Tôi Là Số Bốn epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 4
ẠI MỘT THÂN PHẬN MỚI, LẠI MỘT TRƯỜNG HỌC MỚI. Không rõ với chừng ấy thời gian, tôi đã trải qua bao nhiêu cuộc đời rồi. Mười lăm? Hay hai mươi? Lúc nào cũng là một thị trấn nhỏ, một trường học nhỏ, một môtíp chung. Đám học trò mới chú ý? Lắm lúc tôi tự hỏi chuyện chúng tôi cứ một hai đeo bám các thị trấn tỉnh lẻ thực sự là vì khó khăn, hay chính xác là để không thể bị dòm ngó? Kì thực, tôi vẫn biết lí do của bác Henri: không được để cho thiên hạ chú ý tới mình.
Ngôi trường cách nhà chúng tôi ba dặm. Bác Henri chở tôi đến trường. So với tất cả những nơi tôi đã được học qua thì qui mô của ngôi trường này khiêm tốn vào hàng bậc nhất, diện mạo cũng chẳng hấp dẫn chút nào - một tầng, dài và thấp. Trên tường, ngay cạnh cửa ra vào, có hình vẽ một tên cướp biển đang ngậm dao.
- Vậy là giờ, cháu cũng là Cướp Biển rồi? - Bác Henri lên tiếng bên cạnh tôi.
- Có vẻ là như vậy, bác ạ - Tôi đáp lời.
- Cháu nắm nguyên tắc rồi đấy - Bác Henri bảo.
- Đây đâu phải là đấu trường đầu tiên của cháu.
- Đừng có thể hiện mình quá. Người ta sẽ khó chịu cho mà xem.
- Cháu chẳng dám đâu.
- Đừng tách biệt mình, hay làm gì có thể gây sự chú ý.
- Cháu chỉ âm thầm lặng lẽ thôi.
- Cũng đừng làm tổn thương ai. Đừng quên cháu mạnh hơn tất thảy mọi người.
- Cháu biết rồi.
- Nhất là, phải luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng, sẵn sàng lên đường khi có gì bất ổn. Trong ba-lô của cháu có gì thế?
- Dạ, trái cây khô và quả hạch dùng trong năm ngày. Quần áo lót, vớ dự trữ. Áo mưa. Thiết bị Định vị Toàn cầu cầm tay. Và một con dao xếp có hình dạng chiếc bút.
- Lúc nào cũng là những thứ ấy - Người đồng hành với tôi hít vào một hơi thật đầy - Nhớ để tâm chú ý mọi động tĩnh nhé. Bất cứ lúc nào, các Biệt năng của cháu cũng có thể xuất hiện. Bằng mọi giá, phải che giấu chúng và gọi điện thoại cho bác ngay.
- Cháu biết rồi, bác Henri ạ.
- Bất cứ lúc nào, John - Bác Henri lập lại - Nếu cháu thấy các ngón tay của mình bắt đầu biến mất, cháu bắt đầu lơ lửng trên không trung, hay như thấy cơ thể rung chuyển không ngừng; nếu cháu bắt đầu mất khả năng kiểm soát cơ thể và nghe thấy các giọng nói, dù chẳng có ai lên tiếng cả; gì thì gì, cũng phải gọi điện thoại cho bác ngay.
Tôi vỗ vỗ vào chiếc ba-lô của mình,
- Cháu có mang theo điện thoại đây.
- Bác sẽ chờ cháu ở đây khi tan học. May mắn nhé, nhóc - Bác Henri chào tạm biệt tôi.
Tôi mỉm cười. Bác Henri đã bước sang tuổi năm mươi. Điều đó có nghĩa là khi chúng tôi đặt chân đến đây, bác vừa tròn bốn mươi tuổi - Độ tuổi của những cuộc di chuyển khó khăn. Đến giờ, bác Henri vẫn nói rặt giọng Loric, chất giọng trại âm thường gặp ở tiếng Pháp. Và ngay từ buổi đầu, đó là một lý do hoàn hảo, khi bác lấy tên là Henri, rồi kể từ đó về sau, bác cứ luẩn quẩn với cái tên ấy, chỉ thay đổi mỗi họ cho phù hợp với tên của tôi mà thôi.
- Cháu đi coi trường lớp thế nào đây - Tôi nói với bác Henri.
- Ngoan nhé.
Tôi bước về phía khu nhà. Cũng giống như mọi trường trung học khác, ngoài sân đông đúc học sinh. Tất cả đều túm tụm lại thành nhóm riêng, tốp thì hoạt động thể thao và các hoạt náo viên, tốp chơi nhạc mang vác những nhạc cụ, tốp mọt sách đeo kính trắng, trên tay là những quyển sách giáo khoa và những chiếc điện thoại BlackBerry, tốp cá biệt đứng riêng một góc, chẳng ai ngó ngàng đến. Ở phía khác, một nam sinh cao lênh khênh với đôi kính dày đeo ở mắt đang đứng một mình. Trong chiếc áo thun đen có in chữ NASA và chiếc quần jean, trông có vẻ như cậu ta nặng chưa tới bốn mươi lăm kí, cậu nam sinh cao lênh khênh ấy đang mải mê quan sát bầu trời bằng chiếc kính viễn vọng cầm tay. Lúc này, chỉ có mây giăng mịt mờ. Và kia, tôi nhận ra một cô gái đang say sưa chụp hình, với cử chỉ vô cùng nhanh nhẹn, cô ấy liên tục di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Mái tóc vàng thẳng, dài quá vai, nước da trắng ngà, gò má cao và đôi mắt xanh long lanh - cô gái có vẻ đẹp mê hồn. Mọi người xung quanh dường như ai cũng biết cô nữ sinh ấy, những tiếng xin chào không ngừng cất lên, và không một ai phản đối những cú bấm hình cả.
Cô gái thích chụp hình ấy cuối cùng đã nhìn thấy tôi, mỉm cười và vẫy chào. Không khỏi ngạc nhiên, tôi ngoái đầu lại để xem ai đang đứng sau lưng mình. Chẳng có ai khác cả, ngoài hai học sinh đang tranh luận về một bài tập toán. Tôi quay đầu trở lại. Vẫn giữ nguyên nụ cười ấy, cô gái tiến lại phía tôi. Chưa bao giờ tôi trông thấy một cô gái nào đẹp đến thế, nói không ngoa, cũng chưa bao giờ tôi được một người nào vẫy tay chào và mỉm cười với mình như những người bạn. Liền tức khắc, tôi thấy căng thẳng, mặt bắt đầu đỏ bừng. Song, trong lòng tôi cũng đầy nỗi ngờ vực, như vẫn thường được bảo ban. Thế rồi khi đã đến gần tôi, cô gái nâng máy ảnh lên, bắt đầu chụp. Ngay lập tức, tôi đưa tay che mặt. Người đối diện hạ máy xuống, mỉm cười:
- Đừng nhát thế.
- Tôi không nhát. Tôi chỉ bảo vệ ống kính của cô thôi. Gương mặt của tôi sẽ làm hỏng nó mất.
Cô gái cười.
- Ấy là nếu anh cau mày. Cười thử xem nào.
Tôi mỉm cười, chỉ hơi hơi thôi. Nỗi lo lắng lớn đến nỗi tôi có cảm tưởng mình sắp nổ tung đến nơi. Tôi hoàn toàn có thể cảm nhận được cổ mình như đang bị nung trong lửa, hai bàn tay bắt đầu ấm ấm dần.
- Có phải là cười thật đâu - Cô gái mê chụp ảnh vặn vẹo, tỏ ra chọc ghẹo. - Cười là phải thấy răng kìa.
Tôi cười toe, và thế là cô gái bắt liền cái khoảnh khắc ấy. Bình thường, tôi không cho ai chụp hình mình. Ngộ nhỡ cuối cùng nó được tung lên internet, hay trên một tờ báo thì chuyện tìm ra tôi càng trở nên dễ dàng hơn. Chuyện này đã từng xảy ra hai lần, bác Henri khi ấy đã nổi xung thiên, gom hết tất cả các tấm hình, đem đi tiêu hủy. Nếu bác biết hiện giờ tôi đang làm gì, thế nào tôi cũng sẽ gặp rắc rối to. Dù sao thì tôi cũng không thể cưỡng lại được - cô gái đang đứng trước mặt tôi quá xinh đẹp và quyến rũ. Trong lúc cô ấy chụp hình tôi, một con chó bông từ đâu chạy lại. Đó là giống chó săn, hai tai nâu vàng mềm mại, chân và ngực trắng, thân đen, thon, nhưng bẩn thỉu và hình như là vô chủ. Con chó dụi người vào chân tôi, rên ư ử, cố gây sự chú ý. Cô gái cho rằng hình ảnh ấy thật dễ thương, nên bảo tôi ngồi xuống để cô ghi hình tôi với con chó. Nhưng rồi ngay khi cô gái bắt đầu bấm máy thì con chó xa lạ kia lại bắt đầu lảng đi. Cô gái càng thử, con vật càng tếch đi xa hơn. Cuối cùng, người muốn bấm máy phải chịu thua, chỉ còn biết chụp riêng cho tôi thêm vài kiểu hình nữa. Cách đó mười mét, con chó đang ngồi quan sát chúng tôi.
- Anh có biết con chó đó không? - Cô gái thắc mắc.
- Tôi chưa thấy nó bao giờ.
- Chắc chắn là nó thích anh. Anh là John hả?
Cô gái chìa tay ra.
- Vângggg - Tôi trả lời - Làm sao cô biết được?
- Tôi là Sarah Hart. Mẹ tôi là người đã giới thiệu nhà cho anh đấy. Mẹ bảo có lẽ hôm nay anh sẽ đi học, và dặn tôi nên đi tìm anh. Hôm nay, chỉ có anh là lính mới.
Tôi cười.
- À vângggg, tôi đã được gặp mẹ cô rồi. Bà thật tốt bụng.
- Anh có bắt tay tôi không?
Cánh tay của cô gái nãy giờ vẫn để nguyên như vậy. Mỉm cười, tôi bắt lấy bàn tay đang chìa ra phía mình, không thể không thừa nhận rằng đó là một trong những cảm giác tốt lành nhất mà tôi từng ghi nhận được.
- Ồ - Người đối diện với tôi chợt kêu lên.
- Sao thế?
- Tay anh nóng quá. Nóng thật đấy, giống như anh đang bị sốt vậy.
- Tôi không nghĩ thế đâu.
Cô gái buông tay tôi ra.
- Vậy chắc anh là người máu nóng.
- Vângggg, chắc là thế.
Không gian chợt rộn vang tiếng chuông, Sarah giải thích rằng đó là hồi chuông báo hiệu. Chúng tôi chỉ có năm phút để vào lớp. Chào tạm biệt nhau xong, tôi nhìn theo bóng cô gái bước đi. Rồi chỉ một thoáng sau, có một thứ gì đó bất chợt đập mạnh vào khuỷu tay tôi. Quay lại, tôi nhận ra các cầu thủ trong đội bóng, tất cả đều mặc áo khoác thể thao, đang đi lướt qua tôi. Một kẻ trong bọn nhìn tôi lom lom, và tôi nhận ra chính chiếc ba-lô của hắn đã quệt vào người mình. Không tin đó là tai nạn, tôi cất bước đi theo. Tôi ý thức được rằng mình sẽ không làm gì cả, dù tôi thừa sức thực hiện. Tôi không ưa tụi phách lối. Thấy động thái của tôi, anh chàng mặc chiếc áo NASA ban nãy bước đến sát bên tôi.
- Tôi biết cậu mới nhập học, nên tôi cho cậu hay - Cậu ta lên tiếng.
- Cho hay chuyện gì? - Tôi thắc mắc.
- Tay đó là Mark James. Trùm ở đây đấy. Bố hắn là cảnh sát trưởng, còn hắn là ngôi sao đội bóng. Ngày xưa hắn có hẹn hò với Sarah, khi cô ấy còn là hoạt náo viên, nhưng giờ thì Sarah đã thôi hoạt động rồi cho hắn ra rìa. Nhưng hắn không chịu bỏ qua. Nếu tôi là cậu, tôi sẽ không dây vào đâu.
- Cảm ơn cậu.
Cậu ta vội vã bỏ đi. Tôi bước đến văn phòng thầy hiệu trưởng để đăng ký các lớp học rồi vào lớp. Bất giác, tôi ngoái đầu lại xem con chó có còn quanh quẩn ở chỗ cũ hay không.
Hóa ra nó vẫn yên vị ở đấy, lặng lẽ quan sát tôi.
o O o
Thầy hiệu trưởng tên là Harris, có vóc người to lớn, đầu gần như nhẵn thín, trừ phần tóc phía sau và hai bên. Bụng thầy to tròn, phình ra, che cả chiếc dây nịt. Đôi mắt nằm sát vào nhau, tròn, nhỏ, và sáng. Từ phía sau cái bàn, thầy cười với tôi, nụ cười dường như muốn nuốt luôn cả hai mắt.
- Vậy trò là học sinh khóa hai từ Santa Fe tới đây? - Thầy hiệu trưởng lên tiếng. Tôi gật đầu, dù kì thực hai bác cháu tôi chưa bao giờ ở Santa Fe hay New Mexico. Một lời nói dối đơn giản có thể ngăn được sự lần dò.
- Điều đó giải thích cho làn da rám nắng của trò. Vì sao trò lại đến bang Ohio này?
- Vì công việc của bố em ạ.
Bác Henri không phải là bố tôi, nhưng tôi vẫn luôn nói như thế để không bị nghi ngờ. Kì thực, bác là Hộ Vệ, hay nói theo ngôn ngữ Địa Cầu, cho dễ hiểu hơn, bác là Giám Hộ của tôi. Trên hành tinh Lorien, xã hội của chúng tôi chia thành hai thành phần công dân. Những người có khả năng phát triển được Biệt năng, còn gọi là sức mạnh, với tính chất hoàn toàn khác nhau, từ vô hình cho đến đọc được suy nghĩ, từ bay lượn cho đến việc sử dụng các năng lượng tự nhiên như lửa, gió hay ánh chớp - Những người sở hữu Biệt năng được gọi là Garde. Và những người không sở hữu được gọi là Cêpan, hay Hộ Vệ. Tôi là một Garde. Bác Henri là một Cêpan. Từ thuở thiếu thời, mỗi một Garde đuợc chỉ định một Cêpan. Cêpan giúp chúng tôi hiểu về lịch sử hành tinh và phát triển các sức mạnh. Cêpan và Garde - một nhóm rời khỏi hành tinh, một nhóm ở lại bảo vệ xứ sở.
Thầy Harris gật đầu.
- Thế bố trò làm gì?
- Bố em là nhà văn. Bố muốn sống trong một thị trấn nhỏ, yên tĩnh để hoàn tất tác phẩm của mình - Tôi trả lời, đây là lớp vỏ bọc tiêu chuẩn của hai bác cháu tôi.
Thầy hiệu trưởng gật đầu, khẽ hé mắt.
- Trông trò khỏe mạnh đấy, chàng trai trẻ. Trò đã có kế hoạch chơi thể thao ở đây chưa?
- Em cũng mong như vậy, thưa thầy. Em đang bị suyễn - Tôi điềm tĩnh trả lời, đây là một lý do thông thường của tôi để né tránh vị thế có thể phản bội sức mạnh và tốc độ của mình.
- Tôi rất lấy làm tiếc khi nghe thấy điều đó. Lúc nào trường cũng tìm học sinh có đủ thể lực để chơi cho đội bóng của trường - Vừa nói, đôi mắt thầy vừa dõi lên chiếc kệ gần trên tường - Vừa nói, đôi mắt thầy vừa dõi lên chiếc kệ gần trên tường, trên đó đặt chiếc cúp được chạm trổ công phu có ghi chú thời điểm là năm ngoái.
- Chúng ta đã thắng đội Pioneer Conference đấy - Thầy giải thích thêm, giọng nói lẩn khuất niềm tự hào.
Nói đoạn, thầy hiệu trưởng rướn người tới chiếc tủ đựng hồ sơ kê cạnh bàn, rút ra hai tờ giấy, đưa cho tôi. Tờ đầu là thời khóa biểu của học sinh với một số dòng trống tự điền. Tờ thứ hai là danh sách các môn nhiệm ý. Tôi chọn một số lớp và điền vào, đoạn trao lại cho thầy hiệu trưởng. Thầy bắt đầu định hướng cho tôi, nói về những điều như giờ giấc, rằng cần phải đọc từng trang một cuốn cẩm nang học sinh, rằng cần phải chịu khó. Hồi chuông thứ nhất vang lên, rồi một hồi chuông nữa. Cuối cùng, thầy hỏi tôi có gì thắc mắc không. Tôi trả lời là không.
- Tốt lắm. Tiết hai còn nửa tiếng nữa, và trò đã chọn môn thiên văn học của cô Burton. Cô ấy rất tuyệt vời, là giáo viên giỏi nhất của trường chúng ta. Cô đã giành được giải thưởng của bang đấy, đích thân ngài Thống đốc bang đã kí.
- Hay quá - Tôi buột miệng nói như reo lên.
Sau khi trầy trật lắm mới nhấc mình ra khỏi ghế, thầy Harris rời văn phòng, bước tới cuối hành lang. Đôi giày nện cồm cộp xuống sàn nhà bóng loáng. Bầu không khí sực mùi sơn mới và chất tẩy rửa. Dọc các bức tường là những chiếc tủ cá nhân. Nhiều chỗ treo đầy những băng rôn cổ vũ đội bóng. Toàn bộ khu nhà chẳng có đầy hai mươi lớp học. Tôi nhẩm đếm từng lớp một khi đi qua.
- Đây rồi - Thầy Harris đột ngột nói và chìa tay ra.
Tôi bắt lấy.
- Trường rất mừng vì trò đã về đây. Tôi thích nghĩ rằng trường ta là một gia đình gắn bó hơn. Rất vui được đón chào trò đến gia đình của chúng ta.
- Em cảm ơn thầy - Tôi đáp lời.
Rồi thầy Harris mở cửa, ló đầu vào trong phòng. Chỉ đến thời khắc đó, tôi mới cảm nhận được một nỗi bất an, cảm giác váng vất xâm nhập vào cơ thể. Chân phải của tôi bắt đầu phát run; lòng dạ bắt đầu bồn chồn. Tôikhông hiểu vì sao, chỉ biết nguyên nhân không phải do tôi đến lớp học thứ nhất. Nhiều lần, tôi đã từng lấy lại tinh thần rất nhanh kia mà. Hít vào một hơi thật đầy, tôi cố rũ sạch các cảm giác không hay kia đi.
- Cô Burton, xin lỗi vì đã cắt ngang. Học sinh mới của cô đến rồi.
- Ồ, hay quá! Thầy đưa trò ấy vào đi - Giọng cô Burton cất cao vì phấn khích.
Thầy Harris giữ cửa mở cho tôi bước vào. Lớp học thật vuông vức, sĩ số trên dưới hai mươi lăm học sinh, ai nấy đều ngồi bên những chiếc bàn chữ nhật, kích cỡ như bàn nhà bếp, mỗi bàn ngồi ba người. Tất cả các cặp mắt đều đổ dồn vào tôi. Tôi cũng nhìn đáp lại tất cả mọi người trước khi chuyển điểm nhìn lên cô Burton. Đó là một người phụ nữ tuổi tầm sáu mươi, mặc chiếc áo len màu hồng và đeo nơi mắt một cái kính gọng đỏ có gắn dây thòng quanh cổ. Cô cười rất tươi, mái tóc xoăn đã bắt đầu ngả sang xám. Hai lòng bàn tay của tôi bắt đầu túa mồ hôi, gương mặt không khỏi biểu lộ niềm phấn chấn. Hi vọng là không đỏ. Thầy Harris đóng cửa lại.
- Trò tên gì? - Cô Burton hỏi tôi.
Vẫn còn chưa lấy lại được tinh thần, tôi toan trả lời: "Dạ, là Daniel Jones", nhưng tôi đã kìm bản thân lại được. Tôi hít vào một hơi thật sâu, trả lời một cách điềm tĩnh:
- Dạ, John Smith.
- Tốt! Trò từ đâu đến?
- Dạ. Fl... - Tôi lại sắp sửa nói ra điều ngốc nghếch nhưng rồi cũng kịp ngăn mình lại - Santa Fe.
- Cả lớp, hãy cho bạn đây cảm nhận được sự chào đón ấm áp đi nào.
Mọi người nhất loạt vỗ tay. Cô Burton ra hiệu cho tôi ngồi vào một chỗ trống ngay giữa lớp học, ở bên cạnh hai học sinh khác. Thật nhẹ nhõm làm sao khi cô không còn hỏi han tôi thêm một câu nào. Đoạn cô quay trở lại bàn, còn tôi thì bước xuống lối đi, tiến thẳng về phía Mark James, hắn đang ngồi cùng bàn với Sarah Hart. Khi tôi đi ngang qua, hắn đưa chân ra ngáng. Tuy bị mất thăng bằng, nhưng tôi vẫn giữ cho mình đứng thẳng được. Những tiếng cười hinh hích bắt đầu rộ lên đây đó. Cô Burton quay phắt lại.
- Có chuyện gì thế? - Cô thắc mắc.
Tôi không lên tiếng trả lời, nhưng mắt thì chú mục vào Mark. Trường nào cũng có một tên học sinh đầu sỏ, một kẻ khó chịu, mọi người muốn gọi sao đó thì gọi, nhưng chưa có một tên nào như tên này. Tóc hắn đen, vuốt đầy keo, tỉ mỉ chỉnh từng li từng tí thành một quả đầu gai nhọn. Hai bên thái dương của hắn, tóc mai dài cũng được cắt tỉa một cách cẩn thận. Đôi lông mày rậm trên màu mắt đen. Từ chiếc áo khoác thể thao, tôi nhận ra hắn là học sinh khóa cuối, tên hắn được thêu bằng chỉ màu vàng, bên dưới là số năm. Ánh mắt của hắn và của tôi khóa chặt vào nhau, cả lớp nhao lên những tiếng rầm rì mang đầy vẻ chế nhạo.
Tôi nhìn xuống chỗ ngồi của mình cách đó ba bàn, đọan hướng ánh nhìn trở lại Mark. Nếu muốn, tôi hoàn toàn có thể xả thân hắn ra làm hai, tôi có thể ném hắn sang lãnh thổ của quốc gia láng giềng. Nếu hắn cố chạy trốn, chui vào xe hơi, tôi cũng thừa sức đuổi kịp chiếc xe hơi ấy và túm nó, quăng lên ngọn cây một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên, bên cạnh phản ứng quá mạnh mẽ ấy, lời nhắn nhủ của bác Henri chợt hiện về trong tâm trí tôi: "Đừng tách biệt mình, hay làm gì có thể gây sự chú ý." Tôi ý thức đưọc rằng mình cần phải làm theo lời khuyên của người Hộ Vệ, phải phớt lờ tất cả những gì vừa xảy ra, như trước đây tôi vẫn từng làm. Chúng tôi đã thực hiện điều này rất tốt, hòa nhập với môi trường và sống dưới cái bóng của nó. Tuy nhiên, lúc này đây, tôi cảm thấy đôi chút băn khoăn, thậm chí bực bội trong lòng, và trước khi kịp có cơ hội suy nghĩ chín chắn, câu hỏi trong tôi đã kịp phát ra thành lời.
- Cậu muốn gì à?
Mark lảng đi, hắn nhìn khắp một lượt quanh lớp, chỉnh lại thế ngồi rồi nhìn ngược trở lại tôi.
- Cậu nói cái gì thế? - Hắn hỏi.
- Khi tôi đi qua, cậu ngáng chân tôi. Ở ngoài kia thì cố tình va vào tôi. Tôi nghĩ có lẽ cậu muốn gì đó.
- Có chuyện gì vậy? - Giọng nói của cô Burton vang lên ngay sau lưng tôi. Tôi ngoái lại nhìn cô.
- Dạ không có gì ạ - Tôi trả lời, nhưng liền sau đó quay trở lại Mark - Sao?
Trên bàn, hai tay Mark gồng cứng lại, tuy nhiên, hắn vẫn không nói một lời nào. Ánh nhìn của chúng tôi tiếp tục giao nhau cho tới chừng hắn thở dài và nhìn sang hướng khác.
- Tôi nghĩ như thế đấy - Tôi bảo với hắn và tiếp tục bước tới.
Các học sinh xung quanh không biết phải phản ứng như thế nào, hầu hết vẫn dõi mắt theo tôi, trong lúc tôi ngồi vào bàn giữa một cô gái tóc đỏ và một nam sinh quá khổ, cậu ta chú mục vào tôi, miệng há hốc ra.
Cô Burton đứng ở đầu lớp học. Trong cô có vẻ hoang mang, nhưng rồi cô cũng nhún vai, giải thích lí do vì đâu quanh sao Thổ lại có những vòng đai, vì sao chúng lại được tạo thành chủ yếu từ các phân tử đá và bụi. Sau một hồi, tôi thôi chú ý đến cô giáo mà lướt mắt nhìn sang các học sinh khác - những con người mới mà tôi sẽ phải giữ một khoàng cách nhất định, một lằn ranh an toàn vừa đủ để tôi có các mối quan hệ bạn bè thông thường, đồng thời vẫn giữ được bí mật của mình, cũng như không trở thành một kẻ lập dị kì khôi. Vậy mà hôm nay, tôi lại làm một trò kì quặc.
Tôi hít vào một hơi thật sâu rồi thở ra một cách chậm rãi. Bụng dạ vẫn còn chộn rộn, một bên chân vẫn còn chưa hết run. Đôi bàn tay thì ấm dần. Trước tôi ba bàn là tên Mark James. Có một lần hắn quay lại nhìn tôi, sau đó thì thầm vào tai Sarah. Cô gái quay lại. Có vẻ như cô gái ấy rất tuyệt vời, nhưng chuyện cô nàng đã từng hẹn hò với Mark khiến tôi không khỏi thắc mắc. Sarah tặng cho tôi một nụ cười thật hiền. Rất muốn cười đáp lại, nhưng không hiểu sao toàn thân tôi cứng đờ. Mark thì thào thêm một điều gì đó với cô bạn, nhưng cô lắc đầu và đẩy hắn ra. Một khi đã tập trung, thì thính giác của tôi nhạy hơn hẳn người bình thường, tuy nhiên, lúc này, nụ cười của Sarah làm cho tôi bối rối đến nỗi không thể làm được điều đó. Ước gì tôi có thể nghe được những lời họ đã trao đổi với nhau.
Tôi xòe tay ra rồi nắm lại. Lòng bàn tay của tôi túa đầy mồ hôi và bắt đầu tỏa nhiệt lượng. Một hơi thở sâu khác. Thị lực của tôi nhòe dần. Năm phút trôi qua, rồi mười phút. Cô Burton vẫn đang say mê với bài giảng của mình nhưng tôi lại không thể ghi nhận được một lời. Tôi siết hai nắm tay lại, rồi mở ra. Hơi thở như tắt trong cổ họng tôi. Một quầng sáng lờ mờ chợt xuất hiện trong bàn tay phải. Tôi chú mục vào đó, điếng người, kinh ngạc. Vài giây sau, quầng sáng ấy bắt đầu hiện ra rõ nét hơn.
Tôi nắm chặt hai bàn tay lại. Thoạt đầu, tôi lo rằng một đồng đội khác gặp chuyện. Nhưng chuyện gì mới được? Rõ ràng là chúng tôi không thể bị giết bừa rồi. Đó là cơ chế hộ thân của mảnh bùa trước ngực. Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa rằng họ sẽ không thể gặp nguy hiểm? Liệu có người nào đang bị chặt đứt bàn tay phải hay không? Không bao giờ tôi có thể biết được. Tuy nhiên, nếu có chuyện gì thì các vết sẹo nơi mắt cá sẽ cảm ứng cho tôi ngay. Trong thời khắc ấy, tôi chợt nảy ra một ý niệm khác. Có lẽ Biệt năng đầu tiên của tôi đang hiển hiện.
Rút điện thoại di động ra khỏi balô, tôi gửi tin nhắn cho bác Henri đúng một từ duy nhất: DFN - từ đúng lẽ ra phải là: DEN. Đầu óc quay cuồng, đến độ tôi không thể nghĩ ra một lời nào khác, vẫn nắm chặt hai bàn tay, tôi đặt chúng xuống đùi. Cả hai bàn tay đang tỏa sáng và không ngừng run rẩy. Tôi mở hai tay ra. Tay trái của tôi đang đỏ tấy, còn tay phải thì phát sáng. Tôi chuyển điểm nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, cũng chẳng còn mấy thời gian nữa. Một khi ra khỏi lớp học, tôi sẽ tìm ngay một căn phòng trống rồi gọi điện thoại cho bác Henri, hỏi bác xem đang xảy ra chuyện gì. Giờ thì tôi ngồi nhẩm đếm các giây: sáu mươi, năm mươi chín, năm mươi tám. Tôi có cảm giác như một thứ gì đó sắp sửa bùng nổ trong tay mình. Tôi cố tập trung tâm trí vào các con sổ. Bốn mươi, ba mươi chín. Hai bàn tay tôi bắt đầu có cảm giác râm ran, hệt như trong lòng bàn tay đang bị cắm đầy những cây kim nhỏ. Hai mươi tám, hai mươi bảy. Tôi mở mắt ra, nhìn chằm chằm về phía trước, tập trung vào Sarah với hi vọng sẽ làm bản thân xao lãng phần nào. Mười lăm, mười bốn. Nhìn cô gái ấy càng chỉ khiến cho mọi thứ tôi tệ hơn. Những cây kim lúc này chẳng khác nào những chiếc vuốt, những chiếc vuốt đã được đặt trong lò và nung đến nóng đỏ. Tám, bảy.
Chuông reo, ngay lập tức, tôi đứng bật dậy và bước ra khỏi phòng, len qua những học sinh khác. Váng vất, hai chân tôi bắt đầu chòng chành. Tôi cứ đi xuôi về phía cuối hành lang, không hề ý thức được là mình đi đâu, song, tôi vẫn có cảm giác rõ ràng rằng có người nào đó đang bám theo mình. Rút chương trình học ra khỏi túi, tôi kiểm tra lại số hộc tủ cá nhân. May sao, hộc tủ của tôi nằm ngay bên phải. Tôi dừng bước, gục đầu vào cánh cửa bằng kim loại. Lắc đầu, tôi nhận ra rằng vì quá hối hả ra khỏi lớp mà tôi đã bỏ quên balô lẫn chiếc điện thoại ở trong đó. Bất chợt, một ai đó xô tôi.
- Sao hả, thằng cứng đầu?
Tôi sẩy chân, suýt ngã, nhìn lại. Mark đang đứng chần dần ngay ở trước mặt tôi, cười mỉm.
- Sao? - Hắn hỏi.
- Không có gì - Tôi đáp cụt lủn.
Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi có cảm giác như mình sắp sửa bất tỉnh đến nơi. Hai bàn tay tôi như đang nằm trong lửa. Điều đang xảy đến với tôi thật không có gì còn tồi tệ hơn được nữa. Kẻ đối diện lại xô tôi.
- Không có giáo viên ở đây, mày hết cứng đầu rồi phải không?
Mất thăng bằng quá đỗi, tôi trượt chân, ngã dúi xuống đất. Sarah bỗng xuất hiện, tiến tới trước mặt Mark.
- Để cho cậu ấy yên - Cô gái lên tiếng.
- Không phải chuyện của em - Hắn trả lời cô bạn.
- Phải. Cứ thấy tôi nói chuyện với người khác là anh ngay lập tức lại gây sự với người ta. Đây chỉ là một lý do vì sao chúng ta không chơi với nhau được nữa đấy.
Tôi lồm cồm đứng dậy. Sarah cúi xuống giúp, nhưng ngay khi cô gái vừa chạm vào người tôi, cơn đau ở hai tay tôi bỗng thốn lên và trong đầu tôi giống như đang có một luồng sét bổ xuống. Tôi xoay người lại, hối hả bỏ đi, ngược hướng với lớp học thiên văn. Tôi hiểu mọi người sẽ nghĩ rằng tôi là thằng chết nhát đang bỏ chạy, nhưng tôi đang có cảm giác mình sắp ngã quị xuống đến nơi rồi. Rồi tôi sẽ nói lời cảm ơn Sarah, giải quyết mâu thuẫn với Mark, nhưng mà là sau này. Còn trong thời điểm hiện tại, tôi cần tìm gấp một căn phòng có khóa.
Tôi đi về cuối hành lang, băng ngang qua lối chính vào trường. Lần dò lại trí nhớ về sự chỉ dẫn của thầy Harris, tôi cố nhớ lại vị trí của những căn phòng khác. Nếu tôi không lầm, ở cuối hành lang này là hội trường, các phòng văn nghệ, các phòng mỹ thuật. Guồng chân của tôi bắt đầu tăng tốc, cố chạy hết sức trong tình trạng hiện thời. Sau lưng, tôi nghe thấy Mark hét lên với tôi, và Sarah hét lên với hắn. Cuối cùng, tôi cũng mở được cánh cửa đầu tiên mà bàn tay có thể với tới, đoạn đóng cửa lại. May thay cửa có khóa, tôi bấm chốt.
Căn phòng tối om. Các thước phim âm bản được treo mắc để hong cho ráo. Tôi đổ gục xuống sàn. Đầu óc tôi quay cuồng, và tay thì đang cháy nóng. Kể từ lúc trông thấy luồng sáng, tôi vẫn luôn siết tay lại. Lúc này, tôi quan sát chúng một lần nữa, bàn tay phải của tối vẫn đang phát sáng, chập chờn. Tôi bắt đầu hoang mang.
Tôi ngồi trên sàn, mồ hôi làm xót cả hai mắt, còn hai tay thì đau đớn vô cùng. Tôi ý thức được sự hiện hình của các Biệt năng, nhưng không ngờ là phải chịu đựng những hành hạ này. Mở hai bàn tay, tôi nhận ra lòng bàn tay phải sáng bừng, luồng sáng đang bắt đầu tập trung lại. Ở bàn tay trái, ánh sáng còn đang lập lòe, cảm giác rát buốt gần như không thể chịu đựng nổi. Ước gì bác Henri đang đến đây. Mong sao bác đang trên đường đi đến.
Khép mắt lại, tôi vòng tay trước ngực, ngồi ngật ngừ tới lui trên sàn, nghe cơ thể mình đau nhức. Tôi không rõ thời gian đã trôi qua bao lâu. Một phút? Hay mười phút? Chuông reo, báo hiệu thời điểm bắt đầu của tiết học tiếp theo. Tôi nhận ra tiếng người đang trò chuyện ở bên ngoài cửa. Cánh cửa rung lên đôi lần, nhưng vì cửa khóa nên không ai có thể vào được. Tôi tiếp tục động tác tự vỗ về chính bản thân mình với hai mắt nhắm nghiền. Tiếng gõ cửa bắt đầu vang lên. Tiếng nói đứt quãng không sao ghi nhận được. Tôi mở mắt ra, ánh sáng trong hai lòng bàn tay đã thắp sáng toàn bộ căn phòng. Tôi nắm ngay hai tay lại, cố ngăn luồng sáng, nhưng các tia quang học vẫn len lỏi thoát ra được qua các kẽ tay. Cánh cửa lại bắt đầu rung lên. Liệu họ sẽ nghĩ gì khi thấy tay tôi phát sáng? Không biết giấu đi đằng nào nữa. Tôi biết phải giải thích như thế nào?
- John? Mở cửa ra... bố đây - Một giọng nói chợt cất lên.
Một nỗi nhẹ nhõm ngập tràn khắp cơ thể. Chính là giọng nói của bác Henri, giọng nói duy nhất trên thế giới này tôi muốn nghe.
Tôi Là Số Bốn Tôi Là Số Bốn - Pittacus Lore Tôi Là Số Bốn