Chương 6
rong câu chuyện này tôi đã đi tới chỗ để cho hoàn cảnh dẫn dắt mình đóng một vai trò lớn hơn, và tôi phải thú nhận là sau khi đã nghiêm túc hứa hẹn với James, tôi thật đáng trách vì đã bàn luận với một nhà khoa học Pháp về những nghiên cứu của anh, dù chỉ là nói gián tiếp. Nhưng tôi nghĩ là mình có lý do bào chữa. Trước hết, đó chỉ là do tình cờ chứ không phải chủ ý của tôi mà trong thời gian đó tôi lại tiếp xúc lần đầu tiên với Monestier. Hơn nữa, như quý vị sẽ thấy, những gì tôi hỏi Monestier toàn là những điều mà Monestier không một lúc nào có thể nghĩ rằng những thí nghiệm lạ lùng như vậy lại đang được một bác sĩ thực hiện. Và cuối cùng, tôi bắt buộc phải nói rằng những biện pháp của tôi, dù có thể là vội vàng, cũng đã giúp cho James tiến những bước dài trong việc giải quyết vấn đề này.
Tôi về đến Paris vào thứ Bảy, và ngay tối hôm đó ăn tối với mấy người bạn. Khi đã yên vị ở bàn ăn, tôi thấy mình ngồi bên cạnh bàn của ông Monestier. Từ lâu ông ấy đã là một mục tiêu ngưỡng mộ của tôi, bởi ông không chỉ là một trong những nhà vật lý danh tiếng nhất, sau Jean Perrin và Langevin, mà còn là một cây bút tuyệt vời. Và bản thân nhân vật này cũng hấp dẫn tôi, với đôi mắt xanh tinh nhanh như mắt trẻ thơ, chỏm tóc mềm bạc trắng, và giọng nói nhanh nhảu, trẻ trung. Ông ấy bắt chuyện trước, tôi còn nhớ, về những công trình của Esnault- Pelterie và khả năng du hành lên mặt trăng.
– Tôi đây thì không đi được rồi, - ông nói. - Con trai tôi thì có thể. Cháu nội tôi thì chắc chắn... Đằng nào cũng sẽ có hàng trăm người tình nguyện.
– Họ sẽ thở bằng cách nào? - Tôi hỏi.
– Họ có mang theo dưỡng khí chứ, - Monestier nói. - Rồi về sau, khi một cộng đồng con người đã di cư lên đó thì sẽ có một chợ bán dưỡng khí để mỗi sáng các bà nội trợ đến mua nguồn dự trữ ô-xy để thở... Cuộc sống có vẻ sẽ rất đơn giản đối với những người sống trên mặt trăng... Nhà thám hiểm Christopher Columbus nếu ở thời nay thì ông ta sẽ nghĩ sao nếu như người ta lấy tên ông đặt cho chiếc tàu khách viễn dương Île de France? Hãy đọc lại các truyện giả tưởng của Jules Verne và Wells đi. Hầu như mọi giấc mơ của các thế hệ trước đều đã trở thành thực tế của ngày hôm nay.
Đúng ngay lúc đó (và chắc chắn là vì trong câu chuyện nhà khoa học này đã tung ra hai cái tên Jules Verne và Wells một cách thông cảm), bỗng dưng tôi không kềm lòng được nên phải hỏi ông ấy về giá trị khoa học của những gì bác sĩ James đang nghiên cứu.
– Tôi phải thưa với ông là, - tôi nói với Monestier, - chính tôi cũng đang suy nghĩ để viết một truyện giả tưởng; và đây là một truyện mà nhân cơ hội này tôi rất vui mừng nếu được nghe ý kiến của một nhà khoa học về nó... Tất nhiên ông sẽ thấy đề tài này rất là phi lý... Tôi cũng biết là nó phi lý. Nhưng tôi muốn nghe ông chỉ bảo cho, giả sử như có một nhà khoa học điên khùng tới mức làm những thí nghiệm như thế, thì nhân vật này sẽ phải đi theo hướng nào, tìm tòi bằng cách thức nào.
Thế là tôi liền thuật lại cho Monestier nghe, cứ như đó là một chuyện hư cấu, về những trao đổi của tôi với James, và những thí nghiệm tôi đã chứng kiến. Ông ấy chiều ý tôi và vui vẻ lắng nghe.
– Thật ra thì cũng không quá phi lý đâu, - ông nhận xét. - Đã có hạt “điện tử” thì tại sao lại không thể có hạt “linh tử” chứ? Nói cho cùng chúng ta hiểu biết rất ít... Vậy thì chính xác cậu muốn tôi nói gì đây? Ông bác sĩ của cậu có thể làm những thí nghiệm gì à? Chà, nếu tôi là nhân vật đó thì trước tiên tôi sẽ cố tìm xem có phải có những loại tia nào đó sẽ không làm hiển hiện được thứ năng lượng mà ông ta nghĩ là đã thu thập được trong chiếc bình chứa... Cậu có bao giờ đã thấy những chất phát quang nào không thể thấy được vào ban ngày nhưng trong bóng tối lại hiện rõ dưới những tia tử ngoại không?
– Không, chưa hề.
– Lúc nào đó tôi sẽ cho cậu thấy; một cảnh tượng khá đẹp mắt... Ngày mai cậu ghé phòng thí nghiệm của tôi được không?
– Thế thì còn gì bằng.
Và hôm sau tôi đến tìm ông trong một toà nhà mới, giữa mớ thiết bị bóng loáng, phức tạp. Lúc tôi đi vào, ông đang đứng trước một ống thủy tinh, lúc tới gần hơn tôi thấy trong bình có những vòng tròn ánh sáng mảnh như tơ màu tím hồng, sáng nhạt và lạ thường.
– À, chào cậu, - ông nói. - Nhìn này, đây là một hiện tượng rất kỳ cục... Xem đi. Tôi sẽ đưa một thanh nam châm lướt dọc theo ống này...
Ông ấy đang cầm một thanh nam châm nhỏ hình móng ngựa, và ông từ từ di chuyển thanh nam châm về bên phải. Liền lúc đó tôi thấy những vòng sáng kia tách rời nhau ra, chuyển động theo thanh nam châm và càng lúc càng nhạt màu hơn, càng trong suốt hơn. Rồi Monestier dịch thanh nam châm ngược về bên trái; và những vòng sáng luồn vào nhau cho đến khi chúng hợp thành một vòng tròn nhỏ duy nhất của một chất gì đó màu tím.
– Hay quá! - Tôi kêu lên. - Nhưng xin ông giải thích cho!
– À! Chính tôi cũng đang tìm cách giải thích đây! Tôi vẫn chưa biết tại sao... Nhưng cậu đến để xem hiện tượng phát quang. Tôi không được làm mất thời giờ của cậu...
Trong một góc phòng có một thiết bị đã được kéo ra, đen kịt, trông khá giống một chiếc máy chụp ảnh kích thước lớn, phủ tấm vải mà thợ ảnh thường dùng khi canh nét. Monestier nói:
– Đây là máy tạo tia tử ngoại. Ánh sáng nhìn thấy được khi đi vào máy sẽ bị ngắt bởi một chiếc đĩa đen chỉ cho phép những tia không nhìn thấy đi qua... Này, cậu vui lòng tắt đèn cho... Công tắc ở phía xa bên trái đó... Tốt. Bây giờ tôi cho máy này hoạt động trong bóng tối... Cậu không thấy gì cả... Nếu cậu đưa bàn tay mình chắn ngang đường đi của tia sáng này thì cậu sẽ thấy bàn tay hơi ửng lên, và nếu cậu để tay quá lâu thì cậu sẽ bị bỏng đó... Tốt. Bây giờ tôi đặt trước máy này một bình chứa đầy nước. Đương nhiên là không nhìn thấy gì... Nhưng tôi sẽ rót một chất phát quang vào bình nước này và... nhìn đi!
Đột nhiên hai đốm sáng màu xanh ánh thép hiện ra trong bóng tối, như hai hành tinh lơ lửng trong màn đêm. Chúng vừa lan rộng ra vừa chầm chậm cuộn xoáy theo những đường trôn ốc, lớn dần và nhạt dần, những tinh vân càng lúc càng mỏng manh. Tràn ngập cả bình nước là một màn khói lỏng như một đám mây lung linh huyền ảo.
– Đẹp quá! - Tôi thốt lên. - Giống như đang chứng kiến sự hình thành vật chất... Nhưng tại sao tất cả những điều này lại không nhìn thấy được trong ánh sáng bình thường?
– Anh bạn thân mến, - Monestier mỉm cười và nói - những cái “bởi vì” của khoa học gần như luôn là những tuyên bố về những sự việc quan sát được... Anh nhớ câu “Quia est in eo virtus dormitiva” trong kịch Molière chứ?... Bởi vì có những chất phát quang chỉ nhìn thấy được dưới các tia tử ngoại. Nhưng quay lại tình tiết câu chuyện của cậu đi; và đêm qua tôi đã mơ tưởng rất nhiều về nó; không có gì cấm ta giả sử rằng cái “chất sinh lưu” của cậu có tính phát quang... Nhân vật bác sĩ trong truyện của cậu chắc chắn có thể mượn một thiết bị trong bệnh viện tương tự như cái máy này... Cho anh ta đặt những chiếc chuông thủy tinh trên đường đi của các tia sáng và..., ai mà biết được?... Không chừng anh chàng sẽ nhìn thấy các hạt “linh tử” đột nhiên phát sáng lên.
– Đúng rồi... một ý kiến rất hay... Thế ông có nghĩ là lớp thủy tinh của chiếc chuông ấy sẽ ngăn được năng lượng chứa đựng bên trong không cho thoát ra không? Hay là nhân vật này cần phải có những bình chứa bằng kim loại? Hay bằng thạch anh?
– À, điều đó thì tôi không biết... Tất cả tuỳ thuộc vào tính chất của chất lỏng trong truyện anh viết, mà điều đó tôi cũng không biết. Nhưng tôi thấy không có một lý do tiên nghiệm nào mà lại cho rằng thủy tinh không thích hợp... Nếu nó không thích hợp, cậu thử cho nhân vật của cậu dùng loại thủy tinh hỗn hợp xem. Như vậy cậu sẽ có những bình chứa màu đỏ rất đẹp trong câu chuyện đó... Nhưng tôi sẽ cho cậu xem một thứ khác.
Ông ấy cho tôi xem những phiến xà phòng, cực mỏng, trong đó đã hình thành những đĩa tròn màu tươi thắm, luôn biến đổi, và tôi không dám nói gì thêm về “sáng tác” của mình nữa.
Người Cân Linh Hồn Người Cân Linh Hồn - André Maurois Người Cân Linh Hồn