Chương 6: Martin Luther (1483–1546)
hi Martin Luther đóng đinh những bích chương để tấn công lễ chuộc tội bằng tiền của nhà thờ Wittenberg thì tiếng búa của ông như đánh vỡ tín đồ Thiên Chúa giáo ra làm hai. Từ đó, ông trở thành lãnh tụ của tôn giáo phục hưng, một lực lượng mới lập nên Tin Lành giáo ngày nay. Ông là một khuôn mặt linh động, nhà tiên phong đã gây sự tan vỡ cho toà thánh La Mã, và cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông đã để lại ảnh hưởng không bao giờ chấm dứt trong lịch sử mai hậu dưới trời Tây.
Chưa bao giờ hệ thống giáo hội ở châu Âu và chưa bao giờ có thời kỳ suy tàn như những năm đầu thế kỷ thứ mười sáu. Những thời đại vàng son huy hoàng của một thời đại phục hưng xuất phát từ Ý và những biến động lớn theo sau đã tàn. Ở Bắc Âu, sự phục hưng chỉ mới bắt đầu. Sự lừ đừ biếng nhác và truỵ lạc đã hạ thấp uy tín của giáo hội, không phải khắp nơi đều suy đồi, nhưng sự đồi truỵ lại dẫn đầu ở một vài nơi quan trọng khiến mọi người đều thấy. Những nhà tu khổ hạnh phần lớn đã bỏ rơi lý tưởng của mình để trở nên tham lam biếng nhác. Lợi tức càng ngày càng gia tăng và các giám mục chỉ biết nghĩ đến vơ vét của cải, xây cất dinh thự nguy nga tráng lệ để vinh thân phì da. Trong khi đó, các Đức Giáo Hoàng như Alexander đệ lục và Julius đệ nhị lại lợi dụng vào địa vị thiêng liêng của Giáo Hoàng đặt để các thế lực trần tục. Thời gian đã chín muồi cho một vận hội mới. Một sự thay đổi vĩ đại bộc phát trong đầu mọi người và cho đến ngày 01 tháng Mười một năm 1517, tiến sĩ Martin Luther, giáo sư thần học tại Đại Học đường Witterberg đóng trên cánh cửa nhà thờ chín mươi lăm bài điều trần tố cáo sự tham nhũng suy đồi của giáo Hội, thì một trận bão lớn nổi dậy khắp châu Âu ngoài sự mong đợi của tác giả. Ở đây, chúng ta phải chú ý rằng sự công bố những bản điều trần đó cũng giống như một thể thức tuyên truyền.
Luther là một khuôn mặt lạ lùng đối với vai trò một lãnh tụ tôn giáo. Một con người linh động, to lớn, khi có dịp cũng sẵn sàng ăn tục nói phét, mặc dù ông đã là một cây viết khá bay bướm; hơn nữa, một con người rất dễ phiền toái và khó chịu khi phải chung đụng với những người thuộc giai cấp cao hơn, tóm lại, ông là một con người của đại chúng. Tuy nhiên, trong người ông có một ngọn lửa đam mê và tinh thần tranh đấu mãnh liệt. Sau khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún là Eisleben, nơi ông đã chào đời năm 1483, ông đã tự chuốc lấy cho mình nỗi phiền toái trong vòng nhiều năm với những hoài nghi khắc khoải không ngừng về vấn đề siêu thoát linh hồn. Với lòng nhiệt thành quá độ, ông bất chấp luật pháp, gia nhập tu viện Enfurt thuộc dòng Augustin và một lần nữa tại đó, ông đã nhìn thấy Chúa Trời như một quan toà lúc nào cũng ám ảnh tâm trí ông, ông tập khổ hạnh, tự kiêng ăn uống, tự trừng phạt mình, cố gắng tập luyện những điều vượt quá xa những giáo điều. Nhưng tất cả những sự khổ hạnh của ông không đi đến đâu cả. Những mối hoài nghi của ông vẫn chưa nguôi ngoai, những điều lo nghĩ khổ sở của ông càng gia tăng hơn là giảm đi. Sau đó, ông phải thốt lên “Nếu có một tu sĩ nào đã được lên Thiên Đường do sự phán xét của tu viện, thì chắc tôi sẽ làm được như vậy”.
Năm 1507, Luther trở thành một giáo sĩ, năm 1508, ông diễn thuyết về triết lý tại Đại Học đường mới xây cất là Wittenberg. Năm sau, đề tài của ông là trình bày về quyển Kinh Thánh, nhưng lại cảm thấy ông không bao giờ thích hợp để theo những nghi thức cổ truyền của Thiên Chúa. Năm 1510, ông đến La Mã, nhưng tại đây ông đã nhìn thấy sự lạm quyền của hàng giáo phẩm cao cấp và điều đó khiến ông xung đột với Toà Thánh. Bảy năm sau, lúc đó ông đã ba mươi bốn tuổi, đang làm giáo sư thần học tại Wittenberg. Ông gây được thanh thế tiếng tăm nhờ những bài giảng đạo, trong đó trình bày một cách rõ ràng nguyên thuỷ dòng tư tưởng của ông là “Tìm hiểu đến cái nhân trong một hạt đậu, hạt lúa trong một cây lúa và tuỷ trong xương”. Ông đã nói như vậy, nhưng ông cũng chưa có một thái độ gì chống lại giáo hội Thiên Chúa giáo, mặc dù ông có chỉ trích những điều chướng tai gai mắt lạm dụng quyền hành của hàng Giám Mục. Nhưng rồi cái gì đến phải đến, ông tấn công mạnh mẽ sự chuộc tội bằng tiền của nhà thờ Wittenberg.
Đây là một phong tục đã bị lạm dụng rất nhiều trong suốt thời kỳ mà lòng tín ngưỡng bị suy đồi. Nói một cách khác giản dị, lý thuyết ân xá có nghĩa là các tội phạm có thể được bãi bỏ trong trường hợp các phạm nhân sau khi thú tội với các cha và bằng lòng góp một số tiền chuộc tội thì sẽ được nhận lễ giải tội. Vào thời đó, lễ giải tội rất được thông dụng để đóng góp một cách thực tế cho những nhu cầu của giáo đường, và khi vấn đề này lọt vào tay của những kẻ thi hành bổn phận thiêng liêng quá cẩu thả và quá hăng hái thì vấn đề càng ngày càng thịnh hành để trở nên một công việc áp phe có tính cách tiền bạc.
Cứ theo đà bành trướng này thì sự giải tội không còn đúng ý nghĩa của nó nữa nên tệ đoan này đã bị Luther tố cáo năm 1517. Những bản điều trần của ông có rất nhiều đề tài để tranh luận, nhưng không có tính cách tà giáo trong đó. Cuối cùng, điều mà Luther muốn lúc đó là tách rời khỏi giáo hội Thiên Chúa giáo. Những người theo ông lại càng tỏ ra nóng nảy tích cực hơn và vị giáo sư ở Đại Học Wittenberg cảm thấy mình đang dấn thân vào một cuộc hỗn loạn chính trị ở châu Âu. Tu viện trường dòng Dominican, Jolin Tetzel, một trong những người bị Luther nhắm vào để chế giễu châm biếm, đã lên tiếng trả lời thẳng những bài bình luận nảy lửa của Luther và buộc tội ông đã chủ xướng tà thuyết. Cuộc bút chiến sôi nổi bắt đầu, và tiếng đồn vọng tới Vatican.
Đức Giáo Hoàng Leo đệ thập, một người học thức, quyến rũ, tên thật là Medici, lúc đầu cũng không mấy chú ý. Ông xem vấn đề như một cuộc tranh luận không đáng kể ở Đại Học và rồi sẽ tự đắm chìm trong đại dương của tu từ học. Nhưng vấn đề thật sự không phải như vậy và cuối cùng Đức Giáo Hoàng bắt buộc phải thay đổi quan niệm của mình. Cuộc tranh luận lan tràn khắp nơi ở châu Âu và tiến sĩ John Eck, một giáo sư, cũng tố cáo Luther. Luther quyết tâm bảo vệ cho chủ thuyết của mình và bắt đầu phổ biến. Ông đưa ra những điểm căn bản để chứng minh chủ thuyết cải cách của mình, và biện minh bằng đức tin chứ không phải bằng công việc “Những công việc tốt sẽ không bao giờ tạo ra một con người tốt, nhưng chính con người làm ra những công việc tốt; cũng như những công việc xấu không bao giờ tạo ra con người xấu mà chỉ người xấu mới làm những công việc xấu”. Luther nói rằng con người chỉ là kẻ tội lỗi. Hãy để cho con người ý thức được sự kiện đó và dâng mình cho Chúa. Nếu con người luôn luôn tin rằng mình sẽ tìm được sự cứu rỗi, thì sự cứu rỗi sẽ đến với mình. Đó là những tư tưởng đã hình thành nơi ông; đưa ông đến những năm sau đó, ông đã bày tỏ ý tưởng này trong lá thư gởi cho Melanchthon, vừa là bạn vừa là môn đồ, cũng cùng là giáo sư ở Đại Học đường Wittenberg. “Hãy là một kẻ tội lỗi một cách xứng đáng. Nhưng phải đặt tất cả niềm tin yêu và hi vọng nơi Chúa, là người đã chiến thắng qua tất cả mọi tội lỗi và sự chết”. Dĩ nhiên, đó là một cách để thúc đẩy cho một chủ thuyết mà chỉ có người sinh viên mới có thể lãnh hội được.
La Mã không thể nào tiếp tục làm ngơ cho Luther tung hoành được nữa và năm 1520, Đức Giáo Hoàng Leo đi đến quyết định là ban hành một chiếu chỉ lên án vài ba quan niệm của Luther và nhấn mạnh, nếu tác giả những tư tưởng này không rút lại những điều trên trong vòng sáu mươi ngày thì ông sẽ bị khai trừ khỏi giáo Hội Thiên Chúa giáo. Luther đã trả lời sự đe doạ đó bằng cách đốt chiếu chỉ của Đức Giáo Hoàng một cách công khai. Giai đoạn trầm trọng bắt đầu. Uy quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng bị coi thường và Luther vẫn tiếp tục dấn thân tích cực vào cuộc cải cách tôn giáo.
Kể từ đây, Luther đã vô tình tạo ra một trận đại hồng thuỷ, bao giờ ông cũng là cây đinh của những buổi diễn thuyết công cộng, không cần có chương trình nhất định cho ngày mai; một lãnh tụ tàn nhẫn, phi lý, hơi lúng túng, con người ông đã gieo vào lòng dân chúng biết bao sự tưởng tượng, sẵn sàng ứng khẩu lúc đi ngoài đường; ông là một khuôn mặt được xem như trọng tâm của cuộc cải cách tôn giáo, mặc dù ông cũng chưa có một ý niệm rõ ràng sẽ dẫn dắt dư luận đi đến một chủ đích cuối cùng nào.
Kế đó, ông bị tân vương là Charles đệ ngũ, một người Tây Ban Nha, chỉ mới có hai mươi tuổi, nhưng lại nắm quyền tối cao, ra sắc lệnh triệu hồi Luther phải có mặt tại Quốc Hội để nghe biểu quyết về trường hợp ông. Một dự luật được ban hành chống lại Luther, ra lệnh cho ông phải chối bỏ những quan niệm tà giáo của ông. Trước Quốc Hội, Luther không có sự xúc động gì đặc biệt; ông lại càng tỏ ra coi thường buổi họp có tính cách nghiêm trọng như thế này. Ông vẫn giữ vững lập trường “Tôi không thể và không bao giờ rút lại điều gì hết vì hành động phản lại với lương tâm mình là một điều vô cùng nguy hiểm và bỉ ổi”. Kết quả là ông bị đặt để số phận ra ngoài vòng pháp luật và Quốc Hội đồng thanh tuyên bố tử hình và ông phải chịu trách nhiệm cho những điều tà giáo của mình. Nhưng giấy thông hành mà ông được cấp vẫn còn hiệu nghiệm, và khi ông trở về với tên sứ giả của Hoàng Gia thì ông biến mất. Tin đồn được lan truyền rộng rãi gây nên niềm tín ngưỡng tràn đầy trong dân chúng. Số đông quần chúng tin rằng ông đã bị những người buộc tội chủ mưu ám sát; vì thế phong trào chống Thiên Chúa giáo trở nên mạnh mẽ và bộc phát dữ dội.
Sự thật, sự việc xảy ra là do Frederick, người bạn tốt và cũng là một ủng hộ viên trung thành nhất, đã tổ chức bắt cóc Luther để đem giấu vào lâu đài của ông ta ở Wartburg, cho nhà cải cách tôn giáo thoát khỏi lưỡi hái của Tử Thần. Luther đã sống ròng rã gần một năm trời trong thành luỹ kiên cố này, và hàng ngày nhìn thấy quê hương thân yêu là tỉnh Eisenach trong tầm mắt.
Trong thời gian này, Luther vùi đầu vào việc viết lách, xem sách và suy tư, pha trộn với niềm cô đơn man mác. Ông là người làm việc phi thường, song song vào việc hoàn mỹ bản dịch quyển Kinh Thánh bằng tiếng Hy Lạp sang tiếng Đức, ông còn viết truyền đơn tố cáo những thói xấu của lễ Misa, những lời thề ở tu viện và phòng xưng tội; đồng thời để lắp đầy thì giờ nhàn rỗi ông phê bình những bài thánh ca mà ông thích. Tại nơi đây, biệt lập khỏi sự phiền nhiễu của thế giới bên ngoài một thời gian, ông có dịp suy gẫm lại quan niệm của mình. Luther quyết định phải dẹp bỏ nhiều điểm căn bản của đức tin Thiên Chúa cổ xưa. Ông không nhìn nhận quyền hành của giáo sĩ, và tuyên bố mỗi con người tín ngưỡng chân chính đều là một tu sĩ. Ông yêu cầu cho hàng giáo phẩm cũng kết hôn, và lên án những lời khấn hứa của tu viện. Trên hết, ông bác bỏ lễ Misa và phủ nhận xác thân Chúa có mặt trong bánh thánh.
Về điểm này mà sau đó ông có dịp tranh luận sôi nổi với Ulrich Zwingli, một nhà cải cách người Thuỵ Sĩ. Họ đã tranh luận biết bao ngày chỉ trên những tiếng “Đây là thân xác tôi”. Luther vẫn cương quyết giữ vững chủ nghĩa ông trong khi Zwingli lại cho rằng chỉ có sự hiện hữu tinh thần.
Mặc dù cuộc tranh luận diễn ra vô cùng gay cấn, nhưng Luther vẫn giữ tình thân hữu tốt đẹp với Zwingli, và sau đó với Bullinger người thừa kế Zwingli. Luther cũng bị ấn tượng công việc làm và thái độ của Calvin cũng là nhà cải cách Thiên Chúa giáo tại Pháp và Thuỵ Sĩ, nhưng ông khuyến khích sự khổ hạnh của những người chủ trương tái tẩy lễ (lễ rửa tội thứ hai của đạo Tin Lành) trong khi đó Calvin xem việc tái tẩy lễ cung có nhiều nọc độc như người Thiên Chúa.
Cùng lúc đó, phong trào cải cách tôn giáo chia châu Âu ra làm hai. Philip dòng Hesse, một trong những ông hoàng thế lực nhất của Đức lên tiếng chấp nhận lập trường của Luther. Những người cuồng tín cực đoan xuất hiện trong một lực lượng mới và đám người này sách động dân chúng nổi loạn để đi đến tình trạng vô chính phủ. Khi Luther rời lâu đài ở Wartburg, ông không còn sợ chiếu chỉ của triều đình nữa. Những người chấp nhận lập trường của ông rất mạnh và thừa sức để thách thức lại quyền lực to lớn nhất ở châu Âu. Năm 1522, Luther đã viết một bài nẩy lửa trả lời sự tấn công của Henry VIII, hoàng đế Anh quốc, người mà ông đã dùng những danh từ nặng nề để gọi như tên xấc xược thô tục, xảo trá dâm đảng và vô lại. Và ba năm sau đó, ông cho xuất bản tác phẩm viết về vận mạng con người để chống lại Erasmus đã cho rằng con người làm chủ lấy mình.
Năm 1525, cuộc nổi dậy của giới nông dân, và người ta cho rằng đó là kết quả của những cuộc nổi loạn tôn giáo đã khiến cho nông dân nổi loạn chống lại giới chủ nhân. Trong tất cả mọi biến cố, những người nổi loạn đều hướng về Luther mong một sự che chở giúp sức. Nhưng họ vô cùng thất vọng. Luther buộc tội cả hai phía. Khi cuộc nổi loạn thực sự bùng nổ, ông lên tiếng tố cáo sự nổi dậy có tính cách ngoan cố này. Ông viết “Lạy Chúa ơi, nếu có một linh hồn nào ngự tri trong đám dân quê này, thì bây giờ đã đến lúc cắt cổ chúng như cắt cổ một con chó điên”. Và ông lại còn nói “Một con người phạm tội nổi loạn thì đặt dưới sự cấm chỉ của Chúa và đức Vua, và mỗi người Công giáo đều có thể giết kẻ phạm tội đó và được xem như đã làm một hành động tốt”. Đó là một lời nói lạ lùng xuất phát từ một con người đã từng gánh chịu sự phẫn nộ của cả Đức Giáo Hoàng lẫn đức Vua.
Sự cải cách tôn giáo lúc bấy giờ đã trở nên một phong trào khiến những người làm chính trị phải vuốt ve. Năm 1526, Quốc Hội của Speyer tuyên bố thông cảm đối với những quan niệm mới mẽ này. Nhưng ba năm sau, phong trào lại nổi dậy và những người có thế lực ủng hộ Luther đã làm một cuộc chống đối công khai. Do đó, chữ Protestant để chỉ về đạo Tin Lành ra đời.
Sau đó, vua Charles lại ra một sắc chỉ tại Augsburg, yêu cầu các lãnh tụ Tin Lành giáo giao hoàn những nhà thờ cũng như tài sản đã chiếm hữu lại cho Giáo hội Thiên Chúa giáo. Luther một lần nữa bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, và sự bùng nổ chiến tranh tôn giáo ở Đức chỉ còn là vấn đề thời gian. Những lãnh tụ Tin Lành giáo nhất định củng cố uy thế của họ, và thành lập liên minh để chống lại Giáo hội Thiên Chúa giáo và nhà Vua.
Từ đây trở đi, sự quan trọng của Luther cũng như ảnh hưởng của ông trong chủ nghĩa cải cách tôn giáo vẫn to lớn như bao giờ. Và ông cũng không ngừng nghỉ để trở nên một lãnh tụ tinh thần được mọi người nhìn nhận, Luther tiếp tục giảng đạo và bành trướng rộng rãi quan điểm của ông vào quảng đại quần chúng.
Tháng Sáu năm 1525, Luther về Wittenberg và thành hôn với Catherine von Bora, một nữ tu sĩ dòng dõi quý phái vừa ra khỏi tu viện. Mặc dù, ông thường nói rằng vẫn dành đặc ân cho giới tu sĩ được quyền kết hôn, nhưng chính cá nhân ông thì bao giờ cũng giữ lời thề nguyền khi bước chân vào tu viện tại Erfert. Luther đã bảo vệ hành động lấy vợ của mình bằng những lời tranh luận lạ lùng nhất “Tôi thành hôn với nữ tu. Tôi đã hành động như vậy để thách thức những kẻ chống đối, các ông hoàng, các vị linh mục vì họ đã ngu ngốc khi cấm đoán tu sĩ cưới vợ. Và tôi sẽ sung sướng khi tạo ra những chuyện kinh thiên động địa hơn nếu tôi biết được chuyện gì khác mà có thể vừa làm Chúa hài lòng vừa khiến bọn họ nổi điên”. Cũng trong tinh thần chịu chơi đó, ông viết tiếp cho một người bạn “Ồ! Nếu tôi có thể tưởng tượng ra một tội lỗi nào vĩ đại để làm bối rối bọn người đạo đức giả và sẵn sàng cho bọn họ hiểu rằng tôi không thú tội vì lương tâm không cắn rứt”.
Trong những năm cuối cùng, ông càng làm việc nhiều hơn trước, mặc dù con người kiên gan đó đã bắt đầu suy kém sức khoẻ, ông sửa chữa lại bản dịch quyển Cựu ước của ông đã làm từ những năm 1523–1532 và luôn quyển Tân ước. Luther đã góp phần rất nhiều cho văn chương trong giai đoạn cải cách này, tạo cho ông một khuôn mặt vĩ đại và là nhà từ thiện trong nước. Ngoài tài nghệ dịch Kinh Thánh, ông còn xuất bản những lời chú thích cũng như ông cũng viết những bài thánh ca vô cùng cảm động vì lời lẽ rất thành thật.
Trong đời sống đại chúng, ông vẫn tiếp tục chống đối việc liên minh với La Mã, vì ông biết rằng hoà giải với Giáo hội Thiên Chúa giáo có nghĩa là phải hy sinh thật nhiều những nguyên tắc mà ông đã chiến đấu.
Đó là quan điểm của ông về vấn đề cho phép tu sĩ lấy vợ mà ông thường hô hào và càng ngày càng hăng say mãnh liệt khiến những người đương thời và kẻ hậu sinh cũng không tiếc lời chỉ trích ông. Ông không thể giải thích tất cả những gì mà ông nói. Ông là một con người hết sức cực đoan, có tật hay nói năng thái quá. Ông không bao giờ biết ăn nói ôn hoà. Vài người ngưỡng mộ ông đã cố gắng biện minh trước hành động tán thành và làm phép cưới cho vua Philip dòng Hesse lấy người vợ thứ hai. Ở đây sự lễ độ khúm núm của ông trước các ông hoàng có vẻ lộ liễu, một đặc điểm của người dân quê mà ông chưa bỏ được. Luther đã ký một tờ giấy cho phép và nêu ra nguyên tắc là mặc dù không cho phép cưới hai vợ, nhưng vì mục sư trong một vài trường hợp ngoại lệ có thể thông qua luật lệ đó và hợp thức hoá lễ thành hôn dưới sự chứng kiến của Chúa. Đây không phải là một tài liệu có tính cách dạy đời.
Luther chết năm 1546, lúc sáu mươi ba tuổi, ông đã làm một cuộc hành trình đến Eisleben, nơi mà ông đã sống suốt cả thời thơ ấu, để giải quyết một vài tranh chấp nhỏ. Thời tiết lạnh buốt và sức khoẻ ông giảm sút dần. Ông tổ chức giảng đạo lần cuối cùng tại nhà thờ, nhưng bất chợt ngừng lại trước khi bài giảng chấm dứt, bốn hôm sau ông qua đời ngày 18 tháng Hai năm 1546. Ở giây phút cuối cùng của cuộc đời, khi được hỏi có giữ khăng khăng mãi đức tin mà ông đã giảng dạy hay không, ông trả lời trong hơi thở hấp hối “có”.
Thi hài ông được mang về Wittenberg, được những người quý phái và quân đội theo hộ tống cùng hàng ngàn dân quê nối đuôi theo tiễn đưa làm thành một con đường dài. Ông được an nghỉ trong một thánh đường nơi mà hai mươi chín năm trước ông đã đóng đinh 95 bài văn lên cánh cửa.
Luther là một khuôn mặt vĩ đại nhất trong cuộc cải cách tôn giáo. Thật ra lúc đầu, ông cũng không có ý muốn chết ngoài Giáo hội La Mã, nhưng ông vẫn là nguyên nhân hứng khởi cho cả phong trào cải cách tôn giáo. Bản chất của ông không phải là giáo sư thần học. Nhưng chủ nghĩa ông đặt ra có vẻ mâu thuẫn nhau, và trước khi ông chết, những người theo ông đã phân tản ra làm ba nhóm và tình trạng phức tạp đó cũng vẫn còn. Nhưng sức mạnh ở con người ông đã che khuất tất cả những người theo sau ông là Zwingli, Melanchthon, Calvin. Sức mạnh và năng lực tràn đầy của ông là những động lực dẫn đầu cho một phong trào đã biến đổi thế giới thời trung cổ sang một thế giới mới.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới