờ ông sửa-soạn, thì-giờ xe tắc-xi đưa ông đến đây, thì ông đi vắng nhà đã già một tiếng đồng-hồ rồi. Hảo còn bốn-mươi phút nữa là sẽ về đến nơi.
Mà Liên sẽ đúng hẹn như trong giấy hay không? Đó là lời hẹn bông-lông với một khách không chắc đến, thì nàng có cần gì y lời đâu!
Nghĩ tới công toi hôm nay, Nho tức giận Liên lắm. Sao nàng lại ra đi đúng vào lúc ông đến. Để trả thù, trước khi ra về, Nho rút bút chì ra định biên trên giấy là ông có đến, cho Liên nó ăn năn chơi. Nhưng nghĩ lại không đành, nên ông thôi.
Về tới nhà Nho thay đồ mát, rồi ung-dung ra vườn nằm trên ghế mây dài mà đọc sách, như là thong-thả xác-thịt và trí-não lắm.
Quả nhiên đúng hai tiếng đồng hồ, Hảo về tới. Bà ấy thấy chồng quá thanh-nhàn như thế càng không tin là ông ta đã nằm nhà từ hồi bà ra đi đến giờ.
Bà mỉm cười, cái cười khó niểu của bà, khiến cho Nho càng lo-sợ thêm.
Người đờn-ông ngoại-tình nầy nằm nhà luôn ba hôm. Đến ngày thứ tư, ông vừa thức dậy thì bỗng nghĩ đến một việc, và ông nghe sao mà mình ngu-ngốc lạ-kỳ: nhà ông có điện-thoại, mà buồng Liên cũng có điện-thoại, thế mà hổm nay hai người như ở đầu và cuối sông Tương.
Ăn sáng xong, ông Nho hăm-hở vào buồng giấy. Cửa buồng có lót nệm và khi cửa đóng lại, ở trong đó mà đánh giặc, Hảo cũng không nghe được. Nho lo vì cái cửa sổ phía trước. Tiếng nói sẽ đi vòng ngả đó mà qua buồng ăn. Nhưng không sao, đi xa thế, nó sẽ hạ bớt cường độ, vả lại ông sẽ hạ giọng mà nói kia mà.
- A-lô! Có phải Liên đó không?
- Chính tôi đây, ai gọi đó?
- Anh là Nho đây.
Nho che miệng, che ống nói lại mà nói thật khẻ.
- À, anh.
- Thế nào, con vẫn khoẻ mạnh chớ?
- Vẫn khoẻ mạnh.
- Còn em?
- Cũng thế.
- Em có buồn hay không?
- Cái đó khỏi nói.
- Nầy, từ rày anh kêu em bằng anh Mạnh trong điện thoại, em nghe rõ chớ?
- Rõ.
- Còn thằng Nhã thì anh kêu bằng thằng Chệch.
Liên cười dòn lên. Nho dặn tiếp:
- Còn em có gọi anh thì hỏi ông Bân. Nếu như gặp anh, anh se nói lên khẩu hiệu "Tương-giang". Như vậy rồi ta cứ nói chuyện như thường. Bằng không nghe khẩu hiệu ấy tức là kẻ khác đang cầm điện thoại. Em sẽ xin lỗi rằng kêu lộn rồi cúp. Em nghe rõ chớ?
- Nghe rõ. Chừng nào anh đến?
- Chưa biết. Từ rày có đi đâu nhớ cho anh hay trước, đừng có báo hại anh đợi rụng giò như hôm đầu em mới đến đó.
- Anh có đến à?
Liên hỏi rồi tức mình lắm, hạ ống nói xuống một cái rầm, không thèm nghe gì nữa hết. Nho sợ-hãi, quyết hôm nay thế nào cũng đi thăm Liên để tạ tội.
Ông đứng suy-nghĩ giây lâu rồi mở cửa ra ngoài. Buồng tiếp khách và buồng ăn chung một nơi, buồng ăn dọn phía trong cùng. Nho thấy vợ đang ngồi trên ghế xich-đu mà đọc báo. Ông bước tới làm gan nói:
- Em à, trưa nay anh không ăn cơm!
- Sao lại không ăn cơm?
- Họ mời đi ăn trên nhà hàng ở đường Tự-do.
- Vậy à, thôi em ăn một mình vậy.
Hảo vui cười như thường cho chồng an lòng ra đi, Nho nói cho vợ biết rằng ông đi lên đường Tự-do, không phải ông lỡ lời, mà là cố ý. Hảo sẽ nghĩ rằng không lẽ ông dại-dột nói thật nơi ông đến. Nói đi Tự-do, tức là phải đi nơi khác. Nếu có người theo dọ, thì người ấy sẽ tránh đường Tự-do, chắc chắn là thế.
Và ông sẽ cho xe đậu xa bun-đin, họ gặp xe, cũng chẳng biết ông vào nhà nào mà ông phải lo.
Nho đến nơi thì không thấy miễn-chiến-bài nữa. Con Lầu mở cửa rồi reo lên:
- A, ông về cô ơi!
- Suỵt, đừng có làm ồn.
Nho vừa bước vào buồng khách là Liên đã ẵm con chạy ra đón. Thằng Nhã đang ngủ, bị ẵm nên giựt mình khóc ré lên. Nho đỡ lấy con, hôn lấy hôm để làm cho thằng bé càng khóc thêm.
Hai vợ chồng hỏi nhau lăng-xăng mà không ai đáp ai ca:
- Em có trông đợi anh lắm không?
- Anh về rồi chừng nào đi nữa?
- Cơm nước có ăn được hay không?
- Anh không có mua quà gì cho em?
- Lầu ơi, trưa nay nhớ mua thêm bánh mì với một dĩa gà nấu đậu tao ăn cơn trưa ở nhà.
Liên hiểu ngay, nhờ câu đó, là người yêu của nàng chỉ ở lại một buổi trưa nầy thôi.
Thằng Nhã đã thôi khóc, và đưa tay lên bú.
- Cho em bú đi Lầu, nó đói đây nè, Nho nói.
Liên xem lại đồng-hồ thì quả đã tới giờ bú của bé Nhã. Con Lầu khuấy sữa rồi lãnh em bé cho chủ nó rảnh tay.
Vừa bước vào buồng Liên, Nho vừa hỏi bạn:
- Hôm nọ tới mấy giờ em mới về?
Liên xụ mặt xuống nói:
- Anh đến nhằm lúc lắm.
- Ai biết em mới dọn nhà là đi ra ngoài ngay.
- Chớ chiều chiều không đưa con đổi gió à?
- À phải, anh quên mất.
Nho ôm đầu bạn mà hỏi nho nhỏ:
- Có nhớ anh không?
Liền khóc nức-nở lên, giây lâu mới nói được:
- Ở riêng mà như vầy thì thà là em xa hẳn anh còn hơn.
- Rồi anh sẽ tính phương để đến với em thường hơn chớ. Lúc đầu không nên để Hảo sanh-nghi.
Liên lau nước mắt rồi hỏi, giọng yên-ổn như không có khóc nãy giờ:
- Anh xin đi có khó khăn lắm hay không?
- Em làm như anh là trẻ con, mỗi lần đi phải xin phép mẹ. Không, anh chỉ cho hay rồi đi.
- Anh-hùng dữ vậy à? Thật à?
Đôi bạn nhìn nhau mà cười. Nho đáp:
- Nói dóc với em làm gì.
- Chị ấy có mè-nheo hay không?
- Không, trái lại còn vui-vẻ hơn mọi khi.
Liên nghiêm sắc mặt lại, tư-lự giây lâu rồi nói:
- Đó là triệu-chứng nguy.
- Nguy làm sao?
- Có thể nào mà một bà vợ lớn đang ghen lại dễ-dãi như vậy được, nếu không phải cố ý để gài bẫy anh.
- Mà bẫy gì mới được chớ? Anh còn sợ gì nữa đâu!
- Biết đâu chị ấy không thả lỏng anh để theo dấu anh đặng biết nhà nơi đây.
- Biết nhà để làm gì?
- Để bắt quả tang.
- Chớ Hảo đã không bắt quả tang hồi ở đằng ấy à? Mà nó có làm gì mình đâu.
Liên cười xòa trước luận-điệu kiên cố của bạn, luận-điệu nầy làm cho lo-sợ của nàng bỗng hóa ra buồn cười.
Tuy vậy, nàng cũng vẫn chưa hết lo được. Nàng nói:
- Dầu sao, sự dễ-dãi ấy cũng khả-nghi.
Bây giờ con Lầu đã đem bé Nhã vào trả. Liên bảo nó đặt em bé lên giường nàng, chớ đừng trả đằng nôi.
Bé Nhã, mặc đầu no-nê, vẫn đưa tay lên bú. Liên nói:
- Nó ngủ suốt ngày. Hôm nay có ba nó đến nó mới thức đó.
- Suỵt, đừng nói đến, phải nói về. Coi chừng con Lầu biết!
Rồi ông cúi xuống cầm bàn chơn con mà hun trơ-trất. Liên sung-sướng đến chảy nước mắt. Hun đã thèm, ông nói chuyện với bé Nhã.
Hai mắt khờ-khạo của đứa bé nhìn trân gương mặt lạ ấy rồi một lát quen được, nó ư a lu-bù. Hai cha con cứ ư a với nhau như vậy cả buổi, nghe chừng như hiểu nhau lắm.
Bỗng bé Nhã vụt khóc ré lên.
- Ủa, sao khi không mà nổi giận vậy chú. Nho hỏi.
- Nó buồn ngủ rồi đó chớ gì, Liên đáp thay cho con, rồi bồng Nhã sang nôi.
Bé Nhã khỏe mạnh trong mình nên chỉ được đưa vài cái là ngủ ngay.
Đứa con là cái gạch nối liền cha mẹ lại. Nhưng nó cũng là con sông ngăn cha nhẹ ra. Nên chi khi đứa bé ngủ yên trong xô của nó thì cha mẹ nó mới gần nhau được trọn vẹn.
Bây giờ Nho mới thật là của Liên, và Liên mới thật là của Nho.
Họ nói chuyện với nhau mười năm cũng chưa cạn chuyện, riêng bây giờ họ chỉ thì thầm với nhau về một đề một mà thôi: đề ngóng mong thương nhớ.
Thấy Liên khóc quá, Nho khuyên:
- Tục-ngữ La-tinh có nói: "Hãy hái lấy ngày đang qua". Ta nên theo tục-ngữ đó, tội gì cứ gặp nhau, ở trong tay nhau, lại đồ đi đồ lại mãi niềm nhớ-mong cho nó buồn.
Liên nói:
- Chưa chắc gì ta hái lấy ngày đang qua được. Em cứ lo rằng một khi kia, ta sẽ không còn ngày nào nữa hết để mà hái.
- Cái gì khiến em lo như vậy?
- Sự dễ-dãi kỳ lạ của chị ấy.
Từ lúc Liên nhấn mạnh về sự dễ-dãi của Hảo, Nho cũng có hơi lo thật: Nhưng ông nói bướng cho an lòng bạn:
- Nó dễ-dãi vì nó hết nghi rồi đó mà. Nó yên trí rằng em đã đi xa rồi.
- Chưa chắc. Nằm buồn nhớ lại lúc em mới lên Sàigòn ở nhà anh, nhớ từng chi tiết nhỏ, em lại đâm nghi về chuyện khác nữa.
Anh nè, anh có nhớ rằng Hảo đã dễ-dãi với mình quá lắm hay không?
Ngươi khôn-ngoan như Hảo không thể tín-nhiệm dại-dột như vậy. Lửa với rơm không thể để gần nhau ngoài Vũng-tàu mà yên bụng được.
- Em nghi rằng Hảo khnyến-khích? Nho hỏi.
- Ừ.
Nho cười ha-hả mà rằng:
- Hảo nó ghen tợn lắm, dễ gì mà nó chia với em.
- Chính vì ghen tợn, chính vì không muốn chia vớt ai, mà Hảo khuyến-khích ta.
- Anh không hiểu.
- Để em nói hết đầu đuôi, anh sẽ hiểu. Em hỏi thật anh, anh có lợi-dụng cảnh không con mà đòi vợ bé lần nào hay không?
Nho cười hề-hề và đáp:
- Cũng có.
- Anh đòi chơi chơi hay đòi quyết-liệt?
- Em hỏi làm chi mà tỉ-mỉ quá vậy?
- Ậy, điều đó quan-trọng lắm.
- Thường-thường thì anh đòi chơi-chơi, nhưng có một khi đó thì quyết-liệt.
- Khi đó là khi nào?
- Anh cũng không nhớ nữa.
- Có phải là ít lâu trước lúc em lên?
- À, có lẽ là như vậy.
- Trời ơi, như thế là cái rủi của em.
Thấy Liên mặt buồn dàu-dàu, Nho hỏi:
- Anh thật chưa hiểu gì hết. Mà em buồn, chắc là chuyện dữ?
- Chuyện đã qua rồi. Số phần em như vậy biết sao.
- Đâu em cắt-nghĩa anh nghe thử coi?
- Không có gì là khó hiểu. Em tưởng anh hội-ý mà đoán được điều em muốn nói. Đây nè. Anh đòi vợ bé quá lắm, Hảo chịu không nổi; mà nếu để anh toại-nguyện, nó sẽ giựt chồng của Hảo mất.
Chợt số phận rủi-ro của em đưa em đến lúc đó. Thấy em là gái lỡ thì lại con nhà nghèo, Hảo mới xô em xuống vực, một là để cho anh toại-chí phần nào rồi câm cái mồm khó chịu lại, hai là để khỏi bị em giựt mất anh, vì em con nhà gia-giáo không thế nào dám ra mặt mà ăn cướp như vậy.
- À phải rồi!
- Sao đó, anh cũng vừa thấy gì đó à?
- Phải, Hảo nó cho anh tự-do có mèo. Anh nói rằng mèo không ổn, vì mục-đích chánh của anh là kiếm con chớ không phải thỏa dục. Mà mèo phần đông là gái không đàng-hoàng sợ con anh phải lai giống xấu. Em là giống tốt, nên Hảo mới nghĩ đến thủ đoạn thả lỏng ta.
- Đúng là như vậy. Trời! Em có dè đâu mà Hảo tàn-nhẫn như thế.
- Nhưng cũng nhờ tàn-nhẫn ấy mà ta gặp nhau.
Liên ngã vào người Nho, khóc rấm-rứt mà nói:
- Khòng gặp nhau vẫn hơn. Mối tình của đôi ta là sự có thật. Giờ thì bỏ nhau không được nửa. Nhưng phải chi ta đừng biết nhau!
Khóc một hồi trong sự ôm-ấp của Nho, Liên nói tiếp chuyện Hảo:
- Hảo tàn-nhẫn lắm, làm một công mà được đến bốn việc, lại làm trên đầu trên ổ của kẻ khác là em: vừa khép miêng chồng cho êm nhà, vừa tránh nạn mất chồng, vừa cho chồng một đứa con giống tốt, vừa giựt đứa con ấy cho chính mình. Anh có thấy là Hảo tìm đủ cách để bắt bé Nhã hay không?
- Có lẽ, nhưng nó thương bé Nhã thật.
- Nhưng Hảo không thương em chút nào. Trời ơi con người sao mà nham-hiểm lạ-kỳ. Em cứ ngỡ là Hảo tốt, lên em mới hy-sinh để xa anh. Bây giờ rõ ra Hảo tán-tận lương-tâm như vậy, em quyết giựt chồng của Hảo đó.
Nho cười hề-hề:
- Thì anh đây, anh tình-nguyện để cho em giựt đó.
- Em không đùa đâu. Em quyết trả thù thật-sự em mới nghe cho. Cả một đời em đã bị bẻ gãy, anh biết chớ, mà không phải anh bẻ vì thú-tính, mà Hảo bẻ để mưu lợi riêng. Phải, Hảo đã dùng anh làm cái tay gián-tiếp để bẻ gãy đời em.
Nè, em đưa tối hậu thơ cho anh đây: em quyết bắt anh đó. Vậy anh phải về ngay để thu xếp việc nhà rồi đến đây với em. Anh nói sao được với Hảo thì nói, em không nhận lý lẽ khước-từ nào cả.
Em nới tay cho một chút là, lần đầu em chỉ bắt anh trong nửa tháng thôi.
Anh muốn bị bắt hay không, tùy thích anh. Nhưng em báo trước anh hay: nếu hôm nay, đúng 4 giờ mà anh không có mặt ở đây với chiếc va-li quần áo thì em đi mất.
Nhìn sắc giận của Liên và nghe giọng nói quả-quyết của nàng, Nho thấy lời tối-hậu ấy là một cái lịnh, phải theo hay phải mất người yêu, nhứt là mất con thật sự.
Trời ơi, lúc đến đây, ông nào dè nổi lên trận phong-ba nầy. Ông tưởng-tượng rằng Liên sẽ khóc-lóc trách móc ông, rồi ông vuốt-ve năn-nỉ thế là êm.
Lý-luận sáng sủa của Liên đã gom-góp nhiều tiểu-tiết rồi chấp nối lại mà chép ra sự thật. Sự thật đó làm cho nàng công-phẫn và quyết háo thù. Chánh đáng lắm, ông còn trách Liên vào đâu được.
Nhưng thủ-đoạn của Hảo cũng còn chỗ tha-thứ. Ai lại không cố binh-vực quyền-lợi của mình!
Chỉ có ông là lạc hướng. Đứng cửa giữa, thấy hai bên đều có lý lẽ riêng của họ, ông không còn biết phải ngã về bên nào cho khỏi bị bên kia cắn xé.
Ông nghĩ mà tức cho Hảo. Sao nó khôn ngoan qná lại lầm to như thế nầy. Cháu nó, nó phải biết tánh-tình. Nó tưởng Liên dễ ăn lắm nên mới lợi dụng Liên. Nay Liên đã tỏ ra có bàn tay sắt giấu trong chiếc găn nhung như vậy mới chịu sao cho thấu đời đây?
Nho thử thối-thoát:
- Em có nghĩ đến công-việc làm ăn của anh hay không?
- Anh ở đây mà chỉ huy nhân-viên bằng điện-thoại, và tiếp-xúc với giới thương-mãi cũng bằng điện-thoạì. Mỗi ngay anh gọi họ năm mười lần gì đó, chắc không thất công việc đâu.
Cô Liên bấy giờ là cô Liêu cương-quyết và mặt giận hầm-hầm chớ không còn là một nạn-nhơn yếu-đuối chỉ biết khóc thôi. Nàng bảo Nho:
- Anh nên về ngay mà thu xếp.
Thấy không còn hy-vọng thay đổi ý-kiến của Liên được nữa, Nho thở dài, đi lại nôi hôn con rồi xách áo trồng vào người.
Tới cửa, ông còn đứng lại hỏi vói:
- Em đã quyết-định như vậy, nhưng giờ anh ra đi em còn giữ lập trường đó hay không?
- Còn.
- Nếu anh không y theo lời em.
- Em sẽ đi mất, chắc-chắn như vậy.
- Em cho anh thêm vài giờ, nghĩa là đợi anh đến chiều. Sợ bị chèo kéo rồi trễ giờ hẹn.
- Không.
Nho thở dài, khép cửa lại.
° ° °
Trong đời, người đờn-ông chắc không gặp cảnh nào khó xử bằng cảnh nầy. Vừa vuốt-ve con mèo, vừa vuốt-ve cục mỡ, còn tương-đối dễ, đến như xô cục mỡ ra để qua bên con mèo thì khó lắm thay. Ăn làm sao, nói làm sao với cục mỡ cho nó buông tha mình.
Nho quên cái luật-lệ đi đường, bị cảnh-sát huýt còi mấy lần, ông vẫn chạy luôn. Lạ quá, sao hôm nay ông không đụng ai cả, mà cũng không bị ai đụng, mặc dầu ông chạy xe như anh lính Tây say rượu.
Gần tới nhà, ông nghĩ ra được một mưu, mà ông không thấy hay lắm, nhưng quyết phải dùng vì không có kế nào khác cả.
Ông định hễ Hảo mà xụ mặt là ông gây sự ngay. Rủi Hảo vui-vẻ ông cũng kiếm cớ để sanh chuyện. Chỉ có đập phá rồi làm bộ bỏ đi là xuôi rót.
Nhưng vào nhà, hỏi ra Hảo đã đi vắng. Đoạn đầu của chương-trình không thi-hành được rồi đó. Ông ngồi bươi trí mãi để tìm mưu khác, nhưng vẫn chưa ra kế gì.
Cơm dọn lên độ năm phút, Hảo mới về. Bà Nho nhìn chồng, cười mà hỏi:
- Ăn tiệc sao mà còn về ăn cơm?
Nho xụ mặt xuống không thèm trả lời. Hảo ban đầu ngỡ chồng gây lộn với Liên rồi trở về liền. Nhưng bà nghĩ lại, người ta giận vợ thì dễ mà giận người yêu khó lắm. Bà chắc ông bị ai làm mích lòng giữa tiệc nên tức đến về nhà còn chưa nguôi. Nhờ vậy, suốt bữa ăn không ai to tiếng cả.
Hảo thỉnh-thoảng mời chồng nếm món nầy, rồi món nọ, ông Nho thì cứ làm thinh mà ăn, cố ra mặt giận, mặc dầu ông thương vợ quá, thấy nó không tội-tình gì lại phải chịu một bữa ăn buồn và lát nữa đây lại sẽ phải chịu cơn sóng gió giả-tạo của ông.
Ăn cơm xong, Nho lên buồng ngay. Hảo lật-đật theo chồng bén gót. Vào buồng, bà vịn vai chồng, thỏ-thẻ hỏi:
- Anh tức gì nói cho em nghe với.
Nho hất tay vợ rồi sừng-sộ nói:
- Em đi đâu đó.
- À, ngỡ gì. Em buồn đi chơi chớ đi đâu.
- Đờn-bà nội-trợ như vậy đó hả? Hễ chồng đi thì cũng xách bóp bỏ nhà.
- Anh lạ quá, mọi khi em cũng đi, sao không nghe anh nói gì.
- Mọi khi khác, nay khác. Mọi khi em đi trong lúc thường. Hôm nay em đi lúc tôi cho hay tôi đi vắng lâu. Có người đờn-ông nào ở trong trường-hợp tôi mà không nghi hay chăng?
Hảo cười khanh-khach nói:
- Vậy hả? Té ra anh nghi. Anh nghi điều gì mới được chớ?
- Điều gì thì biết lấy. Gái có chồng ai cho phép đi như vậy.
- Thật em không dè anh là một người kém lịch sự, kém hiểu biết đến như vậy.
- Sao lại kém hai thứ ấy?
- Chỉ bao nhiêu đó mà đủ cho anh nghi. Anh chỉ mới nghi thôi, lại nói ra để chưởi vào mặt người ta.
Nho hùng-hỗ đi lại hất cây đèn chong trên bàn, nó rơi xuống gạch kêu cái rổn, và bóng đèn nổ cái bốp rồi hét:
- Tôi lại không có quyền nghi vợ tôi nữa à? Được tôi đi khỏi nhà nầy cho bà tự-do.
Nói rồi ông ta bước lại vói tay lên kéo va-li để trên đầu tủ. Va-li rơi xuống cái ạch, bụi bay đầy phòng. Nho mở tủ rồi hốt quần-áo bỏ vào đó, làm vội-vàng, lấy cái đủ cái thiếu.
Xong ông ta nện gót giày lên gạch, oai-vệ đi ra.
- Anh đi à? Hảo nói. Anh đi thì tôi cũng đi, không bao giờ trở lại đây nữa.
Trong khi ông xuống thang lầu thì bà ngã lên giường mà khóc mùi-mẫn.
Hảo là một người ít tình-cảm. Sầu của bà một lát sau đã bị lý-trí của bà xô ra. Bà thấy mình cực gấp đôi hổm nay. Hổm nay chỉ phải tìm một người thôi, tìm bao giờ cho ra cũng được, không gắp gì. Bây giờ phải tìm đến hai người, mà người mới ra đi, cần phải lôi cổ về ngay.
Bà hối-hận hết sức là hồi nãy không chạy theo níu chồng lại. Tự-ái đã xui bà thụ-động một cách tai-hại, để con chim sổ lồng bay cao, dễ gì bắt nó lại được.
- Hay là...
Một ý nghĩ bỗng hiện đến khiến Hảo tức sôi gan. Ừ, hay là Nho kiếm chuyện gây sự để ra đi mà không bị ngăn cản. Phải, rõ-ràng là như vậy. Từ thuở giờ Nho không hề ghen bóng ghen gió, vì rất tin bà và rất có giáo-dục. Thì bữa nay, lẽ nào...
Hảo nghĩ tới đó rồi vụt ngồi dậy, chạy chơn không xuống từng dưới.
- Ông bây đi rồi hả? Bà hớt-hơ hớt-hãi hỏi người nhà.
- Dạ ông đi đã lâu.
- Đi bằng gì?
- Bằng xe tắc-xi.
Hảo giậm chơn kêu trời rồi đi tắm ngay.
Ba giờ rưỡi trưa mỗi ngày là giờ mà bà gặp một chị đờn-bà lạ mặt kia tại chợ Bến-thành, dãy sạp lạc-son. Trưa hôm đó bà nóng-nảy muốn gặp chị ta ngay, nên mới đi tắm sớm thế. Tắm rồi, trang-điểm xong, đồng-hồ chỉ hai giờ đúng. Thật là bứt-rứt.
Hổm nay chị ấy thủ vai thám-tử riêng cho bà, tiền vẫn lãnh đủ mà kết-quả chưa thấy gì. Chị ta có cấp-bằng một trường trinh-thám tư ở ngoại quốc, biết theo dõi người, biết ghi nhớ mặt người, biết chạy xe sì-cút-tơ, biết chụp ảnh và nhiều cái biết lặt-vặt khác.
Những địa-chỉ mang về cho bà, trao tại dãy lạc-son ấy, toàn là địa-chỉ quen biết, những nơi làm ăn của ông Nho, không có cái nào khả nghi cả.
Trưa hôm nay bà phải đốc thúc chị ta mới được.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Gieo Gió Gặt Bão
Bình Nguyên Lộc
Gieo Gió Gặt Bão - Bình Nguyên Lộc
https://isach.info/story.php?story=gieo_gio_gat_bao__binh_nguyen_loc