Chương 7: Chu Ân Lai Nhập Cuộc
hu Ân Lai là thủ tướng đầu tiên của Trung Cộng, và giữ chức vụ này cho đến lúc chết năm 1976. Họ Chu có một sự nghiệp chính trị hiển hách hơn bất cứ một thủ tướng nào khác đồng thời với ông.
Chu Ân Lai là một người lịch thiệp, sành điệu và cũng là một chính trị gia khôn ngoan, biết nương theo hoàn cảnh để sinh tồn. Phần đông các nhân vật cao cấp của Trung Cộng ủng hộ Chu Ân Lai, vì khả năng hành chánh và nhân cách của ông. Sự hấp dẫn và bản chất thực tế của Chu Ân Lai đã khiến ông được nhiều người ưa chuộng và nể vì. Vẻ đẹp trai và dáng dấp hấp dẫn bề ngoài tạo cho Chu Ân Lai danh tiếng là một lãnh tụ được nhiều người đẹp ái mộ. Tuy nhiên cuộc đời tình ái của Chu Ân Lai là một bí mật hoàn toàn. Người ta chỉ biết ông kết duyên với một người bạn học là Đặng Dĩnh Siêu, và sống hết đời với bà Đặng, mặc dù hai người không có con. Mãi tới cuối thập niên 1950, một bé trai người Đức lai Trung Hoa đã nhận Chu Ân Lai là ông ngoại. Lúc đó người ta mới biết rằng trong thời kỳ du học tại Đức Quốc, Chu Ân Lai đã có một người tình người Đức và sinh được một con gái.
Nhưng đằng sau cái vẻ thư thái tươi cười của Chu Ân Lai là một lòng dạ sắt thép, lạnh lùng không tình cảm. Năm 1931, mật vụ của Tưởng Giới Thạch tại Thượng Hải đã phá vỡ một đơn vị đặc nhiệm của tổ chức cộng sản, và bắt giữ được Cố Thuận Chương, tổ trưởng của đơn vị đặc nhiệm này. Cố Thuận Chương không chịu nổi sự tra khảo của mật vụ, nên đã đưa cho mật vụ một danh sách những đảng viên cộng sản tại Thượng Hải. Kết quả là tổng bí thư đảng Hướng Trung Phát bị mật vụ bắt và giết chết. Tuy vậy phần đông các đảng viên khác đã may mắn trốn thoát. Cố Thuận Chương phục vụ dưới quyền Chu Ân Lai, và chính Chu Ân Lai đích thân tiến hành cuộc trừng phạt hành quyết Cố Thuận Chương. Một hôm bà già giúp việc trong nhà Cố Thuận Chương đi chợ về, trông thấy Chu Ân Lai đứng trên ban công nhà cùng một vài người khác, trong khi đó bên trong nhà mở nhạc thật lớn và có tiếng pháo nổ. Bà già nhận biết được Chu Ân Lai vì Chu Ân Lai thường lui tới nhà, nhưng không biết những người đang cười nói chuyện trò với Chu. Bà già sợ hãi bỏ chạy. Sau đó khi trở lại, bà già thấy nhiều vết máu trong nhà và cả nhà họ Cố đều bị thảm tử. Chu Ân Lai đã dùng những tiếng hát ồn ào làm phương tiện tuyệt vời để che giấu những tiếng động của việc giết người. Chu Ân Lai đã bình thản giám sát việc hành quyết toàn gia của một cộng sự viên thân tín.
Chu Ân Lai đã đạt tới địa vị rất cao trong cộng đảng Trung Quốc trước khi ngôi sao của Mao Trạch Đông nổi bật trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Chu Ân Lai là người tổ chức hàng loạt những cuộc nổi dậy của công nhân tại Thượng Hải năm 1927. Ông cũng là người lãnh đạo cuộc nổi dậy tại Nam Xương năm 1927, một thành công quan trọng đến nỗi ngày nay hàng năm vẫn được tưởng niệm bằng Ngày Quân Lực của hồng quân Trung Cộng. Trong giai đoạn đầu của cuộc Vạn Lý Trường Chinh, Chu Ân Lai, Bác Cổ và tướng Lý Đức (tức là viên tướng Otto Braun người Đức do Stalin cử sang giúp cộng đảng Trung Quốc) là bộ ba lãnh đạo cuộc rút lui chiến thuật lên miền núi non của tỉnh Thiểm Tây. Lúc ấy Mao Trạch Đông đang bị thất sủng, và ngay cả em ruột của Mao Trạch Đông là Mao Trạch Đàm cũng bị bỏ lại, không được phép chạy trốn theo. Về sau Mao Trạch Đàm bị quân Quốc dân đảng bắt và hành quyết. Nhưng với những thủ đoạn quỷ quyệt của một con cáo già chính trị, chỉ vài tháng sau Mao Trạch Đông đã đoạt lại được quyền lãnh đạo tối cao cuộc Trường Hành này sau hội nghị Tuân Nghĩa. Sau khi Nhật Bản bại trận tại Trung Quốc, Chu Ân Lai đại diện cho cộng đảng trong các cuộc thương thuyết lâu dài với Quốc dân đảng. Sau này Chu Ân Lai là đồng minh chiến lược chính yếu của Mao Trạch Đông trong cuộc chiến chống lại Quốc dân đảng Trung Hoa. Cuối cùng, khi Mao Trạch Đông tuyên cáo thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc năm 1949, thì Chu Ân Lai trở thành người đứng đầu chính phủ với tư cách là Tổng Lý Quốc Vụ Viện, tức là chức vụ thủ tướng.
Điều mà thế giới bên ngoài biết rất ít về Chu Ân Lai là hoạt động tình báo bí mật của ông. Trong những năm đầu của cộng đảng Trung Quốc, Chu Ân Lai thường tham gia các hoạt động kín tại những thành phố lớn, như Thượng Hải. Hoạt động của Chu Ân Lai bao gồm việc tuyển lựa các đảng viên hoạt động tình báo, tổ chức những cuộc họp bí mật, điệp báo, bắt cóc và ám sát. Trong đệ nhị thế chiến, khi cộng đảng Trung Hoa và Quốc dân đảng đang ở giai đoạn hai của cuộc liên hiệp chống Nhật Bản, thì Chu Ân Lai là đại diện cao cấp nhất của cộng đảng tại Nam Kinh và Trùng Khánh. Trong lúc Chu Ân Lai bị tình báo Quốc dân đảng canh chừng theo dõi gắt gao, thì ông vẫn thành công thiếp lập được một màng lưới gián điệp của cộng sản tại Trùng Khánh. Chu Ân Lai đã tỏ ra rất giỏi nghề gián điệp, và sở tình báo cũng như sở phản gián của Quốc dân đảng không thể ngăn chặn được hoạt động của ông.
Sau khi được bổ nhiệm làm thủ tướng, Chu Ân Lai ủng hộ Mao Trạch Đông hết mình trong tất cả các cuộc tranh giành quyền lực giữa Mao và các lãnh tụ cộng sản khác. Trong cuộc thanh trừng hạ bệ Cao Cương bất thần năm 1956, trong đợt kêu gọi giới trí thức Trung Hoa bày tỏ quan điểm của mình qua chiến dịch “Trăm Hoa Đua Nở, Trăm Nhà Đua Tiếng” và cuộc đàn áp trí thức, giáo sư, học giả, khoa học gia, sinh viên sau đó, trong cuộc sửa sai hạ bệ một đồ đệ trung thành của Mao là Bành Đức Hoài, trong sự rạn nứt giữa Nga-Hoa, và cuối cùng trong trận tấn công Lưu Thiếu Kỳ của cuộc Cách mạng Văn hoá, Mao Trạch Đông luôn luôn yêu cầu sự cộng tác của Chu Ân Lai và được Chu Ân Lai hợp tác.
Chu Ân Lai không đồng ý phát động cuộc Cách mạng Văn hoá, nhưng vẫn đi theo vì không dám trực tiếp đối đầu với Mao Trạch Đông, để giữ vững được chức thủ tướng của ông. Cuộc Cách mạng Văn hóa gây cho Chu Ân Lai rất nhiều khó khăn và khổ tâm. Vợ chồng Chu Ân Lai không có con, chỉ có một người con gái nuôi là Tôn Duy Thế. Tôn Duy Thế du học tại Nga Sô và là giám đốc viện kịch nghệ. Giang Thanh vốn thù ghét Tôn Duy Thế từ lâu, vì Tôn Duy Thế là thông dịch viên trong cuộc hội đàm giữa Mao Trạch Đông và các lãnh tụ Nga. Khi Giang Thanh dò hỏi Tôn Duy Thế về các vấn đề bàn cãi trong cuộc hội đàm, thì Tôn Duy Thế không chịu cho Giang Thanh biết, và còn nói đó là những bí mật quốc gia mà Giang Thanh không cần phải biết. Bây giờ là lúc Giang Thanh trả thù. Tôn Duy Thế bị vệ binh đỏ của Giang Thanh tấn công, bắt giam và hành hạ đến chết trong tù. Vậy mà Chu Ân Lai vẫn không dám lên tiếng phản đối. Chu Ân Lai vẫn hy vọng mình có thể gia tăng ảnh hưởng sau này, nên luôn luôn áp dụng chính sách khuyến dụ hoặc áp lực kẻ thù của Mao, phục vụ cho Mao vô điều kiện. Chu Ân Lai đã cố công giữ cho một nền kinh tế bị xáo trộn không sản xuất khỏi bị đổ vỡ. Trước quần chúng, bao giờ Chu Ân Lai cũng cầm cuốn sách màu đỏ “Tư Tưởng Mao Trạch Đông”, hô khẩu hiệu “Mao chủ tịch vạn tuế” và nhảy múa với những kẻ trung thành với Mao.
Khả năng của Chu Ân Lai có thể làm việc nhiều năm với Mao Trạch Đông, mà không bị Mao tấn công hãm hại là vì Chu Ân Lai hiểu biết rõ con người của Mao. Chu Ân Lai cố tránh không bao giờ đảm nhận chức vụ làm người thứ nhì của chế độ. Ông bằng lòng với vai trò một người thứ ba, hoặc thứ tư của chế độ. Họ Chu biết cách tìm hiểu ý tứ Mao, đọc tâm trí Mao và làm vừa lòng Mao.
Về phần Mao Trạch Đông cũng rất biết ơn Chu Ân Lai sẵn sàng làm những công việc gỡ rối cho mình. Mao cần một người quét dọn những bừa bãi sau mỗi lần mở cuộc tấn công một đối thủ nào. Chu Ân Lai là người tin cẩn chứ không phải là một đe dọa cho Mao. Chu Ân Lai không liên kết với bất cứ nhóm nào nên Mao có thể nói chuyện với Chu Ân Lai về mọi việc. Chính vì vậy, Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã có thể là bạn với nhau cho tới lúc chết.
Mối liên lạc giữa Chu Ân Lai và Lâm Bưu không rõ rệt như đối với Mao Trạch Đông. Thực ra trước kia Chu Ân Lai là cấp trên của cả Mao Trạch Đông và Lâm Bưu trong một thời gian lâu dài, cả về tuổi tác và kinh nghiệm. Khi Chu Ân Lai là một giảng viên cao cấp tại trường quân sự Hoàng Phố thì Lâm Bưu chỉ là một khoá sinh. Khi Chu Ân Lai lãnh đạo cuộc nổi dậy tại Nam Xương ngày 1-8-1927 thì Lâm Bưu mới chỉ là một trung đội trưởng.
Vậy mà Chu Ân Lai cũng như nhiều người khác đã thành thực thán phục chàng thanh niên Lâm Bưu vì những thành quả quân sự hiển hách của Lâm Bưu. Tại Trùng Khánh trong thời Trung Nhật chiến tranh, một ký giả hỏi ý kiến Chu Ân Lai về Lâm Bưu sau khi Lâm Bưu và sư đoàn 115 của Lâm Bưu thắng quân Nhật một trận quan trọng tại Bình Hình Quan, thì Chu  Lai trả lời, “Sư đoàn trưởng Lâm Bưu là người đã thắng những trận quan trọng. Mặc dù còn trẻ hơn chúng tôi, nhưng trong lãnh vực quân sự, Lâm Bưu giỏi hơn chúng tôi.”
Tuy vậy Chu Ân Lai không bao giờ tin cậy Lâm Bưu. Ông không hề quan tâm đến cách Lâm Bưu bành trướng ảnh hưởng trong tứ lộ quân. Chu Ân Lai cho đó là tinh thần sứ quân lỗi thời, có mục đích đoạt được sức mạnh chính trị bằng sự xâm nhập quân sự và lật đổ. Chu Ân Lai tỏ ra không thích giới quân sự, vì đã quá quen thuộc với sự tham lam vô hạn của giới tướng lãnh Trung Cộng.
Không phải mãi tới cuộc Cách mạng Văn hoá Lâm Bưu mới có thể sử dụng quân sự cho quyền lợi của mình. Chu Ân Lai cũng biết ngoài Lâm Bưu ra, không ai có thể ổn định được những xáo trộn chính trị. Vì thế khi Lâm Bưu thay thế Lưu Thiếu Kỳ trở thành nhân vật số hai của chế độ và là người thừa kế Mao Trạch Đông thì Chu Ân Lai ủng hộ Lâm Bưu trong các cuộc tranh chấp phe nhóm, vì có lợi cho Chu. Chu Ân Lai đã ủng hộ Lâm Bưu ngay cả khi Lâm Bưu xung đột với thống chế Trần Nghị, lúc đó là ngoại trưởng, và thống chế Hạ Long là chủ tịch ủy ban giáo dục, mặc dù Trần Nghị và Hạ Long là đồng minh cố cựu của Chu Ân Lai trong nhiều năm.
Bề ngoài hành động của Mao Trạch Đông tấn công Lâm Bưu tại đại hội Lư Sơn có vẻ như không có dụng ý khiêu khích, nhưng Chu Ân Lai biết rõ hơn thế. Tháng 11-1969 và tháng 6-1970, Mao Trạch Đông nhận được những báo cáo về sức khoẻ của Lâm Bưu do các bác sĩ của bệnh viện quân sự số 301 thuộc quyền kiểm soát của quân nhu và Khâu Hộ Tác. Hai bản báo cáo cho biết sức khoẻ của Lâm Bưu cực kỳ tốt đẹp, và mặc dù Lâm Bưu bị nhiều thương tích trong quá khứ, nhưng Lâm Bưu vẫn mạnh khoẻ như một người kém Lâm Bưu đến 25 tuổi. Hai bản báo cáo kết luận Lâm Bưu có thể sống thọ từ 98 đến 117 tuổi.
Mao Trạch Đông nghi ngờ sự xác thực của các báo cáo này, và nghi ngờ Khâu Hộ Tác cố ý phóng đại hoặc sửa đổi sự thực. Mao rất bực mình về mục đích của sự lừa dối này. Mao không biết sức khỏe của Lâm Bưu suy đồi đến mức nào, nhưng Mao biết chắc chắn có những điều phe Lâm Bưu cố ý che giấu, và Mao muốn biết những điều đó là gì.
Tháng 7-1970, Mao Trạch Đông gọi Chu Ân Lai vào Cấm Thành để thảo luận về sức khoẻ của Lâm Bưu. Mao yêu cầu Chu Ân Lai chọn một số bác sĩ đáng tin cậy trong số các bác sĩ tại bộ y tế để khám sức khỏe toàn diện cho Lâm Bưu. Không muốn cho Lâm Bưu biết được ý định của mình, nên Mao đề nghị Chu Ân Lai ra một thông cáo yêu cầu các viên chức cao cấp của đảng và nhà nước phải qua một cuộc khám sức khoẻ toàn diện, vì có dấu hiệu bệnh ung thư đang gia tăng. Nếu có một thông cáo như vậy thì Lâm Bưu sẽ không nghi ngờ và tuân theo.
Bản báo cáo của các bác sĩ do Chu Ân Lai lựa chọn khác hẳn với những bản báo cáo của quân y viện 301. Theo báo cáo này thì Lâm Bưu có triệu chứng của nhiều chứng bệnh khác nhau. Lâm Bưu bị cứng động mạch, thận và nang thượng thận bị sưng và ảnh hưởng tới đường tiểu tiện; hệ thống các hạch bị tắc nghẽn và không hoạt động bình thường; tình trạng tinh thần suy kém đến nỗi Lâm Bưu chỉ làm việc được mỗi ngày ba giờ. Cuối cùng bản báo cáo tiết lộ Lâm Bưu bị chứng bệnh xương đang lan rộng từ ngang thắt lưng, và có thể bị bán thân bất toại.
Bản báo cao thứ hai về sức khoẻ của Lâm Bưu khiến Mao Trạch Đông vừa kinh ngạc vừa cảm thấy nhẹ nhõm. Mao đã đoán rất đúng, và bản báo cáo này là một lý do chính đáng để Mao tái xét việc chọn người thừa kế. Mao nghĩ rằng tìm được một người thừa kế đúng ý Mao thì có thể bảo đảm được ảnh hưởng của Mao tại Trung Quốc trong nhiều thế hệ sau.
Chu Ân Lai là người đầu tiên Mao Trạch Đông hỏi ý kiến về việc chọn người thừa kế mới, thay thế Lâm Bưu, bởi vì Chu Ân Lai không có ý định dòm ngó chức vị thừa kế ấy, và Chu Ân Lai cũng không ở trong phe Lâm Bưu. Thực ra Chu Ân Lai rất vui mừng thấy Mao không còn liên kết với Lâm Bưu bữa. Nếu Lâm Bưu trở thành người lãnh đạo tối cao của Trung Cộng thì Chu Ân Lai không nghĩ rằng ông có thể tiếp tục phục vụ Lâm Bưu với chức thủ tướng hoặc cố vấn chính trị. Chu Ân Lai muốn có một người trẻ hơn, và ít kinh nghiệm hơn giữ vai trò tối cao và tượng trưng, trong khi Chu Ân Lai đứng sau nắm thực quyền. Bây giờ Mao không muốn Lâm Bưu kế vị nữa, Chu Ân Lai có thể ảnh hưởng Mao chọn một người thừa kế khác, hợp ý mình hơn. Chu Ân Lai đã khuyến khích Giang Thanh và Trương Xuân Kiều đề cử Vương Hồng Văn, lãnh tụ của các cuộc cách mạng vô sản tại Thượng Hải.
Tuy nhiên Chu Ân Lai vẫn tiếp tục liên lạc với Lâm Bưu, nếu không có bản báo cáo của Hứa Sang tại bộ An Ninh. Đang lúc Chu Ân Lai sửa soạn đón tiếp cuộc viếng thăm lịch sử của tổng thống Nixon thì nghe tin bộ tổng tham mưu muốn đi đêm với Nga Sô. Việc bắt tay với Hoa Kỳ rất quan trọng đối với Chu Ân Lai. Chu Ân Lai có thể gây xúc động cho Nga Sô, và gia tăng ảnh hưởng của mình vào chính sách ngoại giao của Trung Cộng.
Bây giờ kế hoạch vĩ đại này đang gặp nguy hiểm, vì phe quân nhân muốn đạp đổ. Khi Chu Ân Lai gặp Sài Phúc Chi vào tháng 8-1971 để thảo luận cách thức giải quyết vấn đề Vũ Chung An, thì cả hai đồng ý phải tiếp tục cuộc điều tra về hoạt động của Vũ Chung An. Chu Ân Lai không dùng người của bộ An Ninh, mà đặc phái nhóm 646, một nhóm điều tra chuyên môn của bộ ngoại giao, và rất có kinh nghiệm thi hành những nhiệm vụ bí mật từ nhiều năm qua, bí mật đến nỗi không ai ngoài tổ chức của họ biết được sự hiện hữu của tổ chức này. Người lãnh đạo trực tiếp của nhóm điều tra đặc biệt 646 là Giang Đức Hồng, cánh tay mặt của Chu Ân Lai.
Chu Ân Lai ra lệnh nhóm 646 không những phải theo dõi Vũ Chung An, mà còn phải mở rộng phạm vi điều tra tới ủy ban quân sự và bộ tổng tham mưu nữa. Chu Ân Lai yêu cầu họ phải dùng những phương tiện tối tân nhất. Cuối cùng Chu Ân Lai biết hết tất cả mục tiêu muốn “kết thân” với Nga Sô của phe Lâm Bưu.
Nếu những nhân viên tình báo Nga Sô nhận được tin tức đảo chánh của Lâm Bưu một cách nghiêm trọng hơn, và chuyển lên đến Brezhnev ngay, và Brezhnev bật đèn xanh hợp tác với kế hoạch lật đổ Mao Trạch Đông của Lâm Bưu, thì hai nước Nga-Hoa đã trở thành thân hữu như cũ rồi. Nhưng người Nga không hành động ngay cho tới khi quá trễ. Trong khi đó Hoàng Vĩnh Thắng tỏ ra rất lo ngại vì không thấy tiến bộ trong việc móc nối với Nga Sô. Mặc dù Hoàng Vĩnh Thắng không tin sự im lặng của Nga Sô là điềm xấu, nhưng họ Hoàng sợ để lâu, sự việc có thể bị bại lộ. Cuối cùng Hoàng Vĩnh Thắng bàn luận với Lâm Bưu, và cả hai đồng ý hành động móc nối với Nga Sô là một
lỗi lầm. Cả hai quyết định chấm dứt kế hoạch liên kết với Nga Sô.
*
Chu Ân Lai là người đi ngủ rất trễ, vì giờ làm việc chính của ông là từ nửa đêm tới 5 giờ sáng. Thường người bí thư Giang Đức Hồng không bao giờ đánh thức ông dậy. Nhưng sáng hôm đó Giang Đức Hồng nhận được một bản tin khẩn cấp của nhóm điều tra 646. Họ báo cáo cho Giang Đức Hồng biết rằng Vũ Chung An được hai sĩ quan tình báo đưa tới phi trường Bắc Kinh để lên một trực thăng. Khi cách Bắc Kinh 290 dặm về phía tây thì chiếc trực thăng chở Vũ Chung An đâm vào núi. Tất cả mọi người trên trực thăng đều chết hết.
Chu Ân Lai và Giang Đức Hồng đặt ra nhiều giả thuyết về vụ trực thăng đâm vào núi: có lẽ một lý do nào đó khiến phe Lâm Bưu thấy cần phải thủ tiêu Vũ Chung An để bảo mật. Nhưng tại sao lại bây giờ, sau khi vai trò của Vũ Chung An đã chìm một thời gian? Sau đó sẽ là gì? Phe Lâm Bưu đang toan tính gì? Có nên báo cáo cho Mao Trạch Đông biết không?
Cuối cùng Chu Ân Lai quyết định phải thông báo cho Mao Trạch Đông. Ông ra lệnh cho Giang Đức Hồng phải lên đường đi gặp Mao đang kinh lý tại Hàng Châu. Giang Đức Hồng mang theo tất cả tài liệu mật, những hình ảnh chụp lén, bản sao tài liệu nghe lén về cuộc đối thoại của Vũ Chung An về công việc móc nối với tình báo Nga. Một bằng chứng đáng ngại nhất là một đoạn đối thoại bằng điện thoại giữa phó chủ tịch ủy ban tình báo quân đội và một sĩ quan tình báo chuyên về Nga Sô. Viên phó chủ tịch nói, “Hoàng Vĩnh Thắng nói với tôi là phó chủ tịch Lâm Bưu không thể kiên nhẫn chờ đợi được thêm nữa. Ông phải thử một lần nữa, và nếu không có kết quả thì sẽ dùng phương tiện khác.”
Kèm theo tài liệu này là một lá thư báo động Mao Trạch Đông hai vấn đề: bộ tổng tham mưu và những người đang có liên lạc với Nga Sô có lẽ biết được rằng hành tung của họ đã bị nhóm 646 khám phá, và nhóm phản loạn này có lẽ đang chuyển hướng hành động sang một mức độ nguy hiểm hơn.
Giang Đức Hồng còn được lệnh truyền cho Mao Trạch Đông một tin bằng miệng mà Chu Ân Lai không dám viết ra giấy: Mao nên chấm dứt cuộc kinh lý và quay về Bắc Kinh ngay lập tức. Hơn nữa, trước khi về tới Bắc Kinh, Mao cần phải quyết định về kế hoạch tấn công lại Lâm Bưu.
Mao Trạch Đông nhận được tin ngày 8-9-1971 tại Hàng Châu, trong lúc đang định đến thăm Quảng Châu vài ngày nữa. Khi được tin của Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông lập tức đổi ý, và quay trở về Bắc Kinh ngay, để kịp đối phó với một tình thế có vẻ khẩn trương.
Cái Chết Của Lâm Bưu Cái Chết Của Lâm Bưu - Nguyễn Vạn Lý Cái Chết Của Lâm Bưu