Người Yêu Dấu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 5
uần thứ hai ở Langlinais trôi qua, một chuỗi những công việc thường ngày của Juliana đã hình thành. Một ngày của nàng bắt đầu ngay từ lúc bình minh, khi nàng được đánh thức không phải bởi tiếng chuông, mà bởi sự sôi nổi dễ chịu khi lâu đài bắt đầu tỉnh giấc.
Grazide thu dọn chậu nước rửa mặt buổi sáng của nàng, và sau đó biến mất khỏi căn phòng trong khi nàng thay đồ. Nàng đã yêu cầu Grazide làm vậy sau mấy ngày thấy hết sức ngượng ngùng. Sự xấu hổ thành thật của nàng đã thể hiện những gì mà nàng không thể nói ra. Sau khi nàng mặc đồ xong, Grazide trở lại phòng để tết tóc cho nàng. Sáng nay bà ấy vẫn liến thoắng như mọi lần.
“Ôi, cô thật xinh đẹp tuyệt vời, thưa phu nhân,” bà nói một thôi một hồi. “đúng là rất phù hợp với vai trò của nữ chủ nhân. Cô và ngài lãnh chúa sẽ ăn tối cùng chúng tôi tối nay chứ ạ?” Cái nhìn của bà ta chứa đựng một niềm hi vọng và một nét tinh tế thoáng qua trong Grazide.
Juliana không bao giờ biết cách phản ứng lại với những câu hỏi trực tiếp như vậy, một trong những câu mà nàng luôn nhận được mỗi sáng. Lần nào nàng cũng cố tìm cách trốn tránh trong im lặng.
“Có lẽ ngài ấy quá bận để làm tròn vai trò của một chú rể, thưa phu nhân.” Grazide ngẩng đầu lên và cười với nàng, một cái nhìn suy đoán hiện lên trên mặt bà.
“Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu ngài ấy là một người nghịch ngợm, thưa phu nhân. Khi còn nhỏ, ngài ấy đã như vậy rồi. Một lần, ngài ấy và ngài Gregory nắm tay nhau đi qua một cây cầu bắc ngang dòng sông. Ngài và Gregory đã suýt bị chết đuối khi họ cùng bị ngã xuống dòng nước chảy xiết. Tôi còn nhớ Magdalene đã hoảng hốt thế nào khi bà ấy biết chuyện. Bà đã véo tai họ và bắt họ đi ngủ mà không có bữa tối.”
“Magdalene?”
“Người hầu của cha ngài ấy. Một phụ nữ đáng mến. Và tôi vẫn không hiểu tại sao bà ấy lại từ chối lời cầu hôn của ngài lãnh chúa quá cố.”
Grazide thắt những cái nơ lên đỉnh đầu nàng trông như một cái vương miện. “sau khi ông ấy mất, thật tội nghiệp, bà ấy đã trở về quê nhà.” Grazide cúi đầu xuống cho đến khi bà ta nhìn rõ mặt Juliana. “Bà ấy là người Pháp mà, cô biết đấy.”
“Gregory là ai thế?”
Grazide bật cười. “À, tôi có thể nhận ra hai người chưa có nhiều thời gian để chuyện trò. Gregory là em trai duy nhất của ngài bá tước. Không phải không có nhiều đứa trẻ được sinh ra trước đó, chúa ban phúc cho những linh hồn bé nhỏ đó. Và đều do mẹ ngài sinh ra. Phu nhân tội nghiệp đã qua đời khi hạ sinh một người con trai khác. Nhưng chúng đều ra đi không vì lí do này thì cũng vì lí do khác.” Bà vỗ vỗ lên vai Juliana để làm yên lòng nàng. “Nhưng chúng tôi không nghĩ những chuyện đó sẽ lặp lại với cô đâu, thưa phu nhân.”
Lại một câu nữa Juliana không biết bình luận thế nào, nhưng như thường lệ, Grazide dường như cũng không mong đợi nó. Nàng nghi là bà có khả năng giữ im lặng để nghe câu trả lời. “ Ngài ấy và ngài Gregory luôn cố tìm cách đánh bại người kia trong một trò chơi hay một vài việc khác. Nguời này ở đâu, thì người kia cũng ở đó. Thật ra có lẽ đó là lí do mà ngài bá tước bị gãy chân.”
“Sao bà không bao giờ kể về Sebastian khi đã trưởng thành, Grazide? Thậm chí ở tu viện chúng tôi cũng đã từng nghe những câu chuyện về những cuộc chiến mà anh ấy đã thắng.” Thực ra, đó là một điểm sáng trong cuộc sống của nàng. Một nghịch lý khi người đàn ông nàng không biết rõ lại có thể mang lại cho nàng sự nổi tiếng. Những cô gái trong tu viện thường thì thầm về anh ta, hay hỏi nàng những câu hỏi về chồng nàng, và tỏ ra thất vọng một cách lạ lùng khi nàng từ chối nói về anh ta. Nàng có thể kể gì với họ chứ? Rằng người đàn ông họ bàn đến với nỗi kính sợ rất đàn bà đó cũng chỉ là một người lạ với nàng ư?
“Thực vậy đấy, thưa phu nhân, ngài ấy là một chiến binh hoàn hảo. Nhưng những ngày tháng chiến đấu của ngài ấy cũng là những ngày đau buồn. Với căn bệnh và sự ra đi của cha ngài và ngài Gregory thì bỏ nhà ra đi để tìm vận may, có nhiều những kí ức đau buồn hơn là hạnh phúc.” Bàn tay của Grazide vẫn ở trên cái vương miện cài trên tóc nàng khi bà ta dường như đang nhìn vào trong quá khứ. “Có lẽ nó giống như là tôi thích nhớ về những thời gian vui vẻ hơn, thưa phu nhân, khi ngài ấy còn nhỏ và con trai tôi Ned cũng vậy. Cả hai đều đã lớn lên thành những người đàn ông rồi.” Bà ta lại vỗ vai Juliana. “Nhưng tôi đang nói gì thế này? những thời khắc vui vẻ đã lại ở đây rồi, không phải sao? Và cô cùng với ngài lãnh chúa sẽ làm cho lâu đài tràn ngập trẻ con.” Bà ta cười sáng ngời.
Tuy nhiên, sự thật là sẽ chả có đứa trẻ nào ở Langlinais cả. Ít nhất không phải của nàng. Juliana đứng dậy và cho phép Grazide rời khỏi, những giây phút dễ chịu của buổi sáng đã bị xua tan một cách đột ngột như sương mai.
Nàng bước vào căn gác và đóng cửa lại. Không gian nhỏ mang lại sự thoải mái duy nhất khỏi những thắc mắc đang ăn mòn nàng.
Juliana phát hiện ra quả là một kì công khi nàng tự giả vờ là có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Rút cục, nàng lại chẳng cần thuyết phục ai cả. Mọi người đều đoán rằng nàng hài lòng khi được trở thành vợ của Sebastian xứ Langlinais, được sống ở một nơi đẹp tuyệt vời. Không có trách nhiệm nào nàng được mong đợi phải hoàn thành, không phải đóng vai trò là một bà chủ. Không có thứ gì về lâu đài bị thiếu sót, không có việc gì yêu cầu sự hiện diện hay tham dự của nàng.
Hàng giờ liền nàng được phép làm bất việc gì nàng thích, không tồn tại như một sự trao đổi cuối cùng của cha nàng, vì vinh quang của tu viện, hay vật sở hữu của người chồng mà nàng không biết.
Bà tu viện trưởng đã nói rằng nàng là một học sinh giỏi. Để làm hài lòng bà, Juliana đã cố học chăm chỉ hơn. Bà tu viện trưởng là một phụ nữ đầy tài năng, người tin rằng kiến thức là để chia sẻ, vì vậy Juliana được phép đọc bất cứ bản viết tay nào trong tài sản của tu viện. Cho nên, sự giáo dục của nàng có những điểm mạnh cũng như những điểm yếu. Nàng rất thông thạo thơ ca và những triết gia Latinh, nhưng lại ít hiểu biết hơn về những tư tưởng đương thời và không biết gì về tiếng Hi Lạp.
Những nhà tư tưởng lớn viết về những sự thiếu hiểu biết và kiến thức, về tình yêu và những triết lí sống. Nhưng họ ít khi nhấn mạnh vào niềm hạnh phúc. Không một bản viết nào nàng từng đọc nói về niềm vui, mãnh liệt đến mức có thể làm thay đổi suy nghĩ và trong sạch linh hồn.
Juliana, với tuổi trẻ và hoàn cảnh sống cách biệt, đã từng biết đến những khoảnh khắc sung sướng mãnh liệt. Những mùa trong năm cho nàng niềm vui. Tiếng hót tuyệt vời của con chim cổ đỏ đầu tiên khi mùa xuân đến, âm thanh của một con ếch ồm ộp trong một đêm mùa hè.Sự xôn xao của cơn gió luồn qua những tán lá trên một cái cây mùa thu. Tuyết đầu mùa. Tất cả những khoảnh khắc vui tươi đó đã gói gọn trong tâm trí nàng, để giúp nàng trải qua những ngày nàng bị phạt phải quỳ trước thánh đường hay bị cấm đến phòng viết. Nàng rất giỏi phân tích những giây phút khiến nàng thoải mái nhất. Nàng có thể đặt một khoảnh khắc hoàn hảo vào trong trí nhớ đơn giản bằng cách nhắm mắt lại và tì tay lên ngực và tự nói với nàng, “Đây này, đây là thứ mình sẽ ghi nhớ.” Những ngày ở trong căn gác cũng giống như thế, những kí ức nàng sẽ không bao giờ quên.
Mảnh giấy da vẫn trống trước mặt nàng, mặt trời chiếu sáng trên những đường vân rất đẹp. Nàng đã tự chuẩn bị nó, nghiền nát những mảnh da chưa thuộc, làm sạch nó, rồi lại giã nhỏ. Không hề còn sót lại sợi lông nào trên mảnh da, không có kí hiệu nào mà không được sắp xếp một cách chính xác, hay dấu hiệu của việc nàng không dồn hết công sức của mình vào đó.
Có điều gì đó về sự trống không của mảnh giấy da chưa được đụng đến, sự trống trải của nó làm tâm trí nàng bị khuấy động. Những từ ngữ chưa được sao chép, không có sự phát sáng của màu sắc trên trang giấy thu hút đôi mắt nàng.
Một ngày nào đó, có lẽ, nàng sẽ làm việc với màu vàng. Nàng hình dung nó sẽ như thế nào khi đặt một tờ giấy vàng lên mảnh da trống, ép nó vào những thớ của mảnh vải da. Sau đó, từ từ, phần cần được lên màu sẽ tách ra. Nàng chưa bao giờ có dịp làm việc với giấy vàng, nó đắt như màu mực đỏ son mà chỉ có bà tu viện trưởng được sử dụng.
Trong một lúc nữa thôi, màu mực của nàng sẽ được xử lí xong để bắt đầu, màu sắc sẽ thay đổi từ trong suốt sang màu xanh nhạt. Nó sẽ viết nên ba chữ cái với những cái bút lông ngỗng nàng đã chuẩn bị. Trên mảnh giấy da, đầu tiên sẽ xuất hiện màu xanh dương, sau đó dần dần sẫm lại thành màu đen. Và rồi, những từ nàng sao chép sẽ tồn tại vĩnh cửu.
Mỗi chữ cái đầu của một chương mới, nàng để lại kí hiệu của nàng, một bức tranh nhỏ của chính nàng. Nàng không có mái tóc vàng hoe và bóng mượt, nhưng cô gái trong hình trang trí của nàng sẽ có. Tóc nàng có màu đen như trái timcủa một kẻ tội đồ, mắt nàng có màu sắc kì lạ khiến nàng từng bị trêu chọc từ khi nàng còn nhỏ. Mỗi lần nàng vẽ cô gái nhỏ, treo trên cái đuôi của chữ Q hay ngồi trên thanh ngang của chữ A, một nụ cười đến cùng công việc của nàng. Có lẽ để lại hình trang trí của nàng trên những trang giấy quan trọng như vậy là một việc thật vô nghĩa, nhưng nó là chữ kí duy nhất nàng được cho phép dùng. Theo cách của những nhà học giả, qua nhiều thế kỉ, để lại một dấu hiệu của chính họ trên công việc mà họ đã hoàn thành. Theo cách này, nếu những ghi chú ngoài lề của nàng bị xoá đi, sẽ vẫn có một dấu hiệu của nàng còn lại trong cuốn sách mà nàng đã chăm chỉ sao chép.
Một tiếng động làm ngắt quãng sự mơ mộng của nàng, một cái lướt nhẹ tạo nên chữ B hoa. Nàng tạm dùng tay, chiếc bút lông lơ lửng, không phải trên mảnh giấy da tránh trường hợp làm rớt mực lên mặt giấy và làm tiêu tan công việc của cả một ngày, mà phía trên cái đĩa nông bằng đất nung đặt bên cạnh cho mục đích đó.
Nàng đã làm việc trong bao lâu rồi nhỉ? Nàng nhìn thẳng lên phía trên, ngắm nghía quang cảnh phía truớc lần đầu tiên. Những ngọn đồi nối tiếp và thung lũng mù sương. Từ chỗ của nàng trong căn gác, độ cao trông không có vẻ đáng sợ. Những rõ ràng là một ngày đã trôi qua tốt đẹp.
Nàng nhấp nháy mắt, giờ mới chú ý thấy sự đau nhức giữa hai vai. Nhờ Jerard nàng không cảm thấy cơn đau nhức đó ở phần lưng dưới. Cái ghế đẩu nàng ngồi đã được đóng với độ cao chính xác. Nàng đứng dậy và vươn người, co duỗi những ngón tay.
Sau đó, nàng làm như mọi ngày, thu dọn những vật dụng, chú ý thấy những cái bút lông của nàng cần được thay thế sớm; hai cái đã trở nên xơ xác. Một trong những mảnh giấy da của nàng bị quăn góc, do cả sự ẩm ướt và sự làm phẳng không đúng quy cách của nàng. Nàng sẽ sửa cho thẳng vào ngày mai. Nhưng nguồn cung cấp mực mới là nỗi bận tâm lớn nhất của nàng. Nếu nàng không bắt đầu một mẻ mới, nàng sẽ phải chờ cho đến khi nó được xử lí xong để có thể sử dung được.
Ngay sáng mai, nàng sẽ bắt đầu đi tìm nguyên liệu.
Liệu mỗi ngày sẽ dễ chịu như ngày vừa qua chứ? Nếu vậy, nàng có thể chịu đựng được cuộc hôn nhân của nàng dễ dàng thôi.
Người Yêu Dấu Người Yêu Dấu - Karen Ranney Người Yêu Dấu