Diễm Phượng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Xuân Ủy Nhiệm
ối tình đầu có lẽ là mối tình dại nhứt, sai nhứt, nhưng lại sâu đậm nhứt. Lòng ta là một tờ giấy trắng tinh, rất dễ lem, mà hễ lấm được một cái rồi thì cái vết không sao tẩy được.
Tôi 1 rất yêu vợ tôi, không hề lăng nhăng bao giờ, vậy mà thỉnh thoảng trong những lúc vui buồn nào đó trên đường đời, tôi không ngăn được mình tưởng nhớ tới nàng, và tôi tưởng tượng ở nơi chơn trời nào đó, nàng cũng nhìn qua song cửa để hình dung ra bóng dáng của người khoát áo tơi, lầm lũi đi trong mưa dầm vào cái buổi chiều mà hai chung tôi vĩnh biệt nhau để ai đi đường nấy.
Mai, nếu đời ngăn chia ngàn lối,
Đừng quên nhé những ngày bên nhau...............................................................
Lời căn dặn của chàng nhạc sĩ họ Lam cũng bằng thừa, ít lắm là riêng đối với tôi.
Làm sao mà không nhớ nhau được! Họ đã chán nhau đâu và tình đôi bạn đang đậm đà thì biến cố xảy đến thình lình, xô chàng ra một cách tức tưởi.
Chàng chưa đủ điều kiện cưới nàng, mà nàng thì không có lý do để nói với cha mẹ mà từ chối một đám rất tốt. Đối với các cụ, đừng tưởng cứ nói: "Con không yêu người ấy đâu" mà được.
Hễ người ấy là người có địa vị, con nhà danh giá, không cụt tay què cẳng là nàng phải ưng lấy người ta, không thôi các cụ sẽ qui tội là nàng phải lòng trai, đó là sự thật, nhưng cho dẫu sai sự thật đi nữa các cụ cũng qui tội ấy và trừng trị cho mà biết tay.
Nhớ nhau? Người ta lại nguyện nhớ nhau đến trọn kiếp nữa, nguyện ôm ấp mãi mãi mối tình không nguôi, mối tình muôn thuở và sẽ muôn thuở sống trong lòng người ta.
Nhưng ai cũng bận sống nên những phút tưởng nhớ đến cố nhân ngắn ngủi lắm, và nàng với tôi cứ xa nhau lần lần, mãi cho đến khi vợ tôi qua đời rồi mà tôi cũng không nghĩ đến nàng nhiều hơn trước.
Có lẽ cũng vì tôi thấy là vô ích chăng? Người ta đã có chồng, mình có vợ, còn bận bịu làm gì. Giờ vợ mình nó bỏ mình lại bơ vơ, mình có muốn tìm an ủi thì cũng chỉ tìm được nơi người khác thôi.
Ngày giáp năm vợ tôi, thình lình một người bạn cũ ghé chơi. Anh Ngọc ấy không hay rằng tôi góa vợ, nên khi bước vào nhà, thấy lễ cúng, anh ta chưng hửng.
Anh chia buồn trễ muộn với tôi, và anh buồn thật sự, bởi anh cũng mến vợ tôi lắm. Nhưng trưa lại, anh ta vui vẻ một cách không phải lúc, khiến tôi cũng đến khó chịu.
Giáp năm không phải là mãn tang, tôi có "bất trung" với vợ tôi bao nhiêu, không khí nhà tôi hôm nay cũng phải là một không khí buồn. Mà không lẽ anh ấy cười, tôi lại mếu.
Hôm nay không phải là ngày tôi đi la cà, nhưng tối lại, tôi phải dẫn Ngọc ra giải khát ở tiệm cà phê cạnh nhà.
Ngọc từ Đà lạt về. Anh ta khai thác một sở dâu trên ấy! Lúc anh ta dùng muỗng nhỏ quậy đường dưới đáy tách cà phê đậm đen, anh ta đột ngột nói:
- Hình như là toa quên mất Lan rồi.
Tôi giật nẩy mình, dáo dác nghe ngóng. Cái tên ấy vang dội bên tai tôi lần đầu tiên từ mười mấy năm lặng tiếng, và vang dội rất sâu xa trong lòng tôi.
Từ thuở giờ, có nghĩ đến nàng, tôi chợt nghĩ thầm mà thôi và không hề được nghe ai nói đến tiếng "Lan" cả.
- Quên thì cũng không quên, tôi đáp, sau một hồi thẩn thờ. Nhưng mỏa cố mà quên cho khỏi buồn.
Ngọc vẫn biết mối tình của tôi và Lan, và vẫn biết cả hai chúng tôi đã đau khổ. Anh ta tiếp:
- Lan cũng đã góa bụa từ ba năm rồi.
Tôi lại giật nẩy mình, nhưng lần nầy tôi không dáo dác nghe ngóng nữa, mà há miệng, trố mắt nhìn Ngọc trân trối.
- Lan?
Lâu lắm tôi mới ấp úng hỏi được một tiếng, rồi cà lăm, cà lắp một hơi, tôi mới thốt ra câu:
- Lan...đã góa chồng?
- Ừ.
- Và đã mãn tang?
- Ừ.
- Nhưng hiện giờ Lan ở đâu?
- Toa khéo hỏi! Từ năm năm nay, mỏa chỉ sống trên Đàlạt tạo hình còn biết sao được người nơi khác?
- Lan làm gì?
- Lan theo chồng lên trên ấy. Anh ấy là công chức...
- Mỏa biết điều đó.
- Anh ấy chết rồi, nàng ở đó luôn, mở hiệu bazar.
- Toa cho mỏa địa chỉ được không?
—¯-
Tôi với Lan thư từ qua lại với nhau suốt một năm trường như là bạn trẻ chơi trò tìm lại tri âm, theo lời rao trong các báo, viết cho nhau, trao gởi niềm tâm sự, mà không hề biết mặt mũi nhau ra sao.
Hình bóng của gương mặt Lan ngày xưa đã bị xóa phai lần lần nơi trí nhớ của tôi, tôi rất khó mà hình dung ra nàng. Chắc là nàng cũng thế, với tôi.
Tháng chạp nầy, nàng về Sài Gòn chơi một chuyến và hẹn cho tôi gặp mặt, sau lời van nài tha thiết của tôi.
Chúng tôi đã viết cho nhau mỗi đứa hăm hai bức thư rồi, cứ nửa tháng một bức, đứa nầy xin ảnh đứa kia, nhưng không đứa nào thỏa mãn đòi hỏi của đứa nào cả, có lẽ muốn giành cho nhau một sự ngạc nhiên?
Trời, hồi hộp ghê! Ngày xưa chúng tôi đã gặp nhau trong một phiên chợ Tết, và ngày nay sắp lại gặp nhau cũng trong một đêm chợ Tết, cả hai đứa đều rảnh rang như hồi còn con trai, con gái.
Tôi đếm từng ngày, y như là trẻ con ở nhà quê trông Tết để được mặc áo mới.
Hình như là nàng cũng thường về Sàigòn nên có vẻ thạo lắm. Nàng hẹn với tôi tại hiệu ăn Nam Mỹ, đường Lê Thánh Tôn, hồi bảy giờ rưỡi tối.
Thú vị quá, y như là đôi bạn hàm thụ gặp nhau sau một mùa quen nhau bằng thư,
ra ám hiệu để nhận nhau. Nàng cho biết rằng nàng sẽ mặc áo màu vàng nghệ, và sợ trùng áo với người khác, nàng sẽ để trên bàn một tập Selection.
Từ ngày được nàng ban ân huệ cho gặp mặt đến nay, tôi cứ lo rằng phải thất vọng. Mười tám năm đã qua rồi, còn gì nữa! Lắm cô gái, lấy chồng, mới đẻ có một lửa mà đã già xọm, phương chi là mạng phụ phu nhơn đã mười tám mùa sương tuyết gội lên đầu nầy.
Nhưng khi được bức thư mang ám hiệu áo màu vàng nghệ, tôi yêu đời ghê đi. Nếu nàng già, mặc áo vàng nghệ xem hẳn không được, mà nhớ ra thì Lan rất sành ăn mặc.
Các gian hàng quanh chợ Bến Thành làm cho lòng trai trẻ vui rộn lên mà đặc biệt cũng làm cho lòng ông già, à không, một ông sồn sồn vui rộn lên nữa.
Rằm! Mười sáu! Mười chín! Hăm mốt! Đưa ông Táo! Trời sao mà lâu quá! Đêm hăm tám tôi mới gặp được cố nhân!
Tôi đã chiêm bao thấy nàng đến năm lần rồi, lần nào nàng cũng thật thật hư hư, khi ẩn, khi hiện, gương mặt mơ hồ, huyền ảo, không còn biết ra sao nữa.
Chúng tôi yêu nhau năm Lan mười bảy tuổi, tôi mười chín. Mười tám, Lan đi lấy chồng. Mười tám mùa xuân đã qua rồi, và năm nay Lan băm sáu.
Băm sáu cũng chưa già.
Hăm bốn! Hăm lăm! Trời, thời gian bộ trôi sai tốc độ bình thường sao mà!
Hăm tám Tết.
Hôm nay tôi đi thợ cạo để hớt tóc ăn Tết đây, mặc đầu tóc tôi mới hớt có năm ngày. Tôi phải trẻ mới được. Và tôi rất hài lòng mà nhìn thấy trong gương của hiệu hớt tóc và gương ở nhà tôi rằng quả tôi trẻ thật.
Trai băm tám mà sao già được. Tôi trẻ, tôi còn muốn trẻ thêm. Ám hiệu nơi tôi, đối với nàng là một chiếc quần Texa màu thợ máy với lại một chiếc sơ-mi-dét màu ngà; bên trái có một lằn dọc màu sô-cô-la chạy từ vai xuống tới trôn áo.
Tôi xức nước hoa hiệu Bain de Champagne, điều đó cũng nói rõ trong thư cho nàng biết, vì đó là dấu hiệu bổ túc để nhận nhau, y như tập Selection của nàng.
-¯—
Tôi đẩy cánh cửa sắt bông của hiệu Nam Mỹ, bước vào trong, đưa mắt nhìn qua một lượt thì ngã lòng lắm. Nàng sai hẹn chăng? Nàng quả quyết rằng sẽ đến trước giờ hẹn mười lăm phút, nhưng hiện không có mặt nàng ở đây.
Có, có một thiếu nữ mặc áo vàng nghệ, đang ngồi một mình, nhưng đó chỉ là một thiếu nữ trạc mười bảy, mười tám tuổi thôi.
Thiếu nữ cao lớn như người đã trưởng thành, có vẻ nghiêm trang chững chạc lắm, nhưng gương mặt còn ngây thơ quá, không thể nào mà một bà băm sáu lại hóa trang giỏi đến hóa ra một cô học trò được.
Sau lưng cô gái áo vàng còn một bàn trống, tôi bước vào đó, định ngồi đợi nàng xem sao.
Lúc đi ngang qua bàn của thiếu nữ áo vàng, tôi giật nẩy mình. Trên bàn, một tập Selection cũ đang nằm cạnh chiếc xắc của cô gái.
Cô gái cũng ngước lên nhìn tôi không ngạc nhiên, cô ta đứng dậy lễ phép chào tôi rồi hỏi:
- Thưa ông, có phải ông là...
- Thanh.
- Con xin chào cậu, và mời cậu ngồi.
Thì ra Lan có con lớn đã gần gả chồng lận. Có lẽ nàng đi đâu đó, để con lại hầu đón tôi. Tôi lặng lẽ ngồi xuống trước mặt cô bé và cô bé nói:
- Con là Thủy. Má con dặn con đón cậu ở đây.
- Cũng hay, thế má cháu còn bận mua sắm gì chắc?
- Thưa không. Má con không xuống Sàigòn được.
Tôi rụng rời, cũng gần gần nhất đi, như ngày mà Lan báo tin với tôi rằng nàng phải đi lấy chồng.
- Sao... cháu nói sao?
- Dạ, má con không xuống được vì đau chơn.
- Vậy à? Tiếc quá!
Tôi ngó mong lên trần nhà, không nghe câu hỏi sau đây của cô bé:
- Má con sợ sai hẹn với cậu, nên dạy con đón cậu đêm nay.
Người hầu bàn đưa thực đơn tới dưới mũi tôi và hỏi:
- Xếnh xáng uống gì?
Tôi giật mình nhìn xuống rồi nói:
- Nước lạnh.
Quả tôi đang cần nước lạnh thật. Tôi nghe cuống họng khô queo và khát nước quá sức. Cầm thực đơn mà không xem, tôi hỏi Thủy:
- Cháu xuống hồi nào?
- Dạ, con vẫn ở đây chớ.
- Vậy à? Sao lại ở đây?
Thật là ngớ ngẫn, câu hỏi của tôi, khiến người nữ sứ giả bật cười:
- Thưa, con học ở đây. Con học trường Gia Long.
- À, cậu ngốc thật. Cậu cứ ngỡ con cái, luôn luôn phải ở với mẹ.
Thủy mĩm cười nói:
- Con chắc không phải cậu nghĩ như vậy đâu. Chẳng, cậu thường thấy người ta gởi con lên Đàlạt học, nên...
Tôi xác nhận:
- Đúng như vậy.
Xác nhận xong, tôi chợt thấy mình đang mất hồn. Quả tôi nghĩ như cô bé Thủy nầy đoán, nhưng lại nói ra khác, vì đãng trí. Thủy tiếp:
- Điều đó quả có như vậy. Trên bực Đại học thì không nói gì, chớ dưới trung học thì những nhà muốn làm Tây, hay cho các con lên Đàlạt. Trái lại, nhiều gia đình trên ấy lại tưởng tượng rằng trường học ở Thủ đô hẳn phải giỏi hơn trường học ở tỉnh, nên cố cho con họ xuống Sàigòn.
Bây giờ, tôi mới nhìn cô gái mặc áo vàng nghệ không hạp với các bà già, nhưng cũng chẳng hạp với gái thơ, thành thử cô bé Thủy trông đứng người ra như một thiếu phụ.
Và tôi ngây người khi bốn mắt gặp nhau. Đây là Lan, Lan của mười tám năm về trước, y hệt như vậy, không khác nét nào cả. Tôi đã quên mất gương mặt cũ của Lan, nhưng chỉ quên trong ký ức thôi, chớ thấy được mặt nàng, tôi nhận ra ngay tức khắc.
Mà làm sao thấy được mặt nàng, bởi gương mặt ấy đâu có thể còn được. Vậy mà còn. Còn vì Lan đã sao y nguyên bản để gởi xuống cho tôi làm tin.
Bị xô ngã thình lình xuống một giòng thời gian đang trôi ngược với một tốc độ kinh khủng, trong giây phút tôi sống lại trọn vẹn cái năm hạnh phúc nhứt mà cũng đau buồn nhứt của đời tôi.
Tôi nhìn sững sờ bé Thủy, lòng phấn khởi vô biên, y như vào đêm đầu chúng tôi gặp nhau, rồi liền đó, tôi nghe lòng quặn thắt vì chợt tỉnh ra rằng đây chỉ là một bóng ma dĩ vãng thôi.
Thẩn thờ giây lát, tôi thở dài rồi hỏi:
- Má đau chơn làm sao? Bịnh hay tai nạn?
- Thưa, má vấp, suýt té, bị trặc chơn, phải đi cà nhắc, nhưng không sao cả.
- Ngoài việc rủi nho nhỏ ấy, má vẫn mạnh chứ?
- Dạ, cũng không được mạnh lắm, từ ngày ba con qua đời, má con cứ đau yếu luôn. Má con bây giờ gầy lắm, với lại già lắm.
Tôi cũng như rơi từ cung trăng xuống. Từ nãy giờ biết rằng Thủy chỉ là Thủy thôi, mẹ nó hẳn phải già hơn, nhưng không sao tôi khỏi có ảo tưởng lẩn lút rằng tôi đang ngồi với Lan, và đã nghe sung sướng phần nào vì ảo tưởng ấy.
"Má bây giờ gầy lắm và già lắm!" Tôi vụt hiểu ngay, Lan không hề đau chơn và có lẽ nàng ở Sàigòn cũng nên. Nhưng người xưa của tôi không thích để cho cố nhân của nàng gặp lại một cô Lan đã già.
Nàng đã nuôi ảo tưởng suốt một năm nay, suốt thời gian hai người thư từ qua lại với nhau, nhưng đến lúc tôi nài nỉ được cho gặp mặt thì nàng chợt tỉnh, nhớ ra thực tế và thấy rằng thà để người cũ mơ mãi bóng xưa của nàng, hay hơn là bắt tôi phải thất vọng. Tôi thất vọng, gặp nhau rồi chia tay nhau, không xin gặp lại nữa thì nàng sẽ đau biết bao nhiêu!
Đó là ích kỷ của con người, nàng Mai Phi, người ái phi thứ nhì của Đường Minh Hoàng, sau khi Dương Quý Phi bị hạ sát, nàng đã ích kỷ như vậy, và có lẽ tất cả đàn bà, đàn ông trên thế gian nầy đều ích kỷ như vậy, họ không sợ người yêu của họ thất vọng lắm cho bằng sợ chính họ phải tủi thân.
Riêng Lan, nàng đã ích kỷ hơn tất cả mọi người. Chẳng những nàng lánh mặt, nàng lại còn ủy nhiệm cho một mùa xuân mới, đại diện cho nàng. Mùa xuân nầy còn ngây thơ quá. Nàng bắt nó mặc áo màu vàng nghệ cho nó đứng người ra để "ai đó" quên thực tế, ảo tưởng rằng đang ăn cơm với nàng.
Mối tình nơi "ai đó" phải được sống dậy. Ít lắm cũng trong một tiếng rưỡi đồng hồ, và đêm nay, giờ nầy, ở một nơi kia trong đô thành, Lan có lẽ đang ngây ngất sống, tưởng tượng ra hạnh phúc của nàng, nhập hồn vào xác của con gái nàng để nhìn tôi say đắm ngắm nàng qua Thủy.
Quả tôi đã say đắm ngắm Thủy nhiều lần thật rồi đó và tôi nghe sung sướng vô cùng, trong những phút giây mà tôi quên thực tại.
Hai chén công-xôm-mê nóng đã nguội, đã lạnh, mà chưa ai buồn uống. Thủy nói:
- Má con nhắn lời với cậu rằng má con bận lắm, nên xin từ đây vô phép không gởi thư cho cậu nữa.
- Để bù lại, má con dặn con thỉnh thoảng đi thăm cậu, nếu cậu cho phép.
Tôi rơm rớm nước mắt. Tôi nghe mình bị bỏ rơi lần thứ nhì, mười tám năm sau ngày Lan báo tin lấy chồng.
Lần nầy lan mới thật là chết. Tôi không giết nàng trong ký ức mà chính nàng đã tự tử. Nàng để lại cho tôi một di vật là con bé Thủy nầy. Nhìn nó tôi có thể tạm quên.
Nhưng trời ơi, càng nhìn nó, tôi càng nhớ, Lan không biết điểm tâm trạng nầy, hành động sai, thành thử nàng hóa ra kẻ chơi ác.
Lệ của tôi rịn ra nhiều quá, tụ thành giọt. Tôi mắc cỡ, cúi xuống chén công-xôm-mê, tay cầm muỗng lên, miệng nói:
- Ta ăn thôi chớ.
(Tuần báo Tiền Phong, 1965)
--------------------------------
1 Người kể chuyện cho tác giả nghe.
Diễm Phượng Diễm Phượng - Bình Nguyên Lộc Diễm Phượng