Võ Sĩ Lên Đài epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
gược với dòng người đi ra hầu hết là thanh thiếu niên, kể từ ngày Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I, có một dòng người lặng lẽ ngày đêm chảy vào lòng thành phố Hà Nội.
Trong cái dòng chảy vào ấy, có đủ các loại người. Không kể các chiến sĩ biệt động, quân báo, các cán bộ vào gây cơ sở ở trong lòng địch, số còn lại cũng chia làm năm bẩy hạng.
Có người thù kháng chiến, bỏ kháng chiến về, rắp tâm làm tay sai cho giặc. Có người về chỉ vì sinh kế nghề nghiệp. Lại có người không chịu được cuộc sống gian khổ, thiếu thốn ở ngoài vùng tự do. Có anh về chỉ vì nhớ nếp sống đã quen; nhớ Hà Nội đắm đuối với bao kỷ niệm vàng son, thậm chí nhớ cái thú được ăn một bát phở tái gầu có hành hoa. Cũng có người nhắm mắt chịu cái nhục trở về chỉ nhằm một mục tiêu là theo đòi việc học hành, thâu nhận tri thức đang còn dang dở, những mong mai mốt thành tài góp phần hữu ích cho quốc gia dân tộc.
Chiếm số đông hơn cả là những người bị địch bắt được trong các cuộc càn quét vây bủa, bị dồn ép phải trở về.
Võ sĩ Vĩnh Nguyên là một trong số đó.
Vĩnh Nguyên học quyền anh từ hồi môn võ thuật phong lưu mã thượng này bắt đầu du nhập vào nước ta. Đời võ sĩ, ai đã trải qua mới biết cũng lắm cực nhục. Thoạt đầu, nhập môn thì phải quạt lò, thổi cơm, hầu hạ các bậc đàn anh. Thành đạt một chút thì áo cơm thằng thúc, đành phải sa vào việc mãi võ kiếm ăn. Tuy vậy, vượt qua tất cả những ngặt nghèo của hoàn cảnh, đến những năm 1936, 1937 thì võ sĩ Vĩnh Nguyên đã nổi lên như một ngôi sao sáng trong làng quyền anh. Năm 1939, ông đoạt chức vô địch Đông Dương hạng ruồi. Dân chúng hà thành hẳn còn nhớ mãi trận ông thắng Panútti, người gốc Italia trong đội quân Lê Dương, trận ông đánh ngã võ sĩ Cămpuchia, đấm bật cả gồng ông Phật võ sĩ này ngậm ở trong mồm, và nhất là trận Saphe, cũng lính Lê Dương hiện đang có mặt ở thành phố này, bị ông lừa miếng, đấm trượt ông, lộn cổ ra ngoài võ đài.
Võ sĩ Vĩnh Nguyên hân hoan đón chào cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 của toàn dân tộc. Chính quyền mới thành lập, ông phấn khởi nhận nhiệm vụ huấn luyện viên trong đoàn thể thao cứu quốc, hăng hái tham gia phong trào khỏe vì nước của thanh niên Hà Nội. Tiếc cái, đêm 19 tháng 12 năm 1946, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông bị lạc ngũ. Ông bơ vơ, không kế sinh nhai. Kháng chiến, ai học quyền anh mà mở lò? Có đủ lý do khiến ông không yên tâm dứt khỏi Hà Nội. Ông lại mắc bệnh sốt rét. Ông lang thang, vất vưởng ở chợ đại, cống Thần, vùng giáp ranh giữa ta và địch, cuối cùng thì bị địch bắt trong một trận càn và đưa về Hà Nội.
Căn nhà đón những người bị địch bắt về hồi cư dài như một căn nhà kho. Lúc này, trời vừa rạng sáng, hơn trăm người đã thức, nhưng vẫn còn nằm ngồi ngả ngốn, co ro tránh cái rét toát lên từ mặt sàn đá. Cả đêm qua võ sĩ Vĩnh Nguyên không ngủ. Nằm yên, cho tới lúc, nghe thấy tiếng bánh xe tầu điện rít ngoài đường phố, ông mới nhổm dậy. Ngồi dựa lưng vào bức tường đá, ông thở như người phải leo dốc. Ông yếu quá. Hai con mắt ông sâu lút. Viền quanh mặt ông là hàm râu quai nón rậm rì. Lúc sau, phải chống tay để đỡ cái bụng quá to, di chứng của sốt rét, ông mới đứng lên được.
Hôm nay thế nào thì ông cũng phải rời khỏi căn nhà này rồi. Bọn Tây đi càn bắt được ông và mọi người, lùa tất cả về đây hiển nhiên là sau đó sẽ bỏ mặc họ thôi. Nhưng mà ông sẽ đi đâu bây giờ nhỉ? Tất nhiên, thế nào thì cũng sẽ phải tìm đến nhà ông Thân. Anh em con nhà võ lúc hoạn nạn có bao giờ bỏ nhau! Nhưng mà sau đó bước tiếp sau của sự nghiệp sẽ là thế nào? Và chẳng lẽ sự trở về mang tính thất bại cay đắng này lại đồng thời là sự cáo chung của một sự nghiệp của ông đã có một thời vàng son lẫy lừng?
Vừa đi vừa nghĩ, ông Vĩnh Nguyên lát sau đã tới cái máy nước công cộng ở hè phố. Nghiêng đầu, ông ghé miệng vào cái vòi nước. Lạnh quá, hai hàm răng ông buốt ê.
— Ơ kìa, anh Vĩnh Nguyên!
— Anh Vĩnh Nguyên đó phỏng?
Hai lần nghe thấy tiếng gọi tên mình, ông Vĩnh Nguyên mới nhổ toẹt ngụm nước lạnh, ngẩng lên.
Cách ông hai bước chân, một cây thịt đứng sững. To ngang, bụng xệ, áo vét, túi gi-lê thõng sợi xích vàng. Người đàn ông dáng no nê, tay xách cái cặp da bóng lộn, nhìn ông với một cặp mắt to tròn, đầy vẻ sửng sốt và mừng rỡ.”Người này là ai nhỉ mà ta trông quen quen...” Lẩm thẩm nghĩ vậy, ông Vĩnh Nguyên lại cúi xuống cái vòi nước. Lần này ông để dòng nước máy tưới lên chỏm đầu rồi tràn xuống hai bên má mình. Nước lạnh làm tươi trí nhớ. Ông gật đầu như xác nhận. Ký ức ông đã hoàn nguyên.
— Anh Vĩnh Nguyên! - Người đàn ông xán ngay đến khi thấy gương mặt võ sĩ thấp thoáng nét tươi tỉnh - Tôi nghe báo chí họ thông báo, liền đi tìm anh. Anh về lâu chưa?
Ông Vĩnh Nguyên vắt cái khăn mặt lên vai, ngượng nghịu:
— Tôi về được mươi ngày rồi. Tôi bị sốt rét ngã nước.
— Rõ khổ. Trông anh, tôi không còn nhận ra nữa.
— Nhưng bây giờ thì cũng đỡ đỡ rồi!
— Thôi, thế thì cũng là mừng lắm rồi. Bây giờ thế này. à, anh vào nhà lấy đồ đoàn đi. Rồi ta cùng đi. Tôi có cái môbilet đây.
Ông Vĩnh Nguyên vào nhà, phơi khăn mặt, chải đầu. Ông lục túi quần áo. Không còn bộ com lê nào. Quần áo lành lặn cũng đã bán hết trong những ngày lưu lạc. Lát sau, ông ra cửa với cái áo dạ màu cứt ngựa Tây cấp cho lúc mới hồi cư.
— Anh cho phép tôi là người mời anh hôm nay nhé. Tôi có một chương trình để đón anh đây, hà hà... Anh Vĩnh Nguyên.
Người đàn ông cười dễ dãi, lại tiếp:
— Trước hết, tôi muốn anh thấm vào tận dạ dày, lục phủ ngũ tạng cái thanh khí của đất văn vật ngàn năm đã. Phở! Phở nhé! Anh xa Hà Nội có nhớ phở không? Nào, phở Chợ Đuổi, phở Phú Xuân hay phở Tầu Bay, phở Hàng Than...
Ôi chao! Nước bọt tứa ra đầy miệng ông Vĩnh Nguyên. Cái giọng của người đàn ông nghe bả lả mà thân thiết. Đất văn vật ngàn năm, người thanh lịch, sành sỏi. Người đàn ông ấy nào có phải ai xa lạ! Tên ông là Ruân, còn gọi là tham [9] Ruân, nguyên sáng lập viên hội quyền anh Hà Nội, ông bầu của các dạ hội thời vui vẻ, trẻ trung Đuycôroay những năm 1936-39.
Ông tham Ruân! Thì mới đó chứ đâu đã xa! Sau những cuộc thượng đài, ông Ruân và ông tay khoác tay dong phố và tiết mục không thể bỏ qua là nhẩy xích lô tới các hiệu phở đang nổi danh một thời.
[9] Công chức trong các công sở thời Pháp
Phở! Phở Hà Nội! Dù có đi đâu thì cũng không thể quên. Vì đây không phải là sự đói khát đứng trước cái thèm muốn trần tục của con tỳ con vị cụ thể đâu. Không! Phở là một nỗi niềm rung động đến tận tâm cảm người ta. Phở là một kỷ niệm, một nỗi nhớ quay quắt. Một cố nhân ngày nào cũng cần gặp mặt. Phở, một ám ảnh dai dẳng của võ sĩ, của nghiệp thể thao.
Phở! Hãy nhìn các thực khách lẫn lộn không phân biệt sang hèn, từ các ông tham tá, công chức cấp cao com lê cà vạt sang trọng tới anh thợ đốt than đầu tầu nhọ nhem nhọ thỉu, đang chen chúc trong một cái ngõ con con ở phố hàng Khay hay quanh một hàng phở gánh ở ngay lề đường chợ đuổi, để thấy hết cái kỳ lạ đến mức kỳ quái của cái món ăn độc đáo, độc đáo độc nhất vô nhị ở đất kinh kỳ này! Trời ạ! Hút hồn các thực khách này là cái gì thế? Là cái thìa sắt hớt lên một chút nước dùng và chao ôi, mới chỉ xuỵt một hơi thôi mà đã lìm lịm cả tim gan rồi! Phở! Một nhúm bánh, mấy miếng thịt mềm, vài lát hành, tí hạt tiêu, dăm ba lát ớt, cùng với mắm muối, gừng sả... Thường ngày; nghĩa là những thực thể rất đỗi tầm thường thôi, mà sao tổng hòa lại, lại hóa ra một chế phẩm của sáng tạo thiên tài. Một tổng hợp của các kỳ quan thiên tạo!
Ông tham Ruân là người sành phở. Đưa ông võ sĩ xa Hà Nội đã lâu ngày vào quán phở Hàng Than, ông hoa tay:
— Phải nói rằng, ta không thể xa Hà Nội được, trước hết là vì cái món... Phở, anh Vĩnh Nguyên à! Môn phở đứng cao hơn hết mọi sự. Ăn bát phở ngon như đọc áng văn hay, gấp sách lại còn dư âm phảng phất khiến ta trầm mặc, nghĩ suy. Phở không còn là một món ăn, một thích thú khứu giác vị giác. Mà là một sự... Phở, một đạo phở như đạo trà, hay nói đúng hơn là một vấn đề. Vấn đề phở! Đại văn sĩ Vũ bằng đã nói vậy đó, anh!
Hai tay hai bát mới chỉ có bánh, chen qua gần chục người, ông Ruân mới tới được cạnh ông hàng phở đang phầm phặp thái thịt. “Ông cho hai mỡ gầu, nước trong!” Quanh ông hàng phở gần chục cái bát đã sắp sẵn chờ ông xếp thịt, rắc hành, rưới nước. Ôi chao! Tíu tít, nhộn nhịp vui vẻ quá, lắm công phu quá. Thành ra đưa được hai bát phở ra, ông Ruân toát cả mồ hôi, nhưng mặt mày sung sướng hớn hở như lập được công to.
Bưng bát phở, võ sĩ Vĩnh Nguyên bụng réo, mắt hoa hoa. Còn ông tham Ruân thì nhìn võ sĩ, gật gù:
— Vẫn còn quyến rũ huyền diệu lắm. Thật là hợp thần khẩu cánh thể thao ta lắm, có phải không, võ sĩ?
Hết bát phở thứ hai, hai người khệ nệ ôm bụng ra khỏi quán. Họ tìm đến quán cà phê giảng gọi hai cốc cà phê đen. Căn buồng thấp, tôi tối, nhưng đủ để nhìn thấy những tấm ảnh cắt dán trên tường: các pha đấu quyền anh, lực sĩ ném lao, người nhẩy sào, cô gái lướt ván. Đây là quán cà phê của các nhà thể thao. Trước cách mạng, võ sĩ Vĩnh Nguyên vẫn hay tới đây. Và bây giờ, cũng hệt như khi ăn phở, tâm trí ông lại lâng lâng trong hoài niệm. Mùi cà phê thơm bùi, ngậy, dư vị của nó lưu luyến trên mặt lưỡi, nơi cổ họng, như phả vào tâm hồn ông.
Ông tham Ruân rút bao thuốc lá côtáp mời võ sĩ. Mùi thuốc thơm vương vít càng khiến cho võ sĩ thấy đê mê, ấm áp. Ông lặng đi trong trầm ngâm.
Soạt một hơi cà phê, ông tham Ruân liếm mép:
— Chà, mùa lạnh về rồi, lại nhớ mùa đấm quá!
Khói thuốc phủ mờ gương mặt võ sĩ. Mùa lạnh! Cái không khí heo heo, tê giá. Những dạ hội quyền anh. Ánh đèn lung linh. Tiếng cồng rung không khí. Dáng người võ sĩ hăm hở chui qua giây rinh lên võ đài.
— Anh đã dự định lập nghiệp thế nào chưa, anh Vĩnh Nguyên?
Chợt như sực nhớ, ông tham Ruân hất hàm hỏi. Lim dim mắt, ông Vĩnh Nguyên búng tàn thuốc, ngẩng lên, dè dặt:
— Tôi mới về, lại đang yếu đau...
— Thôi, quẳng cái buồn lo, cái đau yếu đi, anh Vĩnh Nguyên!
Câu nói như cái lực đẩy ông Ruân xịch chiếc ghế lại cạnh võ sĩ:
— Anh Vĩnh Nguyên ơi! Thời kỳ lộn xộn qua rồi. Lại yên ổn, thái bình rồi. Lại tưng bừng hoa lá, vui vẻ trẻ trung rồi! Việt Minh, theo truyền thống, lại kéo nhau lên rừng! Họ còn trường kỳ kháng chiến. Hà! Họ có việc của họ. Còn ta, ta có việc của ta. Có phải không, anh?
Không để ông Vĩnh Nguyên nói, ông tham Ruân áp sát vào võ sĩ, hạ giọng:
— Anh về tôi mừng lắm, anh Vĩnh Nguyên à! Tôi xin nói sơ qua để anh rõ. Giờ, tôi làm ở Nha Thanh niên thể thao Bắc Việt. Tôi đang tập họp anh em, gây dựng lại phong trào. Anh có thấy quang cảnh phố phường không? Mới mấy năm mà các sự thương mại, kỹ nghệ lại bắt đầu hưng vượng rồi. Các chuyến bay lại thông đường. Nghe đâu lại sắp có cái Á Vận Hội ở Manila bên Philíppin. Cái sự thể thao của ta không thể lẹt đẹt so với các cường quốc được, võ sĩ ạ.
— Nhưng mà... Phải cái tôi yếu quá.
— Sốt rét ngã nước đó thôi - Ông tham Ruân ngửa người, mặt ông to bự, no nê, phớn phở. Ông cười - Kinôphoóc Đờ Lacơroa tiêm hai đến ba ống là tuyệt nọc ngay! Tôi sẽ bảo ông đốc tờ bạn tôi lo cho anh. Còn bây giờ, tôi muốn nói với anh thế này. Ta phải nhập cuộc, anh Vĩnh Nguyên ạ. Mấy hôm nay, tôi đang định vận động ông Thân, anh nhớ võ sĩ Thân đã từng hiên ngang thủ hòa với thằng Đờ Gátxơ chứ, ông ấy sẽ đứng ra lập Liên đoàn quyền anh bắc Việt. Để, trước hết, thượng đài chơi với các anh hai Sài Ghềnh, Nam Vang chứ, sợ gì?
— Nhưng mà...
Một đứa trẻ bán báo vừa lọt vào, huơ tờ báo, liến thoắng: “Tin mới đây! Ngày... Đức Quốc trưởng Bảo Đại ký đạo dụ số 33 ban hành tự do lập nghiệp đoàn. Ngày... Đức Quốc trưởng thăm viếng tỉnh Biên Hòa bị lũ lụt... Tin mới đây!”.
Ông tham Ruân mua một tờ báo, cốt để đuổi thằng bé phá đám cuộc trò chuyện. Gấp tờ báo đút túi, ông lại ngả người tới sát ông Vĩnh Nguyên, giọng hạ thêm một cung bậc nữa:
— Anh cứ yên chí nghỉ ngơi ít ngày đi. Rồi tôi sẽ xếp việc cho anh, anh Vĩnh Nguyên ạ. Anh ưng thì vào Nha làm việc với tôi. Tôi đảm bảo lý lịch cho anh. Còn bây giờ, trước mắt, tôi đề nghị anh trông coi cái sân vận động hàng đẫy, tức cái sân Xếp tô [10] cho tôi. Rồi anh sẽ lại mở lò. Tôi sẽ đứng ra cổ động. Mọi sự làm ăn sau một hồi ngưng trệ vì cuộc chiến, lại phấn chấn lên thôi. Có phải không anh? à, có khi lại còn có cơ hơn xưa nữa kia. Ta mở mặt với thế giới rồi. Các võ sĩ âu Mỹ không ùn ùn xin vào tỉ thí, tôi chớ kể. Hề hề...
Tiếng ông tham Ruân cười át cả tiếng cái đĩa hát buông một giọng hát nỉ non ở góc buồng.
[10] SEPTO: viết tắt của các chữ: Société d'éducation physique du Tonkin
o O o
Quả nhiên là cái thời điểm đảo lộn dữ dội năm 1946 - 1947 đã như trôi vào dĩ vãng, đã chỉ còn lại trong ký ức. Và công cuộc làm ăn ở cái thành phố lớn bị tạm chiếm này lại có cơ rộ lên hào hứng khác thường. Thành phố, chốn phồn hoa, như một cố tật, lại khêu gợi những tham vọng, những thèm muốn vật chất đơn thuần và kích thích mạnh mẽ thói đua đòi hưởng thụ của các tầng lớp thị dân.
Không khí phố xá đã trở lại vẻ thanh bình cố hữu. Nữ sinh Trưng Vương mặc đồng phục xanh lam tha thướt trên các đường phố. Các chuyến máy bay đều đặn từ Pari, kinh đô ánh sáng sang, liên tục tung ra những hàng hóa cao cấp đắt tiền, các mốt ăn diện thời thượng. Chợ phiên quanh Bờ Hồ san sát các sạp mỹ phẩm, nước hoa, phấn sáp, và mũ panama. Bờ tường, gốc cây la liệt quảng cáo các vở diễn mới của các đoàn tuồng, đoàn cải lương với các đào kép mới; cùng lúc các thầy tử vi tướng số, bói toán và các môn phái võ nghệ cũng nô nức xuất hiện xưng danh chiêu mộ môn đệ.
Đông nhất là võ nghệ. Dù sao cũng vẫn là thời chiến mà! Thôi thì đủ. Nhu thuật, Duy-đô, võ Ấn Độ, võ Tầu gia truyền. Võ Việt Nam gọi tắt là Vô Vi na. Và bốc ăng-lê. Đặc biệt là bốc. Các võ sư lại đăng nhật trình quảng cáo mở lò. Các võ sinh lại tới tấp ghi tên làm gà các lò võ, hăng hái sắm giầy, mua găng.
Sách báo chiếm cả trang lớn là ảnh hình các lực sĩ tên tuổi. Thể thao làm sôi nổi các trang báo Giang sơn, Liên hiệp, Tia Sáng, Tin Mới... Tin tức về môn thể thao quyền anh chạy những tít dài, chữ đậm trên các trang nhất. Võ sĩ Vĩnh Nguyên mở lò tuyển gà. Liên đoàn quyền anh Bắc Kỳ sắp thành lập. Dạ hội quyền anh đã khai mạc tại sân Tòa Thị chính, tại Nhà hát Tây. Những tiên đoán về các ngôi sao mới trong làng đấm. Và những hy vọng ở Á Vận Hội 1952, v.v...
Hà Nội đang sống lại, gắng gỏi cho bằng xưa. Thành phố vội vã, cuống cuồng lấp đầy cái khoảng trống của niềm tin. Bởi trải qua những biến động, những gì là tuyệt đối vĩnh cửu xưa kia, nay đã bị nghi ngờ, lòng người đã chẳng còn nguyên vẹn.
Hà Nội lại như xưa? Hà Nội đang gắng gỏi để như xưa?
Không! Có chăng, Hà Nội chỉ giống xưa vài điểm. Mà giống nhất, y sì như cũ, là thằng culít Tây tên gọi Đờ Gátxơ. Ôi cha! Cái ngày mồng 9 tháng 3 năm 1945 quân Nhật nổ súng đảo chính Pháp rõ ràng người ta thấy nó trần như nhộng, hai tay lông lá giơ lên trời, mặt cắt không còn một hột máu, theo tay chỉ của thằng lính Nhật, hổn hển, chạy về phía nhà thương Đồn Thủy. Tưởng nó chết vùi chết dập ở đâu, hay cút về nước mẹ rồi, nào ngờ bây giờ lại thấy nó đứng dọi mắt cú, khi ở cầu Long Biên, lúc ở chợ Đồng Xuân. To béo, phề phệ. Râu quai nón như râu ngô. Đầu tròn lốc, hai mắt xanh quăng quắc! Tây culít Đờ Gátxơ! Tây ăn khoai cả vỏ, ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Tây culít Đờ Gátxơ, Tây mắm tôm, Tây ăn quịt. Ấy thế! Tây Đờ Gátxơ còn là dân làng bốc nữa cơ đấy! Cái súc thịt ấy, bước lên đài, xỏ găng vào hóa ra cũng gớm. Nó đấm ngã cả loạt bọn đồng cân, đồng hạng, những là võ sĩ Lê Dương, võ sĩ Marốccanh, Sênêgale rồi đấy chứ! Có thủ hòa chăng, mà cũng là do võ sĩ Việt Nam, tức ông Thân hôm ấy ăn may thôi. Nghĩ đến vậy mà Tây culít Đờ Gátxơ vẫn còn chưa thấy thỏa lòng, chưa dẹp dược cơn tự ái đâu đấy!
Kìa, Tây culít Đờ Gátxơ, hung thần ở cái chợ Đồng Xuân này đang đứng trên đôi chân nhún nhảy. Hay là y nghĩ mình đang ở trên võ đài? Không phải! Thói quen thôi. Chứ y đâu có sao lãng nhiệm vụ của mình. Cái còi lõng thõng trước ngực, khẩu súng ngắn gài bên sườn, chiếc dùi cui cầm tay, y thét:
— Ê! Con mẹ kia! Chỗ mày đứng đấy, hả? Đồ con tiều!
Tây culít Đờ Gátxơ thông thạo tiếng Việt như người Việt. Hơn nữa, thị hiếu ẩm thực cũng y hệt người bản xứ ở đây. Thành ra trong coi việc an ninh trật tự ở cái chợ này, y đã có thể tận lực phát huy được sở trường, sở đoản của mình. Chà! chợ Đồng Xuân! Cái dạ dầy của thành phố ngốn ngấu đủ mọi sản vật trên đời chính là cái chợ này đấy thôi. Thôi thì đủ. Thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thịt vịt, miếng sống miếng chín, muốn gì chẳng có, nhưng kể làm gì! Đáng chú ý là các đặc sản, như cá rô Đầm Sét, tôm ốc Hồ Tây, bánh cuốn Hàng Than, bánh đậu Hàng Bạc, bánh dầy Quán Gánh, bún sợi Đống Mác, bánh cuốn Thanh Trì... Cơ!. Thế đấy, thành ra, hễ cứ thấy ông đội sếp lừ lừ đi đến, nhìn chòng chọc vào món nào, là các bà nhà hàng vội vàng ngọt ngào: “Mesừ măng giê tí ti nhé!” Xin mời ngài cẩm xơi tí chút nhé! Cho nó qua đi. Cho nó xéo đi để còn đốt vía đốt vang. Chứ nó còn ám thì còn xúi cả buổi cả ngày!
Lúc này, nghe trong bụng kiến bò, Tây culít liền đi thẳng xuống dẫy quán cuối chợ. Ở đó, bún chả, nem tôm hùm, bún riêu la liệt trên những cái chõng thấp tè.
Nhưng Tây culít không thực hiện được ý định. Tựu trung bổn phận vẫn là điều y tâm niệm. Y vội quay ra cửa chợ. Ngoài ấy đang ồn ào. ồn ào, rất dễ khả nghi. Tháng trước, ông chánh cẩm cho biết một tin tuyệt mật: Thành ủy cộng sản Hà Nội đã vào lại thành, đã lập xong bộ máy chỉ huy.
Cửa chợ lúc này ồn ào vì hai chuyến tầu điện bưởi xuống, Bạch Mai lên, gặp nhau. Đám hàng rau dưa cá mú cua ốc lỉnh kỉnh quang gánh đang chen chúc vào chợ. Lại thêm lũ học trò tan học nhẩy tầu điện về. Ba bề bốn bên đen ngòm những người là người. Đường tắc nghẽn, chiếc ô tô nhãn hiệu Tắcxông Avăng đen như con bọ hung của Sở Cẩm, đứng ở phía hàng đường cứ pe pe bấm còi mà không sao nhích lên được.
— Ô! Lũ mọi! Tản ra! Tản ra!
Tây culít thét. Mặc, cái đám đông vẫn cứ ùn ùn ào ào, rồi tràn lên bờ hè, xô cả vào Tây culít. Tức tối, Tây culít vung dùi cui. Và tất nhiên y không quên quả đấm lợi hại của môn quyền anh nhà nghề của mình. Quả đấm của võ sĩ đờ gatxơ đây, hãy nếm thử cho biết mùi, hỡi lũ mọi An Nam!
Quả là quả đấm của Tây culít võ sĩ có hiệu lực. Đường quang ngay. Chiếc Tắcxông avăng rù rì bò lên, chạy qua, phun một luồng khói nhạt
Mặt đầm mồ hôi, Đờ Gátxơ cặp cái dùi cui vào nách, quay vào chợ, dạ dày lại nhớ đến cái dự định lúc nãy. Võ sĩ, sau chiến công, đáng được biệt đãi, hậu thưởng quá rồi còn gì! Nhưng võ sĩ chợt dừng lại. Trước y, sau y, bên phải y, bên trái y, đàn ông đàn bà, người già, trẻ con không hiểu sao cứ vừa nhìn y vừa nhe răng ra mà cười, cười hô hố, cười hi hí, cười ngả cười nghiêng, ôm bụng mà cười.
— Cười cái gì, đồ mọi!
Tây culít chửi. Nhưng mà lạ chưa kìa, chửi rủa thật độc mồm thì cũng thế thôi. Đó, một người đàn bà vừa đặt gánh cá xuống cạnh y, cầm cái nón múc gió quạt, cười phô cả hàm răng đen nhánh.
“A! Con mẹ Nhự!” Thuộc mặt, biết tên chẳng sót một người nào buôn bán ở cái Chợ Lớn nhất thành phố này, Tây culít gầm lên khe khẽ. Rồi quắc mắt nhìn người đàn bà bán cá, y tiến lại, hất hàm:
— Con mẹ Nhự! Mày cười cái đầu lâu hoa cái ông cụ bà cụ mày, hả!
— Ơ, cái ông này hay nhỉ!
— Hay cái mả mẹ mày! Mày tưởng ông không biết à?
— Biết cái gì nào? Tôi hỏi ông, luật pháp Nhà nước có cấm người dân... Cười không?
Tây culít đỏ hăm mặt. Bà Nhự vuốt quét trầu:
— Này, biết điều thì đây làm ơn làm phúc chỉ cho.
— Chỉ cái gì?
— Cau cảu như chó cắn ma thế thì thôi. Rõ, chân mình thì lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc đi rê chân người.
Hí hí... Hố hố... Những chặp cười xung quanh Tây culít lại rộ lên. Tuy nhiên dáng chừng cũng muốn kết thúc cái trò vui này nên bà Nhự liền khom người xuống gánh hai cái thúng cá lên và quay lại, nheo nheo mắt nhìn Tây culít, dóng tiếng thật to:
— Ông culít ơi! Ở sau lưng ông có cái gì kia kìa!
Tây culít quài tay ra sau lưng! Cái gì ở sau lưng y thế này? Roạt! Cha mẹ ơi, một trang giấy lớn. Kẻ nào quái ác và cả gan dán nó lên lưng Tây culít đây? Trời! Kinh khủng quá! Đó lại là tờ thông cáo của Việt Minh với hàng chữ to đậm: “Việt Bắc mồ chôn giặc Pháp”.
— Mẹc! [11] Đồ con lợn!
[11] Merde (tiếng Pháp): Tiếng chửi tục tĩu.
Không thể bình tĩnh được nữa. Đã đến lúc võ sĩ phải dùng cả tay đấm, chân đá và mồm liên tục tuôn ra hàng tràng câu, chữ tục tĩu để thỏa nỗi căm giận rồi.
— Ối bà con ơi, ông cẩm ông ấy giận cá, ông ấy chém thớt
— Cá ông cũng chém! Thớt ông cũng chém!
— Ối! Đổ hết thúng cá của tôi rồi.
— Chạy đi, Tây culít nổi khùng rồi, anh em ơi!
Cửa chợ vãn người. Còn lại những mớ rau, con cá tung tóe trên nền gạch. Bà Nhự ngồi xuống, bắt từng con cá quả cho vào hai cái thúng sơn đen, vừa cười, vừa hờ:
— Ối ông culít Tây ơi, làm phúc phải tội thế này đây là ông culít ơi...
o O o
Chiều, Tây culít Đờ Gátxơ về tới nhà.
Nhà y ở phố Gămbetta. Qua hai cánh cổng sắt, nhìn thấy trọn vẹn tòa biệt thự hai tầng, chóp nhọn như nhà thờ. Nhà này vợ y mua lại của một sĩ quan hết hạn quân dịch, về nước. Ả này người Việt, lấy y là đời chồng thứ ba. Ả muốn dựa vào y để trót lọt các chuyến buôn vàng, buôn thuốc phiện từ Nam ra bắc, từ Viên Chăn, Nam Vang về. Ả chết vì tai nạn máy bay năm 1946, để lại cho y một thằng con trai đặt tên là Đờ Lanay. Đờ Lanay từ nhỏ thật sự chỉ sống với bố Tây culít máu gấu. Tập nhiễm tính hung hăng của bố, ngay từ lúc nứt mắt, đang đi học hắn đã nổi danh hay gây gổ và bắt nạt bạn bè.
Mệt mỏi, Đờ Gátxơ đứng lại ở cửa buồng thằng con trai lai Việt, nghiêng tai. Cái gì đang xẩy ra ở trong căn buồng? Bịch bịch... Những quả đấm. Tiếng chân lạt xạt và tiếng thở hổn hển cùng tiếng người lào thào:
— Thế thế! Đấm thẳng!
— Thế! Ấy không! Phải đấm móc!
— Không được! Phải nhanh hơn! Luật cấm chơi cùi chỏ, cấm tạt, bổ bằng lòng bàn tay, bằng cạnh tay. Còn nếu muốn vậy, phải nhanh tay để ác-bít [12] nó không trông thấy. Thế! Thế!
Đờ Gátxơ vặn nắm đấm cửa. Trong căn buồng rộng lát gỗ, ở giữa trải một tấm thảm, có ba người. Hai tên võ sinh choai choai đang tập bốc. Ngồi cạnh bàn nước trên đặt hai chai Uýtxki và Quanhtrô là một người lực lưỡng, nặng gần tạ, quai hàm bạnh, mắt nâu, ria mép chum chủm.
[12] Arbitre (tiếng Pháp): Trọng tài
Thấy Đờ Gátxơ, người Tây nọ quay lại:
— Ô! Chào ông bạn!
— Chào võ sĩ Saphe!
Lấy lại gương mặt vui vẻ, Đờ Gátxơ bước lại cạnh bàn nước, ngồi xuống. Hai gã choai choai vẫn như hai con gà chọi say máu. Một con gà chọi cổ đỏ hơi ngửng lên, nhác thấy Đờ Gátxơ liền hãnh diện cất tiếng gọi: “ba!” Tức thì con gà chọi thấp mập, mũi tẹt, buông thõng găng, nhìn Đờ Gátxơ, cười nịnh: cháu chào bác ạ!
Đờ Gátxơ vắt chân lên nhau, gật đầu. Saphe quay lại:
— Anh uống Uýtxki xếch nhé. Hay Quanhtrô?
— Cho tôi xin phép! Nhức đầu quá!
— Cậu Đờ Lanay tập tiến bộ lắm - Saphe nói, nhấc ly rượu Quanhtrô thơm phảng phất mùi va ni - cậu Tấc này cũng là một hy vọng của thiếu niên nước Nam.
Hai con gà choai đã hết hiệp đấu, ra ngồi nghỉ trên chiếc đi văng da. Đờ Lanay duỗi đôi chân lông lá, tay khuỳnh khuỳnh, vẻ quan trọng. Chân đi giầy da đen cao cổ, mắt cá đính hình ngôi sao, ra dáng võ sĩ quyền anh thực thụ, Tấc mặc quần đùi nâu, sọc vàng, phùng má thở, ra vẻ vừa qua cuộc đấu quyết liệt.
— Cậu Tấc... Nhà ở đâu nhỉ?... - Đờ Gátxơ nhìn gã thiếu niên Việt Nam, hỏi theo thói quen nhà nghề.
— Dạ! Nhà cháu ở hàng bạc ạ.
— A! Dân hàng bạc giầu có, ăn uống gảnh gót, cảnh giả, cái cọng giá đậu xanh còn cắn làm đôi đấy.
Tấc cười, má bành rộng:
— Bác hiểu người Hà Nội chúng cháu quá. Nhưng chắc bác chưa biết gia đình cháu. Bố cháu là chủ hiệu kim hoàn Nghĩa Lộc đấy ạ.
— Ô! Tôi biết! Tôi biết! Có phải cậu là em trai ông hùng đen, hạ sĩ Bảo Chính đoàn không? Chính hôm nọ bạn tôi đã phải đỡ ông dậy vì bị một tay đấm người Việt hạ ngã trên toa tầu điện đấy. Ông là người rất trung thành. Nhưng ông không biết võ nên bị hạ đo ván là phải thôi. Thế cậu học ở trường nào?
Tấc đỏ rần rần mặt:
— Dạ, cháu học ở trường Bưởi. Nhưng, anh cháu đang xin cho cháu sang trường Anbe Sarô. Em cháu, thằng Tấng cũng có ý định vậy. Chà! Bọn học sinh Việt Nam, chúng nó quấy phá ghê lắm, không thể yên ổn để học thành tài với chúng được, bác ạ.
Đờ Lanay đứng dậy, giấu biến chuyện bị Nhân đánh ngã, chẩy máu mũi, lên mặt hùng hổ:
— Bọn chúng hỗn như gấu, ba ạ. Con phải nhờ võ sĩ Saphe để trả thù, để dạy cho chúng một bài học. Tháng trước, con vừa nện nhau với chúng một trận đấy, ba ạ.
Saphe đứng dậy, bóng lù lù ở giữa phòng:
— Nào, tiếp tục. Ba cháu cũng đã từng là một võ sĩ lừng danh. Để ba cháu xem, uốn nắn nhé.
Hai con gà choai lại vào cuộc đấu.
Đờ Gátxơ ngả người, hai con mắt lơ ngơ, nửa nhìn, nửa lơ đãng. Hôm nay thật là một ngày quá nhiều ấn tượng nặng nề. Truyền đơn, thông cáo Việt Minh rải rác khắp chợ và dán cả lên lưng y. Chuyện động trời ấy là do từ bàn tay nào vậy? Đắm chìm trong miên man, cho tới lúc bỗng mở choàng hai mắt, Đờ Gátxơ có cảm tưởng như lần đầu tiên nhìn thấy con trai y và thằng Tấc, hai gã choai choai đang vào cuộc đấu; và y như giật thót mình, ngồi phắt ngay dậy.
Phải rồi! Hình ảnh hai gã thiếu niên đang tập quyền anh có ý nghĩa gợi mở, giúp y nhận ra một điều quan trọng. Y nhớ ra rồi! Nhớ ra rồi! Chính cái đoạn lộn xộn ấy là lúc chuyến tầu ở bưởi vừa tới cổng chợ và lốc nhốc nhả ra từ hai toa tầu điện là cả một lũ học trò. Phải rồi, học trò. Học trò! Bàn tay Việt Minh đã với tới lũ con nít. Thành ủy của chúng đã ra tay. Ngòi nổ của sự phản loạn hiển nhiên là khởi nguồn từ lũ thiếu niên học sinh thành phố rồi chứ còn gì nữa! Bọn học sinh! Lũ thiếu niên, thanh niên, học sinh, sinh viên! Quả nhiên chúng đã là và sẽ là những thành phần bất trị, không thể coi thường được! Không thể coi thường được!
Những ý nghĩ ấy cắn rứt Đờ Gátxơ cho tới bữa ăn tối. Tấc xách găng về. Quanh bàn ăn lúc này chỉ còn Saphe và hai bố con Đờ Gátxơ
Gã võ sĩ nặng gần một tạ ngồi xuống một cái là như vặn máy ăn. Gã xúc nhanh như là đấm địch thủ. Gã nhai bít tết như miếng bít tết là kẻ thù của hắn. Trong khi đó, Tây culít chỉ chú ý đến tên Tây lai con. Tắm rửa xong ngồi vào bàn, gã Tây lai con làm bố hắn giật mình. Thằng con lai quả là trang thiếu niên ngời ngời vẻ tuấn tú và dũng mãnh. Nhất là dũng mãnh. Khuôn mặt nó hơi dài nhưng rất ưa nhìn vì làn da trắng hồng. Tóc nó đen pha hung. Máu Tây hòa với máu Việt, trong nó hiển nhiên là có cả sự nhanh nhẹn, khéo léo, nhậy cảm của dân da vàng và sức bật mãnh liệt của huyết thống gôloa.
Nhận ra vẻ kiêu hãnh của bố, Đờ Lanay khoái ngầm trong bụng. Nó hiểu, bố nó muốn vun đắp cho nó. Ở Pháp, đất nước của bố nó, trong các một gia đình có truyền thống, bố đã là đô đốc thì con cũng sẽ là đô đốc. Nhưng bố nó là culít đứng đường, thì chẳng lẽ nó cũng chấp nhận vị trí như vậy? Không! Nối nghiệp cha cũng có nhiều cách. Sở Cẩm có đủ ngón nghề để nó thỏa sức thi thố tài năng. Tiếng Tây nó biết, tiếng Việt nó thạo. Mật thám, phòng nhì, hiến binh, cùng lắm là đứa hỏi cung, tra khảo tù thì cũng vẫn là nối nghiệp của bố. Sức nó dư dả. Mới mười lăm tuổi rưỡi mà nó nặng hơn sáu mươi ký. Cú đấm của bố nó có thể giết chết một con bò mộng. Còn cú đấm của nó hiện thời chẳng lẽ không làm khiếp vía một con bẹc giê!
Thấy con trai đang gặm chiếc đùi gà, Tây bố chợt quay sang:
— Này, Đờ Lanay, vừa nãy mày nói tập bốc để trả thù... Gã con nhoai cái cổ ngẳng:
— Con trả thù thằng Nhân.
— Mày đã bị nó cho ăn đòn, hả?
Nghe giọng hỏi của Tây bố có nỗi sợ hãi, Tây con liền cúi mặt, nhả miếng thịt gà đang nhai dở, nhú nhí:
— Bố nó là võ sĩ Thân, nó được bố nó dạy bốc.
Tây bố đặt cạch cái nĩa xuống đĩa. Như là bỗng nhớ trận đấu hồi nào hở mặt bị võ sĩ Thân cho ăn đòn, mặt hầm hầm, y quay sang võ sĩ Saphe:
— Ông Saphe, tôi không hiểu tại sao hồi ấy người ta lại cho phép bọn võ sĩ An Nam đấu quyền anh với võ sĩ người Pháp chúng ta nhỉ?
Rồi không đợi Saphe trả lời, Tây bố đứng phắt dậy, hất hàm với gã Tây lai con, bất ngờ:
— Nào, Đờ Lanay, xong bữa chưa? Tao với mày đấu. Tao sẽ dậy mày thụi. Đ.mẹ, phải thụi cho chúng nó chừa cái thói chơi chèo đi!
Saphe ngả người, chùi mồm, định can: “đừng thế, mất vệ sinh!”thì Tây bố đã quen thói culít, chỉ tay, hất hàm ra lệnh:
— Ê! Ông bạn Saphe làm trọng tài! Mười hiệp! Mỗi hiệp hai phút!
Võ Sĩ Lên Đài Võ Sĩ Lên Đài - Ma Văn Kháng Võ Sĩ Lên Đài