Chương VI
iờ tôi đã có chiếc chìa khóa cho mọi ngôn ngữ, và tôi nôn nóng học cách sử dụng nó. Trẻ con nghe được thủ đắc ngôn ngữ mà không cần nỗ lực đặc biệt nào; có thể nói chúng nắm bắt ngay tức khắc những từ rời khỏi đôi môi kẻ khác một cách vui thú, trong lúc một đứa trẻ nhỏ bị điếc phải trải qua một quá trình chậm chạp và đau khổ. Nhưng bất chấp quá trình đó ra sao, kết quả thật tuyệt vời. Lần hồi, từ việc gọi tên một đối tượng chúng tôi nhích dần từng bước cho tới khi vượt qua khoảng cách mênh mông giữa nguyên âm lắp bắp đầu tiên và dòng tư tưởng trong một câu thơ của Shakespeare.
Đầu tiên, khi cô giáo nói với tôi về một thứ mới tôi đặt ra rất ít câu hỏi. Những ý tưởng của tôi mơ hồ, và vốn từ vựng của tôi chưa tương thích; nhưng khi kiến thức về các sự vật của tôi gia tăng và tôi đã học được nhiều từ hơn, lãnh vực thắc mắc của tôi mở rộng ra, và tôi thường quay trở lại một chủ đề nhiều lần, nôn nóng biết thêm thông tin. Đôi khi một từ mới làm sống lại một hình ảnh mà một trải nghiệm nào đó trước kia đã in sâu vào óc não tôi.
Tôi nhớ buổi sáng khi tôi hỏi lần đầu tiên ý nghĩa của từ “yêu”. Việc này xảy ra trước khi tôi biết nhiều từ. Tôi đã tìm ra một vài bông cúc tím nở sớm trong vườn và mang chúng tặng cô giáo của tôi. Cô cố hôn tôi, nhưng vào thời gian đó tôi không thích bất kỳ ai hôn mình trừ mẹ tôi. Cô Sullivan dịu dàng vòng tay ôm tôi và viết vào bàn tay tôi: “Cô yêu Helen.”
“Yêu là gì?” Tôi hỏi.
Cô kéo tôi tới gần hơn và chỉ vào tim tôi, cô nói, “Nó ở đây,” đó là lần đầu tiên tôi ý thức về nhịp đập của nó. Những từ của cô khiến tôi rất bối rối vì khí đó tôi không hiểu bất cứ thứ gì trừ khi tôi chạm vào nó.
Tôi ngửi những bông cúc tím trong tay cô và hỏi, nửa bằng từ ngữ, nửa bằng dấu hiệu, một câu hỏi có nghĩa là: “Có phải yêu là mùi thơm của hoa không?”
“Không phải.” Cô giáo của tôi trả lời.
Tôi lại suy nghĩ. Mặt trời ấm áp đang chiếu vào chúng tôi.
“Có phải đây là tình yêu không?” Tôi hỏi, chỉ về phía sức nóng xuất phát. “Có phải đây là tình yêu không?”
Với tôi, dường như không có gì đẹp hơn mặt trời với sự ấm áp khiến tất cả mọi vật sinh sôi nẩy nở. Nhưng cô Sullivan lắc đầu, và tôi rất bối rối, thất vọng. Tôi nghĩ thật lạ lùng khi cô giáo không thể chỉ cho tôi biết tình yêu.
Một hoặc hai hôm sau, tôi xâu những hạt cườm có nhiều kích cỡ khác nhau theo những nhóm đối xứng – hai hạt to, ba hạt nhỏ, vân vân. Tôi đã phạm nhiều sai lầm, cô Sullivan chỉ ra chúng hết lần này tới lần khác với sự nhẫn nại dịu dàng. Cuối cùng tôi nhận ra một lỗi rất hiển nhiên trong chuỗi hạt và ngay lập tức tôi tập trung chú ý vào bài học và cố suy nghĩ xem tôi nên sắp xếp những hạt cườm thế nào. Cô Sullivan chạm vào trán tôi và viết với sự nhấn mạnh dứt khoát ‘Suy nghĩ.”
Trong chớp mắt, tôi biết từ đó là tên của cái quá trình đang diễn ra trong đầu tôi. Đó là nhận thức có ý thức đầu tiên của tôi về một ý tưởng trừu tượng.
Tôi ngồi im suốt một hồi lâu – tôi không nghĩ tới những hạt cườm trong lòng tôi mà cố tìm một ý nghĩa cho từ “yêu” dưới ánh sáng của ý tưởng mới này. Mặt trời đã bị mây che khuất cả ngày và có những cơn mưa nhỏ; nhưng đột nhiên mặt trời lại ló ra với tất cả nét tuyệt vời ở miền nam của nó.
Một lần nữa, tôi hỏi cô giáo: “Có phải đây là tình yêu không?”
“Tình yêu là một thứ giống như những đám mây trên trời trước khi mặt trời ló ra,” cô đáp. Rồi với những từ đơn giản hơn, mà vào thời điểm đó tôi không thể hiểu, cô giải thích: “Em không thể chạm vào những đám mây, em biết đó; nhưng em cảm thấy mưa và biết những cây hoa và lòng đất đang khát vui mừng thế nào khi mưa xuống sau một ngày trời nóng. Em cũng không thể chạm vào tình yêu, nhưng em có thể cảm thấy sự ngọt ngào rót vào mọi thứ. Không có tình yêu em sẽ không cảm thấy hạnh phúc hay muốn chơi đùa.”
Sự thật đẹp đẽ bùng nổ trong tâm trí tôi – tôi cảm thấy có những đường nối vô hình trải ra giữa linh hồn tôi và linh hồn của những người khác.
Ngay từ khi bắt đầu giáo dục tôi, cô Sullivan thực hành việc nói chuyện với tôi như với bất kỳ đứa trẻ nghe được nào; điều khác biệt duy nhất là cô viết những câu nói đó vào tay tôi thay vì nói ra chúng. Nếu tôi không biết những từ và thành ngữ cần thiết để thể hiện những ý nghĩ của mình, cô sẽ cung cấp chúng, thậm chí đề nghị trò chuyện khi tôi không thể tham gia cuộc đối thoại.
Quá trình này tiếp diễn suốt nhiều năm; bởi đứa trẻ khiếm thính không học trong một tháng hay thậm chí hai hoặc ba năm vô số những cách diễn tả và thành ngữ được sử dụng trong giao tiếp hàng ngày đơn giản nhất. Trẻ em nghe được học những thứ này bằng cách thường xuyên lặp lại và bắt chước. Cuộc đối thoại nó nghe được trong nhà kích thích tâm trí nó, đưa ra những chủ đề và gợi ra cách thể hiện tự phát những ý nghĩ của chính nó. Sự trao đổi ý tưởng tự nhiên này khép kín đối với một đứa trẻ điếc. Cô giáo của tôi nhận ra điều đó và quyết tâm cung cấp những loại kích thích mà tôi thiếu. Cô thực hiện điều này bằng cách lặp lại với tôi càng nhiều càng tốt, theo đúng những gì cô nghe được, và bằng cách chỉ cho tôi cách tham gia vào cuộc trò chuyện. Nhưng có một thời gian dài trước khi tôi đánh bạo bắt đầu câu chuyện, và còn lâu hơn nữa trước khi tôi tìm ra một điều thích hợp để nói ra đúng lúc.
Người mù và người điếc thấy rất khó thủ đắc sự thú vị của việc trò chuyện. Sự khó khăn này còn tăng thêm biết bao lần trong trường hợp của những kẻ vừa mù vừa điếc! Họ không thể phân biệt được tiếng của giọng nói hoặc, nếu không có sự hỗ trợ, dõi theo âm điệu lên xuống của giọng nói vốn mang tới ý nghĩa cho những từ; họ cũng không thể quan sát biểu hiện trên mặt của người nói, và vẻ mặt thường chính là linh hồn của những gì một người nói ra.
Câu Chuyện Đời Tôi Câu Chuyện Đời Tôi - Hellen Keller Câu Chuyện Đời Tôi