Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Xứ Con Người
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 6 - Trong Sa Mạc
D
ối với chúng tôi, anh em lái đường dài qua Sahara, hết tuần đến tháng, hết tháng đến năm, là tù nhân của cát, trôi từ đồn lũy này sang đồn lũy khác, cứ thế bay mãi, mọi sự dịu êm như vừa kể là trái cấm. Cái sa mạc này nào có cái ốc đảo nào giống thế đâu: vườn cây và các cô con gái, ôi chuyện hão huyền! Ừ, xa lơ xa lắc, một khi xong việc, nơi mà chúng tôi có thể trở về, hàng nghìn cô gái đang đợi chúng tôi. Ừ, nơi kia, giữa những con chồn đèn hay giữa những cuốn sách, các cô ấy đang trau dồi cái tâm hồn đằm thắm của họ. Ừ, các cô ấy làm đẹp…
Nhưng mà tôi cô quạnh. Ba năm sa mạc đã dạy cho tôi mùi cô quạnh. Ở sa mạc, người ta không kinh hoàng vì một tuổi trẻ mỏi mòn đi trong một khung cảnh hầm mỏ, mà ở đó ta lại có cảm giác rằng ở cách xa ta chính là toàn thể quả địa cầu đang già cỗi đi. Cây cối đã kết trái, đất đai đã sinh sôi nên hạt lúa rồi, phụ nữ đã đẹp rồi. Nhưng mùa đã sắp qua, đáng lẽ là phải vội mà về. Mùa đã sắp qua và ta còn bận rộn nơi xa. Châu báu của Trái đất chuồi rơi giữa các kẽ ngón tay ta như cát nhỏ trên đồi đụn.
Thời gian trôi đi, bình thường con người ta không nhận thấy. Con người sống là sống trong một sự hòa hoãn tạm thời. Một khi đến được trạm nghỉ, bấy giờ ta mới biết ra lúc nào thì đè nặng trên ta ngọn gió đông bao giờ cũng tiến bước. Chúng ta giống như người hành khách kia trên chuyến tàu suốt, trong đêm tối ầm ĩ bánh xe lăn, chốc chốc lóe lên một đốm sáng, anh ta ngồi bên này cửa kính đoán bao nhiêu thôn làng ruộng nương, bao nhiêu vùng hạnh phúc đã chảy tuôn qua một cách phung phí, mà anh ta không tài nào níu giữ cái gì được, vì anh ta đang cuộc hành trình. Chúng tôi cũng vậy, bừng bừng một cơn sốt nhẹ, hai tai còn ầm ì tiếng động cuộc bay, chúng tôi cũng cảm giác là mình đang cuộc hành trình, bất chấp cái yên tĩnh của trạm nghỉ. Chúng tôi cũng vậy, tự cảm thấy mình được đưa tới một tương lai nào không biết, qua sự nghĩ suy của các luồng gió, bằng những nhịp đập của trái tim mình.
Sa mạc đã vậy, còn thêm loạn lạc. Đêm ở Mũi Juby cứ bị chặt ra từng mười lăm phút một, bởi tiếng cồng của chiếc đồng hồ treo, mà các người lính canh, quãng cách gần mãi lại, báo động cho nhau bằng một tiếng quát làm khẩu lệnh. Đồn Tây Ban Nha ở Mũi Juby nằm trong lòng đất loạn, nó tự vệ như vậy đó, chống những dọa nạt không ra mặt. Và chúng tôi, những hành khách của con tàu mù quáng này, chúng tôi lo lắng nghe tiếng gọi ngày càng to lên, và liệng bên trên chúng tôi những vòng tròn của loài chim biển.
Vậy mà chúng tôi yêu sa mạc.
Nếu trước hết sa mạc chỉ là trống không và lặng im, ấy nghĩa là nó tuyệt không phải dành cho những cặp tình nhân hợp và tan trong chỉ một ngày. Một cái làng bình thường ở ta đã không chịu làm chuyện đó. Nếu ta không vì nó mà chối bỏ tất cả thế giới ngoài kia, nếu ta không hòa vào với phong tục tập quán của nó, ta không thể nào hiểu được thế nào là cái Tổ quốc mà sa mạc cấu thành riêng cho một vài người. Hơn thế, cách chúng ta hai bước, con người tự khép mình trong hàng rào của anh ta và sống theo những quy tắc mà ta không biết, người đó thật sự đang trồi lên trong niềm cô quạnh có tính chất đạo sĩ, trong một sự xa vắng mà không một chiếc máy bay nào đặt ta tới được. Ta muốn viếng ngăn buồng chật hẹp của anh ta ư? Ngăn buồng ấy trống không. Vương quốc của con người là ở bên trong. Cũng vậy đó, sa mạc không phải làm bằng cát, bằng người Touareg, bằng người Moor, cho dẫu họ có súng…
Nhưng đây, hôm nay chúng ta thấy khát. Và cái giếng mà chúng ta biết, chỉ đến hôm nay chúng ta chợt nhận thấy, rằng nó soi sáng cả một vùng. Một người đàn bà không ra mặt, như vậy đấy, có thể làm cho ngôi nhà trở nên kỳ diệu. Một cái giếng có thể có âm vang xa, như tình yêu vậy.
Cát trước hết là sa mạc đã, sau rồi mới đến một ngày mà, sợ một toán cướp tới, ta đọc thấy ở nó những nếp gấp của tấm áo choàng lớn mênh mông mà nó choàng. Cướp cũng làm biến đổi được cát.
Chúng tôi đã chấp nhận điều lệ của trò chơi, trò chơi nhào nặn ta theo hình ảnh nó. Sahara chính là trong ta mà nó hiện rõ. Tới gần nó không phải là viếng thăm ốc đảo, ấy là đưa một giếng nước lên thành đạo giáo.
o O o
Ngay chuyến bay đầu tiên, tôi đã nếm mùi sa mạc. Riguelle, Guillaumet và tôi, chúng tôi lạc loài xuống gần đồn Nouakchott. Chỗ đồn nhỏ này ở xứ Mauritanie bấy giờ cách biệt với cuộc đời như một hòn đảo giữa biển. Một viên đội già sống ru rú với mười lăm người lính Sénégal. Ông ta đón tiếp chúng tôi như thể chúng tôi là con nhà trời.
“Ôi, được nói chuyện với các ông, nó biến đổi con người đi! Nó biến đổi con người đi!”
Con người ông ta biến đổi thật: ông ta khóc.
“Sáu tháng nay, mới được nhìn thấy có các ông. Người ta tiếp tế cho tôi sáu tháng một lần mà. Lúc là ông quan hai, lúc là ông quan ba. Lần trước, là ông quan ba…”
Chúng tôi vẫn còn bàng hoàng. Còn hai tiếng nữa thì đến Dakar, ở Dakar bữa ăn trưa đang dọn, thế mà một cái bi en bỗng nhiên hỏng, thế là số phận ta đổi khác. Với viên đội đang khóc kia, ta như ma hiện hình.
“Ôi, uống đi, được mời rượu các ông, tôi thích lắm! Các ông nghĩ xem. Lần trước, ông quan ba đi qua, tôi chẳng còn rượu để thết ông ấy nữa.”
Tôi có kể việc ấy trong một cuốn sách, nhưng cuốn sách đó không phải là tiểu thuyết. Ông đội nói với chúng tôi:
“Lần trước, tôi cũng đã không thể chạm cốc… nên tôi xấu hổ đến nỗi xin chuyển đấy, các ông ạ!”
Chạm cốc! Chạm cốc một bữa say túy lúy với người từ lưng lạc đà, nhẫy nhại mồ hôi, nhảy xuống kia! Sáu tháng dài, người ta mong ngóng chóng đến cái phút ấy. Từ một tháng trước, người ta đã lau chùi súng ống, đánh bóng sạch sẽ cả cái đồn từ hầm cho đến kho. Và mấy ngày trước, đã có linh tính rằng cái ngày thiêng liêng này sắp tới, người ta cứ đứng trên sân thượng mà trông hoài trông mãi chân trời, mong nhìn thấy một chấm bụi mù, chấm bụi mù đó sẽ cuốn theo đội quân lưu động Atar khi nó hiện ra…
Nhưng không có rượu: không thể mở tiệc. Không có chạm cốc. Người ta tự thấy nhục…
“Tôi sốt ruột đợi ông ta trở lại. Tôi mong ông ta…”
“Ông ta giờ ở đâu, hở ông đội?”
Viên đội tức thì trỏ ra khoảng cát:
“Không biết. Ông quan ba ấy, đi khắp nơi mà!”
Cũng là có thực, cái đêm trên sân thượng đồn lũy ấy, nói chuyện về sao. Không có cái gì khác để canh giữ cả. Các ngôi sao ấy, đấy, đông đủ cả, như khi ta ngồi trong máy bay, chỉ có điều là đứng im.
Ngồi trong máy bay, khi đêm đẹp quá, người ta thả mặc cho bay, chẳng lái nữa, và chiếc máy bay dần nghiêng về phía trái. Ta vẫn tưởng nó đang nằm ngang thì phát hiện dưới cánh phải của nó có một ngôi làng. Trong sa mạc, làm gì có làng. Rồi là một cái phao câu ở biển cho thuyền câu. Nhưng mà ở giữa Sahara, làm gì có phao cho thuyền câu! Thế sao? Thế là ta mỉm cười vì điều nhầm lẫn ấy. Rất nhẹ nhàng, ta dựng lại chiếc máy bay. Và ngôi làng trở lại vị trí của nó. Ta treo lại trên bầu trời chùm sao mà ta vừa để rụng. Khu làng ư? Vâng. Làng sao. Nhưng, trên cao đồn lũy, nó chỉ là một sa mạc, như lạnh cóng, những làn sóng cát không cử động. Những chùm sao treo thật chắc. Và viên đội nói với chúng tôi về sao:
“Tôi ấy à, hướng nào tôi cũng thuộc! Nhắm vì sao này, đi một mạch là đến Tunis!”
“Anh ở Tunis à?”
“Không. Cô em họ tôi.”
Im lặng rất lâu. Nhưng viên đội không dám giấu chúng tôi điều gì:
“Một ngày nào đó, rồi tôi cũng sẽ đi Tunis.”
Hẳn là theo một con đường khác chứ không phải nhắm ngôi sao kia mà đi một mạch. Miễn là một hôm nào đó hành quân, một cái giếng cạn không đưa anh tới cái thơ mộng của sự hôn mê. Đến lúc hôn mê thì ngôi sao, cô em họ, và Tunis sẽ lẫn vào nhau. Đến lúc đó, sẽ bắt đầu cuộc hành trình ma dắt, mà những kẻ ngoại đạo cho là đau đớn.
“Có lần tôi xin ông quan ba cho tôi đi phép Tunis một chuyến, chuyện liên quan tới cô em họ ấy. Ông ta trả lời tôi…”
“Trả lời ông thế nào?”
“Ông ta trả lời thế này: Thế gian đầy rẫy các cô em họ! Và ông ta phái tôi tới Dakar.”
“Cô ta đẹp không, cô em họ của anh ấy?”
“Cô ở Tunis ấy à? Hẳn chứ. Tóc cô ta vàng.”
“Thế còn cô ở Dakar nữa kia?”
Ông đội, tí nữa thì bọn tôi ôm hôn ông, vì câu trả lời miễn cưỡng và man mác buồn:
“Cô ta da đen…”
Sahara đối với anh là thế nào hả, ông đội? Nó là một vị thần linh vĩnh viễn tiến bước hướng về anh. Nó cũng là niềm dịu dàng của một cô em họ tóc vàng ở đằng sau năm nghìn ki lô mét cát.
Còn sa mạc đối với chúng ta là thế nào? Nó là cái gì nảy sinh ở trong ta. Cái mà ta biết về bản thân ta. Cả bọn tôi nữa, đêm hôm ấy, chúng tôi cũng yêu nhớ một cô em họ và một ông quan ba.
o O o
Nằm ven các vùng đất không chịu quy thuận, Port-Étienne không phải là một thị trấn. Ở đấy, có một cái đồn, một cái nhà vòm và một cái lều gỗ dành cho các đội phi hành bên nước Pháp sang. Bốn chung quanh là sa mạc, sa mạc tuyệt đối, đến mức mặc dù quân lương quân cụ rất yếu, Port-Étienne hầu như không thể nào bị đánh chiếm được. Muốn tấn công Port-Étienne, phải vượt một vành đai cát và lửa, xa rộng đến nỗi các loạn quân chỉ đến được sau khi đã đuối sức rồi, không còn một giọt nước dự trữ nào nữa. Tuy vậy, từ xa xưa trong trí nhớ con người, bao giờ đâu đó ở miệt Bắc cũng có một toán loạn quân tiến về phía Port-Étienne. Mỗi lần viên quan ba cai trị đến lều chúng tôi uống một chén trà, ông ta cũng trỏ hướng đi của toán loạn quân đó trên bản đồ y như người ta kể giai thoại về một nàng công chúa đẹp. Nhưng toán loạn quân ấy không bao giờ đến, nó bị cát làm cho khô cạn, như thể một dòng sông, và chúng tôi gọi đó là toán loạn quân Ma. Đạn và lựu đạn mà chính quyền tối tối phát cho chúng tôi ngủ yên trong các thùng gỗ nơi chân giường. Và chúng tôi tuyệt không có kẻ thù nào khác phải chống trả, ngoài sự yên tĩnh, chúng tôi được che chở trước hết mọi sự bằng sự nghèo khốn của mình. Nên Lucas, quản đốc sân bay, hết ngày lại đêm, cho chạy các máy quay đĩa. Các đĩa hát, ở một nơi xa cuộc sống như vậy, nói với chúng tôi bằng một ngôn ngữ gần như thảng thốt, gây nên một niềm man mác không cớ, thật lạ, nó giống y như khát nước.
Tối nay, chúng tôi ăn ở trong đồn và viên quan ba cai trị đưa chúng tôi đi ngắm khu vườn của ông. Sự thật là ông được người ta gửi cho từ nước Pháp sang ba thùng đầy đất, cái chỗ đất thật ấy như vậy là đã vượt bốn nghìn ki lô mét đường dài. Trên đó, mọc lên ba cái lá xanh, và bọn tôi vuốt ve ba cái lá xanh đó như vuốt ve ngọc ngà châu báu. Nói về ba chiếc lá xanh đó, bao giờ viên quan ba cũng bảo: “Đó là cái công viên của tôi.” Mỗi khi có gió cát, ngọn gió này làm khô ráo hết, người ta lại khuân cái công viên ấy xuống hầm.
Chúng tôi ở cách đồn một ki lô mét, sau bữa ăn tối, trở về nhà dưới ánh trăng. Dưới trăng, cát trở nên hồng. Chúng tôi cảm thấy rõ sự trơ trụi của mình, nhưng cát, nó lại hồng. Nhưng một tiếng thét của lính canh phục hồi lại trên đời niềm xúc động. Bấy giờ cả Sahara hoảng lên vì các bóng đen của chúng tôi, tất cả Sahara đang hỏi chúng tôi, bởi vì lúc này một toán loạn quân đang tiến tới.
Trong tiếng thét của người lính canh, âm vang tất cả các thứ tiếng của sa mạc. Sa mạc không còn là một cái nhà trống: một đoàn người Moor đã biến đêm tối thành nam châm.
Chúng tôi tưởng là chúng tôi được an toàn. Nhưng sự thật thế nào? Bệnh tật, tai nạn, loạn quân, bao nhiêu dọa nạt đang lần đến. Con người là mục tiêu ở Trái đất này đối với những kẻ bắn tỉa bí mật. Nhưng anh lính canh người Sénégal nhắc nhở chúng tôi điều đó, hệt anh là tiên tri.
Chúng tôi xưng danh và đi qua vị thần đen ấy. Và chúng tôi thấy dễ thở hơn. Mối đe dọa này đã khiến chúng tôi trở nên cao quý biết bao. Ôi, nó hãy còn xa thế, còn chưa lấy gì làm khẩn trương thế, cát còn ngăn bước nó thế, mà thế giới không còn là thế giới cũ nữa. Cái sa mạc này, nó trở lại huy hoàng hơn. Một toán loạn quân đang hành quân đâu đó, sẽ chẳng bao giờ đến được đây, nhưng đã tự biến mình thành thần linh.
Bây giờ là mười một giờ đêm. Lucas ở chỗ máy vô tuyến về và báo cho tôi biết nửa đêm có máy bay Dakar. Trên máy bay, mọi việc ổn. Trong máy bay của tôi, nửa đêm mười phút, người ta sẽ chuyển thư sang, và tôi sẽ cất cánh về hướng Bắc. Trước một tấm gương đã loang lổ, tôi cạo râu chăm chú. Chiếc khăn thấm choàng quanh cổ, chốc chốc tôi lại ra cửa nhìn cát trơ trụi: trời đẹp nhưng gió đã dứt. Tôi trở lại gương soi. Tôi tư lự. Một ngọn gió thổi tới từ mấy tháng dài, nhưng nó mà dứt đi, đôi khi làm xáo trộn cả bầu trời. Và bây giờ, tôi bắt đầu nai nịt: đèn cấp cứu móc ở thắt lưng, thước đo độ cao, bút chì. Tôi đến tận chỗ Néri, người phụ trách vô tuyến trên máy bay của tôi hôm nay. Néri cũng đang cạo râu. Tôi hỏi anh ta: “Ổn chứ?” Hiện giờ thì ổn. Cái việc đầu tiên này là việc dễ nhất của chuyến bay. Nhưng tôi có nghe một tiếng xèo, một con chuồn chuồn va đầu vào cái đèn của tôi. Không hiểu vì sao, tiếng xèo ấy làm cho tôi se lòng.
Tôi lại ra nữa và nhìn: tất cả đều trong veo. Một ghềnh đá ở bìa sân bay hiện rõ lên nền trời như trời đã sáng rồi. Trên sa mạc là một yên lặng lớn như trong một ngôi nhà ngăn nắp. Nhưng bỗng có một con bướm xanh và hai con chuồn chuồn va vào cái đèn của tôi. Và tôi lại thấy dậy lên một tình cảm âm thầm, nó có lẽ là niềm vui, có lẽ là sự lo sợ, nhưng tình cảm đó tới từ sâu thẳm lòng tôi, nó còn mù mờ lắm, nó chỉ mới báo là có nó mà thôi. Một người nào đó nói với tôi từ rất xa. Có phải cái đó là linh tính không? Tôi lại ra nữa: gió đã dứt hẳn rồi. Trời vẫn mát lắm. Nhưng tôi đã nhận một sự cảnh báo. Tôi đoán, tôi ngỡ là tôi đoán cái mà tôi đợi chờ: tôi đoán đúng không? Cả bầu trời, cả mặt cát đều không ra cho tôi dấu hiệu nào, nhưng là hai con chuồn chuồn đã nói với tôi, và một con bướm xanh.
Tôi bước lên một đụn cát và ngồi ngoảnh về hướng Đông. Nếu mình đoán đúng, “cái đó” không còn lâu nữa đâu. Chúng kiếm cái gì ở đây, những con chuồn chuồn ấy, cách cái ốc đảo nội địa hàng trăm ki lô mét?
Một ít rác rưởi dạt vào các bờ biển chứng tỏ rằng có một con tố ở ngoài khơi. Như các con côn trùng kia chỉ cho tôi rằng có một cơn bão cát đang tiến tới, một cơn bão dông, nó đã đánh tan tác loài bướm xanh ra khỏi các vùng cọ xa xôi. Bèo bọt của nó đã chạm tới tôi rồi. Và trang trọng, bởi nó là một chứng cớ, và trang trọng, bởi nó là một sự đe dọa nặng nề; và trang trọng, bởi nó chứa đựng một cơn dông tố, ngọn gió Đông dâng lên. Nó dâng lên rất nhẹ như tôi chỉ nghe thoảng hơi thở của nó. Tôi là cái cột mốc tận cùng mà lưỡi sóng liếm tới. Sau lưng tôi chừng hai mươi mét, vậy mà chẳng có tấm vải nào lay động. Chỉ một lần, một lần độc nhất, tôi cảm thấy cái lưỡi ấy nó nóng bỏng, như là một cái hôn chết. Nhưng mấy giây sau, tôi hiểu rõ là Sahara đang lấy lại sức và sắp thở dài lần nữa. Chậm lắm là ba phút, cái lọng gió trên cái nhà vòm của chúng tôi sẽ chuyển động. Và chậm lắm là mười phút, cát sẽ mù trời. Chốc nữa, chúng tôi sẽ cất cánh trong khung cảnh lửa ấy, trong cảnh trở về của những ngọn lửa của sa mạc.
Nhưng đó không phải là cái làm tôi xúc động. Cái làm cho tôi thấy tràn trề một niềm vui man rợ ấy là việc đã hiểu được, mà không cần nghe hết lời, một ngôn ngữ bí mật, ấy là đã ngửi thấy một dấu vết giống như một người cổ sơ, vốn đoán toàn thể tương lai của mình bằng những âm vang yếu ớt trong lòng, ấy là đã đọc được nỗi cuồng giận đó từ tiếng đập cánh của một con chuồn chuồn.
o O o
Ở đây ngày ấy, chúng tôi tiếp xúc với người Moor phiến loạn. Họ xuất hiện từ trong lòng các vùng đất cấm, những vùng đất mà chúng tôi lướt qua trong những chuyến bay; họ mạo hiểm đến tận các đồn lũy ớ Juby hay Cisneros để mua bánh mì, mua đường hay mua chè, rồi lại thu mình trong niềm bí mật của họ. Còn chúng tôi thì tìm cách thuần hóa một vài người trong bọn họ, nhân lúc họ đi qua.
Nếu đó là các thủ lĩnh có tầm ảnh hưởng lớn, đôi khi chúng tôi đưa họ lên máy bay, đồng ý để họ chỉ đường dẫn lối, hòng cho họ thấy thế giới bao la. Làm vậy để dập tắt đi sự kiêu ngạo của họ, chính là vì không biết chứ không phải vì hằn thù mà họ giết các tù nhân. Có gặp chúng tôi ngoài các đồn lũy, đến chửi chúng tôi họ cũng không chửi mà. Họ chỉ quay mặt đi và nhổ nước bọt mà thôi. Và lòng kiêu ngạo đó, họ rút ra từ ảo tưởng về sức mạnh của họ. Bao nhiêu người trong bọn họ đã nói đi nói lại với tôi khi đã lập được một đội binh ba trăm súng sẵn sàng đánh nhau: “May mà các người ở tận nước Pháp, cách đây hơn một trăm ngày đi bộ…”
Thế là chúng tôi đưa họ đi dạo, và kết quả là ba người trong số họ đã được đến thăm nước Pháp xa lạ kia theo cách đó. Họ thuộc giống loài mà, một lần đi cùng tôi đến Sénégal, đã bật khóc khi được nhìn thấy những cái cây.
Khi tôi gặp lại họ trong các lều trại, họ ca ngợi những rạp ca vũ trong đó có những người phụ nữ ở trần múa giữa hoa. Đây là những người đàn ông chưa hề thấy một cái cây cũng như một cái giếng, một bông hồng, chỉ biết, qua kinh Coran, sự tồn tại của các vườn hoa, ở trong các vườn hoa ấy có những con suối chảy, vì kinh Coran giải thích thiên đường là như vậy. Cái thiên đường và những cô gái đẹp bắt được ấy, người ta đã đạt đến bằng cái chết đắng cay trên cát, bằng một phát súng của đứa bội phản, sau ba mươi năm khổ ải. Nhưng Thượng Đế đã lừa dối họ vì Thượng Đế không buộc người Pháp là kẻ được ban phát tất cả mọi của cải đó, phải bồi thường bằng cơn khát hay bằng cái chết. Và chính vì vậy mà các vị tù trưởng già, bây giờ, đang mơ màng. Và chính vì vậy mà, nhìn Sahara trải dài, trống trải, xung quanh lều trại của họ, cho đến giờ họ chết, Sahara bao giờ cũng để dành cho họ những lạc thú thật là ít ỏi, họ buông thả đi vào tâm sự.
“Anh biết không… Thượng Đế của người Pháp… Ông ấy hào phóng với người Pháp hơn là Thượng Đế của người Moor đối với người Moor!”
… Vài tuần trước, người ta đưa họ đi chơi ở Savoie. Người hướng dẫn đã dắt họ đến trước một cái thác lớn, một loại cột đan chéo, đang đổ ầm ầm:
“Các ông nếm xem!” người hướng dẫn bảo họ.
Đó là nước ngọt! Nước! Còn ở đây, biết bao ngày đi bộ mới tới được một giếng nước gần nhất! Và nếu có tìm thấy giếng, thì biết bao nhiêu là ngày giờ để moi cát lấp đầy giếng, moi đến một lớp bùn đầy nhẽo nước đái lạc đà! Nước! Ở Mũi Juby, ở Cisneros, ở Port-Étienne, con cái người Moor không xin tiền mà chỉ cầm trên tay một ống bơ để đi xin nước:
“Một tí nước làm phúc, một tí nước…”
Một giọt nước một giọt vàng, mỗi giọt có thể làm nảy lên từ lòng cát cái tia sáng màu lục của một ngọn cỏ. Có mưa ở đâu, tức thì ở đấy mở cuộc đại di cư tới làm xôn xao cả vùng Sahara. Các bộ lạc mò lên tận bãi cỏ sẽ mọc cách họ ba trăm ki lô mét… Và nước, nó vốn keo kiệt là thế, mười năm dài không nhỏ xuống Port-Étienne lấy một giọt, thế mà đang ầm ầm kia như rơi xuống từ một cái thùng chứa thủng, ban phát khắp nơi những nguồn dự trữ trên đời.
“Ta đi đi,” người hướng dẫn nói.
Nhưng họ không nhúc nhích:
“Cho chúng tôi xem tí nữa…”
Họ nín thinh, họ câm lặng, trang trọng dự vào diễn biến của niềm bí mật uy nghi kia. Cái đang chảy ra kia từ bụng núi, ấy là cuộc sống, ấy chính là máu của con người.
Một giây lưu lượng ắt làm sống lại được toàn bộ nhiều đoàn đi trên sa mạc, những đoàn người này, say vì khát, mãi mãi lún sâu vào trong cõi vô cùng của những hồ muối và ảo ảnh. Thượng Đế, ở đây, đang hiện phép mầu: không thể bỏ Người mà đi được. Thượng Đế đang tháo mở các cổng của Người, chỉ rõ quyền lực của Người: ba người Moor đứng sững lặng thinh.
“Các ông muốn nhìn thấy gì nữa? Ta đi đi.”
“Phải đợi chứ.”
“Đợi gì?”
“Đợi kết cục.”
Họ muốn chờ đợi thời khắc Thượng Đế mỏi mệt trong trò chơi điên cuồng của mình. Người sẽ hối hận ngay đây thôi mà. Người vốn keo kiệt…
“Nhưng nước này đã chảy nghìn năm nay rồi! …”
Cho nên, tối nay, họ không nhắc lại chuyện cái thác. Về một số điều kỳ diệu, tốt nhất là nín thinh. Tốt nhất nữa là không nên nghĩ tới quá nhiều, nếu không, ta không hiểu gì nữa. Nếu không, ta sẽ nghi ngờ Thượng Đế…
“Thượng Đế của người Pháp, thật hào phóng; anh thấy không…”
Nhưng mà các ông bạn hoang dại của tôi, tôi rất biết họ. Họ ở đó, bối rối, hoang mang trước đức tin của chính mình, và từ nay gần như là quy hàng. Họ mơ được quân nhu Pháp tiếp tế lúa mạch, mơ được quân đội Pháp ở Sahara đảm bảo an ninh cho. Và đúng là một khi chịu quy hàng rồi, họ sẽ kiếm được của cải vật chất.
Có điều cả ba người này đều có dòng máu của El Mammoun, giáo chủ dân tộc Trarza (tôi có thể nhớ nhầm tên ông ta).
Tôi biết ông ta khi ông ta là chư hầu của Pháp. Được dành cho những vinh dự quốc gia vì công lao của ông, được các tổng trấn làm cho trở nên giàu có và được các tù trưởng kính trọng, về các của cải mà mắt nhìn thấy được, ông không thiếu gì hết, hình như vậy. Nhưng một đêm, không một dấu hiệu gì cho phép nghi ngờ, ông giết hết sĩ quan ông tháp tùng đi sa mạc, ông chiếm các đoàn lạc đà, súng ống rồi đi theo các bộ lạc nổi dậy.
Những cuộc nổi loạn bất ngờ ấy, những cuộc bỏ trốn vừa anh hùng vừa tuyệt vọng của một vị thủ lĩnh từ nay bị đày ải vĩnh viễn chốn sa mạc ấy, những cái đó, người ta gọi là phản bội. Chiến thắng ngắn ngủi đó sẽ sớm tàn lụi thôi, hệt như một cái hỏa tiễn vấp phải sự cản đường của trung đội lưu động Atar. Và người ta lấy làm lạ mãi về những hành động điên dại ấy.
Vậy nhưng câu chuyện El Mammoun cũng là câu chuyện của nhiều người Ả Rập khác. Ông ta già đi. Khi người ta già, người ta suy ngẫm. Một tối suy ngẫm, ông nghĩ ra là ông đã phản lại Thượng Đế đạo Hồi, rằng khi bắt chặt tay người Thiên Chúa giáo, ông đã ô bẩn tay mình, lúc ông chịu ký kết một cuộc đổi trao mà ông mất hết.
Và, thật ra, ông cần gì lúa mạch, cần gì hòa hoãn? Là một tráng sĩ đã hết thời, bây giờ làm mục sư, ông bỗng nhớ mình đã từng ở một vùng Sahara mà mỗi nếp gờ của cát đầy rẫy những đe dọa ẩn giấu mà lều trại chìm sâu trong tối chỉ để thấy ở phía trước dáng bọn lính canh, mà tin tức kế bên bếp lửa đốt đêm về động thái của địch quân làm cho ai cũng hồi hộp. Ông nhớ cái vị của biển đầy, cái vị một khi được nếm, con người không thể nào quên.
Ngày nay, ông lang thang bước đi không chút vinh quang giữa một vùng đất yên bình chẳng hề danh giá. Ngày nay chỉ mình Sahara là một hoang mạc mà thôi.
Các sĩ quan mà ông đã ám sát, có lẽ ông cũng tôn kính họ. Nhưng tình yêu dành cho Allah vẫn được đặt lên hàng đầu.
“Chúc ngủ ngon, El Mammoun.”
“Chúa phù hộ cho anh!”
Các sĩ quan cuộn mình trong chăn, duỗi dài trên cát, như một chiếc bè phơi bụng dưới trời sao. Kia đông đủ hết các vì tinh tú, chúng chuyển vần chầm chậm, toàn thể bầu trời có thể đọc được là mấy giờ. Kia vừng trăng nghiêng mình xuống mặt cát, mặt cát nhờ Ánh Sáng Láng của nó mà trở thành hư không. Những người Thiên Chúa giáo nhanh chóng đi vào giấc ngủ. Vài phút nữa thôi là các vì sao sẽ sáng ngời lên. Lúc đó, để cho các bộ lạc đã suy đồi đi này có thể phục hồi lại được cái vinh quang ngày trước, để cho những cuộc săn đuổi lại tiếp tục, chỉ những cuộc săn đuổi đó mới làm rạng rỡ được các vùng cát, chỉ cần một tiếng kêu yếu ớt của bọn người Thiên Chúa giáo đó là đủ. Tiếng kêu mà người ta sẽ nhận chìm trong giấc ngủ… Vài giây nữa thôi rồi thì, từ sự bất khả hồi phục, nảy sinh một thế giới…
Và người ta giết những tên trung úy điển trai đang ngủ.
o O o
Ở Juby, hôm nay, Kemal và em là Mouyane thết mời tôi, và bây giờ tôi đang uống chè trong lều của họ. Mouyane lặng thinh nhìn tôi và kéo tấm vải xanh lên che miệng, giữ một sự dè dặt man dã. Chỉ mỗi Kemal nói chuyện với tôi và đón chào tôi:
“Lều của tôi, lạc đà của tôi, các vợ tôi, các nô lệ của tôi đều là của anh.”
Mouyane mắt vẫn không rời tôi, nghiêng đầu về phía người anh, nói vài tiếng rồi thu mình vào trong im lặng.
“Chú ấy bảo gì thế?”
“Chú ấy bảo: Bonnafous cướp của bộ lạc R’Gueibat một nghìn con lạc đà!”
Viên quan ba Bonnafous, sĩ quan kỵ binh lạc đà trong đội quân Atar, tôi không quen. Nhưng tôi biết chuyện giai thoại lớn về ông qua người Moor. Họ nói về ông rất giận dữ, nhưng lại như coi ông là một thần linh. Sự hiện diện của ông làm cho cát trở nên có giá. Hôm nay ông lại xuất hiện, không rõ bằng cách nào, phía sau các toán loạn quân đang đi về phía Nam, cướp hàng trăm lạc đà của họ, buộc họ phải trở lại phía ông ta, hòng cứu những kho báu mà họ ngỡ là an toàn. Và bây giờ, sau khi đã cứu được Atar bằng sự xuất hiện như thần đó, sau khi đã đóng vững vàng lều trại trên một tảng đá vôi cao, ông ta ngồi thẳng kia, như một minh chứng phải đạt tới, và uy của ông tỏa sáng đến nỗi ông buộc các bộ lạc phải di chuyển về phía quyền lực của ông.
Mouyane nhìn tôi khắc nghiệt hơn và lại nói.
“Chú ấy bảo gì vậy?”
“Chú ấy bảo: Mai ta đi đánh Bonnafous. Ba trăm tay súng.”
Tôi đã đoán được đúng một điều gì đó. Những con lạc đà mà người ta dẫn đến giếng nước ba ngày nay, những cuộc hội bàn đó, cái nhiệt tâm đó. Như là người ta sắm sửa một chiếc thuyền buồm vô hình. Và ngọn gió nơi khơi xa sẽ đẩy nó đi đã nổi lên rồi. Vì chống Bonnafous mà mỗi bước tiến về Nam trở thành một bước đầy vinh quang. Tôi cũng không biết phải phân biệt phải trái những cuộc hành quân như vậy thế nào nữa, là chứa đựng hận thù hay mang nặng yêu thương.
Thật là huy hoàng khi có ở đời một kẻ thù đẹp vậy để mà sát hại. Hắn xuất hiện ở đâu, các bộ tộc gần đó liền xếp vén lều trại, thu gọi lạc đà và chạy trốn, run sợ gặp hắn mặt đối mặt, nhưng những bộ lạc xa nhất lại ngất ngây như trong ái tình. Họ rút ra khỏi cái êm ấm của lều trại, ra khỏi vòng tay của những người đàn bà, ra khỏi giấc ngủ ngon lành, và họ chợt thấy rằng sau hai tháng mòn mỏi đi bộ về phương Nam, sau hai tháng khát bỏng họng, ngồi dưới các luồng gió cát mà đợi chờ, ở đời chẳng gì bằng bỗng nhiên vào lúc bình minh rọi vào đội khinh binh Atar, và rồi, giết được tên quan ba Bonnafous, nếu Thượng Đế cho phép.
“Bonnafous mạnh đấy,” Kemal thú nhận với tôi.
Bây giờ tôi đã rõ bí mật của họ. Giống như những kẻ đàn ông thèm đàn bà kia, họ mơ màng thấy bước dạo thờ ơ của một người phụ nữ, suốt đêm họ trăn đi trở lại, họ bị thương, họ bị đốt cháy bởi cuộc dạo chơi lãnh đạm mà người đàn bà tiếp tục đi trong giấc mơ của họ: giống thế đấy, bước chân xa của Bonnafous làm cho họ xao động. Lật ngược các toán loạn quân phóng về phía mình, cái người theo đạo Thiên Chúa giả mặc quần áo người Moor ấy, dẫn đầu hai trăm tên cướp người Moor, đã chui được vào đất loạn, vùng đất mà ở đó, tên thuộc hạ cuối cùng trong số những thuộc hạ của chính ông, được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của người Pháp, hẳn có thể sẽ thức tính khỏi thân phận nô lệ của mình mà không hề bị trừng phạt, và hiến sinh thân phận ấy cho Chúa Trời trên những chiếc bàn đá, vùng đất mà ở đó, chỉ riêng uy tín của ông thôi đã ngăn cản được bước chân họ rồi, và ngay cả sự yếu đuối của ông cũng khiến họ run sợ. Và cái đêm ấy, giữa giấc ngủ vang tiếng ngáy khàn của họ, ông lướt qua, lướt qua điềm nhiên như không, tiếng bước chân ông âm vang đến tận lòng sa mạc.
Mouyane trầm tư, không nhúc nhích ở tận cuối lều, như một bức tượng nổi bằng đá hoa cương màu xanh. Chỉ hai mắt của anh ta là sáng, và cái dao găm bạc lúc này không còn là một đồ chơi. Anh ta thật đã thay đối nhiều từ khi anh ta thu phục được toán loạn quân! Chưa bao giờ anh cảm thấy bản thân anh cao thượng như vậy và nhìn tôi đầy khinh bạc, vì anh ta sắp ngược lên hướng có Bonnafous, vì anh ta sẽ ra đi, khi bình minh tới, thúc đẩy bởi một mối hận thù mang mọi dấu hiệu của tình yêu.
Một lần nữa, anh ta nghiêng người sang phía người anh, nói thì thầm và nhìn tôi.
“Chú ấy bảo sao?”
“Chú ấy bảo rằng chú ấy sẽ bắn anh nếu gặp anh ở ngoài đồn.”
“Tại sao?”
“Chú ấy bảo: Anh có máy bay và vô tuyến điện, anh có Bonnafous, nhưng chân lý thì anh không có.”
Mouyane không cử động trong các tấm áo choàng xanh, nếp áo như nếp tượng, phán xét tôi.
“Chú ấy bảo: Anh ăn rau giống hệt như loài dê, và ăn thịt lợn như loài lợn. Phụ nữ của anh để trần mặt ra không xấu hổ gì hết: chú ấy đã gặp. Chú ấy bảo: Anh không bao giờ cầu nguyện cả. Chú ấy bảo: Máy bay, vô tuyến điện, Bonnafous, nào dùng được vào việc gì, nếu anh không có chân lý?”
Nên tôi khâm phục cái anh người Moor không bảo vệ cho sự tự do của mình ấy, bởi vì trong sa mạc, bao giờ người ta cũng tự do, anh ta không bảo vệ những kho báu mắt người trông thấy, vì sa mạc vốn trơ trụi, nhưng anh ta bảo vệ cho một vương quốc thầm kín. Trong yên tĩnh của những làn sóng cát, Bonnafous như một thằng giặc bể, dẫn toán quân của mình, và nhờ ông ta mà đồn trại ở Mũi Juby này không còn là lều quán của các mục sư không có việc gì làm. Cơn dông tố của Bonnafous đè nặng lên đồn trại ấy và vì ông ta mà chiều tối người ta thu vén lều trại lại. Cái yên tĩnh, ở phương Nam, thật se lòng: đó là sự yên tĩnh của Bonnafous! Và Mouyane, anh thợ săn già, lắng nghe sự yên tĩnh đó bước đi trong gió.
Khi Bonnafous rút về đất Pháp, những kẻ đối địch hắn ta không mừng rỡ mà khóc thương, như thể việc hắn ta ra đi đã tước mất của sa mạc một trong những cái cực của nó, như thể việc đó tước khỏi cuộc sống của những kẻ đối địch ấy một chút lòng tự tôn, họ bảo tôi:
“… Tại sao hắn đi, cái tên Bonnafous ấy?”
“Tôi không biết…”
Hắn đã đem cuộc sống của hắn chống chọi với cuộc sống của họ trong nhiều năm dài. Từ những quy tắc của họ, hắn làm nên những quy tắc của mình. Hắn đã kê đầu lên trên những tảng đá của họ mà ngủ. Trong cuộc đuổi bắt không bao giờ dứt, cũng như họ, hắn đã sống những đêm tối của Kinh Thánh, những đêm tối làm bằng tinh tú và bằng gió. Và bỗng nhiên, ra đi như thế này, hắn tỏ rằng hắn không dám chơi một trò chơi sống còn. Hắn đã rời chiếu bạc một cách tự do quá trớn. Còn đám người Moor, bị hắn bỏ mặc cho tự xoay xở một mình, đã mất niềm tin vào một ý nghĩa của cuộc sống, cái ý nghĩa không trói buộc con người đến tận da thịt. Dù vậy, họ vẫn muốn tin vào hắn.
“Cái thằng Bonnafous của anh: hắn sẽ trở lại thôi”
“Tôi không biết.”
Hắn sẽ trở lại, người Moor nghĩ thế. Các trò chơi ở châu Âu sẽ không còn làm cho hắn vui, kể cả những cuộc bài trong trại lính, kể cả thăng cấp bậc, kể cả đàn bà. Hắn sẽ trở lại, bị ám ảnh bởi sự cao quý đã mất ấy, ở nơi mà đi một bước trái tim hồi hộp một bước, như một bước hướng về tình yêu. Hắn ngỡ ở đây, hắn chỉ sống một cuộc phiêu lưu thôi, nơi kia mới là chính yếu, nhưng hắn sẽ rất chán nản nhận ra rằng những của cải thật sự chân chính mà hắn có được cho đến nay, chỉ có trong sa mạc: vẻ hào nhoáng của cát, đêm tối, yên tĩnh, cái Tổ quốc bằng gió và tinh tú. Và nếu một ngày nào đó, Bonnafous trở lại thì ngay đêm đầu tiên, tin ấy sẽ lan truyền trong đất loạn. Ở một nơi nào đó trong Sahara, ở giữa hai trăm tên giặc của hắn, người Moor biết là hắn đang ngủ. Tức thì, trong yên tĩnh, người ta dẫn đàn lạc đà đến giếng. Người ta chuẩn bị dự trữ lúa mạch. Người ta lên thử khóa nòng. Thúc đẩy bởi sự hờn thù ấy, hay còn bởi tình cảm ràng buộc ấy.
o O o
“Hãy giấu tôi trong một chiếc máy bay cho tôi đi Marrakech.”
Mỗi tối ở Juby, cái anh nô lệ ấy của người Moor lại vắn tắt khẩn cầu tôi. Sau đó, vốn đã làm hết mọi sự để có thể sống, anh ta ngồi xếp bằng xuống đất và chuẩn bị pha chè cho tôi. Từ lúc này trong một ngày, bắt đầu yên tĩnh, anh cho là anh đã giao phó mình cho người thầy thuốc độc nhất có thể chữa cho mình, anh cho là đã khấn vái vị thần độc nhất có thể cứu vớt mình. Cúi xuống ấm nước, từ đó ôn lại những hình ảnh đơn sơ của cuộc đời anh, đất đen vùng Marrakech, những mái nhà hồng, những của cải sơ đẳng mà anh bị tước đoạt. Anh không giận vì tôi nín thinh, cũng không giận vì tôi chậm trễ trong việc ban phát sự sống: tôi không phải là một con người giống như anh ta mà là một sức mạnh phải khởi động nó, mà là một cái gì như một ngọn gió lành, một ngày nào sẽ dậy lên trên số phận của anh.
Thế nhưng, chỉ là một người lái thường, quản đốc sân bay Mũi Juby tạm thời vài tháng, tất cả gia sản chỉ có một chiếc lều gỗ dựa vào một cái đồn lũy Tây Ban Nha, và trong cái lều gỗ này, một chậu thau, một xô nước mặn, một chiếc giường quá ngắn, tôi đâu có nhiều ảo tưởng về quyền lực của mình:
“Để xem, anh Bark ạ…”
Người nô lệ nào cũng tên Bark, vậy thì tên anh ta là Bark. Bốn năm bị cầm giữ rồi, thế mà anh ta vẫn chưa hết sốt ruột: anh ta vẫn nhớ thời anh ta từng là vua.
“Ở Marrakech, anh làm gì hở anh Bark?”
Ở Marrakech, nơi mà vợ và ba con anh hẳn là còn sống; anh làm một nghề tuyệt diệu:
“Tôi chăn súc vật, và ngày xưa tôi tên là Mohammed!”
Ở đó, các ngài tổng trấn gọi anh tới:
“Tao có mấy con bò cần bán, Mohammed ạ. Mày lên núi dắt chúng về đây cho tao.”
Hoặc:
“Tao có nghìn con cừu ngoài đồng, mày hãy dẫn chúng lên cao hơn cho chúng ăn cỏ.”
Tức thì, Bark, tay cầm thanh đoản kiếm bằng cành ô liu, trông nom bầy di tản của mình. Là người trách nhiệm độc nhất của một bầy cừu, ngăn con lanh lợi đi chậm lại vì nó chửa, thúc con lười biếng, anh đi trong niềm tin và tuân thủ của cả bầy. Một mình anh biết tất cả sẽ lên vùng đất thánh nào, một mình anh đọc dò hướng đi trong các vì sao, đầy rẫy một mình anh một vốn học thuật không phải chia sẻ cho loài cừu, một mình anh quyết định, trong lương tri sáng suốt của anh, giờ nghỉ, giờ đến giếng nước. Và đêm tối, trong khi chúng ngủ, anh đứng, lông cừu ngập tới đầu gối, thương cảm bởi bao nỗi mê muội hèn yếu trước mắt, anh Bark, lương y, tiên tri và đế vương, cầu nguyện cho bầy cừu của mình. Một hôm, có những người Ả Rập đến gần anh:
“Hãy đi với bọn tao, dắt bầy thú ở Nam về.”
Người ta bắt anh đi mãi, và ba ngày sau, khi anh dấn vào một hẻm núi, tận cùng đất loạn, người ta nhẹ nhàng đặt tay lên vai anh, đặt cho anh tên Bark, và bán anh đi.
Tôi cũng quen một số người nô lệ khác. Ngày ngày tôi đến uống chè ở các lều. Nằm dài trong lều, duỗi chân trần trên chiếc thảm len quý thật là một thứ xa xỉ đối với dân lưu động, trên chiếc thảm đó họ chỉ dựng chỗ ở có vài tiếng đồng hồ, tôi thấm thía cuộc đi trong ngày. Trong sa mạc, thời gian trôi đi có thể cảm nghe được. Dưới ánh mặt trời nóng bỏng, người ta đang đi về phía chiều tối, về phía luồng gió tắm mát chân tay và lau khô hết mồ hôi. Dưới ánh mặt trời nóng bỏng, vật và người, cũng chắc chắn như là đi đến cái chết, đi tới chỗ dừng chân uống nước vĩ đại này. Vì vậy nên việc nằm không, tuyệt không bao giờ là vô ích. Và ngày nào cũng có vẻ đẹp như những con đường dẫn ra biển kia.
Tôi quen họ, những người nô lệ đó. Họ bước vào lều khi người tù truởng lấy từ trong cái hòm châu báu ra chiếc bếp lò, cái ấm và cốc tách, từ cái thùng nặng đầy những đồ vật vô lý này, đầy những ổ khóa không có chìa này, đầy những lọ hoa không có hoa này, đầy những tấm gương giá ba xu, những súng ống cũ kỹ, tất cả những cái đó mà dốc đổ lên mặt cát làm ta nghĩ đến những thứ bọt bèo sau một cuộc đắm tàu.
Tức thì người nô lệ, câm lặng, cho cành khô vào trong bếp lò, nhen lên ngọn lửa, cho nước vào ấm, phồng mang trợn mắt như một cháu gái nhỏ trước cái việc cỏn con ấy, sự gắng sức của anh ta tưởng chừng có thể làm lốc rễ một cây bách hương. Anh ta bình lặng. Anh ta cuốn hút vào trong cái trò chơi gồm có: pha chè, chăm sóc lạc đà, ăn. Dưới ánh nắng nóng bỏng của ban ngày, đi đến tận đêm, và dưới cái băng giá của những vì sao trần trụi, mong cái nóng bỏng của ngày. Thật hạnh phúc những xứ sở ở phương Bắc mà thời tiết cấu thành, mùa hạ, một giai thoại về tuyết, mùa đông, một giai thoại về nóng, thật buồn bã các vùng chí tuyến, trong lò ngột ngạt chẳng có gì đổi thay nhiều lắm, nhưng cũng thật hạnh phúc vùng cát Sahara mà ngày thì chênh con người về ước vọng này, đêm lại chênh sang ước vọng khác.
Đôi khi người nô lệ da đen, ngồi trước cửa lều, tận hưởng vị gió đêm. Trong tấm thân nặng nề của kẻ bị giam cầm, kỷ niệm không còn trồi lên nữa. Mang máng nhớ chăng giờ mình bị bắt cóc, mình bị đòn, mình bị quát tháo, nhớ chăng những cánh tay đàn ông đã quật ngã mình đêm trước. Từ giờ ấy, anh ta đi sâu trong một giấc ngủ kỳ lạ, giống như một người mù, bị tước mất các dòng sông lặng lẽ ở Sénégal hay những thị trấn trắng vùng Nam Maroc, như một người điếc, bị tước đoạt mất những giọng nói thân thương. Người da den này, anh ta không đau khổ, anh ta tàn phế. Bỗng một hôm rơi vào chu trình cuộc đời của những người sống lưu động, bị buộc chặt vào những cuộc di cư của họ, suốt đời gắn vào những đường ngoằn ngoèo họ vẽ trên sa mạc, từ ấy trở đi, nào họ còn giữ được gì là chung với một quá khứ, một mái nhà, với một người vợ và những đứa con, những con người đó đối với anh ta cũng là chết như những người đã chết?
Những người đã sống rất lâu, một mối tình vĩ đại, bỗng nhiên bị tước đoạt mất tình yêu đó, đôi khi thấy mệt mỏi về sự cô đơn cao quý của họ. Họ xuềnh xoàng hơn bước gần tới cuộc đời, và làm hạnh phúc của mình bằng một mối tình bé nhỏ. Họ cảm thấy nhẹ người được từ bỏ, được phục dịch, được đi vào sự yên bình của mọi việc. Người nô lệ lấy ngọn lửa than của chủ làm niềm kiêu hãnh của mình.
“Này, cầm lấy!” viên tù trưởng đôi khi nói với người bị bắt.
Ấy là giờ mà ông chủ trở nên tốt với người nô lệ do mọi sự mệt nhọc, mọi vết rát bỏng đã dịu êm, do chủ và tớ cùng nhau bước vào trong không khí mát lành. Ông ta rót cho người nô lệ một chén trà. Người bị giam cầm thì, tràn đầy lòng biết ơn, có thể chỉ vì chén trà đó mà hôn gối chủ. Kẻ nô lệ đâu có bị nặng nề xiềng xích! Hắn ta đâu cần! Hắn ta trung thành thế kia mà! Chỉ cần hắn ta khôn ngoan chối bỏ cái ông vua đen trần trụi trong hắn ra: hắn ta chỉ còn là một kẻ bị giam sung sướng.
Thế nhưng, một ngày kia, người ta cũng sẽ thả hắn ta. Khi nào hắn ta già quá, không còn xứng với cơm ăn hoặc với áo quần, người ta sẽ cho hắn một sự tự do vô hạn độ. Trong ba ngày liền, hắn đi hết lều này lại lều khác van xin, mỗi ngày qua, giọng hắn càng yếu hơn hôm trước, đến chiều ngày thứ ba thì, vẫn ngoan ngoãn, hắn nằm xuống trên mặt cát. Tôi từng thấy, ở Juby, những kẻ chết trần truồng như thế. Người Moor không chút nào tàn ác đi cạnh cơn hấp hối kéo dài của những người kia, và con cái người Moor vẫn đùa chơi cạnh đống rác rưởi đen đủi đó và sáng sáng chạy ra tò mò xem nó còn động đậy không, nhưng không cười giễu người đầy tớ già. Việc đó là trong trật tự tự nhiên. Như người ta có bảo anh ta: “Mày đã làm lụng giỏi, mày được quyền ngủ, đi ngủ đi.” Anh ta, bao giờ cũng nằm duỗi, có cảm thấy đói, nó chỉ là một sự choáng váng, nhưng không bao giờ cảm thấy sự bất công giày vò mình. Anh ta trộn lẫn lần lần vào trong đất. Anh được mặt trời sấy khô và được đất thu nhận. Ba mươi năm làm lụng giờ được quyền lợi là ngủ, và quyền lợi là đất.
Người đầu tiên mà tôi chợt gặp, tôi không nghe anh ta rên: anh ta chẳng phải rên phiền ai. Tôi đoán thấy trong anh một thứ đồng tình mù mờ, cái đồng tình của người dân miền sơn cước lạc loài, mệt bã, nằm xuống trên mặt tuyết, cuộn mình trong mơ màng của mình và trong tuyết. Làm xao động tôi không phải là nỗi đau khổ của anh ta. Tôi không tin là anh ta đau khổ. Nhưng, trong cái chết của một người, một thế giới mà ta không biết đang chết, và tôi tự hỏi trong người đang chết đó, có sụp đổ theo những hình ảnh nào. Đồn điền nào ớ Sénégal, thị trấn trắng nào ở Nam Maroc lún sâu dần dần trong quên lãng. Tôi không thể rõ có phải trong cái đống đen đủi đó, chỉ là tắt đi những ưu lo thảm hại: ấm chè phải pha, đàn súc vật phải dắt đi uống nước…, tôi không thể rõ có phải một tâm hồn nô lệ đã thiếp ngủ hoặc được hồi dương bởi các kỷ niệm vụt trào lên, con người đang chết trong cái lộng lẫy của con người. Mảnh xương sọ cứng đối với tôi giống như cái thùng đựng của cải cũ kia. Tôi không rõ những lụa là xanh đỏ nào, những hình ảnh lễ tết nào, những vết tích nào, thật không hợp thời biết bao, thật vô vị biết bao, trong cái sa mạc này đã được vớt lên khỏi cuộc chìm đắm. Cái thùng ấy nằm kia, khóa kín, và nặng. Tôi không rõ phần nào của thế giới đang tan rã trong con người, trong giấc ngủ vĩ đại của những ngày sau chót, đang tan rã trong cái tri giác và cái xác thịt lần lần trở nên bóng đêm và rễ cây.
“Tôi chăn súc vật, và ngày xưa, tôi tên là Mohammed…”
Bark, người tù da đen, là người tù đầu tiên mà tôi biết từng dám phản kháng lại. Không, không phải là không đáng kể cái việc người Moor đã vi phạm quyền tự do của anh, đã làm cho anh, chỉ trong một ngày, trên mặt đất này, còn trần trụi hơn một đứa bé mới đẻ. Thượng Đế có những cơn bão tố, trong một giờ, phá hại hết mùa màng của một con người. Nhưng người Moor đe dọa đến tận tư chất con người của anh, cái đó còn sâu sắc hơn là của cải. Nên Bark không từ bỏ, trong lúc bao người tù khác sẵn sàng để từ bỏ ở họ con người chăn súc vật khổ nghèo, quanh năm đầu tắt mặt tối để có miếng ăn.
Bark không an tọa trong nô lệ như bởi đã mệt mỏi trong chờ đợi mà người ta an tọa trong một hạnh phúc nhỏ nhoi. Anh không muốn lấy những thứ bố thí của chủ nô lệ làm niềm vui của người nô lệ. Anh giữ gìn cho cái anh Mohammed vắng mặt cái mái nhà, trong ngực anh, mà anh Mohammed ấy đã ở. Cái nhà buồn vì trống không, nhưng không một ai khác đến đó ở. Bark giống như người giữ tóc bạc ấy, chết trung thành trong cỏ các lối đi và trong u buồn của vắng vẻ.
Anh ta không nói: “Tôi là Mohammed ben Lhaoussin” mà nói “Tôi ngày trước tên là Mohammed,” mơ màng đến một ngày, cái nhân vật bị quên lãng ấy sẽ sống lại, chỉ mỗi việc nó hồi sinh, nó cũng xua tan đi được cái vỏ ngoài của người nô lệ. Đôi khi, trong im ắng của đêm khuya, mọi kỷ niệm của anh trở về trọn vẹn với một tiếng hát trẻ thơ tròn đầy: “Nửa đêm,” người phiên dịch tiếng Moor kể lại với chúng tôi, “nửa đêm, anh ta nói về Marrakech, và anh ta khóc.” Trong cô quạnh, không ai thoát được những cuộc trở về như thế. Con người kia thức dậy trong anh không báo trước, vươn vai bằng bốn chân tay anh, tìm kiếm người đàn bà bằng chính thịt da anh, ở cái nơi sa mạc này mà không một người phụ nữ nào tới được. Bark nghe nước reo hát trong các giếng ở nơi mà không giếng nào chảy cả. Và hai mắt nhắm nghiền, Bark tưởng mình đang ở một mái nhà trắng, đêm đêm ngôi nhà ấy vẫn êm đềm dưới ngôi sao ấy, ở nơi mà mọi người đều ở trong các nhà bằng vải và theo sau ngọn gió. Chất nặng những yêu thương cũ bừng nóng lại một cách bí mật của mình, như thể cực đỉnh của chúng là ở trong gang tấc, Bark đến với tôi. Anh muốn nói với tôi rằng anh đã sẵn sàng, mọi yêu thương của anh đã sẵn sàng, và để phân phát chúng, anh chỉ còn mỗi việc là trở về nhà anh. Và chỉ cần tôi gật đầu. Và Bark cười, chỉ cho tôi cái cách đó, mà hẳn là tôi chưa nghĩ tới:
“Mai có chuyến thư… Anh giấu tôi trong chuyến đi Agadir…”
“Tội nghiệp anh Bark!”
Bởi vì chúng tôi ngày ấy sống ở đất loạn, làm sao chúng tôi có thể giúp anh trốn được? Người Moor, ai biết được là hôm sau họ sẽ trả thù cuộc đánh cắp và thóa mạ đó bằng cuộc sát hại nào. Nhờ những thợ máy ở trạm nghỉ, Laubergue, Marchal, Abgrall, tôi tìm cách mua Bark nhưng không phải là ngày nào cũng gặp người châu Âu hỏi mua nô lệ nên người Moor liền lợi dụng.
“Hai chục nghìn phơ răng!”
“Ông giễu chúng tôi sao?”
“Thì anh hãy trông: tay hắn vạm vỡ thế kia…”
Hàng tháng trôi đi.
Sau cùng, giá treo thách của người Moor hạ xuống, và được những người bạn ở Pháp mà tôi có viết thư giúp đỡ, tôi thấy có thể mua được anh bạn Bark.
Những cuộc thương thuyết được tiến hành đẹp đẽ. Chúng kéo dài tám ngày. Chúng tôi, mười lăm người Moor và tôi, ngồi vòng tròn trên cát mà mặc cả. Zin Ould Rhattari, một tướng cướp, bạn thân của người chủ nô lệ, đồng thời là bạn thân của tôi, kín đáo giúp tôi.
“Bán đi, không bán thì anh cũng mất,” ông ta nói với chủ nô lệ như vậy theo lời khuyên của tôi. “Nó bị bệnh. Bệnh không nhìn thấy ngay nhưng bệnh ở trong người. Tới một ngày, bỗng nhiên, nó trương lên. Bán nó cho người Pháp kia đi.”
Tôi cũng có hứa thù lao cho Raggi, một tên cướp khác, nếu anh ta giúp tôi ngã ngũ được giá cả và Raggi nhử người chủ nô lệ:
“Anh sẽ lấy tiền mua lạc đà, và súng đạn. Như vậy anh có thể dấy binh và kéo quân đi đánh người pháp. Rồi thì ở Atar về, anh sẽ mang về theo ba hoặc bốn đứa nô lệ mới toanh. Thanh toán cái thằng già ấy đi.”
Thế là người ta bán Bark cho tôi. Tôi khóa nhốt chặt anh ta trong lều của chúng tôi sáu ngày, vì sợ để anh lang thang ở ngoài trước khi máy bay qua đây, người Moor có thể bắt anh lại và bán anh ở chỗ khác.
Nhưng tôi giải thoát Bark khỏi cái tình thế là người nô lệ. Đó cũng là một buổi lễ đẹp. Có lão thầy mo, lão chủ cũ và Ibrahim, tổng trấn Juby. Ba tên cướp ấy, vốn sẵn sàng chặt đầu Bark nếu anh ra khỏi hàng rào đồn hai mươi mét, mà chỉ cốt thích chơi tôi một vố thôi, ba tên cướp ấy lại ôm lấy Bark nồng nàn và ký vào một tờ giao kèo chính thức.
“Từ nay, con là con trai bọn ta.”
Cũng là con trai tôi, theo luật lệ.
Và Bark ôm hôn tất cả các ông bố của mình.
Trong chiếc lều gỗ của chúng tôi, cho đến giờ ra đi, anh trải qua một cuộc cầm giữ dịu dàng. Mỗi ngày anh bắt miêu tả hai chục lần cuộc đi không có gì khó khăn: anh sẽ xuống máy bay ở Agadir, và ở trạm nghỉ này, người ta sẽ giao cho anh một vé xe ca đi Marrakech. Bark đóng thử vai kịch người tự do, như đứa trẻ đóng vai người thám hiểm: cái cách anh đi đến cuộc sống, chiếc xe ca ấy, các đám đông ấy, những thị trấn mà anh sắp lại được thấy…
Laubergue đến tìm tôi thay cho Marchal và Abgrall. Không nên để Bark chết đói một khi xuống máy bay. Ba người đưa một nghìn phơ răng để tôi dành cho Bark. Như thế, anh ta có thể tìm được việc làm.
Và tôi nghĩ đến các bà lớn làm việc thiện “bố thí” cho người ta hai chục phơ răng và buộc phải nhớ ơn. Laubergue, Marchal, Abgrall, thợ máy trên máy bay, cho một nghìn, không bố thí, càng không buộc phải nhớ ơn. Họ cũng không hành động vì lòng thương hại, như các bà già nghĩ mình đang làm phúc kia. Những con người này chỉ tham dự vào việc trả lại cho một con người cái danh dự làm người của anh ta. Những người này, cũng như bản thân tôi, họ biết quá đi chứ, rằng một khi đi qua cơn say ngất ngây vì được trở về, thì cô bạn gái chung thủy đầu tiên đến thăm Bark sẽ chính là sự nghèo khó, không đợi đến ba tháng, anh sẽ đầu tắt mặt tối thôi, sẽ phải lễ mễ dỡ các tà vẹt, ở một nơi nào đó trên các đường xe lửa. Ở ta, anh ta sẽ không sướng bằng ở sa mạc đâu. Song anh ta có quyền trở lại làm mình ở giữa những người thân.
“Thôi, anh Bark, hãy đi đi, hãy sống ra con người.”
Chiếc máy bay rung lên, sẵn sàng cất cánh. Bark cúi nhìn một lần sau chót cái chơ vơ mênh mông của Mũi Juby. Trước máy bay, hai trăm người Moor xúm xít để nhìn cho được rõ khuôn mặt của một người nô lệ nó đổi khác như thế nào ở ngưỡng cửa vào cuộc sống. Máy bay mà hỏng, xa hơn đấy, một chút, họ sẽ thu hồi anh ta.
Chúng tôi làm hiệu từ biệt đứa sơ sinh năm mươi tuổi của chúng tôi, chúng tôi có hơi xao động vì bắt đầu đưa anh ta vào cuộc rủi may trong cuộc thế.
“Từ biệt, Bark!”
“Không phải!”
“Sao lại không phải?”
“Không phải. Bây giờ tôi tên là Mohammed ben Lhaoussin.”
Lần sau cùng chúng tôi được tin tức của anh ta là do người Ả Rập Abdallah. Abdallah, theo lời chúng tôi yêu cầu, là người giúp đỡ Bark ở Agadir.
Chiếc xe ca đến tận tối mới đi. Như vậy, Bark được một ngày. Trước tiên, anh đi lang thang thật lâu và chẳng nói tiếng nào trong cái thị trấn nhỏ. Đoán là anh lo lắng, Abdallah xúc động:
“Anh sao thế?”
“Chẳng sao cả…”
Bark, bỗng nhiên có những ngày không phải làm lụng gì, anh chới với trông thấy, chưa cảm nghe được sự hồi sinh của mình. Anh ta cũng có cảm thấy một hạnh phúc mơ hồ nào đó nhưng ngoài cái hạnh phúc ấy ra, chẳng có tí gì là khác giữa thằng Bark hôm qua và thằng Bark hôm nay. Vậy mà từ nay, anh ta sẽ được chia đều cái ánh mặt trời này với mọi người. Và bình đẳng cái quyền được ngồi đây dưới cái vòm của hiệu cà phê Ả Rập này. Anh ta ngồi xuống đó. Anh ta gọi nước trà cho Abdallah và cho anh. Ấy là cử chỉ vua chúa đầu tiên cua Bark. Quyền lực của anh tất làm anh biến đổi. Nhưng người phục dịch rót trà chẳng kinh ngạc chút nào, như cử chi ấy là thường. Người rót trà đâu có ngờ rằng anh ta rót trà đây là đang mừng chúc một con người tự do.
“Ta đi nơi khác đi,” Bark nói.
Họ ngược lên phía quảng trường Kasbah nhô cao trên Agadir.
Các cô ca vũ nhỏ nhắn người Berber đi lại phía họ. Các cô chào đón với vẻ dịu dàng được thuần hóa đến nỗi Bark tin rằng mình sắp sống lại: các cô không biết chính các cô đón anh ta vào cuộc sống. Các cô cầm tay anh, dâng trà, cử chỉ rất dễ thương, nhưng cũng như dâng trà cho mọi người thôi. Bark muốn kể cho các cô nghe câu chuyện hồi sinh của mình. Các cô cười khe khẽ. Các cô lấy làm thích vì thấy anh thích. Anh nói thêm, cốt cho các cô thích thêm: “Tôi hiện nay tên là Mohammed ben Lhaoussin.” Nhưng điều ấy tuyệt không làm cho các cô kinh ngạc. Tất cả ai ai đều có một cái tên, nhiều người còn trở về từ nơi xa lắc…
Bark còn lôi Abdallah đến tận thị trấn. Anh lang thang trước các hàng quán Do Thái, nhìn ra biển, nghi mình có thể đi bất cứ hướng nào tùy mình, mình tự do… Nhưng cái tự do này đối với anh có chiều cay đắng: nhất là nó cho anh rõ rằng anh thiếu biết bao những dây nhơ ràng buộc với thế giới này.
Vừa lúc đó, có một đứa trẻ đi qua, anh dịu dàng vuốt má nó. Đứa trẻ mỉm cười. Đây không phải là một đứa trẻ con nhà chủ mà mình nịnh. Đây là một đứa bé yếu đuối mà Bark ban cho một cái vuốt ve. Và nó mỉm cười. Đứa bé này làm Bark bừng tỉnh, làm cho Bark cảm thấy mình quan trọng hơn một chút trên đời, vì có một đứa bé yếu đuối đã phải trả nợ anh bằng một cái mỉm cười. Anh bắt đầu thoáng thấy một điều gì đó và bây giờ anh sải bước.
“Anh tìm kiếm gì thế?” Abdallah hỏi.
“Chẳng tìm kiếm gì hết,” Bark trả lời.
Nhưng ở một ngã quặt, khi anh va phải một đám trẻ con đang chơi, anh đứng lại. Đây rồi. Anh nhìn đám trẻ, lặng thinh. Rồi anh bước tới phía các quán Do Thái, trở lại hai tay đầy quà. Abdallah cáu:
“Đồ ngốc, phải để dành tiền chứ!”
Nhưng Bark không nghe nữa. Trịnh trọng, anh ra hiệu cho từng đứa. Tức thì các bàn tay nhỏ xíu ngửa ra với các đồ chơi, nào vòng tay, nào giày thêu kim tuyến. Và từng đứa trẻ, sau khi nắm chắc trong tay vật báu, liền chạy biến, bộ điệu hoang dã.
Các đứa trẻ khác trong vùng Agadir nghe tin liền lao về phía anh: Bark đi giày kim tuyến cho chúng. Rồi đến lượt các vùng ngoại vi Agadir, những đứa trẻ khác nữa, nháo lên bởi tiếng xôn xao này, đứng lên và vừa thét vừa trèo lên tận ông Thần Đen này và, bíu vào quần áo của thân phận nô lệ cũ xưa của ông, đòi xin phần mình. Bark phá sản.
Abdallah ngỡ anh “điên vì vui”. Nhưng tôi cho rằng trong câu chuyện này, đối với Bark, vấn đề không phải là sẻ bớt một niềm vui quá tràn trề.
Bởi vì anh ta tự do, anh ta có những của cải chủ yếu cái quyền được làm cho người ta yêu mến mình, cái quyền được lên Bắc hay xuống Nam và cái quyền được kiếm lấy miếng bánh ăn bằng lao động của mình. Tiền bạc này nào có ích gì… Thế là như người ta cảm thấy một cơn đói sâu xa, Bark cảm thấy cái nhu cầu là một con người giữa những con người, đính liền với những con người. Các cô vũ nữ ở Agadir tỏ ra dịu dàng với Bark, nhưng anh đã từ biệt các cô, chẳng phải bịn rịn gì, lòng nhẹ thênh như lúc anh ta đến: các cô nào có cần anh! Cái người bán hàng ở quán Ả Rập ấy, những khách bộ hành trên phố xá ấy, mọi người kính trọng con người tự do ở trong anh, chia đều cho anh phần ánh sáng mặt trời, nhưng cũng chẳng một ai tỏ ra cần anh. Anh tự do, nhưng mà là tự do vô tận, đến mức không cảm thấy mình có chút sức nặng nào ở trên mặt đất này. Anh thiếu cái trọng lượng ấy của những quan hệ nhân quần, cái trọng lượng nó cản đường con người ta, những giọt nước mắt ấy, những cuộc chia ly ấy, những lời trách móc ấy, những niềm vui ấy, tất cả những cái mà một con người vuốt ve hay xé đi mỗi khi anh ta phác một cử chỉ, một nghìn dây nhợ buộc ràng anh ta vào những người khác và làm cho anh trở nên nặng. Nhưng trên người Bark, đã có đè nặng một nghìn điều mong mỏi…
Và sự ngự trị của Bark bắt đầu trong rạng rỡ của ánh mặt trời lúc hoàng hôn trên Agadir, trong cái không khí mát mẻ này, đối với anh ta, thật đã quá lâu, là niềm dịu dàng duy nhất anh mong đợi, là chuồng trại duy nhất. Nên càng gần đến giờ ra đi, Bark càng bước tới, tắm đẫm trong triền sóng con trẻ ấy như ngày xưa tắm đẫm trong làn sóng cừu, anh đào vạch vết đi đầu tiên của mình trong thế giới. Ngày mai, anh sẽ về lại với cảnh nghèo khốn của người thân, anh sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, về những cuộc đời, nhiều cuộc đời quá, đến hai cánh tay già cỗi của anh khó lòng nuôi nấng, nhưng ở đây anh đã nặng cái sức nặng thật của mình. Như một vị thần quá nhẹ khó lòng sống cuộc sống của loài người, ông ta tất phải ăn gian, tất phải khâu thêm chì vào thắt lưng, Bark bước đi những bước khó khăn, bị một ngàn đứa trẻ con kéo xuống đất bởi chúng cần biết bao những chiếc giày thêu vàng.
o O o
Sa mạc là như vậy đó. Một cuốn kinh Coran, vốn chỉ là một quy tắc của cuộc chơi, biến cát ở sa mạc thành Vương quốc. Tận cùng một Sahara nếu không sẽ là trống rỗng, đang diễn một vở tuồng bí mật, nó xao động tình cảm của những con người. Cuộc sống thật của sa mạc không phải làm nên do những cuộc di cư của các bộ lạc đi tìm một thứ cỏ để gặm, mà chính là do cái vở tuồng đang còn tiếp diễn. Giữa loại cát bị khuất phục và loại cát kia, biết bao khác biệt về chất! Và đối với tất cả những con người, không phải là như vậy sao? Trước mặt cái sa mạc biến đổi này, tôi nhớ những trò chơi thuở nhỏ, nhớ cái vườn hoa rậm rạp và vàng óng mà chúng tôi đặt ra đông đúc bao nhiêu vị thánh thần, nhớ cái vương quốc vô biên mà chúng tôi rút ra từ cái ki lô mét vuông không bao giờ biết rõ được hoàn toàn, không bao giờ lục lọi được hoàn toàn ấy. Chúng tôi cấu tạo một nền văn minh khép kín, trong đó các bước chúng tôi đi có mùi vị của chúng và mọi vật có một cái nghĩa riêng không được phép hiểu như vậy trong bất cứ nền văn minh nào khác. Ta còn lại những gì một khi thành người, ta sống dưới những luật lệ khác, còn lại những gì ở cái vườn hoa đầy bóng tối trẻ thơ, huyền diệu, lạnh lẽo, nóng bỏng này mà bây giờ, khi ta trở về, với một niềm thất vọng nào đó, từ ngoài vào, ta đi dọc theo bức tường đá xám, bỡ ngỡ thấy bị nhốt chặt trong bốn bờ rào chật hẹp thế, một cái tỉnh nhỏ mà xưa kia ta lấy làm cõi vô cùng của ta, và bây giờ ta hiểu rằng không bao giờ ta trở về với cõi vô cùng ấy nữa, vì chính là trò chơi chứ không phải là vườn hoa mà người ta nên vào.
Nhưng hiện nay Mũi Juby, Cisneros, Puerto Cansado, Saguet-El-Hamra, Dora, Smarra không còn loạn lạc nữa, không còn bí mật nữa. Những chân trời chúng ta nhắm mà chạy tới đã lần lượt tắt rồi, như những con bọ kia, một khi chúng bị sa vào cái bẫy tay ta hờ hững, chúng hết màu sắc. Nhưng cái người theo đuổi chúng không phải là đồ chơi của một ảo ảnh. Chúng ta không nhầm lẫn khi chúng ta đuổi theo những khám phá đó. Vì vua của Nghìn lẻ một đêm cũng vậy, khi ông đuổi theo một cái chất thật mỏng manh, mỏng manh đến nỗi các cô gái bị ông bắt giữ hết người nọ đến người kia, trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay ông, lúc bình minh lên, vì chỉ vừa chạm tóc họ, họ tan biến hết vàng ở cánh. Chúng ta được nuôi dưỡng bởi ma thuật của cát, những kẻ khác có lẽ sẽ đào ở đấy những giếng dầu mỏ và sẽ làm giàu vì hàng hóa của họ. Nhưng họ sẽ đến quá chậm. Bởi vì những vườn cọ cấm, hay bụi phấn trinh trắng của các vỏ sò, chúng giao cho ta cái phần quý giá nhất của chúng: chúng chỉ dâng có một giờ thành khẩn mà thôi, và chúng ta được sống cái giờ thành khẩn đó.
Sa mạc ư? Một hôm tôi đã có dịp tiếp xúc nó bằng trái tim. Trong một chuyến bay đi Đông Dương, năm 1935, tôi bị rơi xuống Ai Cập, giáp giới Libya, tôi bị cát níu giữ như bị lún trong một thứ hồ dính, tôi đã tưởng chết. Câu chuyện như sau:
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Xứ Con Người
Antoine de Saint Exupéry
Xứ Con Người - Antoine de Saint Exupéry
https://isach.info/story.php?story=xu_con_nguoi__antoine_de_saint_exupery