Chương 6
ần mười giờ đêm chúng tôi mới về đến nhà giáo sư. Ngay đến Căn tuy vẫn còn hưng phấn nhưng đã ngáp đến chảy cả nước mắt. Tôi định tiễn giáo sư xong rồi về nhà luôn, nhưng ông mệt hơn tôi tưởng nên quyết định chờ đến khi ông vào giường đi ngủ. Hẳn là chuyến xe buýt chật kín người xem trở về sau trận đấu đã làm ông mệt nhoài. Mỗi lần xe lắc lư, cơn sóng người lại xô đẩy ông và ông cứ phải để ý để các mẫu giấy nhớ không bị rứt đi mất.
- Sắp đến nơi rồi giáo sư ạ.
Lời động viên liên tục của tôi cũng không tới được tai ông. Suốt quảng thời gian trên xe, ông luôn uốn éo người một cách kỳ lạ để khỏi đụng chạm vào người khác.
Giáo sư lần lượt quẳng các đồ đang mặc trên người ra sàn, bắt đầu từ tất tới áo khoác, cà vạt, quần tây. Sau khi chỉ còn bộ đồ lót trên người, ông trèo thẳng lên giường mà chẳng thèm đánh răng. Có lẽ không phải vì ông mệt, mà vì ngày thường ông vẫn thế. Tôi quyết định cho rằng, chính xác thì ông đã đánh răng rất nhanh nhân lúc không ai để ý khi vào toa lét.
- Cảm ơn cháu. - Ông nói trước khi ngủ. - Hôm nay bác rất vui.
- Chỉ tiếc là không giành được no- hit no- run.
Căn quỳ bên cạnh gối ông, sửa lại chăn cho ngăn nắp.
- Enatsu từng giành được no- hit no- run đấy. Trong một trận đấu có hiệp phụ. Đó là ngày ba mươi tháng Tám năm 1973, năm Tigers đua tranh chức vô địch với Giants đến trận cuối cùng. Đối thủ là đội Chunichi, ở hiệp tấn công thứ mười một, Enatsu đã vụt cú home- run quyết định và giành phần thắng 1- 0. Chỉ có một mình cậu ấy vừa công vừa thủ… Nhưng mà, đúng là vì hôm nay không có Enatsu ném bóng.
- Vâng. Lần sau sẽ phải tìm hiểu xem cầu thủ nào ra sân rồi mới mua vé.
- Dù sao thì Tigers cũng thắng rồi mà. - Tôi nói.
- Đúng thế. Tỷ số là 6- 1. Một tỷ số khá đẹp.
- Tigers đã vươn lên thứ nhì. Hơn nữa, Giants thua Taiyo nên đã tụt xuống chót bảng. Hiếm có ngày may mắn như hôm nay, giáo sư nhỉ!
- Phải đấy. Tất cả là nhờ Căn đã đưa bác tới sân bóng. Thôi, đi về cẩn thận. Phải nghe lời mẹ dặn, nhớ ngủ sớm. Ngày mai còn đi học nữa đúng không?
Chưa kịp nghe câu trả lời của Căn, giáo sư đã ngủ mất, chỉ có nụ cười vẫn nguyên trên khóe miệng.
Mí mắt ông ửng đỏ, da môi nứt nẻ và không biết tự bao giờ, chân tóc đã lấm tấm mồ hôi. Tôi đặt tay lên trán ông.
- Thôi chết!
Giáo sư đang sốt. Ông sốt khá cao.
Sau một hồi cân nhắc, tôi và Căn quyết định ngủ lại nhà giáo sư chứ không về nữa. Không thể bỏ mặc người bệnh, đặc biệt người bệnh đó là giáo sư. Dẹp những quy định công việc và điều khoản hợp đồng này nọ sang một bên, tôi quyết định ở lại chăm sóc ông. Làm như thế tôi thấy nhẹ lòng hơn.
Đúng như tôi dự đoán, tìm khắp nhà mà chẳng thấy túi chườm đá, nhiệt kế, thuốc hạ sốt, thuốc súc miệng, phiếu khám bệnh - nói chung là những thứ có ích trong trường hợp này - đâu cả. Nhòm qua cửa sổ, tôi thấy nhà trên vẫn sáng đèn. Hình như có bóng người thoáng qua bên phía hàng rào. Nếu có thể hỏi ý kiến của bà quả phụ thì tốt quá, nhưng tôi chợt nhớ ra rằng bà đã yêu cầu tôi không được đem những rắc rối ở nhà ngang lên đó. Tôi kéo rèm che cửa sổ.
Chẳng còn cách nào khác là phải tự xoay sở một mình, tôi bỏ đá nghiền vào túi ni lông, quấn trong khăn tắm rồi chườm dưới gáy, hai nách và hai bẹn ông. Sau đó tôi lôi chăn ấm ra đắp cho ông và đun trà phòng lúc cần bổ sung thêm nước. Tất cả tôi đều làm y như hồi Căn bị sốt.
Tôi đặt Căn ngủ trên ghế sofa trong thư phòng. Chiếc sofa ngày thường bị sách vở chiếm chỗ làm mất đi chức năng vốn có của nó, ấy vậy mà sau khi dọn dẹp nó bỗng trở nên sang trọng và êm ái lạ thường. Căn đã bắt đầu ngáy, mặc dù rất lo cho tình trạng của giáo sư. Nó để chiếc mũ Tigers trên đỉnh của chồng sách toán.
- Giáo sư thấy thế nào ạ? Có khó chịu không? Nếu khát phải gọi tôi đấy nhé.
Tôi hỏi nhưng không thấy trả lời. Hẳn là vì giáo sư đang ngủ say chứ không phải tại mê man. Điều này thì chẳng cần kết luận của bác sĩ. Ông thở hơi gấp nhưng không vật vã, vẻ mặt thậm chí còn thanh thản tựa như đang rong chơi trong thế giới của một giấc mơ sâu thẳm. Ông không phản ứng mỗi lần tôi thay đá hay lau mồ hôi, cứ để mặc tôi làm gì thì làm.
Tấm thân sau khi trút bỏ bộ cơm lê đầy giấy nhớ nom gầy gò và yếu ớt, ấy là đã trừ đi những yếu tố của tuổi già. Phần thịt ở bụng, hai đùi và hai bắp tay lỏng lẻo, nhăn nhúm; chạm vào đâu trên cơ thể cũng để lại những vết lõm trên làn da nhợt nhạt. Tôi thử căng mắt nhìn xuống đầu ngón tay hòng tìm kiếm chút sinh lực đang ẩn mình đâu đó, nhưng vô ích. Tôi chợt nhớ lại lời một nhà lý thuyết số có cái tên khó đọc mà giáo sư từng nhắc tới:
"Thượng đế tồn tại. Bởi vì toán học không có sự mâu thuẫn. Và quỷ sứ cũng tồn tại. Bởi vì chứng minh điều này là bất khả(10)".
10. Câu nói nổi tiếng của André Weil, nhà toán học vĩ đại người Pháp thế kỷ XX.
Nếu vậy, chỉ có thể cho rằng lũ quỷ sứ của toán học đã hút cạn dinh dưỡng trong người giáo sư.
Quá nửa đêm, sờ lên da, tôi có cảm giác nhiệt độ đang tăng cao. Hơi thở nóng, mồ hôi túa ra ròng ròng, đá cũng bắt đầu tan nhanh. Hay là mình nên chạy ra hiệu thuốc? Có lẽ tại mình đã cố kéo giáo sư tới chỗ đông người nên mới xảy ra chuyện này. Nếu vì thế mà tình trạng của não bộ xấu đi thì sao?... Những ý nghĩ lo lắng cứ quấn lấy tâm trí tôi. Song rốt cuộc, tôi tự an ủi mình rằng, giáo sư đang ngủ ngon thế này thì chắc là không sao.
Tôi cuộn tròn trong tấm chăn trùm chân mang theo tới sân vận động ban tối và nằm xuống cạnh giường. Ánh trăng lọt qua khe rèm đổ một vệt dài trên sàn nhà. Tôi tưởng như trận bóng chày đã là một sự kiện xa xôi lắm.
Nằm ngủ phía bên trái tôi là giáo sư, còn lại bên phải là Căn. Khi nhắm mắt, tôi nghe thấy biết bao âm thanh. Tiếng ngáy của giáo sư, tiếng chăn lông sột soạt, tiếng đá tan, tiếng Căn nói mơ, tiếng sofa cọt kẹt. Những âm thanh hai người phát ra làm tôi quên đi cơn sốt của giáo sư, vỗ về tôi vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, Căn dậy trước khi giáo sư thức giấc, ghé qua nhà sắp xếp sách vở, lấy chiếc loa Tigers để trả cho bạn và đến trường. Buổi sáng, sắc mặt giáo sư đã bớt đỏ, hơi thở hình như cũng nhẹ nhàng hơn, nhưng giấc ngủ vẫn sâu và trông ông không có dấu hiệu tỉnh giấc. Lần này thì chính việc ông ngủ say đã bắt đầu làm tôi lo lắng. Tôi gõ gõ lên trán ông. Sau đó lật chăn ra, thử gí tay rồi lại cù vào yết hầu, hõm xương đòn, nách, rốn. Tôi thử thổi cả vào tai ông. Nhưng không có tác dụng, chỉ có cử động rất nhỏ của nhãn cầu dưới lớp da mí mắt.
Mối lo lắng về bệnh ngủ của giáo sư được phá tan vào khoảng gần trưa, khi ấy tôi đang làm bếp. Nghe tiếng động trong thư phòng, tôi thử chạy sang xem thì thấy giáo sư đóng bộ com lê mọi ngày, ngồi cúi đầu trên giường.
- Giáo sư vẫn còn sốt. Phải nằm xuống tĩnh dưỡng chứ chưa dậy được đâu.
Giáo sư ngước nhìn tôi, chẳng nói gì, rồi lại cúi xuống. Mắt ông đầy dử, tóc rối bù, chiếc cà vạt không được thắt ngay ngắn buông thõng xuống từ cổ.
- Giáo sư cởi âu phục ra đi. Để tôi thay quần áo lót mới cho. Đêm qua mồ hôi ra ướt hết rồi. Mấy hôm tới tôi sẽ mua cho giáo sư bộ pijama. Thay cả khăn trải giường nữa sẽ rất dễ chịu. Hôm qua chắc giáo sư mệt lắm. Vì xem bóng chày những ba tiếng đồng hồ cơ mà. Tôi xin lỗi vì cứ cố rủ giáo sư đi cho bằng được. Nhưng giáo sư đừng lo. Cứ giữ thật ấm, ăn các thức đầy đủ chất dinh dưỡng, chịu khó nghỉ ngơi là khỏi ngay thôi. Căn cũng thường như vậy đấy. À mà trước tiên phải cho cái gì vào bụng đã. Để tôi lấy nước táo ép cho giáo sư nhé?
Tôi cúi xuống nhòm giáo sư, nhưng ông đẩy vai tôi lùi lại và quay mặt đi.
Đến lúc đó tôi mới chợt nhận ra mình đã phạm phải một sai lầm sơ đẳng. Giáo sư đã không còn nhớ trận bóng chày hôm qua cũng như việc tôi là ai.
Ông chỉ nhìn chăm chăm xuống ngực mình. Tấm lưng hơi còng sau một đêm trông như càng còng xuống. Thân xác hao mòn đã kiệt quệ và bất động, chỉ có tâm trí dường như đang lạc lối ở chốn nào vô định. Vẻ hăng hái lúc giải mã những bí ẩn của toán học cùng sự trìu mến vẫn thường thể hiện với Căn đã biến đi đâu mất, toàn thân không một chút sinh khí.
Một lát sau, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng sụt sịt khóc. Ban đầu tôi không biết nó phát ra từ miệng giáo sư, mà cứ ngỡ là tiếng của một cái hộp nhạc bị hỏng nằm đâu đó trong phòng. Đó là tiếng khóc âm thầm, không cho ai, chỉ cho riêng mình, khác hẳn với tiếng khóc tôi nghe thấy hôm Căn bị đứt tay.
Giáo sư đang đọc mẩu giấy nhớ quan trọng nhất - mẩu giấy được đính ở nơi nổi bật nhất trên tấm áo mà hễ khoác lên thì dù có không muốn nó cũng đập ngay vào mắt:
"Trí nhớ của mình chỉ duy trì được 80 phút".
Tôi ngồi xuống mép giường. Tôi không biết làm gì hơn thế. Nói đúng hơn là tôi đã phạm phải một sai lầm trí mạng.
Mỗi buổi sáng thức dậy và mặc quần áo, giáo sư được thông báo về căn bệnh của mình từ mẩu giấy nhớ tự tay ông viết. Ông được nhắc nhở rằng, giấc mơ mình vừa thấy không phải giấc mơ của ngày hôm qua, mà đã từ lâu lắm rồi, đó là giấc mơ cuối cùng mà ông còn nhớ được. Khi biết rằng cái tôi ngày hôm qua đã rơi xuống vực thẳm của thời gian và không thể cứu vớt, ông gục ngã. Vị giáo sư lấy thân mình bảo vệ Căn khỏi trái bóng lạc đã chết trong chính bản thân ông. Ngày này qua ngày khác, ông vẫn phải đón nhận cái thông báo tàn nhẫn này trên chiếc giường chỉ có một mình ông. Vậy mà tôi chưa một lần suy nghĩ về cái sự thật ấy.
- Tôi là người giúp việc.
Chờ cho giáo sư ngừng nấc, tôi nói.
- Tôi là người giúp việc được thuê để giúp đỡ giáo sư.
Giáo sư đưa ánh mắt ngấn nước về phía tôi.
- Buổi chiều, con trai tôi cũng sẽ đến. Đỉnh đầu nó bẹt gí nên được gọi là Căn. Chính giáo sư đã đặt tên ấy cho nó.
Tôi chỉ vào mẩu giấy nhớ có vẽ chân dung mình dưới gấu tay áo ông. Thật may là nó đã không rơi mất trên xe buýt tối qua.
- Sinh nhật của cô là ngày nào?
Cơn sốt khiến giọng ông nghe yếu ớt, nhưng tôi đã nhẹ nhõm biết mấy khi ông thốt ra nó chứ không phải tiếng nấc.
- Ngày 20 thang Hai. - Tôi đáp. - Là con số 220. Con số gắn bó với 284 bằng tình bạn.
Cơn sốt kéo dài ba ngày liền. Suốt khoảng thời gian ấy giáo sư hầu như chỉ ngủ. Giáo sư không kêu ca hay đòi hỏi gì, chỉ nằm li bì.
Tới giờ cơm giáo sư cũng không dậy và hoàn toàn không động đến bữa ăn nhẹ tôi để sẵn cạnh giường, nên tôi đành phải bón cho ông từng thìa một. Tôi dựng ông ngồi dậy, véo má, rồi đưa thìa vào đúng tích tắc ông mở miệng ra. Thế nhưng ông cũng không chống nổi cơn ngủ gật cho đến khi hết một bát xúp.
Rốt cuộc, chúng tôi đã không tới bệnh viện. Tôi cho rằng nếu như việc ra ngoài đã khiến ông lên cơn sốt thì tĩnh dưỡng ở nhà là cách chữa bệnh tốt nhất. Nó giống như cơn sốt ở trẻ mới lớn khi đột ngột tiếp xúc với không khí bên ngoài. Ấy là phán đoán của tôi. Vả lại tôi không thể dựng ông dậy, bắt ông xỏ giày và tự mình đi đến bệnh viện được.
Căn vừa từ trường về đã lao ngay vào thư phòng. Nó không làm gì ngoài việc đứng bên mép giường và nhìn mãi gương mặt đang ngủ của giáo sư cho tới khi tôi giục: "Thôi, con mau ra kia làm bài tập đi, để yên cho giáo sư nghỉ."
Buổi sáng ngày thứ tư, sau khi cơn sốt hạ xuống, giáo sư bắt đầu phục hồi nhanh chóng. Ông ngủ ít hơn, kèm theo đó là cảm giác thèm ăn quay trở lại. Ông đã có đủ sức để ra khỏi giường, tới ngồi vào bàn ăn, rồi có thể thắt cà vạt một cách chỉnh tề và giở những cuốn sách toán trên chiếc ghế bành trong phòng ăn. Ông cũng bắt đầu thử sức với những đề toán có thưởng trên tạp chí. Ông tỏ ra cáu kỉnh mỗi khi tôi quấy rầy dòng suy nghĩ, rồi vui vẻ trở lại khi đón Căn đi học về và ôm nó vào lòng. Ông giải bài tập toán cùng Căn, xoa đầu nó với tất cả tấm lòng yêu thương. Mọi chuyện trở lại như cũ.
Giáo sư vừa khỏe lại được ít lâu thì chủ tịch nghiệp đoàn gọi tôi tới văn phòng. Bị gọi lên không phải vì việc báo cáo định kỳ hẳn nhiên là một điềm xấu. Sẽ là khiển trách vì để khách phàn nàn, hoặc yêu cầu xin lỗi, hoặc phạt tiền, đằng nào cũng là những chuyện nặng nề. Nhưng, giáo sư có thể than phiền điều gì khi không thể nhớ lâu hơn tám mươi phút, vả lại tôi cũng đâu có phá vỡ lời hứa với bà quả phụ là sẽ không bước chân lên ngôi nhà chính nên rất có thể chỉ là vì ông chủ tịch muốn dò hỏi xem tình hình của cái nhân vật đáng sợ sau khi sở hữu chín ngôi sao xanh thì như thế nào mà thôi.
- Gay go đấy. - Câu nói đầu tiên của ông chù tịch báo cho tôi biết về mức độ lạc quan trong phán đoán của mình. - Khách hàng phàn nàn.
Ông ta vừa xoa cái trán hói vừa nói với vẻ mặt rất ư khó xử.
- Như thế nào ạ…
Tôi ấp úng hỏi.
Tôi đã từng nhận được không ít lời phàn nàn. Nhưng tất cả đều do sự hiểu lầm hoặc thói ích kỷ của khách hàng nên bản thân ông chủ tịch cũng biết rằng tôi không có lỗi, và rốt cuộc, ông sẽ giải quyết gọn ghẽ bằng những lời đại ý như: "Thôi làm sao cho khéo thì làm." Nhưng riêng lần này thì khác.
- Cô đãng trí như vậy làm tôi thật khó xử. Tôi nghe nói cô đã phạm một sai lầm nghiêm trọng. Cô đã ngủ lại phòng của ông giáo sư ấy, đúng không?
- Tôi không phạm sai lầm nào hết. Ai đã dựng lên câu chuyện bỉ ổi này vậy? Thật khôi hài. Thật ghê tởm.
Tôi phản kháng.
- Không có ai dựng chuyện hết. Việc cô ngủ lại đó là sự thật. Phải vậy chứ?
Tôi chỉ còn cách gật đầu.
Trường hợp cần kéo dài thời gian làm việc, phải thông báo trước với chủ tịch nghiệp đoàn; trường hợp bất đắc dĩ do tình huống khẩn cấp, phải nộp đơn xin phụ cấp ngoài giờ có chữ ký của khách hàng cùng bản hậu thuật. Tôi nghĩ cô biết đó là quy định công việc.
- Vâng, tôi biết.
- Bất tuân quy định chính là hành động phạm sai lầm. Tôi tự hỏi sao cô có thể gọi điều đó là khôi hài và bỉ ổi được nhỉ?
- Không, không phải thế. Tôi không nhớ là mình đã phải làm việc quá giờ. Đó chỉ là chuyện xuất phát từ lòng tốt, tôi chỉ muốn giúp đỡ…
- Nếu không phải công việc thì là cái gì? Ngủ lại phòng một người đàn ông không vì lí do công việc thì đành chấp nhận việc bị người ta dựng chuyện thôi chứ biết làm sao?
- Ông ấy bị ốm, bị sốt cao, tôi không thể để ông ấy lại một mình. Tôi biết mình sơ suất khi phớt lờ quy định. Tôi xin lỗi. Nhưng tôi không làm điều gì trái với tư cách của một người giúp việc, vả lại tôi chỉ nghĩ tôi đã thực hiện cái nghĩa vụ đáng phải thực hiện lúc ấy mà thôi.
- Còn về chuyện con trai cô…
Ông chủ tịch di di ngón tay trỏ trên mép tấm thẻ đăng ký khách hàng của giáo sư.
- Tôi làm thế là vì muốn tạo điều kiện tốt nhất cho cô. Cho phép mang con tới nơi làm việc là sự ưu ái xưa nay chưa từng có đâu đấy. Một phần vì đó là đề nghị của khách hàng, thêm nữa đây là một trường hợp khó nên nghiệp đoàn mới nhượng bộ như vậy. Chứ chúng tôi cũng nghe thấy rất nhiều lời tiếng từ các đồng nghiệp khác của cô là tại sao chỉ đối xử đặc biệt với mỗi mình cô. Nên nếu không có thái độ làm việc nghiêm túc, tránh những hiểu lầm từ bất cứ ai, cô sẽ làm tôi khó xử lắm đấy.
- Thành thật xin lỗi chủ tịch. Tôi đã quá khinh suất. Cảm ơn chủ tịch về chuyện con trai tôi. Tôi không biết làm gì để đáp lại lòng tốt của ông…
- Như thế này. Tôi muốn cô thôi phụ trách khách hàng này.
- Sao?- Tôi hỏi lại.
- Hôm nay cô không cần tới đó nữa. Coi như nghỉ việc một ngày, từ mai cô sẽ tới một chỗ mới để phỏng vấn.
Ông chủ tịch úp mặt tấm thẻ đăng ký khách hàng của giáo sư xuống dưới, đóng lên đó một ngôi sao màu xanh. Ngôi sao thứ mười.
- Khoan đã, thưa chủ tịch. Ông yêu cầu tôi đột ngột như vậy tôi thực không biết phải làm sao. Rốt cuộc thì ai muốn tôi nghỉ việc ạ? Là giáo sư hay chủ tịch?
- Chị giáo sư.
Tôi lắc đầu.
- Nhưng tôi chưa hề gặp lại bà ta từ sau hôm phỏng vấn cơ mà. Tôi không nhớ là mình đã làm phiền gì bà ta. Tôi cũng trung thành tuân thủ mệnh lệnh không được đưa những rắc rối dưới nhà ngang lên nhà chính. Đó là người trả tiền công cho tôi nhưng chẳng hề biết gì về công việc của tôi cả. Vậy thì sao lại có thể sa thải tôi chứ?
- Bà ta biết rõ cả việc cô ngủ lại thư phòng.
- Bà ta nhòm trộm đúng không?
- Bà ta có quyền giám sát cô.
Tôi nhớ ra rằng, đêm đó, có bóng người chuyển động bên bờ rào, ngay gần cái cổng thông giữa hai nhà.
- Giáo sư bị bệnh. Hơn nữa, ông ấy cần sự chăn sóc tỉ mỉ hơn những người bệnh thông thường. Một y tá thỉnh thoảng mới đảo qua chẳng giúp gì được ông ấy. Nếu hôm nay tôi không tới, giáo sư sẽ thế nào. Lúc này chắc giáo sư vừa ra khỏi giường, nhìn thấy mẩu giấy nhớ và khóc một mình…
- Nghiệp đoàn không thiếu người thay thế.
Ông chủ tịch cắt ngang lời tôi, mở ngăn kéo bàn làm việc, đút tấm thẻ đăng ký khách hàng của giáo sư vào tập hồ sơ.
- Thế thôi. Đây là quyết định. Không thay đổi được đâu.
Ngăn kéo đóng sập lại. Một âm thanh mạnh mẽ trái ngược hẳn với tâm trạng của tôi. Như vậy là tôi đã không còn là người giúp việc của giáo sư nữa.
Chủ nhà lần này của tôi là một cặp vợ chồng kinh doanh văn phòng tư vấn thuế. Tôi phải mất hơn một tiếng đồng hồ. đi tàu điện rồi đổi sang xe buýt, để tới được đó từ căn hộ của mình. Công việc kéo dài tới tận chín giờ tồi, không phân biệt là của nhà riêng hay của văn phòng, đã vậy bà vợ còn là một người độc địa. Phải chăng ông chủ tịch định trừng phạt tôi? Căn lại trở về làm một đứa trẻ đeo chìa khóa(11).
11. Cách nói ám chỉ những đứa trẻ phải trông nhà một mình vì cả hai bố mẹ đều đi làm.
Chia tay với chủ nhà là một phần tất yếu của nghề này. Nhất là khi người ta thuộc về cái nghiệp đoàn kiểu như Akebono. Điều kiện khách hàng đưa ra thường xuyên thay đổi nên hiếm khi nào có thể gặp được một gia chủ hợp với mình. Càng ở lâu một chỗ càng sinh lắm chuyện.
Cũng có những gia đình mở tiệc tiễn chân tôi, cũng có những đứa trẻ tặng quà cho tôi trong nước mắt. Thế rồi, cũng có những người chẳng thèm chào tôi lấy một tiếng mà chỉ ấn vào mặt tôi tờ yêu cầu thanh toán những hao hụt về bát đũa, đồ gỗ hay quần áo.
Mỗi lần như thế, tôi tự nhủ mình không nên phản ứng một cách thái quá. Tôi không cần phải buồn bã hay cảm thấy bị tổn thương. Đối với họ, tôi là kẻ thoáng qua, nên nếu họ có quên tôi âu cũng là chuyện thường. Điều đó chẳng khác gì việc tôi sẽ lần lượt quên tên họ. Thực ra, khi chuyển tới làm ở một gia đình khác, chỉ riêng việc ghi nhớ những quy tắc mới thôi cũng đã bận bịu quá rồi, còn đâu thời gian mà đa sầu đa cảm nữa.
Nhưng lần này không như thế. Điều làm tôi đau khổ nhất là giáo sư sẽ không còn nhớ tới chúng tôi nữa. Giáo sư không thể hỏi bà chị dâu về lý do chúng tôi nghỉ việc hay lo lắng về sự biến mất của Căn. Thậm chí ngay cả cái quyền tự do được đắm chìm trong những kỷ niệm với chúng tôi những lúc ông ngắm sao Hôm trên chiếc ghế bành hoặc giải toán trong thư phòng cũng bị tước đoạt.
Nghĩ đến đó, lòng tôi như xát muối. Tôi thấy xấu hổ và bực bội với chính mình vì đã phạm phải một sai lần không thể cứu vãn. Và tất nhiên, tôi không thể tập trung vào công việc mới. Mặc dầu phần lớn các công việc được yêu cầu đều thuộc loại lao động chân tay nặng nhọc (rửa năm chiếc xe hơi nhập ngoại, quét dọn cầu thang của tòa nhà bốn tầng, chuẩn bị bữa tối cho mười người v.v.), song hình ảnh giáo sư đã ăn sâu vào tiềm thức luôn quanh quẩn trong đầu khiến thần kinh tôi kiệt sức trước tiên. Trong tâm trí tôi, ngay cả lúc đang làm việc, giáo sư lúc nào cũng ngồi ủ rũ trên giường. Và vì thế mà tôi luôn phạm phải những sơ suất đơn giản nhất khiến bà chủ nổi đóa.
Tôi không hiểu ai đã thay tôi tới nhà giáo sư. Tôi mong sao cho người đó không quá khác hình vẽ chân dung trên mẩu giấy nhớ kia. Phải chăng giáo sư sẽ lại hỏi người giúp việc mới số điện thoại cùng cỡ giày và giải thích cho cô ta những bí ẩn đằng sau chúng? Thật chẳng dễ chịu chút nào khi tưởng tượng ra việc giáo sư chia sẻ những bí mật đó với một người mà tôi không biết. Dường như sự hấp dẫn của những con số mà ông đã dạy riêng cho tôi đang phai nhạt dần, mặc dù chúng vẫn ở đó, chẳng đổi thay, bất chấp bao điều diễn ra trên thế giới.
Biết đâu người giúp việc mới sẽ không thể nào chịu nổi tính cách của giáo sư, và thế là ông chủ tịch nghiệp đoàn sẽ nghĩ lại và cho rằng không ai thích hợp hơn tôi thì sao. Thỉnh thoảng tôi lẩn thẩn nghĩ. Nhưng lại ngay lập tức lắc đầu xua đi dòng ảo tưởng. Cái ý nghĩ tự đắc cho rằng không có tôi thì đợi đấy mà xem mới thật là ngạo mạn. Người ta chẳng cần tôi như tôi vẫn nghĩ. Có khối người thế chỗ tôi. Đúng như những gì ông chủ tịch nói.
- Tại sao mình không đến nhà giáo sư nữa hả mẹ?
Căn hỏi mãi một câu đó. Lần nào tôi cũng chỉ có thể trả lời rằng: "Tình hình thay đổi rồi con ạ".
- Thay đổi thế nào?
- Rất phức tạp.
Căn hứ một tiếng rồi nhún vai.
Chủ nhật, ngày 14 tháng Sáu, Yufune của Tigers bảo vệ thành công no- hit no- run ở sân Khôngshien. Sau bữa cơm trưa, tôi và Căn hầu như chỉ ngồi nghe đài. Mayumi giành được ba lần chạy, Shinjo độc diễn cú home- run, sau tám hiệp đấu, tỷ số là 6- 0. Cả tỷ số và đối thủ Hiroshima Toyo Carp đều giống như hồi Nakagomi.
Mỗi lần cầu thủ đánh bóng của Hiroshima bị loại, cả giọng nói của bình luận viên lẫn sức nóng trong cầu trường đều tăng lên, song chúng tôi thì im lặng. Hiệp chín, khi cầu thủ đáng bóng đầu tiên khuỵu xuống đầy thất vọng vì cú đánh hỏng ăn, Căn thở dài. Hai chúng tôi đều biết rõ ý nghĩ của nhau. Vì thế mà chúng tôi chẳng nói chi cho thừa.
Khi trái bóng bay lên từ cây gậy của cầu thủ đánh bóng cuối cùng là Shoda, tiếng reo hò bao trùm chiếc máy thu thanh, xóa nhòa mọi diễn biến trên sân. Mãi lâu sau, tiếng hét: "Bóng ra ngoài, bóng ra ngoài" của bình luận viên mới tới được tai chúng tôi.
Thắng rồi.
Căn nói với một giọng lặng lẽ. Tôi im lặng gật đầu.
- …Cầu thủ thứ năm mươi tám trong lịch sử bóng chày chuyên nghiệp… sau 19 năm, kể từ kỷ lục của Enatsu Yukuta năm 1975, đội Tigers đã lại…
Giọng tường thuật của bình luận viên chập chờn, đứt quãng.
Chúng tôi lúng túng không biết phải thể hiện niềm vui thế nào. Thậm chí còn không xác định được có nên vui hay không. Tigers chiến thắng, lập kỷ lục lớn, vậy mà chúng tôi lại thấy buồn. Không khí hưng phấn truyền ra từ máy thu thanh làm sống lại trận đấu ngày mồng 2 tháng Sáu, nhắc chúng tôi nhớ ra rằng giáo sư và cái ghế 7- 14 đã ở rất xa. Tôi luôn bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ rằng, trái bóng lạc rơi thẳng xuống chỗ Căn ngồi từ cây gậy của tay cầu thủ đánh bóng vô danh trong hiệp đấu cuối cùng chính là điềm báo bất hạnh đối với ba chúng tôi.
Thôi nào, mẹ phải chuẩn bị bữa chiều đấy.
Tôi nói.
Vâng
Căn tắt máy thu thanh.
Lời nguyền của trái bóng lạc đã biến nỗ lực bảo vệ no- hit no- run của Nakagomi thành công cốc, và sau đó một chuỗi những sự việc chẳng lành đã xảy ra: giáo sư lên cơn sốt còn tôi thì mất việc. Có thể thật khiên cưỡng khi cho rằng mọi chuyện là do lời nguyền của trái bóng lạc, nhưng nó quả đã khiến tôi không khỏi hoang mang.
Một hôm trong lúc chờ xe buýt đi làm, tôi bị một người đàn bà không quen biết lấy mất tiền. Không phải tôi gặp móc túi hay cướp giật mà chính tôi đã tự nguyện đưa tiền cho chị ta nên chẳng có lý do gì để báo cảnh sát, tuy nhiên nếu đây là một mánh móc tiền mới thì quả thật là hoàn hảo. Người đàn bà đường hoàng tiến thẳng tới chỗ tôi, chẳng thèm mào đầu hay chào hỏi, chỉ chìa tay ra và nói mỗi một câu: "Tiền!" Chị ta suýt soát bốn mươi, vóc người to lớn, nước da sáng màu, ngoài tấm áo khoác mùa xuân trong khi trời đã bắt đầu vào hạ, chị ta chẳng có nét gì đáng ngờ cả. Dung mạo gọn gàng, sạch sẽ, không có dáng vẻ của một kẻ lang thang hay cùng quẫn. Bình tĩnh hệt như khi hỏi đường. Mà không, thậm chí còn giống như đang chỉ đường cho tôi nữa là đằng khác.
- Tiền!
Người đàn bà nhắc lại.
Tôi đặt một tờ tiền lên lòng bàn tay chị ta. Một hành động đến chính tôi cũng chẳng ngờ. Không thể giải thích nổi tại sao một kẻ nghèo khó như tôi lại làm vậy trong khi chẳng ai kề dao lên cổ. Người đàn bà cất tiền vào túi áo khoác rồi im lặng bỏ đi hệt như khi tiến đến. Vừa lúc đó xe buýt tới bến.
Trên đường tới nhà vị tư vấn thuế, tôi không ngừng tưởng tượng xem đồng tiền của tôi sẽ đóng vai trò quý giá như thế nào đối với chị ta. Nó sẽ được dùng để trả cho chiếc bánh mì của đứa con đang đói bụng, hay cho chỗ thuốc của song thân đang mắc bệnh, hay để ngăn chặn cả một gia đình tự sát… Song mọi tưởng tượng đều chẳng khiến tôi thấy phấn chấn. Không phải tôi tiếc tiền. Mà bởi tôi bỗng nhiên cảm thấy thương hại chính mình, tựa như khi nhận được sự cảm thông từ ai đó.
Vào một hôm khác, trong lúc viếng mộ mẹ tôi nhân ngày giỗ, tôi và Căn đã phát hiện ra xác một con nai trong bụi cỏ đằng sau tấm bia. Thịt chưa rữa hết, mảng da lốm đốm như miếng vải rách bám trên sống lưng, bốn cái cẳng cứng đơ còn dính với thân vẫn ở nguyên trong tư thế như đang cố nhỏm dậy trước khi tắt thở. Nội tạng bắt đầu ruỗng nát, hai con mắt trở thành cái hốc tối om, cái miệng hơi he hé để lộ ra hàm răng nhỏ xíu chưa trưởng thành.
Căn là người đầu tiên phát hiện ra.
- Ôi!
Căn thốt lên, chỉ tay mà không thể gọi tôi hay đưa ánh mắt đi chỗ khác.
- Chắc là nó lao xuống từ trên núi, đập đầu vào bia đá, rồi cứ thế mà tắt thở. Nhìn kỹ thì thấy một mẩu thịt và vết máu còn vương trên tấm bia.
- Mẹ ơi, làm thế nào bây giờ?
- Không sao. Cứ để mặc nó.
Chúng tôi chắp tay cầu nguyện cho con nai nhỏ nhiều hơn là cho mẹ. Chúng tôi cầu nguyện để nó sẽ làm bạn với vong hồn bà.
Hôm sau ngày đi viếng mộ, tôi tình cờ nhìn thấy bức ảnh bố Căn trên tờ báo địa phương. Hình như anh ta được trao giải thưởng dành cho các nhà nghiên cứu công nghệ trẻ từ một quỹ gì đó. Bức ảnh hơi mờ nằm cùng với bài viết ở góc báo, nhưng tôi chắc chắn đó là anh ta. Trải qua mười năm, anh ta cũng đã già đi ngần ấy tuổi.
Tôi gấp tờ báo lại, vo tròn rồi ném vào thùng rác. Một lúc sau, nghĩ thế nào tôi lại nhặt nó lên, vuốt phẳng và lấy kéo cắt riêng bài báo đó ra. Trong nó nhàu nhĩ đến mức hầu như không khác gì một mẩu giấy bỏ đi.
- Thế thì sao nào?
Tôi tự hỏi mình.
- Chả sao cả.
Và tôi tự nhủ.
Bố của Căn nhận giải thưởng. Một chuyện đáng vui mừng. Chỉ đơn giản vậy thôi.
Thế rồi tôi gấp mẩu báo lại, cất vào trong chiếc hộp đựng dây rốn của Căn.
Giáo Sư Và Công Thức Toán Giáo Sư Và Công Thức Toán - Yoko Ogawa Giáo Sư Và Công Thức Toán