Thằng Vọng epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6
êm ngày rằm, trăng sáng tỏ. Trời không mưa. Hơi lành lạnh. Sương sớm đã làm ướt lá cành. Tự nhiên, Khoa muốn rủ Đường đi chơi đêm nay. Chơi hết cả đêm cũng được. Khoa nhớ người bạn gái dễ thương. Nó đã dắt tay Liên, bước sóng đôi lên miễu Vang vào những đêm trăng sao đầy bầu trời. Nhìn xuống mặt nước hồ Mơ, trăng sao có vẻ gần gũi. Khoa nhớ nhiều lần Liên đã kể chuyện Hà Nội cho nó nghe, khi hai đứa ngồi trên cầu Chờ, trong quán Nghỉ hay bên hồ Mơ. Liên hay nói với Khoa về hồ Hoàn Kiếm thần thoại, với những con rùa to tướng, về hồ Tây lịch sử mênh mông. Khoa thú nhất Hà Nội ba mươi sáu phố phường, với năm cửa Ô thu hút. Anh Vũ của Khoa cũng đã ở Hà Nội. Ở không lâu nên hãy còn mù tịt những lúc sảng khoái bốc lên chín tầng mây. Liên bắt Khoa kể chuyện Thái Bình. Ôi, Thái Bình có gì, ngoài cây cầu Bo ôm đầy kỷ niệm. Thái Bình chỉ khác các thành phố, các tỉnh lỵ miền Bắc nhờ hai hàng hồi trồng dọc bên đường, dọc theo phố chính nằm ngay trên quốc lộ số 10. Cây hồi lạ lắm. Nó thấp nhỏ như dân thị xã. Trái to bằng nửa trái soan. Mùa xuân, hồi trổ hoa, những cụm hoa trắng mùi thơm hăng hắc. Mùa hạ phong nhụy và kết trái. Trái hồi không ăn được, chẳng dùng làm gì. Mùa thu hồi chín, rụng xuống hè phố ngập đầy, vô tích sự. Mà dân thị xã lại thích cái mùi thơm hăng hắc của nó. Không bao giờ có hàng cây hồi nữa, hồi tiêu thổ kháng chiến, người ta đã chặt phá hàng hồi. Thái Bình cũng là thị xã nhà cửa bị đập tan nát, không nhường cho giặc Pháp. Với Khoa, có lẽ Thái Bình đẹp nhất, vì đội bóng tròn của anh Vũ, anh Côn, anh Luyến, anh Vọng...
Nhất định rủ thằng Đường lên miễu Vang chơi, Khoa nghĩ thế. Và cơm chiều vừa xong, trăng vừa mọc, Khoa đã sang nhà Đường kéo nó đi.
- Từ hôm con Liên về Hà Nội, mày đã thề không lên miễu Vang nữa cơ mà?
- Chạy giặc, tao vẫn lên miễu Vang thì sao?
- Chạy giặc khác với đi chơi. Tao đoán...
- Đoán gì?
- Mày nhớ con Liên!
- Ừ, tao nhớ con Liên.
- Không có con Liên mày mới rủ tao.
- Mày đâu biết kể chuyện Hà Nội mà rủ mày!
- Con Liên nói chuyện Hà nội ở miễu Vang à?
- Ừ.
- Ở hồ Mơ à?
- Ừ.
- Ở quan Nghỉ à?
- Ừ.
- Ở bến Đợi à?
- Không, tao chưa dẫn nó ra bến Đợi. Sao mày biết rõ thế?
- Tao nói bừa, chẳng ngờ lại đúng.
Con đường mà hai đứa đang đi, hai bên là ruộng xanh mầu lúa sắp vào mẩy. Vắng vẻ. Hai đứa phải chạy một quãng mới tới miễu Vang. Sao lạnh lùng thế, miễu Vang! Những đêm rằm, năm năm về trước, đông người đến cầu phụng, lễ bái, xin xâm chặt cả miễu. Nay giặc giã hoành hành, người ta lười biếng đi lễ. Miễu Vang nhỏ thôi, nó xây dựng trên nghìn mẫu đất rộng thênh thang và cây cối um tùm, nên cái vẻ thiêng liêng của nó không ai dám chối bỏ. Ông từ và gia đình trụ trì cái miễu này. Bây giờ, tuy ông từ vẫn còn ngụ tại miễu, song đèn nhang không có, tối om. Khoa và Đường thấy rờn rợn. Hai đứa chẳng dám vào miễu Vang.
- Này Đường, mình xuống hồ Mơ thôi.
- Sợ cái gì?
- Tao sợ rắn rết trong bụi cây ra vồ chúng mình.
- Mày cứ nói sợ ma đi!
- Sợ ma mà dám hát ở bãi tha ma?
- Ma tha ma không đáng sợ bằng ma miễu Vang.
- Tao sợ sự hoang vắng.
- Thế tao mới nghe lọt lỗ tai.
- Mình nhặt ít ngói vỡ.
- Ừa.
Hai đứa đang đứng sát bên hồ Mơ. Nơi đây ngập ánh trăng sao. Cảnh tượng đượm mùi thơ mộng, khác hẳn sự rét mướt luồn qua lá cây ở miễu Vang làm người ta run sợ. Khoa muốn múc một ít ánh trăng đem lên chơi. Trăng sao in mặt nước hồ Mơ, lãng mạn không cùng. Khoa ném viên ngói vỡ giữa hồ. Nước khua động. Trăng lung linh. Giá lúc này có con Liên, Khoa dám nhẩy xuống hồ vớt trăng sao tặng con bé.
- Khoa ơi!
- Gì?
- Tao cho mày mấy miếng trăng sao nhẩy nhót trên mặt hồ, nhá!
- Mày đừng nói phét.
- Tao nói thật đấy.
- Thật sao?
- Mày vất một viên gạch vỡ xuống hồ, chỉ chừng ngụm nước xôn xao. Tao ném một viên, cả dòng nước cựa mình.
Đường ném thia lia. Viên ngói nhẩy dài trên mặt hồ, cứ mỗi bước nhẩy của ngói là ánh trăng rướn mình, tung lên thật dài. Khoa phục Đường quá. Nó mà biết ném thia lia trước đây, đã biểu diễn cho con Liên mê tít thò lò.
- Đường ơi!
- Cái gì?
- Dạy tao ném thia lia đi.
- Ừa.
Hai đứa nhặt cả đống ngói vụn, và say sưa ném thia lia, quên hết mọi chuyện. Bất ngờ, tiếng hát của đoàn người vang lên ở miễu Vang.
Qua miền Tây Bắc
ta hát mừng hò reo
Suối sâu
đèo cao
Bao khó khăn vượt qua
Bộ đội ta
Vâng mệnh Cha già
Về đây giải phóng quê nhà
Chiến thắng
miền Tây Bắc
Liên hoan
một đêm vui
Dưới ách loài giặc tàn ác
Quân với dân một lòng
Không phân biệt xuôi ngược
Cùng đồng tâm tiêu hết quân thù
- Ai hát đấy, Đường?
- Bộ đội tò te!
- Sao lại tò te?
- Bộ đội mới tuyển ấy mà. Bộ đội mới... mới mà lỵ!
- Sao lại mới mới?
- Mày... lạc hậu rồi.
- Ừ, tao lạc hậu rồi!
- Mày có biết tại sao mày lạc hậu không?
- Không.
- Từ hồi Pháp nó về làng ta, hết chạy giặc, mày lại nằm nhà, chả hiểu tình hình nó là củ cải gì cả. Khác với tao, tao bò khắp chỗ lê la, nên tao tiến bộ cao. Đấy, bộ đội mới về làng, đuổi bộ đội cũ lạc hậu đi, mày cũng không biết.
- Ừ, tao tiến bộ thấp!
- Bộ đội mới mới là bộ đội mới vào... bộ đội, thay thế bộ đội cũ, chết hết rồi. Bộ đội mới tuyển mộ bộ đội mới mới trong giai cấp nông dân. Anh họ tao mới vào bộ đội mới mới. Chắc bộ đội mới mới đang tập bò, tập đi, tập bắn bằng súng gỗ! Mót khai mót. Mốt hai mốt... Không thèm ném thia lia nữa, đi lên xem bộ đội mới mới hát lấy khí thế... mót khoai.
Hai đứa lại lên miễu Vang, đứng xa, nhòm toán người đang ngồi bệt trên đất. Chỗ này không có cây nên ánh sáng trăng chiếu rõ mồn một. Pháp ở đồn Ô Mễ ít hành quân ban đêm. Tường An đã vào tề và cách Ô Mễ hơn năm cây số, hát to thả cửa, Pháp đâu nghe được mà sợ. Pháp hay bắn loạn cả lên khi đi càn quét. Chúng nó chẳng chịu bí mật hốt nguyên ổ Việt Minh về. Nếu Pháp có hành quân làng Tường An, tới đầu làng Thọ Bi, đã tắc bọp, tắc bọp, bộ đội mới và tân binh đã chạy trốn mất đằng nào. Chính ủy đã nghiên cứu chán chê mới cho bộ đội tò te tập bắn súng giả ở miễu Vang.
- Các đồng chí hát bài nữa lấy khí thế, chờ đồng chí chính ủy trung đội tới.
Khoa vỗ vai Đường:
- Đêm nay tao gặp chính ủy Kỳ Bá rồi.
Đường gật đầu:
- Chắc phải gặp.
Bộ đội tân binh đã cất giọng ca:
.... Nhớ một chiều
giặc lên Tây Bắc
Nó bòn từng giành khoai bơ thóc
Nó bắt vợ
chặt chân con
Anh căm hờn bền gan du kích
Dao anh
sạch lời thề
Bom anh
hẹn ngày về
Đèo Cao Pha một đêm bừng đuốc
cùng anh giải phóng
cùng chém đầu Tây
Thắng giặc rồi
mài thêm dao quắm
Nó còn về đây nghe súng
Tiếng Nghĩa Lộ
mồ chôn Tây
Chôn luôn hồn giặc mơ xứ Thái...
- Bao giờ chính ủy Kỳ Bá mới tới?
- Tao không biết.
- Mày có tin Kỳ Bá tới không?
- Tao tin. Chỉ sợ chính ủy Kỳ Bá thay đổi đột xuất!
- Là cái gì?
- Muốn hết lạc hậu, bất thình lình mày phải nói là đột xuất.
- Kỳ Bá thay đồi đột xuất cái gì?
- Ấy, chính ủy đến kia kìa...
Khoa nhìn theo tay Đường chỉ. Chính ủy Kỳ Bá đến thật. Ký Bá mặc quần áo nâu, đầu đội mũ ny lông bọc kín, không rõ mầu đen hay tím, chân đi giép Bình-Trị-Thiên. Trên vai, Kỳ Bá đeo chiếc xặc cột. Rõ là chính ủy. Bộ đội mới mới đứng hết cả lên. Kỳ Bá đã xuất hiện trước mắt mọi người. Trung đội phó trung đội 23 hô dõng dạc:
- Nghiêm!
Chỉnh đốn hàng ngũ xong, trung đội phó quay người về phía Kỳ Bá:
- Báo cáo đồng chí chính ủy trung đội, tân binh gồm 66 người, có mặt đủ. Chờ lệnh chính ủy.
Chính ủy Kỳ Bá buông gọn hai tiếng:
- Được rồi.
Trung đội phó:
- Rõ.
Ký Bá ban huấn lệnh:
- Các đồng chí thân thương,
Nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước, tôi mới có dịp gặp gỡ các đồng chí. Các đồng chí gia nhập bộ đội trong hoàn cảnh hôm nay, phải đấu tranh với cá nhân thật gay go để phục vụ giai cấp công nông và tổ quốc kính mến...
Khoa không nghe Kỳ Bá nói. Nó mở căng mắt nhìn Kỳ Bá. Ánh trăng soi mỗi lúc một rõ. Nó vừa nghi ngờ một điều gì. Kéo áo Đường, Khoa hỏi:
- Trong huyện Vũ Tiên có mấy làng Tường An hở, mày?
Đường ngạc nhiên:
- Mày hỏi, bố tao cũng không trả lời được.
Khoa nóng ruột:
- Trong huyện Vũ Tiên có mấy làng Tường An?
Đường đành chiều bạn:
- Theo ý tao, có một Tường An thôi.
- Trong tỉnh có mấy làng Tường An?
- Một.
- Trong huyện Vũ Tiên có mấy làng Kỳ Bá?
- Một. Mà sao tên làng Kỳ Bá lại trùng với chính ủy Kỳ Bá?
Khoa im lặng. Chính ủy đã đi sang đoạn:
-... Các đồng chí phải ý thức rằng, kẻ thù chính của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân là bọn địa chủ gian ác...
Khoa thì thầm:
- Đúng anh ấy rồi. Mình khó quên mặt anh ấy, dù đã năm năm. Làng Kỳ Bá sát thị xã Thái Bình, cống Kỳ Bá mình đã tới bơi lội. Kỳ Bá, kỷ niệm êm đềm của anh Vũ, anh Côn, anh Luyến... Anh ấy chết rồi, mà chết đói tháng ba năm Ất Dậu. Sao anh ấy còn sống?
Khoa vẫn không rời mắt nhìn Kỳ Bá. Nó chỉ nhìn Kỳ Bá. Hình như Kỳ Bá thôi miên Khoa. Tiếng vỗ tay đáp lễ Kỳ Bá. Khoa không thèm biết.
- Này Đường, anh Kỳ Bá có về một mình không?
- Đến một mình thì về một mình
- Lát nữa anh về, mình theo anh ấy.
- Làm cái gì?
Khoa không trả lời. Bộ đội tân binh lại hát một bài lấy khí thế trước khi bế mạc.
Ánh bình minh trong sáng
Bừng bao tia nắng
Cha về đất nước tươi vui
Dắt đàn con yêu dấu
Vùng lên tranh đấu
Bóng Cha trùm lớp dân nghèo...
Chính ủy trung đội chúc mọi người ở lại học tập tốt và huấn luyện tốt và lãnh đạo tốt. Rồi chính ủy về Tường An. Khoa và Đường theo sau thật xa. Kỳ Bá đi nhanh lắm. Khoa và Đường phải chạy chầm chậm. Đền gần quán Nghỉ, tại đầu làng, Khoa mới thu hết can đảm gọi thật lớn:
- Anh Vọng, anh Vọng...
Kỳ Bá dừng bước, ngoái cổ lại.
- Anh Vọng cống Kỳ Bá ơi!
Chờ Khoa và Đường đến, Kỳ Bá hỏi:
- Em nào biết tên anh đấy?
Khoa sướng quá run lên:
- Em... Khoa đây... Em anh Vũ đây... Anh a văng xăng Hội Kỳ Bá đá bóng tuyệt cú mèo...
Kỳ Bá nắm tay Khoa:
- Anh nhớ rồi. Em lớn quá, anh nhận không ra kịp. Em là con ông Hùng, em anh Vũ. Em ở đâu?
Khoa đáp hổn hển:
- Ồ Tường An, làng này.
Kỳ Bá cười, rất tươi:
- Trời ơi, anh không hề biết.
Kỳ Bá hất đầu:
- Em này là ai hở, Khoa?
Khoa nói:
- Bạn em, Đường.
Kỳ Bá nói:
- Này nhé, bây giờ khuya rồi và lạnh quá. Rất tiếc không được nói chuyện với Khoa lâu. Anh hẹn hai em chiều mai, ở nhà cô Thi. Biết nhà cô Thi không?
Đường nhanh nhẩu:
- Em biết. Vào nhà chị Thi phải leo qua cầu khỉ bắc qua con ngòi.
Kỳ Bá tủm tỉm:
- Đúng rồi. Chiều mai, anh đợi hai em. Chia tay nhé!
Kỳ Bá rảo bước. Khoa mừng như cờ mở hội, trông theo. Đến khi Ký Bá khuất sau bụi tre, Khoa mới kéo Đường trở về. Vừa đi, nó vừa tưởng tượng những cú ngả bàn đèn của thằng Vọng...
Thằng Vọng Thằng Vọng - Duyên Anh Thằng Vọng