Trăng Khuyết epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6 -
ng Thiệp gằn giọng hỏi Trúc Quỳnh:
- Có đúng là con bé ấy đứng bên trong siêu thị không?
Quỳnh gật đầu:
- Con không đời nào nhìn lầm. Chắc chắn có người đưa nó vào làm. Nhìn nó chướng mắt thật. Con không thích chút nào. Ba nên giải quyết cho nó nghỉ, để lâu sẽ phiền lắm đó.
Ông Thiệp cười nhạt:
- Mày dạy khôn tao đấy à? Thằng Quân đâu, gọi nó ra đây.
Trúc Quỳnh bước khỏi phòng khách, ngã người ra salon, ông Thiệp bực bội với những gì vừa nghe từ Trúc Quỳnh. Con bé ấy dầu sao cũng là máu mủ của ông, dù ông không thừa nhận điều thiêng liêng đó. Nhã Ca có mặt trên đời này ngoài ý muốn của ông, nhưng lại là chủ tâm có mục đích của mẹ nó. Người đàn bà nhiều thủ đoạn ấy đã cố tình cho ông vào tròng.
Quân bước vào, cắt đứt dòng hồi tưởng của ông,anh hỏi:
- Ba gọi con.
Mặt lạnh lùng, ông Thiệp hất hàm:
- Ngồi xuống đi!
- Vâng.
Ông Thiệp rành rẽ từng tiếng:
- Mày đưa con Nhã Ca vào bán hàng ở siêu thị phải không?
Quân bình thản gật đầu:
- Vâng. Nó cần một chỗ làm để có tiền ăn học.
Ông Thiệp lừ mắt:
- Mày có hỏi ý kiến tao chưa?
- Con thấy không cần. Từ trước tới giờ con tuyển nhân viên đều không hỏi ý kiến ba. Trường hợp Nhã Ca lẽ nào ngoại lệ?
Ông Thiệp cười khẩy:
- Mày thừa biết, đừng có hỏi đố tao. Giải quyết cho nó nghỉ đi.
Quân nói:
- Nhã Ca không vi phạm nội quy làm việc, không bắt nó nghỉ được.
Trúc Quỳnh chen vào:
- Muốn nó quy phạm nội quy làm việc dễ ợt chứ gì. Tao chỉ cần xuất nửa chiêu thôi.
Quân nhìn Trúc Quỳnh:
- Em không nghĩ chị đủ độc ác, nhẫn tâm để làm chuyện đấy.
Bĩu môi, Quỳnh nói:
- Với ai thì không, chớ với con nhỏ lộn giống đó, tao thừa độc ác.
Rờ cằm, Quân phán:
- Lộn giống. Chị dùng từ độc đáo thật. Dù chưa có chồng nhưng chị cũng cần để đức cho con.
Trúc Quỳnh trợn mắt:
- Mày... mày rủa tao hở thằng kia. Con Nhã Ca là gì, mà mày bênh nó chầm chập thế?
Quân nhìn thẳng chị mình:
- Về phương diện lương tri, nó là em gái tôi đấy.
Ông Thiệp sa sầm mặt, trong khi Quỳnh ré lên:
- Ba chưa bao giờ nhận nó là con, sao mày lại... lại... Hừ! Đồ ngu!
Ông Thiệp quát lên:
- Không cãi nữa. Thằng Quân giải quyết cho nó nghỉ ngay.
Quân điềm tĩnh:
- Con đã nói Nhã Ca cần một công việc để có tiền ăn học.
Ông Thiệp đanh giọng:
- Nó cần tiền tao sẽ trợ cấp. Mỗi tháng bố thì chừng một triệu bạc, với nó chắc sẽ là dư xài. Con Quỳnh nói đúng, để Nhã Ca bán trong siêu thị, lâu ngày sẽ phiền phức lắm.
- Ba lo gì cơ chứ. Nhã Ca có nhận ba là cha nó đâu mà sợ phiền phức. Nói thiệt, nếu con nhỏ biết siêu thị đó trực thuộc công ty Đông Đô, nó đã không vào làm đâu.
Trúc Quỳnh lại bĩu môi:
- Làm bộ chảnh. Vậy sao lâu lâu nó tới xin tiền ba? Hừ! Đã xòe tay xin của bố thí, giờ lại bày đặt đi làm để có tiền ăn học. Rõ ràng nó kiếm chuyện mà. Cha thì nó không nhận, nhưng nó nhận tiền. Thật mâu thuẫn đến thấy ghét.
Quân ôn tồn:
- Đúng là tâm trạng Nhã Ca có nhiều mâu thuẫn, nhưng dầu sao nó cũng còn quá trẻ con. Một đứa trẻ con có hoàn cảnh sống đáng thương như nó thường có những hành động cũng như ý nghĩ bộc phát thường khi gặp những rắc rối ngoài khả năng tự giải quyết được. Chị sung sướng từ bé tới giờ nên có hiểu để cảm thông với ai đâu mà bày đặt ghét với thương.
Trúc Quỳnh gân cổ lên tính cãi tiếp, nhưng ông Thiệp đã nói:
- Không tranh luận nữa. Ba quyết định mỗi tháng trợ cấp cho Nhã Ca một triệu với điều kiện nó nghỉ bán ở siêu thị. Nó phải lo tập trung học thật tốt.
Trúc Quỳnh hối hả hỏi:
- Tại sao ba phải làm như vậy? Làm như thế khác gì ba thừa nhận nó.
Ông Thiệp quát:
- Im đi!
Trúc Quỳnh giận dỗi dọa trước khi bước đi:
- Nó sẽ biết tay con.
Còn lại hai bố con, Quân mới từ tốn nói:
- Con nghĩ Nhã Ca sẽ không nhận tiền của ba. Tánh nó khá ngang ngạnh.
- Ngang thì ngang, nó từng tới xin tiền tao cơ mà.
Quân ngắt lời ba mình:
- Hôm trước, con có nói với Nhã Ca, ba sẽ trợ cấp cho con bé, nhưng nó từ chối. Nó còn nói thỉnh thoảng nó thích tới đòi nợ ba. Nó thích nhận tiền nợ hơn tiền cho.
Mặt ông Thiệp đỏ bừng lên:
- Đồ mất dạy, hỗn láo.
- Chính ba đã khiến Nhã Ca như thế, nên ba đừng trách nó.
- Mày dạy đời tao đấy à?
Quân nhún vai:
- Con chỉ nói điều mình nghĩ trong lòng.
Ông Thiệp im lặng, một lát sau ông nói:
- Tìm cho nó một công việc nơi khác.
Quân nhìn ba mình:
- Con thấy không cần thiết phải làm thế. Nhã Ca không phá ba đâu.
Ông Thiệp đanh giọng:
- Sắp bầu lại Hội đồng quản trị công ty, tao không muốn có bất cứ tai tiếng nào.
- Con hiểu rồi. Nhưng dầu sao cũng phải đợi hết tháng đã.
Nhìn đồng hồ, Quân nói:
- Con có hẹn, phải đi đây.
Dắt xe ra, anh chạy tới quán cà phê đối diện siêu thị nơi Thanh Du đang làm. Con bé nói bữa nay sẽ trả điện thoại và anh đã hẹn nó vào quán này cho tiện việc trò chuyện.
Vào quán, chọn bàn xong Quân không phải chờ lâu đã thấy Du lơ ngơ đẩy cửa kính.
Anh đứng dậy đón Du rồi lịch sự kéo ghế mời ngồi khiến con nhỏ hết sức cảm động.
Quân hỏi:
- Em uống gì nhỉ?
Thanh Du nói ngay:
- Dạ... xí muội tắc ạ.
Quân đợi người phục vụ đi rồi mới hỏi:
- Sao bạn em không đến cùng?
Du vuốt tóc:
- Nó sợ gặp bạn anh.
Quân bật cười:
- Trời đất! Bạn anh gây ấn tượng mạnh dữ vậy à?
Lấy trong túi xách ra cái điện thoại nhỏ xíu, Du đặt lên bàn.
- Bạn anh xin gởi lời đầu tiên là xin lỗi, sau đó là cám ơn bạn em.
Thanh Du cao giọng:
- Sao ông ta không tới nhận hàng?
Quân hơi khựng lại một chút:
- Cậu ấy bận chủ trì một cuộc họp.
Du dài giọng:
- Làm lớn nhỉ! Em đã nghe nhỏ Nhã... à quên, nhỏ bạn kể về ông ta lúc say, em không hình dung nổi lúc chủ trì cuộc họp, thái độ và lời nói của ông ta sẽ như thế nào.
Quân nhìn Du:
- Bạn anh không phải dân bợm bãi như em nghĩ đâu. Cậu ấy rất hiếm khi uống rượu, nhưng hôm đó vì buồn nên đã quá chén, lại uống một mình, không bạn bè kè cặp nên mới té sấp té ngửa, cho chó ăn chè ngoài đường ấy chớ.
Thanh Du nhăn mặt:
- Tội nghiệp con nhỏ phải hứng những món người ta ví là chè cho chó.
Quân thở dài:
- Bạn anh có nhớ gì đâu. Hôm qua nghe anh nói nó rất ân hận và xấu hổ. Chỉ mong cô bạn em tha thứ...
Thanh Du bắt bẻ:
- Có lẽ phải tự xin lỗi chớ, sao nãy giờ anh cứ xin giùm bạn hoài vậy?
Quân nói:
- Thế nào bạn anh cũng trực tiếp xin lời và cám ơn mà. Đừng bắt lỗi bắt phải nữa mà Du.
Thanh Du chảnh:
- Nể mặt anh, em bỏ qua đó.
Quân hấp háy mắt:
- Bạn em có bỏ qua không?
Du chép miệng:
- Nhỏ đó khó chịu cực kỳ, có thể nó bỏ qua cho xong cái xui, nhưng không có nghĩa nó bỏ lỗi cho cái ông làm lớn kia đâu.
Quân xoay tách cà phê:
- Thế... Nhã Ca có nói gì không?
Thanh Du bối rối:
- Nhã Ca hả? Nó đâu dính dáng tới chuyện này.
- Chớ không phải Ca chung nhóm với em.
Du liếm môi:
- Có đấy. Nhưng nó im lặng...
Quân trầm giọng:
- Du là bạn thân nhất của Nhã Ca đúng không?
- Về mặt nào đó thì đúng như vậy. Thân nhất, nhưng em chưa hiểu hết, biết hết về Nhã Ca. Nó dường như có những bí mật riêng, tâm sự riêng được giấu kín trong lòng mà em nghĩ có cạy răng nó cũng chả nói.
- Sao em lại nghĩ thế?
Thanh Du nhún vai:
- Sự thật là vậy mà. Thí dụ em hỏi về anh, nó chỉ ậm ự, em ức lắm đấy.
Nhìn Quân, Du hỏi thẳng:
- Thật ra anh quen thế nào với nó?
Quân né tránh:
- Bọn anh quen kiểu dây mơ rễ má lòng vòng, kể ra dài dòng lắm.
Du nói tiếp:
- Nó có vẻ không ưa anh, nhưng em có cảm giác nó vờ như vậy. Tại sao thế nhỉ?
Quân lảng đi:
- Anh cũng không biết nhiều về Nhã Ca nên định tìm hiểu cô bé qua em đây.
Thanh Du giãy nảy:
- Nghĩa là anh định moi tin ở em. Xin lỗi, em không bán rẻ bạn bè đâu nghe.
Quân nhỏ nhẹ:
- Em chỉ giúp anh hiểu nhiều hơn một người anh có tình cảm chớ đâu phải em bán rẻ bạn bè.
Thanh Du trố mắt:
- Anh thích nhỏ Nhã Ca thiệt hả?
Quân trầm tĩnh:
- Với Nhã Ca, anh rất mực thương cảm.
Rồi anh không đợi Du thắc mắc gì về lời của mình mà hỏi ngay:
- Em biết nhà Nhã Ca không?
Du hỏi lại:
- Nhà ở quê ấy hả?
Quân buột miệng:
- Quê nào?
Thanh Du nói:
- Thì quê nó ở Hòa Lộc, Cái Bè, Tiền Giang đó. Không phải anh cùng quê với nó sao? Cái xứ đặc sản về xoài cát ấy.
Quân ậm ự:
- Ờ thì cùng quê, nhưng anh muốn hỏi nhà ở đây của Ca kìa.
Du vô tư:
- Bọn em chung nhà trọ mà, sao anh lại nó thế?
Quân nhíu mày:
- Chung nhà trọ à?
Thanh Du gật đầu:
- Vâng, chớ anh tưởng Nhã Ca ở với ai?
Quân bất ngờ vì những gì vừa nghe. Từ trước tới giờ, anh cứ tưởng Ca sống với bà ngoại. Thì lần đầu tiên Nhã Ca xuất hiện ở nhà Quân, cô đi với bà ngoại. Hai bà cháu có một ngôi nhà nhỏ bên quận Tám, trong khu Xóm Đạo. Quân nhớ rất rõ bà ngoại Ca đã nói thế. Sao bây giờ cô phải ở nhà trọ nhỉ?
Quân ngập ngừng:
- Thế bà ngoại Nhã Ca đâu?
- Chắc là ở dưới quê, Nhã Ca ít về quê lắm. Chung nhà trọ lâu nay mà em thấy dường như nó chả mấy khi về quê. Thỉnh thoảng có bà dì tên Nhã Bình tới tiếp tế mì gói, sữa cho nó. Em chưa khi nào nghe nó nhắc tới ba mẹ hay bà ngoại. Bộ Nhã Ca có bà ngoại nữa hả?
Quân bật cười vì câu hỏi ngớ ngẩn của Du:
- Ai lại không có bà ngoại.
Quân hỏi tiếp:
- Thế tiền ăn học của Ca ai lo?
- Em không biết. Mà chắc ba mẹ nó phải lo rồi. Tới tháng vẫn thấy nó có vài trăm ngàn. Tằn tiện thì cũng đủ. Nhưng học phí thì căng lắm. Tới đợt đóng học phí Nhã Ca lo đến mất ăn mất ngủ, tụi em không giúp được gì nên chả dám hỏi ai cho nó tiền để đóng học phí.
Quân xót cả lòng. Anh không thể không trách ba mình. Cho dù Nhã Ca là đứa con ngoài ý muốn, bị ông chối bỏ từ lúc vừa mới lọt lòng, ông cũng phải có trách nhiệm với giọt máu của mình chớ. Đằng này ông luôn gạt ngang, phớt lờ như trên đời nay không có mặt Nhã Ca. Con bé hận ông cũng phải.
Thanh Du gặng:
- Anh hỏi như thế chả lẽ Nhã Ca chỉ có bà ngoại chớ không có ba mẹ nên ba mẹ nó không lo cho nó ăn học?
Quân lắc đầu:
- Không. Không phải như vậy.
Du nhún vai:
- Em có cảm giác anh cũng chả biết gì về Nhã Ca hơn em.
Quân thú nhận:
- Đúng. Chính vì vậy anh mới phải tìm hiểu Nhã Ca thông qua em.
Du hỏi tới:
- Anh thích nó, đúng không?
Quân phẩy tay:
- Em nghĩ thế cũng được.
Du trịnh trọng:
- Anh muốn biết gì về con nhỏ?
Quân hỏi:
- Ca gặp khó khăn gì trong cuộc sống thường ngày?
Thanh Du ngập ngừng:
- Cũng như những sinh viên xa nhà ở trọ đi học khác, nó thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng em cảm giác Nhã Ca không có người thân dưới quê. Nó chẳng còn ai ngoài dì Nhã Bình. Bọn chung phòng xù xì với nhau nó không có cha, còn mẹ thì... Chậc! Nói xấu bạn là tồi, em không thích.
Quân lắc đầu:
- Em đang cho anh biết những gì liên quan tới Nhã Ca chớ không phải nói xấu.
Thanh Du nhún vai:
- Thì cũng có gì khác đâu.
Hai người chợt rơi vào im lặng. Cuối cùng Quân lên tiếng:
- Em để ý hộ anh, trong sinh hoạt thường ngày, nếu Nhã Ca gặp khó khăn gì em nhớ cho anh biết.
- Anh định âm thầm giúp đỡ con nhỏ à? Tốt bụng đấy! Hy vọng nó càng ngày càng bớt ghét anh.
Quân gượng cười:
- Anh cũng hy vọng thế.
Thanh Du nhìn đồng hồ:
- Sắp tới ca làm việc của em rồi. Xin phép anh vậy.
Quân nói:
- Sẽ có dịp anh mời em uống cà phê nữa.
Du nheo mắt:
- Lần đó chắc chắn phải có Nhã Ca. Đúng không?
Quân cười:
- Em nhạy bén lắm.
Thanh Du đứng dậy:
- Cũng nhờ em sống với một đứa khó hiểu như Nhã Ca. Thôi, chào anh nha.
Quân đợi Du đi khuất mới gọi điện cho Cang. Nếu được, cũng nên bắt Cang khao một chầu nhân dịp nhận lại điện thoại lắm chứ.
Trăng Khuyết Trăng Khuyết - Trần Thị Bảo Châu