Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần II: Hoa Trà - Chương 1: Một Phụ Nữ Quý Tộc
hứ Ba và thứ Năm hàng tuần, Manuela, cô bạn duy nhất của tôi đến uống trà với tôi. Manuela là một phụ nữ giản dị mà hai mươi năm phí hoài làm việc quét bụi cho người khác không làm mất đi phong cách lịch thiệp. Quét bụi chỉ là cách nói ngắn gọn khá ý tứ. Nhưng ở nhà của người giàu, sự vật không được gọi đúng tên của chúng.
- Tôi đổ những giỏ đầy băng vệ sinh, - cô ấy kể với tôi, giọng nhẹ nhàng, - tôi dọn chỗ chó mửa, tôi lau chùi chuồng chim, mọi người không thể tin rằng lũ chim bé thế lại cho ngần ấy phân, tôi cọ nhà vệ sinh. Còn bụi thì sao? Quá đơn giản!
Cần phải hình dung rằng khi xuống đến phòng tôi lúc hai giờ chiều, ngày thứ Ba từ nhà Arthens, ngày thứ Năm từ nhà de Broglie, Manuela đã dùng tăm bông lau chùi kĩ lưỡng từng chiếc bệ xí lát vàng lá - mặc dù thế, chúng vẫn bẩn và thối như tất cả các nhà xí trên thế giới bởi vì có một điều mà người giàu cũng bất đắc dĩ phải giống người nghèo: bộ ruột kinh tởm cuối cùng cũng phải tống khứ ra đâu đó những thứ làm cho nó hôi thối.
Vì thế người ta kính phục Manuela. Mặc dù bị hiến sinh trên ban thờ của một thế giới nơi những công việc bạc bẽo được dành cho một số người, trong khi những người khác bịt mũi và không làm gì cả, cô ấy vẫn không thôi hướng tới sự tinh tế vượt trên tất cả các đồ dát vàng lá, huống gì là những thứ đồ vệ sinh.
- Khi ăn hồ đào, cần phải trải khăn bàn, - Manuela vừa nói vừa lấy trong chiếc túi cũ rích của mình ra một chiếc hộp bằng gỗ sáng màu, lấp ló những cuộn giấy lụa màu đỏ, trong hộp có vài chiếc bánh quy hạnh nhân. Tôi pha một cốc cà phê, mặc dù chúng tôi không uống cà phê nhưng cả hai đều rất thích mùi thơm của nó, rồi chúng tôi im lặng nhấp từng ngụm trà xanh và nhấm nháp bánh quy.
Giống như hình mẫu của tôi là sự giả bộ thường trực, với hình mẫu một bà giúp việc người Bồ Đào Nha, Manuela là một kẻ phản nghịch không tự biết mình. Là con gái của xứ Faro, được sinh ra dưới gốc cây sung sau bảy anh chị và trước sáu đứa em, cô phải đi làm đồng từ rất sớm và cũng sớm kết hôn với một thợ nề rồi đi biệt xứ ngay sau đó. Cô là mẹ của bốn đứa con mang quốc tịch Pháp vì được sinh ra ở đây, nhưng vẫn là người Bồ Đào Nha theo cách nhìn của xã hội, do đó cô con gái xứ Faro, kể cả đôi tất đen dài và chiếc khăn đội đầu, là một phụ nữ quý tộc, thực sự quý tộc, cao quý, đến mức không ai phải tranh cãi, vì trong lòng mình, cô coi khinh mọi tước vị và tiểu từ trong họ quý tộc 1. Một phụ nữ quý tộc là gì? Đó là người phụ nữ sống trong môi trường tầm thường nhưng không bị môi trường đó làm biến đổi.
Sự tầm thường của gia đình nhà chồng khi mỗi ngày Chủ nhật, họ bóp nghẹt nỗi đau đớn vì sinh ra đã yếu thế và không có tương lai bằng những tràng cười thô thiển; sự tầm thường của những người hàng xóm có nỗi đau buồn xanh tái như ánh đèn nê ông của nhà máy, nơi đàn ông tới làm việc mỗi buổi sáng như đi xuống địa ngục; sự tầm thường của những bà chủ mà tất cả tiền bạc cũng không thể che giấu nổi tính hèn hạ và nói với cô như với một con chó mắc bệnh trụi lông. Nhưng phải thấy Manuela tặng cho tôi như cho một bà hoàng những chiếc bánh ngọt mà cô ấy tự tay chế biến, các bạn mới thấy hết được tính nhân hậu của người phụ nữ này. Vâng, như tặng cho một bà hoàng. Khi Manuela xuất hiện, căn phòng dành cho người gác cổng của tôi biến thành cung điện, còn những bữa nhấm nháp quá ư nghèo nàn của chúng tôi biến thành yến tiệc của vua chúa. Cũng giống như người kể chuyện cổ tích biến cuộc sống thành một dòng sông lóng lánh nuốt hết mọi đau khổ và phiền muộn, Manuela biến sự tồn tại của chúng tôi thành một bản trường ca nồng ấm vui tươi.
- Thằng bé nhà Pallières vừa chào tôi ở cầu thang, - Manuela đột nhiên cất tiếng phá tan sự im lặng.
Tôi khinh khỉnh càu nhàu.
- Nó đọc sách của Marx, - tôi vừa nói vừa nhún vai.
- Marx ư? - Cô ấy hỏi, phát âm chữ "x" giống như "ch", âm "ch" hơi mềm dễ thương như bầu trời xanh trong.
- Cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản, - tôi đáp.
Manuela nhíu mày suy nghĩ một lát.
- Không giống loại sách mà chúng thường đọc, - cô nói.
Những cuốn họa báo mà các cô bé, cậu bé thường giấu dưới đệm không thoát khỏi con mắt tinh ý của Manuela. Có một thời gian, thằng bé nhà Pallières dường như rất chăm chỉ đọc chúng, mặc dù có chọn lọc, bằng chứng là một trang đã sờn có tên mục rất rõ ràng: Những bà hầu tước ranh ma.
Chúng tôi cười và tán gẫu thêm một lúc nữa về chuyện này, chuyện nọ, cảm thấy thật thư thái với người bạn lâu năm của mình. Những khoảng thời gian đó đối với tôi rất quý giá và tim tôi như thắt lại khi nghĩ đến ngày Manuela thực hiện được ước mơ của cô ấy và trở về nước mãi mãi, để lại tôi ở đây, đơn độc và già khọm, không có ai để biến tôi thành bà hoàng bí mật hai lần mỗi tuần. Tôi cũng lo lắng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra khi cô bạn gái duy nhất của tôi, người duy nhất biết mọi thứ mà không bao giờ hỏi gì, ra đi và để lại phía sau một phụ nữ không được ai đánh giá đúng, vùi chặt chuyện này dưới lớp vải liệm lãng quên.
Có tiếng bước chân ngoài tiền sảnh, rồi chúng tôi nghe thấy rõ tiếng tay người ấn nút gọi thang máy, chiếc thang máy cổ có lưới sắt đen và cánh cửa sập, vách độn bông và ốp gỗ, trước khi người phục vụ có thể đứng trong đó nếu đủ chỗ. Tôi biết tiếng chân này; đó chính là bước chân của Pierre Arthens, nhà phê bình ẩm thực ở tầng năm, thành viên của một tập đoàn thống trị tồi tệ nhất. Theo cái cách ông ta nheo mắt khi đứng ở cửa phòng tôi, hẳn ông ta nghĩ rằng tôi đang sống trong một hang động tối tăm, mặc dù cái mà ông ta thấy lại chỉ ra điều ngược lại.
- Tôi chẳng hiểu gì cả, - Manuela nói; với cô ấy, món thịt quay ngon chỉ là món thịt quay ngon, thế thôi.
Chẳng có gì phải hiểu cả. Thật đáng thương khi thấy cây bút như thế tự làm hỏng mình bằng sự thiếu suy xét. Viết những trang dài dằng dặc về một quả cả chua, bằng từ ngữ bóng bẩy - vì Pierre Arthens phê bình như người ta kể một câu chuyện và chỉ riêng điều đó lẽ ra cũng đủ để biến ông ta thành một thiên tài - trong khi chưa bao giờ thấy và cầm cà chua, là một thứ văn điêu luyện làm người ta bực mình. Liệu người ta có thể giỏi như thế và mù quáng như thế đối với các sự vật hay không? Tôi thường tự hỏi như vậy khi thấy ông ta đi qua trước mặt mình với chiếc mũi to ngạo mạn. Dường như đúng như vậy. Một số người ngắm nhìn sự vật nhưng không thể nắm bắt được trong đó thứ làm cho nó sống động và khí chất thực của nó, và suốt cả cuộc đời tồn tại của mình, họ chỉ thuyết trình về con người như đó là những người máy và về các sự vật như thể chúng hoàn toàn vô hồn và chỉ tóm gọn trong những gì có thể được nói tới, theo cảm hứng chủ quan.
Cứ như cố tình, tiếng bước chân chợt quay trở lại và Arthens bấm chuông phòng tôi.
Tôi đứng dậy, cẩn thận lê chân xỏ trong đôi giày vải mềm vừa vặn đến mức chỉ có liên minh giữa bánh mì và mũ bêrê 2 mới có thể thách thức chúng bằng những lời sáo rỗng thường gặp. Làm như thế, tôi biết rằng mình đã khiến Bậc thầy tức giận, Bậc thầy là khúc thơ sống động về sự thiếu kiên nhẫn của những sinh vật ăn mồi lớn, và tôi không hề vô tình chậm rãi hé mở cánh cửa để thấy một cái mũi đa nghi mà tôi hy vọng là sẽ đỏ và bóng loáng.
- Tôi đang đợi một túi đồ, - ông ta nói, mắt nheo nheo, mũi nhăn lại. - Khi nào người ta mang tới, bà có thể đem ngay cho tôi được không?
Chiều nay, ông Arthens đeo chiếc cà vạt khăn rất to có chấm phấp phới quanh chiếc cổ quý phái của mình, nhưng chiếc cà vạt đó không hợp với ông ta tí nào, vì mái tóc xù như sư tử và hai nút thắt phồng to của chiếc cà vạt lụa trông như chiếc váy xòe mỏng mang nhiều lớp, làm mất đi sự rắn rỏi mà người đàn ông thường khoác lên mình. Hơn nữa thật quái quỷ, cái cà vạt ấy làm tôi liên tưởng đến một thứ gì đó. Tôi suýt bật cười khi nhớ lại cái đồ vật đó. Đó là cái cà vạt của Legrandin. Trong cuốn Đi tìm thời gian đã mất, tác phẩm của một ông Marcel nào đó, Legrandin là một người gác cổng mà ai cũng biết và cũng là một kẻ học đòi bị giằng xé giữa hai thế giới, thế giới mà anh ta đang sống và thế giới mà anh ta muốn bước vào, một kẻ học đòi khốn khổ mà từ hy vọng đến cay đắng và từ lệ thuộc đến coi thường, cái cà vạt thể hiện được hết những biến đổi sâu sắc nhất ấy. Ví dụ như khi ở quảng trường Combray, vì không muốn chào cha mẹ của người kể chuyện nhưng vẫn buộc phải chạm mặt họ, anh ta dùng chiếc cà vạt khăn, giơ cho nó bay trong gió, bày tỏ một tâm trạng buồn thay cho lời chào thông thường.
Pierre Arthens biết tác phẩm của Proust, nhưng không có chút lòng nhân từ đặc biệt nào đối với người gác cổng. Ông ta khạc khạc trong cổ họng vẻ sốt ruột.
Tôi nhớ ra câu hỏi của ông:
- Có thể đem ngay được không (cái túi do người chuyển hàng mang đến - bưu phẩm của người giàu không đi theo đường bưu điện thông thường)?
- Được, - tôi nói và lập kỷ lục về độ ngắn gọn, được kích thích bởi sự kiệm lời của ông ta và bởi trong câu nói của ông ta thiếu lời "làm ơn" mà theo tôi, dù ông ta đã sử dụng hình thức câu hỏi và chia động từ ở thức điều kiện cũng không thể hoàn toàn biện hộ được.
- Dễ hỏng lắm đấy, - ông ta nói thêm, - làm ơn hãy chú ý.
Cách chia động từ ở thể mệnh lệnh và lời nói "làm ơn" cũng không có được may mắn làm tôi vừa lòng, hơn nữa ông ta còn cho rằng tôi không đủ khả năng hiểu được những tinh tế về cú pháp và chỉ dùng chúng theo ý thích, chứ không có phép lịch sự để giả thiết rằng tôi có thể cảm thấy bị sỉ nhục. Tôi cảm thấy đã chạm đến đáy xã hội khi nghe thấy trong giọng nói của kẻ giàu cái thái động rằng ông ta chỉ nói với chính mình, và mặc dù từ ngữ mà ông ta nói ra về hình thức là dành cho bạn, nhưng ông ta thậm chí không nghĩ rằng bạn có thể hiểu được chúng.
- Dễ hỏng như thế nào? - Tôi hỏi bằng giọng không mấy quan tâm.
Ông ta thở dài không giấu giếm và tôi nhận thấy trong hơi thở của ông ta một chút gừng rất nhẹ.
- Đó là một cuốn sách cổ, - ông ta nói và nhìn xoáy vào mắt tôi, cái nhìn thỏa mãn của một ông chủ lớn, còn tôi cố tỏ ra lờ đờ.
- Được rồi, ông cứ yên tâm, - tôi nói với vẻ mặt chán ngán. - Tôi sẽ mang nó cho ông ngay khi người ta đem tới.
Rồi tôi đóng sập cửa ngay trước mũi ông ta.
Tôi cảm thấy vui với ý nghĩ rằng tối nay, khi Pierre Arthens ngồi vào bàn viết, thay vì nhưng lời lẽ đẹp đẽ, ông ta lại viết về sự phẫn nộ của người gác cổng, bởi vì ông ta đã nói về một cuốn sách cổ trước mặt bà ta và chắc chắn bà ta thấy nó là một thứ gì đó nguy hiểm.
Trời mới biết được ai trong hai chúng tôi là người hạ mình nhiều hơn.
NHẬT KÝ SỐ 1
VỀ SỰ VẬN ĐỘNG CỦA THẾ GIỚI
Vẫn tập trung vào bản thân mà không bị mất quần soóc
Viết suy nghĩ sâu đều đặn là rất tốt, nhưng tôi nghĩ rằng như thế vẫn chưa đủ. Rốt cuộc, tôi muốn nói: tôi sẽ tự tử và đốt nhà trong vài tháng nữa, rõ ràng là tôi không có nhiều thời gian, vì thế tôi cần làm điều gì đó đáng kể trong số thời gian ít ỏi còn lại. Đặc biệt, tôi đã tự đặt mình trước một thách thức nhỏ: nếu tự tử, cần phải chắc chắn về việc làm của mình và không thể đốt cháy căn hộ chẳng vì cái gì cả. Vậy nên, nếu như có điều gì đó trên thế giới này đáng để người ta sống, thì tôi nhất định không được bỏ lỡ nó, bởi vì một khi đã chết, sẽ là quá muộn để nuối tiếc và bởi nếu chết vì nhầm thì đúng là ngớ ngẩn.
Vậy nên đương nhiên tôi có những suy nghĩ sâu. Nhưng trong những suy nghĩ sâu đó, tôi đùa giỡn với chính bản thân mình, vâng, một trí thức (hay chế giễu những trí thức khác). Không phải lúc nào cũng đáng tự hào nhưng rất vui. Vì thế, tôi nghĩ rằng cần bù trừ cho mặt "vinh quang của trí óc" bằng một nhật ký khác, trong đó nói về cơ thể hay các sự vật. Không phải những suy nghĩ sâu của trí óc mà là những kiệt tác của vật chất. Cái gì đó hiển hiện, cầm nắm được. Nhưng cũng đẹp và có thẩm mỹ. Ngoài tình yêu, tình bạn và cái đẹp của Nghệ thuật, tôi không thấy có gì khác đáng kể có thể nuôi dưỡng cuộc sống con người. Tôi còn quá trẻ để có thể thực sự hiểu về tình yêu và tình bạn. Nhưng còn Nghệ thuật... nếu tôi phải sống, thì đó sẽ là tất cả cuộc đời tôi. Cuối cùng, khi tôi nói Nghệ thuật, cần phải hiểu rằng tôi không nói đến những kiệt tác của các bậc thầy. Ngay cả với Vermeer 1 tôi cũng không thiết tha sống. Đẹp tuyệt vời, nhưng là trạng thái tĩnh. Không, tôi nghĩ đến cái đẹp trên thế giới, đến cái có thể nâng chúng ta lên trong sự vận động của cuộc sống. Do đó, Nhật ký về sự vận động của thế giới sẽ được dành để nói về sự vận động của con người, của các vật thể, thậm chí, nếu thực sự không có gì để nói, vận động của các sự vật, và tìm thấy ở đó một thứ gì đó đủ tính thẩm mỹ để đem lại giá trị cho cuộc sống. Những vận động của sự duyên dáng, của cái đẹp, của sự hài hòa, của sức mạnh. Nếu tìm thấy, có lẽ tôi sẽ xem xét lại các lựa chọn: nếu tôi tìm thấy một sự vận động đẹp của các vật thể, thay vì một ý tưởng đẹp cho trí óc, có lẽ lúc đó tôi sẽ nghĩ rằng cuộc đời đáng để sống.
Thực ra, tôi có ý tưởng về một cuốn nhật ký kép (một cuốn cho trí óc, một cuốn cho thân thể) từ hôm qua, vì lúc đó bố tôi đang xem một trận đấu bóng bầu dục trên tivi. Cho đến bây giờ, trong những lúc đó, tôi vẫn thường hay nhìn bố. Tôi thích nhìn bố khi bố xắn tay áo, bỏ giày và khi bố đã ngồi thoải mái trên chiếc ghế dài, với một cốc bia và một chiếc xúc xích, vừa xem trận đấu bóng vừa kêu to: "Hãy xem tôi cũng biết sống như một con người bình thường này". Bề ngoài, ông không thể nghĩ rằng một khuôn mẫu (Ông Bộ trưởng rất nghiêm nghị) cộng với một khuôn mẫu khác (người đàn ông tốt bụng và thích bia tươi) sẽ tạo thành khuôn mẫu quyền lực 2. Tóm lại, hôm thứ Bảy, bố tôi sẽ về sớm hơn mọi ngày, quẳng chiếc cặp muốn rơi vào đâu thì rơi, bỏ giày, xắn tay áo, rót một cốc bia trong nhà bếp và ngồi phịch xuống trước tivi, rồi bảo tôi: "Con yêu, lấy hộ bố một cái xúc xích đi, bố không muốn bỏ lỡ haka". Về chuyện bỏ lỡ haka, thực ra tôi có thoải mái thời gian để cắt xúc xích thành từng khoanh và mang ra cho bố, nhưng trên tivi vẫn đang là chương trình quảng cáo. Mẹ tôi ngồi vắt vẻo trên một tay vịn đầu ghế để tỏ thái độ phản đối lại sự việc (trong gia đình khuôn mẫu, tôi yêu cầu có con ếch-trí-thức-cánh-tả), và quấy rầy bố bằng chuyện phức tạp liên quan đến bữa ăn tối để dàn hòa cặp vợ chồng đang giận nhau. Khi người ta biết rõ sự tinh tế về mặt tâm lý của mẹ, thì sẽ thấy thật buồn cười. Tóm lại, tôi đã mang tâm lý của mẹ, thì sẽ thấy thật buồn cười. Tóm lại, tôi đã mang xúc xích cho bố và, vì tôi biết rằng chị Colombe đang nghe loại nhạc được cho là tiên phong sáng suốt của quận 5 trong phòng riêng, tôi tự nhủ: rốt cuộc, tại sao lại không chứ, chúng ta hãy tự nhảy một điệu haka ngắn. Trong ký ức của tôi, haka là điệu nhảy hơi kỳ cục mà các cầu thủ đội New Zealand thể hiện trước trận đấu. Giống như đe dọa theo kiểu của bọn khỉ lớn. Và cũng trong ký ức của tôi, bóng bầu dục là một trò chơi nặng nề, mọi người liên tục ngã xuống sân cỏ, rồi đứng dậy, rồi lại ngã xuống và lại lăn vào nhau ngay sau đó.
Cuối cùng, chương trình quảng cáo cũng kết thúc. Sau đoạn giới thiệu một loạt những cầu thủ lực lưỡng nằm lăn trên sân cỏ, người ta thấy sân vận động cùng giọng của các bình luận viên, sau đó là cận cảnh các bình luận viên (nô lệ của món ragu nấu đỗ) rồi trở lại cảnh sân vận động. Các cầu thủ đã vào sân, và lúc đó, tôi bắt đầu bị hút chặt vào màn hình. Đầu tiên, tôi không hiểu gì cả, cũng vẫn là những hình ảnh như mọi lần, nhưng chúng đem lại cho tôi cảm giác mới, kiểu như bị kim châm đau buốt, chờ đợi, kiểu "nín thở". Bên cạnh tôi, bố đã uống hết cốc bia đầu tiên và chuẩn bị tiếp tục đúng kiểu dân Gaulois, mẹ vừa đứng dậy khỏi tay ghế, bố nhờ luôn mang đến cho ông một cốc bia nữa. Còn tôi thì nín thở. "Chuyện gì thế nhỉ?" tôi tự hỏi trong khi nhìn màn hình và không tài nào hiểu nổi mình đang xem cái gì và ai châm mình đau buốt như thế.
Tôi đã hiểu khi các cầu thủ New Zealand bắt đầu điệu nhảy haka của mình. Trong số họ có một cầu thủ người Maori rất cao to, trẻ măng. Mắt tôi dán chặt vào anh ta ngay từ đầu, đầu tiên chắc chắn là do khổ người, nhưng sau đó là do cách cử động của anh ta. Một kiểu vận động rất lạ, rất uyển chuyển, đặc biệt là rất tập trung, tôi muốn nói là rất tập chung vào bản thân anh ta. Khi cử động, đa số mọi người cử động theo những gì diễn ra xung quanh họ. Ngay lúc này đây, khi tôi đang viết, Hiến Pháp đi qua, bụng lê dưới đất. Con mèo này chẳng có một dự định nào trong đời, nhưng nó vẫn tiến về phía cái gì đó, chắc là về phía ghế bành. Và điều đó được thấy rõ trong cách cử động của nó: nó đi về phía đó. Mẹ tôi vừa mới đi về phía cửa ra vào, mẹ đi mua sắm, và quả thật, mẹ đã ở bên ngoài, bản thân sự vận động của mẹ tiến về phía trước, Tôi không biết làm thế nào để giải thích rõ điều này, nhưng khi chúng ta di chuyển, chúng ta bị mất kết cấu dưới một dạng nào đó vì vận động về phía nào đó: chúng ta vừa ở đây, vừa lại không ở đây, bởi vì chúng ta đang đi đâu đó, không biết các bạn có hiểu điều mà tôi muốn nói không. Để không bị mất kết cấu thì hoàn toàn không được cử động. Hoặc là bạn cử động và bạn không còn được toàn vẹn, hoặc là bạn toàn vẹn mà không thể cử động. Nhưng cầu thủ đó, ngay khi nhìn thấy anh ta đi vào sân, tôi đã cảm thấy có gì đó rất khác. Ấn tượng khi nhìn anh ta cử động, vâng, cử động nhưng vẫn đứng yên. Thật kỳ cục, đúng không? Khi điệu nhảy haka bắt đầu, tôi đặc biệt chăm chú nhìn anh ta. Rõ ràng là anh ta không giống như những người khác. Hơn nữa, Món Ragu Nấu Đỗ số 1 đã nói: "Và Somu, hậu vệ đáng sợ của đội New Zealand, luôn gây ấn tượng với chúng ta bằng vóc dáng khổng lồ của mình: 2,07m, 118kg, 11 giây cho cự ly 100m, một cậu bé đẹp, vâng, thưa quý bà!". Tất cả mọi người đều bị anh ta thôi miên, nhưng dường như không một ai thực sự biết tại sao. Tuy nhiên, một điều hiển nhiên trong điệu nhảy haka là: anh ta cử động, làm những động tác giống hệt như những người khác (vỗ lòng bàn tay vào đùi, nện chân xuống đất theo nhịp, chạm hai cùi trỏ vào nhau, làm tất cả những động tác này khi nhìn thẳng vào đối phương bằng ánh mắt của chiến binh đang căng thẳng), nhưng trong khi động tác của những cầu thủ khác hướng về phía đối phương và cả sân vận động đang nhìn họ, thì anh ta, vẫn tập trung vào bản thân anh ta, điều đó khiến anh ta bỗng nổi bật và mạnh mẽ đến mức không thể tin được. Và bỗng nhiên, điệu haka, vốn là một bài ca chiến trận, tỏ rõ tất cả sức mạnh của nó. Điều làm nên sức mạnh của người lính không phải là năng lượng mà anh ta sử dụng để đe dọa kẻ khác khi đưa ra một loạt tín hiệu, mà chính là sức mạnh mà anh ta đủ khả năng tập hợp trong bản thân, trong khi vẫn tập trung vào chính mình. Cầu thủ người Maori trở thành cái cây, một cây sồi to không thể bị hạ gục, với bộ rễ ăn sâu, tỏa rộng, và tất cả mọi người đều cảm thấy điều đó. Tuy nhiên, người ta tin chắc rằng cây sồi to đó cũng có thể bay, cũng sẽ nhanh như gió, mặc dù mang bộ rễ to hoặc là nhờ vào bộ rễ đó.
Đột nhiên, tôi chăm chú xem trận đấu và tìm kiếm một thứ: những khoảnh khắc ngắn ngủi khi một cầu thủ trở thành sự vận động của chính mình mà không cần chia nhỏ mình để đi về phía. Và tôi đã thấy! Tôi đã thấy trong tất cả các pha của trận đấu: trong những cuộc tranh giành hỗn loạn, với một điểm cân bằng hiển nhiên, một cầu thủ tìm thấy rễ của mình và trở thành chiếc neo nhỏ vững chắc đem lại sức mạnh cho cả nhóm; trong những pha dàn quân, với một cầu thủ chạy nhanh khi không nghĩ đến khung thành, chỉ tập trung vào sự vận động của chính mình và chạy như có được thiên hứng, quả bóng như dính vào người; trong mối lo sợ của các cầu thủ khi ghi bàn, tách mình khỏi phần còn lại của thế giới để có được vận động hoàn hảo nhất của bàn chân. Nhưng không ai đạt đến sự hoàn thiện như cầu thủ tài năng người Maori. Khi anh ta ghi bàn đầu tiên cho đội New Zealand, bố tôi ngẩn người, há hốc miệng, quên cả uống bia. Lẽ ra bố tôi phải tức giận vì ông cổ vũ cho đội Pháp, nhưng thay vì tức giận, ông đã nói "Một cầu thủ tuyệt vời!" và đặt một tay lên trán. Các bình luận viên hơi khô họng, nhưng không thể không nói rằng mọi người đã thật sự được xem một pha đẹp: một cầu thủ chạy mà không cử động, bỏ tất cả các cầu thủ khác lại phía sau. Chính những cầu thủ khác mới có vẻ có những hành động cuồng nhiệt và vụng về, nhưng chính họ lại không thể đuổi kịp anh ta.
Khi đó tôi tự nhủ: xong, tôi đã phát hiện ra được trong thế giới những sự vận động bất động; liệu điều đó có đáng để tiếp tục không? Đúng lúc đó, một cầu thủ Pháp bị rơi mất quần soóc trong khi tranh bóng, và đột nhiên tôi bị mất hết tinh thần vì chuyện đó làm tất cả mọi người cười ra nước mắt, kể cả bố, ông đã kịp uống thêm một cốc bia nữa, mặc dù gia đình ông có truyền thống theo đạo Tin lành từ hai thế kỷ nay. Còn tôi, tôi cảm tưởng như có một sự thiếu tôn trọng.
Thế nhưng không, như thế vẫn chưa đủ. Cần có những vận động khác mới thuyết phục được tôi. Nhưng ít nhất, vận động này cũng sẽ đem lại cho tôi ý tưởng về chúng.
Chú thích
1.Ở Pháp, trước họ có tiểu từ "de" thì thường là một dòng họ quý tộc
2.Bánh mì và mũ bêrê là hình ảnh đặc trưng của người Pháp
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch