Tại Chỗ
estbury, Anh Quốc năm 1940
Kirpal Singh đứng ở lưng con ngựa, chỗ đáng lẽ có yên cương nằm vắt ngang. Thoạt tiên anh chỉ đứng trên lưng ngựa, tạm dừng để vẫy tay với những người anh không thấy được nhưng anh biết đang dõi nhìn anh. Huân tước Suffolk nhìn anh qua ống nhòm, thấy chàng trai giơ hai tay lên vẫy.
Rồi anh đi xuống dốc, vào trong con ngựa phấn trắng khổng lồ của Westbury, vào màu trắng của con ngựa tạc trên ngọn đồi. Giờ đây anh là một hình dáng màu đen, khung cảnh phía sau làm nổi bật độ thẫm của làn da và bộ quân phục khaki của anh. Nếu ống nhòm có tiêu điểm chính xác, Huân tước Suffolk sẽ nhìn thấy những sợi dây mỏng màu đỏ quàng trên vai của Singh, dấu hiệu đội công binh của anh. Với họ, dường như anh đang sải bước trên một tấm bản đồ bằng giấy cắt theo hình thú vật. Nhưng Singh chỉ nhận biết đôi giày bốt của anh đang chà lên mặt phấn thô màu trắng trong khi anh đi xuống triền dốc.
Đằng sau anh, Miss Morden cũng đang chầm chậm đi xuống đồi, túi da trên vai, dùng một cây dù xếp lại để chống. Bà dừng lại khoảng ba mét phía trên con ngựa, mở dù ra và ngồi trong bóng mát của nó. Rồi bà mở cuốn sổ ghi chép của bà.
“Bà có nghe tôi rõ không?”, anh hỏi.
“Có, tôi nghe được.” Bà chùi phấn trên tay vào váy của mình, chỉnh lại mắt kính. Bà ngước nhìn về phía xa, và giống như Singh đã làm, vẫy tay với những người bà không thấy được.
Singh mến bà. Thật ra, bà là người phụ nữ Anh đầu tiên anh thực sự nói chuyện cùng từ lúc anh đến Anh quốc. Phần lớn thời gian anh ở trong trại lính tại Woolwich. Trong ba tháng ở đấy, anh chỉ gặp những người Ấn khác và mấy sĩ quan người Anh. Phụ nữ anh gặp trong phòng ăn của NAAFI[82] sẽ trả lời câu hỏi, nhưng đối thoại với họ chỉ kéo dài hai hoặc ba câu.
Anh là con trai thứ hai trong gia đình. Con trai trưởng sẽ gia nhập quân đội, con trai kế sẽ là bác sĩ, con trai kế nữa sẽ là thương gia. Một truyền thống lâu đời trong gia đình anh. Nhưng với chiến tranh, tất cả thay đổi. Anh gia nhập một trung đoàn người Sikh rồi được đưa đến Anh quốc. Sau những tháng đầu ở London, and đã tình nguyện vào một đội công binh được thành lập để đối phó với những trái bom chưa nổ hoặc nổ chậm. Lệnh truyền từ trên xuống vào năm 1939 rất ngớ ngẩn: “Những trái bom chưa nổ được xem là trách nhiệm của Bộ Nội vụ, Bộ đã đồng ý rằng chúng sẽ được các nhân viên Phòng không và cảnh sát thu thập rồi đưa đến những kho chứa thuận tiện, ở đấy quân đội sẽ tháo ngòi của chúng vào một thời điểm thích hợp”.
Mãi đến năm 1940, Bộ Chiến tranh mới nhận trách nhiệm tháo gỡ bom, rồi lại giao nó cho Đội Công binh Hoàng gia. Hai mươi lăm đội gỡ bom được thành lập. Họ thiếu dụng cụ kỹ thuật, chỉ có búa, đục và những dụng cụ sửa đường. Không có một chuyên viên nào.
Một trái bom là tổng hợp của những phần sau đây:
1. Một hộp chứa hoặc vỏ bom.
2. Một ngòi nổ.
3. Một bộ phận phát lửa, hoặc gaine.
4. Một phần thuốc nổ chính.
5. Những bộ phận phụ trên vỏ bom - vây, tay cầm, vòng đai quanh mũi bom, v.v…
Tám mươi phần trăm bom thả xuống Anh quốc bằng máy bay là loại bom vỏ mỏng đa dụng. Chúng thường nặng khoảng từ năm mươi ký đến năm trăm ký. Một quả bom nặng một tấn được gọi là “Hermann” hoặc “Esau”. Một quả bom nặng hai tấn được gọi là “Satan”.
Sau những ngày dài huấn luyện, Singh sẽ ngủ gục bên những bản vẽ và biểu đồ anh vẫn nắm trong tay. Nửa mơ nửa tỉnh, anh tiến vào mê trận của ống trục bên cạnh acid picric, phần đánh lửa và những tụ điện cho đến khi anh tới phần ngòi nổ nằm sâu trong thân bom. Thế rồi anh bỗng dưng thức dậy.
Khi một trái bom rơi trúng đích, độ ma sát sẽ làm bộ phận rung khởi động và đánh viên đá lửa trong ngòi nổ. Vụ nổ tí hon sẽ lan vào bộ phận phát lửa, làm lớp sáp penthrite nổ. Sáp penthrite nổ sẽ làm acid picric nổ, và acid picric nổ sẽ làm phần thuốc nổ chính gồm TNT, amatol, và bột nhôm nổ. Cuộc hành trình từ phần rung đến vụ nổ chỉ mất vài giây.
Những trái bom nguy hiểm nhất là những trái bom thả từ cao độ thấp, không khởi động cho đến khi chúng chạm đất. Những trái bom chưa nổ này vùi mình trong thành phố và đồng ruộng, nằm yên cho đến khi bộ phận rung của chúng bị xáo động - bằng cây gậy của nông dân, cú đẩy của bánh xe hơi, một trái banh tennis nẩy trên mặt vỏ bom - và khi ấy chúng sẽ nổ tung.
Singh được chuyển đi bằng xe tải cùng với những người tình nguyện khác đến viện nghiên cứu ở Woolwich. Đấy là lúc tỷ lệ thương vong của những đội gỡ bom cao đến đáng sợ, dù số lượng bom chưa nổ không nhiều. Năm 1940, sau khi Pháp bại trận và Anh quốc ở trong tình trạng bị vây hãm, mọi chuyện trở nên tệ hơn.
Đến tháng Tám, những cuộc giội bom bắt đầu, và trong vòng một tháng, đột nhiên có 2500 trái bom chưa nổ cần phải giải quyết. Đường sá bị chặn, xưởng máy bỏ trống. Đến tháng Chín, số bom chưa nổ lên đến 3700. Một trăm đội bom nữa được thành lập, nhưng vẫn chưa có hiểu biết về cơ cấu hoạt động của bom. Tuổi thọ của những đội bom này là mười tuần lễ.
“Đấy là Thời Đại Anh Hùng trong vấn đề tháo gỡ bom, một thời kỳ dũng cảm cá nhân, khi sự cấp bách và thiếu thốn về kiến thức cũng như dụng cụ dẫn đến những mạo hiểm khôn lường… Dù sao đi nữa, đấy là một Thời Đại Anh Hùng, trong ấy vai chính không được biết đến, công chúng không thể biết những hành động của họ vì lý do an ninh. Hiển nhiên chúng ta không nên công bố những báo cáo có thể giúp kẻ địch ước lượng khả năng của chúng ta trong việc đối phó với vũ khí.”
Trong xe hơi đến Westbury, Singh ngồi trên hàng ghế trước với Mr. Harts trong khi Miss Morden ngồi ở hàng ghế sau với Huân tước Suffolk. Chiếc Humber sơn màu khaki là một chiếc xe nổi tiếng. Vạt chắn bùn của bánh xe được sơn màu đỏ rực để làm dấu - như xe của tất cả các đội gỡ bom lưu động - và ban đêm có một lớp lọc màu xanh ở bóng đèn bên hông xe phía tay trái. Hai ngày trước đó, một người đàn ông đi bộ gần con ngựa phấn nổi tiếng ở Downs đã bị nổ tung. Khi lính công binh đến nơi, họ khám phá ra một trái bom khác đã rơi xuống ngay giữa địa điểm lịch sử - trong bụng con ngựa trắng khổng lồ của Westbury tạc vào năm 1778 trên những ngọn đồi phấn uốn lượn. Liền sau sự kiện này, tất cả ngựa phấn ở Downs - bảy con cả thảy - được che lại bằng lưới ngụy trang đóng cọc xuống đất, để bảo vệ chúng thì ít mà ngăn chúng trở thành những mục tiêu hiển nhiên cho những cuộc giội bom xuống Anh quốc thì nhiều.
Ở hàng ghế sau, Huân tước Suffolk nói chuyện về sự thiên di của chim cổ đỏ từ những vùng chiến tranh của châu Âu, lịch sử tháo gỡ bom, kem sữa vùng Devon. Ông đang giới thiệu những tập tục của Anh quốc cho chàng Sikh trẻ tuổi như thể đấy là một nền văn hóa vừa mới được khám phá. Mặc dù là quý tộc vùng Suffolk, ông ở tại Devon, và cho đến khi cuộc chiến bùng nổ, đam mê của ông là nghiên cứu cuốn truyện Lorna Doone, mức độ xác thực của nó về mặt lịch sử và địa lý. Hầu như mùa đông nào ông cũng luẩn quẩn quanh làng Brandon và Porlock, và ông đã thuyết phục chính quyền rằng Exmoor là một địa điểm lý tưởng để huấn luyện tháo gỡ bom. Dưới quyền ông có mười hai người - gồm những tài năng từ các đội công binh quân sự và dân sự, Singh là một người trong số họ. Phần lớn thời gian trong tuần họ trú đóng tại công viên Richmond ở London, được nghe giảng về những phương pháp mới hoặc làm việc với những trái bom chưa nổ, trong khi những con nai đốm tản bộ chung quanh họ. Nhưng cuối tuần họ sẽ đến Exmoor, tiếp tục huấn luyện trong ngày, rồi sau đó được Huân tước Suffolk lái xe đưa đến giáo đường nơi Lorna Doone bị bắn trong lễ cưới của cô. “Hoặc là từ cửa sổ này, hoặc từ cánh cửa hậu kia… bắn thẳng xuống lối đi giữa hai hàng ghế - vào vai cô. Phát súng trác tuyệt, mặc dù dĩ nhiên đáng trách. Hung thủ bị đuổi theo vào đồng hoang và bắp thịt hắn ta bị rứt khỏi thân mình.” Với Singh, chuyện ấy nghe như một truyền thuyết quen thuộc của Ấn Độ.
Bạn thân nhất trong vùng của Huân tước Suffolk là một nữ phi công ghét giới thượng lưu nhưng yêu ông. Họ đi săn chung. Bà sống trong một căn nhà nhỏ ở Countisbury trên một vách đá nhìn ra eo biển Bristol. Huân tước Suffolk diễn tả những đặc điểm kỳ thú của mỗi ngôi làng họ đi qua trong chiếc Humber. “Đây là nơi mua gậy ba toong bằng gỗ mận gai tốt nhất.” Như thể Singh đang nghĩ đến chuyện bước vào một cửa tiệm bán hàng thời Tudor ở góc đường trong bộ quân phục và khăn xếp của anh và trò chuyện tự nhiên với chủ tiệm về gậy ba toong. Sau này, anh bảo Hana rằng Huân tước Suffolk là mẫu người Anh tuyệt nhất. Nếu không có chiến tranh, ông sẽ không bao giờ nhấc mình ra khỏi Countisbury và căn nhà ẩn dật của ông tên là Trại Nhà, nơi ông trầm ngâm với rượu vang, với lũ ruồi trong phòng giặt cũ phía sau. Ông năm mươi tuổi, có vợ nhưng cá tính chủ yếu vẫn như còn độc thân, đi bộ trên những vách đá mỗi ngày để đến thăm người bạn phi công. Ông thích sửa chữa - bồn giặt cũ và máy bơm nước và lò nấu chạy bằng bánh xe nước. Ông đang giúp Miss Swift, người nữ phi công, thu thập thông tin về những thói quen của con lửng.
Vì thế, chuyến xe đến chỗ con ngựa phấn ở Westbury có nhiều câu chuyện và kiến thức. Ngay trong thời chiến, ông vẫn biết chỗ tuyệt nhất để ghé lại uống trà. Ông bước vào Trà Thất Của Pamela, cánh tay bị băng bó vì một tai nạn với thuốc nổ guncotton, và dẫn dắt bầu đoàn của ông - thư ký, tài xế và lính công binh - như thể họ là con cái của ông. Không ai biết rõ làm thế nào Huân tước Suffolk thuyết phục được Hội đồng Bom chưa nổ cho phép ông thành lập đội gỡ bom thử nghiệm, nhưng với những sáng chế trước đây của ông, có lẽ ông nhiều kinh nghiệm hơn đa số mọi người. Ông là người tự học, và ông tin rằng trí óc ông có thể đọc được động cơ và tinh thần đằng sau bất cứ phát minh nào. Ông đã lập tức chế ra cái áo sơ mi nhiều túi, tạo điều kiện dễ dàng cho lính công binh đang làm việc có chỗ đựng ngòi nổ và dụng cụ.
Họ uống trà và đợi bánh scone, bàn thảo về phương pháp gỡ bom tại chỗ.
“Tôi tin tưởng anh, Mr. Singh. Anh biết như thế, phải không?”
“Vâng, thưa ngài.” Singh yêu mến ông. Đối với anh, Huân tước Suffolk là người đàn ông thật sự quý phái đầu tiên anh gặp ở Anh quốc.
“Anh biết tôi tin rằng anh làm cũng như tôi làm. Miss Morden sẽ ở bên anh để ghi chép. Mr. Harts sẽ ở xa hơn phía sau. Nếu anh cần thêm dụng cụ hay sức người, anh cứ thổi cái còi cảnh sát và ông ấy sẽ đến phụ anh. Ông ấy không góp ý kiến, nhưng ông ấy hiểu rất rõ. Nếu ông ấy không làm điều gì, đấy có nghĩa là ông ấy không đồng ý với anh, và tôi khuyên anh nên nghe lời của ông ấy. Nhưng anh có toàn quyền tại địa điểm. Đây là súng lục của tôi. Chắc bây giờ ngòi nổ tinh vi hơn, nhưng ai biết đâu được, không chừng anh sẽ may mắn.”
Huân tước Suffolk đang ám chỉ đến một việc đã làm ông nổi tiếng. Ông khám phá ra phương pháp ngăn chặn ngòi nổ chậm bằng cách rút súng bắn một viên đạn xuyên qua đầu ngòi nổ, như thế hãm lại chuyển động của đồng hồ. Phương pháp này không được dùng nữa khi người Đức trình làng loại ngòi nổ mới, ở trong ấy nắp gõ, chứ không phải là đồng hồ, nằm phía trên cùng.
Kirpal Singh đã được kết thân, và anh sẽ không bao giờ quên. Cho đến nay, phân nửa thời gian của anh trong chiến tranh trôi qua trong tầm ảnh hưởng của ông quý tộc chưa bao giờ rời Anh quốc và dự định sẽ không bao giờ bước chân ra khỏi Countisbury sau khi chiến tranh kết thúc. Singh đã đến Anh quốc khi không quen biết một ai, xa gia đình ở Punjab. Lúc ấy anh hai mươi mốt tuổi. Anh chưa gặp ai ngoài binh lính. Thế nên khi đọc thông cáo gọi người tình nguyện cho một đội bom thử nghiệm, mặc dù anh nghe những lính công binh khác nói đến Huân tước Suffolk như một người điên, anh đã quyết định rằng trong một cuộc chiến người ta phải nắm phần chủ động, và người ta có nhiều cơ hội lựa chọn và sống sót hơn bên cạnh một nhân vật hoặc một cá tính.
Anh là người Ấn duy nhất trong số người nộp đơn, và Huân tước Suffolk đến trễ. Nhóm của họ gồm mười lăm người được dẫn vào một thư viện và người thư ký bảo họ chờ. Bà ngồi ở bàn giấy sao chép mấy cái tên, trong khi những người lính đùa giỡn về cuộc phỏng vấn và bài thi. Anh không biết ai cả. Anh bước đến một bức tường, chăm chú nhìn một cái phong vũ biểu, sắp chạm vào nó nhưng rồi lại thôi, chỉ kề sát mặt anh vào nó. Rất khô đến Vừa phải đến Giông bão. Anh lẩm bẩm những chữ ấy một mình bằng cách phát âm giọng Anh mới mẻ của mình. “RRất khô. Rất khô.” Anh ngoảnh nhìn những người khác, ngắm nghía quanh phòng và gặp ánh mắt của người thư ký tuổi trung niên. Bà nghiêm nghị nhìn anh. Một cậu bé người Ấn. Anh mỉm cười và bước đến một kệ sách. Một lần nữa, anh không đụng vào thứ gì. Có lúc anh gí mũi vào một cuốn sách tựa đề Raymond, hoặc sống chết do Ngài Oliver Hodge viết. Anh tìm ra một cuốn khác có đề tựa na ná như thế, Pierre, hoặc những điều mập mờ. Anh quay lại, và một lần nữa bắt gặp đôi mắt của người phụ nữ đang nhìn anh. Anh cảm thấy tội lỗi như anh đã bỏ cuốn sách vào túi. Chắc bà ấy chưa bao giờ nhìn thấy cái khăn xếp. Người Anh thật lạ! Họ muốn bạn chiến đấu cho họ, nhưng họ không thèm nói chuyện với bạn. Singh. Và những điều mập mờ.
Họ gặp Huân tước Suffolk trong bữa ăn trưa, ông rất nồng nhiệt, rót rượu cho bất cứ ai muốn uống, cười phá lên mỗi khi những người dự tuyển tìm cách nói đùa. Buổi chiều, tất cả được giao cho một bài thi lạ lùng, họ phải ráp lại một bộ máy nhưng họ không biết mục đích sử dụng của nó. Họ có hai giờ để làm bài, nhưng có thể rời khỏi ngay sau khi họ tìm ra lời giải. Singh nhanh chóng làm xong và dùng thời gian còn lại để sáng chế ra các đồ vật khác từ những bộ phận khác nhau. Anh cảm thấy nếu không phải vì chủng tộc của anh, anh sẽ dễ dàng được nhận. Anh đến từ một đất nước nơi toán học và cơ khí là những đặc tính tự nhiên. Xe hơi không bao giờ bị phá hủy. Những bộ phận của chúng được mang đi khắp làng và gắn vào một cái máy may hoặc máy bơm nước. Băng ghế sau của một cái xe Ford được bọc nệm lại và biến thành một cái ghế sofa. Đa số dân làng của anh thường mang chìa vít hoặc chìa vặn ốc hơn là bút chì. Như thế, những bộ phận không cần thiết của một cái xe được lắp vào đồng hồ quả lắc lớn hoặc ròng rọc thủy lợi hoặc bộ phận quay của ghế văn phòng. Người ta dễ dàng tìm ra giải pháp cho những tai họa cơ khí. Có người hạ nhiệt độ của máy xe không phải bằng ống cao su mới mà bằng cách hốt phân bò đổ lên quanh bộ phận nén hơi. Ở Anh quốc, anh nhìn thấy những bộ phận dư thừa có thể dùng để lục địa Ấn hoạt động hai trăm năm.
Anh là một trong ba người nộp đơn được Huân tước Suffolk chọn. Người đàn ông thậm chí chưa nói chuyện với anh (và chưa cười với anh chỉ vì anh chưa đùa) băng ngang căn phòng và quàng tay qua vai anh. Người thư ký nghiêm khắc hóa ra là Miss Morden, bà nhanh nhẹn mang đến một cái khay đựng hai ly rượu sherry lớn, đưa một ly cho Huân tước Suffolk, rồi vừa nói, “tôi biết cậu không uống rượu”, vừa lấy ly kia cho mình và nâng ly về phía anh. “Chúc mừng cậu, bài thi của cậu rất tuyệt. Mặc dù tôi đã biết chắc cậu sẽ được chọn, ngay cả trước khi cậu làm bài.”
“Miss Morden xét người rất hay. Bà có cái mũi thính về cá tính và tài hoa.”
“Cá tính, thưa ngài?”
“Đúng thế. Dĩ nhiên nó không hẳn là cần thiết, nhưng chúng ta sẽ làm việc chung. Ở đây chúng tôi cũng như người nhà. Miss Morden đã chọn cậu ngay cả trước bữa ăn trưa.”
“Tôi thấy thật khó chịu vì không nháy mắt với cậu được, Mr. Singh.”
Huân Tước Suffolk lại quàng tay qua vai Singh và dẫn anh đến cửa sổ.
“Tôi nghĩ, vì đến giữa tuần sau chúng ta mới phải bắt đầu, tôi sẽ đưa vài người trong đội đến Trại Nhà. Ở Devon chúng ta có thể góp chung kiến thức và làm quen với nhau. Cậu có thể đi cùng với chúng tôi trong chiếc Humber.”
Thế là anh đã qua được, thoát khỏi guồng máy hỗn loạn của chiến tranh. Sau một năm ở ngoại quốc, anh bước vào một gia đình, như thể anh là đứa con đi hoang trở về, được mời ngồi vào bàn, được góp phần trò chuyện.
Trời đã gần tối khi họ băng qua ranh giới từ Somerset vào Devon trên con đường chạy dọc bờ biển nhìn ra eo biển Bristol. Mr. Harts lái xuống con đường hẹp viền cây thạch nam và cây trúc đào, màu đỏ thẫm như máu trong làn ánh sáng cuối cùng. Lối vào dài ba dặm.
Ngoài Chúa Ba Ngôi Suffolk, Morden và Harts, sáu lính công binh nữa làm thành đội thử nghiệm. Cuối tuần, họ đi bộ trong vùng đồng hoang chung quanh căn nhà nhỏ bằng đá. Tối thứ Bảy, Miss Morden, Huân tước Suffolk và vợ ông ăn tối cùng với người nữ phi công. Miss Swift bảo Singh rằng bà vẫn luôn ao ước được bay qua đất liền đến Ấn Độ. Ra khỏi trại lính, Singh không biết vị trí của mình. Có một tấm bản đồ cuốn quanh trục cao trên trần nhà. Một buổi sáng, khi chỉ có một mình, anh kéo trục cuốn xuống cho đến khi nó chạm sàn nhà. Countisbury và vùng lân cận. R. Fones lập bản đồ. Vẽ theo ước muốn của Mr. James Halliday.
“Vẽ theo ước muốn...” Anh bắt đầu yêu tiếng Anh.
Anh ở cùng với Hana trong lều đêm khi anh kể cho nàng nghe về vụ nổ ở Erith. Một trái bom nặng 250 ký bùng nổ khi Huân tước Suffolk tìm cách gỡ ngòi của nó. Nó cũng giết Mr. Fred Harts, Miss Morden và bốn lính công binh đang được Huân tước Suffolk huấn luyện. Vào tháng Năm, năm 1941. Singh đã ở trong đội của Suffolk một năm. Hôm ấy, anh đang làm việc ở London với Trung úy Blackler, gỡ một trái bom Satan trong khu vực Elephant và Castle. Họ đã cùng nhau làm việc để gỡ trái bom hai tấn và đã mệt nhoài. Anh nhớ lúc đang làm việc nửa chừng, anh ngước nhìn lên, thấy hai người sĩ quan gỡ bom chỉ trỏ về hướng anh, và tự hỏi là chuyện gì. Chắc họ đã tìm ra một trái bom khác. Lúc ấy đã quá mười giờ đêm và anh mệt đến mức nguy hiểm. Một trái bom khác đang đợi anh. Anh quay lại làm việc.
Khi họ gỡ xong trái bom Satan, anh quyết định không nên phí thêm thì giờ và bước đến một trong hai người sĩ quan, thoạt tiên anh ta quay người như muốn bỏ đi.
“Vâng. Nó ở đâu?”
Người đàn ông cầm lấy bàn tay phải của anh, và anh biết có chuyện gì không ổn. Trung úy Blackler đứng đằng sau anh, người sĩ quan kể cho họ nghe chuyện gì đã xảy ra, rồi Trung úy Blackler đặt hai tay lên vai Singh và ghì lấy anh.
Anh lái xe đến Erith. Anh đã đoán được điều người sĩ quan ngập ngừng không muốn hỏi. Anh biết anh ta không chỉ đến để nói cho anh nghe về những cái chết. Nói cho cùng, họ đang ở trong chiến tranh. Anh ta đến, nghĩa là có một trái bom thứ hai gần đấy, có lẽ là cùng kiểu, và đây là cơ hội duy nhất để tìm ra điều sai lầm trong lúc gỡ trái bom thứ nhất.
Anh muốn làm chuyện này một mình. Trung úy Blackler sẽ ở lại London. Họ là hai người cuối cùng của đội, liều mạng cả hai là xuẩn ngốc. Nếu Huân tước Suffolk thất bại, nghĩa là có điều gì mới. Dù sao chăng nữa, anh muốn làm chuyện này một mình. Khi hai người làm việc với nhau, họ phải có một căn bản lý luận chung. Phải chia sẻ và thỏa hiệp những quyết định.
Suốt chuyến lái xe đêm, anh nén tất cả cảm xúc xuống. Để giữ đầu óc minh mẫn, họ phải còn sống. Miss Morden đang uống một ly lớn whisky mạnh trước khi uống rượu sherry. Như thế bà có thể uống chậm rãi hơn, ra vẻ mệnh phụ hơn trong suốt buổi tối còn lại. “Cậu không uống rượu, Mr. Singh, nhưng nếu cậu uống, cậu sẽ làm giống tôi. Một ly đầy whisky, rồi cậu có thể hớp từng ngụm nhỏ như một cận thần tốt.” Tiếp theo câu nói này là tiếng cười khàn khàn uể oải của bà. Trong đời anh, bà là người phụ nữ duy nhất anh gặp phải mang theo hai chai rượu bỏ túi bằng bạc. Bây giờ bà vẫn đang uống rượu, và Huân tước Suffolk vẫn đang nhấm nháp miếng bánh ngọt Kipling.
Trái bom thứ hai rơi xuống cách trái bom đầu tiên nửa dặm. Cũng là bom SC-250kg. Trông nó như loại bom quen thuộc. Họ đã gỡ ngòi hàng trăm trái bom như thế, phần lớn theo lối thuộc lòng. Cuộc chiến tiến triển như thế đấy. Cứ khoảng sáu tháng địch quân lại thay đổi một điều gì đó. Bạn tìm hiểu trò lừa bịp, ý thích nhất thời, đoạn thừa nho nhỏ, và dạy lại cho những đội khác. Giờ đây họ đang ở trong một giai đoạn mới.
Anh không mang ai theo. Anh sẽ phải nhớ từng bước một. Người trung sĩ lái xe đưa anh đi tên là Hardy, và anh ta sẽ ở lại bên xe jeep. Người ta đề nghị anh đợi đến sáng hôm sau, nhưng anh biết họ muốn anh làm ngay. Trái bom SC-250kg rất thông dụng. Nếu nó có một sự thay đổi thì họ phải biết lập tức. Anh bắt họ gọi điện thoại trước để khu vực quanh trái bom có ánh sáng. Anh không ngại làm việc trong lúc mệt mỏi, nhưng anh muốn ánh sáng đầy đủ, không chỉ là mấy ngọn đèn pha của hai chiếc xe jeep.
Khi anh đến Erith, khu vực quanh trái bom đã được thắp sáng. Trong ánh sáng ban ngày, vào một ngày vô hại, nó sẽ là một cánh đồng. Những giậu cây, có lẽ một cái ao. Bây giờ nó là một đấu trường. Thấy lạnh, anh mượn áo len của Hardy và mặc ngoài áo của anh. Dù sao chăng nữa, mấy ngọn đèn sẽ giữ cho anh ấm. Khi anh bước đến trái bom, họ vẫn còn sống trong trí anh. Bài thi.
Trong ánh sáng chói, độ rỗ của kim loại nổi lên rõ nét. Bây giờ anh quên đi tất cả ngoại trừ sự nghi ngại. Huân tước Suffolk đã nói rằng người ta có thể chơi cờ tướng rất hay ở tuổi mười bảy, thậm chí tuổi mười ba, có thể đánh bại một bậc thầy. Nhưng người ta không thể chơi bài bridge xuất sắc vào tuổi ấy. Bài bridge dựa trên cá tính. Cá tính của bạn và cá tính của đối thủ. Bạn phải xét đến cá tính của đối thủ. Điều này đúng trong việc gỡ bom. Đấy là ván bài bridge hai người. Bạn có một đối thủ. Bạn không có cộng sự. Đôi khi tôi bắt họ chơi bài bridge thay vì làm bài thi. Người ta nghĩ bom là một vật cơ khí, một kẻ thù cơ khí. Nhưng bạn phải xét đến chuyện nó được một người nào đấy làm ra.
Vỏ trái bom đã bị rách khi nó rơi xuống đất, và Singh có thể nhìn thấy phần chất nổ bên trong. Anh cảm thấy có người đang nhìn ngắm mình, và không chịu quyết định xem người ấy là Huân tước Suffolk hay là người chế ra bộ máy này. Ánh đèn nhân tạo tươi mát làm anh tỉnh táo lại. Anh bước quanh trái bom, săm soi mọi góc cạnh của nó. Để gỡ ngòi, anh sẽ phải mở ngăn chính và vượt qua phần chất nổ. Anh mở nút túi da, dùng một chìa khóa chủ, cẩn thận vặn rời tấm kim loại ở sau lưng vỏ bom. Nhìn vào trong, anh thấy túi ngòi nổ đã bị đẩy rời khỏi vỏ bom. Đây là may mắn - hay rủi ro; anh chưa biết được. Vấn đề là anh không biết cơ cấu đã khởi động chưa, trái bom đã được châm ngòi chưa. Anh quỳ gối, cúi xuống bên trái bom, mừng vì anh chỉ có một mình, trở về thế giới của những lựa chọn đơn giản. Rẽ trái hoặc rẽ phải. Cắt cái này hoặc cắt cái kia. Nhưng anh mệt mỏi, và trong anh vẫn còn cáu giận.
Anh không biết anh có bao nhiêu thời gian. Đợi quá lâu sẽ tăng phần nguy hiểm. Giữ chặt mũi ống trụ bằng giày bốt, anh thò tay vào, giật rời túi ngòi nổ và nhấc nó ra khỏi trái bom. Vừa làm xong chuyện này thì anh bắt đầu run. Anh đã lấy nó ra. Trái bom bây giờ thực sự là vô hại. Anh đặt ngòi nổ cùng đám dây điện rối rắm chung quanh xuống cỏ; chúng trong veo và rạng rỡ trong ánh sáng này.
Anh bắt đầu kéo lê vỏ bom chính về chiếc xe tải cách đấy năm mươi mét để những người khác có thể rút chất nổ ra khỏi trái bom. Trong lúc anh kéo nó, một trái bom thứ ba nổ cách đấy một phần tư dặm, bầu trời rực sáng, khiến ngay cả những ngọn đèn hồ quang dường như cũng yếu ớt và mờ nhạt.
Một sĩ quan đưa cho anh cốc sữa Horlicks pha với một loại rượu, rồi anh một mình trở về bên túi ngòi nổ. Anh hít mùi khói từ cốc sữa.
Không còn nguy hiểm nào đáng kể. Nếu anh lầm, vụ nổ nhỏ có thể làm nát bàn tay anh. Nhưng trừ phi anh áp nó vào tim lúc nó nổ, anh sẽ không chết. Vấn đề bây giờ chỉ là tìm lời giải. Ngòi nổ. “Trò đùa” mới trong trái bom.
Anh sẽ phải xếp lại mê trận của những sợi dây điện vào mẫu nguyên thủy của nó. Anh bước trở lại chỗ người sĩ quan, hỏi xin anh ta phần còn lại của bình thủy đựng sữa nóng. Rồi anh trở về và ngồi xuống lại bên ngòi nổ. Lúc ấy khoảng một rưỡi sáng. Anh đoán thế, vì anh không đeo đồng hồ. Trong vòng nửa tiếng, anh chỉ nhìn ngòi nổ bằng kính lúp, loại kính một tròng treo ở lỗ khuy áo của anh. Anh cúi xuống và chăm chú nhìn mặt đồng thau để tìm những dấu hiệu trầy xước khác, có thể do một cái kẹp tạo nên. Không có gì cả.
Sau này, anh sẽ cần sự phân tâm. Sau này, khi có cả một lịch sử cá nhân của những sự kiện và khoảnh khắc trong trí anh, anh sẽ cần một thứ tương đương với tiếng ồn để thiêu cháy hoặc chôn vùi tất cả trong khi anh nghĩ đến những vấn đề trước mặt anh. Sau này, radio hoặc radio tinh thể và loại nhạc ồn ào của nó sẽ đến, một tấm vải dầu che cho anh khỏi những hạt mưa của đời sống thật.
Nhưng bây giờ anh nhận biết một điều ở phía xa, như ánh phản chiếu của lằn chớp trên một đám mây. Harts và Morden và Suffolk đã chết, bỗng nhiên chỉ còn là những cái tên. Mắt anh tập trung trở lại vào hộp ngòi nổ.
Trong trí, anh bắt đầu lật úp ngòi nổ xuống, cân nhắc những khả năng hợp lý. Rồi lại lật nó lên. Anh mở ốc phần phát lửa, cúi xuống, tai anh kề bên nó, sát vết trầy trên mặt đồng thau. Không có tiếng lách cách nho nhỏ. Nó lặng lẽ tách rời ra. Anh nhẹ nhàng tháo phần đồng hồ ra khỏi ngòi nổ và đặt nó xuống. Anh nhặt ống ngòi nổ lên và nhìn vào lần nữa. Anh không thấy gì. Sắp đặt nó xuống cỏ, anh ngần ngừ rồi mang nó trở lại ánh sáng. Nếu không vì sức nặng của nó, anh sẽ không để ý điều gì lạ. Và anh sẽ không bao giờ nghĩ đến sức nặng của nó nếu anh không tìm kiếm trò đùa. Tất cả những chuyện họ làm thường chỉ là nhìn hoặc lắng nghe. Anh thận trọng nghiêng ống, và sức nặng tuột về phía miệng ống. Đấy là bộ phận phát lửa thứ hai - một bộ phận hoàn toàn riêng biệt - để phá hỏng bất cứ nỗ lực gỡ ngòi nào.
Anh nhè nhẹ nghiêng ống ngòi nổ để bộ phận phát lửa thứ hai rơi về phía anh, rồi vặn mở ốc bộ phận ấy. Nó phát ra một ánh chớp màu trắng xanh và tiếng như roi quất. Ngòi nổ thứ hai đã nổ. Anh kéo nó ra và đặt nó cạnh những bộ phận khác trên cỏ. Anh trở lại xe jeep.
“Có một bộ phận phát lửa thứ hai”, anh lầm bầm. “Tôi may mắn lắm mới kéo mấy sợi dây điện đó ra được. Gọi cho tổng hành dinh xem có bom nào khác không.”
Anh xua mấy người lính ra khỏi xe jeep, dựng một cái băng ghế rời ở đấy và yêu cầu rọi những ánh đèn hồ quang vào băng ghế. Anh cúi xuống nhặt ba bộ phận, để chúng cách nhau khoảng ba tấc trên băng ghế tạm. Bây giờ anh thấy lạnh, thở ra một làn khói mỏng từ hơi ấm của thân thể mình. Anh ngước nhìn lên. Xa xa, vài người lính vẫn đang rút phần chất nổ chính ra khỏi trái bom. Anh viết nhanh xuống vài điểm ghi chú và đưa giải pháp của loại bom mới cho một sĩ quan. Dĩ nhiên anh ta không hoàn toàn hiểu hết, nhưng họ sẽ có được thông tin này.
Khi ánh nắng rọi vào một căn phòng đang cháy, ngọn lửa sẽ biến mất. Anh đã yêu Huân tước Suffolk và những mẩu kiến thức lạ lùng của ông. Nhưng sự vắng mặt của ông ở đây, trong khía cạnh mọi chuyện bây giờ tùy thuộc vào Singh, có nghĩa là cảm nhận của Singh bao gồm tất cả bom loại này trong khắp thành phố London. Đột nhiên anh có một bản đồ trách nhiệm, và anh nhận ra Huân tước Suffolk vẫn hằng mang theo tấm bản đồ ấy trong cá tính của ông. Sau này, cảm nhận ấy là điều khiến anh cần phải gạt ra ngoài rất nhiều thứ trong lúc anh làm việc với một trái bom. Anh là một trong những người không hề chú ý đến những sắp đặt quyền lực. Anh cảm thấy khó chịu với việc chuyển giao kế hoạch và giải pháp qua lại. Anh chỉ cảm thấy có khả năng trong chuyện dò tìm, xác định giải pháp. Khi hiện thực về cái chết của Huân tước Suffolk đến với anh, anh kết thúc công việc anh được giao và gia nhập trở lại vào bộ máy vô danh của quân đội. Anh đi trên tàu chuyển quân Macdonald, đưa anh và một trăm lính công binh khác đến chiến trường Ý. Ở đây họ không chỉ được dùng trong việc gỡ bom, mà còn để xây cầu, dọn gạch vụn, đặt đường ray cho xe lửa bọc sắt. Anh ẩn mình ở đấy suốt thời gian còn lại của cuộc chiến. Ít ai nhớ đến anh chàng người Sikh từng ở trong đội của Suffolk. Trong vòng một năm, cả đội đã bị giải tán và quên lãng. Trung úy Blackler là người duy nhất được lên chức nhờ tài năng của mình.
Nhưng đêm ấy, trong lúc Singh lái xe qua Lewisham và Blackheath đến Erith, anh biết rằng anh chứa đựng kiến thức của Huân tước Suffolk nhiều hơn bất cứ người lính công binh nào khác. Người ta mong anh có tầm nhìn xa thay thế cho ông.
Anh vẫn đang đứng bên xe tải khi anh nghe tiếng huýt còi báo hiệu họ sẽ tắt đèn hồ quang. Trong vòng ba mươi giây, ánh sáng gắt đã được thay thế bằng những pháo sáng lưu huỳnh ở phía sau xe. Lại một trận giội bom. Họ có thể tắt những nguồn sáng yếu hơn này khi họ nghe tiếng máy bay. Anh ngồi xuống thùng xăng rỗng đối diện ba bộ phận anh đã tháo khỏi trái bom SC-250kg, tiếng rít của pháo sáng chung quanh nghe ồn ào sau sự thinh lặng của ánh đèn hồ quang.
Anh ngồi nhìn và lắng nghe, đợi chúng kêu lách cách. Cách đấy năm mươi mét, những người khác lặng im. Anh biết ngay lúc này anh là vua, người giật dây con rối, có thể đòi bất cứ điều gì, một thùng cát, một cái bánh trái cây vì anh cần, và những người ấy, lúc bình thường sẽ không buồn băng ngang qua một quán rượu vắng để trò chuyện với anh ngoài giờ làm việc, sẽ làm theo ý anh. Anh thấy điều ấy thật lạ lùng. Như thể anh đã được trao cho một bộ quần áo rộng thùng thình, hai tay áo kéo lê sau lưng. Nhưng anh biết anh không thích thế. Anh đã quen với sự vô hình của mình. Ở Anh quốc, người ta đã làm ngơ với anh trong các trại lính, và dần dà anh thích như thế. Sự tự túc và riêng tư Hana nhìn thấy ở anh sau này không phải chỉ vì anh là lính công binh trong chiến trường Ý. Nó cũng là sản phẩm của chuyện anh là một thành viên vô danh của một sắc dân khác, một phần của thế giới vô hình. Anh đã dựng nên cá tính phòng thủ để chống lại những điều ấy, chỉ tin những người kết bạn với anh. Nhưng đêm ấy ở Erith anh biết anh có khả năng giật dây và ảnh hưởng mọi người chung quanh anh, những người không có tài năng đặc biệt của anh.
Một vài tháng sau, anh đã trốn thoát qua Ý, đã gói ghém chiếc bóng của người thầy trong cái túi da, như anh đã nhìn thấy cậu bé áo xanh làm ở rạp Hippodrome trong kỳ nghỉ phép đầu tiên của anh vào dịp Giáng sinh. Huân tước Suffolk và Miss Morden mời anh đi xem một vở kịch Anh. Anh đã chọn Peter Pan, và họ, không nói một lời, chấp thuận đi cùng anh đến buổi trình diễn đầy tiếng trẻ con la hét. Có những bóng dáng kỷ niệm như thế ở bên anh khi anh nằm với Hana trong lều của mình nơi thị trấn nhỏ trong vùng đồi nước Ý.
Để lộ tính cách hoặc quá khứ của anh sẽ là một cử chỉ quá ồn ào. Cũng như anh không bao giờ có thể quay lại hỏi nàng động cơ nào sâu sắc nhất đã tạo nên mối quan hệ này. Anh yêu nàng cũng nhiều như anh yêu ba người Anh lạ lùng ấy, ăn cùng bàn với họ, những người đã chứng kiến tiếng cười và niềm vui và sự kinh ngạc của anh khi cậu bé màu xanh giơ cao hai cánh tay và bay vào trong bóng tối phía trên sân khấu, trên đường trở về để dạy cô bé trong gia đình trên mặt đất những điều kỳ diệu như thế.
Trong bóng tối rọi ánh pháo sáng ở Erith, anh sẽ ngừng bất cứ khi nào anh nghe tiếng máy bay, và từng ngọn đuốc lưu huỳnh theo nhau bị dúi vào trong những thùng cát. Anh sẽ ngồi trong bóng tối đơn điệu, đổi chỗ ngồi để anh có thể nghiêng người và đặt tai anh gần bên cơ cấu đồng hồ, vẫn canh giờ tiếng lách cách, cố nghe chúng trong tiếng rung của những máy bay thả bom Đức trên đầu anh.
Rồi điều anh chờ đợi xảy ra. Sau đúng một giờ, đồng hồ bấm giờ nhả ra và nắp gõ nổ. Tháo rời bộ phận phát lửa chính đã làm nhả một phần gõ không nhìn thấy và khởi động bộ phận phát lửa thứ hai ẩn kín bên trong. Nó đã được định giờ để nổ sau sáu mươi phút - rất lâu sau khi người lính công binh theo lệ thường cho rằng trái bom đã được tháo ngòi an toàn.
Bộ phận mới này sẽ hoàn toàn chuyển hướng phương pháp gỡ bom của quân Đồng Minh. Từ nay, mỗi trái bom nổ chậm sẽ mang mối đe dọa của bộ phận phát lửa thứ hai. Lính công binh không còn vô hiệu hóa được một trái bom chỉ bằng cách tháo ngòi nổ. Họ sẽ phải biến những trái bom thành vô dụng với ngòi nổ còn nguyên vẹn. Trước đấy, trong ánh đèn hồ quang chung quanh anh, trong cơn phẫn nộ, bằng cách nào đó anh đã tháo ngòi nổ thứ hai bị đứt rời ra khỏi bẫy rập. Trong bóng tối lưu huỳnh dưới trận giội bom, anh chứng kiến ánh chớp trắng xanh cỡ bằng bàn tay anh. Một giờ sau. Anh sống sót chỉ nhờ may mắn. Anh bước về phía người sĩ quan và nói, “tôi cần một ngòi nổ nữa để biết chắc”.
Một lần nữa họ thắp pháo sáng chung quanh anh. Một lần nữa ánh sáng tràn vào vòng bóng tối của anh. Đêm hôm ấy anh tiếp tục thử những ngòi nổ mới thêm hơn hai giờ nữa. Thời gian nổ chậm sáu mươi phút đã được chứng minh là cố định.
Anh ở Erith gần hết đêm hôm ấy. Buổi sáng, anh thức dậy và thấy mình ở London. Anh không nhớ chuyện đã được chở về. Anh thức dậy, đến một cái bàn và bắt đầu vẽ đại cương trái bom, những bộ phận phát lửa, những bộ phận nổ, tất cả vấn đề của bom ZUS-40, từ ngòi nổ cho đến những vòng khóa. Rồi anh phủ kín hình vẽ căn bản với những đường chỉ ra tất cả phương thức có thể dùng để gỡ ngòi bom. Mỗi mũi tên vẽ chính xác, chữ viết rõ ràng theo cách anh được dạy.
Điều anh khám phá đêm hôm trước là đúng. Anh đã sống sót chỉ nhờ may mắn. Gỡ ngòi tại chỗ một trái bom như thế chỉ làm cho nó nổ. Anh vẽ và viết tất cả mọi điều anh biết trên tấm giấy vẽ lớn. Cuối trang anh đề: Vẽ theo ý muốn của Huân tước Suffolk, bởi học trò của Ngài, Trung úy Kirpal Singh, ngày 10 tháng Năm, năm 1941.
Sau cái chết của Suffolk, anh làm việc hết sức, như điên dại. Những trái bom đang thay đổi nhanh chóng, với những phương pháp và bộ phận mới. Anh đóng quân ở công viên Regent với Trung úy Blackler và ba chuyên viên khác, tìm giải pháp, vẽ họa đồ cho mỗi trái bom mới đến.
Sau mười hai ngày làm việc ở Phòng giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học, họ tìm ra câu trả lời. Bỏ qua ngòi nổ hoàn toàn. Bỏ đi nguyên tắc đầu tiên, cho đến lúc ấy là “gỡ ngòi bom”. Hay tuyệt. Tất cả bọn họ cười và hoan hô và ôm chầm lấy nhau trong phòng ăn sĩ quan. Họ không biết phương pháp thay thế sẽ như thế nào, nhưng họ biết họ đúng về mặt lý thuyết. Chú tâm đến vấn đề sẽ không giải quyết được nó. Đấy là lời của Trung úy Blackler. “Nếu bạn ở cùng phòng với một vấn đề, đừng nói chuyện với nó.” Một câu nói vô tình. Singh đến bên anh và xoay câu nói theo một góc cạnh khác. “Thế thì chúng ta không đụng đến ngòi nổ.”
Một khi họ nghĩ ra điều ấy, trong vòng một tuần đã có người hoàn thành giải pháp. Một máy khử trùng bằng hơi nước. Người ta có thể cắt một lỗ vào vỏ bom chính, rồi phần chất nổ chính có thể được hóa lỏng bằng một tia hơi nước và được tháo chảy ra ngoài. Phương pháp ấy giải quyết vấn đề hiện thời. Nhưng đến lúc ấy anh đã ở trên một chiếc tàu đi Ý.
“Lúc nào trên cạnh của trái bom cũng có chữ viết bằng phấn màu vàng. Em có bao giờ để ý như vậy không? Cũng như thân hình bọn anh có chữ viết bằng phấn màu vàng khi bọn anh xếp hàng trong sân ở Lahore.
Khi bọn anh đăng lính, bọn anh xếp thành một hàng, chậm chạp lê chân từ ngoài đường vào tòa nhà y tế rồi ra sân. Bọn anh ghi tên. Một bác sĩ chấp nhận hoặc từ chối thân thể bọn anh bằng những dụng cụ của ông, dùng bàn tay thăm dò cổ bọn anh. Cái kẹp rời khỏi thuốc khử trùng Dettol và gắp lấy những mảnh da của bọn anh.
Những người được nhận đông chật khoảng sân. Kết quả viết bằng ký hiệu trong lớp phấn màu vàng trên da bọn anh. Sau một cuộc phỏng vấn ngắn trong hàng, một sĩ quan người Ấn vẽ thêm phấn màu vàng vào tấm bảng treo quanh cổ bọn anh. Số cân, tuổi tác, khu vực cư trú, trình độ học vấn, tình trạng hàm răng của bọn anh, đơn vị nào thích hợp nhất với bọn anh.
Anh không cảm thấy bị xúc phạm vì chuyện này. Anh chắc anh trai anh sẽ cảm thấy bị xúc phạm, sẽ phẫn nộ bước đến cái giếng, kéo thùng nước lên, rửa sạch những vết phấn. Anh không giống anh ấy. Mặc dù anh yêu anh ấy. Ngưỡng mộ anh ấy. Bản chất của anh có một khía cạnh khiến anh nhìn thấy lý lẽ trong mọi chuyện. Anh ấy thường nhại theo anh, cười nhạo anh vì anh có vẻ nghiêm túc và hăng hái trong trường. Dĩ nhiên em phải hiểu là anh ít nghiêm túc hơn anh ấy nhiều, chỉ là anh ghét sự đối đầu. Anh vẫn có thể làm những chuyện anh muốn theo cách anh muốn. Anh đã khám phá ra rất sớm khoảng trống không ai nhìn đến dành cho những người có cuộc sống lặng lẽ như anh. Anh không tranh cãi với viên cảnh sát nói rằng anh không thể đạp xe qua một cây cầu nào đấy hoặc qua một cánh cổng nào đấy trong pháo đài - anh chỉ đứng đấy, không động đậy, cho đến khi anh trở thành vô hình, rồi anh đi qua. Như một con dế. Như một cốc nước được che giấu. Em hiểu không? Những trận chiến công khai của anh trai anh đã dạy cho anh điều này.
Nhưng với anh, anh trai anh vẫn luôn là người hùng trong gia đình. Anh ở trong tầm ảnh hưởng của một người nổi loạn là anh ấy. Anh chứng kiến sự mệt nhọc của anh ấy sau mỗi cuộc phản kháng, thân thể anh ấy nỗ lực chống trả sự lăng nhục này hoặc lề luật kia. Anh ấy phá vỡ truyền thống của gia đình, không chịu vào quân đội mặc dù anh ấy là con trai trưởng. Anh ấy không chịu tán thành bất cứ tình huống nào trong ấy người Anh nắm quyền lực. Vì thế họ lôi anh ấy vào nhà tù của họ. Trong Trại giam Trung tâm Lahore. Sau đấy là nhà giam Jatnagar. Đêm đêm, anh ấy nằm ngửa trên cái giường nhỏ, cánh tay bó bột treo lên, cánh tay các bạn anh ấy đã đánh gẫy để bảo vệ anh ấy, để ngăn anh ấy tìm cách bỏ trốn. Trong tù, anh ấy trở nên bình thản và quỷ quái. Giống anh hơn. Anh ấy không cảm thấy bị xúc phạm khi nghe tin anh đăng lính thay cho anh ấy, không còn chuẩn bị làm bác sĩ, anh ấy chỉ cười và nhắn tin qua cha anh bảo anh cẩn thận. Anh ấy sẽ không bao giờ tranh đấu chống lại anh hoặc chuyện anh làm. Anh ấy tin rằng anh có mưu chước sinh tồn, có thể ẩn mình trong những chỗ yên lặng. ”
Anh đang ngồi ở quầy trong bếp nói chuyện với Hana. Caravaggio tạt ngang trên đường đi ra, dây thừng nặng quàng trên vai, và nếu có ai hỏi, anh nói đấy là chuyện riêng của anh. Anh kéo lê những sợi thừng sau lưng, vừa đi qua cửa vừa nói, “Bệnh nhân người Anh muốn gặp cậu, nhóc con”.
“Được rồi, nhóc con.” Anh công binh nhảy xuống khỏi quầy, giọng Ấn của anh lẫn vào trong giọng nhại người Welsh của Caravaggio.
“Cha anh có một con chim, anh nghĩ là một con én nhỏ, ông luôn mang nó theo bên mình, nó cần thiết cho sự yên vui của ông như kính đeo mắt hoặc ly nước trong bữa ăn. Trong nhà, cho dù ông chỉ vào phòng ngủ ông cũng mang nó theo. Khi ông đi làm, cái lồng nhỏ treo trên tay cầm xe đạp của ông.”
“Cha anh còn sống không?”
“Ồ, còn. Anh nghĩ thế. Ít lâu nay anh chưa nhận được thư của ông. Chắc anh trai anh vẫn còn ở trong tù.”
Anh nhớ mãi một chuyện. Anh ở trong con ngựa trắng. Anh cảm thấy nóng trên ngọn đồi phấn, lớp bụi màu trắng của nó cuộn lên chung quanh anh. Anh làm việc với bộ máy, nó đơn giản, nhưng đây là lần đầu tiên anh làm việc một mình. Miss Morden ngồi phía trên anh hai mươi mét, cao hơn trên triền dốc, ghi chép những gì anh đang làm. Anh biết phía dưới, bên kia thung lũng, Huân tước Suffolk đang dõi nhìn anh qua ống nhòm.
Anh làm việc chậm rãi. Lớp bụi phấn bay lên, rồi rơi xuống trên tất cả mọi vật, tay anh, bộ máy, vì thế anh phải liên tục thổi bụi ra khỏi nắp ngòi nổ và dây điện để nhìn thấy những chi tiết trong máy. Anh thấy nóng trong lớp áo chẽn. Anh liên tục đưa hai cổ tay rịn mồ hôi ra sau để chùi vào lưng áo sơ mi. Tất cả các bộ phận rời hoặc bị tháo ra đựng đầy trong những cái túi áo ngang ngực anh. Anh thấy mệt, kiểm đi kiểm lại mọi thứ. Anh nghe giọng Miss Morden. “Kip?” “Vâng.” “Ngừng tay một chút, tôi xuống đây.” “Bà không nên xuống, Miss Morden ạ.” “Dĩ nhiên là tôi xuống được.” Anh cài nút mấy túi áo và trải một tấm vải trên trái bom; bà lúng túng leo xuống vào con ngựa trắng, ngồi kế anh rồi mở túi da của bà. Bà tẩm một chiếc khăn tay bằng ren với nước hoa trong lọ nước hoa nhỏ và đưa khăn cho anh. “Dùng cái này lau mặt cậu đi. Huân tước Suffolk dùng nó để tỉnh táo lại.” Anh ngập ngừng cầm khăn, chậm nó vào trán, cổ và cổ tay anh theo lời đề nghị của bà. Bà mở nắp bình thủy, rót trà cho cả hai. Bà tháo lớp giấy dầu và lấy ra những miếng bánh ngọt Kipling.
Bà dường như không vội vã trở lên triền dốc, về lại sự an toàn. Nhắc nhở rằng bà nên quay lại thì có vẻ khiếm nhã quá. Bà chỉ nói đến cái nóng khốn khổ, rằng ít nhất họ có thể trông chờ lúc họ về khách sạn trong thị trấn, nơi họ đã đặt phòng có phòng tắm. Bà bắt đầu nói dông dài về chuyện bà đã gặp Huân tước Suffolk như thế nào. Không một lời nào về trái bom bên cạnh họ. Trước đấy anh đã từ từ chậm lại, như một người nửa thức nửa ngủ đọc đi đọc lại một đoạn sách, cố tìm mối liên kết giữa những câu văn. Bà đã kéo anh ra khỏi dòng xoáy của vấn đề. Bà cẩn thận thu dọn túi da của mình, đặt một bàn tay lên vai phải của anh, rồi trở lại vị trí của bà ở tấm chăn bên trên con ngựa Westbury. Bà để lại cho anh cái kính mát, nhưng nếu đeo nó thì anh không nhìn rõ, vì thế anh để nó qua một bên. Rồi anh trở lại làm việc. Mùi nước hoa. Anh nhớ lúc nhỏ anh có ngửi mùi nước hoa ấy một lần. Anh lên cơn sốt và ai đấy đã thoa nó lên người anh.
Bệnh Nhân Người Anh Bệnh Nhân Người Anh - Michael Ondaatje Bệnh Nhân Người Anh