Chương 6
ột lời tự thú về bản thân: hồi còn là thằng oắt con, có lẽ đâu ba hay bốn tuổi, tôi cũng quỷ quái lắm. “Con từng là tiểu yêu,” vài bà cô đã cho tôi biết trong nhiều dịp khác nhau khi tôi đã an toàn tới tuổi thành niên và họ có thể khoái trá nhắc lại mà chế giễu những chiến tích đáng sợ của tôi ngày thơ ấu. Nhưng thực ra, tôi không nhớ là mình tinh quái. Tôi chỉ nhớ mình muốn làm mọi thứ theo cách riêng.
Trẻ con tin mình là ông trời, hay một số đứa tin như vậy, nên chỉ vừa lòng khi cả thiên hạ hùa theo cách chúng nhìn nhận mọi sự.
Nhưng tôi không còn là cậu bé con nữa. Tôi bảy tuổi rồi. Tôi đã từng can đảm, vậy mà giờ đây tôi là đứa trẻ đang sợ chết khiếp.
Sự cố con sâu trong bàn chân không làm tôi sợ. Tôi không nói về chuyện đó. Dù vậy, ngày hôm sau, tôi lại thắc mắc chẳng biết mọi người có thường bị sâu chui vào trong chân không, hay đó là chuyện xảy ra với mỗi mình tôi, ở nơi có bầu trời màu cam bên rìa trang trại nhà Hempstock.
Khi ngủ dậy, tôi lột miếng băng cá nhân trên lòng bàn chân ra thì thấy nhẹ cả người vì cái lỗ đã bắt đầu khép miệng. Có một chỗ hồng hồng như trước, như vết máu bầm, nhưng chỉ có vậy.
Tôi xuống dưới nhà ăn sáng. Mẹ tôi có vẻ vui. Mẹ nói, “Tin vui đây con yêu. Mẹ tìm được việc rồi. Phòng khám mắt Dicksons cần một nhân viên khám mắt và họ muốn mẹ bắt đầu làm từ chiều nay. Mẹ sẽ làm bốn ngày mỗi tuần.”
Tôi không phản đối gì chuyện đó. Tôi sẽ tự lo được cho mình.
“Mẹ còn thêm một tin vui nữa. Sẽ có người tới chăm sóc bọn trẻ các con khi mẹ vắng nhà. Cô ấy tên là Ursula. Cô sẽ ngủ trong phòng của con lúc trước, căn phòng ở đầu cầu thang ấy. Cô sẽ như quản gia luôn. Cô sẽ lo cho các con ăn uống đầy đủ, cô cũng sẽ lau dọn giúp nhà cửa - bà Wollery đang bị đau hông, bà nói phải vài tuần nữa bà mới đến làm lại được. Tìm được người đến đây mẹ nhẹ cả đầu vì bố mẹ đều đi làm cả.”
“Bố mẹ không có tiền mà,” tôi nói. “Bố mẹ nói bố mẹ hết tiền rồi.”
“Vì vậy mẹ mới nhận công việc khám mắt này,” mẹ nói. “Còn Ursula cũng trông nom các con để đổi lấy chỗ ăn ở. Cô cần sống trong vùng này vài tháng. Lúc sáng, cô đã gọi điện đến. Thư giới thiệu của cô thật tuyệt hảo.”
Tôi hy vọng cô ta tử tế. Cô quản gia Gertruda sáu tháng trước chẳng tử tế gì cả: cô ta thích chơi khăm làm hai anh em tôi lúng túng, chẳng hạn như xếp tấm trải giường làm sao để bọn tôi không chui vào được. Cuối cùng, anh em tôi cầm mấy tấm biển ghi rằng BỌN CON GHÉT GERTRUDA và BỌN CON KHÔNG THÍCH ĐỒ ĂN GERTRUDA NẤU đi diễu hành bên ngoài nhà rồi bỏ mấy con nhái bén bé tẹo vào giường cô ta, vậy là cô ta khăn gói về lại Thụy Điển.
Tôi lấy một cuốn sách cầm ra vườn.
Hôm ấy là một ngày xuân ấm áp đầy nắng nên tôi trèo thang dây lên cành thấp nhất của cây sồi to rồi ngồi trên đó đọc sách. Khi đọc sách, tôi không thấy sợ gì cả: tôi đang ở xa tít mù, tận bên Ai Cập cổ đại, biết được chuyện Hathor trong lốt sư tử cái rình mò dân Ai Cập, chuyện bà ta đã giết không biết bao nhiêu mạng người đến nỗi cát Ai Cập hóa đỏ, và họ chỉ đánh bại được bà ta khi tẩm thuốc ngủ vào bia với mật rồi nhuộm đỏ hỗn hợp này cho bà ta tưởng đó là máu, thế rồi bà ta uống và lăn ra ngủ. Sau đó thì Ra, cha của các vị thần, mới biến bà ta thành nữ thần tình yêu để từ đây, những vết thương bà ta bắt mọi người chịu sẽ chỉ là những vết thương lòng.
Tôi băn khoăn không hiểu sao thần linh lại làm như vậy. Sao các vị không giết quách bà ta đi khi có cơ hội?
Tôi thích truyện thần thoại. Đó không phải truyện người lớn mà cũng chẳng phải truyện thiếu nhi. Nó hay hơn vậy. Nó chỉ là như thế.
Truyện người lớn chẳng bao giờ dễ hiểu cả, lại còn mở đầu rất ư là chậm, chúng làm tôi cảm thấy như tuổi trưởng thành có nhiều bí mật, kiểu những bí mật hoang đường của hội Tam điểm ấy. Sao người lớn không muốn đọc về Narnia, về những hòn đảo bí ẩn rồi bọn buôn lậu và những bà tiên nguy hiểm?
Tôi thấy đói. Tôi trèo từ trên cây xuống, đi ra phía sau nhà, băng ngang phòng giặt có mùi xà phòng và nấm mốc, ngang nhà kho nhỏ xíu chứa than với củi, ngang nhà vệ sinh ngoài trời có nhện giăng tơ chờ đợi và những cánh cửa gỗ sơn màu xanh của vườn cây. Qua cửa sau, đi theo hành lang rồi vào bếp.
Mẹ đang ở đó với một người phụ nữ tôi chưa gặp bao giờ. Khi nhìn thấy cô ta, tim tôi nhói đau. Tôi muốn nói theo nghĩa đen, không phải ẩn dụ: một thoáng nhói lên trong lồng ngực, chỉ loáng một cái rồi hết.
Em tôi đang ngồi bên bàn bếp ăn một bát ngũ cốc.
Người phụ nữ đó rất xinh đẹp. Cô ta có mái tóc màu vàng mật hơi ngắn, cặp mắt to màu xanh xám, thoa son môi nhạt. Cô ta có vẻ cao, ngay cả so với người lớn.
“Con yêu ơi? Đây là cô Ursula Monkton,” mẹ nói. Tôi không nói gì. Tôi chỉ giương mắt nhìn cô ta. Mẹ huých tôi.
“Xin chào cô,” tôi nói.
“Cậu bé e thẹn ấy mà,” Ursula Monkton nói. “Tôi chắc chắn là khi cậu bé đã cởi mở với tôi rồi thì chúng tôi sẽ là những người bạn tuyệt vời.” Cô ta đưa tay ra vỗ lên mái tóc nâu xám của nhỏ em tôi. Em tôi nhoẻn miệng cười khoe răng sún.
“Con thích cô nhiều lắm,” em tôi nói. Rồi nó nói với mẹ và tôi, “Bao giờ con lớn, con muốn được như cô Ursula Monkton.”
Mẹ và Ursula cười. “Con bé đáng yêu này,” Ursula Monkton nói. Rồi cô ta quay qua tôi. “Vậy còn chúng ta thì sao hả? Ta cũng là bạn chứ?”
Tôi cứ nhìn cô ta, đúng là người lớn, tóc vàng, váy xám hồng, và tôi thấy sợ.
Váy của cô ta không tả tơi xơ xác. Tôi cho rằng đó chỉ là do kiểu váy thôi, nhưng khi nhìn cô ta, tôi lại hình dung chiếc váy của cô ta đang đập phành phạch trong căn bếp lặng gió, phần phật như cánh buồm chính trên con tàu, giữa một đại dương lẻ loi, dưới bầu trời màu cam.
Tôi không biết mình đã trả lời lại thế nào hay thậm chí tôi có nói gì không. Nhưng tôi bỏ ra khỏi căn bếp, một trái táo cũng không cầm theo dù đang đói.
Tôi cầm sách ra sân sau, ngồi dưới ban công, bên cạnh luống hoa mọc bên dưới cửa sổ phòng xem tivi, rồi đọc sách - quên đi cơn đói của mình ở Ai Cập, nơi có các vị thần đầu thú xé xác nhau và rồi làm cho nhau sống lại.
Nhỏ em tôi bước ra vườn.
“Em thích cô lắm cơ,” con bé bảo tôi. “Cô là bạn em. Anh muốn xem cô cho em cái gì không?” Con bé chìa ra một cái ví nhỏ màu xám, kiểu ví mẹ tôi bỏ trong túi xách tay để đựng tiền xu, cặp lại bằng kẹp kim loại hình con bướm. Nó trông như được làm bằng da. Tôi thắc mắc không biết đó có phải da chuột không. Con bé mở ví, đút mấy ngón tay vào, lấy ra một đồng xu lớn bằng bạc: đồng nửa curon*.
“Nhìn này!” con bé nói. “Xem em có gì này!”
Tôi muốn có đồng nửa curon. Không phải, tôi muốn cái mà tôi mua được bằng đồng nửa curon - những trò ảo thuật và mấy thứ đồ nhựa để chơi khăm, rồi sách, và, ồ, biết bao nhiêu là thứ. Nhưng tôi không muốn một cái ví xám nhỏ có đồng nửa curon bên trong.
“Anh không thích cô ta,” tôi nói với nhỏ em.
“Chỉ là vì em gặp cô ấy trước thôi,” em tôi nói. “Cô ấy là bạn của em.”
Tôi không nghĩ Ursula Monkton là bạn của ai hết. Tôi muốn đi báo cho Lettie Hempstock biết về cô ta - nhưng tôi nói gì được đây? Là cô bảo mẫu kiêm quản gia mới đến mặc đồ màu xám với hồng ư? Là cô ta nhìn tôi thật kỳ quặc ư?
Tôi ước gì mình chưa hề buông tay Lettie ra. Chuyện Ursula Monkton là lỗi của tôi, tôi tin chắc chuyện đó, và tôi sẽ không thể tống cô ta đi chỉ bằng cách xối nước cho cô ta trôi xuống lỗ xả hay bỏ ếch nhái vào giường cô ta được.
Lẽ ra lúc ấy tôi phải bỏ đi, phải chạy trốn, phải phi chừng một dặm dọc đường làng đến trang trại nhà Hempstock, nhưng tôi không làm, thế rồi một chiếc taxi đến chở mẹ tôi đi làm ở phòng khám mắt Dicksons, ở đó mẹ chỉ cho người ta những chữ cái to nhỏ qua mắt kính và giúp họ nhìn rõ hơn, bỏ tôi lại đó với Ursula Monkton.
Cô ta cầm đĩa bánh mì kẹp đi ra vườn.
“Cô nói chuyện với mẹ các con rồi,” cô ta nói, nở một nụ cười dễ thương dưới làn son môi nhạt, “nên khi cô ở đây, bọn trẻ các con phải bớt đi chơi lại. Các con muốn ở đâu trong nhà hay trong vườn cũng được, hoặc cô sẽ dắt các con đến chơi nhà bạn, nhưng các con không được rời nhà mà đi tha thẩn.”
“Tất nhiên rồi ạ,” em tôi nói.
Tôi nín thinh.
Em tôi ăn một miếng bánh phết bơ đậu phộng.
Tôi đang đói meo. Tôi tự hỏi bánh mì kẹp có nguy hiểm không. Tôi không biết. Tôi sợ mình mà ăn một cái thì nó sẽ biến thành sâu trong bụng và ngọ nguậy khắp người tôi, định cư trong người tôi cho đến khi chui ra khỏi da tôi.
Tôi quay vào bếp. Tôi đẩy mở cửa bếp. Không có Ursula Monkton ở đó. Tôi đút mấy thứ trái cây như táo, cam và lê nâu giòn tan vào mấy túi áo quần. Tôi lấy ba trái chuối đút vào áo len rồi trốn đến phòng thí nghiệm của mình.
Phòng thí nghiệm của tôi - tôi gọi nó như vậy - là một nhà kho sơn màu xanh lá, nằm ở vị trí xa nhà chính nhất có thể, được xây vào bên hông nhà để xe cũ rộng thênh thang. Bên cạnh nhà kho có một cây sung, nhưng chúng tôi chưa hề được nếm trái chín trên cây mà chỉ thấy những chiếc lá to và trái xanh lè. Tôi gọi nó là phòng thí nghiệm của mình vì tôi cất bộ dụng cụ thí nghiệm hóa học trong đó: bộ dụng cụ hóa học là món quà sinh nhật đã có từ lâu, nó bị bố tống khỏi nhà sau khi tôi làm ra một thứ gì đó trong ống nghiệm. Tôi đã pha bừa các thứ với nhau rồi đem hơ nóng cho đến khi chúng trào ra và ngả sang màu đen, có mùi nước đái quỷ nồng nặc không chịu tan. Bố nói mình không nề hà gì chuyện tôi làm thí nghiệm (dù chẳng ai trong hai chúng tôi biết tôi thí nghiệm cái gì, nhưng chuyện đó chẳng sao; mẹ tôi được tặng mấy bộ dụng cụ thí nghiệm vào dịp sinh nhật, và đã thấy chuyện đó hóa ra tốt đẹp thế nào chưa?) nhưng bố không muốn nghe chúng bốc mùi trong nhà.
Tôi ăn một quả chuối và một trái lê rồi giấu phần trái cây còn lại dưới chiếc bàn gỗ.
Người lớn theo lối mòn. Trẻ con thì thám hiểm. Người lớn bằng lòng đi mãi một lối hàng trăm lần hay hàng ngàn lần; có lẽ người lớn chưa bao giờ chợt nghĩ tới chuyện bước ra khỏi lối mòn, bò bên dưới đám đỗ quyên, tìm những khoảng hở giữa các hàng rào. Vì là trẻ con, tôi biết cả chục cách khác nhau để ra khỏi nhà và đến đường làng, những cách sẽ không đòi hỏi phải bước xuống lối vào trước nhà chúng tôi. Tôi quyết định là sẽ lẻn ra khỏi nhà kho dùng làm phòng thí nghiệm, men theo tường đến mép bãi cỏ rồi chui qua bụi đỗ quyên và nguyệt quế chạy quanh rìa khu vườn ở phía đó. Từ chỗ mấy cây nguyệt quế, tôi sẽ trượt xuống đồi rồi leo qua hàng rào kim loại gỉ sét tiếp giáp với đường làng.
Không có ai nhìn thấy. Tôi chạy rồi chui qua đám nguyệt quế, trượt xuống đồi, chui qua mấy bụi mâm xôi và những vạt tầm ma đã nhú lên từ lần cuối tôi đi lối đó.
Ursula Monkton đang chờ tôi dưới chân đồi, ngay trước hàng rào kim loại gỉ sét. Cô ta không thể nào tới đó mà tôi không thấy được, vậy mà cô ta đang đứng đó. Cô ta khoanh tay nhìn tôi, chiếc váy xám hồng đập phành phạch trong cơn gió giật.
“Ta tin là mình đã nói mi không được phép rời nhà rồi mà.”
“Tôi không rời nhà,” tôi bảo cô ta với vẻ vênh váo mà tôi biết mình không mảy may cảm thấy “Tôi vẫn còn đứng trên đất nhà tôi. Tôi đang thám hiểm thôi.”
“Mi đang lén lút đi quanh thì có,” cô ta nói.
Tôi làm thinh.
“Ta nghĩ mi phải ở trong phòng ngủ, ở đó ta còn trông chừng mi được. Đến giờ mi ngủ trưa rồi.”
Tôi đã quá lớn để ngủ trưa, nhưng tôi biết mình còn quá nhỏ để tranh cãi, hay để cãi thắng nếu có cãi.
“Được,” tôi nói.
“Không được nói được” cô ta nói. “Nói là Vâng, thưa cô Monkton. Hay bà. Nói Vâng, thưa bà đi.” Cặp mắt xám xanh của cô ta nhìn xuống tôi làm tôi nhớ lại mấy lỗ thủng mục rã trong vải bố, và trong giây phút đó, trông chúng chẳng xinh đẹp gì cả.
Tôi nói, “Vâng, thưa bà,” rồi giận bản thân mình vì đã nói vậy.
Chúng tôi cùng đi lên đồi.
“Bố mẹ mi không còn trang trải nổi cho chỗ này nữa,” Ursula Monkton nói. “Họ cũng không đủ tiền để sửa sang, bảo dưỡng nó. Họ sẽ sớm thấy rằng cách giải quyết các rắc rối tài chính của họ là bán ngôi nhà này cùng vườn tược cho mấy công ty phát triển địa ốc. Bấy giờ thì tất cả những thứ này” - thứ này là mấy đám mâm xôi, cái thế giới um tùm ngổn ngang đằng sau bãi cỏ - “sẽ thành cả chục căn nhà vườn giống hệt nhau. Và nếu may mắn, nhà mi sẽ được sống ở một trong những căn nhà đó. Còn nếu không, nhà mi sẽ chỉ có thể ghen tị với những người được sống ở đó mà thôi. Mi có thích vậy không nào?”
Tôi yêu căn nhà và khu vườn của mình. Tôi yêu sự bề bộn, ngổn ngang của nó. Tôi yêu nơi ấy như thể nó là một phần trong tôi, và về nhiều mặt thì có lẽ đúng là như vậy.
“Bà là ai?” tôi hỏi.
“Ursula Monkton. Ta làm quản gia cho nhà mi.”
Tôi hỏi, “Thật ra thì bà là ai? Sao bà lại cho mọi người tiền?”
“Ai cũng muốn có tiền cả,” cô ta nói như thể chuyện đó đã hiển nhiên. “Tiền khiến bọn họ hạnh phúc. Tiền sẽ khiến mi hạnh phúc, nếu mi để nó làm vậy.” Chúng tôi ló ra khỏi đống cỏ cắt phía sau vòng cỏ xanh mà nhà tôi gọi là nhẫn thần: thỉnh thoảng, khi tiết trời ẩm ướt, nơi đó mọc đầy nấm dù vàng sặc sỡ.
“Nào,” cô ta nói. “Về phòng mi đi.”
Tôi bỏ cô ta đó mà chạy - ba chân bốn cẳng băng qua nhẫn thần lên bãi cỏ, vượt qua mấy khóm hoa hồng, ngang qua nhà kho để than rồi vào nhà.
Ursula Monkton đang đứng ngay bên trong cửa sau để đón tôi vào, mặc dù cô ta không thể nào đi vượt ngang qua tôi được. Nếu thế thì tôi đã thấy rồi. Tóc tai cô ta thẳng thớm, còn son môi có vẻ mới thoa.
“Ta đã ở bên trong mi,” cô ta nói. “Nên ta sẽ cho mi một lời khuyên hữu ích đây. Mi có nói gì với bất kỳ ai thì họ cũng sẽ không tin mi đâu. Và vì ta đã ở bên trong mi, ta sẽ biết. Và ta có thể làm sao để mi không bao giờ nói ra những gì ta không muốn mi nói với ai, không bao giờ nữa.”
Tôi lên phòng ngủ và nằm lên giường. Lòng bàn chân, chỗ từng có con sâu giật thình thịch và nhức nhối, rồi giờ thì cả ngực tôi cũng đau. Tôi trốn vào thế giới trong tâm trí, vào một cuốn sách. Đó là nơi tôi đến mỗi khi đời thực quá nặng nề hay quá khắc nghiệt. Tôi rút xuống vài cuốn sách cũ của mẹ, những cuốn sách từ thời mẹ còn con gái, rồi tôi đọc về những cuộc phiêu lưu của mấy cô học trò những năm 1930 và 1940. Chủ yếu là họ đương đầu với bọn buôn lậu, gián điệp, bọn phản quốc hay bất kể là ai, và mấy cô gái đó luôn quả cảm cũng như luôn biết chính xác phải làm gì. Tôi không được can đảm và tôi không biết phải làm gì.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy đơn độc như vậy.
Tôi thắc mắc liệu nhà Hempstock có dùng điện thoại không. Chuyện đó có vẻ khó, nhưng không phải là không thể - có lẽ bác Hempstock là người ban đầu đã báo cho cảnh sát về chiếc Mini bị bỏ lại. Cuốn danh bạ điện thoại để dưới nhà, nhưng tôi biết số để gọi cho tổng đài, và tôi chỉ cần hỏi số của bất kỳ ai có tên Hempstock sống ở trang trại Hempstock là được. Trong phòng ngủ bố mẹ tôi có một chiếc điện thoại.
Tôi tụt xuống giường, đi lại phía cửa, nhìn ra ngoài. Hành lang trên lầu không có ai. Hết sức nhanh, hết sức khẽ, tôi đi vào phòng ngủ cạnh phòng tôi. Tường có màu hồng nhạt, rồi giường của bố mẹ cũng phủ tấm ga in hình những đóa hoa hồng thật to. Có cửa kính mở ra ban công chạy dọc hông nhà phía bên đó. Có một chiếc điện thoại màu kem để trên bàn nhỏ màu kem viền vàng ở đầu giường. Tôi cầm ống nghe lên, nghe tiếng ro ro lờ mờ của tín hiệu điện thoại rồi quay số gọi tổng đài, đút ngón tay vào mấy lỗ tròn trên đĩa số rồi kéo xuống, một số một, một số chín, một số hai, rồi tôi chờ nhân viên tổng đài nghe máy và cho tôi biết số của trang trại Hempstock. Tôi cầm sẵn cây bút chì và đã sẵn sàng ghi lại số lên mặt sau cuốn sách đóng bìa vải xanh có tựa Pansy cứu trường.
Tổng đài không nghe máy. Tiếng quay số vẫn tiếp tục, và át qua tiếng đó là giọng Ursula Monkton nói, “Thanh niên được nuôi dạy tử tế còn chẳng nghĩ tới chuyện trốn đi gọi điện thoại nữa là, đúng không nào?”
Tôi nín thinh, dù tôi chắc chắn là cô ta nghe được tiếng tôi thở. Tôi bỏ ống nghe xuống giá để, quay lại căn phòng ngủ dùng chung với em gái.
Tôi ngồi trên giường, nhìn đăm đăm ra cửa sổ.
Giường của tôi kê sát tường, ngay dưới cửa sổ. Tôi thích để mở cửa sổ mà ngủ. Những đêm mưa là tuyệt vời hơn cả: tôi sẽ mở cửa sổ rồi kê đầu lên gối, nhắm mắt lại, cảm nhận gió trên mặt và nghe cây cối đu đưa kẽo kẹt. Nếu tôi gặp may thì còn có mưa lất phất vào mặt, rồi thì tôi sẽ hình dung mình đang ở trên thuyền giữa đại dương và bập bềnh theo sóng cồn. Tôi không hình dung mình là hải tặc hay nghĩ đến việc mình đi đâu cả. Tôi chỉ ở trên thuyền của mình thôi.
Nhưng lúc này trời không mưa, cũng chẳng phải ban đêm. Những gì tôi thấy được qua cửa sổ là cây cối, từng cụm mây và màu tím chân trời xa xa.
Tôi có sôcôla dự trữ lúc cần kíp giấu dưới hình nhân Người Dơi to tướng bằng nhựa tôi được tặng hôm sinh nhật, nên tôi lấy ra vừa ăn vừa nhớ lại chuyện buông tay Lettie Hempstock ra để chụp cuộn vải mục, nhớ cả cơn đau nhói trong lòng bàn chân sau đó.
Mình đã đem mụ ta về đây, tôi nghĩ, và tôi biết điều đó là sự thật.
Ursula Monkton không có thật. Cô ta là tấm mặt nạ bìa cứng cho cái thứ đã biến thành con sâu để đi lại bên trong tôi, cái thứ đã đập phành phạch và giật từng cơn giữa đồng trống dưới bầu trời màu cam đó.
Tôi quay lại đọc cuốn Pansy cứu trường. Những kế hoạch bí mật cho căn cứ không quân kế bên trường bị những tên gián điệp là các giáo viên phụ trách khu trồng rau của trường tuồn ra cho địch: những kế hoạch được giấu trong những quả bí khoét rỗng ruột.
“Trời đất!” thanh tra Davidson ở Ban Buôn lậu và Mật vụ tiếng tăm thuộc Sở Cảnh sát Thủ đô kêu lên.
“Đó đúng là chỗ chúng tôi sẽ chẳng bao giờ lục soát tới!”
“Chúng tôi phải xin lỗi em, Pansy ạ,” bà hiệu trường nghiêm khắc nói, nở nụ cười nồng hậu vốn không thường thấy ở bà, và tia sáng long lanh trong mắt bà làm Pansy nghĩ có lẽ cả học kỳ cô đã đánh giá sai người phụ nữ này. “Em đã cứu thanh danh của trường! Giờ, trước khi em trở nên quá tự phụ - chẳng phải có vài động từ tiếng Pháp em cần chia thì cho cô sao?”
Phần nào đó trong tâm trí tôi thấy vui theo Pansy, dù rằng phần còn lại thì đầy sợ hãi. Tôi chờ bố mẹ về. Tôi sẽ kể cho bố mẹ nghe chuyện xảy ra. Tôi sẽ cho bố mẹ biết. Bố mẹ sẽ tin tôi.
Thời gian ấy, bố tôi làm việc tại một văn phòng cách nhà một giờ chạy xe. Tôi không rõ bố làm việc gì. Bố có một cô thư ký rất tử tế, xinh xắn, có nuôi một con chó xù, và mỗi khi cô biết bọn trẻ chúng tôi sắp vào gặp bố thì cô sẽ mang con chó xù từ nhà theo cho anh em tôi chơi. Thỉnh thoảng, khi chúng tôi đi ngang mấy tòa nhà thì bố nói, “Đó là một trong những căn nhà của chúng ta.” Nhưng tôi không để tâm đến mấy tòa nhà nên không bao giờ hỏi sao nó lại là một trong những tòa nhà của chúng tôi, hay ngay cả việc chúng ta là những ai.
Tôi nằm trên giường đọc hết cuốn này đến cuốn khác cho tới khi Ursula Monkton xuất hiện bên khung cửa và nói, “Giờ mi xuống được rồi.”
Em tôi đang xem truyền hình trong phòng tivi dưới nhà. Nó xem một chương trình gọi là Làm cách nào?, đó là một chương trình khoa học thường thức được ưa chuộng, mở đầu có những người dẫn chương trình đội mũ thổ dân da đỏ nói “Làm cách nào?” rồi làm tiếng hú xông trận rất lố bịch.
Tôi muốn chuyển qua đài BBC, nhưng nhỏ em đắc thắng nhìn tôi mà nói, “Cô Ursula nói là em muốn xem chương trình gì thì cứ để luôn mà xem, còn anh không được đổi.”
Tôi ngồi với con bé một lát, trong khi có một ông già để ria mép chỉ cho toàn thể trẻ em nước Anh cách buộc lưỡi câu.
Tôi nói, “Cô ta không tử tế gì đâu.”
“Em thích cô ấy. Cô ấy xinh đẹp mà.”
Năm phút sau thì mẹ tôi về, cất tiếng chào từ ngoài hành lang rồi vào bếp gặp Ursula Monkton. Mẹ lại quay ra. “Bữa ăn tối sẽ sẵn sàng ngay khi bố về. Các con đi rửa tay đi.” Em tôi đi lên lầu rửa tay.
Tôi nói với mẹ, “Con không thích cô ta. Mẹ bảo cô ta đi đi được không?”
Mẹ tôi thở dài. “Không thể lại như Gertruda đâu, con yêu. Ursula là cô gái rất tử tế, từ một gia đình rất đàng hoàng. Và chắc chắn là cô ấy quý mến hai con.”
Bố tôi về, bữa ăn tối được dọn ra. Một món xúp rau sệt, rồi cả gà nướng với khoai tây tươi và đậu đông lạnh. Tôi thích hết mấy món trên bàn. Tôi không ăn món nào cả.
“Con không đói ạ,” tôi giải thích.
“Tôi không phải là người ưa mách lẻo,” Ursula Monkton nói, “nhưng có người từ phòng ngủ xuống mà mặt với tay lấm lem cả sôcôla đấy.”
“Bố ước gì con không ăn thứ tào lao đó,” bố tôi lầm bầm.
“Nó toàn là đường chế biến thôi. Nó còn khiến con thấy hết muốn ăn cơm và làm sâu răng con nữa,” mẹ nói.
Tôi sợ là bố mẹ sẽ ép tôi ăn, nhưng họ không làm vậy. Tôi ngồi đó, bụng đói meo, còn Ursula Monkton thì cười theo mỗi câu bố đùa. Tôi thấy dường như bố đang nói những câu đùa đặc biệt cho mỗi mình cô ta.
Ăn xong, cả nhà xem Nhiệm vụ bất khả thi. Thường thì tôi vẫn thích phim Nhiệm vụ bất khả thi, nhưng lần này, nó làm tôi thấy khó chịu khi người ta cứ lột mặt ra để lộ những bộ mặt mới bên dưới. Họ đeo mặt nạ cao su và bên dưới nó luôn là người hùng của chúng ta, nhưng tôi tự hỏi nếu như Ursula Monkton lột mặt ra thì thế nào, bên dưới đó sẽ là gì?
Chúng tôi đi ngủ. Đó là đêm của nhỏ em tôi nên cửa phòng ngủ được đóng lại. Tôi thấy nhớ ánh đèn trong hành lang biết bao. Tôi nằm trên giường dưới ô cửa sổ để mở, tỉnh như sáo, lắng nghe những tiếng động một ngôi nhà cũ kỹ tạo ra cuối ngày dài, cố hết sức ước và hy vọng những điều ước của mình sẽ thành sự thật. Tôi ước bố mẹ đuổi Ursula Monkton đi, rồi tôi sẽ xuống trang trại Hempstock, kể cho Lettie nghe chuyện mình đã làm, cô bé sẽ tha thứ cho tôi và giải quyết mọi chuyện ổn thỏa.
Tôi không ngủ được. Em tôi thì ngủ rồi. Dường như hễ con bé muốn ngủ là ngủ, một khả năng tôi ghen tị mà không có được.
Tôi bỏ phòng ngủ đi ra ngoài.
Tôi quanh quẩn ở đầu cầu thang, lắng nghe tiếng tivi từ dưới nhà vọng lên. Rồi tôi rón rén đi bằng chân trần, khẽ khàng xuống cầu thang và ngồi trên bậc thứ ba đếm từ dưới lên. Cửa vào phòng tivi mở hờ nên nếu tôi xuống thêm bước nữa thì ai đang xem tivi ở đó cũng sẽ trông thấy tôi. Nên tôi chờ ở đó.
Tôi nghe được mấy giọng nói trên truyền hình bị ngắt quãng bởi những tràng cười như nắc nẻ.
Thế rồi, át những giọng nói trên truyền hình là tiếng người lớn trò chuyện.
Ursula Monkton hỏi, “Vậy là tối nào vợ ông cũng đi vắng sao?”
Giọng bố tôi nói, “Không. Tối nay vợ tôi quay lại để thu xếp cho ngày mai. Nhưng từ ngày mai thì sẽ là hằng tuần. Vợ tôi đang gây quỹ ủng hộ châu Phi ở hội trường làng.”
“Chà,” Ursula nói, “tôi đã biết hết về chuyện đó rồi.”
Cô ta cười, giọng cười cao vút, lanh lảnh, nghe thân tình và chân thật, trong đó cũng không có tiếng giẻ rách lạch phạch. Rồi cô ta nói, “Trẻ con hóng hớt...” và loáng sau thì cửa mở ra hẳn, còn Ursula Monkton đang nhìn thẳng vào tôi. Cô ta đã trang điểm lại, son môi nhạt và hàng mi dày.
“Đi ngủ đi,” cô ta nói. “Ngay.”
“Tôi muốn nói chuyện với bố,” tôi nói nhưng không trông mong gì. Cô ta không nói gì mà chỉ mỉm cười, một nụ cười không có sự nồng ấm hay tình thương, nên tôi trở lên lầu, trèo lên giường, nằm trong phòng ngủ tối om cho đến khi không còn trông mong gì là sẽ ngủ được nữa, thế rồi giấc ngủ ập đến khi tôi không ngờ đến, và tôi ngủ không yên giấc.
Đại Dương Cuối Đường Làng Đại Dương Cuối Đường Làng - Neil Gaiman Đại Dương Cuối Đường Làng