Chương 4
hi nhớ lại những điều này, là lúc tôi đã lớn tuổi. Tôi đã trải qua nhiều cảnh đời, đã được đọc sách, và từng được nhiều bậc thiện trí thức chỉ bảo. Tuy nhiên những bài học đầu tiên của tôi về đạo Phật, do thầy tôi, hòa thượng Thích Vô Úy dạy bảo, thì không bao giờ tôi quên được.
Hòa thượng bảo tôi có duyên với đạo, cho nên người đích thân chỉ bảo cho tôi từng li từng tí. Đầu tiên người nói:
- Người tu thiền không phải chỉ ngồi tư thế hoa sen, rồi hít thở theo đúng quy cách đã là tu thiền. Con nên hiểu mọi lời nói, hành vi, cử chỉ... tất cả đều là thiền hết. Thiền là một nếp sống đạo hạnh. Từ sớm mai cho đến tối mịt, lúc nào cũng là thiền.
Tôi ngơ ngác:
- Vậy lúc ta ăn uống... thì sao?
- Ăn cũng thiền, đi cũng thiền, cả ngủ cũng thiền - Dừng một lát để quan sát sự chú ý của tôi rồi sư cụ mới tiếp - Con ạ, kinh pháp có nói rằng: “Chúng ta được sinh ra ở cõi người. Đó là điều hi hữu” sống ở đời đã là điều hiếm có, vậy thì ta phải sống làm sao cho xứng đáng. Đừng phí hoài. Sáng dậy, ta được nghe chim hót, được hưởng luồng gió mát trong lành, ta phải biết trang nghiêm nhủ thầm trong dạ: “Tôi rất sung sướng được sinh ra ở cõi nhân gian này”. Cho nên ăn miếng cơm ta cũng cần niệm hồng danh đức Phật, rồi cám ơn những nhà nông đã một nắng hai sương vất vả làm ra hạt gạo. Sau đó ta từ tốn nhai thật kỹ miếng cơm cho đến lúc cảm nhận được vị ngọt của nó. Ăn như thế tức là ăn thiền. Đi cũng vậy. Phải đi đứng từ tốn khoan thai, đi theo chiều kim đồng hồ, đi theo lẽ phải, đi theo chính đạo. Nói cũng vậy, nghĩ cũng vậy, làm cũng vậy. Tất cả đều thuận theo chính đạo. Lúc nào cũng trang nghiêm và cung kính.
Tôi nghĩ rất lâu rồi nói:
- Thưa thầy, như vậy thật khó. Từ sáng cho đến tối mịt lúc nào cũng phải tu hành...
- Lúc đầu thì khó thật đấy. Nhưng về sau thành nếp lại thấy tự nhiên, dễ dàng. Con nên biết, chỉ riêng việc thường nhật ấy thôi, có người tu cả đời không xong. Có nhiều người nói về đạo Phật thao thao bất tuyệt, rất hay nhưng lại không hành thiền nổi như vậy. Có người chẳng được học nhiều kinh sách, nhưng đã tu tập thực sự, nên thiền quả rất to lớn, không kể xiết được.
Đó là bài học thứ nhất về nếp sống mà thầy đã dạy. Bài học thứ hai nói về chữ Tâm. Tôi thấy nhiều người ai ai cũng nói đến chữ Tâm. Cha tôi, lúc sống cũng dạy tôi phải tu tâm dưỡng tính. Mẹ tôi thì thuộc lòng câu Kiều: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Tôi tò mò hỏi những người lớn khác. Song tôi chỉ nhận được những câu trả lời lờ mờ, không rõ ràng.
Vào chùa, tôi được thầy tôi giảng theo cách của thầy:
- Tất cả mọi người đều có Phật tính, mặc dù vẫn mang trong mình cái “tham, sân, si”. Vậy nên, con người có thể hướng tới cái cao thượng. Không rèn luyện để hướng tới cao thượng không phải là người. Cái cao thượng đó là cái tâm của Phật. Đó là tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả. Tâm từ thương yêu tất cả chúng sinh. Tâm bi thương xót những người đang gặp đau khổ. Tâm hỉ cùng vui với những người đang có điều vui, điều thành công. Người đạt đạo xa lạ với lòng ghen ghét ganh tị. Tâm xả không dính chấp tới những được thua ở đời. Khen cũng không vui, chê cũng chẳng buồn. Dù cay đắng hay ngọt bùi, dù sạch dù nhơ đều vẫn thản nhiên. Đạt được bốn cái tâm cao thượng ấy, ta đã tiến được khá xa trên con đường tu tập.
Đó là những điều, mà sau này tôi tóm lược lại để dễ học. Chứ thực ra, thầy tôi dạy bảo những điều đó cho tôi theo cách mưa dầm thấm sâu. Người dạy bảo, uốn nắn tôi từng chút từng chút một. Có khi là chỉnh đốn một lời nói một cử chỉ, có khi là sự nhắc lại, có khi lại bằng những hành động mô phạm đức hạnh của thầy hàng ngày, có khi bằng kể một câu chuyện xưa kỳ diệu mà suốt đời tôi chẳng quên.
Tôi cứ nhớ mãi câu chuyện đức Thế Tôn bước đầu hành đạo. Tôi cũng như mọi người, cứ quen với ý nghĩ rằng, người trên đời này ai ai cũng cung kính tôn vinh sùng bái đức Thích Ca Mâu Ni. Hóa ra không phải như vậy: Lúc sinh thời, đức Phật tổ có nhiều đệ tử cung kính tôn sùng người. Tuy nhiên đức Thế Tôn cũng gặp không ít những người phỉ báng công kích, nhiều người vu oan giá họa để bêu xấu, làm giảm giá trị, nhằm thỏa mãn lòng hận thù, lòng ganh tị. Thậm chí có kẻ ám sát hại người. Có một kẻ đã hận thù người đến mức tìm một con voi cho nó uống nước mía pha với rượu. Nước ngọt và rượu con voi uống không biết chán đến nỗi voi say trở nên điên rồ. Thời 2.500 năm trước, Ấn Độ rất nhiều voi, những con voi to khổng lồ, ngà dài sắc nhọn, nó chỉ cần giẫm khẽ bàn chân là con người bẹp gí. Thấy đức Thích Ca ngồi dưới tàn cây, kẻ kia thả voi ra. Con voi tên là Nalagiri lúc đó trở nên vô cùng dữ tợn. Voi say tung vòi, kêu váng trời, sầm sầm chạy tới. Đức Ananđà thấy vậy, định hy sinh thân mình, chặn lối, mặc cho voi giẫm đạp để cứu đức Thế Tôn. Nhưng Phật tổ gạt đi, người bình tĩnh ngồi thiền, rải tâm từ ra chung quanh. Voi say được tâm từ của người cảm hóa ngay lập tức. Đến trước mặt người, nó không còn hung dữ nữa. Nó bỗng nhiên tỉnh lại, quỳ sụp trước mặt người như đảnh lễ.
Ôi! Thật kỳ lạ! Tâm từ có năng lực cảm hóa phi thường đến thế sao! Rải tâm từ. Chữ rải thật hay. Phật giáo có câu “Thiên nữ tán hoa”. Tôi tưởng tượng ra Phật tổ niệm những câu thần chú và những cô tiên xinh đẹp hiện ra trên bầu trời rải hoa xuống trần gian, những cánh hoa rơi lả tả... và tâm hồn con người cùng vạn vật bỗng trở nên hiền hòa - cuộc đời hết hung bạo.
Đó, tôi nhớ chữ tâm từ là như vậy.
Thực ra, tôi là đứa trẻ từ nhỏ được nuôi nấng trong một môi trường hoang dã. Thầy u tôi mãi đi làm nên mặc tôi lớn lên như cây cỏ. Lên bảy tuổi tôi đã biết cầm cái thừng dắt trâu đi chăn. Chỉ buổi tối tôi mới được cắp sách ra điếm học lớp bình dân. May mắn tôi được cái sáng dạ, học đâu biết đấy nên đọc sách vanh vách và làm toán rất nhanh. Thích học, nhưng có lẽ tôi thích chăn trâu hơn. Bởi vì đời sống mục đồng có bao nhiêu trò hấp dẫn. Nào be bờ tát vũng, nào trộm khoai trộm ngô, nào nướng cá nướng cua... Bởi vậy nên khi vào chùa, được sư cụ giảng dạy tôi cũng thấy hay, nhưng lắm lúc tôi cảm thấy như bị cầm tù, cuồng chân cuồng tay. Sư Vô Úy bảo tôi có duyên với chùa chắc vì tôi hiền lành và sáng dạ. Sư cụ bắt tôi học chữ nho. Sư bảo:
- Sách nhà Phật chứa tòa ngang dãy dọc không hết. Thế mà dịch sang chữ quốc ngữ mới chỉ lèo tèo vài cuốn. Vì vậy phải học chữ nho. Nghĩa lý kinh Phật không biết đến đâu mà lường. Tu là hành theo Phật nhưng tu cũng là đọc. Phật bảo vô ngôn, nhưng trước khi đến chỗ vô ngôn ta phải đọc trước đã.
Hòa thượng là người nhìn xa trông rộng. Người bảo:
- Mỗi thời mỗi khác. Phải biết tùy duyên. Đạo Phật đang sống ở thời mới, nên người tu hành cũng phải hiểu cái thời mới nó như thế nào.
Với lý lẽ ấy, thầy chia thời gian làm hai, buổi chiều tôi học kinh kệ và chữ nho với thầy, còn buổi sáng tôi phải đi học ở trường làng cùng với trẻ em ngoài chùa.
Thầy tôi rất tiết kiệm. Thầy có một cái hòm to. Những bộ quần áo nâu cũ rách không biết tự đời nào, thầy cho giặt sạch sẽ, phơi nắng khô khắn, thơm tho rồi gập cẩn thận xếp vào hòm ấy. Lúc này, thầy mới lấy ra vài bộ, bắt chị tôi giặt giũ lại sạch sẽ, rồi lựa những chỗ còn tương đối dùng được, cắt ra may cho tôi hai bộ quần áo nhà chùa. Chiếc quần nâu ngắn đến ống chân, chiếc áo dài nâu, cài khuy bên sườn chưa quá đầu gối. Chị Nguyệt rất khéo tay. Đường kim mũi chỉ vừa êm vừa tăm tắp nuột nà. Tôi mặc vào vừa in, trông tôi khác hẳn xưa Rõ ràng là chú tiểu nhà chùa nghiêm trang nền nã.
Hòa thượng không sai sư bác Khoan Độ mà sai chị Nguyệt dẫn tôi đến trường. Ngôi trường làng nhỏ thôi. Chi có hai gian nhà gạch do bà lý, một bà nhà giàu không con cái tặng làng làm nơi học tập cho trẻ nhỏ. Hương sư là thầy giáo Hải. Thầy Hải trạc hai tư hai nhăm, dáng người gầy gò, mặc áo the thâm quần dài trắng. Mặt thầy sáng sủa, tiếng nói nhẹ nhàng.
Chị Nguyệt dắt tay tôi dẫn vào lớp. Thầy Hải đang cúi xuống chỉ dẫn một học trò, nghe tiếng lũ trẻ xì xào, ngẩng đầu lên, thấy mặt chị Nguyệt, chợt như bối rối lúng túng. Còn chị Nguyệt, trông thấy đôi mắt sáng của thầy, mặt bỗng ửng hồng. Giọng chị nhỏ hơn thường ngày, nhưng vẫn rõ ràng:
- Thưa thầy giáo, em đến xin học cho em An.
- An là em cô?
- Thưa vâng.
- À,... mà cô ở xóm nào nhỉ?
- Dạ... dạ... em ở chùa làng.
- Thế ư... vâng... tôi hiểu rồi. Sư cụ cũng đã có lời với tôi.
- Dạ, sư cụ sáng nay đi hóa duyên ở làng bên, đến tối mới về. Đáng lẽ cụ đưa em An đến trường mới phải. Sư cụ dặn dò ern xin thầy thứ lỗi cho.
- Không sao đâu... Thế này nhé... Trường có bốn lớp: Một, Hai, Ba, Bốn. Một, Hai học buổi chiều, Ba, Bốn học buổi sáng...
Thầy Hải rất niềm nở với chị em tôi. Sau câu chuyện thầy còn tiễn chị Nguyệt ra tận gốc bàng ở cổng trường mới quay trở vào. Chị tôi có duyên thế đấy. Đi đến đâu cũng được người giúp đỡ.
Chị tôi thật xinh đẹp. Thuở bé tí, tôi chưa biết điều đó Nhưng một, hai năm lại đây tôi chợt nhận ra điều đó. Nhận ra vì bỗng nhiên đám con trai trong làng bám lấy tôi để chiều chuộng, thậm chí để nịnh nọt. Bởi vì thầy u tôi rất nghiêm, hầu như luôn luôn kèm bên chị. Tối đến thầy u tôi cấm chị không cho đi đàn đúm. Còn tôi lại được phép sống hoang dã, đi đâu; thì đi. Lẽ dĩ nhiên, họ phải bám lấy tôi, hòng thông qua tôi đến được với chị.
Chắc chắn chị tôi có gương mặt dễ coi, có một thân hình nảy nở duyên dáng. Nhưng cánh con trai cho rằng chị Nguyệt đẹp nhất ở mái tóc và nước da. Nước da như ngà, mớ tóc đen nháy óng ả chảy xuống kheo chân. Mớ tóc càng duyên hơn vì chiếc khăn vấn. Không phải màu đen, cũng không phải màu nâu già, chiếc khăn màu nâu non. Chị tôi phải khéo léo nhuộm bằng nước củ nâu giã nhỏ cùng với một số vỏ cây. Cuối cùng mảnh vải trắng biến thành như màu son mà không phải là son, như màu nâu mà không phải là nâu, nó không gắt mà dìu dịu ấm áp. Chiếc khăn cuộn quanh mớ tóc, chít tròn vành vạnh trên đầu, khiến gương mặt chị tôi sáng bừng lên và để lộ ra cái cổ kiêu ngà ngọc, cùng với vài sợi tóc mây lòa xòa sau gáy.
Thầy Hải cũng không nằm ngoài quy luật. Thầy tôi từ cổng trường quay về lớp. Đôi mắt như sáng lên, và một nụ cười còn đang trên môi. Thầy dắt tôi đến cái bàn có một cô con gái trạc tuổi tôi đã ngồi và bảo:
- Em đã biết làm toán đố. Thầy xếp em vào lớp ba. Có gì chưa biết thì hỏi bạn Huệ. Huệ nó ngoan lắm, Huệ sẽ giúp em.
Như tôi đã nói, trường có hai buồng. Đáng lẽ mỗi lớp một buồng. Nhưng cả làng chỉ có sáu đứa lớp Ba và bốn đứa lớp Bốn nên thầy gộp hai lớp làm một. Lớp Ba ở dãy bàn bên trái lớp Bốn dãy bên phải. Cũng như vậy, khi lớp Bốn làm luận thì thầy đọc chính tả cho lớp Ba v.v... Thầy rất chú ý đến tôi. Có lúc thầy giảng riêng cho tôi những bài mà tôi chưa được học để theo kịp các bạn lớp Ba. Cái Huệ ngồi cạnh tôi tủm tỉm:
- Chưa có bạn nào được thầy dạy riêng như anh.
Tôi hiểu cái nụ cười tủm tỉm của nó quá đi chứ. Phải nói thầy Hải xếp tôi vào lớp Ba là có phần chiếu cố. Tôi chỉ được học lớp bổ túc bình dân nên còn bập bõm lắm. Tuy thầy giáo giao tôi cho Huệ giúp đỡ, nhưng khi thấy tôi và Huệ luôn đi bên nhau, cả lớp Ba và lớp Bốn đều chế giễu. Thậm chí có đứa còn sửng cồ, nhất là thằng Căn anh ruột cái Huệ. Nó quắc mắt đe tôi:
- Sao mày cứ như cái đuôi của em tao thế. Liệu không tao dần cho nhừ xương.
Thằng Căn học lớp Bốn, đã mười lăm tuổi, nó to lớn ngộc nghệch như con gà chọi. Tính khí thất thường, lúc nó hiền như cục đất, lúc nó giận dữ, quát tháo, bậm trợn, mắt quắc tròn xoe. Cả lớp ai ai cũng sợ nó. Căn đi câu, đi tát cả ngày. Có lúc tôi theo Huệ về nhà nó. Không thấy bố nó đâu. Chỉ thấy mẹ Huệ; bà hiền từ ít nói, có con mắt rất đẹp hơi xếch lúng la lúng liếng. Huệ có con mắt giống hệt như mẹ. Một hôm, thấy mâm cơm nhà Huệ chỉ có bát rau muống và tương tôi bảo:
- Mùa này mùa hè, sao Huệ không đi bắt ve lột xác. Ve lột đem rang ròn và thơm lắm.
- Anh An đi tu mà cũng bắt ve ư?
- Không, ấy là chuyện năm ngoái lúc anh còn ở nhà.
Ở quê tôi có nhiều ve lắm. Vào hè hàng vạn con ve trên cây kêu váng trời suốt ngày. Lũ mục đồng chúng tôi thường đi bắt ve lột xác. Vào lúc trăng bắt đầu nhú, chúng tôi đập giập nứa làm đuốc, rồi đi soi ở khoảng đầu đêm, những con dế, tức là những con ve con được sinh ra từ hè năm trước từ dưới đất chui lên, bò lên các cành cây ngang thắt lưng người, để bắt đầu lột xác hóa sinh từ kiếp dế sang kiếp ve. Thật lạ lùng! Con dế nứt vỏ lưng ra rồi cong người lột vỏ. Con dế màu nâu, nhưng con ve mới lột lại màu xanh nhạt. Chờ vài tiếng cho khô người và cứng cáp, ve non mới bò lên ngọn cây và hoàn tất một cuộc đời suốt ngày kêu ra rả. Ve già chẳng ai ăn, nhưng ve non mới lột ngon tuyệt vời. Nó rất sạch sẽ. Rang lên ăn vừa béo, vừa bùi, thơm ngon chưa từng thấy.
Nghe tôi kể, Huệ cười:
- Mới nghe anh nói em đã thèm. Hay là tối mai anh trốn chùa đi bắt ve với em nhé. Em biết ở vườn chùa chỗ gần ao có cái trổ, chúng em vẫn chui qua đấy vào ăn cắp ổi của tam bảo.
Tôi lắc đầu:
- Đấy là chuyện ngày xưa. Còn bây giờ anh không dám đâu. Đã vào chùa ai lại dám làm chuyện sát sinh.
Huệ tinh quái:
- Anh kể cho em nghe cách bắt ve cũng là mắc tội sát sinh rồi.
Lúc ấy tôi hãy còn thơ dại, lại mới chân ướt chân ráo vào chùa tôi đã hiểu gì đâu, nhưng tôi cũng không ngờ chuyện bắt ve lại gây cho tôi bao phiền phức. Hay cái nghiệp của tôi là vậy Tôi là kẻ sống giữa đời mà lại vào chùa. Như sau này tôi mới biết, tôi bị giằng xé giữa đời và đạo. Mà chẳng cứ lúc ấy, suốt đời tôi cứ bị giằng xé như vậy.
Mấy hôm sau, Huệ nói với tôi.
- Tối qua, em đã đi bắt ve lột xác rồi. Quả là như anh nói, ve rang lên ngon tuyệt.
Hôm sau nữa, lúc tan học, Căn sừng sộ gọi tôi lại tra hỏi:
- Ê thằng sư hổ mang, mấy hôm trước mày đến nhà tao phải không?
- Vâng, nhưng em có làm gì đâu.
- Lại còn cãi. Mày dạy cho cái Huệ nhà tao soi đuốc bắt ve phải không?
Căn vừa nói vừa giơ cái ống bơ sữa bò đựng đầy những con ve màu xanh xanh:
- Mày còn chối hả? Tao đã bắt quả tang. Từ rày, tao cấm thằng thầy chùa bén mảng đến nhà tao để dụ dỗ con Huệ.
- Em đâu có dụ dỗ.
- Hôm nay không, thì ngày mai mày dụ dỗ. Trông cái mặt mày là tao biết. Từ rày tao cấm tiệt. Nhà tao không muốn dây dưa với mày. Còn bây giờ tao phải cảnh cáo cho mày nhớ đời.
Nói xong, Căn hô to, gọi lũ bạn nghịch ngợm:
- Thằng Trắm đâu. Mày giữ chặt đầu nó cho tao. Còn lũ kia giữ chân.
Trắm là đứa lộc ngộc nhất. Nó là con chị Thì, cháu ngoại bà vãi Thầm. Nhà nó quá nghèo nên nó không học ở trường làng, chỉ đi học bình dân buổi tối. Thằng này có khi còn khỏe hơn thằng Căn. Nó ôm lấy tôi, đè nghiến xuống đất. Hai bàn tay nó như hai cái kìm sắt, ghì chặt đầu tôi trên mặt đất. Thằng Căn xông tới, cầm những con ve sống cánh còn xập xòe run rẩy nhét vào mồm tôi. Tôi mím chặt môi không ăn. Căn vành mồm tôi ra, tọng những con vật run rẩy ấy vào họng tôi. Tôi nghẹt thở. Nước mắt chảy giàn giụa vì uất ức. Mồm nhổ phì phì cái thứ nước tanh tưởi xanh lè ấy. Nước bọt bắn vào mặt thằng Căn. Thằng Căn trở nên cáu kỉnh. Nó giơ nắm tay đấm vào mồm tôi. Máu chảy tóe loe. Thế là, tôi bỗng như kẻ rồ dại. Tôi dùng hết sức cắn vào bàn tay Căn. Tôi vùng vẫy đấm đạp, cố thoát ra khỏi hai bàn tay gọng kìm của Trắm. Còn Căn thì hét lên vì bàn tay bị thương.
Trong khi ấy, lũ lâu la của Căn nhảy cẫng lên vui thích. Có đứa nào đó đang hét to:
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Không hiểu sao, khi nghe câu hát ấy, thằng Căn càng điên rồ hơn. Nó thôi đấm, chuyển sang bóp cổ tôi ằng ặc. Tôi ngạt thở, thè lè lưỡi ra rồi ngáp ngáp. Lúc đó nó mới chịu buông tha. Tôi ho sù sụ, rớt dãi ròng ròng. Tôi rất ngạc nhiên, khi thấy Căn quay lưng lại tôi, rồi cầm đất, cầm gạch ném tứ tung vào bọn quỷ sứ đang gân cổ lên hát.
- Mẹ chúng mày! Cút hết cả đi!
Trông Căn như con thú điên rồ. Còn lũ kia thì cắm đầu cắm cổ mà chạy. Thế này là thế nào. Tôi hoang mang tự hỏi, rồi lủi thủi quay về chùa. Quần áo tơi tả. Vừa đi vừa khóc. Nước mắt và máu mồm máu mũi nhoe nhoét trên mặt. Chị Nguyệt mang tôi ra giếng rửa ráy cho tôi, rồi nhẹ nhàng hỏi:
- Em đi ở chùa phải ngoan chứ, sao lại đi đánh nhau? Nhỡ ra sư cụ biết, đuổi chị em mình khỏi chùa thì chúng mình biết bấu víu vào đâu.
Chị Nguyệt sợ hãi vá víu lại chiếc áo nâu bị rách vạt xõa ra, chị còn giấu biệt không cho sư cụ và sư Khoan Độ biết. Giấu thế thôi chứ làm sao qua được đôi mắt xếch của sư bác. Từ hôm sốt, tôi vẫn ngủ với ông sư kỳ dị và bí ẩn này. Ngay buổi tối hôm ấy, ông hỏi tôi:
- Chú vừa đánh nhau một trận sáng nay?
Trong khi tôi còn ấp úng chưa biết trả lời ra sao, thì ông cất lời bằng cái giọng an ủi:
- Không sao cả. Ở ngoài đời, người ta thường xuyên cấu xé nhau. Kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu.
Ông giơ bàn tay trái ra cho tôi xem. Tôi đã nhận ra điều kỳ lạ của bàn tay ấy khi mới đến chùa, song không bao giờ dám hỏi ông. Bàn tay ấy trông như bé hơn bàn tay phải, bởi vì ngón tay út bị cụt lủn đến tận sát gốc nơi lòng bàn tay. Nó để lại một vết sẹo nhẵn thín, ông cho tôi xem, không nói rõ nguyên nhân tại sao, mà chỉ nói:
- Tôi đã nguyện theo gương các vị hộ pháp bảo vệ cho ngôi chùa này. Tôi bảo vệ chú nhưng không phải bằng cách đi đánh người khác. Chú phải tự bảo vệ mình. Tôi sẽ dạy chú học võ.
Tôi rụt rè:
- Sư mà cũng học võ sao?
- Thời loạn, sư cũng phải học võ.
- Thế sư cụ có cho phép không?
- Sư cụ có cho phép. Thế chú tưởng sư cụ không biết chuyện chú bị người ta đánh cho hộc máu ra sáng hôm nay chăng? Sư cụ biết rất rõ và người cho phép tôi dạy chú tập võ.
Như vậy là từ hôm ấy, tôi phải học ba buổi: buổi sáng học chữ thầy Hải; buổi chiều học chữ sư cụ; buổi tối học võ với sư bác.
Tối nào sư Độ cũng đem tôi ra cái sân đất ở vườn chùa, bắt tôi tập đứng tấn, tập lộn, tập nhảy, tập đấm đá các thế võ. Bị bong gân, bị đau, bị trầy xước là chuyện thường. Sư Độ có mấy lọ thuốc để ở xó nhà, tôi thường xuyên được nắn bóp thứ thuốc thơm phức như ở quê tôi người ta xoa bóp cho gà chọi. Nhờ có tập võ, tôi và sư Độ càng lúc càng trở nên thân thiết. Con người thô tháp ấy rất tình cảm. Ông thương tôi như người cha thương con, hay người anh cả thương em út. Đêm đêm, sau khi hai chúng tôi quỳ sau lưng sư cụ đọc kinh sám hối thời đêm xong, chúng tôi nằm cạnh nhau trên tấm phản mọt. Và nhiều đêm, tôi đã kể cho sư bác nghe những chuyện về gia đình tôi, không giấu diếm một điều gì. Ví dụ chị tôi thích ăn dấm cá, thầy tôi thích uống rượu với chạo bì bò, mùi thính và lá ổi thơm lừng, còn u tôi chỉ thích ăn châu chấu nhúng nước dừa đun sôi rồi rang với tương thêm vào vài lát lá chanh thái chỉ. Có bận cá rô rạch từ ao chùa bò lên vườn, sư bác bắt đem cho chị Nguyệt. Chị tôi bảo:
- Nhà chùa đâu được phép ăn thịt cá.
- Sư cụ và tôi và chú tiểu An không được phép ăn. Đó là giới cấm sát sinh. Còn cô vẫn được phép. Sư cụ không bằng lòng xuống tóc cho cô. Cô không phải là ni sư.
- Dù sao tôi cũng không ăn...
- Ô kìa! Cô thích canh dấm cá kia mà.
- Ai bảo sư bác vậy?
Sư Độ không trả lời, lùi lũi lên nhà tổ. Hôm ấy, chị Nguyệt đem cá vào làng cho dân, tôi thấy sư Độ đứng đằng sau cánh giại nhìn theo mãi chị tôi bưng rổ cá rô đi ra cổng chùa, vẻ mặt sư như buồn.
Và như tôi đã nói, chị tôi có hai thứ đẹp trên người mà khó có cô gái nào sánh nổi: nước da trắng bóc và mớ tóc đen dài gần chấm gót. Có một hôm trời nóng, chị tôi gội đầu và hong tóc. Chị tôi cũng có ý tứ, ra đằng sau chùa bên bờ ao để cho kín đáo và đồng thời được nhận ánh nắng chiều qua khoảng trời thoáng đãng của vùng ao chiếu vào. Chị tôi xõa tóc, tấm lưng trần trắng muốt, ánh nước loang loáng. Chị tôi nghiêng đầu cầm cái quạt nan phe phẩy vào mớ tóc đen láy. Thật yêu điệu. Tôi và sư bác đang dỡ lạc. Sư Độ cũng vô ý. Tôi chợt thấy ông ngây người... Hình như ông thở dài thì phải.
Sư cụ Vô Úy là người trải đời và độ lượng. Có lẽ hòa thượng đã dạy bảo chị tôi vào một buổi mà sư Độ và tôi không có nhà.
Tôi đoán thế vì thấy chị tôi thay đổi rất đột ngột. Thứ nhất, chị Nguyệt bỏ hẳn không vấn tóc bằng chiếc khăn nâu non làm sáng bừng gương mặt. Thứ hai, quần áo nâu sồng của chị bỗng trở nên rách rưới lam lũ hơn. Thứ ba, chị tôi luôn luôn sùm sụp trên đầu một chiếc khăn vuông cũ, chiếc khăn che kín hai thứ đẹp nhất của chị tôi. Từ đó rất ít ai nhìn thấy mớ tóc tuyệt vời mà trời đã ban riêng cho chị. Cũng chẳng ai được chiêm ngưỡng chiếc cổ kiêu trắng ngà mà người con gái nào được trời ban tặng cũng luôn phô ra để cho đời thèm khát. Nói chung chiếc khăn vuông như một tấm vải đen đã che kín đời chị Nguyệt.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa