Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Đêm Thu
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 7 -
N
gày thứ nhất.
Buổi sáng Sài Gòn không giống như buổi sáng quê nhà. Không có con sáo sậu hót rả rích chào đầu ngày, không có tiếng gà gáy vang bên bờ giậu.
Buổi sáng Sài Gòn bắt đầu bằng tiếng xe nổ máy êm êm, tiếng mở và đóng cổng khi trời còn tờ mờ. Thu Phong nhoài người nhìn lên cái đồng hồ trên bàn. Đã năm giờ. Vậy là Nguyên đi rồi đây.
Còn sớm đối với người thành phố, cô cho phép mình nằm thêm vài phút trên giường mà nghĩ ngợi. Thế là cô đã bước vào ngày thứ hai với chỗ ở mới.
Phòng Nguyên dành cho cô sát với phòng cu Phong và đối diện phòng anh. Phòng được sơn màu hồng nhạt, tất cả những vật dụng trong phòng có vẻ xa xỉ quá đối với một con nhóc nhà quê như cô.
Nhưng gì thì gì, phải tập làm quen với tất cả, kể cả cái nệm êm ru mà nhột người này.
Cô ngồi dậy xếp mền gối rồi vào nhà vệ sinh rửa mặt. Vòi nước mạ kền sáng loáng khiến cô liên tưởng đến cái lu nước bên hè mà mới hôm nào cô còn dành ống kem chọc phá mấy bà chị.
Tặc lưỡi tự nhủ đừng nghĩ hoài về ngày hôm qua như thế, kẻo lại nhớ nhà, tủi thân thì khổ, cô thay một bộ áo mới và xuống dưới nhà.
Vào gian bếp có ánh đèn, cô thấy dì Tư đang làm điểm tâm. Dì giật mình khi thấy bóng cô vào.
- Cô Hai dậy sớm quá. - Dì chào.
Cô cười:
- Cũng chưa sớm bằng dì và anh Nguyên.
Dì Tư gật đầu:
- Dạ, phải phải. Cậu Nguyên cũng vừa mới đi khỏi.
Thu Phong đến ngó cái chảo trên bếp:
- Dì đang làm cái gì vậy? Dì nấu bún gạo à?
Dì Tư gật:
- Dạ, tôi định xào bún gạo. Món này bà Minh thích ăn, vả lại cậu nhỏ cũng dễ đút.
Dì Tư gọi cu Phong là cậu nhỏ nghe thật ngộ. Chắc lại là cách xưng hô mà bà Minh buộc người ta gọi đây mà. Thu Phong gật gù nghĩ ngợi, cô nhìn dì Tư một thoáng rồi chợt hỏi:
- Dì Tư nè, con có thể hỏi dì vài chuyện được không?
Buông củ cà rốt đang bào nhỏ, dì Tư ngước lên e dè:
- Dạ, nhưng nhiều chuyện tôi cũng không biết đâu cô Hai.
Thu Phong cười:
- Không phải chuyện về người nào trong nhà đâu mà dì ngại, con chỉ tò mò muốn hỏi thử, hôm qua con thấy dì lấy một chén cơm và mấy món ăn xé nhỏ đem ra phòng khách đút cho cu Phong, vậy em có ăn hết không?
Dì Tư gật đầu ngay:
- Dạ hết.
Cô nheo mắt:
- Dì Tư nói thật à? Cu Phong thật sự ăn hết mâm cơm đó?
Dì Tư lúng túng:
- Không hết sạch, nhưng cũng.. ăn hầu hết.
- Ăn hầu hết? Hay vậy à?
Dì Tư gật gật đầu rồi quay qua cầm lại củ cà rốt.
Ghé ngồi lên bàn bếp, Thu Phong cười nói:
- Chà, nếu cu Phong ăn được như vậy thì cũng rất tốt, con cứ tưởng bị bắt ăn riêng như vậy em sẽ buồn, vậy mà ngược lại, em lại chịu ăn. Lạ thật! Vậy mai mốt, cứ để em...
- Cô... Cô Hai!
Giọng rụt rè của dì Tư làm cô nhìn lại. Cô cứ nhìn, nhưng im lặng chờ đợi. Cuối cùng, dì đành thở dài:
- Thật ra... Tại tôi nói quá, chứ nếu đã có cô Hai lo cho cu Phong, thì xin cô để tôi chỉ lo chuyện bếp núc và dọn dẹp thôi. Tôi... tôi ngại chuyện đút cơm cho cậu nhỏ lắm.
Thu Phong không lộ vẻ gì là ngạc nhiên, cô hỏi:
- Tại sao vậy dì? Dì đã bảo là dì đút em ăn được lắm mà?
Dì Tư ngượng ngập lắc đầu:
- Tôi nói thật với cô Hai vậy. Đút cậu nhỏ ăn khó lắm. Tôi vừa đút cơm vừa năn nỉ thì may ra cậu mới ăn vài muỗng.
- Vậy bữa đó...
- Mâm cơm đó lấy cho đầy đủ vậy thôi. Tôi sợ mọi người mắng mình không cố gắng nên không dám nói thật. Chứ cậu nhỏ chỉ ăn ba bốn muỗng là lắc đầu thôi rồi.
Thu Phong nhìn dì Tư, Nguyên cũng khá tinh mắt, anh hiểu được chuyện này, dù người làm muốn giấu diếm sự thật. Cô gật đầu:
- Thôi được rồi, nếu dì nói thật, tôi sẽ xin cô và anh Nguyên cho tôi thử đút cơm cho em thay dì xem sao.
Dì Tư mừng rỡ:
- Nếu vậy thì hay quá. Tôi xin nói thật với cô Hai sơ về cái cực khi đút cơm cho cậu nhỏ. Không phải tôi không ráng ép mà là vì cậu nhỏ không muốn nhai, cậu nhỏ chỉ ăn chút cơm chan canh, ráng dằm chút thịt xé nhỏ, cậu cũng lè ra, rồi hễ có mùi cá, cậu cũng không chịu được.
- Vậy à? - Thu Phong trầm ngâm.
- Dạ, cho nên hồi xưa cậu Nguyên cũng có cho cậu nhỏ ngồi trong bàn ăn chung, nhưng cực nhọc lắm, mấy lần nhà có khách, cả bàn không ai ăn uống gì được.
- Tại sao?
- Vì cậu nhỏ cứ lè thức ăn suốt buổi. Có hôm tôi nấu cá chưng. Mặc dù đã tránh không cho cậu nhỏ ăn, nhưng ngồi vào bàn được một lúc là cậu ói ra ngay. Hôm đó làm dơ luôn áo của cô Nhã ngồi cạnh. Cho nên sau nhiều lần như vậy, cậu Nguyên mới bắt cậu nhỏ ăn cơm riêng, rồi giao cho tôi phải đút.
Dì Tư thở dài:
- Tôi thấy cậu nhỏ ăn không được cũng buồn, thêm cảnh cậu bị ăn riêng một mình rất ư tội nghiệp. Nếu cô Hai có cách nào làm cậu nhỏ ăn nhiều hơn thì tốt lắm. Cậu nhỏ mà chịu ăn, cậu thích món gì tôi cũng sẽ làm cho thật ngon để cậu ăn.
Thu Phong nhướng mắt lắng nghe lời dì Tư. Chuyện này không biết cô có thể thực hiện được không. Nhưng cứ coi như đây là thử thách đầu tiên đi, cô cần phải làm được.
Dì Tư còn định nói gì nữa, nhưng dì vụt ngưng bặt khi nhìn ra cửa bếp. Thu Phong ngạc nhiên quay lại. Cô tròn mắt vui vẻ và nhảy phóc xuống:
- Chào cô! Cô đã dạy rồi.
Bà Minh nhìn dì Tư, rồi quay nhìn qua cô với vẻ mặt nghiêm nghị, sau đó bà nói như ra lệnh:
- Cháu đưa tôi ra ngoài sân một chút đi, để dì Tư làm điểm tâm cho xong.
Cô dạ một tiếng rồi bước đến đẩy xe cho bà quay ra phòng khách. Bà chỉ cho cô đẩy qua bên phải xuống một con dốc dài để ra sân. Trời đã bắt đầu sáng rõ, hương thơm của cây cỏ như tinh khôi trong buổi sớm mai.
Thấy một ghế xích đu sát bờ tường, Thu Phong thích chí đẩy bà đến đó. Như hiểu ý cô, bà Minh nói:
- Cháu ngồi xuống ghế đó đi.
Khi cô vừa ngồi đung đưa ghế nhè nhẹ, bà nghiêm mặt giáo huấn ngay:
- Có một chuyện cần phải nói cho cháu biết, nếu sáng cháu có dậy sớm, thì nên lên sân thượng tập thể dục hoặc xuống vườn hái hoa, ngắm cảnh mà chơi, không nên vào bếp mà tán gẫu với người làm kiểu đó.
Cô ngưng nhịp đẩy ghế:
- Nhưng... cháu chỉ trò chuyện với dì Tư một chút thôi. Ba cháu dạy đi đâu gặp người lớn, người lạ thì chào hỏi vui vẻ với người ta cũng là một việc nên làm mà.
Bà Minh nhíu mày:
- Phải, ba cháu dặn không sai, nhưng đó là dạy cho một đứa bé con, cháu đã là vợ của Nguyên, là người chủ thứ hai trong gia đình này rồi, cháu không cần phải chào hỏi người làm, không cần phải vui vẻ với họ.
Thu Phong ngập ngừng:
- Vui... vẻ, cũng không được sao cô?
- Vui vẻ tất nhiên là tốt, nhưng đừng quá lố, phải tùy tình huống, tùy đối tượng. Cháu có thể vui vẻ với Nguyên, với cu Phong, nhưng tuyệt đối không có chuyện vui vẻ và trò chuyện với người làm. Người làm và nhà chủ nhất thiết phải có khoảng cách, như vậy họ mới dè chừng và nghe lời.
Thu Phong lặng im. Cô thật sự rất muốn phản đối. Người làm cũng là người như mình thôi. Chẳng lẽ bỏ tiền mướn người ta là phải trang bị luôn cái mặt lạnh để sai phái sao?
Bà Minh nói tiếp:
- Rồi cháu sẽ học cách xử sự sao cho khéo, cho đúng với vai trò, cương vị của cháu. Làm bà chủ cũng không có cảnh ngồi trên bàn bếp như khi nãy. Tôi mong rằng đây là lần cuối tôi thấy cảnh này. Hãy nghĩ mà xem nếu người ngoài mà nhìn thấy họ sẽ nghĩ sao về gia đình này? Còn gì là thể diện thằng Nguyên nữa?
Thu Phong cụp mắt ngồi im. Cô chỉ là bà chủ giả hiệu, vậy mà cũng cần phải trau chuốt thể diện cho nhà người ta nữa. Đúng là chẳng còn tự do.
Thấy cô lặng im. Bà Minh dịu giọng:
- Không phải mới sáng sớm tôi đã muốn la rầy cháu, nhưng tôi mong cháu phải sửa cho tốt, phải triệt ngay từ đầu những hành động bình dân bộc phát kiểu này.
Nhìn khắp người Thu Phong, bà nói:
- Đây là quần áo thường ngày của cháu à?
Liếc xuống bộ đồ gấm xanh rộng thênh mặc trên người, cô lắc đầu:
- Không phải, đây là bộ đồ của chị Ba. Ở quê, con không mặc mấy thứ này, dễ bị xước gai cỏ lắm. Nhưng tại vì má và chị Hai không hiểu sao bỏ vô túi con mấy bộ đồ giống vầy, nên con phải mặc thôi.
Bà Minh cau mày:
- Đây là đồ của mấy người chị à?
Thu Phong trợn mắt. Cô như phát hiện mình đã nói hớ điều gì. Cô ấp úng phân trần:
- Là tại... má cũng có nói sẽ lên phố chợ mua cho con mấy bộ đồ, nhưng mà anh Nguyên đón gấp quá, nên chị Hai chỉ kịp mua cái áo dài cho con mặc hôm qua, còn mấy bộ áo này... Chị Ba hình như cũng mới may thôi, nó còn mới tinh và đẹp lắm. Con thấy có bộ màu đỏ nữa. Bộ đó là đẹp nhất của chỉ.
Bà Minh nhớ đến cái túi nhẹ hều Nguyên xách lên lầu hôm qua, bà hỏi nhanh:
- Tất cả mấy bộ?
Thu Phong gãi đầu nhưng không thể không nói thật:
- Dạ, bốn bộ.
Nhìn Thu Phong chăm chú, bà Minh như lặng đi trước điều vừa phát hiện, bà lắc đầu một mình.
Không ngờ má ruột con bé lại có thể như thế. Con bé đã vì má, vì gia đình, chưa đủ mười tám mà gánh luôn trên vai số nợ nần của má, vậy mà bước chân ra đi cũng không có bộ quần áo ra hồn. Hành trang như vậy sao gọi là về nhà chồng?
Nhìn lại tấm áo gấm rộng mặc khín từ chị của Thu Phong, bà hỏi gặng:
- Vậy trước nay quần áo của cháu là ai mua cho?
Thu Phong ngẩng lên:
- Là ba con. Mỗi một vụ mía, ba mua cho một bộ. Dù ba mua thường thì.. không mới toanh như vầy, nhưng con cũng thích lắm, vì tha hồ mặc chà lết, vui đùa.
Nhắc về ba có lẽ làm cô vui hơn. Cô cười, nói như khoe:
- Đồ ba mua, quần thì là quần ka ki, ngắn ngắn thôi, áo thì là áo sơ mi hoặc áo thun thật rộng có sọc hoặc vẽ hình con thú gì đó trông rất vui mắt. Mặc vừa thoải mái, vừa tiện lợi. Năm nay con vào lớp mười, ba có nói đợi một hai tháng, ba sẽ mua vải trắng may cho con một bộ áo dài, nhưng...
Bà Minh hiểu những gì cô chưa nói sau cái nhưng đó. Bà im lặng nhìn vào đôi mắt sáng long lanh của Thu Phong một lúc rồi gật đầu:
- Được, kể ra cháu cũng rất thành thật, tôi rất thích tính này.
Câu nói thẳng thắng của bà làm Thu Phong ngẩng nhìn hơi ngạc nhiên. Và hình như ngay cả bà Minh cũng lạ tai đối với những câu khen ngợi. Bà nghiêm mặt lại ngay và nói lảng đi:
- Cháu hãy đẩy xe đưa tôi vào nhà đi, có lẽ cu Phong đã dậy, và bữa điểm tâm đã sẵn sàng.
Thu Phong vâng lời, cô đẩy xe đưa bà vào trong.
Nắng đã chiếu những tia mỏng xuyên xuống khu vườn phía trước. Và gió nhè nhẹ lay những nụ hoa tinh khôi mới hé.
Ngày mới bắt đầu rồi.
Khi Thu Phong đẩy xe đưa bà Minh vào nhà, cu Phong vẫn chưa thức dậy. Cô xăng xái nói với bà:
- Để con lên đánh thức em.
Bà Minh cản lại ngay:
- Ấy đừng, giờ này còn sớm, nó không dậy trước tám giờ đâu. Mình vào ăn sáng trước đi, rồi nhân lúc nó chưa thức dậy, cháu đưa tôi ra ngoài có vài công chuyện.
Bữa điểm tâm chỉ có hai người càng buồn tẻ. Nhưng cũng may bà Minh không hỏi chuyện Thu Phong nữa, bà ăn chậm rãi, với dáng vẻ trầm ngâm như suy tưởng những gì.
Thu Phong đã ăn hết đĩa bún gạo xào, khi cô vừa buông đũa, bà Minh đã ra hiệu dì Tư đơm cho cô đĩa khác, Thu Phong lúng túng:
- Cô ạ, con đã ăn một đĩa rồi.
Mắt bà nhìn cô thẳng thắn:
- Nhưng tôi biết cháu còn ăn nữa được, hãy ăn đi, đừng ngại gì cả. Mỗi đĩa chỉ nhỏ như lưng chén mà.
Đợi dì Tư lui ra sau, bà tiếp:
- Hôm qua ăn chung hai bữa cơm, tôi có để ý thấy cháu mỗi bữa chỉ ăn có một chén. Tại cháu không quen thức ăn, hay cháu sợ ăn nhiều chúng tôi không hài lòng?
Thu Phong vội trả lời:
- Không phải đâu cô. Thức ăn ở đây dì Tư nấu ngon lắm. Chỉ có điều ở dưới quê, cháu và ba chỉ quen ăn một chén.
- Tại sao lại như vậy? Cuộc sống ở dưới khó khăn à?
Cô lắc đầu:
- Dạ, không hẳn như vậy. Cuộc sống ở quê tuy không phong lưu lắm, nhưng về cơm gạo thì không đến nổi thắt lưng buộc bụng, chỉ có điều ba con mấy năm gần đây bị bịnh đau bao tử. Ba ăn ít lắm, chỉ có một chén, con thấy mình không làm cực như ba, mà ăn nhiều hơn không tiện nên cũng ăn bằng vậy luôn.
Bà Minh gật gù:
- Hèn gì mà cháu gầy ốm như thế. Ở đây không cần ăn một chén cho bằng ai nữa, cháu có thể ăn uống bình thường như mọi người không?
Ngập ngừng cầm đôi đũa lên lại, cô gật đầu:
- Dạ, con xin lỗi vì để cô phải dạy cả chuyện nhỏ nhặt này.
Bà Minh lắc đầu:
- Thật ra tôi chỉ để ý cách ăn uống của cháu để nếu có gì thì sửa thôi.
Nuốt vội gắp bún, cô tò mò:
- Vậy cháu...
Bà Minh nhướng mày:
- Nếu bỏ qua hành động ráng nuốt này thì cháu không có gì đáng phàn nàn. Ăn uống từ tốn như hôm qua là rất tốt. Cháu nên nhớ mình là ai, không nên hấp tấp với mọi việc, hiểu chưa?
Cô gật ngay:
- Dạ, con hiểu.
Rồi cô nhìn bà mỉm cười. Thật sự bà Minh cũng không quá khó. Bằng chứng là cô đã được hai bằng khen của bà. Bằng khen thứ hai này làm cô nhớ đến ba. Nếu không nhờ bịnh bao tử làm ba ăn chậm, nhai kỹ, và cô cũng bắt trước theo thì đâu được cái... cách ăn hiền như thế đâu.
Bà Minh quan sát cô một chút rồi nói:
- Cháu sắp mười tám tuổi nhưng gầy ốm quá, cứ như một đứa trẻ con chứ không giống một thiếu nữ tuổi dậy thì. Tôi nghĩ cháu cần ăn uống dinh dưỡng để có sức sống hơn nữa.
Cô tò mò:
- Ăn uống dinh dưỡng... là ăn cho no phải không cô?
Bà Minh cười lắc đầu:
- Không phải đâu. Ăn uống dinh dưỡng có nghĩa là ăn đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như chất đạm, chất béo, chất sắt, vitamin...
Có vẻ đụng đến vấn đề bà tâm đắc, nên bà nói khá trôi chẩy và hùng hồn:
- Không cần phải ăn nhồi nhét cho no căng, mà chỉ cần đúng tiêu chuẩn về dinh dưỡng với đúng độ tuổi, thì chừng đó thân thể khỏe mạnh, khí chất dồi dào, kết hợp thêm với các bài thể dục thì cơ thể phát triển được dáng vóc, chữa được chứng suy dinh dưỡng nhẹ như cháu. Mặt khác, ăn uống dinh dưỡng còn giúp cho người ta giảm cân nữa. Giảm cân nhưng vẫn đầy đủ sức khỏe.
Những lời rườm rà của bà làm Thu Phong thấy... mông lung thêm. Như hiểu suy nghĩ của cô, bà cười:
- Nghe không hiểu lắm à? Cháu khỏi ngại vì việc này, vì ở Pháp, tôi làm việc trong ủy ban dinh dưỡng địa phương mà. Chỉ cần cháu theo thực đơn ăn uống của tôi thì tôi nghĩ chắc chắn chừng vài tháng, cháu sẽ thấy có kết quả.
Thu Phong vội hỏi:
- Cô ơi, nếu vậy thể chất của em Phong...
Đang tươi cười, bà Minh trầm mặt xuống ngay. Bà lắc đầu:
- Thật ra Nguyên nó nhờ tôi giúp nó chủ yếu là việc này. Nhưng tôi đã cố gắng trong hai năm ròng rồi. Tôi đành phải thú nhận là tôi chịu thua. Suy dinh dưỡng chỉ có thể chữa trị ở người chịu ăn, chịu chữa. Còn cu Phong, có cố ép nó thì cũng không được.
Bà chắt lưỡi chán nản:
- Nó ăn uống rất ít, thực đơn lại không có thịt cá, với kiểu ăn của nó, đứa con nít khác đã phải vào bịnh viện rồi. Cũng vì vậy mà nó cũng bạc nhược, không muốn chơi đùa, không muốn động tay động chân vào bất cứ thứ gì.
Thu Phong thần mặt suy nghĩ. Bà Minh đã là một chuyên gia về dinh dưỡng mà còn bó tay, vậy cô là một đứa con gái chưa vào trung học, biết lấy gì để thành công trong việc chăm sóc sự ăn uống của em đây?
Như hiểu nổi lòng của cô, bà Minh vỗ nhẹ lên tay cô và nói:
- Đừng quá lo lắng, chúng ta phải từ từ tìm cách thôi. Biết đâu nó chịu nghe lời cháu ăn uống được. Đừng nản lòng.
Thu Phong gật đầu nhìn bà. Tia mắt của bà Minh giờ đây đã bớt vẻ lạnh lùng, dường như bà đã có chút đồng cảm với cô vậy.
Hai đĩa bún đã xong, bà Minh bảo cô uống một ly nước cam đầy. Bây giờ thì có thể nói là cô quá sức no, hai đĩa bún không nhiều thật, nhưng trước đây cô đâu có quen ăn sáng, nên bây giờ cứ ngồi mà ứ thở.
Nghỉ dăm phút, chưa kịp tiêu thức ăn, bà Minh lại hối cô đẩy xe đưa bà đi chợ. Người tài xế taxi mà bà bảo cô ngoắc trên đường sốt sắng đỡ bà lên xe và cất xe lăn vào cốp trước khi cho xe lăn bánh.
Bà Minh bảo taxi đưa đến một siêu thị thật lớn. Nơi mà những hàng hóa được chất đầy ắp dọc hai bên lối đi nhìn thật bắt mắt.
Trong khi Thu Phong còn ngơ ngác nhìn ngắm lung tung, bà Minh bảo cô đẩy bà đi đến những khu hàng để bà mua sắm. Gian hàng đầu tiên mà bà bảo cô đẩy vào là gian hàng bán giầy dép.
Liếc qua kệ hàng, bà chỉ tay chọn nhanh hai kiểu giày da một cao một thấp và đôi giày vải, một đôi dép. Rồi bà quay qua cô:
- Cháu ngồi thử tất cả đi.
Bà bảo người bán:
- Lấy số chân cô này, mỗi kiểu một đôi.
Thu Phong kinh ngạc sững sờ. Cô chưa biết nói gì thì bà đã nhíu mày hối thúc:
- Mau lên chứ Thu Phong, chúng ta phải về sớm kẻo cu Phong thức dậy không thấy ba nó lại tủi thân mà khóc.
Cuộc thử giày thế là lập rập diễn ra. Chỉ trong vòng năm phút, cô đã xách lủng khủng một cái túi lớn đựng giày.
Hết phần giày dép, bà lại chỉ tay qua gian bán quần áo may sẵn. Thêm mười phút cho việc lựa kiểu và ướm sơ trên mình Thu Phong, họ đã chọn được năm bộ áo mặc nhà, hai quần jean và ba cái áo thun ôm đủ màu.
Việc lựa chọn khiến Thu Phong choáng ngợp. Nhưng cô cũng không kịp cảm nhận điều gì thêm thì bà đã hối về rồi.
Chuyến đi mua sắm tốn gần nửa tiếng. Khi về đến nhà, đồng hồ đã chỉ tám giờ rưỡi, cu Phong vẫn chưa thức. Bà Minh bảo cô lên phòng cất mớ hàng vừa mua.
Cất xong gói hàng, cô định trở xuống nhưng khi đi ngang qua phòng cu Phong, cô ngần ngừ một giây rồi đánh bạo đẩy cửa bước vào.
Cu Phong vẫn còn nằm co trên cái gường nhỏ. Phòng em được sơn bằng nhiều màu sắc nhưng không kém vui nhộn.
Phòng đầy đồ chơi đẹp và đắt tiền, những thứ đồ chơi mà suốt tuổi thơ cô chưa một lần được sờ đến. Tất cả mớ đồ chơi ấy đều được xếp ngăn nắp trên hàng kệ nhỏ sát tường.
Có một cái ghế dầu thấp sơn hai màu cam và xanh lợt ở góc phòng, Thu Phong kéo ra giữa phòng và ngồi thử. Cô cười nho nhỏ. Ghế của cu Phong cũng suýt vừa với cô đó chứ. Chỉ có cái tư thế ngồi hơi thấp hơn với dáng cô thôi.
Tiếng cười nhỏ của cô hình như đánh thức cu Phong dậy. Em trở mình rồi nhấp nháy rèm mi kèm với một tiếng rên nhỏ. Thu Phong nhướng mày. Cô lắng tai nghe. Quả thật nhóc đang ư ư? rên hoặc càu nhàu gì đó.
Lạ lùng chưa. Sao nhóc lại rên rỉ nhỉ?
Cô bật cười gọi ngay:
- Cu Phong ơi! Thức chưa?
Sự lên tiếng của cô không ngờ lại làm cu cậu rên lớn tiếng hơn, và liền đó là dính kèm tiếng nấc như đang khóc. Thu Phong ngạc nhiên đứng dậy.
- Sao vậy Phong? Em đang nằm mơ à?
Cô đến bên giường lay nhẹ em. Ngờ đâu sự đụng chạm ấy làm em hét lên inh ỏi. Tiếng thét xé tai của em làm Thu Phong hốt hoảng đứng sững như trời chồng. Có tiếng chân sầm sập lên thang lầu, rồi cửa phòng mở ra với sự có mặt của dì Tư.
Dì kéo tay cô nói nhanh:
- Cô Hai, cô Hai ra ngoài đi. Cậu nhỏ không chịu cho ai đánh thức đâu. Cô Hai ra đi!
Cô luống cuống:
- Nhưng tại sao...?
- Cô mau ra đi. Không nghe tiếng động nữa thì cậu nhỏ mới chịu nín.
Trời, sao lạ vậy? Thu Phong theo dì Tư ra khỏi phòng với vẻ ngơ ngác, kinh ngạc. Cu Phong vẫn nằm co rúm trên giường, mắt nhắm nghiền mà miệng thì cứ thét lên mãi.
Bà Minh chờ cô dưới chân cầu thang với vẻ mặt lo lắng. Cô chưa kịp nói gì thì bà đã bảo nhanh:
- Ta ra salon đi. Ta và cháu nói về vấn đề này.
Thu Phong ngồi phịch xuống salon mà cứ ngây người. Thần chí cô như bị tiếng thét kia làm lạc mất nửa phần. Bà Minh nhìn cô rồi lắc nhẹ đầu:
- Trước sau gì ta cũng phải bàn về một số thói hư tật xấu của cu Phong cho cháu biết mà đề phòng. Tôi định lát trưa đợi nó ngủ sẽ có rộng thì giờ hơn. Ai ngờ cháu lại có ý muốn đánh thức nó.
Thu Phong lúng túng:
- Con xin lỗi. Con cứ ngỡ...
Bà Minh chắt lưỡi:
- Tôi không trách cháu. Chính tôi năm ngoái cũng bị nó hù muốn đứng tim với kiểu khóc thét đó.
- Nhưng tại sao... em lại có cái tật kỳ cục vậy hở cô?
Bà Minh lắc đầu:
- Tôi cũng không biết. Tôi có nghe nói mẹ của cu Phong xưa kia hơi yếu thần kinh hay bị giật mình hoảng sợ mỗi khi nghe tiếng động lớn và thình lình. Nó có thai cu Phong vào thời mưa bão. Nên tôi suy đoán rằng có thể cảm giác sợ sệt sấm chớp của nó lúc đó ảnh hưởng đến thần kinh của cu Phong sau này.
Thu Phong hoang mang:
- Không ai có thể chữa cái bịnh này sao hả cô?
- Hình như Nguyên đã có đưa nó đi bác sĩ, nhưng ngoài chuyện chuẩn đoán là nó ốm yếu suy nhược, họ khuyên là bồi bổ và cho nó tập dần với tiếng động nhỏ trong lúc ngủ để đừng quá sợ hãi như thế.
- Vậy anh Nguyên có làm theo lời khuyên của bác sĩ không ạ?
Bà Minh nhún vai:
- Tôi cũng không biết. Nhưng nếu có thử có lẽ đã thất bại. Cách đây hai năm, nhà của nó là một căn nhà mặt tiền ở trung tâm thành phố, nhưng bây giờ lại dọn vào khu biệt thự mới yên tĩnh và ít người kiểu này thì cháu có thể hiểu nó đã thất bại trong việc săn sóc và chữa trị thằng bé rồi.
- Chỉ có những lúc bé ngủ như vậy thôi phải không ạ?
Bà Minh gật:
- Theo như tôi biết là vậy. Trong lúc nó ngủ, cần phải thật im lặng. Phòng nó tuy nhỏ, nhưng thằng Nguyên đã cho thiết kế là phòng cắt âm tốt nhất. Nó mặc tình ngủ đến bao lâu cũng được, chỉ khi nào nó dậy, nó kéo chiếc nhỏ để ba nó lên thay áo.
- Ba nó? - Thu Phong kinh hoàng - Anh Nguyên đi từ sáng sớm rồi mà cô?
- Tôi biết. Nếu không có ba nó, thì cũng không ai được vào, nó đợi chán sẽ ra ngoài, tỉ tê khóc thầm một chút sẽ khỏi.
- Khóc thầm? Ngày nào anh Nguyên đi làm cũng vậy sao ạ?
Bà Minh mỉm cười:
- Ừ. Cũng may là Nguyên nó thường nhận làm những công việc mà thời giờ không gò bó như công chức. Nó lại là cổ đông của công ty, nên việc đến muộn được chấp nhận vì nó cũng hay về muộn.
Bà Minh nhìn nét mặt còn vương nét bàng hoàng của Thu Phong, bà chép miệng:
- Tôi cần phải nói rõ với cháu là công việc của cháu thật không đơn giản. Sống chung suốt ngày đêm bên một đứa nhỏ khó chịu và lắm tật như cu Phong thì đến tôi cũng chịu thua. Nhưng tôi tin là cháu sẽ tìm được cách sửa đổi từ từ nó.
Thu Phong thẫn thờ gật nhẹ đầu. Chắc chắn cô sẽ cố gắng rồi, vì đâu còn cách nào khác. Không ngờ thằng bạn nhỏ của cô lại... ghê gớm như vậy.
Định thần lại một lúc, cô nhìn bà Minh:
- Cô có thể cho cháu biết thêm về những tật khác của em không ạ? Cháu muốn làm quen trước về mọi việc.
Bà Minh tươi nét mặt một chút:
- Cháu đã quyết định đối mặt với chuyện này rồi à? Được, vậy để tôi liệt kê sơ cho cháu nghe nhé.
Bà hắng giọng:
- Về ngủ thì cháu đã biết rồi đó. Không được làm ồn. Về ăn có lẽ cháu cũng đã đoán ra. Không chịu ăn. Về tắm thì chỉ có ba nó đem nó vào tắm chung là tốt nhất, nếu không có ba nó thì phải chịu khó lau mình cho nó bằng nước ấm, mà thậm chí có khi nó cũng không chịu cho cởi áo để lau mình, cứ trân mình mà khóc thét kiểu như khi nãy thôi.
Thu Phong trợn mắt:
- Vậy anh Nguyên đi vắng nhà mất đến mấy ngày...
Bà Minh giải thích:
- Thỏa thuận chắc chắn là sẽ đón được cháu về nên nó đăng ký đi chuyến này, chứ trước đây chỉ cần kíp lắm nó mới đi xa, và chỉ đi cao lắm là hai ngày.
- Nhưng lần này ảnh đi đến mấy ngày lận.
Bà Minh gật đầu:
- Có lẽ nó muốn cho cô có dịp để thực tập thử hoàn cảnh, thật ra nó quyết định đi đại thôi, vì chuyến đi này quan trọng lắm đối với nó, cũng không biết cháu kềm được cu Phong không. Nhưng dù sao cũng có tôi ở đây, cháu đừng sợ. Chúng ta sẽ tùy tình hình mà định liệu.
Chưa bao giờ Thu Phong lại hiểu sâu sắc sự quý giá khi có mặt của bà Minh ở cạnh cô lúc này, cô nhìn bà cảm động:
- Cháu cám ơn cô. Mong cô giúp cháu.
Bà Minh cười nhẹ:
- Được, chúng ta cùng thử mọi cách thôi. À, còn thêm một tật nữa của nó mà tôi suýt quên kể. Thằng cu Phong còn có tật là nó muốn gì thì không chịu nói với ai, nhưng nếu người ta làm trái ý nó, nó sẽ khóc. Và hễ khóc lâu quá mà người đó vẫn chưa hiểu ý, vẫn còn làm nó giận thì nó sẽ...
- Nó sẽ tức đến ngất đi?
Bà Minh lắc đầu:
- Không, không nặng đến như vậy, nhưng lại tệ theo kiểu khác, nếu vẫn không vừa ý, nó sẽ... tè ra quần.
Thu Phong kinh ngạc:
- Tè ra quần? Bốn tuổi rồi mà tè đại ra quần sao cô?
- Ừ, nó khóc chán rồi thì tè, mặc cho chỗ đó là chỗ nào, xung quanh là những ai, và đang có sự kiện trọng đại gì. Cho nên thằng Nguyên bị nó làm khổ sở lắm. Rất ít khi nó đi dự tiệc tùng được. Mà công việc của nó thì phải cần ra ngoài giao tiếp mới tốt.
Bà nhìn cô rồi tiết lộ:
- Hôm Nguyên quyết định đi theo để đón cháu, tôi đã cản lại vì ngại chuyện này. Gì chứ một lễ hỏi cũng cần phải trang nghiêm, nếu nó lại lộ tật thì lại làm mất mặt gia đình bên ấy, làm phiền lòng cả mọi người.
Thu Phong chớp mắt nhớ lại:
- Nhưng hôm ấy em rất vui, không hề nhăn nhó gì, thậm chí lúc cháu trật chân té, em còn cười vui vẻ với cháu nữa.
Bà Minh cười gật đầu:
- Nó ngoan khác thường hôm đó là tại vì thằng Nguyên cứ rủ rỉ bên tai nó là đi xuống dưới đón cháu về chơi. Nó nghe đến tên cháu nên mới chịu yên đó chứ.
Thu Phong ấp úng:
- Cháu... cháu thật sự được nó quý vậy sao?
Bà Minh đáp:
- Đúng là vậy đó. Tôi cũng có chút ngạc nhiên với điều này, nhưng có lẽ cháu đã khơi gợi được tò mò, thú vị của nó. Vì vậy tôi hết sức mong rằng cháu sẽ thành công trong việc sống chung và giáo dục nó tốt hơn.
Thu Phong im lặng. Bây giờ cô mới thấy hết được nỗi khó khăn của mình. Đành rằng cu Phong có chút cảm tình với cô, nhưng như vậy có đủ cho nó nghe lời cô không?
Nhớ lại lời hứa dễ dàng chắc chắn với bà Minh, với Nguyên hôm qua, cô thấy nặng nề làm sao.
Ôi, thằng nhóc có nước da trắng, nó đôi mắt tròn xoe, có giọng cười như chuông ngân kia ơi, sao "chị" thấy quá khó khăn khi làm bạn với em như thế này.
Ngày đầu tiên, một ngày thất bại, và suýt mất hết hồn vía vì những tiếng khóc thét đến điếc tai. “Cu Phong ơi, đã thức dậy rồi thỉ phải tỉnh chứ. Sao mà bèo nhèo giống chú heo anh cả trong chuyện chị Phong kể hôm trước quá vậy?”
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Đêm Thu
Khánh Vân
Đêm Thu - Khánh Vân
https://isach.info/story.php?story=dem_thu__khanh_van