Đấu Giá epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 7
ơn bão đổi chiều
- Anh ơi, có một bài phóng sự điều tra vừa gửi đến báo em, nó nói về cái chuyện, cái chuyện... ấy của anh. Nó nói chi tiết lắm, kèm theo cả mấy cái ảnh nữa.
Không kịp điện cho bố, Nguyễn Công gọi lái xe, hối hả phóng lên thành phố. Hơn ai hết, ông cảm nhận được sự nghiêm trọng của vấn đề. Người viết bài báo đó là ai? Vì sao bài báo lại được đưa lên bàn biên tập vào đúng hôm nay, khi mà chỉ sáng ngày mai thường vụ sẽ họp bàn về nhân sự, đó là thời điểm quyết định thắng thua trong cuộc “đấu giá” quyết liệt này. Đây là “đòn thù” của hai đối thủ vừa bị loại khỏi vòng chiến? Hay là đòn của đối thủ còn lại nhằm loại ông? Chưa thể trả lời được, nhưng chỉ cần để bài báo được đăng vào số ngày mai, và đúng 7 giờ sáng mai, khi trên tay mỗi vị thường vụ có một tờ báo, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Người vừa điện thoại thông báo cái tin dữ ấy cho ông là Đỗ Nghiêm Túc, phó ban biên tập báo tỉnh.
Từ ngày lên làm chủ tịch huyện, Nguyễn Công đã kết thân với Túc, với mục đích nhờ Túc hễ thấy bất cứ bài báo nào bất lợi cho huyện mình được đưa lên bàn Biên tập thì thông báo ngay, để kịp thời “chặn” lại. Thời đó đã thân, khi Công làm bí thư, mối giao tình lại càng thân hơn. Tất nhiên, để duy trì được mối giao tình ấy, sau mỗi lần “chặn” được một bài báo, và bất cứ ngày lễ, ngày Tết nào trong năm cũng như khi Túc có việc gì lớn như mua nhà, tậu xe... chánh văn phòng của Công đều được giao mang dúi vào tay Túc một cái phong bì khá dầy.
Ảnh minh họa
Đón Công ở cổng toà soạn. Sau cái bắt tay, vừa nghe Túc bảo:
- Bài đang nằm trên bàn của sếp. Những bài khác, chỉ lên đến bàn em là em chặn ngay. Nhưng bài này lại là của Trọng Chiến. Thằng ấy anh biết rồi đấy. Không phải người của báo nhưng nó đả thằng nào là thằng ấy không chết cũng liêu xiêu. Gửi bài xong, nó điện ngay cho sếp em. Vì sếp hỏi nên em đành phải trình lên.
Nguyễn Công rẽ luôn lên phòng Tổng biên tập.
Nhìn dáng điệu và nét mặt Nguyễn Công, Tổng biên tập báo tỉnh Đoàn Đức Giáp hiểu ngay tay bí thư huyện uỷ này lên vì việc gì, và cần gì. Ông nói ngay:
- Bài điều tra này rất quan trọng. Tôi phải xin ý kiến chỉ đạo của anh Minh...
Vọt lên chỗ ông Minh trước, kể rõ sự tình, và chỉ đến khi nghe được lời hứa của ông là sẽ chỉ đạo dừng bài báo đó, Nguyễn Công mới yên tâm. Nghe được thông tin từ con trai, cựu chủ tịch tỉnh Nguyễn Thăng cũng dựng tóc gáy. Cẩn thận hơn, ông điện thoại cho ông Minh lần nữa. Nghe ông Minh trả lời: “Đoàn Giáp tổng biên tập vừa mang bài báo lên chỗ cháu xong. Cháu đã xử lý ổn thoả rồi. Bác yên tâm”, nhưng cũng phải rất lâu sau ông mới dần lấy lại được bình tĩnh.
Suốt đêm hôm ấy Nguyễn Công không sao không ngủ được, hết lăn lóc trên giường lại ngồi hàng giờ với ly cà phê trước bàn nước. Sáu giờ sáng hôm sau Công lên xe về ngay nhà bố. Nhìn mặt thân sinh, ông biết bố mình cả đêm qua cũng không ngủ được.
- Có báo tỉnh chưa, bố?
- Báo tỉnh phải chín, mười giờ mới có. Bố đã dặn thằng Hoàng, bí thư chi bộ xóm là hễ báo về thì phải mang ngay sang đây.
Ở cơ quan huyện, bảy giờ ba mươi đã có báo. Nhìn đồng hồ mới bảy giờ kém hai mươi, ông điện thoại cho chánh văn phòng:
- Báo tỉnh về lúc nào, cậu mang về ngay nhà cụ cho tôi lúc ấy.
Tờ báo tỉnh được chánh văn phòng mang về vào lúc tám giờ hai mươi. Vừa mở tờ báo ra, cả hai bố con ông cựu chủ tịch tỉnh chết lặng. Bài phóng sự điều tra chiếm hết cả trang 5 với cái tít “Ai đã biến đất hai lúa thành đất chùa?” được giật rất đậm, khiến bất cứ ai khi giở tờ báo ra cũng phải chú ý. Bài báo nêu việc Nguyễn Văn Cờ, chủ tịch Hội đồng Quản trị một Ngân hàng lớn, quê ở xã Vũ Phong huyện Vũ Sách, đã về quê mua hơn năm ngàn thước vuông đất hai lúa của dân, là loại đất canh tác được giao theo Nghị định 64/CP năm 1993 của Chính phủ. Mua xong, Nguyễn Văn Cờ đã cho hút cát sông Ninh lên san lấp, và xây một ngôi chùa rất hoành tráng trên đó, làm chùa riêng của gia đình mình.
Tổng kinh phí xây dựng ngôi chùa lên tới cả chục tỉ đồng. Sau khi kết luận đây là một vụ vi phạm Luật Đất đai, vi phạm pháp lệnh về Tôn giáo rất nghiêm trọng, tác giả bài báo đặt câu hỏi: Vị trí xây ngôi chùa chỉ cách trụ sở Huyện uỷ, trụ sở UBND huyện vài cây số. Việc xây chùa được tổ chức rất rầm rộ, kéo dài hàng năm mới xong, vì sao lãnh đạo huyện không biết? Vì sao ông Cờ lại có thể ngang nhiên biến hơn năm ngàn thước vuông đất hai lúa thành một ngôi chùa như vậy? Ai phải chịu trách nhiệm về việc này?
Như choàng tỉnh khỏi cơn mê, Nguyễn Công bấm máy cho Tổng biên tập Đoàn Đức Giáp:
- Anh Minh đã chỉ đạo rõ ràng. Sao anh vẫn cho đăng bài báo ấy?
- Ông thông cảm, đúng là sáng hôm qua, khi tôi mang bài báo lên xin ý kiến, anh Minh đã chỉ đạo dừng. Nhưng 10 giờ đêm anh ấy lại điện hỏi về bài báo. Tôi thưa rằng bài báo nó viết đúng. Anh ấy bảo nếu đúng thì cứ đăng. Lệnh anh Minh, ai dám chống.
Bấm máy cho ông Minh, nhưng “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...”, Nguyễn Công ngồi phịch xuống ghế. Ông biết giờ này ông Minh đang chủ trì cuộc họp thường vụ. Không khí trong nhà im phăng phắc và căng như dây đàn, nghe được cả tiếng vo ve của con muỗi.
Mười một giờ bốn mươi lăm, một uỷ viên thường vụ thân thiết báo tin dữ cho Công qua điện thoại “Mai Văn Bộ, Giám đốc Sở Công thương, đã chính thức được thường vụ tỉnh uỷ đề cử giữ chức phó chủ tịch tỉnh với số phiếu gần như tuyệt đối”. Vì là chỗ thân thiết, nên vị uỷ viên còn cho Công biết thêm “Hơn tám giờ tối hôm qua, thằng Bộ còn đến nhà riêng ông Minh, xách theo một cái “Sam su nai”. Mình đoán ngoài số trước, tối qua nó còn “dấn” thêm cho ông ấy ít nhất là trăm ngàn nữa”.
Mười hai giờ, Nguyễn Công điện thoại được cho ông Minh, giọng Công méo xệch:
- Anh ơi, sao anh nỡ làm thế?
- Cái gì? Cậu bảo cái gì?
- Cái bài báo ấy...
- Xin lỗi, mình bận tý nhé.
- Thằng đểu. Kìa bố... bố... bố làm sao thế. Bố ơi... bố... bố tỉnh lại đi. Gọi cấp cứu 115. Gọi cấp cứu 115 ngay./.
Đấu Giá Đấu Giá - Trần Ninh Thụy Đấu Giá