Chương 6 -
ruyền vươn vai bước xuống giường, mở cửa anh ra ban công đứng khi trời còn tờ mờ sáng, mặt trời đỏ ối vừa lấp ló đằng xa sau những hàng dừa. Không khí và không gian ở đây thật tuyệt. Anh đã ngủ một đêm tròn giấc không quạt trần, không máy lạnh. Ngủ ngon như chưa bao giờ được ngủ.
Hít một hơi thật sâu, Truyền chống tay mắt dõi tìm chú chim nào vừa cất tiếng chào sớm mai, tiếng hót trong veo vui tai làm sao. Mỉm cười, Truyền nhìn những cành mận vươn mình dưới sương. Chú chim bé xíu vẫn rướn cao cổ hót mà không hay có người đang ngắm mình.
Chú ta khiến Truyền liên tưởng tới cô bé nhà bên. Cô bé ấy giống chú chim non kia, vô tình không biết có người mải mê nhìn mình. Một cô bé trông dễ yêu, những cũng không kém kiêu kỳ, Truyền muốn làm quen. Có lẽ anh nên sang thăm láng giềng một chuyến, vì dù sao anh cũng mới dọn về. " Anh em xa,thua láng giềng gần ". Một động tác xã giao cũng cần thiết lắm chứ.
Truyền bắt đầu khởi động để tập thể dục. Anh pha cà phê, vào nhà tắm và ra ngồi trước máy vi tính. Một ngày của anh luôn bắt đầu như thế và anh bằng lòng với điều đó.
Điện thoại reo, Truyền cầm máy ra ban công và nghe giọng Vịnh oang oang:
- Mày đang ở đâu thế?
- Ở nhà chớ ở đâu vào giờ này mà mày hỏi? Lạ thiệt!
Vịnh cười hà hà trong máy:
- Ý tao muốn hỏi là ở nhà nào kìa?
- Nhà mới.
- Một mình hả?
- Ừ.
- Sao lại thế?
Truyền cười nhẹ:
- Thì " Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người kiếm chốn lao xao " mà.
- Vắng vẻ có đôi vẫn hơn vắng vẻ một mình.
- Mày thừa biết Thúy Ái không thích ngôi biệt thự này.
Vịnh bảo:
- Ái thích nhưng lại sợ " Âm khí trong nhà đó còn... dậy mùi lắm ". Ái nói với tao như vậy.
Truyền bực bội:
- Nhảm nhí!
- Nhưng đấy lại là lý do để Ái kiên quyết không đồng ý cho mày ở đó.
Truyền lái câu chuyện sang hướng khác:
- Đầu ngày mày tìm tao không phải để nói những chuyện này chứ.
- Ơ.... dĩ nhiên là không. Tao định rủ mày đi cà phê.
- Giờ này chưa được. Tao đang chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp chiều nay. Có rảnh cũng phải 10 giờ.
Vịnh ngập ngừng:
- 10 giờ cũng được. Tao đợi mày ở Mimosa
- Có gì không?
- Cũng có tí việc.
- Công hay tư?
- Chuyện riêng, khá tế nhị.
- Rồi tao sẽ đến. Thôi nhé.
Truyền đóng nắp cái di động nhỏ xíu. Anh chả lạ gì "chuyện riêng khá tế nhị " cúa Vịnh. Gã ta bài bạc, lại gọi để mượn tiền thôi. Mới sáng sớm đã phiền, thật khó chịu. Dầu thân thiết cỡ nào, Truyền vẫn bực bội. Sự bực bội ấy, khiến anh hết hứng làm việc tiếp.
Bưng tách cà phê ra ban công, Truyền nhâm nhi và nhìn sang nhà láng giếng.
Cô láng giềng đang nhảy dây. Đây là "chương trình thể dục buổi sáng " chắc. Truyền chống tay nhìn những vòng quay nhịp nhàng với nhịp rơi xuống của đôi chân và nhớ tới hồi xưa của mình.
Hồi đó, anh thích làm võ sĩ quyền anh nên rất chăm nhảy dây. Còn cô bé này, cô bé có thích hão huyền như Truyền hồi trẻ con nhỉ?
Bỗng dưng Truyền buồn cười với thắc mắc của mình. Anh tiếp tục đoán về cô bé.
Hẳn đây là một nhóc con hay mơ mộng. Hôm trước, Truyền thấy rõ cô nàng ngồi một mình nghĩ ngợi mông lung, từ hoàng hôn cho tới tối. Anh đứng ở cửa sổ hút bao nhiêu là thuốc mà nàng ta vẫn chưa rời khỏi chiếc ghế đá của mình. Chắc chắn đang mơ một chàng hoàng tử nào đấy, xinh xắn như vậy hẳn phải có nhiều chàng đeo đuổi.
Uống một ngụm cà phê đã nguội, Truyền cười thầm khi thấy mình sao lại tò mò chuyện của một người lạ. Ngay lúc ấy, cô gái bỗng quay lên nhìn anh.
Mỉm cười, Truyền đưa tay lên chào. Cô bé chun mũi, le lưỡi đáp lễ rồi chạy vội vào nhà. Trò trẻ con ấy khiến anh vui, tâm hồn già cỗi của anh như trẻ ra dăm bảy tuổi.
Sao Thúy Ái không có được sự trẻ trung nhí nhảnh thế nhỉ, dù cô còn rất ham vui? Không đêm nào Ái có mặt ở nhà sớm hơn 12 giờ. Cô la cà hết quán bar này tới quán cà phê hay vũ trường nọ. Những năm sống ở nước ngoài khiến Ái có thói quen vào quán. Cô tán gẫu, uống rượu với ta lẫn Tây và rất hãnh diện vì sự giao du rộng rãi của mình.
Thúy Ái chẳng cần Truyền đi cùng. Cô sống thoải mái, chơi vô tư và chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ muốn lập gia đình, dù anh đã năm lần bảy lượt đề cập.
Mỗi lần nghe Truyền nói tới hôn nhân, Ái thường cười rồi í ới hát:
" Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn. "
Cô cứ cho rằng mình trẻ, dù tuổi " băm " đã tới trước ngưỡng cửa nhà rồi.
Truyền thấy mỏi mệt vì thói đỏng đảnh của Ái. Anh mỗi ngày một mất dần kiên nhẫn vì chờ đợi, mà không biết bao giờ Ái mới " Theo chồng bỏ cuộc chơi ". Anh không còn trẻ trung gì để cứ tối ngày ăn cơm tiệm, ngủ một mình, không một bàn tay phụ nữ chăm sóc. Anh thèm một gia đình của riêng mình. Thèm được yêu một cách thực thụ, thèm được quan tâm một cách lãng mạn đầy mơ mộng ngọt ngào của những người mới yêu. Nhưng Thúy Ái thì không. Cô quá cáo già trước mọi vấn đề của cuộc sống. Ái không lãng mạn, trái lại, cô rất thực tế. Hai người khác ngược nhau, nhưng không hiểu sao lại yêu nhau.
Lắm lúc Truyền nghĩ: Có phải lúc sống ở xứ người xa xăm, anh cần một đồng hương để được cảm thông chia sẻ buồn vui, cực nhọc nên đã dễ dàng yêu Thúy Ái?
Truyền không rõ lắm, chỉ biết Ái đẹp. Khối gã đeo đuổi, nhưng cô lại chọn anh. Mãi tới bây giờ vẫn thế, duy một điều lấy chồng thì cô chưa muốn. Thúy Ái không muốn bị ràng buộc, song cô lại giỏi buộc ràng kẻ khác. Chính sự ràng buộc ấy khiến Truyền khó chia tay với cô để tìm cho mình một tình yêu khác, hay tại bản thân anh chưa tìm được đối tượng nào để yêu say đắm đến mức tháo gỡ sạch những sợi dây vô hình của Ái.
Truyền uống hết cà phê rồi trở vào ngồi trước màn hình.
Anh nghe giọng trong trẻo vang lên từ sân nhà kế bên:
- Lân! Vào ăn sáng. Chị chiên hột gà rồi, ăn liền cho nóng. Cà phê sữa cũng pha sẵn, uống xong mới ngồi vào bàn nha. Chị đi chợ đây.
Một cô nàng đảm đang đây. Truyền lại tủm tỉm một mình. Anh nhớ tới cái nghênh mặt lém lỉnh lúc nãy của cô nhóc rồi huýt gió.
Bài Love Story vang lên từ vô thức lúc nào Truyền cũng không biết. Anh chợt nghe giọng cô nàng hàng xóm.
- Trời! Lại bài nhạc này. Lão láng giềng này chắc có một mối tình lâm li lắm hay sao mà lúc nào cũng Love story...
Rồi giọng ồm ồm của thằng em:
- Muốn biết cứ sang mà hỏi.
- Xí! Ai mà thèm.
- Nếu chị ngại, em sẵn sàng hỏi giùm.
- Nhiều chuyện!
Truyền bước ra cửa sổ nhìn xuống. Cô bé nhỏng nhảnh trong chiếc áo thun ôm và quần lửng đang dắt xe ra đi chợ.
Coi bộ cũng đảm đang. Con gái đảm đang là có điểm rồi. Xem nào, gia đình này hình như chỉ mỗi ba mẹ con, Truyền chưa thấy ông bố lần nào.
Hôm mới chuyển nhà tới, Su Su cháu gái anh đã làm quen với thằng nhóc bên ấy, nó khen thằng nhỏ ăn nói có duyên. Bọn trẻ dễ quen nhau thật.
Nhìn đồng hồ, anh quyết định sang thăm xã giao.
Nói là làm, Truyền thay quần áo cho tươm tất rồi bước qua bấm chuông. Người mở cổng cho Truyền là cậu bé " ăn nói có duyên " của nhỏ Su Su.
Cậu ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy Truyền. Anh tự giới thiệu:
- Chào em. Tôi ở nhà kế bên.
Lân mau mắn:
- Em vẫn thấy anh ngồi hút thuốc trên ban công. Mời anh vào nhà chơi.
Vừa nói, Lân vừa mở rộng cửa, Truyền đi phía sau Lân. Anh nhìn khoảng sân, chiếc ghế đá, bậc tam cấp, dãy hành lang dọc đường nhà anh rồi bước vào phòng khách.
Ở đây, mọi thứ đều xinh xắn, dễ thương và ấm áp chớ không lạnh, trống trải và buồn bã như ở bên anh. Chỉ cách nhau một bức tường, song khung cảnh và cách sống của đôi bên xem ra khác nhau quá
Lân bảo:
- Anh ngồi chơi để em gọi mẹ.
Truyền ngập ngừng:
- Như vậy có phiền bác không?
- Không đâu. Mẹ em vẫn chưa đi làm mà.
Lân tót vào trong, chưa đầy một phút, bà Vân bước ra
Truyền gật đầu chào, bà Vân đon đả mời ngồi:
- Cứ tự nhiên ngồi đi cháu. Biết có láng giềng mới, khổ nỗi tôi bận công việc suốt ngày nên chưa sang thăm viếng được.
Truyền mồm mép:
- Cháu mới dọn đến lẽ ra phải thăm hỏi trước mới phải.
Bà Vân cười:
- Thì cậu đã sang rồi còn gì. Mà bên cậu hình như cũng ít người phải không?
Truyền nói:
- Chỉ mỗi mình cháu ở. Thỉnh thoảng có con gái bà chị tới giúp dọn dẹp nhà ạ.
Bà Vân ồ lên:
- Nghĩa là vẫn độc thân? Ở một mình chỗ vắng vẻ này thì buồn chết. Còn trẻ như cháu ít ai chịu ở nơi xa trung tâm thành phố lắm.
Truyền mỉm cười:
- Vâng. Nhưng mỗi người có một cách sống. Cháu thích ở ẩn hơn.
Bà Tường Vân bỗng nói:
- Cháu thấy chỗ ở mới thế nào? Có gì khác thường không?
Truyền tinh quái:
- Dạ có chứ ạ.
Bà Vân nín thở:
- Thế nào? Cháu... cháu đã thấy rồi hả?
Truyền cố nén cười vì gương mặt nhuốm màu phim kinh dị của bà Vân. Anh thừa hiểu bà muốn đề cập tới vấn đề gì, nhưng vờ như không hiểu biết, Truyền gật đầu:
- Dạ... gặp rồi. Đúng là ở đây vắng vẻ, lại nhiều cỏ nên cũng lắm rắn. Mới hôm kia cháu đập một con rắn hổ đất trong phòng ngủ của mình.
Bà Vân liếm môi:
- Ngoài rắn ra, cháu còn gặp gì nữa không?
Lân chen vào:
- Mẹ! Ở xứ này ngoài rắn ra, thỉnh thoảng lại có vài con rùa bò qua, bò lại, chớ có gì nữa đâu. Nhà em cũng có rắn nữa
Bà Vân phớt lờ lời của Lân:
- Thật cháu không gặp gì đặc biệt sao?
Truyền đáp:
- Dạ không ạ.
Bà Tường Vân xìu mặt thất vọng, bà giả lả hỏi:
- Tôi vẫn chưa biết tên cháu.
- Dạ bác cứ gọi cháu là Truyền.
- Ai giới thiệu cháu mua ngôi nhà này vậy?
Truyền từ tốn đáp:
- Nhà này của gia đình cháu từ trước tới giờ.
Bà Vân kinh ngạc:
- Vậy à? Sao lâu nay lại bỏ trống, phí thế?
Truyền còn đắn đo, chưa trả lời thì ngoài cổng có tiếng xe ngừng. Lân nói:
- Chị Hai đi chợ về.
Rồi nhanh chân chạy ra mở cửa. Xách giỏ đi chợ vào nhà, Tường Thư bất ngờ khi thấy gã... ma hút thuốc đang ngồi chễm chệ trên salon nhà mình. Nhớ mới vừa rồi, Thư chun mũi le lưỡi trêu gã mà ngượng.
Khẽ gật đầu chào và nhận được nụ cười trên khuôn miệng đáp lễ xong. Thư đi vội vào bếp. Quái! Gã ma này sang nhà cô chi thế nhỉ?
Mở tủ, rót ly nước lạnh, Thư uống từng ngụm nhỏ, nhưng vẫn không trôi hết tò mò thắc mắc về lão láng giềng.
Lân đi xuống bếp:
- Mẹ bảo chị làm nước mơ cho anh Truyền uống.
Tường Thư gắt gỏng:
- Anh Truyền nào? Tao không quen, không biết, mày ở nhà nãy giờ sao không làm? Người ta vừa đi chợ về mệt muốn đứt hơi đã sai với bảo.
Lân nhún vai:
- Chị lên mà nhằn mẹ. Em vô tội à nghen.
- Nhưng mày thừa sức làm chuyện này.
Lân cười hì hì:
- Lão ta qua đây đâu phải để uống nước do em làm. Nếu nhà này không có con gái, em xung phong pha chế nước mơ đãi khách ngay, đằng này em có chị mà.
Thư gắt:
- Xéo lên nhà trên đi. Đồ bẻm mép!
Tường Thư pha nước, cho những viên đá hình vuông vào cái ly trong vắt thơm mơ vàng, đặt lên cái đĩa màu đỏ Thư bưng ra phòng khách.
Tự nhiên cô bối rối khi mở miệng mời:
- Anh uống nước ạ
Vừa định trở vào bếp, cô đã bị mẹ gọi giật lại:
- Ngồi nói chuyện với anh Truyền đã con.
Thư miễn cưỡng:
- Vâng ạ.
Bà Vân nói một hơi:
- Tường Thư đang học năm thứ ba Quản trị kinh doanh, nhưng còn khờ lắm. Lớn xác thế, nhưng trùm sợ mạ Hôm trước nó xỉu vì...
Thư kêu lên:
- Mẹ ơi!
- Lại xấu hổ. Đấy người ta bằng xương bằng thịt hẳn hoi, từ giờ trở đi không được sợ ma nữa nhé.
Thư đỏ mặt vì cái nhìn rất ranh mãnh của Truyền. Cô có cảm giác anh ta đang nghĩ trong đầu: " Con gái bác không khờ như bác tưởng đâu. "
Truyền tủm tỉm cười:
- Người thật vẫn đáng sợ hơn ma đấy bác ạ.
Bà Vân cũng cười:
- Cháu nói thế chứ, từ ngày bên ấy có người ở, đêm hôm bên này vẫn thấy ấm lưng hơn. Nhưng nhà rộng mà chỉ một mình, buồn lắm. Cháu cần có thêm một người nữa cho vui cửa vui nhà.
Truyền trầm giọng:
- Đó là chuyện quan trọng mà trong đời ai cũng nghĩ tới, vấn đề ở chỗ sớm hay muộn thôi ạ.
Bà Vân gật gù:
- Làm sao nhà bên ấy sớm đông vui chừng nào tốt chừng nấy. À, cháu làm việc ở đâu?
Truyền trả lời:
- Dạ, ở công ty điện toán Y.
Bà Vân trầm trồ:
- Chà! Công ty ấy không dễ vào làm đâu. Họ tuyển toàn người giỏi không thôi.
- Dạ, cũng có người dở đấy ạ. Như cháu chẳng hạn.
Bà Vân cười:
- Cháu khéo nói đùa thôi. Tôi đang mong bọn trẻ nhà này được chừng phân nửa cái dở của cháu.
Tường Thư đứng dậy:
- Xin phép con vào làm cá mẹ ạ.
Bà Vân nhíu mày rồi phất tay:
- Ờ, con vào đi.
Khẽ gật đầu chào Truyền, Thư hối hả xuống bếp. Cô chán ngồi xem "kẻ tung người hứng" lắm. Mà mẹ lại rất giỏi trong chuyện này. Rồi một lát nữa thế nào bà cũng so sánh Năng với gã đàn ông đó, bà sẽ chê Năng của cô và khen gã khó ưa ấy. Ôi chao! Sao cô bực bội thế này.
Soạn giỏ, Thư bắt đầu công việc bếp núc. Trên nhà, câu chuyện giữa mẹ và gã hàng xóm vẫn còn rôm rả. Nghe mẹ cười, Thư biết bà đang vui. Người nào nói chuyện mà làm mẹ vui tức người đó đã lấy được điểm của bà.
Bỗng dưng Thư không ngăn nổi ác cảm với Truyền. Cô dằn mạnh tấm thớt xuống sàn mà không hiểu sao mình làm thế.
Một lát sau, bà Vân bước vào với nét mặt hết sức phấn chấn.
- Cái thằng dễ thương ấy chứ.
Thư lầu bầu:
- Con chả thấy dễ thương chỗ nào. Hắn lắm mồm thì có.
Bà Vân khó chịu:
- Hừ! Trong mắt con, chả ai hơn thằng Năng. Mẹ bảo rồi, quên nó đi.
Tường Thư cắn môi lặng thinh. Bà Vân nói tiếp:
- Mẹ tới chỗ làm đây. Trưa mẹ không về, khỏi chờ cơm.
Thư kêu lên:
- Mẹ ăn cơm hộp hoài làm sao đủ chất.
- Công việc là như thế. Mẹ có quyền đòi hỏi sao? Cực khổ trăm bề cũng vì con cái, thế mà chúng có hiểu đâu. Lúc nào cũng trách mẹ.
Tường Thư rầu rĩ gục đầu xuống rổ đậu côve. Cô chẻ đôi từng trái đậu tươi non và nghe mẹ tiếp tục ta thán:
- Sống từng này tuổi đầu rồi, có chuyện gì mẹ chưa thấy. Chịu buồn một thời gian con sẽ quên. Sau này khi nhớ lại, con sẽ cảm ơn mẹ đã khó với con đấy. Ra đóng cửa cho mẹ.
Thư ậm ừ:
- Thằng Lân đâu? Sao mẹ không sai nó?
- Nó sang nhà thằng Truyền chơi rồi.
- Biết họ tốt hay xấu mà mẹ cho nó sang chơi?
Bà Vân lừ mắt:
- Mày hỏi đố mẹ đấy à? Chỉ có mẹ con thằng Năng là không chơi được thôi. Lẽ ra trước đây mẹ cần phải khắt khe trong việc giao du, của con mới phải. Hừ! Bây giờ có khó, song vẫn còn kịp. Mẹ cũng có cách uốn nắn con.
Đóng cổng xong, Thư lại trở vào bếp. Cô thấy tức thở vì những lời của mẹ. Bà muốn uốn nắn cô theo ý của bà. Nếu thế, chắc Thư chết mất. Cô nhìn bức tường cao xây quanh nhà và có cảm tưởng mình đang bị nhốt trong một thành quách cổ xưa kiên cố.
Tình Yêu Sẽ Đến Tình Yêu Sẽ Đến - Trần Thị Bảo Châu Tình Yêu Sẽ Đến