Việt Nam Máu Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 4: Chính Phủ Dân Chủ Cộng Hòa Với Trung Hoa
ội Nghị Postdam, năm 1945 quyết định sau khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội hai nước Trung Hoa và Anh-cát-lợi sẽ đến Đông Dương giải giới quân đội Nhật, lấy vĩ tuyến 16 làm giới hạn đôi bên.
Đại quân Trung Hoa đến Bắc Việt vào hạ tuần tháng 8.1945 dưới quyền chỉ huy của Đại Tướng Lữ Hán gồm có chừng 20 vạn chia làm 2 binh đoàn địa phương quân và hai binh đoàn chính quy quân của Tưởng Thống Chế.
Đoàn quân Trung Hoa sang Bắc Việt, kéo theo cả bầu đoàn thê tử, đôi khi cả những người dân quê ngớ ngẩn, bước thấp bước cao…Sự trà trộn quân với dân khiến cho người Việt Nam không biết đằng nào mà nhận chân giá trị quân đội của Tướng Lữ Hán. Họ chiếm đóng những nơi ở lịch sự, rộng rãi nhất và đã làm cho đời sống dân chúng Việt ngã nghiêng. Nhưng đấy chưa phải là vấn đề đáng để cho chính phủ Việt Minh lo lắng. Lo lắng mấu chốt là quân Trung Hoa đã mang theo cả những nhà cách mạng quốc gia, những người yêu nước đã từng lao đao nơi hải ngoại và cũng đã từng được các lãnh tụ Cộng Sản cho nếm vị chua cay, những ‘’trận đòn chính trị’’.
Song song với cuộc hành quân của quân đội Trung Hoa, các người cách mạng quốc gia tích cực hoạt động. Vũ Quang Phẩm, Hoàng Quốc Chính lãnh đạo các đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng tiến chiếm Hà Giang, Vũ Hồng Khanh cùng cán bộ chiếm đóng Lào Kay đồng thời giúp đỡ Tù Trưởng Đèo Văn Long đặt nền móng chính trị ở Lai Châu. (Cụ Nguyễn Hải Thần cũng về Hà Nội vài ngày sau Lữ Hán).
Sự có mặt của các đảng phái cách mạng quốc gia là một việc khổ tâm cho Việt Minh, nhất là lực lượng ấy ngày càng tiến triển: Lào Kay, Yên Bái, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Bắc Giang…lần lượt dưới ảnh hưởng của Việt Nam Quốc Dân Đảng và ở miền duyên hải dưới ảnh hưởng của Cách Mạng Đồng Minh Hội.
Mặc dầu Trung Hoa trịnh trọng tuyên bố không hề có dã tâm xâm chiếm Việt Nam, mục đích sự hiện diện của Quân Đội Tưởng Thống Chế chỉ có để giải giới quân đội Nhật đã đầu hàng và giúp đỡ Việt Nam thực hiện nền Độc Lập. Dân Việt Nam chỉ hiểu có thể những các lãnh tụ Cộng Sản hiểu hơn nữa.
Các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam biết chắc chắn rằng một nước Trung Hoa Quốc Dân Đảng không bao giờ có mỹ ý bao dung một nước Việt Nam Đỏ. Những việc xẩy ra trên đất Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản là những kinh nghiệm sống. Ngày nay quân đội của Trung Hoa Quốc Dân Đảng đặt chân lên đất Việt, thế tất nhiên quân đội ấy phải ủng hộ Quốc Dân Đảng Việt Nam hoặc một vài đảng phái chính trị khác miễn là những đảng phái ấy đừng Đỏ.
Một mặt chính phủ hô hào thân thiện Việt-Hoa chiều chuộc các Tướng lĩnh Trung Hoa, một mặt điều đình thân thiện với Pháp. Đó là chiến thuật ‘’loại trừ địch thủ’’.
Để được vừa lòng Trung Hoa, Việt Minh nhượng bộ dùng thủ đoạn giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương, mở rộng quốc hội, cho những người không cùng mầu sắc chính trị được tham dự.
Đồng thời Việt Minh không quên thành lập một phái đoàn sang Trùng Khánh gây tình hữu nghị Việt-Hoa. Phái đoàn do Nghiêm Kế Tổ hướng dẫn, có Nguyễn Công Truyền, Hà Phụ Hương. Nhân dịp này, Cựu Hoàng Bảo Đại cũng cùng đi với tư cách riêng.
Phái đoàn đã thành công trong nhiệm vụ thắt chặt tình giao hảo Việt-Hoa sau một thời gian ngắn ngủi tại Trùng Khánh. Phái đoàn đã được Tưởng Thống Chế tiếp đón nồng hậu tại Dinh Chính Phủ, thiết tiệc tại biệt thự riêng ở Sơn Đông v.v…Nói riêng chính phủ Dân Chủ Cộng Hòa đối với Trùng Khánh hãy còn mờ mịt, phần vì mới thành lập, thế giới chưa ai công nhận, phần vì Tưởng Thống Chế còn bận đối phó với Mao Trạch Đông, chưa có thời giờ để chăm chú nhìn đến nước Việt Nam bé nhỏ, hơn nữa người Pháp đã trực tiếp giao thiệp với Trùng Khánh trước khi phái đoàn của Việt Nam gặp Tưởng Thống Chế, do đó sự niềm nở của Tưởng Thống Chế thực ra vì có mặt cá nhân Cựu Hoàng và Nghiêm Kế Tổ một đồng chí cách mệnh mà Tưởng Tổng Tài đã từng biết nhiều về thành tích hoạt động.
Khẩu hiệu: ‘’Việt Nam thân thiện’’ đã giúp Việt Minh dễ dàng trong công việc diệt trừ đảng phái không cùng lý tưởng, dễ dàng ứng phó với Pháp.
Trong khi còn nắm được ưu thế, Trung Hoa tích cực hoạt động trên địa hạt tuyên truyền, các báo chí Côn Minh nhấn mạnh đến ‘’dòng máu’’ Trung Hoa trong cơ thể người dân Việt, lý do là Trung Hoa đã từng cai trị người Việt trên nghìn năm lịch sử…nào là quân đội Trung Hoa sẽ cố gắng giúp đỡ Việt Nam Độc Lập, nào là Trung Hoa và Việt Nam có những liên hệ tâm lý và văn hóa…
Trên địa hạt quân sự và chính trị, Trung Hoa tiếp vận cho các đảng phái quốc gia, dùng áp lực quân đội để duy trì và tiến triển hoạt động của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội. Tiến thêm nữa, quân đội Lữ Hán tìm cách gây mâu thuẫn với Pháp.
Ngày 1.4.46 nhân cơ hội 2 chiếc xe hơi Pháp và Hoa đụng nhau tại ngã tư Phố Mỹ Quốc, trước cửa nhà Godart cũ, nhưng vì sự mâu thuẫn đã ăn sâu và sự sích mích, cãi cọ liên tiếp xảy ra quân lính hai bên đã không ngần ngại mà tức khắc nổ súng. Kiều dân Pháp bị vạ lây. Cuộc vật lộn đẫm máu xẩy ra trên hè phố, trước cửa Pháp Hoa ngân hàng, trong tiệm ăn. Tiếng đạn rền nổ liên hồi cho đến chiều, dân chúng Việt Nam mục kích những chiếc xe chở Pháp bị đạn máu chan hòa, những lính Trung Hoa tử thương bên những mô đất ở bờ hồ Hoàn Kiếm.
Sự sích mích cá nhân giữa Pháp và Hoa liên tiếp xảy ra. Trước tình thế ấy, người Việt vẫn duy trì được tinh thần trung lập. Mặc dầu họ bị khích động, nhưng họ vẫn biết tôn trọng kỷ luật, vô hình chung đã phù hợp với chủ trương của Việt Minh, cố tránh sích mích với quân đội Trung Hoa, bình tĩnh đối với Pháp.
Chính sách của Việt Minh đối với Trung Hoa được hoàn toàn kết quả. Sau khi đã cố gắng làm lung lay hệ thống chính trị của Việt Minh, quân đội Trung Hoa thất vọng rút lui vào hạ tuần tháng 6.1946 đúng với thỏa ước Pháp-Hoa.
CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC
Chính phủ Hồ chí Minh từ khi thành lập đã hết sức tuyên truyền, chú ý gây thiện cảm với các cường quốc để được công nhận. Một khi đã được các cường quốc công nhận, Việt Minh sẽ thỏa sức tung hoành, ngoài, có thể có ưu thế với Pháp, trong, có thể độc tài, đảng trị.
Đối với Anh-cát-lợi, Việt Minh cố chịu cảnh ‘’cười trong nước mắt’’. Trước khi quân đội của Tướng Dougles D. Gracey nhẩy dù xuống Nam Việt, ủy ban nhân dân Nam Bộ đã hớn hở tổ chức những tiệm ăn, tiệm nhẩy dành riêng cho tù binh Anh. Những tù binh sau khi được ra khỏi trại giam Nhật Bản đều được tự do ra vào ăn, nhẩy linh tinh tại những tiệm dành riêng cho họ. Ở đấy lại được uống rượu mạnh không phải trả tiền và được những sinh viên Việt Nam đóng vai bồi hầu bàn. Những anh bồi tân thời ấy có nhiệm vụ xin chữ ký xin cảm tưởng của tù binh sau khi đã tuyên truyền những cái hay, những cái đẹp, những cái quý của dân tộc Việt, một dân tộc trẻ trung, mới dành độc lập có khả năng, có tinh thần. Họ có bổn phận vạch bầy những điều mà người Pháp cố tình dấu diếm khiến cho cường quốc năm châu từng hiểu nhầm, cho những kẻ ở Bán Đảo Đông Dương là con cháu của giống Mọi ‘’Răng đen, ăn thịt người’’.
Đối với lính hồng Mao, người dân Việt miền Nam đối đãi thật quá tốt, nhưng dần dần thái độ ‘’lạnh lùng’’ của người Anh đã ‘’lịch sự’’ ngả về phe Pháp.
Cảm tình Việt dành cho Anh nhạt dần rồi hờn giận.
Riêng chính phủ, tức thời, ra luôn Đạo Luật, Nghị Định cho các Công Ty Anh, Mỹ, Hòa Lan…được tiếp tục doanh nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Thủ tiêu các Nghị Định cũ của Toàn Quyền Đông Dương bắt các tù nhân có quốc tịch Mỹ, Anh…phải khai tài sản ở Đông Dương và đặt tài sản ấy dưới quyền hành chính.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Minh cố gắng nuôi dưỡng tinh thần thân thiện đã từng được cụ thể hóa khi Việt Minh còn trong bóng tối. Những nhân viên quân sự, những nhà báo Mỹ đặt chân lên Thủ Đô Việt Nam đều được chính phủ ưu đãi đặc biệt. Hơn thế nữa, trong tuyên ngôn độc lập, chính phủ Hồ chí Minh cố ý làm vui lòng Hoa Kỳ (mặc dầu bên trong có một dụng ý khác nữa) đã nêu câu Châm Ngôn trong lời Tuyên Bố về Nhân Quyền của Tổng Thống Hợp Chúng Quốc, Jefferson. Một Hội Việt-Mỹ được thành lập gây tình thân thiện, trao đổi văn hóa bằng cách mở lớp học, dịch sách báo.
Tất cả cố gắng của Việt Minh đối với Hoa Kỳ cũng không kết quả tốt đẹp. Trước kia Việt Minh đã được Hoa Kỳ tiếp tế quân nhu võ khí, nhưng đến khi đã thành lập chính phủ, Mỹ dần dần ‘’đánh hơi’’ thấy mùi ‘’Cộng Sản’’ trong chính sách Việt Minh. Cho nên mặc dầu cố tình gây thân thiện, Tướng Gallagher vẫn ngoảnh mặt làm ngơ, không những thế còn quay nhìn chăm chú vào cá nhân Cựu Hoàng và giai cấp trí thức Việt Nam trong các đảng cách mạng quốc gia nữa.
Đối với Liên Bang Sô Viết, Việt Minh chỉ nhận được lạnh nhạt hầu như tuyệt đối. Người ta chưa hề thấy Điện Kremlin lên tiếng tỏ cảm tình với Việt Nam, ở Liên Hiệp Quốc, ở các Hội Nghị tại Mạc Tư Khoa. Họ cũng chẳng buồn gửi nhân viên sang Việt Nam nhận xét nữa. Những thức giả đều không hiểu tại sao phân bộ Cộng Sản quốc tế Á Đông lại đến nỗi thờ ơ với chính phủ Hồ chí Minh như vậy.
Nói chung, giữa tình thế cô lập, chính phủ Hồ chí Minh đã hết sức cố gắng trong lập trường đối ngoại nhưng buồn thay chẳng rút được kết quả nào đáng kể.
Pháp? Sự xung đột ngày càng nhiều, Hiệp Định rồi Tạm Ước chẳng qua chỉ là một vài phút tạm thở của hai bên.
Trung Hoa? Hiệp Ước 28.2.46 ký tại Trùng Khánh đã thực tế phô bày lập trường của Tưởng Thống Chế đối với chính phủ Việt.
Anh? Tướng Gracey đã cố tình giúp Cédile gây rối ren trong Nam Việt.
Mỹ? Người Mỹ rất thính mũi, họ lui xa Cộng Sản mà họ còn dìm thêm cho nữa.
Còn Nga? Sự thờ ơ lạnh nhạt của các ông Chúa Đỏ tại Điện Kremlin phải chăng là một chiến thuật, một thủ đoạn? Việc ấy chỉ có hỏi các ông trùm Cộng Sản Việt Nam mới rõ.
Người ta nhận thấy chính phủ Việt Minh chỉ trông cậy ở thực tài của mình để gây uy tín trong dân chúng, lôi kéo dân chúng ủng hộ mình ngõ hầu thành lập chủ nghĩa vô sản trên giải đất Việt Nam.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa