Chương 6 - Biên Cương Bí Mật
-von bớt phập phồng khi thấy Văn Bình buớc xuống đò máy. Nếu trời không tốt, ai nhìn kỹ mặt nàng cũng sẽ khám phá ra hai gò má đỏ ửng trong vẻ thẹn thò đặc biệt.
Nàng mới xa Văn Bình một ngày mà có cảm tưởng là một năm. Lòng nàng xôn xao nhiều cảm giác khác nhau, khiến nàng không còn nhớ đến chứng bệnh ung thư bất trị của nàng nữa.
Khi tàu cặp bờ ở Hồng kông, nàng vẫn thấy Văn Bình lẽo đẽo theo sau tuy hành khách đông nghẹt. Liếc nhìn A-len, nàng lấy lại bình tĩnh.Vẻ mặt vênh váo của hắn chứng tỏ hắn chưa biết bị Văn Bình bám sát.
Nhưng khi đến đường Des Voeux, và bị A-len kềm lại trước tủ kính rực rỡ ánh sáng của tiệm bán máy ảnh Y-von mới biết bị lừa. Nàng thoáng gặp một cử chỉ đầy bí mật của A-len. Nàng đoán biết A-Ien ra hiệu cho đồng lõa ở sau lưng Văn Bình.
Linh tính có chuyện chẳng lành, Y-von vội vã tiến về phía Văn Bình. Nàng thấy rõ hai tên cao lớn lăn xả vào người chàng. Nàng há miệng toan kêu song A-len đã chẹn cổ nàng kèm theo lời đe dọa, lạnh buốt như nước đá:
- Ngậm miệng thì sống, Nancy...
Nàng thở dài trong sự khuất phục.
Dầu sao địch cũng chưa phăng ra nàng là Nancy giả. Địch đang cần nàng. Chi bằng theo chúng rồi đến đâu hay đến đó. Một khi còn cần nàng, địch chưa dám thủ tiêu Văn Bình.
A-len đẩy nàng lên chiếc xe hơi sơn đen. Đây là lần đầu nàng ngự xe Rolls-Royce. Nàng vốn thích xe hơi, và giấc mộng thường ngày của nàng là làm cách nào để sắm chiếc xe chứa thật nhiều mã lực hầu ban đêm, dưới trăng vàng rực rỡ nàng có thể phóng trên trăm cây số một giờ miệng ca hát
những điệu ái tình muôn thuở.
Nàng thích xe Rolls với cảm tình pha lẫn kính nể. Xe này do Anh quốc chế tạo, giành cho hoàng gia Anh và một số ít nhà đại phú trên thế giới. Y-von vốn mê hình dáng cao quí và nghiêm nghị của nó, nhất là những bộ phận tiện nghi bên trong, từ điện thoại liên lạc với tài xế, đến máy ghi âm gắn ở chỗ tì tay, với những cái nút bằng gỗ quý.
Y-von đã toại nguyện: nàng được ngồi xe Rolls. Chỉ khác một điều: nàng không được tự do phóng tầm mắt lơ đãng qua kính, nhìn thiên hạ hai bên đuờng..
A-len ngồi bên.Hắn không quên cảnh cáo thêm:
- Một lần nữa, tôi nhắc lại. Bà phải tuân lệnh. Nếu bà kêu lên, dầu là một tiếng nhỏ, tôi sẽ dùng võ lực.
Y-von đáp, giọng mai mỉa:
- Dầu ông thừa biết tôi chỉ là đàn bà yếu đuối.
Alen làm thinh. Chiếc Rolls loanh quanh một hồi, rồi xả hết tốc lực phóng về hướng Tây.
Tuy đã ghé thăm Hồng kông nhiều lần hồi còn con gái và sau khi lấy chồng. Y-von chưa quen lắm với thắng tích trên đảo. Ông Hoàng đã bắt nàng học thuộc lòng một cuốn cẩm nang do Sở biên soạn về cảng Thơm. Nàng còn được xem nhiều phim mầu và đen trắng, và nghe những bài ca điệu nhạc địa phương. Và thưởng thức những món ăn độc đáo chỉ được nấu lại đó.
Xe hơi đang lên giốc giữa một rừng ánh sáng muôn mầu. Lòng nàng bỗng buồn rười rượi. Nếu xe chạy thẳng, rẽ sang bên phải, nghĩa là lộ trình ngày xưa nàng từng qua, sẽ đến đại lữ quán Hiu-tơn (Hilton) nhà thờ, khu dinh thự chính quyền, và đường Công viên (Garden Road) dẫn đến trạm xe điện trèo núi.
Đỉnh núi cao hơn mặt biển 500 mét, con tàu kỳ lạ lên xuống từ cuối thế kỷ trước đến nay đều đặn, không hề gặp tai nạn. Trước khi mắc bệnh ung thư ruột, nàng qua Hồng kông lên đỉnh núi với một người bạn gái, tự dưng người bạn thở dài, ao ước con tàu treo bằng dây cáp thép này đứt tuột, và rớt xuống. Lý do khiến người bạn chán đời là "chị ơi, trong đời cần nhất là tình yêu, mình không còn tình yêu nữa, thà chết cho rồi, và chết như thế này sướng hơn, trước khi chết mình được ngắm vũ trụ bao la, biển cả mênh mông và thiên hạ dưới chân....".
Nói là làm, người bạn gái yếm thế này đã bỏ đi đâu biền biệt. Có lẽ đã chết. Giờ đây chỉ còn lại Y-von. Đúng,"không còn tình yêu nữa thì thà chết cho rồi". Nàng mắc bệnh nan y song nàng đang còn tình yêu. Mối tình với Văn Bình Z.28...
Câu nói khô khan của Alen đã lôi nàng trở về với thực tại phũ phàng:
- Phiền bà luồn cái này vào đầu.
Đó là cái túi da đen. Y-von không phản đối vì biết vô ích. Chụp bao bố là biện pháp an ninh thông thường ngăn ngừa đối phương phăng ra sáo huyệt của mình.
- Bà hút thuốc lá? Alen hỏi..
Y-von gật. Alen đánh diêm châm thuốc rồi cắm vào miệng cho nàng. Luồng khói quen thuộc thấm vào buồng phổi làm nàng khoan khoái. Đầu bị bịt mắt kín mít, nàng đã đoán ra là thuốc Kent, loại thuốc mà nàng ưa thích.
Sàn xe nghiêng nghiêng, nàng biết là xe đang lên giốc. Nếu nàng không lầm, Alen đang dẫn nàng đến gần khu Aberdeen. Bánh xe nghiến mặt đường lạo xạo. Tài xế chạy chậm lại. Rồi ngừng hẳn.
Alen cất tiếng:
- Đến nơi rồi. Mời bà gỡ túi vải.
Y-von phải nheo mắt để tránh những tia sáng chói lọi. Nàng đang ở bên trong tòa biệt thự rộng mênh mông. Trước mặt nàng là hòn giá sơn, toàn kỳ hoa, dị thảo, và hồ nước thả cá vàng. Những ngọn đèn nê-ông từ trên chiếu xuống sáng đến nỗi nàng thấy rõ từng sợi rong bể và từng cái đuôi óng ả của bầy cá thia lia nhỏ nhắn và xinh xẻo.
Alen dắt nàng qua một hành lang sâu thẳm, thắp đèn sáng trưng. Nàng có căm tưởng chủ nhân đang mở cuộc tiếp tân sang trọng. Ở đâu cũng thấy đèn, duy khác một điều: ngôi nhà vắng tanh. Y-von nghe rõ tiếng gió đêm từ ngoài khơi thổi vào vù vù.
Alen đẩy cánh cửa bằng gỗ quý vào một phỏng khách to lớn, trang tri bàn ghế và tranh ảnh đắt tiền. Tuy không sành hội họa, nàng vẫn có thể ước lượng những bức họa lập thể ký tên Pi-cát-sô treo la liệt trên tường, trị giá trên một triệu đô-la Hồng kông.
Alen mời nàng ngồi xuống ghế sa-lông lùn thấp, bọc da báo rằn ri. Một á xẩm mặc đồ lụa màu đon đá chạy ra. Alen hỏi bằng tiếng Tàu:
- Ông chủ đàu?
Á xẩm đáp:
- Ông chủ dặn chờ một lát.
Đoạn, quay sang Y-von, á xẩm hỏi:
- Chào bà. Bà dùng gì, tôi bưng lên hầu..
Alen xen vào:
- Nếu có thể, chị mang cho một ít rượu mạnh.
Á xẩm rón rén ra ngoài. Hai phút sau, á xẩm đẩy vào cái xe nhỏ bằng sắt sơn trắng, trên đặt hàng chục chai rượu đắt tiền. Nhìn thấy, Y-von xốn cả mắt. Á xẩm khoan thai khui sâm banh. Ly rót rượu toàn hàng pha lê, thứ pha lê đắt tiền, phải thửa riêng mới có. Bình đựng nước đá và cái nắp nước đá đều bằng vàng khối. Cả muỗng quấy rượu cốc-tay cũng bằng vàng.
Y-von còn bối rối, á xẩm đã bưng ly sâm banh tận miệng nàng. Đĩa lót ly rượu cũng bằng vàng. Tất cả đều bằng vàng.
Alen mỉm cười bảo nàng:
- Bà sửng sốt phải không? Chẳng riêng gì bà, mọi người đến đây đều lắc đầu, lè lưỡi. Rồi bà còn kinh ngạc nhiều hơn nữa. Nếu bà làm ông chủ vui lòng, bà sẽ được ở trong căn phòng mà giường ngủ bằng vàng, chậu rửa mặt buồng tắm đều bằng vàng...
Y-von tợp hết ly rượu sàm banh. Alen rót thêm cho nàng:
- Không cần tôi giải thích, hẳn bà đă biết. Lát nữa bà sẽ được vinh dự giáp mặt ông chủ. Đây là vinh dự rất lớn, tôi không nói sai. Tôi làm việc ở đây đã lâu mà thỉnh thoảng, đôi khi hang tháng trường, mới được ỏng chủ gọi tới. Còn bà...bà mới đến nơi mà ông chủ đã để ý. Bà đừng dại bỏ lỡ cơ hội tốt. Ông chủ rất tử tế, rất rộng rãi, nhưng lại rất nghiêm khắc mỗi khi tình thế bắt buộc.
Y-von hỏi, giọng ngây thơ:
- Các ông đưa tôi đến "ông chủ" làm gì?
Alen cười híp mắt:
- Bà cứ đùa mãi! Tôi mời bà đến đây để hỏi thăm về đồng chí Lêônít.
Y-von nín bặt. Lêônít? Lêônít là ai mới được chứ. Khi rời tàu ngầm, nàng đã được ông Hoàng nói đến nhiều tên, nhưng đây là lần đầu nàng nghe tên Lêônít.
Tiếng giầy lộp cộp từ ngoài đi vào. Alen đứng thẳng trong dáng điệu kính cẩn và sợ sệt. "Ông chủ" là người Tàu lai Tây phương, bộ mã to lớn và bệ vệ. Mái tóc cắt ngắn làm nổi bật vầng trán rộng và cao, cặp mắt sáng quắc như điện, cái cằm vuông vức báo hiệu một tâm tính quả quyết và gan góc.
Hắn không già, cũng không trẻ. Trông cách ăn mặc thượng lưu — bộ com lê xanh nhạt, cắt đúng thời trang, cái cà-vạt trắng điểm hoa cà trên nền sơ mi ni-lông trắng — hắn chỉ trạc độ 45 là cùng, những nếp răn ở đuôi mắt, và những sợi tóc bạc hai bên màng tang lại tố cáo hắn trên ngũ tuần.
Gặp Y-von, hắn đứng lại, nghiêng đầu chào một cách lịch sự, không khác vương tôn thi lễ quận chúa:
- Hân hạnh chào bà.
Y-von chìa bàn tay, hắn cằm lấy hôn. Đoạn hắn ra lệnh cho Alen:
- Thôi, cho anh ra.
Trong xa-lông mông mênh chỉ còn lại Y-von và người đàn ông bí mật. Hắn rót thêm sâm banh cho nàng và nói tiếp:
- Mời bà uống nữa rồi ta bàn chuyện. Chắc bà mệt lắm. Xin lỗi bà vì không còn cách nào mời bà đến đây nhã nhặn hơn. Dọc đường, nếu bộ hạ của tôi xúc phạm, xin bà thẳng thắn cho tôi biết. Tôi sẽ không ngần ngại trị tội chúng.
Y-von nói:
- Thưa ông, họ đối xử rất tử tế.
- Vậy,tôi có thể yên lòng.À, bà ghé đảo hồi nào?
Câu hỏi khách sáo của hắn làm nàng rung mình. Nàng có cảm giác như mỗi tiếng nói là một mũi dao kề ngực nàng.
Nàng đáp lại rụt rè:
- Thưa...tôi đến hồi chiều....
Lại hút thuốc lá. Lại uống sâm banh. Y-von liếc trộm chủ nhân: mặt hắn vẫn thản nhiên, không lộ vẻ nào khác. Nàng chưa phải là điệp viên lành nghề, nhưng ít ra đã học qua những lớp huấn luyện căn bản, nên đã biết sự nhã nhặn kia chỉ là thủ đoạn mật ngọt chết ruồi. Nếu cần, mắt hắn sẽ quắc lên, đỏ ngầu như máu, và bàn tay trắng trẻo vung ra có thể đánh vỡ sọ một con bò mộng.
Y-von im lặng hồi lâu. Gã đàn ông cũng im lặng nhìn nàng. Trong cái nhìn của hắn, nàng đọc một cái gì quyến rũ say sưa, khiến nàng phải quay đầu ra chỗ khác. Dường như hắn muốn kéo dài không khí im lặng để nàng có đủ thời giờ ngắm nghía đồ đạc đắt tiền trong phòng...
Lát sau, hắn mới nói:
- Trước khi đến đây, chắc bà đã nghe Alen nói về tôi. Tôi rất hào hiệp với những ai thành thật cộng tác. Và tôi tin bà là một trong những người như vậy.
Y-von vẫn im lặng. Gã đàn ông thượng lưu nói tiếp:
- Tôi sẵn sàng trả giá rất cao. Bao nhiêu tôi cũng mua. Miễn bà nhận lời.Thế nào bà Nancy? Bà nghĩ ra sao về đề nghị của tôi?
Nghĩ mãi, Y-von mới tìm ra câu trả lời thích hợp nhất:
- Thưa ông, tôi sợ lắm.
- Bà sợ Lêônít? Đừng sợ, đã có tôi. Tôi sẽ có cách làm hắn không bén mảng được đến người bà. Tôi đề nghị với bà năm ngàn đô-la. Năm ngàn đô-la Mỹ, không phải đô-la Hồng kông đâu. Bù lại, tôi chỉ yêu cầu bà một việc, bà trao cho tôi những tài liệu mà bà sắp trao cho Ru-sô-lốp.
Máu nóng chạy rần rần lên thái dương. Y-von đã lấy lại được bình tĩnh. Nàng bỗng nhớ lại vở tuồng mà ông Hoàng đã tập cho nàng đóng thuần thục. Nàng bèn mỉm cười, một cái cười tính toán đúng với bản chất hám lợi của cô gái nuốt lửa Nancy:
- Năm ngàn à, thưa ông?
- Phải, năm ngàn. Bà chê ít ư?
- Thưa...ông đã biết rất rõ giá trị của tài liệu ấy cho nên...
- Bà quả là người có óc thương mại Văn kỳ thanh bây giờ kiến kỳ hình mới thấy tiếng đồn không ngoa. Người ta báo cáo là bà tính toán tiền bạc thật giỏi. Quả là thế. Năm ngàn, bà chê ít, tôi xin trả gấp đôi. Nghĩa là...mười ngàn đô-la...
Y-von vẫn mỉm cười:
- Đề nghị ông trả thêm vài tiếng nữa.
Gã chủ nhăn mặt, cái nhăn mặt đầu tiên:
- Mười ngàn đô-la, bà vẫn chưa chịu? Mười ngàn đã là quá nhiều. Tôi không thể trả thêm được nữa.
Y-von nói:
- Nếu tôi nhớ không sai hồi nãy ông vừa hứa sẽ trả bất cứ giá nào tôi đòi hỏi. Tại sao bây giờ ông lại kêu đắt?
Gã chủ nuốt nước bọt:
- Không, tôi không bảo thế. Tôi không thể trả thêm vì ở đây tôi không đủ tiền.
- Điều này không đáng ngại. Nếu ông cho phép, tôi xin lấy tạm mấy bức tranh sơn dầu Pi-cát-sô treo trên tường.
Gã chủ xua tay:
- Không được...
Y-von nhún vai:
- Đáng tiếc. Tôi tính nhẩm hai bức họa Pi-cát-xô trong phòng này có thể đem bán hai, ba trăm ngàn đô-la. Chẳng dám giấu ông: riêng việc lập hệ thống lấy tin ở Đông Nam Á, tổ chức của tôi đã mất trên 5 triệu mỹ kim. Nói cách khác muốn có trong tay các tài liệu tối mật mà ông đang cần ít nhất phải chi trên 5 triệu đô-la.
Gã đàn ông ngẩn người khi Y-von nói đến số tiền khổng lồ 5 triệu mỹ kim, Y-von đòi thật nhiều tiền chẳng phải vì ông Hoàng dặn nàng. Ông Hoàng chỉ dặn nàng tìm kế trì hoãn mỗi khi gặp trường hợp khó xử.
Y-von mới được biết một phần điệp vụ. Nàng có bổn phận tuân theo chỉ thị của Văn Bình. Những chỉ thị nào, Y-von chưa biết. Bắt buộc nàng phải kéo dài thời giờ, hầu giúp Văn Bình phăng ra tòa biệt thự bí mật. Như nàng đoán trước, gã chủ trợn mắt:
- Bà quyết đòi 5 triệu.
- Thưa, tôi đâu dám tham lam quá mức. Đó là tôi muốn lưu ý ông đến mức độ quan trọng của tài liệu này, về phần tôi, tôi chỉ xin một món tiền nhỏ.
- Bao nhiêu?
- Thưa, một triệu. Một triệu đô la.
Nói xong. Y-von nhẹ cả người. Mội triệu đô-la, vị chi là một trăm triệu bạc Việt Nam 1, Trong đời, nàng chưa bao giờ dám mơ tưởng đến một số tiền lớn như thế. Đối với nàng, một ngàn đô-la đã là nhiều lắm. Với ngàn đô-la, bé Hồng có thể ăn học đến nơi, đến chốn, và nàng có thế thảnh thơi bước sang thế giới bên kia.
Gã chủ lẩm bẩm:
- Một triệu? Một triệu đô-la? Bà đòi đô-la Hồng kông hay là đô-la Mỹ?
- Thưa ông, đô-la Mỹ.
- Trời? Một triệu đô-la Mỹ? Đào đâu ra số tiền khổng lồ ấy bây giờ? Quả là bà không muốn hợp tác.
- Ông lầm. Tôi rất muốn hợp tác với ông. Nhưng đã là mua bán phải có sự mặc cả. Và sự mua bán phải đúng với thực giá của món hàng. Một triệu đô-la dẫu nhiều, nhưng xét kỹ, vẫn còn hời, rất hời.
- Bà bằng lòng bớt?
- Dĩ nhiên. Để chứng tỏ ý chí hợp tác của tôi. Nhưng cái đó còn tùy. Tùy hoàn cảnh ông có thẩm quyền trả tiền, hay ông chỉ là trung gian.
- Tôi không có quyền xuất ngân một triệu đô-la. Nhưng thưa bà...
- Tôi sẵn sàng nghe điều kiện của ông.
- Không, tôi chẳng có đề nghị nào cả. Tôi chỉ muốn nhắc bà là già néo thường đứt giây. Bà yêu sách quá lố, tất tôi không thể chấp thuận. Và bất đắc dĩ tôi phải dùng phương pháp khác.
- Nghĩa là ông dọa tra tấn tôi để cướp lại tài liệu?
- Thưa bà, trong trường hợp thương lượng tan vỡ về mặt tiền bạc, tôi e sợ không còn lối thoát nào ổn thỏa hơn.
Y-von cười nửa miệng:
- Ông đã nói vậy thì thôi, tôi không điều đình với ông nữa. Ông muốn làm gì với tôi thì làm.
- Bà đừng dại dột vô ích. Fu-Chun này có đủ thủ đoạn bắt ép kẻ gan góc nhất phải tuân lệnh.
- Hân hạnh. Bây giờ tôi mới biết tôn danh là Fu-Chun....
Fu-Chun rít hơi thuốc lá thơm:
- Tôi xin nhắc lại; 30 ngàn đô-la, gấp ba lần khoản tiền dự định. Đây là con số cuối cùng. Bà từ chối, tôi phải dùng phương pháp mạnh.
- Ông cứ dùng phương pháp mạnh. Như thế ông sẽ hà tiện được 30.000 mỹ kim.
- Bà không cần dạy, tôi cũng biết. Mời bà cho biết ý kiến dứt khoát về đề nghị 30.000 đô-la.
- Ông đặt tôi vào tình trạng tiến thoái, lưỡng nan. Tôi muốn 1 triệu đô-la, ông chỉ trả số tiền chết đói 30.000 nghĩa là 3/100 số tiền tôi muốn có. Ông lại không cho tôi cái quyền được từ chối. Vậy, tôi chỉ còn một cách: xin một thời gian để cân nhắc.
- Bà muốn suy nghĩ đến bao giờ?
- Xin ông 24 tiếng.
- Nhiều quá.
- Từ phút này đến chiều mai được không?
- Cũng nhiều quá. Tôi chỉ có thể giành cho bà một giờ đồng hồ để suy nghĩ.
- Đã thế thì thôi. Tôi không ngoan cố như ông tưởng. Tôi rất muốn thỏa thuận. Nhưng tôi phải có thời giờ tính toán lợi hại. Đây là đề nghị chót: thời hạn từ giờ đến sáng mai..
- Nội đêm nay thì được.
Fu-Chun vỗ tay, á xẩm chạy vào, đợi lệnh. Fu-Chun nói:
- Đưa bà lên phòng số 1.
Y-von đứng dậy. Fu-Chun cầm ly sâm-banh sủi bọt áp lên môi, chờ nàng đi khuất khỏi cầu thang mới nốc một hơi.
Leo hết cầu thang, Y-von đặt chận lên tấm thảm Ba-tư bằng len cừu ngũ sắc. Sự trần thiết trong cung điện của xử ngàn đêm lẻ cũng chỉ nguy nga đến thế này là cùng.
Á xẩm mở cửa phòng. Một căn phòng rộng thênh thang, tường, mùng, đệm, ánh sáng đều một mầu hồng nhạt. Y-von sững sờ một phút, như lạc vào cõi Thiên thai. Trên tường, trước mặt nàng, uốn éo bức tranh một thiếu phụ khỏa thân, suối tóc dài bao phủ những kho tàng đắt giá. Y-von nhận ra chữ ký của danh họa Pi-cát-sô. Thì ra tòa biệt thự này là viện triển lãm tranh Pi-cát-sô!
Bàn, ghế, tủ, giường đều bọc phọt-mi-ca mầu hồng. Thậm chí cái lược, bàn chải đánh răng, chậu sứ rửa mặt cũng mầu hồng.
Chẳng nói, chẳng rằng, á xẩm cáo lui. Y-von ngồi phịch xuống ghế, tay ôm đầu cho đỡ mệt.
Chuông điện thoại reo nhẹ. Nàng nhận ra giọng nói quen thuộc của Alen:
- Chào bà! Ông chủ dặn tôi săn sóc bà thật chu đáo. Bà cần gì xin nhấc điện thoại, chúng tôi sẽ làm bà vừa ý ngay. Sáng mai đúng 8 giờ, tôi sẽ đến hầu chuyện bà.
Y-von buông thõng:
- Cám ơn ông.
Nàng gác điện thoại. Sau khi cởi áo ngoài, sửa soạn nằm, bỗng nàng đau nhói trong ruột. Từ chiều đến giờ, trải qua nhiều giây phút căng thẳng nàng quên bẵng chứng bệnh nan y của mình.
Giờ đây, Y-von có cảm giác ruột nàng bị cắt thành nhiều đoạn. Nàng nén chặt bụng, bồ hôi ướt đẫm áo lót. Nàng nghiến răng để khỏi thốt lên tiếng rên đau.
Chưa lúc nào nàng chán đời bằng lúc này. Nàng chỉ mong Fu-Chun phăng ra nàng là Nancy giả hiệu để tặng nàng băng đạn tiểu liên, phủi sạch nợ đời.
Nàng run rẩy mở ví tay. Ống thuốc ngủ cực mạnh bẳn rơi tung tóe những viên tròn trắng trên nền vải giường màu hồng mát dịu. Nàng nuốt luôn 2 viên. Đoạn nàng nằm ngửa nhìn trần phòng. Trong giây lát, giấc ngủ đến với nàng.....
° ° °
Văn Bình hé mắt trên nền xi-măng ướt át.
Chàng chống tay trên vũng nước bẩn thỉu, hai mắt còn hoa và đầu còn nặng, như đeo tảng chì.
Văng vẳng tiếng của Xi-lốp:
- Văn Bình? Giờ tận số của anh đã đến.
Mình sắp chết rồi chăng? Văn Bình nhủ thầm. Bao năm dọc ngang, đây là chuyến đi cuối cùng của đời chàng. Lát nữa, chàng sẽ lãnh viên đạn 9 ly giữa tim. Đối với tay bắn đại tài như Xi-lốp, chỉ một viên là đủ.
Thu toàn lực vào chân, Văn Bình đứng dậy. Nhưng chàng lại loạng choạng ngã ngồi. Xi-lốp rú cười sằng sặc:
- Văn Bình? Anh kiệt sức rồi à?
Một chậu nước nữa đổ xuống mặt chàng. Hơi lạnh làm Văn Bình tỉnh hẳn. Mở mắt, chàng thấy Xi-lốp chống nạnh trước mặt, dáng dấp kiêu hãnh. Hai thuộc viên của hắn cầm súng đứng bên, miệng phì phèo điếu xì gà to tướng.
Một điệu nhạc cuồng loạn rót vào tai chàng. Quan sát đồ đạc chung quanh. Văn Bình vụt hiểu: chàng vẫn ở trong phòng Y-von, trên khách sạn Pen.
Xi-lốp mở máy thâu thanh thật lớn, chắc để che lấp tiếng động trong phòng. Nếu vậy chúng sắp sửa tra tấn mình. Văn Bình lại nghĩ.
Tay chân chàng ê ẩm lạ thường. Chàng nhớ lại: chàng bị đánh bất ngờ sau gáy, nghĩa là chàng chỉ có thể đau đầu, không lẽ lại đau cả tứ chi. Có lẽ trong khi chàng bất tỉnh Xi-lốp đã sai đàn em đánh đòn hội chợ cốt làm chàng kiệt sức.
Chờ Văn Bình ngồi vào ghế, Xi-lốp thong thả nói:
- Chúng mình là bọn nhà nghề, nên miễn nhập đề dài giòng, mất thời giờ. Tôi chẳng cam kết gì với anh sợ anh nghi tôi man trá. Dĩ nhiên, đã đến trình độ như anh thì dỗ dành hoặc hăm dọa cũng bằng thừa. Nên tôi không dùng hai thủ đoạn tầm thường ấy. Dẫu sao, tôi cũng mong anh khai thật. Bằng không, tôi phải mang anh vào phòng giải phẫu.
Văn Bình đã biết Xi-lốp nói là làm. Hắn thừa rõ chàng sẽ ngậm miệng. Nhưng nếu hắn đưa chàng lên bàn mổ, lưỡi dao tài tình của nhà giải phẫu điệp báo sẽ có thể moi móc hết những bí mật giấu kín ở trong tiềm thức.
Chàng hỏi hắn:
- Anh muốn gì đã chứ?
Xi-lốp nghiêm giọng:
- Số phận của Ru-sô-lốp..
- Ru-sô-lốp chết rồi.
- Nếu hắn còn sống tôi đã chẳng hỏi anh. Hiện nay hắn ở đâu?
Văn Bình cười nhạt:
- Ở dưới âm ty chứ còn ở đâu nữa? Không lẽ hắn ở với tướng Grubô...
Tái mặt, Xi-lốp dằn từng tiếng:
- Đừng đùa. Đây không phải lúc làm trò cười.
- Câu hỏi của anh quá ngớ ngẩn, không cười sao được? Đường hoàng là trưởng ty R.U. như anh mà không tìm ra xác Ru-sô-lốp ư?
- Trả lời đi. Tôi không có nhiều thời giờ.
- Nếu tôi trả lời, anh sẽ xử trí về tôi ra sao?
- Hẳn anh đã đoán được. Tài giỏi như anh, cơ quan gián điệp nào cũng phải khai thác. Tôi sẽ chở anh về Mạc tư khoa. Lần trước, tôi bắt anh tại Hà nội để mang về Liên sô nhưng anh đã lập kế trốn thoát, Lần này...
- Hừ, anh đã cam kết không biết là lần thứ mấy..
- Lần này là lần chót trong cuộc đời do thám của anh. Nào, yêu cầu anh trả lời. Tôi đang chờ anh đấy.
- Nhân viên của anh sang phòng bên là thấy xác Rusôlốp.
- Ai giết?
- Anh vẫn đặt ra những câu hỏi khờ khạo. Không lẽ thủ phạm lại là đồng chí thủ tướng Khơ-rút-Xốp yêu dấu 2.
Không để ý đến giọng riễu cợt của chàng. Xi-lốp hỏi tiếp:
- Nghĩa là chính anh giết Ru-sô-lốp?
Văn Bình lắc đầu. Xi-lốp gắt:
- Hừ, tôi biết anh sẽ chối. Cũng như anh sẽ chối không bắt giữ Nancy...
Văn Bình không còn ngạc nhiên như khi mới tái ngộ Xi-lốp. Chàng đã bắt đầu hiểu. Xi-lốp được R.U. phái đến Hồng kông, cùng Ru-sô-lốp, với nhiệm vụ liên lạc với cô gái nuốt lửa Nancy. Ngờ đâu nàng mất tích. Xi-lốp đột nhập vào phòng Y-von sau khi nàng xuống bến tàu, sang bên kia đảo và Xi-lốp ngờ chàng bắt cóc người đàn bà hắn dự định tiếp xúc.
Văn Bình lại lắc đầu. Mặt Xi-lốp đỏ ửng như gấc. Hắn đang tức giận cực độ.
Văn Bình phân trần:
- Biết anh không tin, tôi vẫn nói. Nhưng sự thật là thế. Sự thật là tôi không mảy may dính dáng đến cô gái mang tên Nancy. Một tổ chức nào đó đã bắt nàng, không phải là tôi.
Xi-lốp vung tay, tát Văn Bình. Chàng nghiêng đầu tránh. Một thuộc viên của Xi-lốp giáng bá súng lục vào xương sườn chàng. Máu chảy ri rỉ, thấm ướt áo sơ mi của chàng.
Xi-lốp ra lệnh cho thuộc viên:
- Tước ngay súng của hắn. Cẩn thận! Hắn không phải là võ sĩ tầm thường.
Văn Bình nhoẻn miệng cười ra vẻ đắc ý:
- Tôi đã nói là trong mình không có mẩu sắt nào mà! Anh không tin ư? Dẫu tôi có súng các anh những ba người mà tôi chỉ có một. Ba người hiếp một, anh làm vậy, tên tuổi anh sẽ bị chôn vùi....
Tên cầm súng nhổ nước miếng vào má chàng:
- Câm miệng đi, kẻo chết đòn.
Hắn vừa nói hết câu, bàn tay cứng như thép của Văn Bình đã phang giữa miệng hắn. Chàng nghe một tiếng rắc khô khan. Ít nhất là hai cái răng cửa gãy đôi. Văn Bình bình thản nhìn miệng hắn đầy máu.
Xi-lốp nhìn Văn Bình ra tay, không giơ súng dọa, cũng không can thiệp. Chờ đâu đấy xong xuôi hắn mới cất tiếng:
- To gan thật. Anh dám hành hung nhân viên của tôi mặc dầu tính mạng anh không bằng con cá nằm trên thớt.
Văn Bình cả cười:
- Đó là lỗi tại anh. Chẳng qua anh không dạy chúng kỹ thuật cầm súng khi đứng trước Z.28. Với hai tay súng tập sự này, anh đừng hòng giải được tôi ra khỏi khách sạn.
Xi-Iốp nhún vai:
- Quên. Đang còn tôi nữa.
Rồi chỉ ra cửa:
- Tôi không có thời giờ bàn chuyện phiếm với anh. Mời anh ra trước. Tôi nhắc lại: anh đi giữa, nhân viên của tôi kèm bên. Hễ anh có cử chỉ khả nghi, bắt buộc tôi phải ra lệnh khai hỏa. Nếu tôi không lầm, anh rất yêu đời. Nghĩa là anh sẽ không dại gì rước cái chết vô ích.
Văn Bình khoan thai bước ra hành lang, Xi-lốp đút hai tay vào túi quần, lẳng lặng theo sau. Giờ này, hành lang khách sạn đã vắng. Văn Bình giơ ngón tay, nói với Xi-lốp:
- Ru-sô-lốp đang chờ anh trong phòng này.
Xi-lốp nghiến răng ken két:
- Anh đừng vội hợm mình. Rồi đây, anh sẽ không được chết êm ả như Ru-sô-lốp đâu. Nói trước để anh sửa soạn, anh sẽ bị móc mắt, cắt lưỡi, xẻo mũi, nhổ răng, và ném xuống hầm chứa kiến lửa. Anh sẽ bị kiến rỉa dần. Hàng tuần, có khi hàng tháng anh mới chết...
Văn Bình phì cười:
- Xi-lốp tả chân thực mùi mẫn hết chỗ chê! Anh có đặc tài về tiểu thuyết tại sao không chuyển sang nghề viết lách, còn bám lấy cái nghiệp bất đắc kỳ tử này làm gì? Riêng tôi rất thích những trò hành hạ của anh. Còn gì thú hơn được nằm một mình dưới hầm, tâm sự với bầy kiến lửa, phải không đồng chí Xi-lốp? Nhưng anh ơi, tôi lại sợ người có diễm phúc ấy là anh chứ không phải tôi. Bà Xi-lốp khá đẹp, anh nhỉ?
Xi-lốp chĩa súng vào ngực Văn Bình, như thể sắp lảy cò. Nhưng chỉ một tích tắc đồng hồ sau, hắn ta trấn tĩnh lại được ngay.
Văn Bình vừa đánh thức một kỷ niệm chua cay ở Hà nội. Hôm ấy, Văn Binh bị bắt trong khách sạn Metropole. Xi-lốp giải chàng xuống cầu thang. Nửa chừng, hai người gặp một thiếu phụ đẹp tuyệt vời. Thiếu phụ này là vợ của Xi-lốp.
Thấy nàng, Văn Bình buông lời chòng ghẹo. Và kỳ lạ thay, nàng không lấy làm giận, trái lại, còn hoan hỉ nữa. Xi-lốp không quên được cái nhìn đắm đuối mà vợ hắn trao cho Văn Bình khi chàng thanh niên lẳng lơ này giơ tay vẫy ở lưng chừng cầu thang. Và đêm ấy, vợ chồng hắn cãi nhau một trận kịch liệt.
Xi-lốp ghét cay, ghét đắng Văn Bình. Nếu mà có quyền, hắn đã ăn tươi, nuốt sống chàng. Nhưng Văn Bình là kẻ thù quan trọng. Hắn phải giải chàng về cho cấp trên định đoạt.
Tuy ngoài mặt buông lời cợt nhả, trong lòng Văn Binh vẫn lo âu. Chàng biết Xii-lốp từ lâu nên không dám khinh thường. Sau hai lần thất bại, hắn sẽ hết sức thận trọng. Chàng phải thoát thân mới hy vọng tìm ra Y-von. Nhưng thoát thân bằng cách nào bây giờ?
Xi-lốp bấm nút, gọi thang máy.
Cửa thang máy mở ra từ từ.
Điều chàng không dè đã xảy ra...Văn Bình ngạc nhiên thật sự. Chàng ngạc nhiên vì trong thang lù lù hai công an viên người Anh hồi nãy bắt hụt chàng.
Nhận ra chàng, một trong hai người hô hoán:
- A, tên sát nhân!
Người thứ nhì rút súng. Đành rằng, công an viên Hồng kông được tập luyện chu đáo, nhưng về cận vệ chiến họ còn thua xa nhân viên do thám chuyên nghiệp. Vì vậy Xi-lốp đã rút súng lẹ hơn.
Hắn nhếch mép ra lệnh cho đàn em:
- Xích tay 2 thằng này lại. Lục túi chúng nó lấy còng.
Văn Bình mỉm cười thương hại. Hai công an viên đưa tay lên khỏi đầu, dáng điệu chậm chạp và vụng về. Xi-lốp cất võ khí vào túi. Một thuộc viên của Xi-lốp cầm súng lăm lăm, còn tên kia loay hoay khám túi quần hai công an viên.
Cuộc phản công nổ bùng như điện xẹt.
Vốn giàu kinh nghiệm mà Văn Bình cũng lầm.
Chàng lầm, vì cử chỉ chậm chạp và vụng về của hai công an viên người Anh chỉ là mánh lới khôn ngoan để đánh lừa đối phương quá tự tin. Sau một thoáng quan sát, hai công an viên đã biết Xi-lốp là kẻ thù đáng sợ, còn hai tên đàn em chẳng qua chỉ có thân hình vạm vỡ dài lưng tốn vải. Cho nên họ giả vờ yếu thế để chờ cơ hội phản công.
Thừa dịp Xi-lốp móc thuốc lá ra hút, cả hai công an viên phản công cùng một lúc. Khẩu súng lục bị đánh bật khỏi hổ khẩu bằng một ngọn cước thật mạnh. Xi-lốp bị ôm ghì ngang lưng. Phát atémi kinh khủng tiếp theo của người công an quật một tên đàn em của Xi-lôp lăn kềnh.
Dầu hai công an viên chiếm lại thượng phong Văn Binh tiên liệu họ khó sánh được tài ba xuất chúng của Xi-lốp. Chẳng qua hắn khinh địch nên tạm thời bị lép vế. Nhưng sau khi ước lượng tình thế, hắn sẽ có thể đánh ngã hai công an viên.
Bàn tay người công an vừa nắm ve áo Xi-lốp thì hắn đã dậm chân dùng một thế nhu đạo cực hiểm hất đối phương bắn vào chân tường.
Sau đó, Xi-lốp quay về phía Văn Bình. Muộn mất rồi. Lợi dụng sự lộn xộn, chàng đã nhảy ba bậc thang xuống tầng dưới.
Chàng nghe Xi-lốp quát tháo:
- Văn Bình? Văn Bình? Đứng lại không bắn....
Chạy trốn ở trong khách sạn là kỹ thuật mà một điệp viên chuyên nghiệp phải am hiểu. Vì vậy, Văn Bình không xuống thẳng một mạch. Đến lầu ba, chàng bỏ cầu thang xi-măng thót ra hành lang, rồi chui vào thang máy.
Chàng bấm nút cho thang máy chạy lên với hai mục đích. Thứ nhất, đánh lạc hướng đuổi theo của địch; thứ hai, lấy đồ vật tùy thân mang ra khỏi khách sạn.
Thế là xong. Chàng không thể ngụ tại khách sạn Pen được nữa. Dầu muốn hay không, chàng phải dọn đi nơi khác, vì ở đây hành tung của chàng đã bị bại lộ.
Văn Bình suýt soa ra về tiếc nuối. Căn phòng xinh xắn của khách sạn Pen đối với chàng có vẻ thân mật lạ thường. Ông Hoàng muốn chàng ở đây để bảo vệ Y-von cho tiện. Nhưng nếu ông Hoàng không yêu cầu, chàng cũng đến Pen.
Thứ nhất, ở đó có tiệm ăn Gaddi's nổi tiếng quốc tế, nấu đã ngon, sự hầu hạ chu đáo, quý phái còn làm thực đơn ngon hơn nhiều.
Thứ hai, khách sạn Pen tọa lạc ở con đường chính, kế cận bến phà, phòng đủ tiện nghi, mua gì cũng có, và nhất là đàn ông mắc bệnh... đào hoa như Z.28 thì càng phải đến Pen vì đó là nơi hò hẹn của mỹ nhân.
Hồi chiều, Văn Bình để ý thấy láng giềng của chàng là một du khách người Mỹ. Chàng dự định sang bên ấy tá túc. Xách va-li ra ngoài không đụng ai, Văn Bình gõ cửa phòng người Mỹ. Chắc hắn đang ngủ nên 3 phút sau mới lên tiếng, giọng khê nặc. Ba phút đứng chờ đối với Văn Bình khi ấy mới dài làm sao!
- Ai?
- Thưa, nhân viên khách sạn. Văn Bình đáp.
- Chuyện gì thế?
- Thưa, điện tín.
Văn Bình đáp liều. Bộ mã hắn sang trọng nên chàng đoán già hắn là doanh nhân, tạt qua Hồng kông trên đường kiểm tra một chi cuộc, hoặc tham dự một hội nghị công thương nào đó ở Đông Nam Á. Loại du khách này thuờng được người nhà gửi điện tín. Trong truờng hợp hắn là du khách tầm thường, bạ khách sạn nào cũng thuê phòng, không có chủ đích nhất định, thì thủ đoạn gõ cửa phòng ban đêm để đưa điện tín khó thành tựu.
Văn Bình chắt lưỡi tự hào:
- Đến đâu, hay đến đó, cần gì!
Chàng nghe tiếng càu nhàu:
- Khổ quá, khuya rồi còn phá giấc ngủ người ta! Đợi một tí, nghe không, tôi sắp ra đây.
Cửa mở. Qua ánh điện, chàng nhận ra người Mỹ hồi chiều. Hắn cao lêu nghêu, trạc 45 tuổi, trên mắt chễm chệ cặp kính cận thị gọng vàng.
Thấy chàng, hắn hỏi giọng ngái ngủ:
- Điện tín đâu? Đưa coi. Quái, mình có để địa chỉ lại đâu mà có điện tín?
Văn Bình luồn tay ra sau lưng khép cửa lại.
Gã người Mỹ hỏi chàng:
- Tôi là Sì-Mít. Anh có chắc là giây-thép của tôi không?
Cái tên Sì-Mít đánh thức trong lòng Văn Bình khá nhiều kỷ niệm. Sì-Mít là tiếng mà giới điệp viên vẫn dùng để gọi ông Tổng giám đốc Trung ương tình báo Mỹ C.l.A. bất luận tên thật ông là gì. Nét mặt Văn Bình đang bình thản bỗng đanh rắn.Chàng nói:
- Chào ông Sì-Mít.
Gã người Mỹ gắt ngậu sị:
- Vâng, chào anh. Giây-thép của tôi đâu?
Mãi đến phút ấy, Sì-Mít mới thấy cái va-li dẹt Văn Bình xách ở tay. Hắn há miệng, toan tri hô thì Văn Bình đã chặn họng bằng lời cảnh cáo:
- Sì-Mít, anh đừng kêu la, vô ích. Tôi không muốn làm hại anh song nếu anh không vâng lệnh tôi phải tỏ ra vũ phu, điều mà tôi không bao giờ muốn.
Giọng Sì-Mít nhuốm vẻ sợ sệt:
- Vậy... vậy anh muốn gì?
Văn Bình nhún vai:
- Chẳng muốn gì hết. Ví tiền dày cộm anh, xin anh giữ kỹ để mai tiêu xài. Ở đây, cái gì cũng rẻ rề. Anh không có ý định sắm cho bà vợ cái đồng hồ vàng Oméga hay sao? Bảo đảm với anh, giá bán ở Hồng kông còn rẻ hơn ở nơi sản xuất là Thụy Sĩ.
Mặt Sì-Mít ngẩn tò te trước những lời châm biếm rí rỏm của Văn Bình.
Chàng nói thêm:
- Anh nghe rõ chưa? Tôi không cần bót-phơi của anh. Chỉ cần anh trèo lên giường nhắm mắt ngủ, ngủ thật say. Sáng mai tôi sẽ đi khỏi phòng này.
- Anh không có quyền xâm nhập phòng tôi.
- Quyền anh, mặc anh, tôi không cần biết.
- Coi chừng. Tôi sẽ kêu nhân viên khách sạn mời anh ra khỏi phòng ngay.
Văn Bình mỉm cười chỉ máy điện thoại:
- Máy đấy. Anh cứ nhấc lên mà kêu họ..
Bàn tay Sì-Mít run run. Bồ hôi thấm ướt áo ngủ của hắn. Văn Bình xòe bàn tay. Chàng phải đánh phủ đầu cho hắn khiếp sợ.
Sì-Mít lộn nhào xuống giường. Hắn rú lên:
- Trời ơi!
Văn Bình dằn giọng:
- Tôi đã bảo mà? Nếu anh cứng đầu không chịu nghe, anh còn khổ gấp trăm lần như thế nữa! Đó mới là đòn cảnh cáo. Thế nào, anh hết phản đối chưa?
Sì-Mít nuốt nước bọt ừng ực:
- Đồ găng-tơ.
Văn Bình cười ròn tan:
- Phải, găng-tơ. Găng-tơ Sicagô.
Chàng vứt va-li xuống đất. Sì-Mít ngồi xoa cằm, vẻ mặt trở nên hiền lành như cừu non. Lục túi, Văn Bình thấy gói thuốc lá hết nhẵn. Chàng hỏi Sì-Mít:
- Anh hút thuốc lá nào?
Hắn nhăn mặt:
- Không. Tôi không biết hút thuốc.
- Trời ơi! Đời sống của anh còn gì là thú vị nữa?
- Anh lầm to. Thuốc lá không làm con người hết phiền muộn, trái lại, chỉ tổ gây ra ung thư phổi.
- Nghe giọng nói đạo mạo của anh, ai cũng tưởng anh là y sĩ gàn.
- Đúng, tôi làm nghề thầy thuốc, song tôi không gàn như anh nói. Nếu anh cho phép, tôi xin tự giới thiệu: Sì-Mít, y sĩ chuyên trị ung thư. Hầu hết bệnh nhân được tôi điều trị đều bình phục.
- Anh ngạc nhiên ư? Chẳng riêng anh, ai cũng ngạc nhiên. Ung thư không hẳn là bệnh nan y. Sau nhiều năm nghiên cứu, tôi tin rằng bệnh ung thư do một vi khuẩn đặc biệt gây ra, và do đó, nó có thể chữa khỏi, không cần chạy điện, hoặc mổ xẻ, mà là bằng thuốc uống. Ở Mỹ, tôi nghe nói bên Hồng kông bán thuốc viên chữa bệnh ung thư, dường như khá hiệu nghiệm, nên tôi cất công sang đây nghiên cứu tại chỗ.
Một ý kiến nảy ra trong óc Văn Bình.
Chàng hỏi:
- Bác sĩ còn lưu lại đây bao lâu?
- Độ nửa tháng.
Văn Bình đứng dậy, chìa tay:
- Xin lỗi bác sĩ. Tôi phải bịa chuyện giây-thép vì bị đẩy vào tình thế bất khả kháng. Nếu bác sĩ không lấy gì làm phiền,tôi xin phép được ngủ nhờ đến sáng. Chẳng giấu gì bác sĩ: tôi hiện bị một bạn du thủ, du thực lùng bắt để hành hung.
- Sao ông không trình báo Công an?
- Không tiện.
- Thôi, tôi hiểu. Xin ông cứ tự nhiên. Chỉ tiếc một điều là giường này chật quá, sợ không nằm đủ hai người.
- Cám ơn bác sĩ. Tôi chỉ xin nằm ở đi-văng.
Văn Bình che tay ngáp. Bác sĩ Sì-Mít nói:
- Ông buồn ngủ rồi đấy.
Văn Bình cười:
- Không! Tôi thèm hút thuốc..
- Để tôi gọi bồi mang lên..
- Nếu tiện, xin bác sĩ kêu luôn chai huýt-ky. Còn về thuốc lá, tôi chỉ ưa Salem.
10 phút sau, có tiếng gõ cửa. Bác sĩ Sì-Mít mở hé nhận cái khay đựng chai huýt-ky và bịch thuốc Salem màu xanh. Mắt Văn Bình sáng rực. Khui rượu, chàng mời:
- Bác sĩ uống với tôi một hớp.
Sì-Mít lắc đầu:
- Xin lỗi ông. Tửu lượng tôi kém lắm.
- Theo phong lục Á-đông mời rượu là một cách tạ tội.
Cánh mũi Sì-Mít nở phồng, Văn Bình đã đánh trúng yếu điểm của hắn. Bác sĩ Sì-Mít nâng ly nốc cạn một hơi. Uổng xong hắn nhăn mặt:
- Quái, rượu huýt-ky sao lại có mùi đắng!
Văn Bình cười rộ:
- Có lẽ bác sĩ uống không quen.
Sì-Mít bưng đầu.
Văn Binh hỏi, giọng thân mật:
- Bác sĩ hơi say?
Sì-Mít không trả lời được nữa. Cây thịt nặng nề gục xuống.
Văn Bình xoa tay khoan khoái. Chàng đã dầm vào ly rượu một viên thuốc mê cực mạnh. Sì-Mít ngửi thấy mùi đắng — mùi quen thuộc của thuốc ngủ — nhưng chưa kịp nhận ra thì đã ngủ say.
Liều thuốc này sẽ bắt Sì-Mít kéo luôn một giấc đến trưa mai. Văn Bình nhún vai cầm điện thoại.
Chàng xưng là bác sĩ Sì-Mít và dặn nhân viên khách sạn để yên cho chàng ngủ, đừng làm rộn.
Giọng nói của nữ điện thoại viên đượm đầy vẻ sửng sốt:
- Thưa...hồi tối bác sĩ lại ra lệnh đánh thức thật sớm vì bác sĩ cần đi Macao có một việc rất quan trọng..
- Hơ... hơ...Bây giờ tôi đổi ý định. Cám ơn cô..
Chàng khoan thai trả máy nói vào giá. Trên giường Sì-Mít ngáy o o. Chàng ngắm hắn vẻ mặt thương hại. Trưa mai. tỉnh dậy, hắn sẽ lỡ chuyến đi "quan trọng". Lỡ một dịch vụ khổng lồ làm hắn mất cả trăm ngàn đô-la cũng nên. Song vẫn chưa khổ sở bằng lỡ hẹn với người tình trong mộng...
Văn Bình xem đồng hồ. Đã đến giờ liên lạc với tiềm thủy đĩnh. Phút này, con tàu đen sì chở ông Hoàng đã rời đáy biển sâu, nhô một bộ phận tiếp phát điện tử lên khỏi mặt nước.
Chàng lấy trong va-li ra một cái hộp vuông, lớn bằng cuốn tự điển Đào duy Anh. Chàng bấm nút, ăng-ten từ trong chồi lên, dài hơn 2 mét. Cái hộp khiêm tốn này là máy điện thoại siêu tần số tối tân của Sở Mật vụ. Tối tân, vì hai người có thể nói chuyện với nhau như ở nhà, trong phòng kín, không sợ người ngoài nghe hiểu.
Đèn xanh trong máy bật sáng. Văn Bình lặp lại tin hiệu:
- Alô Marco-Polo cần gặp Kaiser! 3
Nửa phút sau có tiếng đáp:
- Đây là Kaiser, Maxim's và Gaddi's muốn gì, nói đi. Chỉ nói trong vòng một phút.
Văn Bình nhận ra giọng nói quen thuộc của ông tổng giám đốc. Chàng báo cáo gọn và nhanh:
- Mùa Xuân đã mất tích..
Đành rằng máy siêu tần số được gắn hệ thống scrambler, ngăn ngừa các vành tai tò mò, nhưng Văn Bình vẫn phải dùng một số mật ngữ. Ông Hoàng không muốn M.I. 4 xía vào công việc của ông. Mặc dầu trên nguyên tắc họ là bè bạn, và đôi đôi khi còn là chiến hữu. Ông ra lệnh cho Văn Bình thu hẹp cuộc điện đàm vào thời lượng một phút đồng hồ, điều này có nghĩa là ông muốn chàng áp dụng các biện pháp bảo mật tối đa.
Ông Hoàng đáp:
- Biết rồi. Có thể tìm lại Mùa xuân ở 5-3-72. Hết...
Ngọn đèn xanh tắt ngấm. Cuộc nói chuyện bằng vô tuyến điện với tầu ngầm ngoài khơi Lan Tao đã chấm dứt.
Văn Bình cất điện đài vào va-li. Phì phèo điếu thuốc Salem, chàng trải rộng trên sàn phòng một tấm địa đồ Hồng kông Đây không phải là địa đồ thông thường du khách có thể tìm mua trong các quán sách báo. Bản đồ này được in trên vải ni-lông mỏng cuộn lại chỉ vừa bằng điếu thuốc lá có lọc xé không rách, và không thấm nước giành riêng cho điệp viên hoạt động trong vùng địch.
Chỉ trong khoảnh khắc, Văn Bình tìm ra tọa độ 5.3.72 trên địa đồ. Điếu thuốc Salem ướt mèm nước bọt bỗng tắt ngủm.
Văn Bình bàng hoàng đứng đậy. Mọi việc đã xảy ra như trong giấc mơ. Khi từ giã tiềm thủy đĩnh, chàng đinh ninh sẽ giữ vai trò chủ dộng, và tùy cơ ứng biến ra chỉ thị cho Y-von.
Ngờ đâu chân ướt chân ráo Y-von đã bị bắt mang đi biệt tích. May còn có ông Hoàng!
Chàng bất giác lạnh người. Ông Hoàng biết được nơi nàng bị giam tuy ông vẫn ở dưới đáy biển, trong con tàu kín mít. Nghĩa là từ trên đảo đã có người liên lạc ra ngoài khơi Lan Tao với ông bằng vô tuyến điện.
Người ấy là ai? Một cộng sự viên trà trộn trong hàng ngũ kẻ địch chăng?
Đầu chàng chứa đầy câu hỏi rối beng. Bác sĩ Sì-Mít vừa cựa mình, nghiến răng ken két. Văn Bình lại bàn viết một bức thư ngắn cho Sì-Mít.
Thư ấy như sau:
"Thưa Bác sĩ...
Thành thật xin lỗi vì đã làm hỏng chuyến đi Macao của bác sĩ. Tôi tin còn được hân hạnh gặp lại bác sĩ lần nữa.
Người bạn mới quen của bác sĩ..."/p>
Văn Bình mỉm cười, gài mảnh giấy trắng lên cái áo Sì-Mít, đoạn mở cửa phòng. Qua khung cửa sổ mở rộng, chàng nghe tiếng ào ào. Mưa đêm lại đổ
xuống Cửu Long.
° ° °
Cảm tưởng đầu tiên của Y-von là sự bỡ ngỡ vô biên.
Nàng không ngăn được sửng sốt khi thức giấc trong một căn phòng bài trí hoàn toàn khác hẳn. Nàng không thể quên được: hồi nãy, á xẩm đưa nàng vào căn phòng toàn màu hồng nhạt, từ tường, mùng, nệm, ánh đèn. Đến bàn ghế, tủ, chậu rửa mặt, bàn chải răng và lược chải tóc.
Nàng lắc đầu mạnh. Không, nàng không mê, nàng vẫn còn tỉnh.
Y-von nhìn lên tường. Bức họa Picátsô thiếu phụ khỏa thân, cười duyên sau suối tóc dài đã biến mất. Đồ đạc trong phòng chỉ gồm bộ xa-lông kiểu Tàu, cao lêu nghêu, bằng gỗ trắc đen bóng, trạm trổ cầu kỳ, và khảm xà cừ. Giường nàng nằm cũng bằng gỗ trắc, và cũng khảm xà cừ.
Đang khát muốn cháy cổ họng. Y-von mừng rơn khi thấy chai nước suối và cái ly pha lê. Hơi nước mát rợi làm nàng khoan khoái. Nàng nhớ rõ là cách đây không lâu nàng uống hai viên thuốc ngủ. Loại thuốc ngủ này rất mạnh, có thể làm thiếp đi đến sáng. Vì lẽ gì nàng giật mình tỉnh dậy?
Nàng buông tiếng thở dài: cái đồng hồ vàng đắt tiền ở cổ tay đã bị đoạt mất không biết từ lúc nào. Nghĩa là địch không muốn nàng coi giờ.
Nàng ngồi thẳng người. Dưới chân giường, trên nền gạch đỏ— thứ gạch màu đỏ hình vuông, bằng đất sét nung, thường thấy trong các ngôi nhà cổ của người Tàu — nàng nhận ra đôi hài bằng gấm thất thể. Nàng có ấn tượng là đôi hài ngày xưa của Dương quý phi cũng chỉ đẹp đến thế này là cùng.
Y-von mải ngắm đôi hài nên không nghe thấy tiếng cửa mở. Alen bước vào, trên miệng nở nụ cười lịch sự:
- Chào bà.
Y-von lạnh lùng:
- Chào ông..
Thản nhiên trước thái độ lãnh đạm của nàng. A-len nói:
- Ông chủ sai tôi đến để mở lại cuộc điều đình với bà..
Y-von gắt:
- Điều đình nghĩa là tin cậy. Nếu quả muốn điều đình, tại sao các ông lừa tôi ngủ say để mang đi nơi khác?
A-len xin lỗi:
- Xin bà thể tình. Chúng tôi không thể giữ bà một chỗ vì Lê-ô-nít sai nhân viên theo sát.
- Đây là đâu?
- Tôi không được phép tiết lộ với bà. Vì cảm tình riêng, tôi chỉ có thể nói là bà được chở xe hơi đến một khu vắng vẻ gần Vịnh Repulse.
Y-von bưng trán:
- Như tôi đã nói với ông Fu-Chun, tôi thà chết chứ không chịu bán với số tiền rẻ mạt.
A-len gằn giọng:
- Sau một đêm suy nghĩ, bà sụt xuống bao nhiêu?
- Bao nhiêu thì các ông biết đấy.
- Nếu tôi không lầm, trước mặt ông chủ bà đã nhận lời.
- Hôm qua khác, hôm nay khác....
A-len nghiêm sắc mặt:
- Chúng tôi không đùa với bà. Trong trường hợp bà khăng khăng một cách dại dột, tôi đành phải tra khảo bà. Tôi vốn quý chuộng đàn bà, xin bà đừng bắt tôi làm một việc mà tôi không thích.
- Về phần tôi cũng vậy. Tôi không ưa kẻ vũ phu, chỉ biết dọa đàn bà và trẻ con bằng roi vọt.
A-len nghiến răng cố nén căm tức:
- Được. Bà đã muốn, tôi không nài ép bà nữa. Mời bà sang bên này.
Cửa hông được mở.
Y-von bước vào căn phòng tối om. Đột nhiên, một ngọn đèn điện được
bật lên, chiếu giữa mắt nàng. Nàng có cảm giác như tròng mắt bị sức nóng cực mạnh của ánh đèn thiêu cháy.
A-len đẩy nàng ngồi, đối diện ngọn đèn 500 nến. Kỹ thuật thẩm vấn chiếu đèn sáng vào mặt đã trở nên cũ rích, nên Y-von không lúng túng.
A-len nhắc lại:
- Nancy? Tôi yêu cầu bà lần nữa, và tôi chỉ chờ 2 phút, chỉ 2 phút thôi. Sau 2 phút, nếu bà cố tình bướng bỉnh, tôi sẽ phải hành động.
Y-von phá lên cười, ngạo nghễ:
- Hừ, ông dọa mãi! Mời ông hành động.
Nói xong, tự dưng nàng lo sợ. Trước ngày lên đường, nàng sống luôn mấy tuần lễ trong bệnh xá của Sở Mật Vụ. Y sĩ cho biết cuộc giải phẫu ở óc nhằm mục đích hủy diệt trung khu cảm giác của nàng. Nghĩa là nàng sẽ không biết đau nếu Alen dùng cực hình. Cách đây hai tuần, trước mặt Văn Bình, nàng đã đâm dao nhọn vào bắp đùi, máu chan hòa, song nàng không cảm thấy gì hết.
Tuy vậy, Y-von vẫn chưa hoàn toàn yên tâm. Nàng phập phồng khi thấy Alen bật sáng một ngọn đèn khác trên bàn.
Những đồ vật bẳng thép mạ kền bóng loáng được xếp ngay ngắn trên bàn làm nàng rùng mình. Đó là bộ đồ mổ xẻ, với những cái kềm ngắn, cụt hay dài ngoằng, những lưỡi dao mỏng dính, bản sẳc như nước, bê bết máu. Dường như A-len cố tình bắt nàng thấy rõ những vết máu đỏ lòm.
Alen nói:
- Giới thiệu với bà, đây là đồ nghề thường dùng để nhổ răng, giựt móng tay, cắt tai, xẻo luỡì những kẻ ngoan cố, không chịu hợp tác. Lẽ nào có nhan sắc như bà mà lại chịu hủy hoại thân thể vì một chuyện không đâu.
Y-von nhổ nước bọt:
- Lời nói của ông chỉ làm tôi ghê tởm.
Một phụ viên lễ mễ bưng vào một hỏa lò đầy than hồng. Chắc Alen sẽ nung kềm đỏ rực để cặp vào da thịt nàng.
Nàng đoán đúng. Alen ung dung vùi giữa đống than bốc lửa phùn phụt 5 cây kềm rồi khoanh tay chờ đợi.
Y-von nghe tiếng động sau lưng. Ngoảnh lại nàng nhận ra Fu-Chun. Hắn vẫn phục sức sang trọng như hồi tối.
Fu-Chun nói:
- Bà sẽ không chịu nổi cuộc tra tấn này đâu. Tôi đích thân đến đây là để mang lại cơ hội cuối cùng cho bà.
Y-von không đáp. Alen quạt cho hỏa lò hừng thêm. Trước phản ứng ngơ ngác của 2 gã đàn ông, Y-von cầm lấy một cây kềm nóng bỏng, và chẳng nói chẳng rằng, nàng vén tay áo dí mũi kềm sát thịt.
Sèo sèo...! Mùi mỡ và thịt cháy khét lẹt.
Y-von ngẩng mặt cười với Fu-Chun:
- Ông thấy không? Tôi đã quen biểu diễn với lửa. Từ mấy năm nay không đêm nào tôi không đóng đinh sắt vào mũi và ngồi lên thùng điện.
Fu-Chun chớp mắt. Nhưng mặt hắn vẫn phẳng lì như tượng đá, nên Y-von không đoán đọc được tư tưởng của hẳn. Duờng như hắn đã tiên liệu thái độ của nàng nên Y-von vừa nói dứt hắn đã nhoẻn miệng cười:
- Biết rồi. Tôi thử bà đấy thôi.
Y-von nhăn mặt:
- Nghĩa là ông chấp thuận đề nghị của tôi.
Fu-Chun vẫn cười:
- Gần như vậy. Tôi xin lỗi bà đã bày ra trò nung kềm. Vì tôi bắt buộc phải thử bà.
Y-von cười ngặt nghẽo:
- Rốt cuộc ông vẫn lầm như thường. Tôi không phải là Nancy.
Fu-Chun nhún vai:
- Bà rất xảo quyệt. Nghe danh bà từ lâu, giờ tôi mới có vinh hạnh diện kiến. Bà quả xứng danh điệp viên tin cẩn của R.U. Tôi chỉ tiếc một điều: ấy là tôi ở vào hàng ngũ cừu địch với bà.
- Cám ơn ông. Tai tôi đã nhàm chán những lời nói lịch sự. Tính tôi vốn thực tế. Ông đối xử ra sao về trường hợp tôi?
Fu-Chun đáp:
- Chẳng giấu gì bà, tôi được tin bà không phải là Nancy vì vậy, tôi ra lệnh cho Alen dàn cảnh tra tấn để thử bà. Nếu quả là Nancy thì bà sẽ không sợ đau. Ngược lại...
Y-von cướp lời:
- Ai đưa tin vịt ấy cho ông?
- Bà định điều tra tôi nữa ư? Xong tôi nghĩ không nên giấu bà làm gì...Kẻ tung tin khó có thể là ai ngoài Lê-ô-nít.
- Lê-ô-nít?
- Vâng. Lê-ô-nít, thượng cấp của bà.
Hai người trở lại căn phòng hồi nãy. Fu-Chun mời nàng ngồi rồi đánh diêm châm thuốc cho nàng.
Y-von nói, giọng trách móc:
- Tôi phật lòng vì ông chở tôi đi mà không cho biết. Chắc ông đã hiểu tôi chỉ thích sống nơi nào có đầy đủ tiện nghi. Ông nghĩ xem, người như tôi mà ông nỡ giam trong một căn phòng nhỏ hẹp, thiếu không khí như thế này..
Fu-Chun, giọng nhỏ nhẹ:
- Xin lỗi bà. Nội ngày nay, bà sẽ về địa điểm cũ.
-Còn đồng hồ của tôi nữa. Tôi rất ghét sự tịch thâu độc đoán..
- Alen sẽ trả ngay cho bà. Sở dĩ hắn cất giùm bà, vì hắn nghi ngờ cái đồng hồ này là điện đài trá hình..
Đổi sang giọng thân mật, Fu-Chun nói:
- Bà Nancy, tôi có cảm tình đặc biệt với bà.. Mong bà hiểu tôi hơn nữa. Đêm qua, bà đã thỏa thuận nhượng trao tài liệu. Tôi hy vọng bà giữ đúng lời hứa..
- Miễn cưỡng tôi phải nhận lời. Vì số tiền ông hẹn cho tôi còn quá ít.
- Hỏi thật, bà muốn bao nhiêu?
- Muốn thì bao nhiêu cũng ít...
- Không, tôi không muốn nói đến yêu sách quá lố, chẳng hạn một triệu đô-la Mỹ.
- Vậy thì nửa triệu.
- 500 000 đô-la. Trời ơi vẫn còn quá nhiều!
- Thế thì thôi.
Fu-Chun vội phân trần:
- Bà ức hiếp tôi quá. Nhưng thôi, tôi cũng phải chịu. Tôi sẵn sàng thanh toán số tiền nửa triệu đô-la nhưng với điều kiện, là sau khi nộp tài liệu, bà sẽ dẫn tôi đến Lê-ô-nít.
- Tôi không biết ông ta ở đâu.
- Bà nói dối.
- Tôi nói dối làm gì. Theo chỉ thị, tôi chờ trong khách sạn Pen, có người sẽ đến lấy tài liệu. Ngoài ra, tôi không biết gì nữa.
- Bà đã ghé nhiều thành phố lớn ở châu Á, và ở mỗi nơi, bà đều tiếp xúc với nhân viên của Lê-ô-nít. Tôi chỉ thuận trả 500.000 đô-la nếu bà cho biết tường tận các đầu mối địa phương.
- Tôi không thể tiết lộ những bí mật này.
- Thưa bà, tôi đã nhượng bộ quá nhiều. Phàm việc gì cũng có giới hạn của nó. Nửa triệu đô-la không phải là món tiền dễ có. Bà thử nhìn chung quanh xem, ở đây, bà đếm được bao nhiêu nhà buôn có nổi nửa triệu đô-la? Xin bà hiểu rõ là tôi chỉ có thể xuất ra món tiền khổng lồ như thế nếu có đảm bảo nắm trọn hệ thống tổ chức của Lê-ô-nít.
- Ông quá tự tin! Vì tôi sẽ từ chối.
- Bà không thể từ chối. Hợp tác với tôi, bà vừa có món tiền kếch sù trời ơi đất hỡi nửa triệu đô-la, lại vừa được xum họp với gia đình.
Y-von quắc mắt:
- Ông dọa tôi?
Fu-Chun cười nửa miệng:
- Đâu dám. Thưa bà, tôi chợt nghĩ đến những con đường ở Hồng kông. Bà tính, xe cộ đông như mắc cửi, đường phố chật hẹp, tai nạn xe cộ xảy ra là thường, phải không bà? Và, thật tâm tôi không muốn gia đình bà gặp tai nạn giao thông.
- Ông là quỷ Sa-Tăng!
- Bà cứ nhiếc mắng nữa đi, tôi không hề biết giận. Với lại, thưa bà, từ lâu tôi không tin vào truyền thuyết quỷ Sa-Tăng.
Fu-Chun định nói thêm song vội ngừng lại. Có lẽ hắn cảm thấy lỡ miệng, Y-von cũng đã nhận ra nhưng tảng lờ như không biết.
Lát sau, Fu-Chun mới nói tiếp:
- Thưa bà, còn vấn đề trao tài liệu?
Y-von đáp:
- Đúng với thể thức nghề nghiệp, xin ông cho phép tôi đặt vấn đề bảo đảm. Tôi chỉ có thể trao tài liệu sau khi biết chắc có tiền.
- Bà không tin tôi?
- Làm nghề này tin nhau quá lại dễ làm hỏng việc.
- Sau nhiều năm hoạt động thú thật tôi chưa gặp ai hóc búa như bà.
- Ông quá khen. Thật ra, tôi chỉ yêu cầu những điều kiện tối thiểu.
- Về phần tôi, tôi cũng lo ngại, thưa bà. Vì biết đâu bà chẳng phỉnh gạt tôi.
- Ông quá lo xa. Tôi không thể phỉnh gạt ông vì lẽ tôi còn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của ông.
- Vâng, tôi xin tín nhiệm bà. Nội ngày nay, tôi sẽ chuyển tiền vào trương mục cho bà. Thôi, chào bà. Bà cần dùng gì, Alen sẽ lo liệu chu đáo.
Y-von ôm đầu, mỏi mệt lạ thường. Vết bỏng ở tay không làm nàng nhức nhối nhưng nàng lại đau nhói nơi tim. Với bệnh ung thư ruột, nàng khó thể giữ cho tâm thần sảng khoái để chơi trò cút bắt với Fu-Chun.
Năm lần bảy lượt, ông Hoàng đã nói với nàng như sau:
- Yêu cầu bà nhớ một điều, một điều quan trọng. Nếu sa vào tay địch, việc làm đầu tiên của bà là nói thật nhiều. Bà phải làm cách nào cho đối phương tiếp chuyện, để bà có cơ hội trả lời. Bà có hiểu tại sao tôi cần bà nói nhiều không? Vì trong miệng bà có một cái răng đặc biệt.
- Ở hàm trên, bà có cái răng bị sâu khoét gần rỗng. Trong lỗ răng này, chuyên viên của Sở đã gắn một bộ phận điện tử tí hon. Nó sẽ phát ra một luồng điện riêng, chỉ riêng tôi mới tiếp nhận được. Vì điều kiện bảo vệ bí mật, tôi rất tiếc không thể cho bà biết tôi ở đâu, nhưng xin bà vững tin là tôi luôn luôn ở cạnh bà. Muốn cho máy náy phát tuyến, bà phải nói, nói thật nhiều.
Tiếng nói sẽ tạo ra sức nóng, và sức nóng ấy sẽ làm máy chạy. Nhờ luồng điện của máy, tôi có thể tìm ra nơi bà bị địch giam giữ. Và như bà đã biết, một khi tôi phăng ra trụ sở bí mật của địch, thì công tác của bà có thể được coi như sắp sửa hoàn thành.
Y-von nói nhiều là thế. Nàng không nhớ đã nói những gì với Fu-Chun. Hắn là con cáo già do thám, hắn chẳng khờ khạo mất tới 500 ngàn đô-la, dầu để đánh đổi một cuộn phim quan trọng, và những bí mật độc nhất vô nhị, về màng lưới thông tin của R.U. ở Viễn đông. Hắn sẽ trả nửa triệu mỹ kim bằng giấy báo. Hoặc bằng bạc giả. Nếu bằng bạc thật thì hắn sẽ lấy lại. Và hắn ta sẽ hạ sát nàng.
Cái răng giả gây cho nàng cảm giác ấm áp. Ít ra trong thời khắc ngặt nghèo này, nàng có ông Hoàng và Văn Bình ở bên cạnh, Văn Bình hiện ở đâu?
Tâm tư nàng hướng về chàng thanh niên vạm vỡ khả ái và tài giỏi ấy. Hình ảnh nổi bật của bé Hồng bỗng mờ dần, mờ dần. Y-von tin là Văn Bình đang bám sát nàng từng bước. Chẳng bao lâu nữa, nàng sẽ vĩnh biệt cõi đời. Song nàng không tiếc nuối, vì nàng đã gặp người đàn ông ban phát cho nàng những giờ, những giây phút hạnh phúc say mê.
Một tiếng nói làm nàng tỉnh mộng:
- Thưa bà...
Y-von ngẩng đầu, nhận ra á xẩm hồi tối. Á xẩm hỏi:
- Bà dùng điểm tâm?
Y-von hỏi á xẩm:
- Bây giờ mấy giờ?
- Thưa, 10 giờ.
Y-von thở dài:
- Cám ơn. Tôi không đói.
Bụng nàng còn đầy mặc dầu từ tối qua đến giờ chưa có lấy một miếng cơm nào. Nàng không cầu ăn. Nàng chỉ cầu Văn Bình đến kịp.
Á xẩm đặt khay thức ăn xuống bàn, rồi lặng iẽ mở cửa. Khe cửa hé để lọt những tiếng quát tháo ầm ỹ, và tiếng người bị lôi kéo sềnh sệch. Đến trước phòng Y-von, tiếng ồn trở nên lớn hơn. Cửa phòng bị đạp tung. Một người đàn ông mặt mày sưng húp bị xô vào.
Nhìn rõ mặt nạn nhân, Y-von la rú...
° ° °
5.3.72!
5.3.72!
Văn Bình lẩm bẩm nhiều lần như thế. Nhờ bản địa đồ tham mưu, chàng đã tìm ra nơi giam Y-von. Hồng kông tuy nhỏ, nhưng khám phá được nơi này không phải là chuyện dễ. 5.3.72. là ám số chung cho một khu trên bản đồ, không phải là một căn nhà riêng biệt dễ nhận biết.
Những hạt mưa lớn bay tạt vào mặt chàng. Chàng vẫn vô tình không biết ướt. Và cứ thế, chàng đứng ở mũi thuyền hứng mưa, trong khi cô gái chèo thuyền hát nho nhỏ, và bơi về phía Hồng kông.....
Trời đã gần sáng nên đường sá vắng tanh. Giờ này, tắc-xi và xích lô rất khó kiếm, và hầu như không có. Lùi lũi trên đại lộ Queen's Road, Văn Bình nghĩ đến việc trộm xe.
Trộm xe đối với chàng là chuyện thông thường. Hoạt động ở ngoại quốc, Văn Bình vẫn có thói quen mượn tạm xe hơi vài ba giờ, hoặc một đêm và khi đem trả chàng không quên đền bồi cho chủ xe một món quà nhỏ.
Chàng liếc nhìn thấy chiếc Prefect kiểu mới, sơn trắng toát, nằm ngoan ngoãn sát lề.
Con đường Queen's Road chạy dài trước mắt. Những người dậy sớm đã lục tục vặn đèn trên lầu lịch kịch nhóm bếp pha trà tàu. Phần đông dân chúng ở Hồng kông là người Trung Hoa. Đối với người Trung Hoa. "nhậm sà" buổi sáng là thú của tao nhân mặc khách.
Văn Bình đã mở cửa xe bằng sợi thép uốn. Chủ nhân không cắm khỏa công tắc ở táp-lô, nhưng nổ máy xe không cần chìa là việc dễ ớn. Nối xong hai sợi giây điện, chàng rồ ga nhè nhẹ. Chiếc Prefect cao tồng ngồng khạc khói ra đằng sau, rồi chạy bon bon.
Phóng được một quãng, Văn Bình mới sực nhớ vi phạm luật lưu thông. Suýt nữa chàng quên mất xe hơi ở đây phải chạy bên trái. Thảo nào một đoàn xe ở ngã tư phải quẹo thật nhanh mới khỏi đâm vào xe chàng
Hú vía! Nếu phản ứng của chàng thiếu lẹ làng thì một cam nhông kếch xù - loại cam nhông chở hoa quả từ ngoại ô vào thành phố—đã húc nát đầu chiếc Prefect. Con đường đi Aberdeen bò ngoằn ngoèo lên giốc dưới trận mưa rạng đông mát rượi. Mặc dầu đường xấu và xe lạ, Văn Bình vẫn tống hết ga xăng. Chàng phải đến nơi trước khi trời sáng rõ.
Đậu xe lại, chàng chiếu đèn vào bản đồ. Nếu chàng không lầm, Y-von đang bị giam trong một tòa biệt thự rộng bát ngát, tứ phía vây bọc bằng tường đá ong, thứ đá ong tốt, chở từ lục địa tới.
Biệt thự này sừng sững một mình trên sườn ngọn đồi thoai thoải. Chỉ có một lối độc nhất lên xuống, nên Văn Bình tắt đèn pha, mò mẫm lái xe bằng cặp mắt sáng như điện.
Sợ nổ máy gây tiếng ồn, chàng lặng lẽ đẩy xe khuất dưới lùm cây um tùm. Gió dưới vịnh thổi lên phần phật.
Văn Bình quỳ gối, rút cây bút máy. Dầu cây bút được gắn cái đồng hồ nhỏ xíu. Thoạt trông, ai cũng tưởng là la bàn với cây kim chỉ hướng Bắc, thật ra nó là máy bắt luồng sóng bén nhậy.
Sau khi biết tọa độ 5.3.72. Văn Bình có thể xử dụng máy bắt luồng sóng để dò tìm ra nơi giam giữ Y-von.
Cây kim trên mặt đồng hồ chạy lồng lên. Văn Bình mỉm cười, găm bút may vào mép túi.
Cây bút vừa xác nhận Y-von đang ở bên trong biệt thự.
Bức tường đá ong không lấy gì làm cao, chàng chỉ rún nhẹ là vượt qua. Nhưng chàng lại sợ địch nuôi chó bẹt-giê. Chàng không sợ bẹt-giê kể cả quân khuyển hung dữ nhất được huấn luyện đặc biệt.
Chàng chỉ sợ bại lộ.
Nếu mà chó sủa, dưới ánh đèn vườn sáng quắc chàng sẽ biến thành mục phiêu dễ nhắm cho đối phương. Địch chỉ cần một tay súng và vài ba viên đạn 9 ly là hạ sát được chàng dễ dàng.
Lựa một chỗ thật tối, Văn Bình co chân nhảy. Trong nháy mắt, chàng đã tuột xuống vườn. Chàng ngồi thụp, quan sát chung quanh.
Trong vòng một, hai giờ nữa trời sẽ sáng. Chàng phải hành động thần tốc. Chàng rón rén tiến về phía hông biệt thự. Chàng lại ngồi thụp lần nữa. Đến khi chắc chắn không có bẹt-giê,cũng như không có nhân viên tuần phòng của địch, chàng mới đẩy cửa từ từ len vào.
Tòa nhà tối om...
Dường như chàng đột nhập phòng ăn. Qua bóng tối mờ mờ chàng đụng phải cái tủ lạnh to lớn. Phía sau, vẫn còn nóng. Chi tiết này chứng tỏ biệt thự có người ở. Chàng còn phân vân, chưa biết nên đợi trong phòng hay trèo lên gác thì thoáng nghe tiếng gió từ bèn tả vèo tới. Biết bị đánh lén, chàng vội xoay mình nửa vòng. Chàng ngoảnh lại vừa kịp để hứng đỡ một cú đấm.
Đôi mắt quen vói bóng tối đã giúp Văn Bình nhận diện đối phương. Hắn cao lớn, mặc áo chẽn Tàu đen.
Không khí chuyển dộng nhẹ nên Văn Bình tưởng địch là võ sĩ tầm thường.
Thái độ khinh địch của chàng suýt nữa gây hại. Vì sức gió cực nhẹ mà miếng đòn lại cực hiểm.
Thì ra địch là cao thủ của Mai hoa quyền, một môn võ tiến thối như chớp xẹt, và nhẹ nhàng ngoạn mục như hoa mai rụng. Kết hợp với nội lực thâm hậu, nó đã đạt tới một mức lợi hại ít môn võ nào sánh bằng.
May được dày công tập luyện, nếu không Văn Bình đã bị đánh ngất. Cánh tay của chàng ê ẩm tê dại, như vừa chống đỡ sức nặng trăm cân.
Chàng chưa kịp phản công, địch đã tiếp tục phóng đòn vào yết hầu. Chàng nghiêng người sang bên tránh miếng cương trảo ghê gớm, đoạn nhào vào ngực đối thủ. Theo kinh nghiệm, quyền Mai hoa chỉ dùng để đánh xa, nên Văn Bình chuyển qua nhu đạo, nắm vạt áo địch quật ngã.
Địch bị chàng hất chúi vào góc tường. Hắn lồm cồm bò dậy, chưa lấy lại được sáng suốt thì chàng đã tiến lên một bộ,sống bàn tay giáng xuống một phát atémi thần sầu, quỷ khốc.
Hắn nằm mọp luôn trên đất.
Văn Bình lắng tai nghe. Chung quanh vẫn im lặng, ngoại trừ đã có những cơn gió rì rào từ ngoài khơi Aberdeen thổi lại. Đối với người không ở trong nghề điệp báo thì biệt thự này đã ngủ say. Song Văn Bình biết chắc mọi người còn thức, và có lẽ ở xó tối nào đó, một lưỡi dao sắc bén, hoặc một họng súng kinh khủng đang rình núp.
Chàng quỳ bên thân thể nóng hổi của gã Tàu, dùng thuật hồi sinh kuatsu của nhu đạo cứu hắn tỉnh lại. Chàng muốn hắn tiết lộ một vài bí mật.
Năm phút trôi qua. Tuy chàng cố gắng tối đa, tứ chi hắn vẫn lạnh dần. Văn Bình áp tai vào ngực hắn. Tim hắn đập thoi thóp rời rạc rồi ngưng nghỉ. Hắn đã chết. Văn Binh lắc đầu, lôi xác chết sát chân tường, đoạn tìm lối lên lầu.
Thang gác lượn hình trôn ốc,tưởng như không bao giờ hết. Văn Bình trèo từng bậc một, mắt đảo tứ bề, gân cốt chùng dãn, sẵn sàng băng ra phía truớc để phản công kẻ địch vô hình.
Chàrg lạnh toát châu thân khi thấy một ngọn đèn ở tầng trên bật sáng, kèm theo tiếng cửa mở ken két rồi một tiếng đằng hắng.
Rồi đoàng. Một phát súng nổ chát chúa.
Nhanh như cắt Văn Bình phóng mình rạp trên sàn gác. Kẻ thù đã chờ sẵn. Chàng đinh ninh súng sẽ nổ tiếp. Kinh ngạc xiết bao, bầu không khí lại rơi vào câm lặng hoàn toàn. Trong một phần mười tích tắc đồng hồ, chàng có cảm tưởng như đang vượt qua một đường biên giới bí mật, đầy cạm bẫy chết chóc rùng rợn.
Một chuỗi cười ngạo nghễ cất lên:
- Ha ha!
Văn Bình đứng phắt dậy. Chàng biết là muộn rồi. Cách chàng 4 mét dựa lưng vào tường, một gã đàn ông mặc đồ đen ảm đạm lăm lăm trong tay một khẩu tiểu liên kiểu Nga. Kỹ thuật cầm súng tự tin của hắn cho thay hắn là kẻ bắn không cần nhắm. Hắn ra lệnh bằng tiếng Anh:
- Ha, ha! Mời tôn huynh vòng hai bàn tay ra sau gáy. Chúng tôi chờ tôn huynh đã lâu.
Dĩ nhiên địch chờ chàng! Chàng đã tính trước. Tuy vậy chàng không ngờ địch lại nhanh tay hơn chàng. Chàng cũng không ngờ chuyến đi Hồng kông này lại gặp quá nhiều rủi ro. Chân ướt, chân ráo đến nơi chàng đã bị công an địa phương tầm nã. Rồi sa vào tay tử thù Xi-Iốp. Chàng tưởng đã thoát thân, ngờ đâu chỉ thoát thân ở khách sạn Pen đế thất thân gần Aberdeen.
- Mời tôn huynh...
Văn Bình bước vào một căn phòng tràn ngập ánh sáng nê-ông. Sau cái bàn tròn kê ở phía cuối phòng, chàng thấy một người đàn ông Trung hoa lai Tây phương trạc 42 tuổi, mặc com lê xanh nhạt, điểm cái cà-vạt màu hoa cà.
Chỉ trông nét mặt hiền lành của hắn, Văn Bình đoán được số phận hắn sẽ giành cho chàng. Có lẽ chàng khó ra khỏi nơi này nếu còn sống. Khẩu súng lục 9 ly, cán ngà voi trạm trổ mỹ lệ, đặt trên bàn, trước mặt gã Tàu lai, vừa được nhấc lên, và nạp đạn nghe "soạch" một tiếng khô khan.
Miệng súng đen ngòm và sâu thẳm chĩa vào ngực chàng. Văn Bình thản nhiên, nhắm mắt chờ chết.
Súng nổ......
1. Đây là hối xuất hồi bộ truyện này được viết...
2. Tức là Khruschev. Ta phiên âm là Kút-Sếp, nhưng cộng sản đọc là Khơ-rút-xốp...
3. Marco Polo, Kaiser, Maxim's và Gaddi's là tên những tiệm ăn sang trọng ở Hồng kông.
4. M.I. là Military Intelligence (Quân Báo), Cơ quan điệp báo hữu hiệu của người Anh. Ta quen gọi là Intelligence Service.
Z.28 Bí Mật Hồng Kông Z.28 Bí Mật Hồng Kông - Người Thứ Tám Z.28 Bí Mật Hồng Kông