Phượng Vĩ epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 6/27
ặc kệ những bài toán nộp thầy ngày mai. Bài toán có chân và nó đứng đợi đến sáng cũng không mỏi. Nó mỏi chân, nó rầy rà thì tôi sẽ bảo nó đi ngủ. Còn tôi, tôi cần thức khuya. Bởi vì tình yêu không biết chờ đợi. Tình yêu nóng tính, nó giục giã mình ghê quá:
Mau với chứ vội vàng lên với chứ
Em, em ơi tình non sắp già rồi
Con chim hồng, trái tim nhỏ của tôi
Mau với chứ thời gian không đứng đợi
Tình yêu không có chân. Tình yêu chỉ có cánh. Tình yêu lượn trên tâm hồn ta. Tình yêu lượn vài vòng thôi. Nếu ta bắt nó lượn hoài, nó sẽ chán và nó vỗ cánh bay đi. Ta đừng lười, phải dang tay ngay lập tức làm chỗ đậu cho tình yêu. Việc gì có thể làm hôm nay, để đến ngày mai không sao. Nhưng tình yêu không thể để đến ngày mai được. Demain, il sera trop tard. Ngày mai sẽ chỉ muộn màng với tình yêu. Tôi nghĩ thế. Ý nghĩ láo lếu đối với bất cứ ai. Ðiều đó chẳng hề chi. Tôi chỉ cần nó đúng với tôi. Và tôi quên những bài toán. Quên hết. Phương trình bậc hai ax² + bx + c = 0 đi chỗ khác chơi. Các bạn Parabole, Hyperbole, Joule, Ohm cũng nên đi chỗ khác chơi. Tạm biệt các bạn. Tôi mắc bận nghĩ hai cảm tưởng về cuốn "Hoàng tử của lòng em" và gói ô mai.
Phượng,
Tôi đã đọc hết cuốn truyện của Nguyễn Minh Lang. Tôi không còn nhớ gì cả ngoài năm tiếng "Hoàng tử của lòng em". Tôi thích làm hoàng tử. Le prince dễ yêu quá. Phượng biết chưa, những vị hoàng tử trong cổ tích đều đẹp giai và dễ yêu. Hoàng tử ở Bạch Tuyết và bảy chú lùn tuyệt diệu. Hoàng tử ở Công Chúa ngủ trong rừng còn tuyệt diệu hơn. Những vị hoàng tử thảnh thơi vô cùng. Họ toàn trốn học, bỏ trường đi săn. Họ đi săn tình yêu. Và luôn luôn được tình yêu. Những ông vua khổ sở quá. Họ già nua. Họ hà tiện, bủn xỉn và ưa gây đau khổ cho người khác. Những bà hoàng hậu mới đáng ghét. Nhỏ mọn, tầm thường. Tôi yêu hoàng tử. Tôi khoái trốn học. Và trên bước đường trốn học đi săn, tôi mong ước được gặp một công chúa - princesse đấy nhé, Phượng xóa chữ reine đi.
Tôi loay hoay viết cảm tưởng thứ nhất của tôi mất gần một tiếng đồng hồ. Tôi xé. Tôi gạch. Tôi vo tròn ném vào sọt rác. Rồi lại nhặt lên, dở ra gạn lọc vài câu hay nhất. Cuốn vở nháp mỏng dần. "Cho biết cảm tưởng nhé". Ðọc hay viết? Phượng quên dặn. Tôi phải học thuộc lòng đoạn văn chương... cảm tưởng của tôi. Phượng thích tôi đọc, tôi sẽ đọc. Phượng thích tôi ghi lên giấy, tôi sẽ ghi. Tôi ngồi học văn của tôi. Lạ quá, học hai lần đã thuộc làu. Bây giờ, nặn óc viết cảm tưởng về gói ô mai.
Phượng,
Ô mai Phượng mua ở hiệu nào ấy? Ô mai nó có thời rực rỡ lắm, Phượng biết không? Trước khi thành ô mai nó là trái mơ. Trái mơ chín vàng như mầu nắng vàng. Những nàng công chúa hay đi lạc vào rừng mơ, giả vờ làm cô gái hái mơ. Ðây là chuyện một công chúa hái mơ gặp hoàng tử đi săn cũng lạc vào rừng mơ. Hoàng tử đã vất cung tên, dáng điệu mơ màng như thi sĩ Nguyễn Bính. Cảnh tượng lúc ấy thật cổ tích:
Thơ thẩn rừng chiều một khách thơ
Say nhìn rặng núi xanh mờ
Khí trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hoàng tử cất giọng hát:
Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư đường thì xa
Mà nắng chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta
Công chúa lặng im. Hoàng tử hát tiếp:
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương
Công chúa nhẹ nhàng cất bước. Hoàng tử thở dài:
Cô hái mơ ơi, cô gái ơi
Chẳng trả lời nhau lấy một lời
Cứ lặng rồi đi rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi
Hoàng tử đuổi theo kể lể những ngày trốn học đi săn. Công chúa mỉm cười. Cuối cùng họ cưới nhau. Hai vợ chồng hái mơ phơi khô và làm ô mai đem bán cho những người học trò yêu nhau làm quà tặng nhau. Tôi thích những quả ô mai Phượng tặng. Vì nhó nhắc tôi một điển cố ô mai, điển cố truyền khẩu chứ chả ai ghi vào sử sách. Chỉ mình tôi ghi thành cảm tưởng. Tại Phượng đó.
Tôi đọc đến mười lần cảm tưởng về những trái ô mai của Phượng. "Ô mai Phượng mua ở hiệu nào đấy". Câu mở đầu có vẻ "Nhớ xưa trê cóc đôi nhà" quá. Nó hơi tò mò kiểu Lục Vân Tiên "Giết xong lũ kiến đàn ong, Hỏi ai than khóc ở trong xe này". Và "Quê đâu, tên họ là chi, Khuê môn phận gái, việc gì tới đây? Gặp nhau chớ giấu nhau nay, Hai người ai tớ ai thầy nói ra..." Những anh chàng học giỏi thường thô lỗ (hay vụng về) khi phải nói chuyện với con gái. Như Lục Vân Tiên. Hỏi han giống hệt công an thẩm vấn. Người đẹp tặng cái trâm (gói ô mai) làm kỷ niệm thì vênh mặt lên quay đi. "Vân Tiên ngoảnh mặt chẳng nhìn". Ấy thế mà Kiều Nguyệt Nga vẫn cứ mê. "Nguyệt Nga lúc ấy càng nhìn nết na". Tôi hơi nghi ngờ nhan sắc của Kiều Nguyệt Nga. Anh học trò học gạo Lục Vân Tiên.
Chàng:
Lòng anh như hoa hướng dương
Trăm nghìn đổ lại một phương mặt trời
Mặt trời là nàng, là trái tim nàng, là tình yêu của nàng. Mặt trời mọc phương đông, hoa tình anh hướng về phương đông. Mặt trời mọc phương tây (nếu mặt trời tinh nghịch), hoa tình anh hướng về phương tây.
Nàng:
Lòng em như con nước trôi
Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều
Bến là chàng. Con nước em sẽ chỉ xuôi về chiều dẫn đến bến tình anh. Tình yêu là hoa là mặt trời là con nước là bến mộng là chiều mơ. Tình yêu không thể là bếp với lò.
Vậy thì "Ô mai Phượng mua ở hiệu nào đấy" nghe lục cục từa tựa than củi cho vào lò trong bếp. Gạch ngay. "Ô mai có một thời rực rỡ lắm, Phượng biết không". Câu mở đầu này mới tuyệt cú. Sửa một tí. "Ô mai có một điển tích thơ mộng lắm, Phượng biết chửa" Nhập đề thế này là hoàn toàn. Câu kết coi như xuất chúng. "Tại Phượng đó". Ô mai có gì đáng phát biểu cảm tưởng, nhưng vì là ô mai của Phượng nên nó đã biến thành điển tích và chính tôi thêu dệt huyền thoại cho ô mai. Tôi dám bịa ra điển tích ô mai? Tại sao không nhỉ? Mười sáu tuổi, Chế Lan Viên đã xin tiền bố cho xuất bản thi phẩm "Ðiêu tàn" và trở thành nhà thơ tượng trưng bất hủ nhất của văn học sử Việt Nam. Người học trò khi mê gái chỉ có một công việc duy nhất đáng chê trách là lười học và trễ. Ðồng hồ điểm boong một tiếng. Một giờ sáng rồi. Mặc kệ, tôi vẫn tỉnh táo. Tôi có thể viết thêm vài trang nhật ký. Ồ, tôi còn thiếu một cuốn nhật ký: Nhật ký của cậu học trò vừa lớn. Chết chửa, điều quang trọng, hệ số ba của tình yêu mà tôi xuýt quên. Ngày mai phải đóng một cuốn nhật ký bằng giấy pelure mầu xanh và ghi đủ mọi chuyện kẻo lại có lần hối tiếc như Thanh Tịnh "Ngày ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết"... Ngày ấy của Thanh Tịnh là ngày ông ta đi học chữ. Ngày ấy (nếu mai sau tôi hồi tưởng) của tôi là ngày tôi đi học yêu đương. Chắc chắn, tôi đã biết ghi, không sai mảy may, không quên chi tiết nhỏ, những gì về Phượng. Ngày mai mới đóng nhật ký, vậy bây giờ làm gì? Tôi không thích đi ngủ. Ði ngủ là dại dột. Ði ngủ là phản bội tình yêu.
Phượng Vĩ Phượng Vĩ - Duyên Anh Phượng Vĩ