Trường Cũ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6
àng tên là Liên. Lê Thùy Kim Liên, con gái của một thương gia trong chợ Vọng Cung. Nàng mới từ Hải Phòng sang Thái. Thịnh đã điều tra lý lịch của nàng vì nhà nó gần nhà nàng. Gần gần thôi chứ không quá gần gang tấc cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn. Ông via nàng tên Tía. Cái tên không hay tí nào. Nhưng ông via nàng chẳng ăn nhằm gì tới chúng tôi.
Và, vì ông via nàng có máu đồng bóng, thích lên đồng nên người ta gọi ông là đồng Tía. Ông đồng Tía trông rất khôi hài. Thế mà con gái của ông đẹp và hiền kinh khủng. Nàng không học trường nào. Nhũng cô nữ sinh trường Trần Lãm hay Nguyễn Công Trứ đều ghét chúng tôi bởi chúng tôi không biết... lơn gái. Mỗi cô mang một cái tên do chúng tôi đặt. Chẳng hạn, các em Hạnh, Phú, Lộc, Mỹ, Nương... không xấu xí gì, song vẫn bị gọi bằng những biệt hiệu kém... nịnh đầm như Hạnh tóet, Phú gù, Phú cao cổ, Lộc dề, Mỹ đen, Nương khoai vân vân... Chúng tôi lơn gái thô lỗ, tàn bạo quá nên không có tình yêu học trò nghĩa là mối tình của hai đứa trai gái cùng học một trường. Chúng tôi thường xếp hàng năm lê bước trên vỉa hè. Vô phúc em nào gặp chúng tôi, chỉ còn nước băng đường sang vỉa hè bên kia. Nếu không, chúng tôi sẽ chèn xuống đường hay sát vào nhà. Con nhà Hoàng văn Lộc còn chơi cái trò mua giây thép về cắt ngắn uốn thành đạn bắn bằng giây cao su gói hàng. Nó nấp bắn vào nón các em bôm bốp. Đạn trệch thì vào lưng vào mông các em đau điếng. Rồi cả bọn cười ha hả. Quỷ quái, mất dậy thế, gái nào mà yêu?
Chúng tôi đến trường sớm, lén qua lớp đệ lục, đổ mực lên các bàn đầu của nữ sinh. Các em vào lớp, vô tình ngồi xuống. Mực loen đầy tà áo trắng. Tan học, các em che nón sau lưng ra về. Và chúng tôi theo sau, chế nhạo! Tại không hiểu cách làm quen các em nên chúng tôi đành trêu ghẹo các em. Nhưng hễ thằng nào thân các em, chúng tôi tìm cách hạ nhục bằng chân tay hay bằng ngôn ngữ ngay lập tức. Bây giờ thì tôi biết đó là triệu chứng của bịnh ghen. Song bấy giờ, ai biết ghen tuông quái gì. Thậm chí, em Mai ở Nam Định qua Thái Bình học, thích sóng đôi với thằng Xuân ở Hà Nội về, chúng tôi đã tích cực hoạt động để bài trừ tai nạn "đi chơi sóng đôi" của hai đứa nhân tình này. Chúng tôi ghét con gái. Ghét thậm tệ vì không biết lơn gái!
Lê Thùy Kim Liên thì khác dù nàng là con gái ông đồng Tía, một nhân vật hài hước của thị xã. Chùng tôi "khám phá" được nàng trong ngày hội đền Mẫu. Hàng năm vào tháng ba, thị xã có ngày hội trọng thể là hội đền Mẫu. Những ông bà đồng, những ban nhạc chầu văn từ mười hai phủ huyện đổ xô lên tỉnh dự hội. Hội đền Mẫu náo nhiệt, long trọng hơn ngày Giáng Sinh nhiều. Đám rước dài ngó một cây số khởi hành từ cổng đền, đi vòng quanh thị xã. Những người tham dự cuộc rước kiệu thánh mẫu, ăn mặc thật đẹp. Lối ăn mặc cổ xưa, mầu sắc lòe loẹt, chói chang. Đội trống ngụ lôi với các đồng tử múa dùi trống đều đặn, linh hoạt. Cái đinh của đám rước là con đĩ đánh bồng, cầm hai quả bồng múa may, lẳng lơ chịu không nổi. Kế đến những ông đồng, bà cốt vừa đi vừa xuyên lình qua má mà không hề chẩy máu.
Những năm xa xưa, tôi mê trò xuyên linh lắm. Năm nay không còn là năm xưa, tôi bỏ kiệu thánh mẫu, theo sát đám con gái thị xã ôm hoa hệ dẫn đầu đám rước. "Có một con đẹp quá". Thịnh nói thế. Và nó chạy một mạch về nhà vớ cái máy ảnh thợ cạo, thứ mày ảnh chỉ chụp được tám pô cỡ sáu chín và ai cũng chụp được, khỏi sợ hư ảnh. Tôi nhớ, dường như, tên cái máy đó là Photax! Thịnh vác máy ảnh chạy ra, mặt nó nhễ nhãi mồ hôi. Nó cứ ngắm "con đẹp quá" mà bấm. Bà via và em gái nó cũng đi rước kiệu, gọi nó ơi ới chụp ảnh, nó không muốn nghe.
"Con đẹp quá" nhín chúng tôi cười. Thịnh chụp hết phim. Chúng tôi phải chạy tiếp sức móc hết tiền tiêu hội đi mua phim. Hà của Đặng Xuân Côn đứng sau "con đẹp quá". Côn ta quên béng Hà. "Con đẹp quá" đã thu mất hồn nó. Đã thu mất hồn chúng tôi. Và, từ hôm đó, chúng tôi yêu "tập thể" con gái ông đồng Tía có cái tên giống hệt tên người tì nữ của Kiều Nguyệt Nga trong truyện Lục Vân Tiên.
Ngày nào chúng tôi cũng vào chợ Vọng Cung. Lần vô và lần ra đều liếc nhìn Kim Liên, trái tim đập nhanh, dù nàng có ngồi ở quầy hàng hay không. Con nhà Thịnh lợi thế hơn chúng tôi. Nó cùng ở một làng cùng đi một lối với nàng nên nó chịu khó xách cái vĩ cầm cà là dỉ của nó qua lại cửa nhà nàng lắm. Ra cái điều "tôi chơi vĩ cầm đấy em ạ". Đàm viết Minh noi gương Nguyễn Thịnh, xách lục huyền cầm biểu diện "Tôi đệm guitare đó". Nàng sẽ không biết Minh chỉ bấm Ré majeur sang La 7 về Ré majeur. Dẫu đã uống ba viên thuốc liều, lấy gân sự can đảm, tôi vẫn chẳng dám xách cái đàn mandolin qua cửa nhà nàng. Ôi, cái đàn mandoline, nó vừa nhỏ vừa hèn kém quá. Đặng Xuân Côn biểu diển quấn catch-cold và đội mũ nôi, hai tay thọc túi quần tây, cúi gằm mặt bước qua nhà nàng. Hoàng Văn Lộc, Lê Huy Luyến dã có vợ. Mỗi thằng đều đang bế đứa con trai đầu lòng của mình nên chúng nó không tham dự cuộc "yêu tập thể". Bốn đứa tôi thi nhau ăn mặc chải chuốt để được nàng chú ý nhất. Riêng tôi, chiếc gương nhỏ được tháo rời khỏi vỏ, dùng kìm bẻ cho nhỏ hơn, rồi mài nhẵn cạnh để vừa lọt bàn bàn tay chụm lại. Mỗi khi qua cửa nhà nàng, tôi giả vờ đưa tay soi cái mặt mình xem có đẹp giai không! Hễ thấy mái tóc bóng nhẫy bi ăng tin vùng lên làm "cách mạng" vài sợi, tôi bèn quay gót về nhà, chải đầu, ngắm nghía muốn vỡ gương tủ. Rồi mới ra đi. Thường là không gặp nàng. Hoặc nàng đang ăn bún riêu, chẳng thèm ngó tôi.
Chúng tôi ươm những giấc mơ quanh Lê Thùy Kim liên và kể cho nhau nghe từng giấc mơ của mình. Thịnh ước ao nàng trở thành danh ca như danh ca Ngọc Dậu và nó sẽ là Canh Thân. Những ngày ở hậu phương, tôi đã từng trốn nhà, lang thang khắp các làng trong huyện để đêm tối, nhấc ván rạp quán chợ hay đình, chu vào xem chạc cải lương. Tôi nhớ tôi đã mê chị em cô Phụng Khánh song ca bản Gió mùa chinh phu, êm êm như ru như khơi mong nhớ, như gợi căm thù. Có nàng giặt lụa hồ thu, mơ chàng chinh chiến biên khu chốn ấy xa vời... Thu về, thu ơi, nhẹ lá vàng rơi... của Ngọc Bích. Tôi mê ban kịch của Sĩ Tiến diễn ở đình làng Giai, nơi nhà văn Trúc Sĩ mỗi tuần, từ Tiên Hưng sang đây xử kiện một lần. Tôi mê Khánh Hợi, Tường Vi ( không phải là Tường Vi đang diễn kịch trên vô tuyến truyền hình Việt Nam). Bây giờ hãy còn mê nhưng bật cười khi hồi tưởng Tôi Thi Khánh Hợi, phất tay áo rông, hò khâu hiểu:
...Tàn phá Cô Tô
Xây dựng cơ đồ
Việt Nam vạn tuế
Gái Việt xuân thu chiến quốc, vì nền tuyên truyền chống Pháp, bỗng hóa ra gái Việt Nam! Chắc Sĩ Tiến đau lòng lắm. Tôi mê nhất Ngọc Dậu hát bài Sông Lô trường ca của Văn Cao trong tiếng đàn lục huyền cầm Y pha nho của Canh Thân. Và, hôm nay, Thịnh mơ làm Canh Thân tài hoa, cùng Ngọc Dậu Kim Liên mang âm nhạc reo rắc khắp chốn. Hai kẻ sống cuộc đời nghệ sĩ giang hồ rày đây mai đó.
Đàm Viết Minh mơ thành nhà cách mạng chống Pháp. Một đêm kia, nhà cách mạng vào thị xã rải truyền đơn kể tội ác giặc Pháp, bị lính tuần tiễu bắn trúng tay trái (Nó không ham bị bắn trúng đầu hay tim). Nhà cách mạng chạy trốn vào chợ Vọng Cung, gõ cửa nhà ông đồng Tía. Nàng sẽ dấu nhà cách mạng trong phòng của nàng, xé áo lụa băng bó vết thương cho nhà cách mạng Đàm Viết Minh. Bên ngoài lính Tây bao vây. Chàng run run lạnh. Nàng ôm lấy chàng, sưởi ấm chàng. Sáng hôm sau, chàng bỏ đi, hứa trở về tìm nàng trong vinh quang. Và nàng khóc. Giấc mơ của con nhà Minh lãng mạn thật. Chả trách nó biết làm thơ. Bố tôi thường hay khen Minh giỏi văn chương. Người mỉa mai tôi "Cái mã mày thì thơ văn cái gì, hãy cố học như thằng Minh". Lúc ấy, tôi thèm, làm thơ quá. Làm sao, bây giờ, tôi có thể gửi ra ngoài Bắc cho bố tôi đọc một cuốn tiểu thuyết của tôi?
Đặng Xuân Côn mơ một giấc mơ khủng khiếp hơn. Nó mong chợ Vọng Cung hỏa hoạn. Nhà ông đồng Tía lửa bốt ngùn ngụt. Vợ chồng con cái ông đồng Tía mãi chạy đồ đạc quên mất ái nữ đang kẹt trong phòng khuê. Côn sẽ lao vào lửa, cứu nàng thóat nạn. Nàng cảm động, yêu nó. Ông đồng Tía gả nàng cho nó. Tôi kể giấc mơ tàn bạo nhất. Tôi mơ làm tướng cướp, xua quân vào thị xã, đánh phá tan tành và bắt nàng Kim Liên ra bờ sông. Con thuyền cánh buồm máu của tôi sẽ đưa nàng tới của bể Trà Lý, trôi giạt tới một hòn đảo ngòai khơi. Hai chúng tôi sống đời thủy khấu, đón tầu Tây đánh cướp rồi sai bộ hạ, chèo thuyền vào bãi bể Đồng Châu, phân phát cho dân nghèo.
Đấy, chúng tôi yêu Lê Thùy Kim Liên như thết đấy. Yêu "tập thể", yêu âm thầm và mơ khác lạ. Thằng nào cũng tưởng đang yêu và được yêu. Giải dị quá, chỉ cần viết một lá thư gửi nàng và hỏi nàng yêu đứa nào mà không đứa nào dám viết thư. Hoặc viết thư mà không dám gửi.
Một hôm, cái ý định gửi thư cho Lê Thùy Kim Liên - Kim Liên, ơi hỡi Kim Liên, Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê, hai câu thơ này được "thi sĩ" Đàm Viết Minh nhại thành Kim Liên, em hỡi Kim Liên, Anh đưa em tới một miền yêu đương - đem bàn với "đồ tể" Hoàng Văn Lộc. Con nhà Lộc nhận công tác ngay. Nó đóng vai thằng ở, ăn mặc rách rưới, đầu đội mũ phở, quần ta ống thấp ống cao, trịnh trọng mang thư đến trao tận tay nàng. Chúng tôi đã đứng sẵn trong hiệu đàn Đức Thắng, hồi hộp theo rõi phản ứng của nàng qua tủ kính. Lộc đóng kịch thật tài. Nó gãi tai, gãi gáy, y hệt một thằng ở chính hiệu. Nó nói oang oang, cố ý để chúng nghe rõ.
- Thưa cô, cô cháu gửi cô bức thư này.
Khi nàng đón nhận phong thư chứa bốn bức thư tình không ký tên, Lộc từ từ chuồn. Nàng mở thư ra đọc, tủm tỉm cười rồi xé đi. Ôi, những tác phẩm yêu đương của chúng tôi đã bị xé... tập thể! Thịnh khó lòng mơ nàng trở thành Ngọc Dậu. Minh hết hy vọng đưa em tới miền yêu đương. Nhưng Côn vẫn mong nhà ông Tía phát hỏa. Và tôi khoái làm hải tặc. Đại úy Blood cái phim này vừa chiếu tại rạp Lido. Errol Flynn hào hoa phong nhã lắm. Hải tặc như vậy, ai không khóai làm hải tặc? Chúng tôi đứng ngó những mảnh thư tình vụn nát, bay tơi tả. Buồn ghê, buồn như ông Đức Thắng khẩy đàn măng đô lin fadiese cứ bấm fa thường!
Nhưng Kim Liên, nàng tỳ nữ của người yêu Lục Vân Tiên còn đó, mỗi ngày diễu phố vài lần và ngồi trong cửa hàng tạp hóa của ông đồng Tía. Chúng tôi cũng còn đây, với đầy đủ dấp ngô nghê của học trò tỉnh lỵ mới lớn lên. Nàng ví như cái bóng âm đầu mùa hạ, che mát chúng tôi trên đường từ nhà đến trường học. Chúng tôi ôm khối tình vẩn vơ ấy mà không ngờ có ngày thất tình. Năm học mới đã tới, Thịnh không thi trung học phổ thông. Nó học lại đệ tứ và... tự học. Đàm Viết Minh đỗ trung học, đỗ bình. Nó chưa đủ phương tiện lên Hà Nội học tú tài. Nó cũng ở lại Thái để làm thơ thương nhớ Kim Liên rất...vô vi Lão Tử.
Trường Cũ Trường Cũ - Duyên Anh Trường Cũ