Chương 7: Đỉnh Cao Danh Vọng
uả thật, chưa bao giờ Francisco Goya sung sướng như thế. Anh được bầu vào Viện Hàn lâm với đa số phiếu và chỉ duy nhất một phiếu chống, đó là phiếu của Baye. Những bức vẽ mực, tranh sơn dầu biểu hiện cảnh sinh hoạt hàng ngày trong đời sống nhân dân Tây Ban Nha rất được hoan nghênh và bán đắt hơn cả những chân dung thời thượng. Rất nhiều phu nhân, các bậc phong lưu mã thượng tới tấp kéo đến xưởng vẽ. Họ đông đến nỗi anh phải từ chối rất nhiều người. Những người hâm mộ tài năng viết thư từ London, Milan và Paris đến ca ngợi, chúc mừng anh, cùng gợi lên và trao đổi với anh những vấn đề lớn của thời đại. Ngày nào, anh cũng nhận được thiệp mời dự các buổi dạ tiệc, những vũ hội của nhiều tổ chức quyền quý. Tuy bận việc, không thể tham dự, nhưng anh cũng phấn khôi vì những dấu hiệu ngưỡng mộ ấy.
Tuy vậy, anh vẫn chưa hài lòng với bản thân.
Giuanito, với một đồng cảm sâu sắc, nói rõ với Goya là anh cần có một người vợ bên cạnh. Cô gái Pépa xinh tươi chân thật, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của cô để chung sống với anh. Nhưng trong mắt của Francisco, Pépa chỉ là biểu tượng cho đất nước Tây Ban Nha khốn khổ, chỉ vì sự dốt nát nghèo đói mà cô buộc phải làm nghề ô nhục. Đối với cô, anh chỉ thấy thương xót.
Anh đau khổ dằn vặt, vì chưa thực hiện được mong muốn là bằng tác phẩm của mình, thức tỉnh đất nước, tác động vào lương tri của giai cấp cầm quyền. Anh lo rằng những cố gắng làm thay đổi đất nước chỉ hoài công vô ích. Dù sao, anh cũng đã mất đi phần bồng bột xốc nổi trước đây. Anh quyết tâm làm việc thật nghiêm túc cho đến hết đời. Sớm muộn gì nước Tây Ban Nha cũng sẽ hiểu rằng thời kỳ Trung cổ đã qua rồi và thế kỷ XIX là thế kỷ của tự do.
Chính trong thời kỳ này người ta công bố cuộc thi tuyển vào chức vụ họa sĩ triều đình. Francisco ghi tên ngay.
Người ta đặt anh vẽ những bích họa cho tiểu giáo đường hoàng cung. Đề tài do họa sĩ tự chọn. Bạn bè chúc mừng anh gặp may. Nhưng riêng anh hiểu, còn phải vượt qua nhiều khó khăn. Với tư cách là chủ tịch Viện Hàn lâm. Họa sĩ Baye nhận trách nhiệm tổ chức cuộc thi tuyển. Ông nhận được lệnh của triều đình phải theo dõi, nhắc nhở các họa sĩ dự thi trong đường lối sáng tác phải thể hiện được tinh hoa của hội họa truyền thòng và phải bao hàm ý nghĩa ca ngợi uy danh triều đình, Francisco Goya dự kiến dựng những bích họa theo một phong cách mới, trước nay chưa từng thấy ở Tây Ban Nha. Anh dùng ngay một số nhân vật hàng xóm để làm mẫu cho phác thảo đầu tiên. Đó là những cô "maja" trong đó có Pépa, những người thợ thủ công thất nghiệp, một lão hành khất ở quảng trường Plada Mayo. Và một đấu sĩ bò tót già đã từ giã đấu trường.
Một buổi chiều, Baye vốn vẫn không tin tưởng lắm về chủ đề các bức bích họa mà Francisco đang tiến hành, liền đến yêu cầu được xem phác thảo.
- Goya, tôi cho rằng anh quên những nguyên tắc cơ bản đã công bố trong phiên họp cuối cùng của Viện Hàn lâm.
Francisco lẳng lặng khoanh tay trước ngực:
- Không, tôi nhớ lắm, anh Baye.
- Tôi đã từng tuyên bố các họa sĩ không được tách rời truyền thông vinh quang của hội họa cổ điển. Tôi đã khẩn thiết chỉ rõ rằng, nhân vật trong bích họa phải là những con người tượng trưng cho cái thiện và cái mỹ. Cụ thể là những hài đồng, những chàng mã thượng, những thiếu nữ thanh lịch, thể hiện cuộc sống hạnh phúc, tươi vui của triều đại. Đức vua và Hoàng hậu là những người có tình cảm tinh tế, tôi không cho phép người nào trình bày những bức tranh có thể làm cho nhà vua chướng mắt và phật ý.
- Hoàng đế và Hoàng hậu không thể bị chướng mắt và phật ý vì những thần dân mà ngài vẫn thường gặp trên đường phố Madrid hoặc trên đồng ruộng nông thôn. Đấy chính là những người Tây Ban Nha, tất cả đều giống như đức vua và Hoàng hậu.
- Đây đúng thật là những hình tượng bỉ ôi, kỳ quái đến nực cười, anh bạn ạ. Tôi không thể nào hiểu nổi.
Baye đẩy những phác thảo ra, ngẩng nhìn lên, vẻ kiêu căng đầy khinh thị. Francisco cố nén giận, nhặt những bản vẽ xếp lại.
- Tôi nghĩ, đức vua và Hoàng hậu là những người Tây Ban Nha như tất cả chúng ta. Vậy tại sao ta lại coi các vị ấy như những nhân vật bằng sứ mỏng mảnh dễ vỡ phải bọc kín trong nhung lụa? Tại sao ta lại phải vẽ đầy trên vòm trần thánh đường San Antonio những chú hài đồng mũm mĩm, những con người phong lưu giả tạo, những bà hầu tước, những công nương của vũ hội. Tôi muốn vứt bỏ hết những mẫu người ấy trong xã hội.
Baye lắc đầu, giận dữ:
- Anh thừa biết tôi không tán thành quan điểm ấy. Nhân vật trong bích họa thật hay giả, phụ thuộc vào bút pháp thể hiện của nghệ sĩ.
- Đúng thế. Nghệ sĩ chân chính vẽ theo trái tim và cảm xúc của mình.
Ông họa sĩ già không kiềm nổi phẫn nộ:
- Thật quái gở! Nếu mọi nghệ sĩ đều buông thả, vẽ theo những cảm xúc riêng thì nền hội họa chân chính sẽ nhanh chóng mất tính nhất quán trong truyền thống. Nghệ thuật đòi hỏi tính khuôn phép, tính kỷ luật, sự tôn trọng và kế thừa những nguyên tắc cổ truyền một cách nghiêm ngặt. Tiếc rằng tôi không thể làm cho anh hiểu được trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống, chúng ta phải biết thừa kế tinh hoa của tiền bối.
- Điều đó rất đúng. Nhưng chúng ta cũng không được quyền quên rằng mỗi thời đại có cuộc sống riêng của nó. Thời đại trước đã qua, và các bậc tiền bối đã chết cả rồi. Nghệ sĩ thời đại phải thể hiện thế giới đương thời như chính nó, không dối trá, phỉnh nịnh.
Baye tức tối, tưởng như nghẹt thở. Ông ta cầm mũ và áo choàng đi ra phía cửa. Tay đặt lên nắm cửa, rồi quay mặt nhìn lại:
- Tôi không có ý tranh luận với ông. Nhưng ông hãy tuân thủ quy tắc. Nếu ông muốn hy vọng được bổ nhiệm vào chức vụ họa sĩ hoàng cung thì tác phẩm phải biểu thị được cuộc sống hạnh phúc, tươi đẹp của con người. Nếu không ông sẽ là một người thợ vụn vặt chỉ tạo ra những sản phẩm bôi bác.
Dứt lời, ông lãnh đạm mở cửa đi khuất.
Francisco định làm việc trở lại, nhưng cảm thấy tâm hồn rối loạn.
Biết không thể tiếp tục vẽ được, nên anh cùng Giuanito đi ra đường tản bộ. Hai người lang thang khắp phố phường. Lầm lì, bực dọc, Francisco bước đi câm lặng và như không nhìn thấy gì xung quanh. Bỗng nhiên, anh chợt thấy hai người đã đến trước công thự của tòa án giáo hội.
Một đám đông đứng chắn giữa đường.
Anh nghe nhiều tiếng la hét.
- Giết con mụ phù thủy ấy đi!
Francisco thấy một tốp vệ sĩ của tòa án giáo hội đứng vây quanh một thiếu phụ trẻ cưỡi lừa. Thiếu phụ phải khoát một chiếc bao tải, đầu bị chụp một cái mũ chỏm nhọn, vẻ mặt chị ta lúc này đã thất sắc vì sợ hãi. Cả đoàn hành pháp, dẫn đầu là nhiều giáo sĩ thong thả tiến về phía đống củi cao dùng làm giàn hỏa. Đám đông chung quanh không ngớt lời nguyền rủa.
Francisco đứng sững lại, hai tay nắm chặt. Anh lẩm bẩm:
- Bọn chúng hóa điên rồi. Chúng giết người một cách dã man mà coi đó là hành động nhân danh Thiên Chúa.
Giuanito sợ hãi, tìm cách kéo anh đi chỗ khác.
- Goya này, đừng chống đối. Nếu không anh cũng sẽ lên giàn hỏa và kết thúc cuộc đời như vậy. Thôi chúng mình đi đi!
Nhưng Francisco không nghe bạn nói, vì anh chú ý đến một nhóm quý tộc đứng trên bậc thềm tòa án giáo hội và cũng đang theo dõi cuộc hành hình người đàn bà khốn khổ. Francisco chợt giật mình khi nhận ra một phụ nữ trẻ đứng trong tốp người ấy.
Như linh cảm cái nhìn đăm đăm của anh, nàng công tước quay mặt nhìn lại. Rồi quay nhìn đi chỗ khác. Anh thấy rõ, nàng không giấu được sự kinh khủng và lòng ghê tởm trước cảnh tượng dã man kia. Cũng như Goya, nữ công tước Alper cũng nghĩ rằng trong việc hành quyết người đàn bà trẻ kia có cái gì thú vật và man rợ. Chàng họa sĩ tự nhiên thấy tâm hồn nhẹ nhàng trong mối đồng cảm ấy. Anh thấy lòng thanh thản hơn và chăm chú ngắm nhìn nữ công tước.
Giuanito thấy rõ Goya đang chú ý đến nàng. Anh ta liên tưởng ngay đến câu chuyện bất hạnh đã xảy ra khi hai người gặp nhau lần đầu tiên trong đấu trường bò tót. Anh ta liền kéo Goya đi chỗ khác.
Nhưng Goya cứ đứng nguyên đấy cho đến lúc nữ công tước cùng đám tùy tùng lên xe.
Sau đó, anh cùng Giuanito đến quán rượu lão Rodas, nơi họ thường ăn tối.
Quán rượu đang đông. Thực khách chen chúc. Một vũ nữ quay cuồng trong điệu nhạc của hai cây đàn guitare. Nhưng, dường như không chú ý đến sự náo động quanh mình cả đến tiếng gọi giật giọng đầy lo ngại của Giuanito, Goya vẫn cắm cúi vẽ trên mặt giấy một cuốn sổ nhỏ. Anh phác họa lại cảnh tượng hành hình ghê rợn vừa được chứng kiến trước tòa án giáo hội. Với người đàn bà trẻ trên giàn hỏa, gần như ngoài ý định, anh đã vẽ nét mặt tội nhân, không phải là mặt phù thủy. Đột nhiên, anh nhận ra đó chính là gương mặt xinh đẹp của nữ công tước Alper.
Tiếng nhạc bỗng ngừng bặt. Francisco thấy lão chủ quán hấp tấp chạy ra cửa, vui vẻ đón tiếp hết sức cung kính. Anh lơ đãng quay đầu nhìn lại. Cây bút chì bỗng rời khỏi tay.
Nữ công tước Alper đang cùng đoàn tùy tùng đang bước vào quán.
Francisco vo tròn tờ giấy anh vừa vẽ vứt xuống đất, vừa liếc mắt nhìn nữ cóng tước và đám tùy tùng. Anh sợ sự có mặt của nàng ở chốn này sẽ bị tuyên truyền sai lệch và rất ngại có chuyện không may sẽ xảy ra làm rối loạn cuộc hội ngộ này.
Rất nhiều khách trong quán, nâng ly chúc mừng sức khỏe nữ công tước. Nàng cũng nâng ly của mình đáp lại một cách duyên dáng không chút ngại ngùng.
Ngay lúc đó, một đấu sĩ bò tót đã bị thải hồi vì rượu chè quá mức, đột ngột đứng dậy, loạng choạng bước về phía nữ công tước.
Đến trước mặt nữ công tước, anh chàng đấu sĩ bị thải hồi bỗng há miệng cười sặc sụa, và chìa đôi bàn tay to bè ra:
- Khiêu vũ với tôi một bản, thưa công nương.
Ba ngài quý tộc tùy tùng cùng đứng bật lên. Một người trong bọn tiến lên đẩy anh chàng say rượu lùi ra sau.
- Cút mau! - Hắn ta quát lên - Mau cút ngay, thằng khốn!
Gã say rượu có tên José nhìn viên sĩ quan rít lên:
- Mày nói gì hả, thằng đạo đức giả?
Và ngay sau đó đã thấy viên sĩ quan quý tộc bị đánh ngã lăn trên nền gạch. Một tiếng kêu thất thanh vang lên trong quán, nhưng không một người nào muốn vướng vào vụ đánh lộn với anh chàng đấu sĩ hung hãn. Ngài quý tộc tùy tùng thứ hai của nữ công tước, cũng không muốn tiếp chiến, nhưng viên sĩ quan thứ ba, người có tầm vóc nhỏ bé nhất, bất giác đưa tay nắm lấy chuôi kiếm.
Nhưng trước khi hắn rút kiếm ra khỏi vỏ, đã bị nắm đấm khổng lồ của José giáng vào giữa mặt làm hắn ngã gục, nằm rên la dưới đất.
Có lẽ chỉ còn riêng nữ công tước là người bình tĩnh nhất. Thản nhiên, không tỏ vẻ hoảng hốt hay khiếp sợ và không tỏ dấu hiệu ghê tởm khi anh chàng đấu sĩ say rượu đến chỗ nàng.
Francisco đoán chắc hắn sẽ chộp lấy nàng, nên không kiềm mình được nữa. Bằng một giọng cương quyết, trầm nhưng đủ cho tất cả mọi người nghe rõ, anh gằn giọng:
- Thôi đủ rồi, José!
Chàng đấu sĩ giật mình quay ngoắt ngay lại và tiến về phía Francisco với vẻ đe dọa. Còn nữ công tước, như vừa thoát hiểm, thở ra một hơi thật nhẹ nhàng, nở nụ cười vui khi nhận ra họa sĩ Goya. Nhưng cơn điên khùng của kẻ say thì không bờ bến. Hắn làu bàu:
- Cậu cũng tham gia à, Goya?
Francisco nhún vai:
- José, nên về nhà đi. Khi nào tỉnh rượu anh sẽ khá hơn.
- Này, tôi báo trước, cậu đừng chõ mỏ vào đây, Goya!
Hai sĩ quan hộ vệ nữ công tước đã lồm cồm đứng dậy và khẩn nài nàng rời khỏi chốn tồi tệ này. Nhưng nàng đưa tay ra hiệu bảo họ im lặng. Đôi mắt long lanh, nụ cười trên môi, nàng đứng thẳng người lên để nhìn rõ cảnh tượng lúc ấy.
Thực khách quây vòng xung quanh, để lại ở giữa phòng một khoảng rộng. José hơi lảo đảo, hắn trở nên mù quáng với cơn say. Mọi người hiểu rằng, hắn sẵn sàng giết chết ngay đối thủ. Còn Francisco, thái độ vẫn bình tĩnh, anh cười lặng lẽ:
- Các bạn đừng lo, tôi chỉ muốn tống cổ chàng đấu sĩ dữ tợn của chúng ta vào giường nằm mà không cho dùng bữa tối mà thôi!
José chửi thề. Đám đàn bà con gái quanh đấy rú lên khi trông thấy hắn rút từ thắt lưng ra con dao nhọn sáng loáng. Giuanito cũng vội rút dao ra và đưa cho Francisco. Nhưng anh gạt đi.
- Không, tôi không định đấu theo kiểu ấy. Ai cho tôi mượn chiếc khăn!
Một trong những chàng đấu sĩ bò tót có mặt tại đó, hiểu dụng ý liền ném cho anh một cái khăn choàng. Francisco đưa tay đón lấy. Anh vung khăn choàng lên, quay tít trên đầu, và bước những bước ngắn theo thế đấu, chờ anh chàng say rượu xông tới. Đột ngột, José vung dao nhảy vọt tới, nhưng rất nhanh, Francisco đã tung cái khăn trùm kín lấy anh ta như trùm một con bò tót trong đấu trường. Tất cả thực khách phá lên cười.
Không còn ai xem cuộc đấu này là một xung đột nghiêm trọng nữa. Tuy vậy, Francisco không quên anh đang đối đầu với một đối thủ nguy hiểm có vũ khí đang nổi điên vì say rượu và tức giận. Anh theo dõi từng cử động nhỏ của gã. Lần tấn công mới của hắn không còn hùng hổ liều mạng nữa mà đã trầm tĩnh có suy nghĩ. Francisco buộc phải lùi bước nhượng bộ tạm thời.
Bỗng một tia sáng quyết liệt, man rợ ánh lên trong đôi mắt đục ngầu của José. Francisco hiểu, hắn chuẩn bị phóng dao vào mình. Không do dự, anh phán đoán động tác của hắn và, tung chiếc khăn choàng đúng lúc José vung tay. Một chuỗi cười tán thưởng lại vang lên làm rung chuyển cả quán. José lại bật ra mấy câu chửi thề. Nhưng Francisco đã xông tới, bằng một động tác nhanh gọn, anh giật mạnh khăn choàng, làm con dao nhọn văng ra xa. Cùng lúc đó, anh tống một quả đấm bằng tất cả sức mạnh vào giữa cằm José. Gã đấu sĩ loạng choạng ngã khuỵu xuống, nằm sóng sượt trên nền gạch.
Cả quán rượu lặng đi một lát, rồi các thực khách đều quay lại bàn mình.
Lão chủ quán chạy đến bên Francisco để cám ơn anh. Nữ công tước Alper, sắc mặt ửng hồng vì xúc động, lại ngồi xuống ghế.
Francisco cúi sát José thấy mồm hắn ứa máu nhưng cứ lảm nhảm chửi rủa.
- Thôi đủ rồi. Nằm yên đấy rồi các bạn sẽ đưa anh về nhà.
Goya đứng lên, thấy nữ công tước đang nhìn anh, thế là, đáng lẽ quay lại chỗ bàn cũ như đã dự định, anh đi thẳng đến trước mặt nàng và cúi chào.
Lúc đó, anh đã quên hẳn José. Anh chàng này đã hồi lại, đủ tỉnh táo để nhìn con dao găm bị văng ra nằm dưới gầm bàn gần sát ngay bên cạnh. Hắn nở một nụ cười độc ác, vớ lấy con dao nhanh đến nỗi không ai kịp nghĩ hắn sẽ làm gì. Hắn đưa mắt nhìn quanh tìm Goya. Thấy anh đang tiến đến gần nữ công tước, hắn liền bật dậy, vung dao lao về phía anh. Nữ công tước thấy tình hình rất nguy hiểm chỉ kịp kêu lên:
- Ôi! Hãy coi chừng.
Nếu nàng không kêu kịp, có thể mũi dao đã đâm trúng anh rồi. Nhưng nghe thấy tiếng kêu, anh vội né sang một bên và cảm thấy mũi dao sượt xuống cánh tay trái.
Nhìn thấy máu tuôn ra, José như tỉnh rượu, hắn vừa vứt dao, định chạy trốn. Nhưng tất cả thực khách trong quán đã tức giận thét lên, xông vào đánh hắn ngã gục.
Đã nén được xúc cảm, Francisco nhìn cánh tay nhuốm đỏ máu của mình rồi lại nhìn nữ công tước, anh mỉm cười:
- Có phải chính nàng là nữ công tước Alper XIII? Hay nàng là hiện thân của quỷ dữ mà mỗi lần được gặp nàng là một lần tôi lại vướng vào tai họa!
Bức Tranh Maja Khỏa Thân Bức Tranh Maja Khỏa Thân - Samuel Edwards Bức Tranh Maja Khỏa Thân