Chương 6
êm lạnh và vắng lặng ghê người.
- Đông Bá Tước, mày run cầm cập...
- Đâu nào?
Thằng bé ngồi thu gọn trong lòng xe, cái chăn len quấn tròn, chối biến. Phong kéo phía trước còn Lâm thì đẩy phía sau. Chiếc xe chầm chậm tiến trên con đường gồ ghề lồi lõm dọc theo bờ sông. Bên kia sông là vườn dầu um tùm và trên triền dốc, bãi cỏ dành nuôi bò trải dài giáp những cánh đồng mênh mông, hiu quạnh.
- Sắp đến nơi giấu thuyền rồi! Cầu cho họ không hay chúng ta đã cắt dây và giấu thuyền tận chỗ này.
Mày luôn luôn trù mạt. Muốn xui hở? Làm sao họ biết được!
- Thôi! Đừng nói, lo kéo đi thôi?
Con đường lởm chởm nên Phong tuôn mồ hôi mặc dù trời lạnh, xe tiến chậm rì, sợi dây trên vai như muốn cứa đứt da nó. Đông Bá Tước ái ngại:
- Nếu tao biết đường sá kiểu này, tao không nhận.
- Khó hay dễ thì mùi gì! Tao cần có mày chứng kiến kia mà. Đêm nay đâu phải như mọi đêm?
- Tao hiểu, nhưng vì tao thấy tụi mày khó nhọc quá...
Thường thì chỉ hai đứa: Phong và Lâm đi trong đêm một cách lén lút. Chúng để nguyên cả quần áo rách mướp bước xuống bùn, từ từ ra giữa giòng, chân dò dẫm từng hòn đá. Nước chỉ ngang thắt lưng nhưng lạnh tợ nước đá đông. Qua được bờ bên kia thật nhọc. Rồi chúng leo lên bờ ngồi thở dốc, chân tay tê cóng. Nghỉ một lúc cho lại thần, chúng vạch cỏ, bụi rậm và gai tiến về phía đồng cỏ.
Đoạn hai thằng chọn một trong đám bò rừng, dụ nó rời đàn, khích nó hăng lên... Thật là một trò chơi nguy hiểm: chúng có thể bị thương hay mất mạng như bỡn
mà không một ai hay, không thể cầu cứu với ai giữa đồng hoang, trong đêm hôm khuya khoắt, vắng vẻ.
Hôm nay có đến ba: Lâm đấu với bò, Phong: tay phụ và thứ ba là Đông Bá Tước: quan khách. Ngồi trong thùng xe, nó sẽ chủ tọa buổi đấu đặc biệt này!
Dĩ nhiên, chúng vất vả hơn thường lệ, vì chúng vướng vị quan khách đặc biệt không thể di chuyển một mình.
Đến bờ sông, Lâm lội ra trước một mình, lôi chiếc thuyền giấu trong lau sậy ra rồi dùng sào đẩy, thằng bé khá vất vả chống lại với giống nước xoáy. Đưa được thuyền sát bờ, neo lại đoạn hai đứa mới cố sức nhấc bằng cả thùng xe lẫn vị chủ tọa lên thuyền và nhẹ nhàng chèo dọc dọc một chốc rồi mới ra sâu...
Sang bên kia bờ, chúng lại một phen đổ mồ hôi, hì hục khá lâu mới đưa bạn lên khỏi thuyền. Rồi chúng đẩy xe lên dốc, ngừng lại dưới một tàng cây. Nghỉ mười phút, chúng lại tiếp tục. Trăng sắp lên.
- Tao tin là chúng ta gặp may đêm nay.
- Thôi, đừng làm thầy bói...
Ba đứa cùng cười, nhưng không dám cười to. Giữa im lặng của đêm sâu, chỉ có tiếng côn trùng rên rỉ và tiếng một con chim đêm đáp lại tiếng cú mèo. Chợt có tiếng leng keng, tiếng chuông bò. Rồi càng phút càng gần hơn. Lâm nhận ra ngay đó là tiếng chuông đeo nơi cổ con bò "Cân Bích", nó trông như một bô lão của đàn bò đấu đen sì.
Giữa đồng cỏ rộng, mặt đất hơi trũng xuống, eo thật thấp. Quanh đó bụi rậm um tùm mọc cao và ven ngoài là những cây to mọc dọc theo bờ sông. Hai đứa đặt bạn ngồi an toàn dưới tàng cây. Xong đâu đấy, Phong nói:
- Giờ đến phiên mày, Lâm.
- Được rồi, mày cứ ngồi yên đây với Đông Bá Tước, tao đi tìm con Ất-lê.
- Mày chọn Ất-lê?
Lâm gật đầu và băng mình đi, tay cầm vuông vải đỏ. Tiếng chuông rõ dần. Song ngoài tiếng chuông, hai đứa ở lại không nghe chi khác. Trăng sáng rỡ.
- Tao sốt ruột quá, sao lâu vậy? Mà tại sao Lâm chọn con Ất-lê?
- Tao sẽ giải thích sau. Bây giờ hãy cầu nguyện cho nó!
Chợt có tiếng Lâm vọng lại:
- Hô! Hô! Hô...
Xuyên qua màn sương mỏng, Lâm thấy đàn bò tụ tập cạnh nhau và xa xa một con lẻ loi đang cúi đầu gặm cỏ. Tim đập rộn rã trong lồng ngực. Thằng bé tự hứa phảI khắc phục cho kỳ được con thú. Song trước hết phải làm cho nó đừng sợ mà chạy nhập bầy.
- Hô! Hê! Bò...
Con vật ngẩng lên rồi cắm đầu chạy thẳng, Lâm chạy theo ngay. Được một quãng ngắn, con bò đột nhiên quay lại, giận dữ, dẫm mạnh xuống đất, những bụi rậm bao quanh đó chỉ cách nó vài bước, Lâm lại gọi, lại khiêu khích thêm. Thế là con vật xông đến, đầu cúi thấp, hai sừng nhọn chĩa thẳng ra trước, đâm sầm vào những bụi gai trong lúc Lâm nhảy qua một bên. Lâm đẫm mồ hôi và rất sung sướng vì đã dụ được con thú đến nơi nó chọn.
Phong và Đông Bá Tước nhìn chăm chắm vào bạn với niềm lo sợ chen hãnh diện.
Con thú lúc này nom như một khối đá đen ngòm đang đứng im hổn hển thở, tiếng thở của nó mới to làm sao, bốn chân nó như bấu sâu xuống đất, có lẽ nó vừa tức giận vừa sợ hãi? Ngay lúc đó, Lâm nhận thức được là con vật này sẽ không thua chi con bò hung tợn mà Đỗ Tân đã khắc phục hôm nào giữa đấu trường.
Lâm chậm rãi giở tấm khăn đỏ chói ra tiến tới từng bước một, hai tay nó giũ giũ mảnh vải đong đưa; khi đến cách con thú vài bước, nó nghiêng mình lại hai gót chụm sát nhau, thân mình hơi cong, y tựa tay đấu khi khiêu khích bò và lần này mảnh vải chắn ngang trước mắt bò. Như tuồng bị thôi miên bởi màu đỏ chói dưới ánh trăng sáng rỡ, con vật dài cổ ra, lúc lắc đầu hai ba lần tiếp. Khối đen sừng sững bỗng như lớn lên thêm, bất thần nó
nhảy chồm lên, mảnh vải bị cái sừng móc vào nhưng không tuột khỏi tay Lâm vì nó nắm rất chặt, rồi "soạt" một tiếng nhỏ, cái sừng bò cày lên đùi thằng bé, quần nó rách loạt một đường dài.
- Hoan hô?
Phong buột miệng khen.
Nhanh như chớp, con vật quay lại và húc vào khăn lần nữa, Lâm tưởng như mình đang đấu thực sự giữa hàng vạn khán giả, và họ đang đứng bật lên để vỗ tay reo hò tán thưởng mình. Con vật thật xứng là bò chọi nó hăng say đảo qua, đảo lại dưới khăn đỏ nhiều bận mà không đợi Lâm khiêu khích nữa. Thằng bé xoay quanh con vật, dáng điệu uyển chuyển, khéo léo làm cho con vật mệt nhoài...
Rồi sau cùng, đợi cho con thú choáng váng, mũi chấm sát đất hai chân trước chụm lại, thở phì phò, nó đến gần hai bạn mỉm cười đắc thắng trong lúc hai đứa nhiệt liệt hoan hô; Lâm rút thanh gươm từ trong bao do bạn trao cho đoạn tiến ra sân đấu, nó quyết định rồi: tấm khăn đỏ lại chắn ngang mắt con thú, tay kia cầm thanh gươm, nó nhón gót lên nhắm thật kỹ vào giữa hai xương vai con vật, nhưng nó chưa kịp xuống tay thì Đông Bá Tước bỗng kêu lên:
- Chớ! Chớ làm đổ máu nó đêm nay.
- Ủa, không phải con vật thuộc về tao rồi ư?
- Dĩ nhiên, nhưng đêm nay tao là chủ tọa...
- Rồi sao?
- Vậy thì, Lâm can đảm! Hãy nghe tao mà tra gươm vào vỏ đi thôi! Tao yêu cầu mày đó! Con vật cũng dũng mãnh như mày. Đáng ra, đừng đợi lời tao, mày phải xin chủ tọa tha cho nó mới hay chứ?
- Nhưng Đông Bá Tước, mày quên là chính nó đã làm táng mạng Mân rồi ư?
- Không bao giờ! và tao cũng không trách mày về chuyện muốn phục hận cho anh Mân. Không có gì đáng xấu hổ, nhưng mày quên một điều quan trọng...
- Sao? Quan trọng?
- Là gươm của Đỗ Tân, tay đấu số một, chỉ được chính thức rút ra khỏi vỏ khi mày đường hoàng ra giữa đấu trường trong một trận đấu chính thức. Phải tỏ ra xứng đáng với truyền thống cao đẹp, quang minh...
- Mày có lý!
Lâm cúi đầu, thấp giọng. Chao! Nếu không có Đông Bá Tước chắc mình đã hành động điên rồ...
Con vật không biết rằng mình được dung tha nhờ vị chủ tọa công bình, nó thản nhiên hít mạnh mấy cái rồI lắc lư đầu đủng đỉnh, vượt qua những bụi cây trở lại vớI đồng bạn đang mơ màng dưới ánh trăng.
Đêm tàn dần. Ba đứa lại trở về. Chợt Lâm thì thào:
- Nghe kìa, tụi bay! Có tiếng chó...
- Cha! Chắc chó của tụi gác, này! Hình như hắn đi ngựa?
- Và hắn đang tiến lại đây!
Ba đứa còn run sợ. Chúng biết về đêm, tại các trại chăn nuôi bò đấu vẫn có người đi tuần để tóm cổ bọn con trai liều lĩnh như chúng đến chọi bò. Chuyện này xảy ra như cơm bữa, nhưng hai đứa thoát được rất dễ dàng: nhảy đại xuống sông!
Đêm nay, với cái xe và vị chủ tọa đặc biệt làm sao xoay xở? Trong lúc hai bạn còn bối rối, thì Phong nhanh trí đã nghĩ ra cách thoát thân, nói cho đúng là nó định hy sinh cho hai bạn thoát thân. Với thằng bé này, chỉ cho tình bạn là lẽ sống, nó không từ nan một điều gì, miễn hai bạn được an toàn. Phải! Gã tuần canh dù có chó đánh hơi phụ giúp cũng khó mà bắt được thần tượng của nó và ông hoàng của nó. Bằng vài lời vắn tắt Phong đem kế hoạch ra cho hai bạn hay. Nó bị phản đối tức thì:
- Đừng có điên! Thà chúng ta cùng bị tóm!
Đông Bá Tước và Lâm kêu lên một loạt. Phong cương quyết:
- Chính hai đứa mày điên: để bị bắt ba đứa thì có ích gì? Phải có một đứa để giúp Đông Bá Tước qua sông trở về bình yên. Phần tao, tao có cách. Mà dù cho tao bị tóm, rồi ta sẽ tính sau. Đừng cãi lại tao, ít nhất là lần này! Tao van tụi mày!
Chần chờ vài phút, hai đứa đành nghe lời bạn. Hai đứa nghẹn ngào:
- Cảm ơn bạn! Phong! Cảm...
Phong gạt ngang bằng giọng khôi hài:
- Thôi chớ! Đừng lâm giống như tụi quý tộc, tao thấy ngấy quá!
Thằng bé nói và đứng nhìn cho bạn đẩy cái xe xuống tận ven bờ sông rồi thì phóng như bay ra giữa đồng quang, trống. Mưu kế quả thật hay: Con chó đánh hơi được ngay vừa đuổi theo vừa sủa lên rầm rĩ, sau lưng là người gác cho ngựa phi nước đại.
Cặp chân Phong được tận dụng lần này, nó làm cho người và vật đuổi theo hụt hơi, nhờ vậy Đông và Lâm thoát nạn. Sau cùng, Phong trèo lên một cây to để khỏI bị chó cắn trong lúc nó cũng mệt muốn đứt hơi. Dưới gốc cây, con chó nhảy chồm, cào sướt cả lớp vỏ sần sùi màu nâu sẫm, không ngừng tru lên từng thôi dài giận dữ. Người gác cũng vừa đến, anh ta nhảy xuống ngựa, ra lệnh cho con vật:
- Thôi! Đủ rồi! Nó có cánh may ra mới thoát được thầy trò ta.
Anh ta ngước mặt lên tàng cây um tùm quát to trong lúc con chó nằm thè lưỡi dưới gốc:
- Thằng tiểu yêu! Mày có đợi tao trèo lên túm tóc mày chăng?
Phong riu ríu tuột xuống. Gã hất hàm:
- Mày con cái nhà ai? Tên gì?
- Thưa, Phong Hồ, ở San-đi-ê-gô.
- Này! Oắt con, mày biết cái gì đang chờ mày không? Hở?
- Thưa ông, biết...
- Nhà tù, con ạ! Nhưng trước hết, tao hẳn sửa mày bằng roi song...
Tuy nói bằng giọng dữ tợn, nhưng ông ta lại không đánh thằng bé, trong lúc nó đứng yên như thể sẵn sàng hứng chịu.
Im lặng giây lâu rồi giọng ông ta dịu lại.:
- Tụi bay thật ngu ngốc: tự dưng mà lao đầu vào nguy hiểm. Trong bao nhiêu năm làm nghề này tao đã nhặt trên bốn cái xác đẫm máu, bèo nhèo như giẻ rách. Coi chừng! Con ạ! vinh quang còn xa mà mạng sống thì như chỉ mành treo chuông.
Phong không thốt một lời, nó lầm lý cúi đầu, giữa lúc đó trong bụi rậm và trên các tàng cây, chim chóc đua nhau hát chào một ngày mới bắt đầu.
- Tao sẽ giúp mày được an toàn, nếu không có ngày mày sẽ bị lủng ruột và bị bò dẫm lên như tụi ngốc trạc mày. Thôi! Tha cho, tao chả đánh mày đâu...
- Cảm...
- Không dễ dàng vậy đâu, ừ! Tao không đánh, nhưng mày đã lội qua sông mà không sợ lạnh, bây giờ hãy lộI trở về...
"Tưởng gì! Phong này đâu có ngán" thằng bé nhủ thầm và thong thả tiến lại bờ sông.
° ° °
Mặt trời đã lên cao, đủ sức hun nóng da thịt ngườI ngồi trên ngựa và bên dưới, bộ áo quần rách mướp của Phong cũng đang bốc hơi lên.
Đưa Đông Bá Tước về đến nhà xong, Lâm ba chân bốn cẳng chạy đến trước nhà thờ ngồi đợi: nó nhìn ngườI qua lại cho đỡ sốt ruột. Theo nó đoán thì giờ này viên gác đã đưa tù nhân về, nếu bạn nó không thoát được.
Đợi không được, Lâm đứng lên đi về phía nhà giam ở cuối đường. Trong bót cảnh sát có một cái phòng giam bé xíu. Xóm làng lương thiện, êm ả nên ít có dịp nhà giam đón người. Viên cảnh sát già buồn bã ngồi đập ruồi rồi một hôm, ông ta nảy sáng kiến nuôi vài con thỏ cho vui. Dĩ nhiên, nuôi trong phòng giam tù nhân.
Vì vậy, khi Lâm ghé mắt tò mò nhìn vào thì thấy ngay mấy đôi mắt bằng những hạt bi ve và những cặp tai vểnh lên qua song cửa.
Thế là thằng bé quay lui chỗ cũ. Lần này nó không phải chờ lâu: từ đằng xa người gác cỡi ngựa lững thững đến, vó ngựa gõ lóc cóc đều đặn trên đường trải đá. Sau lưng là Phong hai tay bị trói liền vào nhau và một đầu dây cột đằng yên ngựa, nó lầm lùi bước đi, mặt lạnh ngắt như không chút cảm xúc gì cả.
Chợt nó ngẩng lên và nhận ra bạn, mắt nó sáng rỡ, còn Lâm thì giơ tay vẫy một cách buồn rầu: Lâm không thể nào vui khi nghĩ đến đêm nay bạn nó phải nằm chung với thỏ trên đống rơm dơ bẩn.
Viên cảnh sát già, sau khi biết tội trạng của Phong, buông một tiếng thở dài thương hại:
- Tội nghiệp chưa? Tụi trẻ vẫn hay nghịch...
- Cháu ơi! Lại còn tội nghiệp! Anh đã đấu bò phụ hồi xưa anh quên hả? Nếu chúng không bị đổ ruột đi nữa thì rồi khi ra đấu trường, con bò bị khích cũng sẽ hung hăng tìm cách chà nát người đấu vì nhớ lại, nó phát điên...
- Máu chú nguội rồi, chú ơi! Chú làm sao hiểu...
- Thôi khỏi có dài lời, cho nó vô tù đi, cha nội!
Thế là trong chớp mắt, Phong bị đẩy vào làm bạn vớI những con vật bé tí với cặp tai to.
Hạt trước khi trở thành khập khiễng vốn cũng là một tay đấu phụ khá tiếng tăm. Vì vậy, ông ta thông cảm với tù nhân lắm: trưa hôm ấy, thay vì chỉ nhận lát bánh nguội và nước lã, ông ta cho nó một dĩa cơm chiên trên có mấy con tôm hồng bóng và nước sốt cà chua thơm ngát mũi.
- Gắng mà sống hòa thuận với bầy thỏ, nghe con?
Theo Chân Thần Tượng Theo Chân Thần Tượng - Minh Quân & Mỹ Lan Theo Chân Thần Tượng