Chương 7: Tấm Lòng Cao Cả
hống nhất đất nước là niềm khát khao của cả dân tộc. Nhà thương gia Đức Cường thấy lòng rạo rực bởi quan điểm "Dân tộc tự cường” của ông đã trở thành hiện thực. Nếu lập trường của ông không vững, nghe theo quan điểm của đại tá Đỗ Hiền thì giờ đây ông không còn đất sống, không dám nhìn ai. Đỗ Hiền, kẻ trung thành với quan thầy Mỹ Thiệu đã phải bỏ xứ này sang Mỹ. Nhà thương gia Đức Cường bây giờ có quyền ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ. Ông chỉ lo ngại mỗi chuyện của Thương Huyền, nó phải chịu cái số hồng nhan bạc phận lỡ làng. Con nhà danh gía như nó lại trót lỡ có con với thằng cố vấn Mỹ, kẻ thù của cả dân tộc này, thật tiếc lắm thay. Nhưng thời thế ai mà tính được. Phận gái đang kỳ rực rỡ lại phải sa vào chốn hang hùm miệng sói thì tránh sao nổi. Ông thương con gái. Càng thương, lòng ông càng rối bời. Ông sẵn sàng đánh đổi cả gia tài sản nghiệp của ông để cho Thương Huyền có được hạnh phúc. Giờ đây đối với cách mạng, ông nhường cơm sẻ áo mà không tiếc. Cũng may chuyện của Thương Huyền còn có vú nuôi là người hiểu rõ nó hơn ai hết. Con Thương Huyền không thể là kẻ phản bội.
Bao năm nay, ông không thể ngờ người vú nuôi của gia đình ông lại là một cán bộ Việt cộng “nòi” nằm vùng ngay trong nhà ông mà ông không hề biết. Cô con gái của vú là chị Thu Cúc lên núi theo cách mạng, giờ lại về giữ chức bí thư, phó trưởng ban quân quản thành phố nên gia đình ông cũng thơm lây. Ông phấn khởi tự hào tuyên bố cho hai mẹ con chị Thu Cúc cả ngôi nhà lớn ông đang ở để hai mẹ con vú xum họp, bõ những năm tháng gian khổ chị Thu Cúc phải nằm rừng lội suối. Ông nghĩ, gíup đỡ mẹ con chị Thu Cúc, cũng là giúp đỡ cách mạng...
Trong lớp học tập chính trị cải tạo công thương nghiệp tư sản tư nhân, chị Thu Cúc đã chuẩn bị trước cho ông Đức Cường bài phát biểu rõ hay. Ông say sưa đọc lên những lời lẽ cao cả mà lòng trào lên niềm xúc động tự hào. Cả hội trường vỗ tay nồng nhiệt khen ông là người biết đi trước thời cuộc, biết nhìn xa trông rộng. “Đồng tiền đi trước, đồng tiền khôn” Ông hào hứng tuyên bố hùng hồn trước các nhà thương gia, trước các quan chức chính quyền và phóng viên báo chí, bày tỏ tấm lòng trung thành tận tâm của bản thân ông, của gia đình ông đối với cách mạng. Trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư sản tư nhân, ông cần phải là tấm gương đi tiên phong, nhất là trong hoàn cảnh đất nước vừa mới giải phóng. Ông tình nguyện giao toàn bộ nhà máy đường, nhà máy xay cho nhà nước quản lý. Từ nay gia đình ông, con cháu ông sẽ được đứng trong hàng ngũ giai cấp vô sản. Nghĩ thấu đáo như vậy, ông thấy yên lòng.
Hội nghị kết thúc, các phóng viên báo chí vây quanh ông phỏng vấn xin được viết bài ca ngợi. Tên tuổi nhà thương gia Đức Cường lại một phen lẫy lừng thiên hạ. Cũng giống như trước đây, ông đã biết nhìn xa trông rộng ủng hộ quân giải phóng trong những ngày cách mạng còn gian khổ. Tới bây giờ ông vẫn không quên tác giả Hoàng Kỳ Nam viết bài báo“Tấm lòng nhà thương gia Đức Cường”in trên báo Sài Gòn Giải Phóng ca ngợi ông hết lời về tinh thần yêu nươc cao cả của ông đối với cách mạng.
- Tôi làm vậy cũng là để cho hai cháu Thương Huyền và Đức Thịnh nhà tôi được ngẩng cao đầu với dân với nước. Ông bộc bạch với Thu Cúc điều mà ông tâm đắc. Tiền của đối với vợ chồng tôi bây giờ chả nghĩa lý gì, chết có mang đi được đâu. Con người ta sống cốt giữ lấy cái danh cho đời con đời cháu. Chị Thu Cúc còn nhớ cậu Hoàng Kỳ Nam hồi mới giải phóng viết bài về tôi không? Phải công nhận bài báo của cậu ta làm tôi xúc động. Cậu ta nói trúng điều tôi suy nghĩ "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Tôi cũng nghĩ thễ, lúc cách mạng còn khó khăn mới cần đến sự đóng góp của tất cả mọi người.
- Ai chứ cái cậu nhà báo Hoàng Kỳ Nam ấy, ông bà hãy chờ xem cậu ta đối với Thương Huyền ra sao đã?
- Con Thương Huyền nhà mình cũng có giữ gìn được đâu mà trách cậu ấy. Chiến tranh mà. Tôi chỉ mong con Thương Huyền giờ đây vui vẻ nuôi cháu Ngọc Lan, hoà nhập được với cuộc sống mới là tốt rồi. Âu cũng là cái số nó vất vả về đường tình duyên.
Ông Đức Cường gọi vợ và các con tới phòng khách. Ngồi trước vợ và các con, chưa bao giờ ông thấy phấn chấn như lần này. Ông nhìn vợ, bà vẫn nền nã trong bộ áo dài truyền thống, dáng vóc thanh tao đáng yêu. Bà luôn là người phụ nữ mẫu mực giữ gìn lối sống phương Đông được ông và bạn bè trọng nể. Ông nhìn sang Thương Huyền, ánh mắt nó vẫn chất chứa nỗi u hoài lặng lẽ ngồi cạnh con Ngọc Lan. Từ ngày đứa con lai Mỹ của nó bị anh chàng Hall bắt về Mỹ, Thương Huyền trở nên vô cảm. Ông đã phải bỏ tiền ra cùng vú nuôi đi chuộc lại con Ngọc Lan về cho Thương Huyền. Chính có con Ngọc Lan mới cứu được đời Thương Huyền, đưa được nó trở lại đời sống bình thường. Điều làm ông Đức Cường đau đớn, chiến tranh đã cướp đi của thằng con trai ông một cái chân, biến Đức Thịnh thành kẻ tàn tật suốt đời. Đức Thịnh là đứa con trai duy nhất để ông bà gửi gắm tuổi già. Nó là đứa giống tính ông nhất từ vóc dáng to cao đến tính tình cương trực, lòng tự trọng cao. Tuy nó tàn tật nhưng ông hy vọng rồi sẽ tìm cho nó cô vợ tử tế để vợ chồng nó cai quản cơ ngơi này thay ông. Ông không ngờ nó lại dửng dưng nói với ông rằng nó không còn khả năng làm chồng làm cha nữa.
Lúc này ông nhìn Đức Thịnh đặt chiếc nạng gỗ trước mặt ngồi rất khiêm tốn. Ông đưa mắt nhìn mọi người, giọng xúc động:
- Có đầy đủ tất cả mọi người trong gia đình ta và chị Thu Cúc, hôm nay, tôi xin được công bố một quyết định quan trọng- kể từ bây giờ gia đình ta đã thuộc thành phần giai cấp vô sản như chị Thu Cúc và vú nuôi. Chúng ta sẽ giao toàn bộ hai nhà máy của gia đình ta cho nhà nước quản lý. Tất cả chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc và đầy đủ ý nghĩa chính trị của việc này. Thời cuộc đã đổi thay. Gia đình ta phải là người đi tiên phong trong công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư sản tư nhân, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Con Thương Huyền và Đức Thịnh phải cố gắng hơn nữa, phải xoá bỏ mọi mặc cảm, hoà mình với cách mạng, với công cuộc đổi mới của đất nước. Cuộc đời ba má già rồi, không còn làm gì được nữa. Ba má trông vào các con. Cái gia thế nhà mình có được vẻ vang là nhờ vào sự chỉ bảo của vú nuôi và chị Thu Cúc.
Chị Thu Cúc đứng dậy nói.
- Thay mặt Đảng và chính quyền cách mạng tôi xin được biểu dương tinh thần yêu nước của ông bà và gia đình ta. Chị Thu Cúc cao giọng nhìn Thương Huyền vừa chân tình lại vừa nghiêm khắc- Cô Thương Huyền hãy suy nghĩ cho kỹ lời ba mình vừa nói- Cô phải hiểu thời cuộc đã đổi thay, bản thân mỗi người chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách sống cho phù hợp với thời đại mới. Từ nay gia đình ta đã là giai cấp vô sản. Đã là giai cấp vô sản thì phải lao động, phải làm việc trên tinh thần cộn sản. Cháu Ngọc Lan đã lớn, cô có thể để cháu ở nhà cho ông bà nuôi, tình nguyện đi thanh niên xung phong hay đi lên vùng kinh tế mới mà làm ăn. Phải hoà mình để sống như mọi người, vui như mọi người. Không được ủy mị thướt tha, không được buồn ủ ê theo lối sống yếu hèn của chế độ cũ. Cô cứ thướt tha người ngoài họ nhìn thấy nó chướng mắt lắm. Còn đối với cậu Đức Thịnh có thể kiếm công việc gì đó phù hợp với khả năng của mình. Tôi nói để cậu biết, cách mạng có chính sách nhân đạo thì đời cậu mới được như ngày nay.
- Chị Thu Cúc góp ý chân tình, các con phải nghe lời- Ông Đức Cường nhìn chị Thu Cúc và vú nuôi bằng ánh mắt biết ơn, ông dịu dàng nói- từ nay hai má con chị Thu Cúc đừng kêu chúng tôi là “ông bà chủ” nữa, nghe chả bình đẳng chút nào. Thời đại mới rồi, các con cũng phải gọi vú là bà Hai...
Dưới Chín Tầng Trời Dưới Chín Tầng Trời - Dương Hướng Dưới Chín Tầng Trời