Chương 7
hư tất cả công an chìm làm công tác tình báo truy lùng, săn đuổi bọn chống phá cách mạng do CIA gài lại Sài Gòn, anh mặc áo sơ mi trắng, quần màu xám tro may tại Sài Gòn. Anh là người Sài gòn, còn trẻ, khoảng 19, 20 tuổi. Không ai nghĩ anh từ rú về. Người ta đoán chắc anh đã hoạt động trong vùng địch và nhiệm vụ của anh khá quan trọng. Vì anh đeo khẩu K54 sau lưng, loại súng ngắn dành riêng cho cấp chỉ huy. Cái nón cối trên đầu, túi xà cột da đen máng vai, đôi giép râu dưới chân, người công an K3 lái chiếc Honda 90 đến phường 2, quận 4 bên Khánh Hội.
Người trưởng đồn công an phường 2 đứng dậy, dơ tay chào. Anh rút tấm thẻ hành sự đưa cho người trưởng đồn.
- Đồng chí cần chúng tôi giúp việc gì? Người trưởng đồn hỏi.
- Người các đồng chí bắt sáng sớm nay còn ở đây không? Anh hỏi.
- Thưa đồng chí còn.
- Hoàn tất hồ sơ của hắn chưa?
- Dạ, rồi ạ!
- Báo cáo lên quận chưa?
- Thưa chưa.
- Lên Sở chưa?
- Chưa. Thưa đồng chí, khai thác thêm, chúng tôi sẽ dẫn nó lên quận với hồ sơ và quận sẽ báo cáo lên Sở.
- Anh công an K3 thở phào nhẹ nhõm:
- Tôi muốn xem hồ sơ.
Người trưởng đồn tưởng thộp được tên gián điệp, mừng ra mặt. Y ngỡ mình sắp được biểu dương. Y trịnh trọng lấy từ ngăn keo bàn ra một tập hồ sơ đựng trong tấm bìa đỏ. Người công an K3 xem xong, mỉm cười:
- Dẫn hắn ra đây!
Trưởng đồn sai thuộc hạ. Can phạm vừa ở phòng nhốt dưới nhà đi lên, người công an K3 đã vụt đứng dậy, bắt tay vồn vã và hỏi:
- Đau không?
- Sắp ốm đòn.
Người trưởng đồn công an ngơ ngác. Cả công an phường ngơ ngác. Người công an K3 nói:
- Người của ta. Các đồng chí bắt lầm. “Can phạm” muốn thử tài các đồng chí. Sở sợ các đồng chí mạnh tay nên chỉ thị tôi đến lãnh ra gấp.
Trưởng đồn tỏ vẻ lo sợ. Người công an K3 trấn an:
- Nội vụ kể như không có. Tôi đốt hồ sơ nhé!
Người công an K3 châm lửa đốt hồ sơ. Anh bình tĩnh ngồi nhìn ngọn lửa thiêu hết lý lịch của can phạm rồi mới bắt tay người trưởng đồn:
- Sẽ gặp lại đồng chí. Có dịp lên Sở, ghé văn phòng tôi nhé!
Người trưởng đồn công an phường 2 niềm nở:
- Vâng, mong gặp lại đồng chí.
Trưởng đồn tiễn hai đồng chí của mình ra tận đường. Y líu ríu quên xin lỗi sự bắt lầm, đánh lầm đồng chí. Honda 90 rồ máy. Nó phóng ra đường Trịnh Minh Thế rồi hướng về phía Cầu Quay. Đến chợ trời Hàm Nghi, xe rẽ vô con hẻm nhỏ. Lát sau, hai người tuổi trẻ đã có thể chuyện trò.
- Thẻ hành sự của mày đâu?
- Bị móc túi mất chiều qua.
- Bỏ mẹ. Đồ dỏm để mất phiền lắm. Lọt vào tay công an, nó điều tra là vở ổ.
- Tại sao mày biết tao bị vồ?
- Thằng Tài loan báo. Nó thấy công an phường vồ mày ở quán bà Tư. Mày cứ ngồi ì một nơi, đúng giờ giấc, nó nghi là đúng. Bây giờ mày phải né miệt Khánh Hội. Mỗi lần “cứu bồ” là mỗi lần tim tao muốn phóng ra khỏi lồng ngực.
- Mày bình tĩnh ghê.
- Không bình tĩnh nó nghi là… lúa! Tui công an ngày càng cáo. Mai mốt nó thay thế hết Bắc kỳ thì gián điệp màn ảnh cũng thua luôn. Mày nghỉ ngơi xoa bóp đi, tao dzọt đây.
Chiếc Honda 90 đã lăn bánh trên đường phố Sài gòn. Người lái xe là cậu Nguyễn Khánh Long. Bỏ túi xà cột, bỏ súng, bỏ giép râu, bỏ nón cối, cậu trẻ măng, khác lạ đến nỗi nếu gã trưởng đồn công an phường 2 quận 4 gặp cậu đi bộ cũng sẽ khó lòng nhận ra cậu. Mười bảy tuổi, học sinh trường Nguyễn Trãi, nhờ to xác và cao, lại mang dáng dấp nông dân nên cậu già dặn hơn tuổi của cậu và mọi người đều tưởng cậu phải cỡ hai mươi. Gia đình Nguyễn Khánh Long ở Phú Xuân, Nhà Bè. Cha mẹ cậu làm ruộng. Từ lớp 6, cậu thi vào trường Nguyễn Trãi, đạp xe từ Phú Xuân lên Khánh Hội mỗi ngày. Anh cả của Nguyễn Khánh Long đi kháng chiến khi cậu chưa ra đời. Lớn lên, nghe cha kể Thanh niên tiền phong đánh thực dân Pháp bằng gậy tầm vông ở Sài Gòn, cậu thích lắm. Cậu hình tưởng anh trai cậu, 18 tuổi, tham dự các trận Cầu Quay chống liên quân Anh Pháp Ấn, trận Rạch Đỉa, Bình Xuyên… A,một thời hào hùng của tuổi trẻ đi làm lịch sử. Cậu rất tiếc mình không trưởng thành trong tiếng súng Nam bộ. Cậu ao ước có ngày gặp gỡ anh Hai. Và, như cha mẹ cậu, như họ hàng cậu, như những người miền Nam chân thật còn nhấp nhổm hào quang kháng chiến, cậu vọng tưởng xa xôi, cậu mong Mỹ sớm cút, Ngụy sớm nhào.
Mỹ đã cút năm 1972. Ngụy đã nhào năm 1975. 30 tháng 4 là ngày vui ở gia đình Nguyễn Khánh Long. Cậu chờ anh Hai cậu về. Tháng 5. Tháng 6. Tháng 7, một người anh họ của cậu về. Người này tập kết ra Bắc năm 1954 cùng anh Hai của Nguyễn Khánh Long. Anh ta xâm nhập miền Nam năm 1966 và hoạt động ở cục R. Anh ta là cán bộ cấp cao của ngành công an tình báo.
- Anh Hai tôi không về được.
Nguyễn Khánh Long kể chuyện với một người tù ở phòng 3 khu C1 đề lao Gia Định.
- Tại sao? Người tù hỏi.
- Anh họ tôi bảo anh tôi không có đường về, không bao giờ có đường về nữa. Anh tôi đã ly khai hàng ngũ tập kết, chống lại đảng và nhà nước từ năm 1958. Hiện nay, anh tôi đang chiến đấu ở miền thượng du Bắc bộ và được đồng bào sơn cước nuôi dưỡng. Anh tôi đã muốn về từ năm 1958, bây giờ, anh tôi còn muốn về. Anh tôi phải chiến đấu để về. Anh tôi bị lừa gạt niềm tin. Anh tôi trở thành kẻ thù của đảng và nhân dân! Anh họ tôi nói thế.
- Rồi sao nữa?
- Rồi tôi cũng bị lừa gạt niềm tin. Cả nhà tôi bị lừa gạt niềm tin. Cả nước bị lừa gạt niềm tin.
- Và đó là lý do em chiến đấu?
- Vâng. Tôi chiến đấu để có đường cho anh tôi vê, cho nhiều người về.
- Em khai với công an như thế?
- Vâng. Có sợ gì mà không khai sự thật. Mình người đàng hoàng mà, anh!
- Công an tỏ thái độ gì khi nghe em khai?
- Nó đánh tôi thừa sống thiếu chết ở quận Nhà Bè. Nó đưa tôi lên Sở Công An thành phố, tống tôi vào cachot, còng tay treo tôi hai ngày đêm. Rồi nó bịt mắt dẫn tôi tới đề lao Gia Định. Tôi nằm cachot 11 tháng liền.
- Làm cách nào em có K54 và giấy giả?
- Tôi đã toan tính trước nên tôi lợi dụng lúc anh họ tôi ngủ, tôi cuỗm cả súng lẫn túi đựng giấy tờ của y. Y là kẻ thù của anh tôi, của tôi, chưa giết y là phúc cho y rồi. Cuỗm xong, tôi chuồn luôn, không về nhà nữa. Tôi sang Sài Gòn sống với bạn. Chúng tôi tổ chức Phục Quốc. Nhóm tôi có thằng khắc con dấu tài tình, có thằng mạo chữ ký thật giỏi, có thằng làm nghề in. Chúng tôi in thẻ hành sự của công an tình báo, thẻ đảng viên, giấy công tác và thẻ phục quốc. Chúng tôi còn định in bạc giả nữa.
- Tổ chức của em đã hoạt động những gì?
- In truyền đơn tố cáo sự lừa bịp của cọng sản, rải khắp Sài Gòn.
- Gì nữa?
- Chúng tôi mặc quần ao công an, xông vào trụ sở phường khóm, đốt hết hồ sơ, tài liệu của chúng nó. Chúng tôi rình bộ đội, công an đi lẻ phố vắng, cướp súng và đánh chúng ngã gục. Nếu cướp được nhiều súng đạn, chúng tôi sẽ tấn công Sở Công An.
Người tù vấn cho Nguyễn Khánh Long một điếu thuốc rê Vĩnh Hảo. Dựa lưng vào tường, Long nhả khói thuốc nhớ những thằng bạn sống chết của mình chẳng biết trôi giạt đến nhà tù nào. Thằng thứ nhất có cái tên nghe đã… huy hoàng: Nguyễn Chiến Thắng. Biệt tài của thằng này là nghiên cứu chữ ký trên giấy tờ thật rồi ký trên giấy tờ giả y như thật. Nó đã ký hàng trăm chữ ký của Cao Minh Chiếm giúp các sĩ quan trốn học tập có giấy tờ học tập ba ngày của lính để tạm dung chờ vượt biên. Bực nỗi bố di tản bỏ lại gia đình, công an tịch thu nhà nó làm trụ sở, đổi cho mẹ con nó căn nhà nhỏ xíu trong hẻm, nó hận thù cọng sản và theo Nguyễn Khánh Long. Theo rồi nó mê say. Nó trách bố nó đánh giặc dở, bị đuổi chạy văng cả vợ con. Nó chán ngán cảnh sống tạm bợ không ngày mai. Lý tưởng đánh cộng sản hợp với nó. Và nó nhập cuộc. Nó luôn luôn đi đầu mỗi vụ cướp súng đạn. Nó khoái chơi tiêu trụ sở công an đồn trú nhà nó. Nguyễn Chiến Thắng bị công an quận 3 đánh gãy hai răng, vẫn ngậm miệng chịu đòn. Thằng thứ hai là Lê văn Chí. Miệng nó loe ra như miệng loa nên có hỗn danh là Chí loa. Bố nó có cái nhà in nhỏ ở quận 2. Nhà in đã bị kiểm kê, chờ tịch thu hoặc vào công ty quốc doanh. Anh nó đi cải tạo rồi. Chưa có tin tức về. Bố nó bảo anh nó muôn năm ở trại tập trung thôi vì anh nó là sĩ quan chiến tranh chính trị. Chí loa có một tương lai đầy hứa hẹn. Đậu tú tài xong, nó sẽ du học bên Mỹ về ngành ấn loát. Tốt nghiệp, nó sẽ về nước khuếch trương nghề in tồi tàn, sẽ xuất bản sách báo. Nó ôm mộng làm báo. Giai phẩm cuối năm của lớp do Chí loa viết, trình bày, sắp chữ và in một mình. Cuộc đời thay đổi cái rụp, mộng của Chí loa tan tành. Nó cay lắm, cay đủ thứ. Được Nguyễn Khánh Long “kết nạp”, nó nhận lời ngay. Nó muốn tạo dựng cuộc đời khác, nơi đó, ước mơ của nó không dang dở. Chí loa bí mật in thẻ, in truyền đơn. Khi nó bị bắt, công an tịch thu luôn nhà in của bố nó và bắt cả bố nó nữa. Thằng thứ ba là Phạm Tài, rất mả về nghề khắc dấu. Nó và Nguyễn Chiến Thắng là cặp bài trùng. Dấu đúng mà chữ ký không đúng là vất đi. Tài bị đuổi khỏi trường. Bố nó làm chức lớn trong ngành cảnh sát đặc biệt, bị bắt ngay đêm 30-4. Tự nhiên người ta dồn Tài vào con đường chống đối. Và nó đã chống đối. Nó bị bắt cùng với Nguyễn Chiến Thắng.
Bốn đứa: Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Chiến Thắng, Lê văn Chí, Phạm Tài là bốn cái đầu của một tổ chức Phục Quốc. Bốn cái đầu chui vào tù hết, mỗi cái một nhà lao. Tới nay, hơn một năm rồi, bốn đứa chưa hề trông thấy mặt nhau. Nguyễn Khánh Long dập điếu thuốc. Cậu nhìn người tù lớn tuổi:
- Anh nghĩ gì về chúng tôi?
Người tù cười:
- Nghĩ gì? Với các em, tôi lạc hậu rồi. Một người lạc hậu thì không có quyền nghĩ gì cả.
- Nếu anh bằng tuổi tôi?
- Tôi sẽ theo em.
- Anh nói thật chứ?
- Thật.
- Anh muốn nghe chuyện tôi nữa không?
- Muốn quá.
- Tôi không biết kể, anh hỏi tôi trả lời nhé!
- Ừ.
- Anh hỏi đi!
- Tại sao em bị công an Nhà Bè đánh? Em bỏ nhà đi hoạt động rồi mà.
- Thằng anh họ tôi lấy tôi từ quận Tân Bình về. Hình ảnh, lý lịch tôi nó gởi cùng khắp các quận, phường. Nó đánh tôi kỹ nhất. Nó đánh tôi một trận đoạn tình nghĩa.
- Tại sao bị bắt ở Tân Bình?
- Tôi đi cứu một thằng trong nhóm. Nó khai tùm lum, tôi bị dính liền. Kế đó, ba đứa thân thiết của tôi dính. Rồi cả lũ. Anh thấy chưa, chúng tôi hăng saynhưng khù khờ dễ sợ.
- Khi em bỏ nhà ra đi, em có nghĩ rằng em chiến đấu cô đơn không?
- Còn ai dám chiến đấu nữa mà mình không cô đơn. Nhưng vào tù thì hết cô đơn.
- Tại sao?
- Vì gặp nhiều người giống mình. Anh thừa biết, tội phản động rặt bọn nhóc chúng tôi. Người lớn toàn tội cũ kỹ, tội vượt biên, tội trốn cải tạo, tội tư sản mại bản…
- Nếu họ thả em ra, em làm gì?
- Đó là vấn đề.
- Vấn đề?
- Phải. Nó quản lý tôi chặt chẽ, tôi hết cục cựa. Nó tống tôi vào thanh niên xung phong, tôi phải theo nó. Tôi sẽ buồn lắm. Vì thế, tôi rất sợ nó thả tôi. Tôi mong nó sớm cho tôi đi lao cải thật xa. Tôi không thể về bây giờ. Về bây giờ quê chết. Tôi thà ở tù suốt đời hoặc là về vinh quang. Họ hàng tôi đầy dẫy cách mạng, giải phóng, tôi không về để chúng nó chế nhạo tôi. Tôi muốn về để dẹp chúng nó.
Người tù vấn cho Nguyễn Khánh Long điếu thuốc rê thứ hai. Anh ta quẹt diêm cho Long mồi thuốc. Rồi anh pha nước chanh mời Nguyễn Khánh Long uống.
- Lần đầu tiên tôi biết một người tù không muốn về. Tôi rất xấu hổ vì tuổi trẻ ngày qua của tôi rỗng tuếch. Em đã nhìn rõ, rất nhiều thằng tù nằm thở dài suốt tháng, suốt năm. Ngày thăm nuôi, gọi tên nó có quà, mắt nó sáng rực, nó chạy nhảy loăng quăng. Quà vào, nó lục tung khoe khoang, ngồi ăn ngấu ăn nghiến, khinh bỉ người không ai thăm nuôi. Những thằng ấy thèm được tha lắm. Và ra ngoài chúng sẽ nói phét đã từng làm anh hùng trong tù và chửi người này hèn, người kia ăng ten. Em nhận xét đúng, tội của chúng nó đâu được phép phán xét ai. Tôi thành thật quý trọng em. Tôi nghĩ, với tâm hồn em, em sẽ về vinh quang. Nhưng mà cuộc chiến đấu còn dài lắm, còn gay go lắm. Nếu bốn mươi năm nữa mới có vinh quang, liệu em dám chờ để về không?
Nguyễn Khánh Long dốc cạn ca nước chanh, đáp ngọt:
- Tôi chống gậy trở về.
- Nhỡ ngày mai có vinh quang, trở về em làm gì?
- Đi học.
- Không ra ứng cử dân biểu, nghị sĩ à?
- Thứ đó không phải mục đích của tôi.
Những người tuổi trẻ của thế hệ biết đau niềm đau bị lừa gạt niềm tin đều không ham quyền bính. Họ hiểu lúc nào họ cần tiêu pha nhiệt tình của họ và tiêu pha cho mục đích gì. Sự liều lĩnh, gan dạ của Nguyễn Khánh Long khác hẳn sự liều lĩnh của những tay giang hồ đâm thuê chém mướn. Đó là cung cách hành hiệp của hiệp sĩ, không phải dễ tìm thấy, dễ nhận ra. Thời đại nào cũng đầy dẫy đạo tặc và hiếm hoi hiệp sĩ. Giá trị tột đỉnh của người hiệp sĩ là hành hiệp trong cô đơn, là tuốt gươm dưới nắng, dưới trăng, rồi đi vào hiu quạnh. Đạo tặc thì ồn ào và chỉ rình tung ám khí trong bóng tối để ra ánh sáng vênh vang. Rất dễ phân biệt hành động của hiệp sĩ và đạo tặc, của người công chính và bọn giả hình. Nguyễn Khánh Long, Nguyễn Chiến Thắng, Lê văn Chí, Phạm Tài là những hiệp sĩ. Họ đã tuốt gươm, đã mua cho sự cần thiết của người khác trong gian nan, khốn khổ. Khi ấy, quần hào đã tan rã, cao thủ đã phong kiếm quy ẩn và đám ma giáo chạy trốn tới một nơi chốn mà kẻ thù không thể tìm kiếm, huênh hoang thách thức!
Người tù lớn tuổi vỗ vai Nguyễn Khánh Long, thân mật:
- Lịch sử này của các em, đất nước này của các em, hãy làm lại bằng tâm hồn ngọc của các em.
Nguyễn Khánh Long mỉm cười, luôn luôn mỉm cười:
- Anh nói cao xa quá, chúng tôi đâu có nghĩ ghê gớm thế, chúng tôi bình thường thôi.
Người tù lớn tuổi nói:
- Những người tưởng mình bình thường đều đã làm nên những việc phi thường. Bọn tưởng mình phi thường thì chỉ làm nên những việc tầm thường.
Nguyễn Khánh Long im lặng. Cậu thả hồn theo khói thuốc rê. Khói thuốc dẫn cậu bay ra miền thượng du Bắc bộ. Nơi ấy, anh cậu đang tìm một lối về, một lối về đầy ắp ước mơ của đầu đời chiến đấu. Khói thuốc dẫn cậu trở lại một xóm quê Nhà Bè. Nơi ấy, cha mẹ cậu đang đợi hai đứa con cùng về. Rồi cậu sống với hiện tại, hiện tại của đề lao Gia Định, của cái vẻ bệ rạc trong cảnh đời xã hội chủ nghĩa âm u bao trùm khắp quê hương. Tuần lễ trước, công an chấp pháp gọi cậu ra làm việc. Nó dọ dẫm sự diễn biến của tâm hồn cậu. Nó tuyệt vọng vì tâm hồn cậu càng ngày càng khởi sắc. Người hiệp sĩ không bao giờ phải ăn năn sám hối. Người hiệp sĩ chỉ buồn vì chưa diệt hết đạo tặc cho đời sống mà đã bị trói tay. Nguyễn Khánh Long nhớ lời dọa dẫm của công an chấp pháp: “Anh thì cứ nằm đây, 20 năm nữa hãy tính chuyện về”. Cậu lẩm nhẩm: Ừ, 20 năm, có sao đâu.
Và, cậu cười…
Bầy Sư Tử Lãng Mạng Bầy Sư Tử Lãng Mạng - Duyên Anh Bầy Sư Tử Lãng Mạng